GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 8/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho Khối Hiệp Nhất Âu Châu tìm thấy sinh lực mới nơi gia sản Kitô giáo của mình là những gì thiết yếu làm nên văn hóa và lịch sử của lục địa này”.

Ý Truyền Giáo: “Xin cho các dòng tu đang hoạt động tại các xứ truyền giáo gia tăng mối hiệp thông và việc hợp tác với nhau hơn nữa”.  

__________________

 NGÀY 12 THỨ NĂM

  

 

Cuộc Đối Thoại giữa Kitô Giáo và Hồi Giáo:
hy vọng… thế nhưng…


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tổng hợp và chuyển dịch từ Zenit



Hội Nghị Liên Tôn giữa Kitô Giáo và Hồi Giáo ở Qatar kết thúc với đầy hy vọng


Hội nghị liên tôn giữa Kitô Giáo và Hồi Giáo ở Qatar đã kết thúc vào Thứ Bảy 29/5/2004, một hội nghị được diễn tiến với ba buổi họp kín cả ngày, giữa các phần tử của Ủy Ban Tòa Thánh Về Liên Hệ Tôn Giáo với Hồi Giáo với những phần tử (tương đương về con số tham dự) bên Hồi Giáo được mời tham dự, một cuộc họp báo vào buổi chiều và một cuộc họp mặt vào buổi tối giữa ĐTGM Michael Fitzgerald, chủ tịch của ủy ban này và các ký giả Công Giáo được mời đến tham dự hội nghị này.


ĐTGM chủ tịch chủ sự cuộc họp báo, có cả giáo sư Youssef El-Hage dạy ở Đại Học Đức Bà ở Lebanon và là một phần tử của ủy ban này, và tiến sĩ Aysha Al-Mannai, phân khoa trưởng về Sharia, Lề Luật và Việc Nghiên Cứu Hồi Giáo ở Đại Học Qatar.


ĐTGM chủ tịch ủy ban cho biết đây là hội nghị liên tôn Qatar lần thứ hai giữa hai tôn giáo này, sáng kiến của ông Emir Abdullah bin Khalifa Al-Thani ở Qatar. Qatar là một quốc gia đã thiết lập liên hệ ngoại giao với Tòa Thánh vào Tháng 11/2002.


Bà tiến sĩ Al Mannai nói rằng cuộc họp rất phấn khởi và cả hai tôn giáo đều hy vọng tiếp tục đi sâu vào việc đối thoại trao đổi với nhau hơn. Còn vấn đề tại sao hội nghị này phải kín đáo là vì vấn đề nói chuyện thẳng thắn không e dè cũng như để đạt được những mục tiêu ấn định. Còn vấn đề hiện diện của một số người Do Thái trong hội nghị năm tới đã được bà tiến sĩ này cho biết có thể xẩy ra “nếu Chúa muốn”.


Ý tưởng về sự hiện diện của một số người Do Thái trong những cuộc hội nghị liên tôn này là của Emir Kalifa Al-Thani, vị khởi xướng nên hội nghị này. Trong lời khai mạc hội nghị, ông đã nói rằng “có lẽ sẽ có ích lợi trong việc biến cuộc đối thoại này vào cuộc hội luận năm tới thành một cuộc đối thoại HồiGiáo-KitôGiáo-DoTháiGiáo, với sự tham dự của các đại diện Do Thái Giáo, một tôn giáo cũng tin tưởng vào một Thiên Chúa duy nhất như Hồi Giáo và Kitô Giáo. Đó là đường lối để xây dựng đời sống con người một cách đứng đắn, một đời sống thịnh hành những nguyên tắc yêu thương, dung nhượng và bình đẳng đối với thiện ích của nhân loại”.


Tiến sĩ El-Hage nhấn mạnh đến tầm quan trọng của đầu tiên chưa từng có này giữa đôi bên, vì mọi phiên họp đều rất minh bạch và thân tình. Vị tiến sĩ này cho biết 4 năm trước đây ủy ban mà ông là phần tử đã đặt vấn đề về quyền tự do tôn giáo và cảm thấy cần phải có một cuộc họp với những người Hồi Giáo. Vấn đề của ủy ban này luôn quan tâm và muốn đặt ra như thế này: phải chăng tự do tôn giáo là một trong những quyền lợi của những tín đồ ở nơi họ sống, nhất là khi họ thuộc về thành phần của một cộng đồng thiểu số?


Trong cuộc họp mặt buổi tối với các ký giả Công Giáo, ĐTGM chủ tịch ủy ban Công Giáo, để trả lời cho câu hỏi được đặt ra, đã bày tỏ cảm nhận của mình về cuộc hội nghị này rằng ngài cảm thấy có một cái gì đó quằn quại nơi cộng đồng Hồi Giáo thế giới về vấn đề tự do tôn giáo, nhất là khi vấn đề này được cắt nghĩa theo quan điểm cá nhân, chứ không phải là một tiếng nói duy nhất hay là một thẩm quyền duy nhất lên tiếng về vấn đề ấy. Ngài cho biết ngài cảm thấy rằng những người Hồi Giáo được mời tham dự những cuộc họp kín đáo này rất lấy làm hài lòng về tính cách thân tình và cởi mở của những cuộc họp cũng như với những gì đạt được. Vì không ai muốn đạt được những mục đích trần gian mong manh dòn mỏng nên không ai cảm thấy thất vọng theo chiều hướng ấy. Ngài nói những cuộc bàn luận quan trọng được diễn tiến dễ dàng hơn với những lần họp bàn kín đáo.


ĐTGM cho biết phần lý thuyết của cuộc họp này bao gồm cả việc xét lại Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền. Trong việc trả lời cho một số vấn đề được đặt ra, ĐTGM cho biết là định nghĩa về nhân quyền của Bản Tuyên Ngôn này, cũng như một số nơi khác trong bản tuyên ngôn ấy, liên quan đến các thứ tự do và quyền lợi của con người, thực sự không được đồng ý với nhau một cách chung chung. Có một số người Hồi Giáo cảm thấy rằng Bản Tuyên Ngôn này do Tây Phương phác họa và đối với họ như là một thứ áp đặt.


Phần thứ hai của cuộc họp này là phần xét tới Huấn Quyền của Giáo Hội Công Giáo về vấn đề tự do tôn giáo, và phần thứ ba là phần bàn tới những tác giả và tư tưởng gia hiện đại về tôn giáo liên quan đến đề tài tự do tôn giáo này theo luật Hồi Giáo. Phần bốn là phần xét tới tiến trình thanh tra vấn đề tự do tôn giáo trên thế giới qua những cơ quan như Helsinki Watch và Tổ Chức Hợp Tác Và An Ninh Ở Âu Châu OSCE (Organization for Cooperation and Security in Europe).


Khi phân tích về những khác biệt giữa giáo huấn Công Giáo và luật Hồi Giáo về vấn đề tự do tôn giáo, ĐTGM cũng nhận định rằng “chúng tôi đã đồng ý với nhau rằng vấn đề tự do tôn giáo là yếu tố thuộc phẩm vị phát xuất từ Thiên Chúa của con người”. Ngài cũng nhận định về cái khác nhau nơi vấn đề tự do của tôn giáo (như tự do tin tưởng và thực hành đức tin) với vấn đề tự do trong tôn giáo. Trong khi vấn đề tự do của tôn giáo là vấn đề của một thứ quyền lợi trọn vẹn thì vấn đề tự do trong tôn giáo lại không được như thế, vì là một tín đồ đạo giáo bao hàm cả việc sống theo một loạt những luật phép, tác hành chuyên biệt, không được tự do thay đổi chúng.


Để kết thúc, ĐTGM cho thấy rằng cái vấn đề khó khăn ở đây là bên Hồi Giáo không có một thẩm quyền trung ương hay cơ cấu phẩm trật như Giáo Hội Công Giáo, mà chỉ có những người đại diện cho chính họ, chứ không phải cho một Giáo Hội hay một phái nhóm nào cả thuộc thế giới Hồi Giáo.



Cảm nhận của một phụ nữ Hồi Giáo


Có nhiều phụ nữ học ở các đại học tòa thánh, (nhưng rất hiếm là Hồi Giáo), trong đó có Lejla Demiri, một sinh viên đang học thần học Kitô giáo ở Đại Học Đường Gregorian, người đã đồng ý chia sẻ với Zenit về việc chị thấy như thế nào đối với Kitô Giáo và Hồi Giáo cũng như với cuộc đối thoại giữa hai tôn giáo này.


