GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 8/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho Khối Hiệp Nhất Âu Châu tìm thấy sinh lực mới nơi gia sản Kitô giáo của mình là những gì thiết yếu làm nên văn hóa và lịch sử của lục địa này”.

Ý Truyền Giáo: “Xin cho các dòng tu đang hoạt động tại các xứ truyền giáo gia tăng mối hiệp thông và việc hợp tác với nhau hơn nữa”.  

__________________

 NGÀY 6 THỨ SÁU

  

 

Bầu cho ai khi phải chọn sự dữ – Tôn trọng lương tâm con người mà lại không thể không bênh vực mầu nhiệm Thánh!

Mùa tranh cử tổng thống Hoa Kỳ đang sôi nổi trong Cộng Đồng Công Giáo Hoa Kỳ, đến nỗi đã gây chấn động trong cả hàng ngũ giáo phẩm, liên quan đến vấn đề cho hay không cho các chính trị gia phò phá thai rước lễ.

Thật vậy, chưa bao giờ lương tâm Công Giáo ở Hoa Kỳ cảm thấy day dứt và bối rối như hiện nay trong cuộc bầu cử sắp tới đây, giữa một ứng cử viên đảng Cộng Hòa (đương kim Tổng Thống George Bush) có một chiều hướng và thực tế phò chiến tranh (qua mặt Liên Hiệp Quốc để tấn công Iraq) và với một ứng cử viên công khai tuyên bố phò phá thai.

Thường con người ta hướng về sự thiện và tìm kiếm sự thiện, nên những gì con người chọn lựa, theo nguyên tắc chung, bao giờ cũng là những gì tự bản chất là sự thiện, chứ không phải sự dữ hay hơn là sự dữ. Thế mà, giờ đây, trong cuộc bầu cử 11/2004, nhân dân Hoa Kỳ nói chung và người Công Giáo Hoa Kỳ hoặc nhập tịch Hoa Kỳ nói riêng, phải chọn một trong hai sự dữ, tức một trong hai ứng cử tổng thống đều làm sự dữ. Vậy đâu là ý Chúa trong việc tuyển chọn này, nếu người Công Giáo muốn chu toàn phận sự công dân của mình theo Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo buộc phải đi bầu?

Theo nguyên tắc chung thì trước hai sự dữ con người thường chọn và phải chọn sự dữ nhẹ. Vậy trong hai sự dữ chiến tranh và phá thai thì sự dữ nào nhẹ hơn, nếu không phải sự dữ phá thai, vì đây chỉ là vấn đề quyết định của cá nhân (nhất là của người mẹ) và giết từng người, còn chiến tranh là một biến cố đại thể, giết nhiều người trong một lúc hay trong một thời gian ngắn, chưa kể đến những thiệt hại về vật chất và tâm linh sau này nơi dân chúng. Thế nhưng, xét dài hạn thì phá thai lại là sự dữ nặng hơn, vì hậu quả khôn lường của nó đối với việc sát hại vô số thai nhi vô tội. Thậm chí kể cả trường hợp ngắn hạn, một phút thôi cũng có biết bao nhiêu thai nhi vô tội bị sát hại ngay trong lòng mẹ của mình. Bởi thế, thoạt nhìn thì chiến tranh có vẻ là sự dữ nặng hơn, nhưng xét kỹ thì phá thai cũng chẳng nhẹ gì.

Tuy nhiên, trong hai ứng cử viên tổng thống này, chúng ta vẫn phải để ý thêm một yếu tố nữa, đó là họ có một điều gì tích cực khác bù lại những sự dữ họ làm hay chăng? Chẳng hạn, ứng cử viên phò chiến tranh lại gây thành tích phò sự sống, còn ứng cử viên phò phái thai đã từng làm một sự thiện nào hay thành tích phục vụ công ích nào hay chăng?

Thực tế cho thấy, nếu không có một lương tâm chân chính và theo ý Chúa, thì con người ta chỉ bầu cử theo khuynh hướng và lợi lộc của mình. Tức họ sẽ bầu cho và chỉ bầu cho ứng cử viên nào có lợi cho họ. Chẳng hạn họ thích phá thai và phò phá thai thì chẳng bao giờ họ bầu cho ứng cử viên phò sự sống. Hay nếu họ không thích chiến tranh, họ sẽ không thể nào chấp nhận ứng cử viên cao bồi háo chiến cả.

Nhưng, như đã nói, trong trường hợp bầu cử năm 2004, con người khó lòng chọn được một ứng cử viên toàn vẹn theo đúng như ý Chúa muốn. Vậy thì chỉ còn cách là không đi bầu hay đi bầu mà bỏ phiếu trống? Tức bỏ phiếu theo lương tâm của mình mà thôi, nghĩa là hoàn toàn không vì tư lợi hay thiên kiến mà là theo nhận định lành dữ công minh theo nguyên tắc luân lý phổ quát.

