GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 8/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho Khối Hiệp Nhất Âu Châu tìm thấy sinh lực mới nơi gia sản Kitô giáo của mình là những gì thiết yếu làm nên văn hóa và lịch sử của lục địa này”.

Ý Truyền Giáo: “Xin cho các dòng tu đang hoạt động tại các xứ truyền giáo gia tăng mối hiệp thông và việc hợp tác với nhau hơn nữa”.  

__________________

 NGÀY 9 THỨ HAI

  

 

THÁNH ÐỊA - DẤU CHỈ THẦN LINH

Quá Trình Tranh Chấp và Vận Ðộng Hòa Bình

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL,

viết và dịch theo tin tức liên tục của CNN và Zenit,

cách riêng tài liệu The Land of Conflict của CNN

 


Tình hình Trung Đông dằng dai và căng thẳng giữa hai phe Palestine và Do Thái cho tới nay khiến cho người viết cứ suy nghĩ về hai câu Thánh Kinh, một câu liên quan đến phe Palestine Ả Rập và một câu liên quan đến phe Do Thái.

Câu Thánh Kinh (Cựu Ước) liên quan đến phe Palestine Ả Rập, đó là câu Thiên Sứ phán với người nữ tỳ Ai Cập Hagar về tương lai của đứa con trai Ishmael đang ở trong bụng chị bấy giờ, đứa trẻ chị sẽ sinh ra cho ông chủ Abram của chị vì bà chủ Sarai của chị bị bất hạnh hiếm muộn: “Nó chống lại mọi người và mọi người chống lại nó” (Gen 16:12). Tình hình an ninh trên thế giới hiện nay cho thấy nạn khủng bố trên thế giới phát xuất từ dân Ả Rập Hồi giáo, và thế giới cũng đang liên kết để chống lại nạn khủng bố gây ra bởi những con người thuộc dân này.

Câu Thánh Kinh (Tân Ước) liên quan đến phe Do Thái là câu Thánh Phaolô Tông Đồ khẳng định về số phận của dân ấy: “Phần dân Do Thái đã bị mù quáng cho tới khi đủ số Dân Ngoại, tới lúc ấy tất cả dân Do Thái sẽ được cứu độ” (Rm 11:25-26). Tình hình hiện nay cho thấy dân Do Thái dường như không cần mong đợi một Vị Cứu Tinh, Vị Thiên Sai nữa, vì họ không bị một quyền lực chính trị nào chi phối, như thời đế quốc Rôma, thời điểm xuất hiện nhân vật Giêsu Nazarét, trái lại, họ còn làm chủ tình hình Trung Đông nói riêng, nhất là, làm điêu đứng cả một thế giới Ả Rập Hồi giáo khổng lồ về địa dư và dân số gấp trăm ngàn lần họ.

Chúng ta không biết dân Do Thái sẽ được cứu độ bằng cách nào, chỉ biết rằng khi đủ số Dân Ngoại thì họ được cứu, thế thôi. Nhưng làm thế nào để biết được còn bao nhiêu Dân Ngoại cần phải trở về nữa mới đủ số, hay ngược lại, cứ khi nào thấy Dân Do Thái bắt đầu tỏ ra nhận biết Giêsu Nazarét là Chúa Kitô, là Đấng Thiên Sai, thì đó là dấu cho thấy đã đủ số Dân Ngoại. Tuy nhiên, trong khi mong chờ điềm trời cho thấy ứng nghiệm lời tiên báo của Thánh Phaolô về số phận của dân Do Thái, chúng ta hãy theo dõi tình hình Trung Đông, một mảnh đất hữu thần và linh thánh nhưng liên lỉ xung khắc và trường kỳ xung đột
 

 

1)    QUÁ TRÌNH TRANH CHẤP

 

