GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 8/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho Khối Hiệp Nhất Âu Châu tìm thấy sinh lực mới nơi gia sản Kitô giáo của mình là những gì thiết yếu làm nên văn hóa và lịch sử của lục địa này”.

Ý Truyền Giáo: “Xin cho các dòng tu đang hoạt động tại các xứ truyền giáo gia tăng mối hiệp thông và việc hợp tác với nhau hơn nữa”.  

__________________

 NGÀY 8 CHÚA NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN C

  

 

Chủ mà không có chìa khóa… cần phải gõ cửa… mới được vô… mới vô được…


Bài Phúc Âm Thánh Luca đoạn 12 cho Chúa Nhật XIX Mùa Thường Niên Hậu Phục Sinh tuần này chính thức chỉ có 5 câu, từ 35 đến 40. Tuy nhiên, nếu muốn, Giáo Hội cũng cho phép đọc bài Phúc Âm dài hơn, gồm 16 câu, từ câu 32 đến 48. Tất nhiên, ý tưởng chính của bài Phúc Âm sẽ nằm ở trong 5 câu buộc phải đọc cho Chúa Nhật tuần này. Như tuần trước đã đề cập đến, ý nghĩa phụng vụ của bài Phúc Âm Chúa Nhật XIX Mùa Thường Niên Hậu Phục Sinh tuần này chính là lời Chúa Kitô khuyên dạy nằm ở ngay đầu bài Phúc Âm: “Hãy thắt lưng và thắp đèn lên sẵn sàng”. Thế nhưng, “thắt lưng” và “thắp đèn lên sẵn sàng” đây nghĩa là gì? Tại sao cần phải “thắt lưng” và “thắp đèn lên sẵn sàng”? Thành phần nào cần phải “thắt lưng” và “thắp đèn lên sẵn sàng”? “Thắt lưng” và “thắp đèn lên sẵn sàng” để làm gì?

Thật ra Chúa Giêsu không khuyên dạy chỉ “thắt lưng” hay chỉ “thắp đèn lên”, mà là cả hai, “thắt lưng” trước và “thắp đèn lên” sau. Vậy ý nghĩa của lời Chúa Giêsu khuyên này có liên quan đến cả thứ tự của lời khuyên nhất cử lưỡng động này không?

Một trong những ý nghĩa của lời Chúa Giêsu khuyên dạy “Hãy thắt lưng và thắp đèn lên sẵn sàng” đây là “hãy tỉnh thức và cầu nguyện”, như Người đã nói thẳng ra cho các môn đệ biết trong vườn Cây Dầu ngay trước giây phút Người tự trao nộp cho giáo quyền Do Thái, một lời nói đã được Phúc Âm Thánh Mathêu ghi lại ở đoạn 26 câu 41. Theo thứ tự “tỉnh thức” trước và “cầu nguyện” sau, “tỉnh thức” là điều kiện tiên quyết và tối cần để có thể “cầu nguyện”, hay ngược lại, muốn “cầu nguyện” cần phải hoàn toàn “tỉnh thức”, bằng không, không thể nào cầu nguyện được. Điển hình nhất là trường hợp của ba vị tông đồ thân cận của Chúa Giêsu, theo đoạn Phúc Âm Thánh Mathêu trên đây thuật lại, buồn ngủ đến nỗi Vị Thày đang “buồn sầu đến nỗi chết được” của các vị đã phải lắc đầu than lên: “Các con không thể thức nổi với Thày dù chỉ một giờ đồng hồ hay sao?”.

Thật thế, về phương diện thể lý, một khi con người ăn no thường dễ buồn ngủ và khó tỉnh táo thế nào, thì về phương diện tâm linh cũng vậy, một khi con người không “giữ mình khỏi mọi thứ tham lam” theo lời Chúa Kitô khuyên dạy ở bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần trước, nghĩa là nếu chỉ biết sống hưởng thụ, họ cũng rất dễ bị mù tối như vậy, nhất là mù tối trước những cùng quẫn của anh em mình, như trường hợp Chúa Giêsu nêu lên ở dụ ngôn về người phú hộ và Lazarô trong Phúc Âm Thánh Luca đoạn 16, câu 19-20, một tình trạng mù tối về phương diện tâm linh đến nỗi, theo lời Chúa Giêsu diễn tả, “có một người ăn xin tên Lazarô mình đầy ghẻ lở nằm ngay trước cổng nhà mình” mà “nhà phú hộ ăn mặc lụa là và yến tiệc linh đình hằng ngày” cũng không hay biết gì cho đến khi cả hai qua đi. Giá người phú hộ này biết “thắt lưng” buộc bụng, nghĩa là biết “giữ mình khỏi mọi thứ tham lam”, thì cây đèn đức tin đầy dầu đức cậy của ông đã sáng lên đức mến rồi vậy, nhờ việc ông biết “thắp đèn lên”, một tác động biểu hiệu cho đời sống liên lỉ “cầu nguyện” của ông.