Riêng về ứng cử viên phò phái thai nói riêng và các chính trị gia Công Giáo phò phá thai nói chung, có những vị giám mục đã lên tiếng không cho họ rước lễ, và có vị giám mục dung hòa hơn, chủ trương chỉ cần dạy cho họ biết về những gì phải giữ, còn để tùy họ có muốn giữ hay chăng, theo lương tâm của họ, chứ không thể áp bức họ được. Có vị giám mục cảm thấy không thể sử dụng Thánh Thể để chế tài họ. Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ ở Denver hồi tháng 6/2004 đã để tùy nghi mỗi vị giám mục hành sử theo thẩm quyền địa phương của các vị.

Tuy nhiên, vấn đề ở đây là: sau khi đã giảng dạy cho thành phần chính trị gia này biết về giáo lý của Giáo Hội rồi, (mà đa số trong họ chẳng cần phải cắt nghĩa họ cũng đã biết rồi), mà họ cứ lên rước lễ thì sao? Vị linh mục hay giám mục bấy giờ, biết rõ con người của họ, mà chẳng lẽ cứ cho họ rước lễ hay sao? Nếu vậy thì các vị thấy có người sắp đẩy người khác rớt xuống hố chết, trong khi các ngài có thể can thiệp ngay bấy giờ để cứu nạn nhân, mà các ngài chỉ đứng cắt nghĩa rồi tùy họ muốn đẩy chết người hay sao?

Cũng thế, trong khi các vị giám mục cần phải tôn trọng lương tâm con người, nhưng các ngài cũng có nhiệm vụ phải bảo vệ Mầu Nhiệm Thánh nữa, là bảo vệ những gì Thiên Chúa đã trao cho các ngài ban phát. Vậy các ngài cứ ban phát ẩu tả vì tôn trọng lương tâm con người thì thử hỏi các ngài có thoát khỏi trả lẽ trước Thiên Chúa hay chăng? Phải chăng các ngài thực sự tôn trọng lương tâm con người hay nể nang con người, coi trọng con người hơn Đấng dựng nên con người.

Luật Chúa và Giáo Hội không phải là những gì để giảng dạy mà còn để làm sao cho cộng đồng Dân Chúa áp dụng thực hành nữa, bằng không thì Giáo Hội Công Giáo cũng chẳng khác gì Giáo Hội Chính Thống Giáo hay Anh Giáo, họp xong rồi, quyết nghị rồi, để tùy nghi cho mỗi giáo hội địa phương thi hành theo sở thích và nhận định của mình. Có lợi thì làm, không có lợi thì thôi, kiểu giữ đạo chủ quan Tây Phương. Như thế thì còn gì là tính chất Công Giáo nữa, còn gì là thẩm quyền tối cao của Giáo Hội Công Giáo nữa.

 

Trong Thông Ðiệp về Thánh Thể “ECCLESIA DE EUCHARISTIA” ban hành vào chính Ngày Thứ Năm Tuần Thánh 17/4/2003, ở đoạn 37-38, ÐTC Gioan Phaolô II đã dứt khoát về vấn đề này như sau:

"Phán đoán về tình trạng ơn thánh của con người thực sự chỉ thuộc về chính đương sự, vì nó là vấn đề kiểm điểm lương tâm của mình. Tuy nhiên, trong những trường hợp tác hành bề ngoài có tính cách trầm trọng, hiển nhiên và chắc chắn trái ngược lại với qui tắc luân lý, thì Giáo Hội, vì mối quan tâm mục vụ về phương diện thiện ích của cộng đồng và vì lòng tôn kính phép bí tích này, không thể nào lai không trực tiếp can thiệp. Khoản Giáo Luật đã đề cập đến tình trạng tỏ ra thiếu điều kiện về luân lý này khi xác định rằng những ai 'cứ cứng lòng phạm trọng tội' thì không được Hiệp Lễ..." (đoạn 37)

"Thánh Thể, một biểu lộ hiệp thông thượng đỉnh về bí tích nơi Giáo Hội, cần phải được cử hành theo chiều hướng hoàn toàn thể hiện những mối liên hệ hiệp thông bề ngoài. Ðặc biệt vì 'thực sự là tuyệt đỉnh của đời sống thiêng liêng và là mục đích của tất cả mọi bí tích', mà Thánh Thế thực sự cần đến những liên hệ hiệp thông về bí tích, nhất là bí tích Rửa Tội và Truyền Chức Thánh. Không thể trao Thánh Thể cho một người chưa rửa tội, hay một người phủ nhận sự thật trọn vẹn của đức tin liên quan đến mầu nhiệm Thánh Thể" (đoạn 38)

Chúng ta hãy cầu nguyện để các vị chủ chiên của chúng ta được chẳng những khôn ngoan sáng suốt mà còn đủ sức mạnh để thực hiện sứ vụ giảng dạy, thánh hóa và chăn dắt của các ngài một cách toàn hảo, như những gì Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã chia sẻ với các vị trong 8 đợt viếng thăm tòa thánh ngữ niên của các ngài từ ngày 2/4 đến 24/6/2004.