Những ranh giới Palestine và Việc Do Thái định cư

Phe Palestine nhấn mạnh rằng quốc gia của họ cần phải bao gồm tất cả mọi lãnh thổ bị phe Do Thái chiếm đóng từ cuộc chián tranh 1967, tưcùc là bao gồm Giải Gaza và vùng Tây Ngạn kể cả phía Đông Giêrusalem. Phe Do Thái không đồng ý, cho rằng vì nhu cầu an ninh của những người Do Thái mà cần phải có sự hiện diện của họ theo chính sách phác họa của vùng Tây Ngạn, và một số những cuộc định cư của người Do Thái xẩy ra trong những năm họ chiếm đóng cần phải được sát nhập vào nước Do Thái. Ủy ban tìm kiếm dữ kiện của nguyên Thượng Nghị Sĩ Hoa Kỳ George Michell đã đề nghị vào ngày 21/5/2001 là chính quyền Do Thái hãy ngưng tất cả mọi hoạt động định cư, bao gồm cả việc phát triển tự nhiên của những cuộc định cư đang có, đồng thời cũng kêu gọi phe Palestine “hãy thực hiện 100% nỗ lực để ngăn cản những cuộc khủng bố và trừng phạt những tay vi phạm”.

Quan điểm đôi bên về những vùng đất tranh giành. Theo phe Do Thái thì cộng đồng định cư Do Thái, lên tới khoảng 200 ngàn người ở vùng Tây Ngạn, cũng như những người bảo thủ đạo giáo thấy rằng vùng này là phần đất thánh kinh của dân Do Thái nên nhất định không chịu bỏ ý định kiểm soát vùng ấy. Những cuộc định cư của dân Do Thái ấy được coi là cần phải được bảo vệ an ninh. Những cuộc định cư ở giải Gaza ít đông dân Do Thái hơn ở vùng Tây Ngạn và là mảnh đất không có tầm quan trọng thánh kinh là bao đối với dân Do Thái. Còn theo phe Palestine thì những người thuộc phe này ngờ vực về những nỗ lực cứ muốn hiện diện của người Do Thái ở những vùng họ chiếm đóng vào năm 1967. Lãnh thổ được Thẩm Quyền Palestine Yasser Arafat bị phân lẻ và chia cắt bởi 144 cuộc định cư thường dân và quân đội Do Thái, làm suy yếu sức sống của việc kiểm soát của chính quyền Palestine. Những cuộc định cư ấy được coi như một khí cụ tiếp tục chiếm đóng với mục đích chia cắt quốc gia Paleatine sau này thành những phần không liên hệ gì với nhau.

Những miền đất bị chiếm đóng là phía Đông Giêrusalem, bao gồm cả trung tâm Cổ Thành xưa. Cả phe Palestine và Do Thái đều cho rằng Giêrusalem thuộc về họ. Đôi bên cũng đang tranh giành nhau giải Gaza và vùng Tây Ngạn. Ngoài ra, còn những điểm then chốt nữa là vùng biên giới giữa Do Thái và Lebanon, nơi chiến đấu quân Hezbollah đã d0ụng độ với quân đội Do Thái, và Cao Nguyên Golan, một bình nguyên ở phía tây năm Syria bị Do Thái chiếm đóng từ năm 1967.

Riêng Giêrusalem là một trong những vấn đề tranh giành đệ nhất nơi những cuộc thương thảo hòa bình giữa hai phe Palestine và Do Thái. Diểm nóng ở Giêrusalem này là ngọn đồi được phe Do Thái cho là Núi Đền Thờ (Temple Mount) và được phe Palestine cho là Thánh Cung Cao Quí (Haram al-Sharif). Sở dĩ đó là điểm nóng là vì nơi ấy được cho rằng có những tàng tích của ngôi đền thờ linh thánh nhất của Do Thái Giáo, một nơi lại bị ngự trị bởi Ngôi Vòm Đá (Dome of the Rock) và đền thờ Al-Aqsa là một dịa điểm đệ tam linh thánh của Hồi Giáo. Tuy nhiên, theo sự phân chia của Liên Hiệp Quốc năm 1947 thì Giêrusalem là một thành đô quốc tế chung cho quốc gia Do Thái và Palestine. Thế nhưng, phe Do Thái đã chiếm vùng phía Tây Giêrusalem sau cuộc chiến tranh giành độc lập của họ và chiếm cả vùng phía Đông Giêrusalem là vùng bao gồm cả Ngôi Vòm Đá năm 1967. Tất nhiên dân Do Thái sống đông đúc ở miền Tây Giêrusalem và dân Ả Rập ở miền Đông Giêrusalem.

