GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 7/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho tất cả những ai được hưởng một mùa lễ nghỉ ở thời điểm này trong năm biết lợi dụng việc nghỉ hè của mình để tái nhận thức nơi Thiên Chúa tình trạng bình an nội tâm của họ cũng như để vươn tới việc yêu thương nhân loại”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho các Giáo Hội trẻ biết chú trọng hơn nữa đến thành phần tín hữu giáo dân cũng như biết tin tưởng vào họ hơn nữa đối với việc truyền bá phúc âm hóa”.  

__________________

 NGÀY 31 THỨ BẢY

  

 

THIẾU NHI FATIMA: ĐỜI HIẾN TẾ

 

 

Hoạt Kịch 2 Màn

về

Ba Thiếu Nhi Fatima:

Lucia Khổ Đau

Phanxicô Đền Tạ

Giaxinta Hy Sinh

 

Biên soạn cho Liên Đoàn Thiếu Nhi Fatima trình diễn trong phần văn nghệ mừng Phong Trào Thiếu Nhi Fatima 20 Năm Thành Lập, được tổ chức vào ngày Thứ Bảy 24/7/2004 tại Giáo Xứ Saint Charles Borromeo Church ở North Hollywood California.

   

 

Màn Hai:

 KHỔ ĐAU – ĐỀN TẠ – HY SINH

 

 

Cảnh 1: Một Lucia Khổ Đau

 

 

Nhập Đề: (trong khi bên trong sân khấu sửa soạn như ở phần Diễn Xuất dưới đây)

 

 

Lời Dẫn: Chị Lucia đã thuật lại nỗi đớn đau tột độ của mình/ sau lần gặp gỡ cha xứ của chị như sau:

 

Lucia (giọng lớn tuổi hơn, vì đây là đoạn tự thuật): Nghĩ đến điều này/ làm con cảm thấy thấm thía khổ đau./ Chỉ có một mình Chúa biết,/ vì chỉ có Ngài mới thấu suốt được tận đáy lòng của chúng ta mà thôi./ Bấy giờ con bắt đầu có những ngờ vực/ là không biết có phải những cuộc hiện ra này/ phát xuất từ ma quỉ hay chăng,/ thành phần luôn sử dụng cách ấy/ để làm hư đi linh hồn của con./ Khi con nghe thấy người ta nói rằng/ ma quỉ bao giờ cũng gây ra những xung khắc và lệch lạc,/ con bắt đầu nghĩ rằng/ thế thì đúng rồi,/ vì con chưa hề thấy những điều ấy xẩy ra bao giờ/ nơi gia đình của con,/ một gia đình không còn như trước nữa,/ niềm vui và an bình đã biến mất./ Con cảm thấy buồn thật là buồn!/ Con đã kể cho các đứa em của con biết về những ngờ vực của con. Nghe thế Giaxinta liền đơn sơ biện luận:

 

Giaxinta: Không,/ không phải là ma quỉ đâu!/ Không thể nào lại như vậy được!/ Họ nói rằng ma quỉ thì rất ư là ghê rợn/ và nó ở dưới lòng đất trong hỏa ngục cơ mà./ Đằng này Đức Bà của chúng ta thật là đẹp đẽ,/ và chúng ta đã thấy rằng Bà đi lên trời đó chị!

 

Lucia: Chúa đã dùng những lời ấy/ để đánh tan phần nào những ngờ vực của con./ Thế nhưng,/ trong tháng ấy,/ con đã mất đi tất cả nhiệt tình phấn khởi trong việc hy sinh/ cũng như trong việc thực hiện những hành động hãm mình,/ để rồi/ con đã đi tới chỗ do dự/ không biết có nên thú rằng/ con đã nói dối/ để chấm dứt tất cả mọi chuyện cho xong hay chăng./ Biết được ý định của con,/ Giaxinta và Phanxicô đã kêu lên:

 

Giaxinta:  Xin chị chớ làm như thế!

 

Phanxicô: Chị không thấy rằng/ giờ đây chị đang tính nói dối hay sao/ mà nói dối là có tội đó chị?

 

Lời Dẫn: Trong khi con đang lâm vào tâm trạng hết sức bối rối này/ thì con lại có một giấc mơ/ chỉ làm tăng thêm tăm tối cho tâm thần con mà thôi./ Đó là con mơ thấy một thằng quỉ cười con/ vì con bị nó đánh lừa,/ và nó đang cố gắng lôi con xuống hỏa ngục./ Thấy mình bị nó giữ thật chặt,/ con bắt đầu la lên xin Đức Mẹ cứu con/ to đến nỗi/ con đã làm cho má con tỉnh giấc./ Bà lo lắng lay con dạy/ và hỏi con làm sao thế./ Con không nhớ con đã nói với bà những gì,/ thế nhưng/ con thực sự nhớ rằng/ con đã sợ hãi quá sức/ đến không thể nào ngủ được nữa trong đêm hôm ấy./ Giấc mơ này/ quả thực đã làm cho linh hồn con thực sự tràn ngập những hãi sợ và sầu thảm.