Nên nhớ rằng, có những việc chúng ta làm, dù ngay lành đi nữa, tự bản chất, cũng chua7 chắc đã đẹp lòng Chúa và đúng như ý Chúa, thậm chí còn làm mất lòng Chúa, đáng Chúa nguyền rủa, như trường hợp của tông đồ Phêrô trong việc can ngăn Thày, dù có ý ngay lành và hoàn toàn vì yêu mến Thày, về mầu nhiệm vượt qua được Thày tiết lộ cho biết, đến nỗi, đã bị Thày xua đổi và gọi là Satan, vì những gì vị tông đồ này nghĩ tưởng và phát biểu hoàn toàn trái với ý muốn tối cao trọn lành của Thiên Chúa.

Đó là lý do chúng ta thấy con người Kitô hữu nói chung, nhất là các vị mục tử của Kitô Công Giáo nói riêng, cần phải sống thánh thiện là dường nào. Vì chỉ sống thánh thiện, tức sống trong Chúa và theo tinh thần của Chúa Kitô, luôn lắng nghe và đáp ứng tác động của Thần Linh như một trẻ thơ, con người mới không sợ lầm lạc, mới khôn ngoan như rắn và chân thật như bồ câu, tức mới khôn ngoan biết được mưu chước của ma quỉ bằng việc tuân theo tác động thần linh.

Với các vị Hoa Kỳ sang thăm Tòa Thánh ngũ niên đợt thứ 7, bao gồm những vị giám mục thuộc các giáo tỉnh Colorado, Wyoming, Utah, Arizona, New Mexico và miền tây Texas vào ngày 4/6/2004, Đức Thánh Cha đã nhắn nhủ các vị về vai trò thánh hóa lẫn giảng dạy, hay giảng dạy bằng đời sống thánh đức của các vị như sau:


“Bởi thế, hoạt động chính yếu nơi sứ vụ ngôn sứ của Giáo Hội đó là làm môi giới hóa giải nội dung của đức tin với các nền văn hóa khác nhau, để làm sao cho dân chúng được biến đổi bởi một quyền lực Phúc Âm chi phối cách suy nghĩ của họ, tiêu chuẩn phán đoán của họ, và những qui tắc tác hành của họ (cf. "Sapientia Christiana," Foreword I).


“Nhận xét của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI tiền nhiệm của Tôi là ‘cái phân ly giữa Phúc Âm và văn hóa thực sự là một thảm kịch của thời đại chúng ta’ (Evangelii Nuntiandi, 20) ngày nay được bộc lộ như ‘cuộc khủng hoảng về ý nghĩa’ (cf Fides et Ratio, 81). Những chủ trương mập mờ về luân lý, việc bóp méo lý luận của những nhóm theo khuynh hướng riêng biệt, và việc tuyệt đối hóa chủ quan tính, chỉ là một số thí dụ về một thứ quan điểm về đời sống không tìm kiếm được chính sự thật và buông xuôi việc tìm kiếm mục đích tối hậu và ý nghĩa của đời sống con người (cf ibid, 47). Ánh sáng của sự thật được chư huynh cởi mở rao giảng (cf 2Cor. 4:2) sẽ soi chiếu vào thứ ánh sáng mù mịt này, như là một thứ tác vụ “diakonia” của niềm hy vọng, hướng dẫn con người nam nữ hiểu được mầu nhiệm về đời sống của mình một cách nhất quán (cf. ibid., 15).


“Là những thừa tác viên của sự thật, bằng lòng can trường theo ơn Chúa Thánh Thần (cf. "Pastores Gregis," 26), vấn đề chư huynh rao giảng và sống động để làm chứng cho việc Thiên Chúa ngoại lệ ‘chấp nhận’ nhân loại (cf 2Cor 1:20) hiện lên như là dấu hiệu của sức mạnh và lòng tin tưởng vào Chúa và làm phát sinh sự sống mới trong Thần Linh. Ngày nay một số người coi Kitô Giáo như bị giảm giá về cơ cấu và không thể đáp ứng các nhu cầu thiêng liêng của con người. Tuy nhiên, chẳng những không phải là một cái gì đó thuần túy về cơ cấu, cốt lõi sống động của việc chư huynh rao giảng Phúc Âm đó là việc gặp gỡ chính Chúa. Thật vậy, chỉ nhờ hiểu biết, yêu mến và bắt chước Chúa Kitô mà cùng với Người chúng ta mới có thể biến đổi lịch sử bằng việc làm chứng cho những giá trị Phúc Âm nơi xã hội và văn hóa.


“Bởi thế, rõ ràng là tất cả mọi hoạt động của chư huynh đều phải hướng về việc loan truyền Chúa Kitô. Thật vậy, phận sự sống liêm chính của chư huynh là những gì phản nghịch lại với tình trạng phân chia giữa sứ vụ và đời sống. Được sai đi nhân danh Chúa Kitô như là những vị mục tử chăm sóc cho các đàn chiên riêng của Dân Chúa, chư huynh cần phải cùng với họ trở nên một tâm trí và một thân mình trong Chúa Thánh Thần (cf. Pastores Gregis, 43)”.
 

 

Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL