GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 9/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho thành phần cao niên được coi như là vốn liếng cho việc phát triển của xã hội về tinh thần cũng như về nhân bản”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho việc hợp tác huynh đệ thực sự ở Phi Châu được phát triển nơi tất cả mọi thành phần hoạt động cho việc phát triển các cộng đồng giáo hội”.  

 

__________________

 NGÀY 30 THỨ NĂM

  

Một Lễ Cưới Linh Đình ở Cung Điện Đức Vua


(Bài Giáo Lý 119 về việc cầu nguyên bằng Thánh Vịnh của ĐTC GPII, Thứ Tư 29/9/2004, Thánh Vịnh 44 [45]: 2-10 cho Kinh Tối Thứ Hai, Tuần Thứ Hai)



1.     “Tôi hát bài chúc tụng đức vua”: Những lời mở đầu bài Thánh Vịnh 44 (45) này cống hiến cho độc giả một tư tưởng về tính chất chính yếu của bài thánh thi ca này. Vị luật sĩ của cung đình sáng tác bài chúc tụng này cho chúng ta thấy ngay rằng nó là một bài thơ tôn vinh chủ quyền của dân Do Thái. Ngoài ra, khi đọc hết các câu của bài này, hiển nhiên nó còn là một hôn phối ca, tức là một bài ca về hôn nhân.


Các vị học giả đã cố gắng xác định những chi tiết phối hợp về lịch sử của bài Thánh Vịnh này, căn cứ vào một số đầu mối, chẳng hạn như việc liên hệ của bà Nữ Hoàng với thành Phoenician ở Tyrô (câu 13), thế nhưng vẫn không thể cho đó thực sự là một cặp vương giả. Chi tiết đề cập tới một Đức Vua Do Thái cũng cho phép truyền thống Do Thái có thể biến bài thánh vịnh này thành bài ca về Đức Vua Thiên Sai, và truyền thống Kitô Giáo có thể đọc lại bài thánh vịnh này theo chiều hướng Kitô học, và vì có sự hiện diện của Bà Nữ Hoàng, cũng theo cả quan điểm Thánh Mẫu học nữa.


2.     Phụng Vụ Kinh Tối trình bày bài Thánh Vịnh này như là một kinh nguyện có hai phần. Chúng ta vừa nghe phần thứ nhất (câu 2-10), phần mà, theo lời dẫn nhập của vị tác giả luật sĩ gợi lên (câu 2), cho thấy một bức tranh lộng lẫy về một vị vương chủ sắp sửa cử hành tiệc cưới của mình.


Bởi thế, Do Thái giáo đã thấy nơi bài Thánh Vịnh 44 (45) này là một bài ca về hôn phối, một bài ca tôn tụng vẻ đẹp và nhấn mạnh đến tặng ân yêu thương giữa các đôi phối ngẫu. Đặc biệt laàphụ nữ có thể lập lại theo Sách Diễm Tình Ca: “Tình nhân của tôi thuộc về tôi và tôi thuộc về người” (2:16). “Tôi thuộc về người yêu của tôi và người yêu của tôi thuộc về tôi” (6:3).


3.     Lược sử về vị hôn phu vương giả được diễn tả một cách long trọng qua cảnh tượng của một cung đình. Chàng mang những huy hiệu quân binh (câu 4-6), với chiếc áo choàng lộng lẫy ngát hương, trong một bối cảnh sáng ngời các lâu đài, những sảnh đường nguy nga mầu ngà voi âm vang tiếng nhạc (câu 9-10). Trung tâm điểm là ngai vàng, và vương trượng cũng được đề cập tới, đó là hai dấu chỉ về quyền uy và việc phong vương (câu 7-8).


Đến đây chúng ta cần phải nhấn mạnh đến hai yếu tố. Trước hết là vẻ đẹp của vị hôn phu, dấu hiệu của sự rạng ngời nội tâm và phúc lành thần linh: “Ngài đẹp nhất trong con cái loài người” (câu 3).


