GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 CHÚA NHẬT 13/11/2005,

TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN

 

?   ĐTC GPII: Công Đồng Chung Vaticanô II là Mùa Vọng dọn đường cho Đại Năm Thánh 2000 nói riêng và Đệ Tam Tân Thiên Kỷ Kitô Giáo nói chung 

   Hôn Nhân Gia Đình: Mầu Nhiệm Cao Cả

?  “Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời” 

 

?   ĐTC GPII: Công Đồng Chung Vaticanô II là Mùa Vọng dọn đường cho Đại Năm Thánh 2000 nói riêng và Đệ Tam Tân Thiên Kỷ Kitô Giáo nói chung

 

Trong Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật 30/10/2005, cũng như trong Thư ngày 26/10/2005 Gửi Hội Nghị của Ủy Ban Tòa Thánh Về Liên Hệ Với Người Do Thái, Vị Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã nói về Tuyên Ngôn Nostra Aetate liên quan tới vấn đề đối thoại liên tôn với Do Thái giáo, và một trong những tôn sư nổi tiếng của Do Thái đã nhận định về mối giao hảo giữa Kitô Giáo và Do Thái Giáo sau 40 năm đang diễn tiến đầy hứa hẹn, như dân Do Thái sau 40 năm trong hoang địa đã vào Đất Hứa vậy.

 

Thế nhưng, phải công nhận là, theo Quan Phòng vô cùng huyền nhiệm của Thiên Chúa, mối liên hệ tốt đẹp này có được là nhờ Đức Gioan Phaolô II, vị mà khi vừa vĩnh viễn nằm xuống, một tổ chức Do Thái ở Hoa Kỳ đã lên tiếng công nhận là những gì ngài làm cho mối giao hảo giữa Giáo Hội Công Giáo và Do Thái Giáo trong thời khoảng giáo triều dài nửa thế kỷ của ngài còn hơn cả gần 2000 năm trước đó nữa. Đúng thế, sở dĩ Đức Gioan Phaolô II làm được điều này là vì “Ngài là người của Công Đồng Chung Vaticanô II”, như vị đương kim Giáo Hoàng Biển Đức XVI mới đây đã nhận định.

 

Nếu Đức Gioan Phaolô II không thể tách rời với Đại Năm Thánh 2000 thế nào, thì ngài cũng là một với Công Đồng Chung Vaticanô II như vậy. Sau đây, nhân dịp kỷ niệm gần 40 năm bế mạc Công Đồng Chung Vaticanô II (8/12/1965-2005), chúng ta hãy cùng nhau ôn lại chính lời của ngài trong Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến (đoạn 18-20) ban hành ngày 10/11/1994 về biến cố Công Đồng Chung Vaticanô II như là một mùa vọng dọn đường cho riêng Đại Năm Thánh 2000 và cho chung Ngàn Năm Thứ 23 Kitô Giáo như sau.  

 

18. Chúng ta có thể xác nhận rằng Công Đồng Chung Vaticanô II là một biến cố quan phòng, nhờ đó, Giáo Hội bắt đầu sửa soạn trực tiếp hơn cho cuộc mừng thiên niên thứ ba. Công Đồng này là một công đồng cũng giống như các công đồng trước kia, song lại khác hẳn; đó là một công đồng chú trọng vào mầu nhiệm Chúa Kitô và Giáo Hội của Người, đồng thời lại vươn mình ra với thế giới. Thái độ vươn mình ra của Giáo Hội là một đáp ứng có tính cách phúc âm đối với những đổi thay trong thế giới này, những đổi thay bao gồm cả những kinh nghiệm về tình trạng hỗn loạn sâu rộng của thế kỷ 20, một thế kỷ rùng rợn với hai cuộc Đại Chiến I và II, với kinh nghiệm về những trại tập trung cùng với những cuộc tàn sát khủng khiếp. Tất cả những biến cố này đã chứng tỏ một cách hết sức hùng hồn là thế giới cần phải được thanh tẩy; nó cần phải cải thiện lại.

 

Công Đồng Chung Vaticanô II thường được coi như bắt đầu một kỷ nguyên mới trong sinh hoạt của Giáo Hội. Điều này đúng, nhưng đồng thời nó cũng khó bỏ qua sự kiện là Công Đồng đã rút tỉa rất nhiều kinh nghiệm và suy tư của một qúa khứ vừa qua, nhất là từ di sản tinh thần do Đức Piô XII để lại. Trong lịch sử của Giáo Hội, cái "cũ" và cái "mới" luôn luôn đan kết chặt chẽ với nhau. Cái mới phát xuất từ cái cũ, và cái cũ được diễn đạt trọn vẹn nơi cái mới. Điều này đã xẩy ra với Công Đồng Chung Vaticanô II, cũng như với hoạt động của các vị giáo hoàng có liên hệ với công đồng, bắt đầu từ Đức Gioan XXIII, tiếp đến Đức Phaolô VI và Gioan-Phaolô I, cho đến vị giáo hoàng đương kim.

 

Điều mà những vị giáo hoàng này đã hoàn tất trong thời gian và từ thời gian Công Đồng, qua giáo huấn của các ngài cũng như qua hoạt động mục vụ của các ngài, chắc chắn đã đóng góp một cách đáng kể vào việc sửa soạn cho một mùa xuân mới của sinh hoạt Kitô giáo, một mùa xuân sẽ được tỏ hiện nhờ cuộc Đại Hỷ, nếu các Kitô hữu tỏ ra dễ dậy đối với tác động của Chúa Thánh Thần.

 

19- Công Đồng, cho dù không bắt chước tính cách nghiêm trọng của thánh Gioan Tẩy Giả là vị trên bờ sông Dược-Đăng đã kêu gọi thống hối và cải thiện (x.Lk.3:1-7), cũng đã tỏ ra cho thấy một điều của vị tiên tri xưa, đó là, bằng một nghị lực mới, Công Đồng đã chỉ cho con người nam nữ của ngày hôm nay thấy rằng Chúa Giêsu Kitô là "Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian" (Jn.1:29), Đấng cứu chuộc nhân loại và là Chúa của lịch sử. Trong Công Đồng, theo lòng ước ao thật sự muốn hoàn toàn trung thành với thày mình, Giáo Hội đã tự vấn về căn tính riêng của mình, và đã nhận thức lại mầu nhiệm của mình là thân thể và là hiền thê của Chúa Kitô. Khiêm tốn lắng nghe lời Thiên Chúa, Giáo Hội đã tái xác nhận ơn gọi nên thánh phổ quát; đã phác họa điều khoản về việc canh tân phụng vụ là nguồn mạch và là thượng đỉnh của sinh hoạt Giáo Hội; đã thúc đẩy việc canh tân cho nhiều phương diện trong sinh hoạt của Giáo Hội, ở cả lãnh vực hoàn vũ cũng như ở các Giáo Hội địa phương; đã cố gắng khơi dậy những ơn gọi Kitô giáo khác nhau, từ những ơn gọi của người giáo dân đến những ơn gọi Tu Trì, từ sứ vụ của các thày sáu đến sứ vụ của các linh mục và giám mục; và nhất là Giáo Hội đã nhận thức lại được tính cách tập đoàn của hàng giáo phẩm, đó là một thể hiện đặc biệt của việc mục vụ được thi hành bởi các vị giám mục hiệp thông với vị thừa kế thánh Phêrô. Trên căn bản của cuộc canh tân sâu xa này, Công Đồng vươn mình đến các Kitô hữu của các giáo phái khác, với các môn đệ của các tôn giáo khác và với tất cả mọi người của thời đại chúng ta. Không có Công Đồng nào đã từng nói rõ ràng về cuộc hiệp nhất Kitô giáo, về việc đối thoại với các tôn giáo không phải là Kitô giáo, về ý nghĩa đặc biệt của cựu ước đối với dân Ích Diên, về những truyền thống văn hóa khác nhau mà trong đó Giáo Hội phải thực hiện công cuộc truyền giáo của mình, và về phương tiện truyền thông xã hội.

 

20. Toàn bộ giáo huấn phong phú lớn lao của Công Đồng, cùng với cung cách mới mẻ đáng phục để trình bày nội dung giáo huấn này, đã thật sự làm nên một tuyên ngôn cho những thời điểm mới. Các giáo phụ của Công Đồng đã nói bằng ngôn ngữ của Phúc Âm, ngôn ngữ của Bài Giảng trên Núi và của các Phúc Đức. Trong sứ điệp của Công Đồng, Thiên Chúa được trình bày theo chủ quyền tuyệt đối của Ngài trên tất cả mọi sự, nhưng cũng là một Đấng bảo đảm tính cách tự động chính thực của những thực tại trần thế. Bởi thế, việc sửa soạn hay nhất cho một tân thiên niên chỉ có thể được thể hiện bằng một cuộc dấn thân mới trong việc mang ra áp dụng, một cách trung thành bao nhiêu có thể, những giáo huấn của Công Đồng Chung Vaticanô II vào đời sống của mọi người cũng như vào sinh hoạt của cả Giáo Hội. Theo nghĩa rộng nhất của từ ngữ, những việc sửa soạn trực tiếp liên quan đến cuộc Đại Hỷ năm 2000 thật sự bắt đầu từ Công Đồng Chung Vaticanô II. Nếu chúng ta tìm một so sánh theo phụng vụ thì có thể nói là Mùa Vọng hằng năm là mùa có ý nghĩa sát với tinh thần của Công Đồng nhất. Vì Mùa Vọng là mùa sửa soạn cho chúng ta nghênh đón Đấng đã có, đang có và phải đến (x.Rev.4:8).

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, trích dịch từ Tông Thư Tiến Đến Ngàn Năm Thứ Ba, ban hành ngày 10/11/1994

  

 TOP

 

 

   Hôn Nhân Gia Đình: Mầu Nhiệm Cao Cả

 

(Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II: Thư Gửi Các Gia Đình ngày 2/2 trong Năm Gia Đình 1994, đoạn 19)

 

Thánh Phaolô sử dụng một cụm từ ngắn gọn để ám chỉ về đời sống gia đình: đó là một “mầu nhiệm cao cả” (Eph 5:32). Những gì ngài viết trong Bức Thư gửi cho Kitô hữu Êphêsô này về “mầu nhiệm cao cả”, mặc dù được sâu xa bắt nguồn từ Sách Khởi Nguyên cũng như từ toàn thể truyền thống Cựu Ước, song lại tiêu biểu cho một đường lối mới được thể hiện sau đó nơi Giáo Huấn của Giáo Hội.

 

Giáo Hội tuyên xưng rằng Hôn Nhân, một Bí Tích của mối giao ước giữa người chồng và người vợ, là một “mầu nhiệm cao cả”, vì nó thể hiện tình yêu phu thê của Chúa Kitô đối với Giáo Hội. Thánh Phaolô viết: “Hỡi những người chồng, hãy yêu thương vợ của mình, như Chúa Kitô đã yêu thương Giáo Hội và hiến mình cho Giáo Hội, để Người thánh hóa Giáo Hội, thanh tẩy Giáo Hội bằng nước rửa của lời nói” (Eph 5:25-26). Thánh Tông Đồ ở đây đang nói về Phép Rửa là những gì đã được ngài nói dài trong Bức Thư gửi cho Kitô hữu Rôma, bức thư ngài trình bày phép rửa này như là việc thông phần vào cuộc tử nạn của Chúa Kitô để được chia sẻ với sự sống của Người )x Rm 6:3-4). Nơi Bí Tích này, người tín hữu được hạ sinh như là một con người mới, vì Phép Rửa có quyền năng thông ban sự sống mới, sự sống của chính Thiên Chúa. Mầu nhiệm của vị Thiên Chúa Làm Người, một cách nào đó, được thu gọn vào biến cố Phép Rửa. Như Thánh Irenaeus về sau nói, cùng với nhiều vị Giáo Phụ khác của Giáo Hội ở cả Đông phương lẫn Tây phương, là “Chúa Giêsu Kitô, Chúa của chúng ta, Con Thiên Chúa, đã trở nên con của loài người để loài người được trở nên con Thiên Chúa”.

 

Như thế, vị Phu Quân cũng chính là Vị Thiên Chúa làm người. Trong Cựu Ước, Giavê xuất hiện như Vị Phu Quân của Yến Duyên là dân được tuyển chọn – một vị Phu Quân vừa luyến ái vừa nghiêm khắc, vừa ghen tương vừa trung tín. Những lúc phản bội, đào ngũ và thờ ngẫu tượng của Yến Duyên, những lúc được các vị Tiên Tri diễn tả bằng những từ ngữ mãnh liệt và khích động, cũng không bao giờ có thể làm tắt lịm tình yêu được Vị Thiên Chúa Hôn Phu “yêu thương đến cùng” (x Jn 13:1).

 

Việc xác nhận và hoàn trọn mối liên hệ phu thê giữa Thiên Chúa và dân của Ngài được hiện thực nơi Chúa Kitô, trong Tân Ước. Chúa Kitô bảo đảm với chúng ta rằng Vị Hôn Phu này ở với chúng ta (x Mt 9:15). Người ở với tất cả chúng ta; Người ở với Giáo Hội. Giáo Hội trở thành một Hôn Thê, vị Hôn Thê của Chúa Kitô. Vị Hôn Thê được Bức Thư gửi Kitô hữu Êphêsô nói tới này hiện diện ở nơi mỗi một con người được rửa tội và như là một hôn thê trình diện trước Vị Hôn Phu của mình. “Chúa Kitô đã yêu thương Giáo Hội và đã hiến mình cho Giáo Hội…, để Người thấy được một Giáo Hội vinh quang, vô tì tích hay dấu vết hoặc bất cứ điều gì như thế, hầu Giáo Hội trở nên thánh hảo vẹn tuyền” (Eph 5:25-27). Tình yêu Vị Hôn Phu “đã yêu thương” Giáo Hội “cho đến cùng” tiếp tục canh tân tình trạng thánh đức của Giáo Hội nơi các vị thánh của Giáo Hội, cho dù Giáo Hội vẫn là Giáo Hội của thành phần tội nhân. Ngay cả thành phần tội nhân, “thành phần thu thuế và gái điếm”, cũng được kêu gọi nên thánh, như chính Chúa Kitô khẳng định trong Phúc Âm (x Mt 21:31). Tất cả đều được kêu gọi để trở nên một Giáo Hội vinh quang, thánh hảo và vẹn tuyền. Chúa phán: “Hãy thánh hảo vì Ta thánh hảo” (Lev 11:44; x 1Pt 1:16).

(còn tiếp)

 TOP

 

? “Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời” 

 

Thoidiemmaria: Dưới đây là bài điếu văn của một người chồng tiếc thương người vợ qua đời của mình trong Thánh Lễ An Táng vào sáng Thứ Bảy 29/10/2005, ngày ở bên nhà xẩy ra hiện tượng Thánh Mẫu Châu Lệ Việt Nam. Về người quá cố, chính bản thân chúng tôi rất thân quen, và chnứg thực rằng những gì được viết ra ở dưới đây đều rất chính xác. Ông không nói đến một số chi tiết đặc biệt khác nữa, đó là lời trăn trối của bà liên quan đến hậu sự cho bà: bà muốn được chôn táng trong một cái hòm rất thường, không sang trọng đắt tiền, và tất cả mọi tiền phúng điếu được sử dụng vào việc bác ái và truyền giáo.

 

Trong lời phân ưu cuối lễ, đại diện cho hai đoàn thể khác nhau, tôi đã đề cập đến 3 điều: phân ưu, chúc mừng và cảm tạ.

 

Phân ưu cùng tang gia, cách riêng người chồng, vì ông chẳng những mất đi một người vợ về phần đời, mà còn mất đi một người chị thiêng liêng nữa, bởi chính ông nói với tôi tối hôm Thứ Năm 27/11 khi tôi đến viếng xác vợ ông rằng: “Tôi là một kẻ ngoại đạo. Nhờ bà ấy mà tôi mới có ngày hôm nay, biết mến Chúa yêu người v.v.”

 

Chúc mừng: vì chắc chắn bà đã được rỗi và sẽ được lên hưởng thánh nhan Chúa rất sớm, bởi bà đã đền tội 45 năm bằng bệnh tật của bà, đã không bao giờ buông cỗ tràng hạt, kể cả lúc hôn mê trong bệnh viện UCI ở Orange County hai tuần trước cũng không thể gỡ khỏi tay bà (phải chăng nhờ đó bà đã được chết vào chính ngày Thứ Bảy trong Tháng Mân Côi Mẹ?), đã kêu tên Giêsu Maria Giuse trước khi gục xuống tắt thở vào ngày Lễ Mẹ Mân Côi 7/10/2005 trong phòng cấp cứu ICU (sau được cứu sống), và bà đã chết như Đức Gioan Phaolô II (vào cùng năm 2005, cùng kiểu được đưa vào bệnh viện rồi về chết ở nhà, và chết vào chính ngày kỷ niệm đăng quang 27 năm của ngài 22/10).

 

Và cuối cùng là cảm tạ bà: vì bà đã hết sức tích cực ủng hộ cả về phần thiêng liêng lẫn vật chất cho hoạt động tông đồ giáo dân của hai nhóm chúng tôi, trong đó, người con gái út của bà, người viết những lời chia sẻ với tôi cuối bài viết này, là hoa trái sống động của gia sản sống đạo bà để lại cho chung gia đình bà là  tin yêu phó thác chấp nhận mọi sự theo Thánh Ý Chúa.

 

Sau đây là nguyên văn bài điếu văn của ông bố về cuộc đời và tinh thần sống đạo gương mẫu của vợ ông, và những lời của người con gái út liên quan tới hiện tượng lạ xẩy ra trong gia đình mà bà đã hết lòng chăm lo. Chúng tôi phổ biến bài điếu văn này vì nó rất thích hợp vớI Tháng Các Đẳng 2005 này và có thể mang lại lợi ích thiêng liêng cho người còn sống, vì có những người nghe xong bài điếu văn này, sau Lễ, đã cho tôi biết họ rất cảm động và cảm phục con người nằm xuống mà họ chưa bao giờ được gặp và chưa hề biết tới.

 

Kính thưa quý Cha, quý cụ, quý ông bà, quý vị trong các đoàn thể Công Giáo tiến hành, và các bạn hữu rất kính mến,

 

Hôm nay tôi thay mặt cho người vợ yêu quý nhất của đời tôi mà giờ đây đang nằm đây đã nỡ lìa xa cha con chúng tôi mà đành đoạn ra đi, để lại cho cha con chúng tôi và các cháu biết bao vô cùng nhớ thương thương tiếc.  Đành rằng cuộc lữ hành nào cũng có điểm khởi hành và cũng phải có điểm kết thúc, con người ta sinh ly tử biệt là lẽ thường tình của trời đất, kẻ ra đi đã đi vào giấc ngủ ngàn thu, nhưng còn người ở lại làm sao quên đi được biết bao kỷ niệm mà gần nửa cuộc đời đã chung sống với nhau.  Một cuộc hôn nhân trải dài 45 năm biết bao thương khó dậm trường, trèo non vượt suối, tù tội, cùng nhau hiệp lời cầu nguyện chống đỡ những trận cuồng phong, bão táp sóng dữ như muốn cuốn phăng trôi đi, thế mà gia đình nhỏ bé này đã được Chúa và Đức Mẹ gìn giữ cho chở dẫn dắt đến bến bờ tự do.  Tưởng rằng rồi đây gia đình sẽ được sống hạnh phúc bên nhau mãi mãi, nhưng hôm nay nửa đường dứt gánh Bà đã nỡ lìa bỏ cha con chúng tôi ở lại để ra đi một mình.

 

Kính thưa quý Cha,

Kính thưa quý vị,

 

Hiến thê của tôi là Bà Maria PHẠM THỊ MÙI, nhũ danh là Thanh Gương, sinh ngày 20 tháng 11, năm 1931 tại Nam Định, Bắc Việt.  Là một người con trong gia đình có 9 anh chị em, mà vợ của tôi là chị cả trong gia đình.  Ông cụ thân sinh là cụ Phạm văn Giậu, sinh trưởng tại Nghệ An, hiện nay vẫn còn sống, thọ 98 tuổi.  Mẹ là cụ Ngô thị Ca (đã qua đời năm 1969).  Ông cụ là một công chức ngành Quan Thuế làm việc tại Sài Gòn cho đến khi về nghỉ hưu, rất là thanh liêm.  Trước ngày lấy tôi, vợ tôi đã có ý định đi tu, nhưng ý Chúa chưa chọn, vì vậy khi còn ở nhà tập, nhà dòng đã cho đi dậy học một thời gian nhưng sức khỏe không được tốt nên đành trở về nhà.  Sau khi lập gia đình với tôi, nhà tôi đã đi dạy học ở trường Aurore Rạng Đông một thời gian dài rồi thì vì công vụ tôi phải thuyên chuyển đi nơi xa nên từ đó chỉ lo việc nội trợ trong gia đình.  Tuy thường hay đau ốm nhưng Chúa và Đức Mẹ thương vẫn ban cho được 5 người con, 2 trai 3 gái, các cháu nay đã lớn khôn và đã lập gia đình, gia đình có được 11 cháu nội ngoại.

 

Khi vợ tôi trong cơn hấp hốì, tôi gọi điện thoại về Việt-Nam để báo hung tin thì cậu em cho biết:  Cha biết được tin anh báo cho biết Chị đã mất, Cha ngồi lặng thinh một lúc lâu rồi nói:  “Tao còn ngồi đây mà nó nỡ bỏ tao đi sao?  Thật đúng là:  Lá vàng còn ở trên cành, mà lá xanh đã rụng làm Cụ đau lòng biết bao?  Cụ hy vọng có một ngày sẽ được gặp lại người con yêu quý thì nay không còn nữa.  Tôi thật xúc động thương cảm cho người Cha già khi hay hung tin con mất lại thương đến người vợ thân thương của tôi đang hiện diện trước Thánh Lễ tiển đưa hôm nay. 

 

Từ ngày chúng tôi chung sống với nhau Chúa đã gửi Thánh giá đến cho vợ tôi.  Vợ tôi bị một căn bệnh mà khi còn ở Việt-Nam cứ chạy chữa loanh quanh mà không sao dứt khỏi.  Hầu như tất cả các bệnh viện từ Saigon, Chơ Lớn, Gia-Định cho đến Cao-nguyên Lâm-viên Đalat, Nha Trang đều đã trải qua, kể cả châm cứu, thuốc nam, thuốc bắc, nghe ai mách bảo có thầy hay thì đều đến để nhờ chưã trị.  Cho đến khi vượt biên sang được Mã Lai và lúc chuyển ra bệnh viện ở Kuala Lumpur Bác sĩ mới khám phá ra đó là căn bệnh Myasthenia Gravis, thuộc về Neurology (tạm dịch là hệ thần kinh không xúc tác với các bắp thịt), và Bác sĩ cho biết căn bệnh nầy rất hiếm và cũng rất khó chữa.  Trong suốt 45 năm dài nhận lãnh Tháng Giá Chúa trao, nhà tôi quyết một lòng làm của lễ hy sinh để dâng hiến trọn đờì mình cho Chúa, chấp nhận sự đau đớn không một lời oán than và luôn luôn trung thành với lời kêu xin:  Xin Chúa cho con đủ sức chịu đựng để đón nhận mọi Thánh Giá Chúa trao hầu làm đẹp lòng Chúa.

 

Là một người Mẹ, người vợ thật tuyệt vời trong gia đình, thương chồng, thương con, thương cháu, lo lắng cho từng người, vỗ về yên ũi, là gạch nối trong đại gia đình khi có sự bất hòa, luôn luôn kêu gọi các con các cháu yêu thương nhau và đoàn kết, nhắc nhở các cháu cố gắng học hành, đừng bỏ lễ, nhất là các ngày lễ buộc lễ trọng.  Mặc dầu ốm đau như vậy nhưng luôn luôn vẫn là tấm gương sáng trong gia đình.  Lúc nào cũng có 2 hay 3 phong bì riêng đễ dành tiền tiết kiệm giúp đỡ các cơ sở từ thiện bên quê nhà, một hộp tiền cắc để giúp người phong cùi, luôn luôn nhắc nhở các con các cháu bớt xài phung phí để giúp kẻ khó nghèo, tham gia cầu nguyện trong các hội đoàn mặc dầu lúc sau nầy bịnh trầm trọng không đi ra ngoài được nữa nhưng lúc nào cũng liên lĩ cầu nguyện. 

 

Tôi luôn thấy vợ tôi không bao giờ lìa xa chuỗi lần hạt mân côi, ngày cũng như đêm kể cả những khi sắp lâm chung.  Đó là cuả ăn thiêng liêng cuả bà.  Vợ tôi thường nói với tôi câu của Thánh Phanxicô Assissi: “Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”.  Vì vậy sự chết là Phục sinh, vậy một mai khi Chuá gọi em về thì anh và các con các cháu đừng khóc mà hãy hát hoặc mở nhạc Thánh ca để tiển đưa Em về Nhà Cha.

 

Xin cám ơn quý Cha, quý cụ, quý ông bà, quý đoàn thể và toàn thể quý bạn bè thân hữu đã hiện diện trong Tang Lễ hôm nay để tiễn đưa người yêu quý nhất của đại gia đình chúng tôi sớm về nhà Cha trên trời.

 

Xin hãy cầu nguyện cho linh hồn Maria.  Amen.

            

Ngày 29 tháng 10, 2005

 

Mẹ em mà còn sống mà nghe bài điếu văn của ba chắc phải cười đến đứt ruột. 

Anh Nghiêm có kể một đêm khoảng 2 giờ sáng còn đang thức khóc thì nghe tiếng lục đục ở phòng ngoài.  Ảnh đi ra xem thì nhìn thấy mẹ đang ngồi trên ghế rocker, và thấy mấy lần.  Anh ấy nói lúc đó có thể bị delusional thấy này thấy kia, chứ nằm mơ thì không phải, vì khi trở vào phòng thì chị dâu em còn thức.

Chị Đài thì nằm mơ thấy mẹ về, bay bay ở ngoài cửa sổ, vẻ mặt rất vui và cười rất tươi tắn, vẫn còn đang mặc chiếc áo nhà thương lúc chết.  Mẹ đưa tay vào nắm lấy tay chị bóp mạnh.  Chị ấy la toáng lên "mẹ về rồi", rồi chạy ra mở cửa thì mẹ đã đâu mất.  Chị ấy kể giấc mơ y như thật, và khi tỉnh dậy thì thấy rất bình an.

Còn em thì biết chắc chắn ở đời này chẳng bao giờ được thấy mẹ nữa đâu.

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