Quan điểm đôi bên về vị thế của Giêrusalem: Theo Do Thái thì việc thôi không kiểm soát, ngay cả những vùng lân cận Palestine thuộc phía Đông Giêrusalem hay phía Cổ Thành đi nữa, là một lằn đỏ đối với nhiều người Do Thái coi Giêrusalem là tâm điểm của phong trào Do Thái Phục Quốc và là một phần quan trong thuộc căn tính Do Thái. Họ muốn bảo đảm là họ vẫn có thể đến những địa điểm họ coi là linh thánh và họ không muốn thương thảo về điểm này. Còn theo phe Palestine thì những địa điểm ở Cổ Thành Giêrusalem là nơi có các địa điểm linh thánh của chẳng những người Palestine mà còn của cả thế giới Ả Rập và Hồi Giáo nữa. Thế nhưng, Tổng Thống Yasser Arafat thuộc Thẩm Quyền Palestine đã không thể giải quyết nổi vấn đề này theo những gì ông yêu cầu ở Camp David.

Lược Sử Thánh Địa
 

 

1000 BC - Vương Quốc Do Thái: Vào cuối thiên kỷ thứ hai trước Chúa Kitô Giáng Sinh, Moisen dẫn dân Do Thái ra khỏi nước Ai Cập để đến “Đất Hứa” là Canaan. Vào đầu thế kỷ 12 BC, miền này đã bị dân du mục Philistines chiếm cứ khoảng 150 năm. Có những lúc người Hy Lạp và Rôma đã gọi miền này là “Đất của Người Philistines” và tên gọi Palestine được phát xuất từ đó. Dân Do Thái đã thành lập vương quốc của mình dưới thời vua Saolê vào khoảng năm 1020 BC. Đền thờ Giêrusalem được xây cất và hoàn thành vào đời vua thứ ba của vương quốc Do Thái là Solomon. Đến độ năm 950, tức sau đời vua Solomon, thì vương quốc Do Thái trở thành hai nước: nước Israel có thủ đô là Samaria, và nước Giuđa có thủ đô là Giêrusalem.
 

 

312 AD - Kitô Giáo và Thánh Địa: Qua các thế kỷ, Palestine bị các đế quốc cai trị, như đế quốc Ba Tư, Babylon, Assyria, Hy Lạp và Rôma; đế quốc cuối cùng kéo dài tới cả thời của Chúa Giêsu. Vào năm 312 sau Chúa Kitô Giáng Sinh, Hoàng Đế Rôma Constantine trở lại Kitô giáo, và Giêrusalem trở thành mục tiêu hành hương của Kitô hữu. Truyền thống cho rằng Chúa Giêsu bị đóng đanh và chôn táng ở địa điểm Ngôi Thánh Đường Mồ Thánh ở Giêrusalem bây giờ.
 

 

691 – Ngôi Đền Hồi Giáo ở Giêrusalem: Những người Ả Rập Hồi Giáo, dưới quyền lãnh đạo của Umar đã chiếm Palestine vào năm 640, và vào năm 691 đã xây cất một trong những đền thờ linh thánh nhất của Hồi Giáo ở đó là Ngôi Vòm Đá, ngay ở vị trí của Ngôi Đền Do Thái đã được vua Solomon xây cất ở Giêrusalem trước kia. Di95a điểm này được chọn để xây đền thờ Hồi Giáo vì chỗ ấy được tin rằng là nơi tiên tri Mohammed về trời.

 

1516 – Đế Quốc Ottomans: Mảnh đất Thánh Địa tranh chấp giữa Do Thái và Palestine này được chấm dứt vào năm 1291 khi đám nô lệ hiếu chiến Mamluks nổi dậy lất đổ những nhà cầm quyền Ai Cập và thiết lập triều đại trong vòng 260 năm ở Trung Đông. Sau đó, họ bị những người Thổ Nhĩ Kỳ Ottoman lật đổ và chiếm Palestine gần 300 năm.

 

1882 – 1897 – Phong Trào Quốc Gia: Để phản ứng trước tình trạng càng ngày càng tăng về việc chống lại giống dân Semitism (cả Do Thái lẫn Ả Rập) ở Âu Châu vào cuối thế kỷ 19, một số người Do Thái Âu Châu có uy thế đã thành lập một phong trào gọi là Zionism (Do Thái Phục Quốc) với mục đích để tái thiết quê hương Do Thái ở Palestine. Trong những năm trước Thế Chiến I (1914-1918), những nhà Phục Quốc Do Thái thiết lập được 12 thuộc địa ở Palestine giữa một thành phần dân chúng hầu hết là Ả Rập và Hồi Giáo. Nhiều cuộc định cư của người Do Thái đã xẩy ra ở phần đất mua được từ những người Ả Rập. Phong trào quốc gia bấy giờ cũng bắt đầu nổi lên để chống lại việc thống trị của người Thổ Nhĩ Kỳ.
 

 

1917 – Arhtur J. Balfour: Sau Thế Chiến I, Hiệp Vương Quốc (United Kingdom of Great Britain) kiểm soát Palestine và chấp nhận tư tưởng của Bộ Trưởng Ngoại Giao Arthur J. Balfour về “một ngôi nhà quốc gia” cho những người Do Thái. Hiệp Vương Quốc cũng hứa tôn trọng quyền lợi của những người không phải là Do Thái ở miền ấy, và cho phép các vị lãnh đạo Ả Rập được quyền tự trị. Tuy nhiên, chính vì thế mới có chuyện hiểu lầm tai hại là những người Ả Rập tưởng Palestine là một quốc gia độc lập của người Ả Rập là những gì không đúng với ý định của Hiệp Vương Quốc.
 

 

1920 – Đụng độ vũ khí: Hiệp Vương Quốc Anh bắt đầu cai trị Palestine năm 1920. Họ tuyên bố sẽ thiết lập một quê hương cho người Do Thái ở vùng này, thế nhưng quê hương này sẽ hiện diện ở Palestine và không bao gồm toàn xứ sở ấy. Bởi thế đã xẩy ra ngay trong năm nay những cuộc nổi loạn của người Ả Rập chống lại phong trào Phục Quốc Do Thái, và năm 1929, một cuộc tranh chấp về Bức Tường Than Khóc đã châm mồi cho cuộc nổi loạn nữa của người Ả Rập và gây nên một cuộc triệu tập Thánh Chiến Hồi Giáo. Kết quả là những người Do Thái bắt đầu tự vệ và cả hai bên gây ra những cuộc khủng bố tấn công nhau.
 

 

1937 – Đức Quốc Xã Nazi: Cuộc nổi dậy của Đức Quốc Xã ở Âu Châu đã tăng sức cho phong trào Phục Quốc Do Thái, và Hiệp Vương Quốc đã tăng con số di dân Do Thái về Palestine từ 5 ngàn vào năm 1932 lên 62 ngàn vào 3 năm sau đó. Sợ rằng những người Do Thái sẽ nắm quyền kiểm soát, những người Ả Rập đã bắt đấu thực hiện một loạt tấn công và tẩy chay. Một ủy ban của Hiệp Vương Quốc dự định là Palestine phải được phân chia thành nước Do Thái, Ả Rập và Hiệp Vương Quốc, một điều đã được thành phần Phục Quốc Do Thái ưng thuận không cần suy nghĩ. Thế nhưng những người Ả Rập bác bỏ tư tưởng này, cương quyết chống lại dự án thành lập một quốc gia Do Thái. Trong vòng 12 năm, từ 1933 đến 1945, thời gian tế thần (Holocaust) dân Do Thái, Adolf Hitler của Đức Quốc đã bách hại những người Do Thái và các đám dân thiểu số. Đức Quốc Xã đã sát hại khoảng 6 triệu người Do Thái trong khoảng thời gian ấy.
 

 

1939-1947 - Thế Chiến Thứ Hai: Các người Do Thái tị nạn từ cuộc bách hại để Tế Thần ở Âu Châu đã đổ về Palestine vào thời Thế Chiến Thứ II (1939-1945), khiến cho việc thành lập một quốc gia Do Thái lại càng trở nên khẩn trương. Những người Ả Rập thành lập Hiệp Hội Ả Rập như là một lực lượng chống lại phong trào Phục Quốc Do Thái. Vào năm 1947, Hiệp Chủng Quốc đã bỏ phiếu để phân chia Palestine thành hai quốc gia Ả Rập và Do Thái, trong đó nước Do Thái chiếm 55% lãnh thổ bên phía tây sông Dược-Đăng, còn Giêrusalem được ấn định là một khu vực quốc tế.
 