Về lý do tại sao Chúa Giêsu khuyên dạy “hãy thắt lưng và thắp đèn lên sẵn sàng”, theo bài Phúc Âm, đó là vì sự vắng mặt của chủ, ở chỗ, như lời Chúa Giêsu trong bài Phúc Âm cho biết là “chủ đi ăn cưới”. Nếu vậy thì khi chủ có mặt chẳng lẽ những người trong nhà không phải “thắt lưng” và “thắp đèn lên” hay sao? Đúng thế, vì, trong Phúc Âm Thánh Mathêu đoạn 9 câu 15, khi trả lời cho các môn đệ của Thánh Gioan Tiền Hô trước lời họ hạch Người về vấn đề chay tịnh của môn đệ Người, chính Chúa Giêsu đã đích thân xác quyết rằng: “Làm sao các khách dự tiệc cưới lại ưu buồn trong khi chàng rể còn ở với họ chứ. Đến ngày nào chàng rể bị mang đi khỏi họ bấy giờ họ mới chay tịnh”. Chàng rễ đây là ai, nếu không phải là chính Chúa Giêsu, “Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta” (Jn 1:14). Tình trạng không cần phải “thắt lưng” và “thắp đèn lên” chẳng những ở vào thời gian Chúa Giêsu còn tại thế, mà cả vào thời điểm cánh chung nữa, như Sách Khải Huyền diễn tả ở đoạn 21 câu 23: “Thành không cần mặt trời hay mặt trăng, vì vinh quang của Thiên Chúa chiếu soi nó, và đèn của nó là Con Chiên”.

Như thế, sau thời gian Chúa Giêsu không còn trên thế gian như “Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta” cho đến khi Người lại đến trong vinh quang, thời điểm Người ở cùng Giáo Hội, “một Tân Đô Giêrusalem là Thành Thánh từ trời nơi Thiên Chúa mà xuống”, như Thánh Gioan thị kiến thấy trong Sách Khải Huyền ở đoạn 21 câu 2, thì chính là thời gian vắng mặt chủ hay thời gian chủ đi vắng, do đó, cũng là thời gian Giáo Hội nói chung và Kitô hữu nói riêng cần phải “thắt lưng và thắp đèn lên sẵn sàng”. Đó là lý do, để trả lời cho câu tông đồ Phêrô hỏi trong bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này, ở phần không buộc đọc: “Lạy Chúa, Chúa ám chỉ dụ ngôn này vào chúng con hay Thày có ý nói cho cả thế giới nữa”, Chúa Giêsu đã gợi ý để vị trưởng tông đồ tự nghĩ về bản thân của mình và chức phận của mình như sau: “Theo ý con thì ai là người quản lý trung thành khôn ngoan được chủ đặt lên trông coi gia nhân của mình để phân phát phần lúa thóc cho họ”. Qua câu trả lời này của Chúa Giêsu, chúng ta thấy được thêm một ý nghĩa nữa về hành động “thắt lưng” và “thắp đèn lên” nơi thành phần môn đệ của Chúa Kitô, đó là hai tác động biểu hiệu cho thái độ của họ cần phải “trung thành” và “khôn ngoan”, một nhất cử lưỡng động liên quan đến chức phận “quản lý” là để phục vụ nhau, như những gì đã được chia sẻ ở cuối vấn đề thứ hai trên đây về dụ ngôn người phú hộ và Lazarô.

Nếu lý do cần phải “thắt lưng” và “thắp đèn lên sẵn sàng” là vì chủ vắng nhà, thì mục đích của thái độ nhất cử lưỡng động này là, như Chúa Giêsu đã rõ ràng nói đến trong bài Phúc Âm: “Để khi chủ về gõ cửa thì mở ngay cho chủ”.

Phải, làm gì thì làm, lúc nào cũng thế, thành phần “quản lý trung thành khôn ngoan được chủ đặt lên trông coi gia nhân của mình” đều làm với mục đích để sửa soạn mọi sự cho chủ, để trông mong chủ về. Ở đây chúng ta thấy có hai điều rất lạ như sau: thứ nhất là việc chủ mà không có chìa khóa để tự động mở cửa vô nhà của mình, đến nỗi cần phải gõ cửa để viên quản lý của mình mở cửa cho mới vô được; và thứ hai là việc làm chủ mà lại “thắt lưng, đặt họ vào bàn mà hầu hạ họ”, bởi vì “chủ về thấy họ còn tỉnh thức”.

Trước hết, cái lạ đầu tiên là việc chủ mà không có chìa khóa để có thể tự động vô nhà trong dụ ngôn này không phải là vì ông bỏ quên chìa khóa ở nhà, mà là vì ông đã hoàn toàn tin tưởng và tuyệt đối tín nhiệm thành phần “quản lý” của mình, đến nỗi, như Chúa Giêsu phán cùng tông đồ Phêrô trong Phúc Âm Thánh Mathêu đoạn 16 câu 19 như sau: “Thày sẽ trao cho con chìa khóa nước trời. Những gì con tuyên bố cầm buộc dưới thế cũng bị cầm buộc trên trời; những gì con tuyên bố tháo cởi dưới đất cũng được tháo cởi trên trời”. Nếu dưới đất cầm buộc hay tháo cởi thì trên trời cũng cầm buộc hay tháo cởi như thế, thì không phải là chỉ có một quyền bính tối thượng, một chìa khóa duy nhất đã được trao vào tay vị đại diện của Người trên thế gian này sao? Và chiếc chìa khóa quyền linh này còn được các vị thừa tác viên thánh chức của Người dùng để mở cửa chuồng chiên là Chúa Kitô ra mà nuôi dưỡng chiên của Người (xem Jn 10:7, 9), bằng các phép bí tích Người lập.

Sau nữa, cái lạỉ thứ hai là việc chủ trở thành đầy tớ để hầu hạ thành phần gia nhân đã cố gắng tỉnh thức chờ ông về, không phải là vì ông cảm thấy nợ nần họ, ở chỗ, trong khi ông đi ăn cưới vui vẻ thì họ phải vất vả thay ông coi nhà, hay ông cần phải nịnh bợ họ, để lần sau họ tiếp tục giữ nhà cho ông một cách “trung thành” và “khôn ngoan”, kẻo ông bị thiệt hại cách nào. Trái lại, ông “thắt lưng” phục vụ họ hoàn toàn là vì yêu thương trọng kính họ và muốn họ cũng được dự phần làm chủ với ông, như Chúa Giêsu đã làm cho các môn đệ của Người trước Bữa Tiệc Ly trong Phúc Âm Thánh Gioan ở đoạn 13, từ câu 3 đến câu 5: “Biết rằng mình đã từ Thiên Chúa mà đến và phải trở về cùng Thiên Chúa là Cha, Đấng đã trao ban mọi sự cho mình, Chúa Giêsu chỗi dậy khỏi bàn ăn và cởi áo choàng của mình ra. Người lấy tấm khăn quấn quanh mình. Đoạn đổ nước vào chậu và bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn quấn bên mình mà lau chân cho họ”.

Như thế, mục đích của thái độ nhất cử lưỡng động “thắt lưng” và “thắp đèn lên” của thành phần môn đệ Chúa Kitô nói chung và của các vị thừa tác viên thay mặt Người nói riêng còn là để nhờ đó họ được Người làm cho họ xứng đáng hiệp thông với Người, như Người dứt khoát với riêng tông đồ Phêrô trước khi rửa chân cho ngài: “Nếu Thày không rửa chân cho con, con sẽ không được dự phần với Thày”.

Tóm lại, ý nghĩa câu “thắt lưng và thắp đèn lên sẵn sàng”, như Chúa Giêsu khuyên dạy trong bài Phúc Âm Chúa Nhật XIX Mùa Thường Niên Hậu Phục Sinh Năm C tuần này có thể được hiểu theo hai ý nghĩa: thứ nhất, đó là hãy tỉnh thức và cầu nguyện, và thứ hai, đó là hãy trung thành và khôn ngoan, tuy nhiên, dầu sao hai ý nghĩa thực hành này cũng mới chỉ là nguyên tắc hướng dẫn mà thôi. Tức là Kitô hữu chúng ta phải làm sao biết áp dụng hai ý nghĩa của nguyên tắc hướng dẫn này vào đời sống hằng của chúng ta nữa mới được. Chẳng hạn, là một người chồng và cha, hay một người vợ và mẹ, hoặc một người con và cháu, hay một tu sĩ và giáo sĩ, hoặc là một sinh viên, bác sĩ, kỹ sư, luật sư, cán sự xã hội, chuyên viên tâm lý v.v., chúng ta cần phải “thắt lưng và thắp đèn lên sẵn sàng” như thế nào….?


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL