GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 9/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho thành phần cao niên được coi như là vốn liếng cho việc phát triển của xã hội về tinh thần cũng như về nhân bản”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho việc hợp tác huynh đệ thực sự ở Phi Châu được phát triển nơi tất cả mọi thành phần hoạt động cho việc phát triển các cộng đồng giáo hội”.  

 

 

__________________

 NGÀY 5 CHÚA NHẬT

  

BÀI TOÁN ĐỜI ĐỜI
 

“Nếu ai đến với ta mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ ta. Còn ai không vác thập giá mình mà theo ta, thì không thể làm môn đệ ta” (Lc 14:26-27).

Với cặp mắt tu đức, ta có thể tìm thấy trong trích đoạn lời Chúa mà Thánh Luca ghi nhận hôm nay qui hướng về sự từ bỏ: Bỏ cha mẹ. Bỏ vợ chồng. Bỏ con cái. Để làm được việc này, Chúa nhấn mạnh đến việc phải chấp nhận những thử thách, đau thương, và hy sinh là từ bỏ chính bản thân, chính con người của ta. Nhưng nếu nhìn bằng con mắt tâm lý, hợp với tầm nhìn của con người, thì Chúa Giêsu đã vẽ ra cho ta một mô thức sống rất thực tế, và rất con người: Tính toán cẩn thận trước khi làm một việc gì.

Thật vậy, thoạt đọc trích đoạn Tin Mừng, ta có cảm tưởng như Thánh Luca đã có sự lầm lẫn trong cách ghi chép và xếp đặt tư tưởng về một số những điều kiện Chúa Giêsu đã đặt ra cho những ai muốn theo và làm môn đệ Ngài: “Nếu ai đến với ta mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ ta. Còn ai không vác thập giá mình mà theo ta, thì không thể làm môn đệ ta” (Lc 14:26-27). Và liền sau đó, lại đề cập đến việc tính toán xây một lâu đài và chuyện phải nghiên cứu binh pháp trước khi giao chiến.

Nhưng sau khi đọc và suy gẫm cẩn thận, ta lại thấy rằng, hình ảnh một người ngồi nghiên cứu tỷ mỷ để xây một lâu đài, cũng như hình ảnh những buổi họp quân sự và nghiên cứu khả năng đối phương trước khi ra quân chỉ là những dẫn giải cụ thể và thực tế để con người có thể hiểu được tầm quan trọng thế nào là một cuộc chiến nội tâm, và việc chuẩn bị cho mình một lâu đài vĩnh cửu trên thiên quốc.

Nêu vấn đề và phương pháp hoặch định xây một căn nhà hay một lâu đài, hiển nhiên, Chúa Giêsu không muốn ta chú ý đến những công trình kiến trúc và xây cất trên mặt đất. Vì Chúa Giêsu không dậy ta cách tính toán, xây cất một căn nhà hay một lâu đài. Việc này đã có các kỹ sư và kiến trúc sư làm được. Ngài muốn ta lưu ý đến căn nhà đời đời, ngôi biệt thự trên Thiên Đàng. Đến đây, với trí tưởng tượng, ta có thể hình dung ra một lâu đài mà mình có thể tạo dựng được cho mình trên thiên quốc. Muốn to hay muốn nhỏ, muốn trình bày, thiết kế như thế nào từ trong ra ngoài tùy ý mình.

Một cách thức tương tự, Chúa Giêsu khi nhắc đến việc chuẩn bị chiến tranh, Chúa không có ý nói về những cuộc chiến giữa quốc gia này với quốc gia khác, hay những trận chiến toàn cầu. Điều này cũng đã có những nhà binh bị, quân sự, những cơ quan tình báo, và khí giới học lo. Chúa chỉ muốn nhấn mạnh đến cuộc giao tranh một mất, một còn trong cõi siêu hình. Trong cuộc chiến này, một là thắng với phần thưởng Thiên Đàng, hai là thua bị bắt làm tù binh bị đày vào hỏa ngục đời đời.

Tóm lại, hình ảnh thiết kế một công trình xây cất, hoặc hình ảnh chuẩn bị chiến tranh dẫn đến kết luận là cần phải làm thế nào để ta có thể thắng vượt được những thử thách và cám dỗ cuộc đời để chuận bị kỹ càng hầu chiếm hữu được phần thưởng đời đời. Nhưng dụng cụ xây cất ở đây là gì? Khí giới cần dùng trong cuộc chiến này là gì? Và kẻ thù của ta là những ai?

Kẻ thù đôi lúc xuất hiện hữu hình, đôi lúc tàng ẩn vô hình đó là những ham muốn vô độ của ta. Đó là cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh chị em. Và dĩ nhiên, kẻ thù nguy hại, và độc ác nhất vẫn là Satan. Vì vậy, trước khi nói đến việc xây một lâu đài vĩnh cửu trên thiên quốc, hoặc trước khi giao chiến với kẻ thù, Thánh Luca đã ghi lại những đòi hỏi mà Chúa Giêsu muốn ta phải chuẩn bị, tính toán trước cẩn thận. Điều làm ta hơi ngạc nhiên là Chúa Giêsu trong trường hợp này đã xếp cha mẹ, vợ con, và chính bản thân mỗi người vào danh sách những rào cản, những đối phương có thể làm hỏng chuyện hoặc ngăn trở cho việc giao chiến của ta: “Nếu ai đến với ta mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ ta” (Lc 14:26).

Thật vậy, rất nhiều và trong rất nhiều trường hợp, ta đã nhân danh cha mẹ, nhân danh lòng hiếu thảo, nhân danh tình yêu giữa vợ chồng, giữa cha mẹ và con cái, giữa anh chị em với nhau để lỗi bác ái, lỗi công bằng, xúc phạm đến Thiên Chúa và tha nhân. Nhiều lần và trong nhiều hoàn cảnh, ta đã nhân danh tình yêu, sự săn sóc và lo lắng cho bản thân mình để bộc lộ tính tham lam, ích kỷ, độc ác, hẹp hòi và đam mê vô độ. Và trong nhiều trường hợp như thế, ta không ngần ngại xúc phạm đến bất cứ ai, làm bất cứ điều gì miễn sao thỏa mãn cơn khát giầu sang, cơn khát danh vọng, cơn khát quyền lực, cơn khát dụng vọng. Cộng thêm với những phụ họa, gọi mời, và cám dỗ của thế gian, và ma quỉ, tất cả đã trở thành một thứ rào cản chắn lối ta về Thiên Đàng, và làm suy sụp khả năng chiến đấu của ta trước đối phương. Và đó là điều tại sao Chúa Giêsu đòi ta phải từ bỏ chính mình, phải hy sinh và phải vác thập giá.

Đụng chạm đến cha mẹ. Đụng chạm đến vợ chồng. Đụng chạm đến con cái là một chuyện tế nhị và khó khăn. Đụng chạm đến chính bản thân, chính con người của mình với những cá tính và đam mê lại càng khó khăn hơn nữa. Nhưng đó là điều kiện cần thiết cho những ai muốn chiếm hữu nước trời, muốn đầu tư trên thiên quốc.

Những hiểu lầm, bất trắc, vất vả, thử thách, và băn khoăn trong cuộc sống. Ma quỉ, thế gian và xác thịt. Tất cả đều phải dừng trước quyết định đời đời của ta. Phần ta, ta phải chiến đấu với cuộc chiến tâm linh này, và phải can đảm chấp nhận mọi thách đố, bằng cách vác thập giá mọi ngày. Vẽ họa đồ, thiết kế, và đặt kế hoặch xây cất một lâu đài, một tòa nhà, hay một công trình kiến trúc là việc đòi hỏi nhiều suy tư, thời giờ, và chuyên môn. Hoặch định một kế hoạch ra quân, tấn công đối phương cũng là một chương trình, một kế hoặch đòi hỏi nhiều chất xám; không phải chỉ một mà là nhiều người. Nhưng tất cả những suy tư ấy, tính toán ấy, và chất xám ấy nếu đem so sánh với những gì con người cần phải nghiên cứu, hoặch định cho phần rỗi của mình thì chỉ là một chuyện nhỏ mọn, vì tính cách đời đời của nó.

Để chiếm hữu được nước trời, tức là xây cho mình một lâu đài vĩnh viễn trên thiên quốc. Để thắng được cuộc chiến tâm linh, tức là đạt được phần rỗi đời đời đòi ta phải tính toán kỹ lưỡng và cẩn thận. Điều khó khăn nhất trong bài toán này là làm thế nào để ta có thể từ bỏ cha mẹ, mà lại không mang tội bất hiếu. Từ bỏ vợ chồng, mà không làm phương hại đến tình nghĩa phu thê, đến lời thề chung thủy. Từ bỏ con cái, anh chị em, mà không làm giảm thiểu tình thương và trách nhiệm. Nhất là từ bỏ chính mình mà không thiếu sót bổn phận hoặc đánh mất lương tâm. Nhưng đây là bài toán mà ta phải làm mỗi ngày bằng suy tư cầu nguyện, và bằng thần trí hiểu biết, khôn ngoan và sức mạnh của Thánh Linh. Lậy Chúa, xin cho con biết trả lời đúng bài toán đời đời của con mọi ngày trong cuộc sống của con.

 

Trần Mỹ Duyệt

 

Không bị thua lỗ hay thất bại, mà là thăng tiến và chiến thắng
 


Chúa Giêsu khuyên dạy trong bài Phúc Âm Chúa Nhật XXII Mùa Thường Niên tuần trước là “khi được mời hãy đến ngồi vào chỗ thấp nhất”, và như chúng ta cũng đã chia sẻ tuần trước, lời khuyên này có nghĩa là “hãy ngồi vào chỗ của mình trong nhà Cha”, hay hãy sống đúng với ơn gọi của mình như được Thiên Chúa tuyển chọn cũng vậy. Trong bài Phúc Âm Chúa Nhật XXIII Mùa Thường Niên Năm C tuần này, Chúa Giêsu lại khẳng định dứt khoát với chung đám đông dân chúng đang ở với Người bấy giờ, về điều kiện tất yếu bất khả thiếu để có thể làm môn đệ của Người, đó là: “từ bỏ chính bản thân mình”.

Thật vậy, việc “ngồi vào chỗ thấp nhất” “khi được mời”, hay khi được Thiên Chúa tuyển chọn, chính là việc bỏ mình đầu tiên để có thể theo Chúa rồi vậy. Bằng không, chúng ta không thể nào theo Chúa, như Chúa Giêsu khẳng định trong bài Phúc Âm hôm nay: “Nếu ai đến với Tôi mà không bỏ cha mẹ mình, vợ con mình, anh chị em mình, thậm chí bỏ cả bản thân mình, họ không thể nào làm môn đệ của Tôi được”, tức là muốn theo Chúa phải từ bỏ tất cả những gì mình có, như Người cũng đã lập lại tổng quát ở cuối bài Phúc Âm hôm nay: “Không ai trong quí vị có thể làm môn đệ của Tôi nếu không từ bỏ tất cả những gì mình có”.

Điển hình là trường hợp của người thanh niên giầu có trong Phúc Âm Thánh Mathêu đoạn 19 câu 21 và 22, người thanh niên mà, như Phúc Âm thuật lại, “nghe những lời ấy”, những lời Chúa Giêsu khuyên dạy anh ta rằng: “Nếu anh muốn nên trọn lành thì anh hãy đi bán những gì anh có mà thí cho kẻ khó… Rồi sau đó anh hãy trở lại mà theo Tôi”, thì “anh đã buồn bã bỏ đi vì anh ta có rất nhiều của cải”. Thật ra, người thanh niên giầu có này không thể nào theo Chúa Giêsu, hay không có đủ can đảm bước đi theo Người, dù anh ta đã có một đời sống ngay chính, không phải là vì anh ta luyến tiếc của cải, cho bằng vì anh ta không thể từ bỏ chính bản thân của anh ta. Nghĩa là sở dĩ anh ta luyến tiếc của cải là vì bản thân của anh ta, là vì anh ta sợ nghèo nàn sẽ khổ thân và nhục thân. Bởi thế, nếu bỏ được chính bản thân mình là anh ta có thể bỏ được tất cả mọi sự anh ta có, kể cả thân nhân nghĩa thiết cũng như giầu sang phú quí. Và cũng chỉ bao giờ biết bỏ chính bản thân mình đi, con người mới có thể vác thập giá mình mà theo Chúa, bằng không, nếu chỉ bỏ thân nhân nghĩa thiết và của cải sản vật thôi, chứ không hay chưa thực sự và hoàn toàn bỏ chính bản thân mình đi, con người vẫn có thể bỏ Chúa như thường. Điển hình là trường hợp của một số người theo Chúa, sau khi nghe bài giảng về Bánh Hằng Sống của Chúa Giêsu, đã bỏ hàng ngũ môn đệ của mình mà đi, một biến cố được Phúc Âm Thánh Gioan ghi nhận ở đoạn 6 câu 60 và 66. Đó là lý do Chúa Giêsu còn dứt khoát thêm trong bài Phúc Âm hôm nay: “Ai không vác thập giá của mình mà theo Tôi không thể làm môn đệ của Tôi”.

Thế nhưng, vấn đề được đặt ra ở đây là tại sao trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu lại so sánh việc từ bỏ tất cả những gì mình có, kể cả việc từ bỏ chính bản thân mình, cũng như việc vác thập giá mình mà theo Người, với vấn đề tính toán kỹ lưỡng để làm sao có thể hoàn thành việc xây tháp theo mình dự định, hay vần đề tính toán để lượng sức mình xem mình có thể nắm chắc phần thằng trước khi xuất trận giao chiến hay chăng? Tại sao Chúa Giêsu không so sánh việc bỏ mình vác thập giá theo Chúa với những hình ảnh khác, chẳng hạn với việc tính toán về thương mại?

Có thể là vì việc tính toán về thương mại có vẻ trần tục, một việc tính toán trực tiếp liên quan đến lợi lộc, đến tư lợi, đến tranh đoạt, có lời thì nhào vô, thua lỗ thì khỏi làm, là những gì hoàn toàn phản nghịch với việc hy sinh bỏ mình, tức hoàn toàn phản nghịch với việc tự nguyện chịu thua thiệt, và vác thập giá, tức hoàn toàn phản nghịch với việc sẵn lòng chịu thua lỗ. Như thế, nếu Chúa Giêsu cố ý so sánh việc bỏ mình đi và vác thập giá mình mà theo Người với việc tính toán xây tháp hay xuất trận, phải chăng Người có ý ám chỉ: nếu thật sự từ bỏ mình và nhất quyết vác thập giá mà theo Người là con người môn đệ của Người sẽ phát triển chứ không phải bị hủy diệt, là nắm chắc chiến thắng chứ không phải sẽ bị thua bại, như chính gương của Người được Thánh Vị Tông Đồ Dân Ngoại chiêm ngưỡng, xác tín và công bố trong Thư gửi Giáo Đoàn Do Thái đoạn 5 câu 8 và 9: “Mặc dầu là Con, song Người cũng biết vâng lời nơi những gì phải chịu, để khi thành toàn, Người đã trở nên căn nguyên cứu độ đời đời cho tất cả những ai tùng phục Người”?

Điển hình là trong bài đọc thứ hai hôm nay, nếu Philômê thực sự nghe lời khuyên của Thánh Phaolô để bỏ mình đi và vác thập giá mà theo Chúa Kitô, ở chỗ, ông nhận lại Ônêsimô, người nô lệ của ông, lại là một người nô lệ đã ăn trộm tài sản của ông rồi sau đó sợ, bỏ trốn, như tiếp nhận chính Thánh Phaolô, thì, đúng như Thánh Nhân viết cho ông: “con vĩnh viễn chiếm được hắn, không phải như một kẻ nô lệ nữa, mà là như một người anh em yêu dấu, còn hơn là một tên nô lệ”. Như thế, thái độ của một người môn đệ Chúa Kitô như Philômê, theo lời khuyên của Thánh Phaolô, không phải là việc ông đã xây dựng và phát triển chẳng những chính bản thân ông mà còn cả bản thân người nô lệ của ông nữa hay sao, và việc nhận lại người nô lệ làm hại ông và đáng phạt này không phải là việc ông đã chiến thắng hơn là thua bại hay sao? Ở chỗ, ông đã lấy lành báo ác, đúng như lời Thánh Phaolô khuyên trong Thư gửi Giáo Đoàn Rôma đoạn 12 câu 21: “Anh em đừng bị sự dữ khống chế, nhưng hãy khống chế sự dữ bằng sự lành”.

Tuy nhiên, trong một thế giới bị nhiễm nguyên tội, một thế giới vốn có khuynh hướng “mắt đền mắt, răng đền răng” này (Ex 21:24; Lv 24:19; Mt 5:38), không phải ai cũng có thể hiểu được điều ấy, hay nói cho chính xác hơn, không phải ai cũng có thể chấp nhận được tinh thần ấy, một tinh thần bác ái rất đẹp lòng Chúa và hoàn toàn hợp với ý muốn thiện hảo của Thiên Chúa ấy. Bởi vậy, Sách Khôn Ngoan trong bài đọc thứ nhất hôm nay mới thâm tín và tuyên nhận rằng: “Con người biết được gì về huấn dụ của Thiên Chúa… Ai biết được huấn dụ của Ngài, nếu không được Ngài ban Khôn Ngoan và sai Thánh Thần từ trên cao xuống cho”.

Còn một vấn đề nữa hết sức quan trọng nữa, vấn đề liên quan đến toàn bộ linh đạo Kitô giáo, đó là vấn đề về “bản thân mình”. “Bản thân mình” đây là gì? “Bản thân mình” tốt hay xấu? Nếu “bản thân mình” tốt thì có cần phải phũ phàng bỏ nó đi chăng, như lời Chúa Giêsu khuyên dạy?

Trước hết, nếu “Chúa Kitô là hình ảnh Thiên Chúa vô hình”, như Thánh Phaolô xác tín trong Thư gửi Giáo Đoàn Côlôsê đoạn 1 câu 15, Đấng cũng được Thánh Phaolô minh định trong Thư gửi Giáo Đoàn Do Thái ở đoạn 1 câu 3: “Người Con này là hiện thân đích thực của hữu thể Cha”, thì “bản thân mình” đây chính là con người hiện thân của chủ thể, nếu xét theo khía cạnh hữu thể. Sau nữa, nếu Chúa Kitô còn là “sự sống ở nơi Cha và đã trở nên hữu hình cho chúng ta”, như Thánh Gioan xác nhận trong Thư Thứ Nhất ở đoạn 1 câu 2, thì “bản thân mình” đây cũng là chính sự sống tâm linh nơi chủ thể, nếu xét theo khía cạnh sinh động. Đó là lý do chúng ta thấy Chúa Giêsu chẳng những nói đến “bỏ mình”, như trong bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này, mà còn nói đến “bỏ sự sống mình” nữa, như trong Phúc Âm Thánh Gioan ở đoạn 12 câu 25, hay trong Phúc Âm Thánh Mathêu ở đoạn 16 câu 25, hoặc Phúc Âm Thánh Marcô đoạn 8 câu 35 và Phúc Âm Thánh Luca ở đoạn 9 câu 24.

Nếu “bản thân mình” là chính con người hiện thân của chủ thể và là sự sống tâm linh nơi chủ thể thì “bản thân mình” đây hoàn toàn là một thực tại tốt lành, chứ không phải là những gì xấu xa cần phải bỏ đi. Vậy sao lại cần phải bỏ “bản thân mình” là một thực tại tự bản chất vốn tốt lành đi, nếu không phải để chúng ta hoàn toàn được biến hóa và hiệp thông trong Đấng, đã được Chúa Kitô mạc khải cho biết ở Phúc Âm Thánh Gioan đoạn 3 câu 16, “đã yêu thương thế gian đến ban Con Một mình, để ai tin vào Con thì không phải chết song được sự sống đời đời”, cũng là Đấng, được Thánh Phaolô chân nhận trong Thư gửi Giáo Đoàn Rôma ở đoạn 8 câu 32, “đã không dung tha cho Con mình, những đã phó nạp Người vì tất cả chúng ta”. Như thế, nếu Thiên Chúa chẳng những đã “bỏ mình đi”, khi ban Con Một Ngài cho chúng ta, để có thể đến với chúng ta nơi Mầu Nhiệm Nhập Thể, mà còn phải “vác thập giá”, khi phó nạp Con Ngài vì chúng ta qua Mầu Nhiệm Vượt Qua, để có thể cứu độ chúng ta và ban Thánh Linh hiệp thông cho chúng ta, thì nhân loại chúng ta không còn cách nào khác có thể đến với Ngài và nên một với Ngài, ngoài đường lối làm môn đệ Chúa Kitô.

Đúng thế, ý nghĩa và giá trị của ơn gọi cũng như của cuộc đời sống Kitô hữu của chúng ta đã được Chúa Kitô tâm sự với các tông đồ trong Bữa Tiệc Ly ở Phúc Âm Thánh Gioan đoạn 15 câu 8 như sau: “Cha Thày được vinh hiển nơi việc các con sinh nhiều hoa trái và nơi việc các con trở nên môn đệ của Thày”, tức là nơi việc chúng ta “đến cùng Cha qua Thày” (Jn 14:6), ở chỗ, “bỏ chính bản thân mình đi và vác thập giá hằng ngày mà theo Thày” (Mt. 16:24) vậy!

Nếu “bản thân mình” là con người hiện thân của chủ thể và là sự sống tâm linh nơi chủ thể, thì việc “bỏ bản thân mình” đi theo lời Chúa Kitô khuyên dạy trong Phúc Âm Chúa Nhật tuần này phải chăng chính là việc bỏ đi những ý nghĩ về mình và là việc bỏ đi ý muốn tự do của mình, dù những ý nghĩ về mình hay của mình đó có chí lý đến đâu, và dù ý muốn của mình đó có tốt lành và có lợi ích đến mấy đi nữa, chẳng hạn như trường hợp điển hình của Thánh Phêrô bị Thày quở là “Đồ Satan, hãy xéo đi, vì ngươi chẳng nghĩ tưởng theo ý hướng của Thiên Chúa mà toàn là theo kiểu của loài người “ (Mt 16:23)?

Tóm lại, bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này Chúa Giêsu khẳng định những điều kiện để có thể làm môn đệ của Chúa hay để có thể theo Chúa. Điều kiện đó là từ bỏ mình và vác thập giá. Từ bỏ mình và vác thập giá không phải là những gì làm cho con người theo Chúa, làm cho thành phần môn đệ của Người bị thua lỗ hay thất bại, mà là thăng tiến và chiến thắng. Đó là lý do Chúa Giêsu đã dùng hai thí dụ để chứng minh chiều hướng bỏ mình theo Chúa là thăng tiến và vác thập giá theo Chúa là chiến thắng. Thí dụ thứ nhất là việc xây tháp, biểu hiệu cho vấn đề thăng tiến, chiều hướng đi lên, nhưng lại là vấn đề cần phải chi phí nhiều tốn kém, tức vấn đề cần phải bỏ mình đi. Thí dụ thứ hai là việc đánh trận, biểu hiệu cho máu đổ, cho khổ đau, cho thập giá, cho sức mạnh, thậm chí cho cả chết chóc, nhưng có thế mới hy vọng mang lại chiến thắng, bằng không sẽ bị thua bại. Thế nhưng, trong hai điều kiện bỏ mình và vác thập giá, chính vì không bỏ mình sẽ không vác được thập giá nên Chúa Giêsu đã kết thúc bài Phúc Âm bằng câu: “bất kỳ ai trong các ngươi không từ bỏ tất cả những gì mình có, thì không thể làm môn đệ của Tôi”.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