 

1948-1949 – Độc lập, chiến tranh và đình chiến: Bản tuyên ngôn của nhà lãnh đạo phong trào Phục Quốc Do Thái David Ben-Gurion ở Tel Aviv ngày 14/5/1948 công nhận Do Thái là một quốc gia độc lập đã châm mồi cho lực lượng đồng minh Ai Cập, Syria, Transjordan, Lebanon và Iraq thực hiện việc tấn công xâm chiếm nước Do Thái. Thế mà, sau 15 tháng, những người Do Thái chẳng những không bị thua mà còn nới rộng quyền lực của mình tới miền bắc Galilê và miền nam Negev. Việc đình chiến bảo đảm đã chia cắt Giêrusalem giữa Do Thái và Jordan, nhưng còn số mệnh của 400 ngàn người Ả Rập Palestine chạy loạn trong thời gian chiến tranh đang ở những lều trại gần biên giới không được giải quyết.
 

 

1956 – Cuộc chiến ở Sinai: Những cuộc săn bắt và nổi dậy giữa những người Ả Rập và Do Thái, cùng với việc Ai Cập chiếm Kinh Đào Suez đã khiến Do Thái xâm chiếm Đảo Sinai. Trong khi Pháp và Hiệp Vương Quốc kiểm soát kinh đào Suez thì Do Thái chiếm giải Gaza và Sharm el Sheikh ở mũi nhọn Đảo Sinai là chỗ kiểm soát ngõ ra vào Vịnh Aqaba và Ấn Độ Dương. Do Thái đã rút quân vào năm 1957 khi vịnh này được Liên Hiệp Quốc bảo toàn.
 

1959 – Al Fatah và PLO: Yasser Arafat và Abu Jihad (Khalil al-Wazir) thành lập Al Fatah, một từ ngữ viết tắt của Phong Trào Quốc Gia Giải Phóng Palestine (Palestine National Liberation Movement). Phong trào này phát triển nhanh chóng vào thập niên 1960 và trở thành một lực lượng lớn nhất và giầu nhất của phe Palestine. Vào năm 1969, Arafat trở thành chủ tịch của phong trào này PLO (Palestine Liberation Organization), một nhóm được thành lập từ năm 1964 như là một cái dù che chở cho những khối khác nhau đang tham chiến chống đánh Do Thái. Tổng Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã bỏ phiếu ban cho PLO vị thế làm quan sát viên ở Liên Hiệp Quốc vào tháng 11/1974.
 

 

1967 – Cuộc chiến 6 ngày: Vào Tháng 5/1967, Ai Cập đóng Vịnh Aqaba không cho tầu bè của Do Thái đi lại, và bắt đầu vận động lực lượng tấn công Do Thái. Syria và Jordan cũng tiến đến chỗ tấn công Do Thái. Để đối đầu, Do Thái đã tấn công họ. Từ ngày 5/6, không quân Do Thái đã phá hủy các máy bay của Ai Cập còn ở trên mặt đất. Được yểm trợ bởi không lực trên trời, các đoàn xe tăng và bộ binh của Do Thái đã chiếm đảo Sinai 3 ngày. Ngoài ra, Do Thái cũng làm chủ cả vùng Cao Nguyên Golan, miền Tây Ngạn Sông Dược-Đăng, bao gồm cả Cổ Thành Giêrusalem (là nơi sau này Do Thái chiếm cứ), và giải Gaza. Cuộc chiến này đã được chấm dứt vào ngày 10/6, nhờ Liên Hiệp Quốc can thiệp.
 

 

1970 – PLO bị đẩy lui: Những cuộc đụng độ bằng những loại súng cối giữa Do Thái và Palestine ở Jordan, cùng với những cuộc không tặc do các tay hiếu chiến Palestine gây ra, đã khiến cho người ta sợ rằng Jordan có thể sẽ bị PLO chiếm cứ. Quân đội Jordan đã đẩy lui PLO ra khỏi xứ sở của họ vào năm 1971, và PLO tái định quân tại Lebanon. Vào Tháng 9/1972, một nhóm hiếu chiến được gọi là Tháng Chín Đen đã giết chết 11 lực sĩ Do Thái tại Thế Vận Hội ở Munich Đức Quốc.
 