 

 

Diễn xuất:

 

(Phông Cảnh: thiên nhiên đồng nội giống như màn thứ nhất. Khung Cảnh: vẫn có mấy tảng đá và bụi rậm ở trước cái phông cảnh sân khấu này. Dàn Cảnh: Lucia đang ngồi trên một tảng đá. Mắt nhìn bâng khuâng về phía trước, rồi cúi xuống suy tư.)

 

Lời Dẫn: Lucia chỉ có thể tìm thấy khuây khỏa/ bằng cách lẩn mình ở một nơi vắng vẻ/ để nức nở khóc cho hả hê cõi lòng./ Thậm chí/ cả đến những người em họ của Lucia cũng trở thành gánh nặng cho Lucia,/ nên Lucia cũng bắt đầu lẩn trốn hai em./ Thật là tội nghiệp cho Phanxicô và Giaxinta bơ vơ!/ Có những lúc hai em đi tìm chị Lucia của mình,/ thảm thiết gọi tên Lucia/ nhưng không được hồi đáp,/ trong khi ấy/ Lucia bao giờ cũng nghe thấy tiếng hai em gọi mình,/ nhưng Lucia vẫn cứ ẩn mình ở ngay bên cạnh hai em,/ trong một góc xó nào đó,/ nơi hai đứa không hề nghĩ tới./ Thật vậy,/ bấy giờ,/ khi vừa nghe thấy tiếng gọi của Phanxicô và Giaxinta:

 

Phanxicô: Chị Lucia ơi,/ chị ở đâu vậy?

 

Giaxinta: Sao chị lại nỡ bỏ chúng em hả chị!

 

(Lucia liền vội vàng lẩn trốn ở phía sau của một bụi rậm, vừa để lánh mặt hai em, vừa theo dõi hành động của hai em. Nói xong câu “sao chị lại nỡ bỏ chúng em” của mình, Giaxinta ôm chầm lấy anh Phanxicô mà khóc nức nở làm Phanxicô vỗ về an ủi em mình:)

 

Phanxicô: Thôi em đừng khóc nữa./ Thật là tội nghiệp cho chị Lucia./ Chúng ta hãy cầu nguyện cho chị thoát chước cám dỗ của ma quỉ./

 

Giaxinta: Anh có nhớ không,/ mới đây chị có cho anh em mình biết rằng/ Chị không đi với hai anh em mình đến nơi Bà đẹp dặn nữa đâu./ Chị bảo/ Nếu Đức Bà có hỏi chị đâu, hai anh em mình phải thưa với Bà rằng/ chị không đám đến/ vì chị sợ việc này là do ma quỉ làm./ Chị còn dặn em là/ nếu chị không tới/ thì em sẽ thay chị thưa chuyện với Đức Bà/ rồi nói lại cho cả anh và chị ấy nghe nữa.

 

Phanxicô: Anh tin rằng chị Lucia sẽ đến./ Nhất định chị sẽ đến./ Vì Đức Bà muốn gặp cả 3 chị em chúng ta/ chứ không phải chỉ riêng hai anh em mình mà thôi./ Nếu mỗi lần hiện ra Đức Bà chỉ nói chuyện trực tiếp với chị Lucia/ thì nhất định Đức Bà sẽ khiến chị phải tới./ Trong khi tìm chị,/ chi bằng chúng ta hãy tin tưởng cầu nguyện cho chị.

 

(Cả hai anh em Phanxicô và Giaxinta quì ngay tại chỗ đọc một kinh Kính Mừng. Sau khi thấy hai anh em Phanxicô và Giaxinta bỏ đi, Lucia tiến về vị trí cũ của mình, vừa đi vừa lau nước mắt. Em lại ngồi xuống tiếp tục suy nghĩ).

 

Lời Dẫn: Ngày 13 tháng 7 đã gần/ mà Lucia vẫn còn lưỡng lự/ không biết mình có nên tới hay chăng./ Lucia vẫn cứ nghĩ trong bụng rằng:

 

Lucia: Nếu là việc ma quỉ làm thì tại sao tôi lại đến để nhìn thấy nó nhỉ?/ Nếu hai em hỏi con tại sao con không đi,/ con sẽ nói rằng/ con sợ có thể đó là ma quỉ đang hiện ra cho chúng mình,/ nên con không đi./ Cứ để cho Giaxinta và Phanxicô làm gì tùy chúng;/ con nhất định không trở lại đồi Cova da Iria nữa./ Con đã quyết định như thế,/ và con cương quyết làm theo quyết định này.

 

Lời Dẫn: Tuy nhiên,/ lúc gần đến giờ phải ra đi,/ đột nhiên Lucia cảm thấy cần phải đi,/ như bị thúc đẩy bởi một mãnh lực nào đó/ không thể nào cưỡng lại được./ Thế rồi Lucia đứng ngay lên,/ vội đến nhà Phanxicô và Giaxinta./ Từ bên ngoài sân khấu,/ Lucia gọi vào trong:

 

Lucia: Phanxicô,/ Giaxinta,/ Phanxicô,/ Giaxinta,/ hai em còn ở nhà không?

 

(Phanxicô và Giaxinta chạy ngay ra. Giaxinta ôm ngay lấy chị, trong khi Phanxicô trả lời câu Lucia hỏi:)

 

Lucia:  Ủa/ các em không đi à?

 

Phanxicô: Chúng em không dám đi/ nếu không có chị!/ Chị đi với chúng em nhé!

 

Lucia:  Ừ,/ chị đi với các em. 

 

Giaxinta: Vậy thì chúng ta đi nhanh lên./ Tới giờ rồi.

 

(Nói xong, trong khi màn được từ từ kéo lại, Giaxinta liền nắm lấy hai tay của Lucia và Phanxicô kéo đi).

 

 

  

 

Cảnh 2: Một Phanxicô Đền Tạ

 

 

 

Nhập Đề (trong khi bên trong sân khấu sửa soạn như ở phần Diễn Xuất dưới đây)

 

 

Lời Dẫn: Nếu Lucia thực hiện ơn gọi hy sinh của Thiếu Nhi Fatima/ bằng việc “chấp nhận mọi đau khổ” thế nào,/ thì Phanxicô cũng thực hiện ơn gọi hy sinh của Thiếu Nhi Fatima/ bằng việc “đền tạ những xúc phạm” như vậy./ Theo Hồi Niệm Thứ Bốn của mình,/ chị Lucia đã cho chúng ta thấy hình ảnh một Phanxicô ngày xưa,/ ngày trước Biến Cố Thánh Mẫu Fatima,/ chẳng những thích ngồi ở một tảng đá trên đồi cao để thổi sáo,/ nhưng sau đó đã bỏ thói quen và sở thích lành mạnh của mình này,/ mà thậm chí/ còn bỏ cả những giây phút chơi đùa vui vẻ hữu ích/ với chị Lucia và em Giaxinta của mình/ để tìm chỗ cầu nguyện/ an ủi Đấng được em gọi là/ “Chúa Giêsu ẩn thân” của em./ Sở dĩ em tự nhiên xu hướng về việc đền tạ/ và chú ý đến việc đền tạ nhất,/ đền tạ cả Chúa Giêsu Thánh Thể lẫn Mẹ của Người,/ là vì em bị cảm kích/ trước hình ảnh của gương mặt thảm sầu của Mẹ Maria/ khi Mẹ nói lời kết thúc Biến Cố Thánh Mẫu Fatima/ cũng là lời làm nên cốt lõi của Sứ Điệp Fatima:

 

Đức Mẹ: Đừng xúc phạm đến Chúa/ là Thiên Chúa của chúng ta nữa,/ vì Ngài đã bị xúc phạm đến nhiều lắm rồi.

 

Lời Dẫn: Thật ra,/ theo lời Đức Mẹ nói,/ việc hiến mình hy sinh chịu mọi đau khổ của 3 Thiếu Nhi Fatima có hai mục đích rõ ràng,/ đó là,/ thứ nhất,/ để đền tạ Thiên Chúa bị tội lỗi xúc phạm,/ và thứ hai,/ để cầu cho tội nhân ăn năn cải thiện đời sống./ Thế nhưng,/ đối với Phanxicô là Thiếu Nhi Fatima chú trọng đến Thiên Chúa hơn các tội nhân,/ thì mục đích thứ nhất vẫn quan trọng và khẩn thiết hơn./ Hồi Ký Lucia 4 đã thuật lại điều này như sau:

 

Lucia: Vào một ngày kia,/ con hỏi em:/ Phanxicô,/ điều nào em thích hơn,/ an ủi Chúa chúng ta/ hay cải hối các tội nhân/ để không một linh hồn nào phải xuống hoả ngục nữa?./ Em đã trả lời con rằng.

 

Phanxicô: Em thích an ủi Chúa chúng ta hơn./ Chị không để ý đến tháng vừa rồi hay sao/ Đức Mẹ của chúng ta buồn biết là chừng nào,/ khi Người nói rằng/ người ta không được xúc phạm đến Chúa của chúng ta nữa,/ vì Ngài đã bị xúc phạm nhiều rồi?/ Em thích an ủi Chúa chúng ta trước,/ rồi mới cải hối các tội nhân/ để họ đừng xúc phạm đến Ngài nữa.

 

Lời Dẫn: Có một lần,/ Lucia và Giaxinta vào phòng của em,/ em nói với Lucia và Giaxinta rằng:

 

Phanxicô: Hôm nay đừng nói nhiều nghe,/ vì em nhức đầu lắm đó.

 

Giaxinta: Nhưng xin anh đừng quên dâng cái nhức đầu để cầu cho tội nhân nghe.

 

Phanxicô: Ừ./ Nhưng anh phải dâng để an ủi Chúa chúng ta/ và Đức Mẹ của chúng ta trước đã,/ rồi sau đó mới dâng cho các tội nhân và Đức Thánh Cha.

 

Lời Dẫn: Phải,/ đền tạ,/ đối với Phanxicô,/ không những là để hy sinh chịu khổ vì Chúa,/ còn chính là để an ủi,/ và thông cảm với Chúa,/ Đấng đã bị xúc phạm và tỏ ra buồn sầu./ Phanxicô đã an ủi và thông cảm với Chúa/ là Đấng Quá Sầu Buồn/ ở chỗ thích sống gần gũi với Chúa./ Đối với em,/ gần gũi,/ kề cận với Chúa Giêsu/ cũng là một việc cần thiết để an ủi Chúa./ Do đó,/ hễ có dịp/ là Phanxicô tìm đến với Chúa Giêsu Thánh Thể/ mà em gọi là Chúa Giêsu Ẩn Thân.

 

 

Diễn Xuất:

 

(Phông Cảnh: nhà thờ như ở màn hai cảnh một. Bức tường có cửa thông ra sân nhà thờ. Khung Cảnh: bàn thờ, nhà tạm và đèn chầu, hai bình hoa, trước bàn thờ có ghế quì. Dàn Cảnh: Lucia, Phanxicô và Giaxinta từ bên trong bắt đầu bước ra sân khấu như rời khỏi nhà để đi học. Trên tay mỗi em đều xách một cái cặp đựng đồ học sinh. Thấy Phanxicô đi chầm chậm, Lucia đừng lại hỏi em:)

 

Lucia: Làm sao vậy Phanxicô./ Em hầu như không thể bước đi nổi nữa rồi kìa!

 

Phanxicô: Em bị nhức đầu quá đi,/ em cảm thấy sắp ngã đến nơi rồi nè.

 

Lucia: Vậy thì đừng đi nữa./ Em hãy ở nhà đi!

 

Phanxicô: Em không muốn đâu./ Em thích ở trong nhà thờ với Chúa Giêsu Ẩn Thân/ trong khi chị đi học.

 

Giaxinta: Chị Lucia yên tâm./ Tình yêu mến Chúa Giêsu Ẩn Thân/ sẽ làm cho anh Phanxicô của em/ dư sức đi đến chỗ gặp được Người cho mà coi.

 

Lucia: Chị có chuyện này muốn nói với hai em/ để xin hai em cầu nguyện cho./ Đó là có một bà bạn xin cầu nguyện cùng Đức Mẹ/ cho đứa con trai của bà bị tố cáo phạm tội/ và anh ta có thể bị tù đầy./ Xin hai em hãy hợp ý với chị/ để cầu nguyện cho bà mẹ đáng thương này nhé.

 

Giaxinta: Phận sự của chúng ta là hy sinh cầu nguyện cho các tội nhân/ thì đây là dịp tốt/ để chúng ta cùng nhau hoàn tất phận sự của chúng ta mà chị./ Em sẽ hy sinh cầu cho anh ta,/ còn anh Phanxicô cầu nguyện nhé. 

 

Lucia: Kìa sắp tới trường rồi,/ chị em chúng ta hãy cùng nhau biến tất cả mọi sự trở thành hy sinh nhé,/ để đền tạ Chúa/ mà cầu nguyện cho các tội nhân/ như Thiên Thần Hòa Bình dạy cho chúng ta ngay từ đầu đó.

 

Phanxicô: Chị ơi!/ Trong khi chị đi đến trường,/ em sẽ ở lại với Chúa Giêsu Ẩn Thân,/ và em sẽ xin Người ban ơn cho đứa con trai phạm pháp của người đàn bà ấy.

 

(Trong khi Luica và Giaxinta đi vào hậu trường thì Phanxicô đi đến quì trước nhà tạm cầu nguyện, đôi mắt chăm chăm nhìn vào nhà tạm. Thời gian Phanxicô cầu nguyện, tiếp tục nghe những lời dẫn thêm về em như sau.)

 

 

Lời Dẫn: Đền tạ,/ đối với Phanxicô,/ cũng như với Giaxinta và Lucia,/ trước hết ở tại việc hy sinh chịu mọi đau khổ Chúa gửi đến cho./ Chị Lucia đã đề cập đến điều này trong Hồi Ký của chị như sau:

 

Lucia: Trong khi bị bệnh,/ em lúc nào cũng tỏ ra vui vẻ và bằng lòng./ Có những lần con hỏi em rằng: Phanxicô ơi em có đau lắm không?

 

Phanxicô: Đau lắm chị,/ nhưng không sao! Em đang chịu khổ để an ủi Chúa,/ để rồi sau đó,/ một thời gian ngắn nữa thôi,/ em sẽ về trời mà!

 

Lucia: Khi em lên đó rồi,/ đừng quên xin Đức Mẹ đem chị lên trên ấy sớm nhé.

 

Phanxicô: Em không xin điều đó đâu!/ Chị quá rõ là Người chưa muốn chị ở đó mà.

 

Lời Dẫn: Trước khi em chết 1 ngày,/ em nói với chị Lucia rằng:

 

Phanxicô: Chị coi!/ Em bệnh quá sức;/ giờ đây không còn lâu nữa em sẽ về trời.

 

Lucia: Vậy thì em hãy nghe đây./ Khi em lên đó rồi,/ đừng quên cầu nguyện thật nhiều cho các tội nhân nhé,/ cho Đức Thánh Cha,/ cho chị và cho Giaxinta nữa.

 

Phanxicô: Vâng,/ em sẽ cầu nguyện./ Thế nhưng,/ tốt hơn chị hãy xin Giaxinta cầu nguyện cho những điều này,/ vì em sợ rằng/ em sẽ quên mất khi em được thấy Chúa./ Vào lúc ấy/ em chỉ muốn an ủi Chúa mà thôi.

 

(Lucia và Giaxinta từ trong hậu trường ôm cặp trở ra sân khấu, trong khi Phanxicô cũng đứng lên, bái Chúa và bước ra ngoài nhà thờ vừa lúc gặp Lucia và Giaxinta bước tới. Trong khi cả ba từ từ tiến dần vào hậu trường:)

 

Lucia: Sao Phanxicô/ em có cầu xin Chúa ban cho ơn ấy không vậy?

 

Phanxicô: Có chứ,/ em đã cầu nguyện rồi./ Mấy hôm nữa con của người đàn bà này sẽ được thả về thôi.

 

Lucia: Cám ơn Phanxicô đã hiệp ý cầu nguyện với chị.

 

Lời Dẫn (khi màn được từ từ kéo lại): Thật thế,/ mấy ngày sau,/ người con trai đáng thương về đến nhà./ Vào ngày 13,/ anh ta và cả nhà đến tạ ơn Đức Mẹ về điều ấy.

 

 

   

Cảnh 3: Một Giaxinta Hy Sinh

 

  

Nhập Đề

 

 

Lời Dẫn (trong khi bên trong sân khấu sửa soạn như ở phần Diễn Xuất dưới đây:)  Trong Biến Cố Thánh Mẫu Fatima,/ nếu hình ảnh Mẹ Sầu Bi vào lần hiện ra cuối cùng 13/10/1917,/ đã ảnh hưởng đến tâm thần của Thiếu Nhi Fatima Phanxicô,/ khiến em chuyên chú vào việc đền tạ theo ơn gọi chuyên biệt của em,/ thì thị kiến hỏa ngục vào lần Mẹ hiện ra thứ ba 13/7/1917,/ đã làm cho Thiếu Nhi Fatima Giaxinta nhỏ nhất/ kinh hoàng khiếp đảm hết sức,/ đến nỗi em đã hăng say khao khát sống ơn gọi chuyên biệt của em/ là hy sinh “cầu cho tội nhân ăn năn trở lại” cùng Chúa./ Giaxinta đã thực hiện rất nhiều việc hy sinh với mục đích rõ ràng là để cứu các tội nhân,/ như chị Lucia thuật lại trong Hồi Ký Thứ Nhất của chị.

 

Lucia: Hôm ấy/ chúng con đang chơi ở chỗ giếng nước./ Gần đó có một cây nho của mẹ Giaxinta./ Bà đã cắt một ít chùm và mang lại cho chúng con ăn./ Nhưng Giaxinta không bao giờ quên các tội nhân cả./ Nên em đã nói:

 

Giaxinta: Chúng ta sẽ không ăn những chùm nho này./ Chúng ta hãy dâng hy sinh để cầu nguyện cho các tội nhân.