Chị có bằng cử nhân và cao học về thần học Hồi Giáo ở Đại Học ở Marnara, Istanbul Thổ Nhĩ Kỳ. Chị đang trình luận án tiến sĩ ở đó. Chị đã học thần học ở Đại Học Thánh Tôma Aquinas, the Angelicum. Cảm tưởng của chị là chị không hiểu được tại sao người ta lại phê phán tôn giáo của chị: “Thành thực mà nói, tôi thật sự không hiểu được tại sao tôi lại bị áp bức vì là một phụ nữ Hồi Giáo”.


Vấn     Tại sao chị tới Rôma để học về Kitô Giáo?


Đáp     Tôi đã bắt đầu một cuộc nghiên cứu về hàn lâm trực tiếp liên quan tới Kitô Giáo. Bởi thế, đối với tôi, nơi hay nhất cho việc học hỏi Kitô giáo này là Rôma.


Quí vi có thể hỏi tôi rằng điều gì đã khiến tôi quyết định thực hiện cuộc nghiên cứu về Kitô Giáo? Đúng thế, tôi có thể nói rằng câu trả lời đơn giản cho vấn đề này đó là bối cảnh cuộc đời của tôi. Tôi xuất thân từ Macedonia, nơi mà những người Kitô hữu Chính Thống và Hồi Giáo sống chung với nhau trong cùng một xã hội, và tôi đã sống lâu ở Croatia nơi đa số là Công Giáo. Bởi vậy, khi để ý tới bối cảnh cuộc đời của mình, tôi dễ thấy được câu trả lời cho vấn đề này.


Đó là lý do, sau khi tôi đã học thần học Hồi Giáo ở Istanbul, tôi đã quyết định dấn thân học về thần học Kitô Giáo, và như tôi đã đề cập tới nơi tốt nhất để làm điều này đó là ở tại Rôma.


Ngoài hoạt động và nghiên cứu về hàn lâm ở Đại Học Đường Gregorian của tòa thánh, tôi cũng đã có dịp sống ở một cộng đồng Kitô giáo, đó là Trung Tâm Giáo Dân ở Foyer Unitas, để chia sẻ đời sống hằng ngày với các thân hữu bạn bè Kitô giáo, những người đã giúp tôi có được những minh thức.


Vấn     Là một phụ nữ Hồi Giáo, chị nghĩ cái khó khăn nhất nơi cuộc đối thoại giữa Hồi Giáo và Kitô Giáo là gì?


Đáp     Trước hết, tôi không gọi đó là một cuộc đối thoại giữa Kitô Giáo và Hồi Giáo, mà là giữa những người Kitô Hữu và những người Hồi Giáo. Chính con người ta thực hiện việc đối thoại, những phần tử thuộc hai tôn giáo này, chứ không phải là hai tôn giáo làm điều ấy.    


Là một phụ nữ Hồi Giáo, tôi nghĩ rằng, đặc biệt cần phải có việc đóng góp của nữ giới vào việc đối thoại này. Mặc dù tôi không muốn cho đó như là một cái gì kỳ thị, song tôi vẫn chủ trương rằng chiều kích nữ giới sẽ góp thêm những khía cạnh tích cực vào nỗ lực đối thoại, nhất là cuộc đối thoại hằng ngày, nói cách khác, cuộc đối thoại trong cuộc sống.


Một trong những vấn đề quan trọng nhất người ta có lẽ sẽ phải chạm trán nhiều nhất trong lãnh vực này đó là vấn đề thiên kiến. Bởi thế, tôi có thể nói rằng điều kiện tiên quyết cho việc đối thoại là ở chỗ tương kiến.


Nhiều thứ ghen ghét và hận thù có thể rõ ràng thấy được đã phát xuất từ từ việc thiếu hiểu biết và vô ý thức. Tôi có thể trưng dẫn một trong những thành kiến và lầm tưởng chúng ta thường thấy. Tiếc thay, thành phần nữ giới Hồi Giáo, ở lãnh vực truyền thông đại chúng, rất thường được cho như là bị đàn áp và là đối tượng của bạo hành.


Vấn     Chị làm sao giải thích được rằng Hồi Giáo không bạo động?


Đáp     Đáng buồn thay, cả về điều này nữa, chúng ta thấy lãnh vực truyền thông rất thường được song hành với vấn đề khủng bố, và những người Hồi Giáo với những tay khủng bố. Điều này thật sự đã làm méo mó và lu mờ thực tại của nó, nhất là tạo nên những thành kiến sai lầm.


