GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 7/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho tất cả những ai được hưởng một mùa lễ nghỉ ở thời điểm này trong năm biết lợi dụng việc nghỉ hè của mình để tái nhận thức nơi Thiên Chúa tình trạng bình an nội tâm của họ cũng như để vươn tới việc yêu thương nhân loại”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho các Giáo Hội trẻ biết chú trọng hơn nữa đến thành phần tín hữu giáo dân cũng như biết tin tưởng vào họ hơn nữa đối với việc truyền bá phúc âm hóa”.  

__________________

 NGÀY 5 THỨ HAI

 

ĐTC trở lại Vùng Núi Alps để nghỉ hè sau 2 năm


Bắt đầu từ Thứ Hai, 5/7/2004 hôm nay, ĐTC Gioan Phaolô II bắt đầu cuộc nghỉ hè của Ngài ở Valle d’Aosta thuộc miền núi Alps Ý Quốc. Thật vậy, trong hai năm vừa rồi Ngài đã không thể đến đây như mọi năm để bắt đầu nghỉ hè. Năm 2002 vì Ngày Giới Trẻ Thế Giới ở Toronto Canada, và năm 2003 vì vấn đề sức khỏe. Dây là lần thứ 10 Ngài đến đây, tại làng Les Combes ở Introd. Ngài sẽ ở đây tới ngày 17/7/2004.


Sau khi nguyện Kinh Truyền Tin Chúa Nhật 4/7/2004, ĐTC đã loan báo thời gian nghỉ hè bắt đầu từ ngày hôm sau thế này:


“Trong khi sửa soạn đi hưởng cuộc nghỉ hè ngắn ngủi này, Tôi nghĩ đến các gia đình đã dự tính đi nghỉ hè vào thời đoạn này: Tôi muốn rằng tất cả mọi gia đình sử dụng những ngày hè này trong một môi trường nghỉ ngơi bình lặng.


“Tôi đồng thời cũng nghĩ đến những ai vì những lý do khác nhau không thể có những cuộc nghỉ hè thực sự.


“Tôi hy vọng rằng tất cả mọi người đều có thể lợi dụng một cuộc nghỉ ngơi cần thiết trong vấn đề sinh hoạt làm việc, và hy vọng rằng các sinh hoạt giải trí thuận lợi sẽ được cổ võ, được phong phú hóa bằng những mối liên hệ nhân bản đích thực, để giúp cho những người cô đơn lẻ loi và gặp khốn khó được dịp thảnh thơi”.


Nơi Đức Thánh Cha nghỉ hè ở một cái chòi được xây bằng gỗ và đá là nơi được các tu sĩ Dòng Don Bosco nghỉ hè. Cách đây hai năm, các vị đã gắn thang máy ở cái chòi nghỉ hè này.


Từ cửa sổ phòng của mình, cũng như từ phòng ăn, ĐTC có thể nhìn ngắm Núi Blanc, ngọn núi cao nhất ở Âu Châu.


Trong dịp kỳ hè này, ĐTC sẽ dùng xe hơi để đi đến các nơi ở miền núi, nói chuyện với các người bạn già, đọc các sách triết lý, thần học và văn chương, nhất là bỏ nhiều giờ ra để cầu nguyện. Mùa hè năm ngoái Ngài đã bỏ giờ ra để bắt đầu viết tác phẩm chia sẻ kinh nghiệm 20 năm làm giám mục của mình ở Balan (1958-1978), một tác phẩm vừa được xuất bản dịp sinh nhật 84 tuổi của Ngài năm 2004.


 

Bản Tuyên Ngôn Chung của Nhị Vị Lãnh Đạo Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống


Để chấm dứt cuộc viếng thăm của mình ở Tòa Thánh Vatican nhân dịp Lễ Trọng Kính Hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô 29/6/2004, hôm 1/7/2004, trong bữa trưa tạ từ, Đức Thượng Phụ Giáo Chủ Thế Giới Chính Thống Giáo Bartholomew I đã chính thức lên tiếng mời Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II viếng thăm Tòa Thượng Phụ Giáo Chủ Constantinople ở Finar Thổ Nhĩ Kỳ. Đức Thánh Cha đã nhận lời mời ấy.