 

Lời Dẫn: Rồi em cầm những trái nho/ chạy đi cho những trẻ em khác đang chơi trên đường đi./ Em trở về/ mặt mày hớn hở,/ vì em đã thấy các trẻ em nghèo để trao cho họ những trái nho./ Lần khác,/ bà dì của Lucia gọi 3 em lại để ăn những trái vả bà mang về nhà,/ và thật sự là những trái ấy ai ăn cũng cảm thấy ngon miệng./ Giaxinta hớn hở ngồi xuống bên giỏ trái cây cùng với Lucia và Phanxicô/ rồi cầm trái vả đầu tiên lên./ Em gần ăn trái vả này/ thì sực nhớ lại nói:

 

Giaxinta: Đúng rồi!/ Hôm nay chúng ta chưa làm được một hy sinh nào cho các tội nhân hết!/ Chúng ta phải dâng hy sinh này đi.

 

Lời Dẫn: Thế rồi em đã bỏ trái vả lại giỏ trái cây/ để thực hiện việc hy sinh;/ cả Lucia và Phanxicô thấy thế/ cũng bỏ những trái vả vào giỏ/ để cầu nguyện cho các tội nhân ăn năn cải thiện đời sống./ Giaxinta đã thực hiện nhiều hy sinh như thế rất là thường./ Đó là cách Giaxinta đã sống hằng ngày của mình/ cho đến khi Chúa gửi đến cho em chứng bệnh cúm/ làm em phải nằm yên ở trên giường,/ cả anh Phanxicô của em cũng bị nữa./ Tối hôm trước khi ngã bệnh,/ em đã nói chị Lucia của em rằng:

 

 

Diễn Xuất

 

(Phông Cảnh: như ở màn ba cảnh hai lúc Phanxicô đang nằm trên giường bệnh. Khung Cảnh: như ở màn ba cảnh hai lúc Phanxicô đang nằm trên giường bệnh. Dàn Cảnh: Lucia đang đứng bên giường Giaxinta và nắm tay Giaxinta:)

 

 

Giaxinta: Em cảm thấy nhức đầu quá đi/ và rất là khát nước!/ Thế nhưng/ em sẽ không uống nước,/ vì em muốn chịu khổ cho các tội nhân.

 

Lucia: Em chịu khó ăn uống những thứ mẹ em lo cho em nhé./ Em không thích uống sữa/ thì hãy uống sữa,/ vừa bổ cho sức khỏe vừa hy sinh cứu các tội nhân./ Em thích ăn nho/ thì đừng hãm mình nhịn ăn,/ cứ tiếp tục ăn/ để giữ gìn sức khỏe nữa nhé./ Bao giờ khỏe hẳn đã/ rồi tiếp tục nhịn ăn nho cũng không muộn mà em./ Phải có sức mới hy sinh được phải không em?

 

Giaxinta: Cám ơn chị đã nhắc nhở em hy sinh.

 

Lucia: Hy sinh là thân phận của chị em chúng mình mà em./ Cuộc sống của chúng ta không phải chỉ ở chỗ/ lợi dụng tất cả mọi sự để hy sinh hãm mình như Thiên Thần Hòa Bình dạy,/ mà còn ở chỗ chịu đựng tất cả những gì trái ý nữa em.

 

Lời Dẫn (trong khi Giaxinta nói xong liền dựa đầu vào ngực chị Lucia). Lucia nói như thế là vì Giaxinta đã cho Lucia biết rằng/ Đức Mẹ tỏ cho Giaxinta hay/ Giaxinta sẽ lên thủ đô Lisbon để chữa bệnh/ song không có chị Lucia ở bên cạnh em.

 

Giaxinta: Vâng,/ em sẽ chịu đựng tất cả vì yêu Chúa,/ để đền tạ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria,/ để cầu cho các tội nhân/ cũng như cho Đức Thánh Cha./ Dù sao cũng chẳng còn bao lâu nữa em sẽ về trời./ Thế còn chị thì sao đây!

 

Lucia: Em đã biết rồi đó,/ Đức Mẹ bảo chị còn phải ở lại thế gian lâu hơn,/ vì Chúa Giêsu muốn dùng chị/ để làm cho Mẹ được nhận biết và yêu mến.

 

(Nói xong Luca lấy tay gạt nước mắt trong khi nghe những lời an ủi của Giaxinta)

 

Giaxinta: Tội nghiệp cho chị!/ Chị đừng có khóc!/ Em sẽ cầu thật nhiều cho chị khi em lên đó./ Phần chị,/ đó là cách Đức Mẹ muốn chị phải sống./ Nếu Người muốn điều ấy cho em,/ em sẽ hân hoan ở lại để chịu đau khổ hơn nữa cho các tội nhân.

 

Lucia: Thôi,/ đã khuya rồi./ Giaxinta ngủ đi em./ Mai chị sẽ trở lại thăm em.

 

Giaxinta: Chị nhớ đến thăm em nghe.

 

(Lucia tiến ra khỏi phòng, sau khi đắp mền lại cho Giaxinta, rồi tắt cây đèn dầu để trên bàn, sân khấu trở nên tăm tối. Trong khi Giaxinta đang nằm ngủ thì đọc thêm những lời dẫn sau đây:)

 

Lời Dẫn: Giaxinta được trở về nhà với cha mẹ em trong một thời gian./ Em có một vết thương lớn ở ngực/ cần phải được chữa trị hằng ngày,/ nhưng em đã chịu đựng không hề phàn nàn hay tỏ ra một dấu hiệu khó chịu nào./ Điều làm em khó chịu nhất là những cuộc viếng thăm thường xuyên/ và những câu hỏi của nhiều người đến thăm em,/ những người em không thể nào tránh né được nữa./ Thế nhưng,/ Giaxinta vẫn tiếp tục chấp nhận tất cả mọi sự để hy sinh cứu các linh hồn./ Có lần mẹ của Giaxinta xin Lucia hỏi Giaxinta xem/ Giaxinta suy nghĩ những gì/ khi Giaxinta lấy tay ôm mặt bất động một lúc lâu./ Bà đã đích thân hỏi em/ nhưng em chỉ mỉm cười không nói năng gì./ Lucia đã hỏi Giaxinta./ Em trả lời con như sau:

 

Giaxinta: Em nghĩ đến Chúa,/ đến Đức Mẹ,/ đến các tội nhân…

 

(Lời dẫn đến đây thì Giaxinta cố gượng mình chỗi dậy, xuống khỏi giường và quì cầu nguyện trước tượng chuộc tội. Đèn sân khấu được bật lên để diễn tiếp cảnh cuối cùng. Bấy giờ Lucia nhẹ nhàng tiến vào phòng của Giaxinta. Trong khi cảnh tượng này xẩy ra thì khán giả được nghe tiếp lời dẫn:)

 

Lời Dẫn: Một lần nữa,/ Đức Trinh Nữ lại chiếu cố đến thăm Giaxinta,/ để nói với em về những thánh giá mới/ cùng những hy sinh mới đang chờ đợi em.

 

(Giaxinta quay lại với chị Lucia đang đứng đằng sau mình/ để tiết lộ cho chị biết những điều ấy mà rằng:)

 

Giaxinta: Đức Mẹ lại bảo em rằng/ em sẽ đi Lisbon tới một bệnh viện khác;/ và em sẽ không còn thấy chị nữa,/ cũng chẳng được thấy cha mẹ em nữa,/ và sau khi đã chịu nhiều đau khổ,/ em sẽ bị chết cô đơn một mình./ Thế nhưng,/ Người nói rằng/ em không cần gì phải sợ hãi,/ vì chính Người sẽ đến để đem em về trời.

 

(Giaxinta gục đầu vào ngực Lucia, người cũng đang hết sức nghẹn ngào chảy nước mắt. Giaxinta nức nở nói tiếp:)

 

Giaxinta: Em sẽ không bao giờ được thấy chị nữa!/ Chị sẽ không đến đó thăm em./ Ôi xin chị cầu nguyện nhiều cho em,/ vì em sẽ bị chết cô đơn một mình!

 

Lucia: Tội nghiệp em quá đi./ Nhưng biết làm sao đây em./ Tội nhân quá cần đến cái hy sinh cùng tận này của em./ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Sầu Bi/ và Chúa Giêsu Ẩn Thân/ cần đến hy sinh sau hết này của em,/ một hy sinh vô cùng nhức nhối đối với em.

 

(Hai chị em hoàn toàn yên lặng. Không ai nói với ai một lời nào. Nỗi đớn đau làm cho cả hai đớn đau đến tê tái. Giaxinta đã phải chịu đựng kinh khủng cho tới ngày em lên đường đi Lisbon. Em cứ gắn liền lấy Lucia mà khóc nấc lên:)

 

Giaxinta: Em sẽ không bao giờ được thấy chị nữa!/ Không bao giờ được thấy mẹ em nữa,/ được thấy các anh của em nữa,/ thấy cha của em nữa!/ Em sẽ không bao giờ được thấy mọi người nữa!/ Thế rồi em sẽ chết lủi thủi một thân một mình.

 

Lucia (lấy tay gạt nước mắt của mình và lau mắt cho Giaxinta): Thì em đừng nghĩ đến nó nữa.

 

Giaxinta (chợt ngừng khóc, nói một cách cương quyết): Hãy để em nghĩ đến nó,/ vì càng nghĩ em càng khổ,/ song em muốn chịu khổ vì yêu Chúa và cho các tội nhân./ Dù vậy,/ em cũng không sao!/ Đức Mẹ sẽ đến đó để đưa em về trời.