 

1973 – Cuộc chiến tranh Yom Kippur: Ai Cập và Syria cùng nhau tấn công Do Thái vào ngày 6/10 năm này, ngày lễ Yom Kippur của Do Thái. Iraq cũng tham gia cuộc tấn công ấy, và các quốc gia Ả Rập khác ra tay hỗ trợ cuộc tấn công. Bị đánh bất ngờ, Do Thái đã mất mấy ngày để lấy lại thăng bằng, với số tử thương nặng nề, nhưng đã đẩy lui được lực lượng tấn công. Thậm chí Do Thái đã đẩy lực lượng Ai Cập sang bên kia Kinh Đào Suez và chiếm vùng tây ngạn kinh đào này. Do Thái cũng chiếm những vùng lớn của lãnh thổ Syria trước khi các lực lượng Ả Rập đồng ý ngừng chiến do Liên Hiệp Quốc sắp xếp. Qua một loạt hiệp ước năm 1974, Do Thái đã đồng ý rút lực lượng của họ khỏi kinh đào Suez về lại Sinai và tiến đến chỗ ngừng chiến với Syria. Thế nhưng, cuộc chiến này đã làm cho Do Thái trở thành một quyền lực chủ chốt trong vùng.
 

 

1979 – Những hiệp ước Camp David: Ai Cập và Do Thái đã ký một hiệp ước hòa bình vào ngày 26/3 chính thức chấm dứt tình trạng chiến tranh xẩy ra giữa họ trong 30 năm qua. Để đáp lại việc Ai Cập nhìn nhận Do Thái có quyền hiện hữu, Do Thái đã trả lại cho Ai Cập Đảo Sinai. Hai nước này còn chính thức thiết lập ngoại giao với nhau nữa.

 

 

1982 – Cuộc chiến ở Lebanon: Chỉ sau ít tuần rút khỏi Sinai, những chiếc phản lực của Do Thái đã dội bom các thành trì của PLO ở Beirut và miền nam Lebanon bằng những cuộc săn đuổi trả đũa. Sau đó ít lâu, quân đội Do Thái đã xâm chiếm Lebanon và bao vây Beirut đang lưỡng lự thương thảo với PLO. Sau 10 tuần lễ hết sức trốn tránh, PLO đồng ý rời Beirut dưới sự bảo vệ của một lực lượng đa quốc và tại định quân ở các quốc gia Ả Rập khác. Giai đoạn này đã làm lũng đoạn vai trò lãnh đạo của PLO. Do Thái đã rút quân khỏi hầu hết ở Lebanon vào năm 1985, nhưng tiếp tục giữ một giải đất dọc theo lãnh thổ của mình do họ chiếm cứ vào năm 1978. Do Thái đã rút quân khỏi miền nam Lebanon vào tháng 5/2000.
 

 

1987 – Cách mạng Intifada: Sau 20 năm bị chiếm cứ, những người Palestine ở giải Gaza, vùng Tây Ngạn và Giêrusalem nổi loạn chống lại những người Do Thái. Những cuộc cách mạng này tiếp tục xẩy ra nhiều năm, và Yasser Arafat đã tuyên bố rằng PLO là chính phủ lưu vong của “Quốc Gia Palestine”. PLO chính thức công nhận quyền hiện hữu của Do Thái vào năm 1988. Tuy nhiên, trong những cuộc điều đình về hòa bình không có PLO.

 

 

1993 – Bắt tay hiệp định: Những cuộc điều đình bí mật ở Oslo, Na Uy, giữa Do Thái và PLO đã đưa đến việc nhìn nhận lẫn nhau, giới hạn phe Palestine tự trị ở Jericho và giải Gaza, và những khoản giành cho một hiệp ước vĩnh viễn trong việc giải quyết tình trạng giải Gaza và vùng tây Ngạn. Bản hiệp định này được ký ở Washington, và được đánh dấu lịch sử bằng cái bắt tay giữa Arafat và Thủ Tướng Do Thái Yitzhak Rabin. Rabin, Arafat và Bộ Trưởng Ngoại Giao Do Thái Shimon Peres đã được giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 1994 về những nỗ lực của họ.
 

 

1994 – Cuộc tàn sát và rút lui: Vào tháng Hai năm này, một tay Do Thái cực đoan đã giết 39 người Palestine khi họ đang cầu nguyện ở một đền thờ vùng Tây Ngạn. Tình hình căng thẳng tăng lên. Tuy nhiên, vào tháng Năm, Do Thái đã rút lui khỏi Jericho ở vùng Tây Ngạn và khỏi giải Gaza. Vào tháng Bảy, Arafat tiến vào giải Gaza và đã bắt các phần tử của Thẩm Quyền Palestine phải thề hứa, thành phần kiểm soát việc giáo dục và văn hóa, tình trạng an sinh xã hội, du lịch, sức khỏe và thuế má.
 

 

1995 – Cuộc ám sát Rabin: Vào tháng Chín, Rabin và Peres đã ký một thỏa ước cho phe Palestine được nới rộng quyền tự trị ở vùng Tây Ngạn cũng như cho Thẩm Quyền Palestine được quyền kiểm soát sáu tỉnh lớn ở Tây Ngạn. Rabin đã bị ám sát ở một cuộc xuống đường hòa bình hai tháng sau đó bởi một sinh viên luật Do Thái có liên hệ với những tay cực đoan khuynh hữu.

 

 

1996 – Những cuộc bầu cử: Qua những cuộc bầu cử lần đầu tiên chưa bao giờ có của những người Palestine, Arafat đã được nhiệt liệt chọn bầu làm tổng thống của Thẩm Quyền Palestine. Còn bên phía Do Thái thì lại xẩy ra một vụ những tay Hồi Giáo cực đoan cho nổ bom một chiếc xe bus đầy người làm tử thương 25 mạng và gây thương tích cho hằng chục người trong cuộc bầu cử vị thủ tướng Do Thái. Vị lãnh đạo Đảng Likud là Benjamin Netanyahu đã thắng Perez khít khao. Netanyahu và Arafat đã thề hứa hoạt động để đi đến một thỏa ước hòa bình tối hậu. Chính quyền Do Thái sau đó trong cùng năm ấy đã quyết định chấm dứt cuộc ngưng xây cất nơi những vùng chiến đóng. Những cuộc đụng độ đã tiếp tục xẩy ra giữa những người Palestine và kiều dân Do Thái ở những vùng Do Thái chiếm đóng này.
 

 

1997 – Vấn đề trả đất, gia cư và Hamas: Tỉnh Hebron ở vùng Tây Ngạn được trả về cho quyền kiểm soát của người Palestine sau 30 năm dưới quyền của Do Thái. Thế nhưng Netanyahu đã phê chuẩn một dự án gia cư Do Thái mới rộng lớn ở phía đông Giêrusalem. Cuộc bạo động bùng nổ. Trong số những cuộc bạo động này quan trọng nhất là vụ ôm bom tự tử tại một khu chợ ngoài trời ở Giêrusalem, sát hại 15 mạng và gây thương tích cho 170 người. Một nhóm Palestine cực đoan đã bắt Hamas phải chịu trách nhiệm về vụ ấy, và Nội Các Do Thái nhấn mạnh là việc điều đình hòa bình chỉ có thể tiếp tục chỉ khi nào chấm dứt các cuộc khủng bố tấn công mà thôi.
 

 

1998 – Hòa ước Wye Mills: Sau cả năm trời thương thảo tắt nghẽn hầu như không đi đến đâu và một cuộc họp căng thẳng 21 tiếng đồng hồ được phối kết bởi tổng thống Bill Clinton, Netanyahu và Arafat đã ký một bản điều đình land-for-peace ngày 23/10 tại Wye Mills ở tiểu bang maryland. Bản điều đình này kêu gọi chấm dứt các cuộc khủng bố, tái phối trí quân đội Do Thái, chuyển 14.2% phần đất thuộc vùng Tây Ngạn cho phe Palestine, mở những lối đi an toàn cho người Palestine giữa giải Gaza và vùng Tây Ngạn, thả 750 người Palestine khỏi ngục tù của phe Do Thái và mở một phi trường cho người Palestine ở Gaza.
 

 

1999 – Ehud Barak: Trong cuảc bầu cử thủ tướng Do Thái vào Tháng Năm, Ehud Barak thuộc Đảng Lao Động Ôn Hòa đã thắng Netanyahu khít khao. Do Thái đã thả 200 tù nhân Palestine và bắt đầu chuyển vùng đất Tây Ngạn cho thẩm quyền Palestine theo bản điều đình Wye Mills năm trước.

 

 

2000 – Cuộc chiến không lối thoát tăng thêm: Tổng thống Clinton của Hoa Kỳ đã điều động một cuộc họp thượng đỉnh giữa Barak và Arafat ở Camp David vào Tháng Bảy cho hòa ước cuối cùng được dự định cùng lắm vào ngày 13/9. Thế nhưng, cuộc điều đình đã chấm dứt sau 15 ngày, chẳng có thỏa ước gì với nhau cả. Arafat bác bỏ lời điều đình của Barak về việc cho Palestine kiểm soát hầu hết chứ không phải tất cả lãnh thổ bị Do Thái chiếm đóng từ cuộc Chiến Tranh Sáu Ngày Năm 1967. Vào cuối Tháng Chín, nhà lãnh đạo chống nhóm khuynh hửu Do Thái là Ariel Sharon đã dẫn một phái đoàn đại biểu đến một vị trí ở Giêrusalem mà cả Do Thái lẫn Hồi Giáo đều coi là linh thánh. Những đám đông người Palestine ở giải Gaza và vùng Tây Ngạn đã bắt đầu tấn công các lực lượng an ninh của Do Thái sau chuyến viếng thăm gây rắc rối này. Tình trạng bạo loạn tiếp tục xẩy ra ở cả đôi bên. Bị mất ủng hộ, Barak đã từ chức vào Tháng 12, kêu gọi một cuộc bầu cử thủ tướng vào tháng Hai 2001.
 

 

2001 – Sharon và tình trạng bạo động mới: Tổng thống Clinton mãn nhiệm kỳ vào tháng Giêng mà hai phe Do Thái và Palestine vẫn xung khắc nhau. Sau những tháng ngày leo thang bạo động giữa phe Palestine và Do Thái, vị lãnh đạo đảng Likud là Ariel Sharon đã thắng Ehud Barak khít khao vào ngày 6/2. Cuộc khủng bố tấn công Hoa Kỳ ngày 11/9 đã làm phát sinh một tiến trình hòa bình mới ở Trung Đông. Thế nhưng tình trạng bạo động lại bùng nổ vào tháng 12, sau những cuộc nổ bom ở Giêrusalem và ở thành phố Haifa ở miền bắc hải cảng Do Thái, làm cho 25 người Do Thái bị thiệt mạng cùng với 3 tay ôm bom tự sát. Những cuộc tấn công này đã khiến cho quân đội Do Thái phải nhắm những mục tiêu Palestine ở vùng Tây Ngạn và giải Gaza, và tình hình bạo loạn mới lại xẩy ra, gây cản trở cho tiến trình hòa bình một lần nữa.
 

 

2002 – Bạo Lực gia tăng bất chấp nỗ lực ngoại giao: Tình hình Trung Đông càng trở nên trầm trọng hơn bao giờ hết. Các lực lượng Do Thái xâm chiếm các trại tị nạn của người Palestine để truy lùng những gì phe Do Thái gọi là những tay hiếu chiến, trong khi đó xẩy ra vô số cuộc ôm bom tự sát được thực hiện bởi các tổ chức Hamas, Islamic Jihad và Al A qsa Martyrs Brigades. Vua Saudi là Abdullah đã đưa ra một dự án hòa bình, trong đó phe Palestine phải nhìn nhận quyền lợi của phe Do Thái để đánh đổi những ranh giới đã bị phe Do Thái chiếm đóng trước năm 1967. Tứ Khối Trung Đông là Hiệp Chủng Quốc, Nga, Khối Hiệp Nhất Âu Châu và Liên Hiệp Quốc sau đó đưa ra một dự án ba giai đoạn đề nghị thành lập một quốc gia Palestine và hòa ước tối hậu vào năm 2003. Thế nhưng các viên chức phe Palestine và Do Thái đều không tiến đến bất cứ một đồng ý nào chính yếu cả.
 

 

2003 – “Lộ Trình” tiến đến hòa bình ở Trung Đông: Cuộc cách mạng thứ hai tiếp rục xẩy ra với những cuộc ôm bom tự sát ở Tel Aviv và Haifa. Phe Do Thái trả đũa những tay khủng bố Palestine và những nhà của những tay ôm bom tự sát. Thủ Tướng Sharon tái đắc cử vào Tháng Giêng 2003. Đảng Lao Động chống đối không lấy được lòng dân chúng sau khi vị lãnh đạo của đảng này là Amram Mitzna vận động dự án rút các kiều dân Do Thái và các lính Do Thái khỏi Gaza và tái lập việc thương thảo với người Palestine, kể cả với Yasser Arafat.