Là một người Hồi Giáo, khi nghĩ về hòa bình và tôn giáo, tôi luôn bao giờ cũng nghĩ đến ý nghĩa của “Hồi Giáo” theo chiều hướng này. “Hồi Giáo” tức là “tùng phục Thiên Chúa”, một chữ có căn ngữ Ả Rập “s-l-m” nghĩa là “hòa bình”.


Ngoài ra, “Sâlam”, hòa bình, là một trong 99 danh xưng của Thiên Chúa theo truyền thống của người Hồi Giáo. Hết mọi người Hồi Giáo đều kết thúc 5 buổi cầu nguyện hằng ngày bằng kinh nguyện ngắn này: “Ôi Thiên Chúa, Ngài là hòa bình; hòa bình từ Ngài mà có”.


Thêm vào đó, nơi một trong những lời mình nói Tiên Tri Muhammad đã bảo rằng: “Các người sẽ không được vào thiên đàng trừ khi các người tin tưởng; và các người sẽ không phải là những tín đồ thực sự trừ phi các người yêu thương nhau”.


Bởi thế, Hồi Giáo, một tôn giáo có thể được định nghĩa như là một tôn giáo của hòa bình, một tôn giáo khiển trách các phần tử của mình rằng không thể nào hoàn trọn thực sự đức tin và niềm tin của mình nếu không tuân giữ và cổ võ hòa bình.


Liên quan đến vấn đề này, tôi cũng xin nói rằng một trong những yếu tố thiết yếu trong việc hiểu biết lẫn nhau và đối thoại với nhau đó là tránh đi tất cả những gì tổng quát hóa một cách gọn ghẽ, vì ngày nay không có tôn giáo nào là nguyên vẹn cả; mỗi một đạo giáo đều chất chứa nơi mình cái tính chất đa biệt về tư tưởng cũng như về việc dẫn giải.


Nói cách khác bao giờ cũng có cái đa tính nơi việc tự tìm hiểu ở hết mọi truyền thống và văn hóa. Chẳng hạn, như có nhiều cái khác nhau giữa Kitô hữu ở phần đất này trên thế giới với những người sống ở những phần đất khác, cũng thế có nhiều cái đa dạng giữa những người Hồi Giáo ở các địa dư khác nhau.


Hơn nữa, thật là vô lý khi lấy một số vấn đề ở một xứ sở nào đó để gán chúng vào Hồi Giáo hay Kitô Giáo, hơn là xét tới những yếu tố về chính trị, kinh tế xã hội, chủng tộc hay những yếu tố khác.


Tóm lại, thay vì vơ đũa cả nắm về con người của một tôn giáo nào đó để rồi vẽ thành một bức tranh toàn diện, thì cần phải chú ý tới cả sự kiện liên quan đến tính cách đa biệt và đa dạng nữa.


Vấn     Chị hoạch định tương lai của chị ra sao sau khi học hỏi ở Rôma?


Đáp     Dự án lý tưởng nhất của tôi trong tương lai đó là giảng dạy và đóng góp vào việc cổ võ việc đối thoại liên tín giữa những người Hồi Giáo và Kitô Giáo với tư cách là một học giả.


Tôi hy vọng những thứ nghiên cứu tôi đã học hỏi nơi cả thần học Hồi Giáo và Kitô Giáo, bối cảnh cuộc đời của tôi, và những kinh nghiệm sống của tôi sẽ giúp tôi hoàn thành những dự án này của tôi.

 


Những Then Chốt Cần Thiết cho Việc Chung Sống giữa Người Hồi Giáo và Kitô Hữu


Cha Samir Khalil Samir là tác giả của cuốn sách “Một Trăm Câu Hỏi Về Hồi Giáo”, một cuộc phỏng vấn dài bằng một cuốn sách do Giorgio Paolocci và Camille Eid thực hiện. Vị linh mục này là giáo sư dạy ở Đại Học Thánh Giuse nước Beirut và ở Học Viện Đông Phương của Tòa Thánh ở Rôma. Trong cuộc phỏng vấn được phổ biến trong cuốn sách này, vị linh mục giáo sư đã đề nghị những điểm khả dĩ có thể liên hệ với 12 triệu tín đồ Hồi Giáo thuộc Khối Hiệp Nhất Âu Châu.


Vấn     Câu hỏi nào quan trọng nhất người ta cần phải hỏi về Hồi Giáo?

Đáp     Câu hỏi đó giản dị thôi: Hồi giáo là gì? Hồi giáo là một tôn giáo vừa giống lại vừa khác với Kitô giáo. Nhiều giá trị chính yếu có những điểm giống với Kitô giáo.

Chúng ta đừng quên rằng Hồi Giáo được phát sinh trong một môi trường địa dư, văn hóa và lịch sử vốn đã có sự hiện hữu của Do Thái Giáo và Kitô Giáo. Có nhiều Kitô hữu ở Mecca, và nhiều người Do Thái ở Medina, thành phố thứ hai của Hồi Giáo.

Bối cảnh văn hóa Bedouin, trong môi trường Ả Rập, đã làm cho đường lối hiểu biết về Thiên Chúa và tôn giáo khác đi. Khi tôi nói khác nhau tôi không có ý nói đến phẩm chất; mà chỉ là vấn đề khác nhau mà thôi.

Đối với người Tây phương, có một khuynh hướng muốn đồng hóa Hồi giáo thành một hình thức của Kitô giáo, hay coi tôn giáo này như một cái gì đó hoàn toàn khác biệt. Nhưng không, không phải là một trong hai điều này. Chúng ta cần phải bắt đầu bằng việc nhận biết xem tôn giáo này là gì.

Vấn     Hồi giáo có tự coi mình là “truyền giáo” theo bản chất hay chăng?

Đáp     Kitô giáo quan trọng vấn đề truyền đạt Phúc Âm cho hết mọi người thế nào thì người Hồi Giáo cũng quan trọng vấn đề truyền đạt Sách Koran như thế. Cho đến chỗ này thì Hồi Giáo chính đáng và xác đáng.

Vấn đề xẩy ra đó là cách thức tiến hành lại hung hăng. Các thứ trục trặc xẩy ra khi một Kitô hữu, vì muốn rao giảng Đức Kitô và Phúc Âm cho toàn thế giới, lại thực hiện một cách, dù một chút xíu đi nữa, hung hăng hay tỏ ra khinh bỉ những ai không có cùng một vũ trụ quan với mình.

Khi tôi khám phá ra được một điều gì tuyệt vời rồi vì yêu thương và thân tình muốn truyền đạt nó thì không có vấn đề gì cả, bao lâu tôi làm điều này trong sự triệt để tôn trọng tự do của tất cả mọi người.

Vấn     Có người muốn làm điều này bằng những đường lối không ôn hòa cho lắm.

Đáp     Ngày nay chúng ta thường thấy cách thức được một số người muốn sử dụng để lan truyền Hồi Giáo bằng phương tiện không phải lúc nào cũng ôn hòa. Có lúc đã sử dụng đến cả chiến tranh.

Tôi nghĩ rằng khi chúng ta nói về chiến tranh chúng ta không được nói “Thế nhưng Kitô hữu cũng đã từng thực hiện những Cuộc Thánh Chiến”, vì, theo như tôi hiểu về lịch sử, đối tượng của các Cuộc Thánh Chiến không phải là để làm cho những người Hồi Giáo trở về Kitô Giáo; mục đích của những Cuộc Thánh Chiến này là tự vệ. Các mục tiêu đều là những gì về quân sự và xã hội, chứ không bao giờ nhắm đến việc làm cho các người Hồi Giáo trở lại cả. Trái lại, những Cuộc Thánh Chiến xẩy ra là để bênh vực các người Kitô hữu cũng như các đạo lộ được thành phần hành hương sử dụng trong việc đi đến các nơi thánh…

Hồi Giáo không chấp nhận nguyên tắc “sử dụng bạo lực vì bạo lực”, cũng như không sử dụng chiến tranh để truyền bá đức tin.

Đức tin của người Hồi Giáo được truyền bá trước hết nhờ những tay lái buôn, chỉ cần nghĩ đến Ấn Độ hay Mã Lai, cũng như nhờ những nhà thần bí. Hồi Giáo có một số phương pháp truyền bá: ước muốn truyền bá đức tin và việc chia sẻ đức tin là một hành động cao quí. Chúng ta phải nhìn thấy những gì đã được thực hiện để điều chỉnh quan niệm truyền bá này, một quan niệm đối với họ là “dawa” và đối với Kitô hữu là “truyền giáo”.

Vấn     Phải chăng bạo động và bất bạo động trong Sách Koran đều được coi như nhau?

Đáp     Bạo động có nói đến trong Sách Koran cũng như xẩy ra trong đời sống của giáo tổ Mohammed, nên ai nói ngược lại là chưa đọc Sách Koran và không biết gì về giáo tổ Mohammed. Những cuốn truyện đầu tiên của ông được gọi là những cuốn sách của các cuộc chiến thắng; đó là cách những người Hồi Giáo xưng mình.

Thế nhưng, trong lúc tôi nói rằng bạo lực có trong Sách Koran thì tôi cũng phải nói rằng bất bạo động cũng có trong sách này cũng như trong đời sống của giáo tổ Mohammed. Tôi không tự mẫu thuẫn đâu; đó là một thực tại.

Một mặt thì bạo động là một phần của Hồi Giáo sơ khai. Vấn đề sâu xa hơn nữa chúng ta cần phải tự hỏi mình đó là làm thế nào dung hòa được những biến cố bạo động hiện hữu trong Sách Koran và là những biến cố bắt buộc, phải, tôi nói là bắt buộc, hầu như phải ra tay sát hại trong một số trường hợp.

Đồng thời, ở những đoạn khác lại bắt buộc, tôi xin lập lại là bắt buộc, người ta không được gây thiệt hại gì và phải tôn trọng tính cách khác biệt. Đó là hai quan niệm chúng ta thấy được, và chỉ khi nào chúng ta tự hỏi mình về vấn đề này và tìm được câu giải đáp chúng ta mới bắt đầu hiểu được tất cả thực tại của người Hồi Giáo mà thôi.

Vấn     Các Kitô hữu càng ngày càng tỏ ra thắc mắc về Hồi giáo. Phải chăng những người Hồi giáo cũng tự hỏi nhau về Kitô hữu?

Đáp     Phải, Kitô hữu đang lấy làm thắc mắc về Hồi giáo. Sống trong một môi trường hỗn tạp ở Beirut, tôi phải nói rằng họ đang thắc mắc về Hồi Giáo, và ngược lại cũng thế. Thật sự là như thế, ở Lebanon họ luôn luôn nói với tôi rằng Kitô hữu chúng ta biết Hồi Giáo hơn là họ biết Kitô giáo. Thật vậy, chúng ta gặp khá nhiều khó khăn khi tổ chức những hội nghị mà muốn có một phát ngôn viên Hồi Giáo biết rõ về Kitô giáo.

Vấn     Phải chăng Hồi Giáo vẫn còn là một tôn giáo chưa đươc biết đến ở Âu Châu?

Đáp     Âu Châu không được phạm lỗi lầm vì không biết tới Hồi Giáo; Hồi Giáo là những gì tỏ tường. Thế nhưng, Âu Châu cũng không biết đến Phật Giáo hay các tôn giáo khác. Đối với tôi, vấn đề không phải ở tại chỗ không biết mà là ở chỗ muốn biết.


Cần phải tích cực cùng nhau làm việc, ở chỗ bình phẩm những gì chúng ta không thích về văn hóa của những người Hồi Giáo, tương tư như thế, họ cũng có quyền đối chất những khía cạnh của văn hóa Tây Phương họ không thích.


Chẳng hạn, họ nghĩ rằng quan niệm về chủ nghĩa biệt lập khỏi giáo hội dường như loại trừ hiện tượng đạo giáo, một hiện tượng dù sao vẫn tái xuất hiện. Đây là một lời phê bình đúng, và bởi thế cần phải đảo ngược lại.

Tôi xin nhắc độc giả là sự hiện diện của người Hồi Giáo ở Âu Châu là những gì mới có đây; thật là vô lý khi cho rằng các nguồn gốc của người Âu Châu là các nguồn gốc của tất cả mọi tôn giáo.

Theo quan điểm của tôi, sự hiện diện của những người Hồi Giáo ở Âu Châu có thể trở thành một ân phúc nếu hội đủ một số điều kiện: chẳng hạn, nếu trường hợp có một thứ Hồi Giáo Âu Châu được thiết lập thì phải là một tín đồ Hồi Giáo theo đức tin và là một người Âu Châu theo văn hóa tức là theo Kitô Giáo.

Như thế người ta sẽ đi đến chỗ đọc lại Sách Koran, bắt đầu bằng sự bình quyền giữa nam và nữ, giữa tín hữu và vô thần, bao gồm cả những nguyên tắc về dân chủ cũng như của nền văn minh Tây Phương, nhất là vấn đề phân biệt giữa tôn giáo và chính trị.

Vấn     Một số người đã phê bình cuốn sách của cha, cho rằng nó nhấn mạnh nhiều đến những khía cạnh tích cực của Hồi Giáo, chẳng hạn như khía cạnh Sufism (biệt chú của người dịch bản Việt ngữ đây, chữ này có nghĩa là “thần hiệp” bằng yêu mến và từ bỏ).

Đáp     Nhận định này cũng đúng; sự thật là tôi không nói về Sufism. Thế nhưng, sự thật là phái Hồi Giáo chính thống Sunni thấy nó như là một cái gì đó riêng tư, thậm chí như là một cái gì lệch lạc. Nó không có giá trị cho lắm.

Nếu chúng ta nhìn thấy những cuốn sách được phổ biến ở thế giới Hồi Giáo Ả Rập, chúng ta thực sự chẳng thấy gì về Sufis cả. Trái lại, ở Tây Phương lại có nhiều. Tại sao? Tại vì Tây Phương chú trọng đến những thứ khác bắt đầu là bản thân mình, và không muốn hiểu biết Hồi Giáo thực sự ra sao.

Nơi Hồi Giáo, những gì thiết yếu nơi các thứ giáo huấn cũng như trong đời sống là những gì thuộc về pháp lý. Đây không phải là một thứ cáo buộc hay là một khía cạnh tiêu cực mà là một thực tại, và người ta phải tôn trọng người khác theo thực chất của họ.

Để hiểu được thế giới của người Hồi Giáo, chúng ta cần phải biết đến nguồn gốc của thế giới này hơn là đến khía cạnh Thần Hiệp. Chẳng hạn biết đến “haddit” là những lời nói của Vị Tiên Tri giáo tổ, và những lời này thực sự không được chuyển dịch cho dù những lời ấy rất quan trọng.

Vấn     Phải chăng việc đọc lại Sách Koran là những gì khẩn trương?

Đáp     Điều quan trọng hiện nay là làm sáng tỏ cách thức đọc và giải thích Sách Koran ngày nay. Đáng buồn thay chỉ có một ít người Hồi Giáo nêu lên việc đọc lại Sách Koran mà thôi.

Kitô Giáo đã bắt đầu cẩn thận đọc các nguồn của Sách Koran này từ nhiều thế kỷ trước đây. Việc cẩn thận đọc lại này đã xẩy ra ở thế giới Hồi Giáo và trở thành một nhu cầu cần thiết.

Việc nghĩ lại Sách Koran không có nghĩa là thay đổi bản văn mà là ý nghĩa của sách này. Các nhà trí thức Hồi Giáo muốn làm điều này nhưng họ bất khả vì sức mạnh của đa số truyền thống quá ư là khổng lồ.

Điều này có thể xẩy ra ở Âu Châu, miễn là những nhóm cực thủ được các nước vùng Vịnh giầu có chăm nuôi không thắng thế; những gì họ làm là xuất cảng một thứ Hồi Giáo sang Âu Châu không phải là thứ Hồi Giáo được những người Hồi Giáo Âu Châu mong muốn.

Họ kiểm soát nhiều đền đài. Không phải những người di dân đã xây dựng những đền đài này mà là những tay cực thủ cùng với những kẻ giảng thuyết của họ từ Ả Rập tới hay từ những miền đất của các nhà thủ lãnh Hồi Giáo mà tới.

Vấn     Hồi Giáo là điều tự nhiên đối với cha, vì cha là một người Ả Rập Kitô Giáo. Cha có cảm thấy cha là một chiếc cầu nối hay chăng?

Đáp     Tôi rất thích những người Hồi Giáo, tôi thuộc về văn hóa này. Tôi là một người Ả Rập Kitô Giáo sống trong một nền văn hóa của người Hồi Giáo, song đức tin của tôi là Kitô Giáo, và tôi cảm thấy hạnh phúc với cả văn hóa Hồi Giáo lẫn niềm tin Kitô Giáo.

Dĩ nhiên Hồi Giáo đối với tôi là xa lạ. Những người Kitô Giáo Ả Rập chúng tôi đã biết cảm nhận được những khía cạnh tích cực và tiêu cực của việc chung sống. Chúng tôi cũng có thể giúp những người Kitô Giáo Tây Phương hiểu biết tất cả Hồi Giáo và chung sống với Hồi Giáo. Chúng tôi là một chiếc cầu nối và chúng tôi có thể đóng góp những gì chúng tôi đã nhận được như thành quả của một thứ kinh nghiệm ngàn năm của chúng tôi.