Chính vì câu này mà truyền thống Kitô giáo đã miêu tả Chúa Kitô trong thân phận của một con người thành toàn và có sức thu hút. Trong một thế giới đầy những cái xấu xa ghê tởm và đê hèn này thì hình ảnh ấy là lời mời gọi hãy tái khám phá ra “via pulchritudinis” (con đường của vẻ đẹp) trong đức tin, theo thần học và nơi đời sống xã hội để tiến lên tới vẻ đẹp thần linh.


4.     Tuy nhiên, vẻ đẹp không phải là cùng đích của nó. Tính chất thứ hai chúng ta muốn nêu lên thực sự liên quan tới việc hội ngộ giữa vẻ đẹp và công lý. Thật vậy, vị vương chủ cưỡi “trên chiến thắng. Nhân danh chân lý và công lý” (câu 4 và 5); người “yêu chuộng công lý và ghét gian tà” (câu 8) và “vương trượng công lý “ (câu 7) thuộc về người. Vẻ đẹp cần phải được hòa hợp với sự thiện hảo và thánh đức của đời sống thì dung nhan ngời sáng của vị Thiên Chúa thiện hảo, tuyệt vời và công chính mới chiếu rạng trên thế giới.


Theo các vị học giả thì ở câu 7, tên gọi “Thiên Chúa” được ngỏ cùng chính Đức Vua, vì vua được Chúa thánh hiến, do đó một cách nào đó thuộc về lãnh giới thần linh: “Ngai vàng thần linh của người tồn tại muôn đời”.


Bài Thánh Vịnh này có thể là một lời kêu cầu cùng Đức Vua tối cao duy nhất là Vị Chúa Tể, Đấng cuí mình xuống trên Đức Vua Thiên Sai. Đó là lý do, khi áp dụng bài Thánh Vịnh này vào Chúa Kitô, Bức Thư gửi Giáo Đoàn Do Thái không ngần ngại qui tất cả thần tính, chứ không phải chỉ thuần biểu hiệu, cho Người Con là vị đã tiến vào vinh quang của mình (x Heb 1:8-9).


5.     Theo chiều hướng giải thích về Kitô học, chúng ta kết thúc bằng việc nhường lời cho các vị Giáo Phụ của Giáo Hội, những vị ghép các giá trị thiêng liêng vào mỗi một câu của bài thánh vịnh. Bởi thế, khi dẫn giải cụm từ của bài Thánh Vịnh nói rằng “Thiên Chúa muôn đời chúc phúc” Đức Vua Thiên Sai (câu 3), Thánh Gioan Kim Khẩu đã áp dụng cụm từ ấy vào Kitô học như sau: “Adong tiên khởi mang đầy mình một lời nguyền rủa rất trầm trọng, còn Adong thứ hai lại được một phúc lành bền bỉ. Adong tiên khởi nghe phán ‘Người phải bị khốn khổ làm lụng’ (Gen 3:17) và ‘Khốn cho kẻ nào làm việc của Chúa một cách uể oải’ (Jer 48:10), và ‘khốn cho kẻ nào không củng cố những lời của lề luật này bằng việc thi hành chúng’ (Deut 27:26), và ‘kẻ bị treo lên bị Thiên Chúa nguyền rủa’ (Deut 21:23). An hem thấy bao nhiều là điều nguyền rủa, khốn nạn hay chăng? Chúa Kitô đã cứu chuộc anh em khỏi tất cả những cái nguyền rủa khốn nạn ấy bằng việc trở thành điều nguyền rủa (x Gal 3:13), ở chỗ, tự hạ để nâng anh em lên và cheat đi để làm cho anh em trở thành bất tử, Người đã trở thành điều nguyền rủa để anh em được hưởng những phúc lành. Còn gì bằng phúc lành này nữa, một phúc lành nhờ điều bị nguyền rủa ban phúc lành cho anh em hay chăng? Người không cần phúc lành, nhưng ban nó cho anh em”. ("Expositio in Psalmum" [Exposition on the Psalm], XLIV, 4: PG, 55, 188-189).

Anh Chị Em thân mến,


Vị tác giả Thánh Vịnh diển tả một lễ cưới linh đình ở cung điện Đức Vua. Theo truyền thống thì bài Thánh Vịnh này được giải thích liên quan đến Đức Vua Thiên Sai, nên bởi thế mới liên quan đến chính Chúa Kitô. Chúng ta được thu hút vào vẻ đẹp của vị hôn phu vương giả: “Người đẹp nhất trong con cái loài người”.


Việc chúng ta chiêm ngưỡng dung nhan xinh đẹp của Chúa Kitô phải giúp cho chúng ta loại trừ đi cái ghê tởm của tội lỗi và bắt đầu tiên lên sự trọn lành thần linh. Thế nhưng Đức Vua này cũng là một con người công chính. “Người yêu chuộng sự công chính và ghét sự dữ”. Khi vẻ đẹp được liên kết với sự thiện hảo và thánh đức của đời sống thì ánh quang thiên đình mới chiếu tỏa trên thế giới, và chúng ta mới thoáng nhìn thấy sự thiện hảo, sự lạ lùng và đức công chính của Thiên Chúa.


Cuối buổi triều kiến chung ở Công Trường Thánh Phêrô hôm nay, Lễ Kính 3 Tổng Lãnh Thần Minh-Kha, Ga-Biên và Ra-Phiên, cũng như sắp tới Lễ Thiên Thần Bản Mệnh 2/10 cuối tuần này, là dịp, như ĐTC nói “nghĩ đến sự chuyên chăm Thiên Chúa tỏ ra quan tâm đến mỗi một con người. Hãy nghiệm cảm được sự hiện diện của các thiên thần ở bên anh chị em và hãy để cho các vị hướng dẫn anh chị em”.

 

Ngoài ra, ĐTC cũng lấy làm hết sức vui mừng về tin hai phụ nữ tình nguyện viên Ý là Simona Pari and Simona Torretta ở Iraq bị bắt cóc làm con tin hôm 7/9/2004 và bị hăm dọa ám sát chết nếu chính phủ Ý không rút hết quân ra khỏi Iraq, đã được thả ra. Hôm Thứ Ba 28/9/2004, vị giám đốc văn phòng báo chí của Tòa Thánh là tiến sĩ Joaquín Navarro Valls đã cho biết: “Đức Giáo Hoàng hết sức vui mừng nhận được tin về việc giải phóng cho hai nữ tình nguyện viên Ý. Ngài cũng nghĩ đến các gia đình, và cùng với họ và với tất cả mọi người thiện chí, tạ ơn Thiên Chúa vì nghĩa cử nhân loại này”.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến vào ngày Thứ Tư, 29/9/2004.


Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc về việc chống lại tình trạng đói khổ: “Người nghèo chỉ không có những gì bất khả thiếu để sống, còn người khốn khổ không có ngay cả những gì bất khả thiếu”.


Hôm 20/9/2004, tại Tổng Hành Dinh Liên Hiệp Quốc ở Nữu Ước Hoa Kỳ, Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Angelo Sodano đại diện Tòa Thánh Vatican đã ngỏ lời cùng cuộc họp của tổ chức quốc tế này về vấn đề những đường lối mới để giải quyết những vấn đề nghèo khổ và đói khổ trên thế giới.


Thưa Chủ Tịch,


Tôi hân hạnh bày tỏ việc thiết tha của Tòa Thánh cũng như sự tha thiết riêng của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II về việc khởi xướng quan trọng tổ chức cuộc họp này, một cuộc họp được phát động bởi tổng thống Cộng Hòa Liên Bang Ba Tây, người đã được nhiều chính phủ có đại biểu ở đây ủng hộ.


Với lòng trọng kính ấy, tôi xin được bày tỏ vắn gọn một chút suy tư sau đây.


1.     Tất cả chúng ta đều ý thức được tầm quan trọng của vấn đề nghèo khổ trên thế giới. Tòa Thánh đặc biệt quan tâm đến vấn đề này, và muốn bày tỏ lòng cương quyết nơi đây về tất cả mọi nỗ lực của Giáo Hội Công Giáo trong việc nhổ tận gốc cái tai ương hoạn nạn này khỏi thế giới. Thật vậy, hết mọi Kitô hữu đều phải thực hiện thái độ của Chúa Kitô đối với anh chị em đồng hương thiếu thốn của ăn thức uống của mình: "Misereor super turbam, quia [...] nec habent quod manducent" “Thày thương hại dân chúng vì họ chẳng có gì ăn uống cả” (Mk 8:2).