 

(Nói xong Giaxinta với lấy cây Thánh Giá ở trên đầu giường em mà hôn rồi ôm cây thánh giá mà than lên rằng:)

 

Giaxinta: Chúa Giêsu ơi!/ Con yêu Chúa,/ và con muốn chịu khổ thật nhiều vì yêu Chúa./ Ôi Chúa Giêsu!/ Giờ đây Chúa có thể hoán cải nhiều tội nhân,/ vì đây thật sự là một hy sinh to lớn!

 

Lời Dẫn: Cuối cùng,/ em đã phải lên đường vào ngày 20/1/1920./ Thật là một cuộc giã biệt đứt ruột đứt gan./ Giaxinta đã ôm chặt lấy Lucia rất lâu mà nấc lên:

 

Giaxinta: Chúng ta sẽ không bao giờ được thấy nhau nữa!/ Xin chị cầu nguyện nhiều cho em/ cho đến khi em về trời./ Bấy giờ em sẽ cầu nguyện cho chị./ Chị đừng bao giờ nói Bí Mật ấy cho bất cứ một ai nghe,/ dù họ có giết chị đi nữa./ Chị hãy yêu mến Chúa Giêsu/ và Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria thật nhiều,/ và hãy kiếm nhiều hy sinh cho các tội nhân nữa nghe chị.

 

(Trong khi hạ màn thì khán giả được nghe thấy những lời kết thúc sau đây:)

 

Lời Kết: Đúng như Đức Mẹ đã tỏ cho Giaxinta biết,/ em đã chết cô thân một mình tại bệnh viện Dona Estefania ở Lisbon./ Bấy giờ là 10 giờ 30 đêm ngày 20/2/1920,/ mới được 10 tuổi đầu. Ngày 12/9/1935,/ khi cải mồ của em lần đầu tiên,/ người ta thấy xác em còn nguyên vẹn,/ không bị mục rữa./ Thấy được tấm hình chụp thân xác còn nguyên này của em,/ chị Lucia đã cảm hứng bắt đầu viết tập hồi niệm thứ nhất về em. Ngày 13/5 Đại Năm Thánh 2000,/ tại Linh Địa Thánh Mẫu Fatima,/ Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã phong chân phước cho em và Phanxicô./ Ngài đã nhắn nhủ các em thiếu nhi hãy bắt chước gương của hai anh em Phanxicô và Giaxinta/ bằng những lời kết thúc bài giảng của Ngài như sau:

 

“Cha muốn nói những lời cuối cùng với các em nhỏ:/ các em trai em gái thân mến,/ Cha thấy nhiều người trong các em trang phục giống như Phanxicô và Giaxinta vậy./ Các em mặc đẹp lắm!/ Thế nhưng,/ chút nữa đây/ hay ngày mai đây/ các em sẽ cởi những thứ y phục này ra/ và... những nhỏ mục đồng ấy không còn nữa./ Các nhỏ mục đồng ấy không được mất đi phải không các em?/ Đức Mẹ cần tất cả các em trong việc an ủi Chúa Giêsu,/ Đấng buồn phiền vì nhiều điều xấu xa gây ra cho Người;/ Người cần đến những lời cầu nguyện/ cũng như những hy sinh cho tội nhân của các em./ Các em hãy xin cha mẹ và thầy cô của các em/ ghi danh của các em vào ‘trường’ của Đức Mẹ,/ để Đức Mẹ có thể dạy các em/ nên giống như các bé mục đồng này,/ những bé mục đồng đã cố gắng làm theo những gì Đức Mẹ đã xin họ./ Cha muốn nói cho các em biết là/ ‘nhờ phục tùng và lệ thuộc vào Mẹ Maria,/ trong một thời gian ngắn/ người ta sẽ tiến bộ hơn là cả bao nhiêu năm/ theo những sáng kiến cá nhân/ cậy dựa vào bản thân mình’/ (Thánh Long Mộng Phố – Louis de Montfort, Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria, đoạn số 155). Đó là lý do/ tại sao các bé mục đồng ấy đã nên thánh rất nhanh như vậy./ Có một người đàn bà tiếp đãi Giaxinta ở Lisbon,/ khi nghe nhỏ gái này có những lời khuyên răn rất hay ho và khôn ngoan/ thì hỏi ai đã dạy em điều ấy,/ em đã trả lời rằng:/ ‘Chính là Đức Mẹ’./ Bằng tất cả lòng quảng đại của mình/ trong việc chuyên tâm sống theo đường hướng của một Vị Thầy tốt lành như vậy,/ Giaxinta và Phanxicô đã sớm đạt tới đỉnh trọn lành”.

 

 

Ngày Giới Trẻ Thế Giới XIX, Lễ Lá 4/4/2004,

TNF Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL