GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 9/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho thành phần cao niên được coi như là vốn liếng cho việc phát triển của xã hội về tinh thần cũng như về nhân bản”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho việc hợp tác huynh đệ thực sự ở Phi Châu được phát triển nơi tất cả mọi thành phần hoạt động cho việc phát triển các cộng đồng giáo hội”.  

 

__________________

 NGÀY 29 THỨ TƯ

  

ĐTC GPII kêu gọi chính trị gia Kitô giáo hãy trung thành với Phúc Âm


Hôm Thứ Bảy 25/9/2004, ĐTC GPII đã gửi một sứ điệp đến cho các tham dự viên Những Tuần Lễ Xã Hội của Pháp được tổ chức tại Lille vào những ngày 23-26/9/2004, với chủ đề “Âu Châu: Một Xã Hội cần phải được Sáng Chế”, để kỷ niệm bách chu niên biến cố này, một biến cố được khởi xướng bởi một thương gia ở Lyon và một Giáo Sư ở Lille, lấy con người là tâm điểm của xã hội.


Những Tuần Lễ này đã trở thành một cơ hội gặp gỡ, suy tư và chia sẻ về những vấn đề quan trọng của xã hội theo ánh sáng Phúc Âm, ai tham dự cũng được. Sứ điệp của ĐTC được gửi qua vị đại diện của ĐTC tham dự hội nghị này là ĐHY Roger Etchegaray, chủ tịch hưu trí của Hội Đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình. Ngài đã nhắc nhở và kêu gọi thành phần chính trị gia Kitô giáo như sau.


“Sự hiện diện của Kitô hữu trong đời sống xã hội trở thành một chứng từ chân thực. Bằng việc phân tích những hiện tượng xã hội khác nhau và đưa ra những giải pháp, họ trước hết nhắm đến ý nghĩa của con người và niềm hy vọng họ có được từ Chúa Kitô, cùng nhắc nhớ đến vai trò của các giá trị về luân lý và thiêng liêng của Kitô Giáo là nguồn mạch của đời sống cũng như hoạt động của họ.


“Việc dấn thân của Kitô hữu về phương diện chính trị là một vấn đề hệ trọng. Tôi kêu gọi quí vị đừng lui bước trước sứ vụ của mình trong lãnh vực này, bằng cách luôn tìm cách liên kết giữa Phúc Âm, truyền thống thần linh và tông đồ, huấn quyền của Giáo Hội, với những chọn lựa và quyết định mà quí vị được kêu gọi thực hiện.


“Từ ơn gọi của thành phần tín hữu Kitô Giáo xuất phát việc phục vụ anh chị em mình một cách vô vị kỷ để xây dựng một nền văn minh xứng đáng với con người hơn bao giờ hết, nhất là trong lúc quốc tế hợp tác khắn khít với nhau hơn bao giờ hết, một cuộc hợp tác đưa đến chỗ khả năng của đoàn hội và tình đoàn kết thắng vượt việc theo đuổi lợi lộc và các thứ chiếm hữu tư bản”.


ĐTC cũng kêu gọi các chính trị gia Kitô hữu hãy chú ý tới giới trẻ: “Họ chẳng những phải được bảo đảm về vấn đề học hỏi mà còn phải truyền đạt cho họ những giá trị và niềm hy vọng nữa, để giải quyết một số hình thức tác hành chúng ta thấy nơi họ hôm nay đây, như việc tự tử hay nghiện hút. Giới trẻ mong được người lớn nâng đỡ để yên tâm đối diện với tương lai; mục tiêu đó là làm sao để lưu lại cho họ một di sản thiêng liêng và luân lý”.


Vị chủ tịch của Tuần Lễ này là Michel Camdessus, nguyên giám đốc của Qũi Tiền Tệ Quốc Tế, đã khẳng định trong bài diễn văn kết thúc biến cố này hôm Chúa Nhật 26/9/2004 rằng Các Tuần Lễ Về Xã Hội đang chiếm được một tính chất Âu Châu, đến độ có thể nói rằng “tổ chức này một là Âu Châu hay chẳng là gì cả”.


Tổng Thống Pháp Jacques Chirac cũng gửi một sứ điệp cho biến cố Các Tuần Lễ Về Xã Hội này, cho rằng trong dịp mừng kỷ niệm bách chu niên của nó, biến cố ấy đã viết lên “một trang sử tuyệt vời”, “một trang sử đóng góp của Giáo Hội Công Giáo ở Pháp vào chiều kích xã hội”, khi trở thành “một nơi đào luyện và khai triển về tư tưởng”.



Giáo Hội phê phán về các trào lưu nữ giới làm mất đi tính chất quan trọng của gia đình


Tập san hai tháng một kỳ Civilta Cattolica của Dòng Tên ở Rôma đã nêu lên nhận định liên quan tới “Bức Thư gửi Các Vị Giám Mục Giáo Hội Công Giáo về Việc Hợp Tác của Con Người Nam Nữ trong Giáo Hội và trên Thế Giới” do Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin phổ biến vào ngày 31/7/2004.


Theo tờ này, Giáo Hội Công Giáo không lên án tất cả phong trào nữ giới mà chỉ những trào lưu nào xu hướng về ý hệ giống tính đực cái làm mất đi vai trò trọng yếu của gia đình: “Giáo Hội không lên án toàn bộ phong trào nữ giới, vì Giáo Hội nhìn nhận rằng, mặc dù phong trào này có những sai lạc và những thái quá, phong trào ấy cũng đưa đến chỗ nhìn nhận phẩm vị của nữ giới và tính cách bình đẳng của nữ giới với nam nhân”, một thứ bình đẳng nam nữ, “cho dù khác biệt về sinh lý và tâm lý”, phải thắng vượt “những thứ kỳ thị bất chính”.


Tuy nhiên tập san này cũng cảnh giác là ý hệ về giống tính đực cái là những gì “thật là nguy hiểm vị nó đặt vấn đề với gia đình”. Mục tiêu của ý hệ giống tính đực cái đó là để khắc phục cái được cho là “định tính sinh thể” bị áp đặt theo chiều hướng sinh lý, làm cho “giống tính” thành một thứ chọn lựa thuần cá nhân và qui về bất cứ lối sống chung nào kiểu gia đình, chẳng hạn như trường hợp hôn nhân đồng tính.


“Ngày nay gia đình bị tấn công từ mọi phía. Điều này cho thấy tại sao Giáo Hội rất thường nhúng tay vào bênh vực nó”. Những gì ngày nay Giáo Hội chỉ trích ý hệ giống tính đực cái đó là mối đe dọa của nó đối với gia đình, hoặc “bởi những cuộc phối hợp như thật, hay bởi tình trạng lan truyền những lối sống đồng tính”.


Bài viết 10 trang báo này cho thấy quan điểm của Giáo Hội về phong trào nữ giới, thẩm định những giá trị có thể được coi là những thành đạt về lịch sử: “Rất cần phải nhấn mạnh rằng trong Giáo Hội thuộc hậu bán thế kỷ 20 chẳng những có nhiều lầm lỗi trong quá khứ về bản chất nữ giới, về các công việc làm của nữ giới, và việc phụ thuộc của họ vào nam nhân đã được điều chỉnh, mà cả vấn đề nữ tính cũng đã được kỹ lưỡng tái xét”.


Sau khi kiểm điểm lại huấn quyền của các vị Giáo Hoàng khác nhau về phụ nữ, bài báo nói rằng “chính Đức Gioan Phaolô II đã cống hiến cho Giáo Hội một cảm nhận đầy đủ nhất về phụ nữ”, đề cao họ “có một phẩm vị tương đương với phẩm vị của nam nhân”.


 

Một bằng chứng khác cho thấy ĐTC Piô XII đã giúp đỡ những người Do Thái Tiệp Khắc thời Thế Chiến II


Lại xuất hiện một tác phẩm nữa, vừa được xuất bản trong tháng 7/2004, bản dịch Tiếng Ý của Vatican Publishing House, chứng minh việc Đức Piô XII chẳng những không câm nín hay sợ hãi không can thiệp vào vụ thảm sát dân Do Thái thời Thế Chiến Thứ II, trái lại, còn ra tay giúp đỡ họ nữa. Tác phẩm này mang tựa đề là Cuộc Tế Thần ở Tiệp Khắc và Giáo Hội Công Giáo ("L'Olocausto nella Slovacchia e la Chiesa Cattolica") của Đức Ông Walter Brandmuller, chủ tịch Tiểu Ban Tòa Thánh về Các Khoa Sử Học.


Bằng việc nghiên cứu một cách kỹ càng theo khoa học, bao gồm cả việc sử dụng những văn liệu chưa được phổ biến trước đây, tác phẩm này đã phân tích vị thế của Giáo Hội cũng như của Tòa Thánh Vatican trước tình trạng bách hại người Do Thái thời thế chiến thứ hai. Sau đây là cuộc phỏng vấn với chính tác giả của cuốn sách lịch sử quan trọng này.


Vấn: Tác phẩm của Đức Ông thuật lại loch sử của nước Tiệp Khắc trong giai đoạn lịch sử từ 1939 đến 1945, phân tích việc Giáo Hội nhúng tay can thiệp để giải cứu những người Do Thái bị Đảng Nazi bách hại. Đức Ông có thể giải thích những kết luận Đức Ông đã nêu lên trong cuộc nghiên cứu của Đức Ông hay chăng?


Đáp: Trong cuốn sách của mình, trước hết tôi cố gắng, bằng việc ngắn gọn cần thiết, diễn tả tình hình chính trị, xã hội và tôn giáo của Tiệp Khắc từ năm 1939 đến 1945, đồng thời nghiên cứu những phương sách bách hại nổi tiếng phạm đến những người Do Thái.


Sau đó, khi nói đến phản ứng của Giáo Hội Công Giáo, tôi đã phân biệt giữa Giáo Hội ở Tiệp Khắc với Đức Giáo Hoàng, tức là với Tòa Thánh.


Về vấn đề phản ứng của các vị giám mục, linh mục và tín hữu Tiệp Khắc, cần phải ghi nhận rằng, một đàng là tính cách nhạo cười có tính cách tiêu cực trong dân chúng về ảnh hưởng, được coi là thái quá, của thành phần dân Do Thái đối với sinh hoạt kinh tế của người Tiệp Khắc. Một đàng thì bầu khí thay đổi ngả về phía người Do Thái khi mới xẩy ra những biện pháp bách hại họ.


Hiển nhiên cần phải phân biệt ở đây cái khác nhau giữa thành phần đa số Công Giáo với một số Nhà Xã Hội Quốc Gia Chủ Nghĩa, thành phần theo phe Những Nhà Xã Hội Đức Quốc Xã.


Vấn:     Đâu là những cái mới lạ trong lãnh vực lịch sử được chất chứa nơi cuốn sách của Đức Ông?


Đáp:     Trong cuốn sách này cũng có một sự kiện là, chẳng hạn, lần đầu tiên mới thấy được những bản văn truyền thông của các vị giám mục Tiệp Khắc, dưới hình thức chuyển dịch cũng như những văn kiện nguyên thủy.


Ngoài ra, nó còn có thể phân tích những văn kiện được thu giữ trong các Công Hàm của Thánh Bộ Đặc Trách Những Vấn Đề Giáo Hội Ngoại Thường là những gì vẫn chưa được phát hành phổ biến. Cả tài liệu mang tựa đề “Những Hoạt Động và Văn Kiện của Tòa Thánh liên quan đến Thế Chiến Thứ Hai” (Actes et Documents du Saint-Siège relative à la Seconde Guerre Mondiale), những gì đã phát hành vào giai đoạn 1970-1981, cũng được sử dụng lần đầu tiên.


Từ những nguồn tài liệu này phạt hiện, trong số những vấn đề khác, việc thẩm định rất khác biệt về vai trò của tổng thống cộng hóa Tiệp Khắc, ông Josef Tiso, một linh mục Công Giáo, đã thực hiện trong bối cảnh ấy.


Vấn:     Đức Piô XII và Tòa Thánh đã thi hành chính sách nào trước tình trạng của thành phần bị bách hại, và Đức Piô XII cùng Tòa Thánh đã duùg cách nào để cứu những người Do Thái?


Đáp:     Chính sách của Tòa Thánh, đúng hơn của Đức Piô XII, là ở chỗ chi phối chính quyền Tiệp Khắc, qua những liên hệ ngoại giao, để ngăn chặn việc bách hại những người Do Thái, nhất là để ngăn chặn việc tống đi đầy đến các trại tập trung ở Balan.


Về vấn đề này, việc ngoại giao của Tòa Thánh Vatican đã thi hành, dưới thời ĐHY Quốc Vụ Khanh Luigi Maglione, và sau khi vị này qua đời năm 1944, rồi tới thời Đức ông Tadini, một vai trò tuyệt vời.

Vấn:     Đức Ông hy vọng đạt đến mục tiêu nào trong việc phát hành và phổ biến tác phẩm này?


Đáp:     Việc đọc kỹ lưỡng và vô tư cuốn sách này giúp cho người ta hiểu được rằng cách thức giải thích xác đáng các nguồn liệu là những gì cho thấy Đức Piô XII và việc ngoại giao của Tòa Thánh Vatican thực sự đã giải cứu những người Do Thái, chống lại tất cả những tố giác và ngờ vực hiện đang xẩy ra.


Lòng biết ơn và việc nhìn nhận đã giúp đỡ những người Do Thái được chính những người Do Thái bày tỏ cùng Đức Piô XII, cả khi ngài còn sống cũng như sau khi qua đời, bởi thế đã là những gì rất phấn khởi. Chỉ có “vị Đại Diện” của Rolf Hochhuth đã mới tuôn ra những điều chống lại ngài, những gì mà cho tới bấy giờ vẫn là những cảm nghĩ tích cực của dân chúng. Người ta cần phải đặt vấn đề là tại sao lại như vậy nhỉ?


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ Zenit ngày 7/9/2004

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