Cũng vào ngày từ biệt này, nhị vị lãnh đạo hai Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống Giáo đã cùng nhau ký vào Bản Tuyên Ngôn Chung, nguyên văn như sau:


“Hãy coi chừng, hãy vững vàng sống đức tin của anh em, hãy can trường, hãy mạnh mẽ. Chớ gì tất cả những gì anh em làm đều được thực hiện trong tình yêu thương” (1Cor 16:13-14).


1.     Trong tinh thần tin tưởng vào Chúa Kitô cũng như tinh thần bác ái yêu thương nhau là những gì liên kết chúng ta lại với nhau, chúng ta tạ ơn Chúa về việc Ngài ban cho chúng ta được có cuộc hội ngộ mới mẻ này vào dịp lễ Hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, một cuộc hội ngộ cho thấy việc chúng ta mạnh mẽ dứt khoát muốn tiếp tục con đường tiến về mối hiệp thông trọn vẹn giữa chúng ta trong Chúa Kitô.


2.     Đã có nhiều tiến bộ đánh đấu con đường tiến đến mối hiệp thông trọn vẹn này, nhất là việc được mở màn bằng biến cố lịch sử được chúng ta hôm nay nhắc lại, đó là biến cố ôm nhau của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và Đức Thượng Phụ Athenagoras I, ở Giêrusalem, trên Núi Cây Dầu, vào ngày 5-6/1/1964. Hôm nay đây, chúng ta, những người thừa kế của các vị, lại gặp nhau để tưởng nhớ cuộc gặp gỡ ân phúc giờ đây trở thành lịch sử ấy, một cách xứng đáng trước nhan Chúa, hợp với ký ức cùng với những ý hướng ban đầu của cuộc gặp gỡ lịch sử này.


3.     Việc các Vị Tiền Nhiệm khả kính của chúng ta ôm lấy nhau ở Giêrusalem đã thể hiện một cách tỏ tường niềm hy vọng tiềm tàng nơi tâm can của hết mọi người, như Bản Công Bố đề cập đến: “Bằng đôi mắt hướng về Chúa Kitô là khuôn mẫu và là tác giả của mối hiệp nhất và an bình với Chúa Cha, họ nguyện xin Chúa cho cuộc họp này trở thành dấu hiệu và là dạo khúc cho những gì sẽ xẩy ra, hầu Thiên Chúa được vinh hiển và dân trung nghĩa của Ngài được sáng ngời. Sau rất nhiều thế kỷ im hơi lặng tiếng, giờ đây họ lại gặp nhau với tấm lòng ước mong muốn hoàn thành ý nguyện của Chúa Kitô và loan báo sự thật cổ truyền của Phúc Âm được Người ký thác cho Giáo Hội” (Joint Statement of Pope Paul VI and of Patriarch Athenagoras I, Agapis Volumes, Vatican, Fanar, 1971, n. 50, p. 120).


4.     Hiệp Nhất và Bình An! Niềm hy vọng được thắp lên bởi cuộc gặp gỡ lịch sử ấy đã soi dẫn đường đi nước bước cho những thập niên qua. Nhận thấy rằng thế giới Kitô Giáo qua các thế kỷ đã từng phải chịu đựng thảm cảnh phân chia, các Vị Tiền Nhiệm của chúng ta và chính chúng ta đã kiên trì tiếp tục “cuộc đối thoại bác ái”, hướng mắt về một ngày tươi sáng và hồng phúc có thể cùng nhau thông công cùng một chén Mình Thánh và Máu Thánh Chúa (See Allocution of Patriarch Athenagoras I to Pope Paul VI , January 5, 1964, ibid., n. 48, p. 109). Nhiều biến cố trong giáo hội đánh dấu 40 năm qua đã đặt nền móng và hướng đi nhất quán cho việc dấn thân sống tình bác ái huynh đệ này, một đức bác ái, với những gì học được trong quá khứ, biết sẵn sàng thứ tha, dễ hướng chiều về việc tin vào sự thiện hơn là sự dữ, một đức bác ái trước hết nỗ lực hiệp nhất với Đấng Cứu Chuộc Thần Linh, để cho Người thu hút và biến đổi (See Allocution of Pope Paul VI to Patriarch Athenagoras I, January 6, 1964, ibid., n. 49, p. 117).


5.     Tôi tạ ơn Chúa về những cử chỉ gương mẫu của tình bác ái yêu thương nhau, của việc tham phần và chia sẻ được Người ban cho chúng ta để hoàn trọn, trong đó cần phải nhắc đến cuộc Đức Giáo Hoàng đây viếng thăm Đức Thượng Phụ Giáo Chủ Thế Giới Chính Thống Dimitrios năm 1979, thời điểm ở tại Giáo Hội Fanar đã công bố việc thiết lập “Ủy Ban Hỗn Hợp Quốc Tế Đối Thoại Thần Học giữa Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống Giáo”, một bước tiến để hỗ trợ cho “cuộc đối thoại bác ái”, “cuộc đối thoại chân lý”; việc Đức Thượng Phụ Dimitrios viếng thăm Rôma năm 1987; việc chúng ta gặp nhau ở Rôma vào Lễ Thánh Phêrô và Phaolô năm 1995, năm chúng ta cầu nguyện ở Đền Thờ Thánh Phêrô, mặc dù tách biệt một cách đau thương ở việc cử hành Phụng Vụ Thánh Thể, vì chưa thể uống cùng một chén của Chúa. Thế rồi mới xẩy ra hơn nữa là cuộc hội ngộ ở Assisi để thực hiện “Ngày Cầu Nguyện cho Hòa Bình trên Thế Giới”, và việc ký Bản Tuyên Ngôn Chung Bảo Toàn Thiên Nhiên Tạo Vật vào năm 2002.


6.     Mặc dù chúng ta mạnh mẽ dứt khoát tiếp tục con đường tiến đến mối hiệp thông toàn vẹn, cũng không thể nào không xẩy ra những trở ngại thuộc các hình thức khác nhau, trước hết là vấn đề tín lý, cũng gây ra bởi điều kiện hóa của một lịch sử khó khăn. Ngoài ra, những vấn đề mới bắt nguồn từ những thay đổi sâu xa xẩy ra ở lãnh vực chính trị xã hội ở Âu Châu, một lãnh vực không khỏi chi phối mối liên hệ giữa các Giáo Hội Kitô Giáo. Việc Kitô hữu ở Trung Âu và Đông Âu được phục hồi tự do đã làm tái dấy động những nỗi lo âu cũ, khiến cuộc đối thoại trở thành khó khăn. Tuy nhiên, lời khuyên dụ của Thánh Phaolô nhắn nhủ Kitô hữu Côrintô “chớ gì hết mọi sự được thực hiện nơi anh em trong tình bác ái” vẫn phải âm dội trong và giữa chúng ta.


7.     “Ủy Ban Hỗn Hợp Quốc Tế Đối Thoại Thần Học giữa Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống Giáo”, được bắt đầu với nhiều hy vọng, đã đánh dấu những bước tiến trong những năm qua. Ủy ban này vẫn còn là một phương tiện lý tưởng để nghiên cứu những vấn đề về giáo hội học và lịch sử, các vấn đề cốt lõi nơi những khó khăn của chúng ta, cũng như để tìm những giải quyết khả dĩ. Chúng ta có nhiệm vụ tiếp tục dứt khoát dấn thân tái thực hiện những công việc này sớm bao nhiêu có thể. Ý thức được những việc cùng nhau hoạt động theo chiều hướng này của Giáo Hội Rôma và Giáo Hội Constantinople, chúng ta hướng về để xin Ngài bảo trì việc cương quyết của chúng ta và làm cho tất cả chúng ta thâm tín là không thể châm chước được việc tiếp tục vấn đề “đối thoại về sự thật”.


8.     Cuộc gặp gỡ của chúng ta ở Rôma hôm nay đây cũng giúp cho chúng ta có thể thân tình nói lên một số vấn đề và hiểu lầm mới phát xuất gần đây. Việc thực thi vấn đề “đối thoại bác ái” đã thực sự giúp cho chúng ta trong những trường hợp này, nhờ đó, những khó khăn mới được giải quyết một cách êm thắm mà không làm trì trệ và đen tối con đường đã được thực hiện để tiến đến mối hiệp thông trọn vẹn trong Chúa Kitô.


9.     Trước một thế giới đang chịu tất cả mọi thứ chia rẽ và chênh lệch thì cuộc hội ngộ hôm nay đây là một nỗ lực nhắc nhở một cách cụ thể và mạnh mẽ đến tầm quan trọng mà Kitô hữu và các Giáo Hội đang sống trong bình an và thuận thảo cần phải hòa hợp để làm chứng cho sứ điệp của Phúc Âm một cách khả tín hơn và thu phục lòng người hơn.


10.     Đối với riêng môi trường Âu Châu đang trên đường tiến đến những hình thức thống nhất hơn và vươn rộng hơn sang phía Đông của Lục Địa này, chúng ta hãy cảm tạ Chúa về việc phát triển tích cực này, và muốn bày tỏ niềm hy vọng là, tình hình mới mẻ ấy sẽ là cơ hội để phát triển việc hợp tác giữa những người Công Giáo và Chính Thống Giáo. Rất nhiều những thách đố cần phải cùng nhau giải quyết để góp phần vào thiện ích của xã hội, đó là việc yêu thương hàn gắn vết thương khủng bố, là lan truyền niềm hy vọng hòa bình, là giúp vào việc chữa trị rất nhiều thứ xung đột đau thương; là phục hồi cho lục địa Âu Châu ý thức về các cội nguồn căn gốc Kitô Giáo của mình; là thiết lập một cuộc đối thoại thực sự với Hồi Giáo, vì thái độ dửng dưng lạnh lùng và thiếu hiểu biết nhau chỉ có thể đi đến chỗ nghi hoặc nhau, thậm chí hận ghét nhau; là bồi dưỡng ý thức về sự linh thánh của sự sống con người; là hoạt động để khoa học không chối bỏ tia sáng thần linh mọi người lãnh nhận nhờ tặng ân sự sống; là hợp tác với nhau để trái đất này của chúng ta không bị biến dạng cũng như để thiên nhiên tạo vật có thể duy trì được vẻ đẹp được Thiên Chúa ban cho; thế nhưng, trên hết, là loan báo sứ điệp phúc âm bằng cuộc dấn thân mới để tỏ cho con người đương thời thấy được rằng Phúc Âm có thể giúp họ tìm thấy bản thân mình và xây dựng một thế giới nhân bản hơn.


11.     Chúng ta hãy cầu xin để Chúa ban an bình cho Giáo Hội và thế giới, cũng như để Ngài dùng khôn ngoan của Thần Linh Ngài làm sống động con đường chúng ta tiến đến mối hiệp thông, “ut unum in Cristo simus”.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến ngày 1/7/2004
 


Đức Thượng Phụ Bartholomew I nhận định về cuộc viếng thăm Tòa Thánh Rôma


Trước khi rời Vatican sau chuyến viếng thăm 4 ngày (29/6-2/7/2004) của mình, một cuộc viếng thăm vào dịp lễ kính Hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, để tưởng niệm biến cố hội ngộ 40 năm trước của Đức Phaolô VI và Athenagoras I ở Giêrusalem, Đức Thượng Phụ Giáo Chủ Thế Giới Chính Thống Giáo Bartolomew I đã bày tỏ nhận định của mình qua cuộc phỏng vấn của Đài Phát Thanh Vatican như sau:


Vấn:     Ngài có cảm tưởng ra sao sau những lần gặp gỡ Đức Gioan Phaolô II


Đáp:     Lạc quan. Lần này là lần thứ ba tôi đã gặp Đức Giáo Hoàng, sau lần vào năm 1995 khi tôi chính thức viếng thăm, và sau lần vào năm 2002 cho Ngày Thế Giới Cầu Nguyện ở Assisi. Tôi có thể nói mà không sợ làm giảm giá trị của hai lần viếng thăm trước đây của tôi, là cuộc gặp gỡ lần này cảm kích hơn, tình người hơn và huynh đệ hơn.


Tôi đặc biệt cảm thấy như thế vào ngày cuối cùng, khi tôi gặp Đức Giáo Hoàng một lần nữa để ký vào bản tuyên ngôn chung rồi dùng bữa trưa với nhau – chúng tôi đã cùng nhau cảm thấy ngỡ ngàng.


Tôi đã mời Ngài viếng thăm chúng tôi ở Istanbul: đối với Ngài thì đây là cơ hội thứ hai, sau lần vào năm 1979 Ngài đã viếng thăm vị tiền nhiệm của tôi là Đức Dimitrios I.


Đức Giáo Hoàng tỏ ra rất hân hoan, như tôi cảm thấy được, chấp nhận lời mời này.


Dĩ nhiên là Ngài cần phải nói với các vị cộng tác viên của Ngài, thế nhưng phản ứng đầu tiên của Ngài tỏ ra tích cực. Ngài rất vui mừng, rất sung sướng, và ngay cả tôi cũng thế vì được cơ hội đón tiếp Ngài đến giữa chúng tôi ở Constantinople, đệ nhất tòa của Chính Thống Giáo, cũng như có thể cùng nhau phác họa những bước tiến hướng về tương lai nơi những mối liên hệ của chúng tôi.


Về vấn đề nội dung của cuộc chúng tôi gặp gỡ lần thứ ba này, tôi có thể nói rằng nó có một tính chất linh thiêng hơn là chính thức. Tôi có cảm giác này, nên, như tôi đã nói trong bài giảng của tôi ở Quảng Trường Thánh Phêrô, là vào lúc này đây, vào giai đoạn này đây, vấn đề hiệp nhất, những nỗ lực tiến tới mối hiệp nhất là một biến cố thiêng liêng, một biến cố cầu nguyện.


Cuộc hội ngộ này giữa Đức Giáo Hoàng và con người hèn mọn của tôi đã diễn ra trong bầu không khí ấy, trong tinh thần ấy. Bởi thế, tôi trở về tòa thánh của tôi hết sức cảm kích, hân hoan và lạc quan về tương lai của mối liên hệ của chúng tôi.

Vấn:     Thưa Đức Thượng Phụ, ngày nay Ngài thấy thế nào về những mối liên hệ giữa những người Công Giáo và Chính Thống, và Ngài hy vọng gì trong tương lai?


Đáp:     Những thứ khó khăn rõ ràng vẫn còn đó, nhưng chắc chắn cả hai bên vẫn có thiện chí để tiến lên, để tiếp tục cuộc đối thoại này. Vẫn có ý định là không làm ngưng trệ việc đối thoại ấy.


Trong cuộc trao đổi của chúng tôi với Đức Giáo Hoàng cũng như với Hội Đồng Tòa Thánh Đặc Trách Cổ Võ Hiệp Nhất Kitô Giáo, chúng tôi đã nhấn mạnh lại quyết định của mình trong việc tìm kiếm những cách thức và phương tiện để tại diễn vấn đề đối thoại về thần học, một việc đã trải qua một cuộc khủng hoảng thực sự xẩy ra sau cuộc họp ở Baltimore.


Bởi thế tôi đã nói với ĐHY Walter Kasper, chủ tịch của Hội Đồng Về Hiệp Nhất Kitô Giáo, cũng như với các cộng tác viên của ngài, và chúng tôi đã đặt ra một số vấn đề, một số phương pháp có thể giải quyết những khó khăn hiện tại để tiếp tục việc đối thoại.


Việc đối thoại này là cơ hội duy nhất chúng ta có được để có thể giải quyết những vấn đề còn tồn tại giữa chúng ta. Vẫn có một mối tình thân hữu, huynh đệ, cũng như quyết tấm muốn tiến lên và cải tiến những mối liên hệ.


Cần phải bàn sâu đến vấn đề quyền bính của Vị Giám Mục Rôma, về tính cách vô ngộ, về vai trò của Vị Giám Mục Rôma nơi toàn thể cơ cấu của Giáo Hội Kitô Giáo, những vấn đề khó khăn nhất nơi mối liên hệ của chúng ta là ở chỗ đó, những vấn đề tiếp tục làm ngăn trở cho mối hiệp thông trọn vẹn, vào việc cùng nhau uống cùng một chén.


Vấn:     Việc khai trương Nhà Thờ Thánh Theodore cho Cộng Đồng Chính Thống Giáo ở Rôma có một tầm vóc quan trọng như thế nào?


Đáp:     Như Đức Giáo Hoàng đã nói trong bữa ăn trưa của chúng tôi, nhà thờ ấy đã là một cử chỉ thân hữu và huynh đệ giữa hai Giáo Hội của chúng ta. Tôi thành thật cám ơn Ngài cũng như cám ơn Giáo Hội Rôma đáng kính.


Tôi đã nói với Ngài rằng những cử chỉ như thế này là việc góp phần thiết yếu vào cuộc đối thoại của chúng ta, vì chúng cho thấy rằng chúng ta không chỉ sử dụng lời lẽ mà còn bằng những hành động tiêu biểu can đảm đầy ý nghĩa và quan trọng nữa.


Khi chúng tôi có thể nói “khai trương” chính thức Nhà Thờ Thánh Theodore ở Đồi Palatine, thì dân chúng, tức là những người Chính Thống Giáo, mà cả những người Công Giáo nữa tham dự vào lễ nghi này, cảm thấy phấn khởi.


Có hai vị hồng y hiện diện cùng với các bậc vị vọng Công Giáo khác. Và các vị đều chia sẻ với niềm vui của chúng tôi. Tôi xin chính thức cám ơn Đức Giáo Hoàng và Giáo Hội Rôma.


Trong tương lai, Tổng Giáo Phận Chính Thống Giáo Hy Lạp linh thánh ở Ý Quốc đây, một tổng giáo phận có trong tay mình giáo hội này như một biểu hiệu cho mối thân hữu và huynh đệ, sẽ chứng kiến mối liên kết thiêng liêng thắt liên chúng ta một cách đặc biệt ở Thành Đô Vĩnh Hằng nơi đây này.


Tôi nghĩ rằng cử chỉ này của Đức Giáo Hoàng sẽ được cảm nhận rất nhiều, vượt cả ra ngoài tòa thượng phụ giáo chủ toàn cầu và tổng giáo phận đây. Cử chỉ ấy sẽ được toàn thể Chính Thống Giáo cảm nhận và trở thành một mẫu gương để bắt chước thực hiện nơi những mối liên hệ đại kết, khi nó được bày tỏ một cách cụ thể thiện chí và tình huynh đệ “in nomine Domini”.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến ngày 2/7/2004

 

ĐTC GPII Tổng Kết Cuộc Hội Ngộ với Đức Thượng Phụ Giáo Chủ Thế Giới Chính Thống Giáo trong Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật 4/7/2004.


1.     Tôi hết lòng tạ ơn Chúa về cuộc viếng thăm mới đây của vị thượng phụ giáo chủ thế giới Chính Thống Giáo ở Costantinople, Đức Bartholomew I, vị mà trong những ngày vừa qua Tôi đã vui mừng tiếp đón như là một vị khách của Tòa Thánh Vatican, cùng với đoàn tùy tùng quí hóa của Ngài. Chúng tôi đã cùng nhau cử hành lễ Hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, cùng tưởng niệm cuộc hội ngộ lịch sử giữa các vị tiền nhiệm đáng kính của chúng tôi là Đức Phaolô VI và Đức Athenagoras I xẩy ra 40 năm trước đây ở Giêrusalem.


Thêm vào đó, chúng tôi đã ký vào một bản tuyên ngôn chung để khẳng định và tái tấu việc dấn thân của những người Công Giáo và Chính Thống trong việc góp phần xây dựng lý tưởng cao cả của mối trọn vẹn hiệp thông Kitô hữu.


2.     Khi nhận thấy những bước tiến khả quan cho đến nay, cũng như không quên để ý tới những trở ngại vẫn còn hiện hữu, chúng tôi đã tái khẳng định quyết tâm tiếp tục, đúng hơn, gia tăng việc đối thoại đại kết, dù trên lãnh vực liên hệ huynh đệ (“đối thoại bác ái”), hay trên lãnh vực cân đo về tín điều (“đối thoại về sự thật”).


Với tinh thần ấy, chúng tôi đã nói lên một số vấn đề và hiểu lầm xuất phát mới đây, chứng tỏ cho thấy một dấu hiệu cụ thể về cách thức Kitô hữu có thể và cần phải luôn luôn hợp tác với nhau, ngay cả khi xẩy ra những chia rẽ và xung khắc. Đó là cách sống động để loan truyền một thứ Phúc Âm hòa bình trong một thế giới, bất hạnh thay, đầy những chênh lệch và bạo động.


Ngoài ra, theo diễn tiến của cuộc hội ngộ này, chúng tôi đã nhận thức được rằng những người Công Giáo và Chính Thống được kêu gọi để cùng nhau hoạt động để giúp cho Châu Âu khỏi quên đi các căn gốc Kitô Giáo của mình. Chỉ có thế Âu Châu mới có thể đóng trọn vai trò của mình trong việc đối thoại giữa các nền văn minh cũng như trong việc phát động toàn cầu về vấn đề công lý, đoàn kết, và bảo toàn thiên nhiên tạo vật.


3.     Xin Chúa làm cho nên trọn những mục tiêu được phác họa ra trong cuộc hội ngộ này. Chúng ta hãy ký thác chúng cho việc chuyển cầu từ mẫu của Mẹ Maria Rất Thánh.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến ngày 4/7/2004