Về phần mình, Tòa Thánh bao giờ cũng ủng hộ nhiều sáng kiến chung riêng trong việc giải quyết thảm kịch ấy. Bởi vậy cần phải nhắc đến hoạt động nhân đạo bao rộng của các cơ cấu Công Giáo trên khắp thế giới, nhất là ở những miền truyền giáo cũng như ở những xứ sở nghèo khổ nhất.


2.     Cũng thế, Tòa Thánh còn ủng hộ những sáng kiến của các tổ chức khác nhau của Liên Hiệp Quốc, nhất là FAO (Food and Agricultural Organization of the United Nations), IFAD và WFP là những cơ cấu trực tiếp liên quan tới việc chiến đấu chống lại tình trạng nghèo khổ và bấp bênh về lương thực.


Những nguyên tắc chi phối chủ trương của Tòa Thánh theo chiều hướng này đã được diễn giải rộng rãi trong bài diễn văn của tôi năm 1996 ở FAO, những nguyên tắc đề cập đến việc tôn trọng phẩm vị con người, đến việc áp dụng thi hành nguyên tắc liên đới kết đoàn, đến việc thực thi nguyên tắc về mục đích chung của các sản vật của trái đất này, và đến việc cổ võ hòa bình.


Năm 1996 chính là năm mà tất cả mọi quốc gia long trọng quyết tâm, những xứ sở sau đó liên kết lại để cử hành thời điểm vọng đệ tam thiên niên kỷ. Tòa Thánh cũng liên hợp với những quyết tâm trọng thể ấy của tất cả mọi vị lãnh đạo quốc gia và chính quyền được gói ghém trong “Bản Tường Trình Năm 1996 Về Thượng Nghị Thực Phẩm Thế Giới”, rồi sau đó trong văn kiện "2000 U.N. Millennium Declaration”.


3.     Như thế, một liên minh đã được khai sáng để chống lại tình trạng đói khổ trên thế giới, thế nhưng, sau đó, từ từ mới khám phá ra rằng không đủ ngân quĩ để thực hiện một chương trình bảo toàn long thực thế giới. Những nỗ lực thực hiện để đối đầu với các trường hợp khẩn gây ra bởi thiên tai hay chinh chiến đều đáng khen. Thế nhưng, dĩ nhiên là vấn đề còn bao rộng hơn thế nữa. Cuộc chiến đấu chống lại tình trạng đói khổ, tôi có thể nói chống lại tình trạng khát nữa, còn vượt ra ngoài những trường hợp thuần túy khẩn cấp; cuộc đối chọi này cần phải giải quyết một chuỗi những yếu tố phức tạp, chẳng hạn như nhu cầu cần phải đầu tư vào cái vốn liếng về nhân bản của dân chúng địa phương (tôi đang nghĩ đến các lãnh vực giáo dục và sức khỏe), của việc cần phải thuyên chuyển các thứ kỹ thuật xứng hợp cũng như của việc bảo toàn tính cách cân bằng nơi vấn đề thương vụ quốc tế. Tuy nhiên, vấn đề này không được làm nản chí việc thiết lập một chương trình đưa đến chỗ nhổ tận gốc tình trạng đói khát trên thế giới.


4.     Bởi thế, chúng tôi hoan nghênh một nỗ lực mới trong việc "aumentar a disponibilidade de recursos para enfrentar aqueles desafios (tăng thêm những nguồn tài nguyên thuận lợi để giải quyết những thách đố này)”, và hơn thế nữa, trong việc "examinar fontes alternativas de financiamento ao desenvolvimento (cứu xét những nguồn thay nhau để tài trợ việc phát triển)” (Letter of the President of Brazil to His Holiness John Paul II, June 25, 2004).


Thực sự là một trong những vấn đề chính làm cho một chương trình như thế bị chao đảo đó là vấn đề tài trợ. Mặt khác, chúng tôi cũng cần nhắc nhở một lần nữa cho tất cả mọi quốc gia ban phát về quyết tâm của họ trong việc tăng viện trợ chung cho vấn đề phát triển lên 0.7% từ Tổng Sản Lượng của mỗi quốc gia. Bởi thế cần phải theo đuổi thực hiện những đường lối mới đang được bàn đến ở đây, cũng như chú ý tới việc thỏa thuận đã được bày tỏ ở Monterrey và nâng đỡ những hoạt động đặc biệt như những hoạt động của Cơ Quan Tài Chính Quốc Tế.


5.     Về phần mình, Tòa Thánh sẽ ủng hộ đối với vấn đề ấy. Đây sẽ là một công cuộc to tát, cùng với những gì đã được thực hiện chống lại các thứ bệnh nạn và bần cùng nói chung. Nhờ đó, những gì bất khả thiếu để sống sẽ được dễ dàng hơn cho hết mọi con người tạo sinh được Thiên Chúa yêu thương bởi phẩm vị cao cả theo hình ảnh và tương tự như Ngài. Tôi đã nói đến tình trạng bần cùng chứ không nói nhiều đến tình trạng nghèo khổ, vì tình trạng nghèo khổ, mặc dù cần phải tăng thêm nỗ lực để giải quyết nó, bao giờ cũng liên quan với chúng ta không cách này thì cách khác. Đó là lý do đây là những lời nói bao giờ cũng hợp thời của một vị đại giám mục ở xứ sở của ngài Chủ Tịch, đó là Đức Ông Helder Câmara rất đáng nhớ: “Người nghèo chỉ không có những gì bất khả thiếu để sống, còn người khốn khổ không có ngay cả những gì bất khả thiếu”.


Chính cái bất khả thiếu này là những gì chúng ta cần phải cống hiến trao ban cho hết mọi con người tạo sinh vậy!

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ Zenit ngày 21/9/2004 (những chỗ in đậm là do người dịch muốn nhấn mạnh đến những xác tín và nhận định quan trọng của vấn đề)
 

 

Thụy Điển Tôn Vinh Một Giáo Sĩ Công Giáo đã cứu những người Do Thái khỏi Đảng Nazis


ĐTGM Gennaro Verolino, 97 tuổi, sẽ là người đầu tiên nhận Giải Thưởng Per Anger Prize, một giải vừa được người Thụy Điển thiết lập. Phần thưởng này lấy tên của một nhà lãnh sự Thụy Điển Per Johan Valentin Anger (1913-2002) từng là bí thư đặc sứ tại Tòa Lãnh Sự Thụy Điển ở Budapest thời Thế Chiến Thứ II khi thành phố này bị quân đội Đức chiếm đóng.


Phần thưởng được ban cho những cá nhân cổ võ những giá trị nhân bản và dân chủ này sẽ được trao tặng vào Thứ Sáu 1/10/2004 ở Rôma tại Học Viện Thụy Điển Nghiên Cứu Cổ Điển. Thủ Tướng Goran Persson và chừng 300 người khác sẽ tham dự lễ nghi tôn vinh ĐTGM Verolino.


Phần thưởng này đã đã được trao tặng cho nhà lãnh sự Thụy Điển về hoạt động của ông trong thời Nazi chiếm đóng ở Hung Gia Lợi, khi ông thành công trong việc cứu được nhiều người Do Thái ở Budapest bằng cách cung cấp cho họ giấy chiếu khán Thụy Điển.


ĐTGM Verolino, với tư cách là bí thư ở tòa khâm sứ Budapest, cũng cứu được những mạng sống của những người Do Thái Hung Gia Lợi bị Đảng Nazis đe dọa, bằng việc cấp cho họ những giấy tờ giả.


Vị được tôn vinh này sinh ở Naples vào năm 1906, chịu chức linh mục năm 22 tuổi. Sau thế chiến, ngài bắt đầu nghề ngoại giao lâu dài phục vụ tòa thánh Vatican. Ngài đã về hưu năm 1986 và đang sống ở Rôma.


Giải Per Anger Prize đầu tiên này được ban tặng cho ĐTGM Verolino là do ý muốn rõ ràng của gia đình Anger. Giải thưởng này bao gồm cả 22 ngàn Đồng Âu (27 ngàn Mỹ kim)

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