GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ NĂM 17/11/2005

 

?   ĐTC Biển Đức XVI: Sứ Điệp gửi Hội Nghị về Hòa Bình và Khoan Dung

   Kitô Hữu Pakistan bàng hoàng trước cuộc bạo loạn của thành phần cuồng tín

?  Cuộc Nổi Loạn ở Pháp: đã từ từ được vãn hồi, Quốc Hội phê chuẩn biện pháp dẹp loạn và ĐTGM Paris lên tiếng...

 

?   ĐTC Biển Đức XVI: Sứ Điệp gửi Hội Nghị về Hòa Bình và Khoan Dung

Sau đây là sứ điệp của ĐTC Biển Đức XVI gửi cho hội nghị quốc tế về Hòa Bình và Khoan Dung được tổ chức bởi Đức Thượng Phụ Chính Thống Bartholomew I giáo chủ Constantinople và Tôn Sư Arthur Schneier, chủ tịch Hội Tiếng Gọi Của Lương Tâm ở Nữu Ước. Cuộc hội nghị 3 ngày này được diễn ra tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, và được kết thúc vào ngày Thứ Tư 9/11/2005.

Gửi Huynh Khả Kính,
Hồng Y Walter Kasper
Chủ Tịch Hội Đồng Tòa Thánh Cổ Động Hiệp Nhất Kitô Giáo
Và Ủy Ban Liên hệ Tôn Giáo Với Do Thái Giáo

Tôi sung sướng được biết tin về Hội Nghị lần hai về Hòa Bình và Khoan Dung, được tổ chức bởi Tòa Thượng Phụ Toàn Cầu liên hợp với Hội Tiếng Gọi Của Lương Tâm, về đề tài: “Đối Thoại và Hiểu Biết ở Đông Nam Âu Châu, ở Caucasus và Trung Á Châu”. Huynh khả kính, tôi ủy thác cho huynh việc chuyển lời chào hỏi thân ái của tôi tới các vị tham dự cuộc họp ở Istanbul trong những ngày tới đây, cùng với niềm tri ân của tôi về việc họ mạnh mẽ dấn thân cho vấn đề nuôi dưỡng sự hiểu biết và hợp tác giữa những tín đồ thuộc các tôn giáo khác nhau. Đặc biệt tôi xin huynh hãy bày tỏ những lời chúc huynh đệ tốt đẹp đến Đức Thượng Phụ Bartholomew I, TGM Constantinople, và việc tôi liên kết thiêng liêng chặt chẽ với Tôn Sư Arthur Schneier trong lúc này.

Đề tài hòa bình và khoan dung là những vấn đề quan trọng trong một thế giới có những thái độ cứng cỏi thường gây ra hiểu lầm và khổ đau, có thể dẫn đến chỗ bạo động chết chóc. Việc đối thoại rõ ràng là những gì bất khả châm chước nếu muốn tìm những giải pháp cho những cuộc xung đột và căng thẳng tai hại gây ra quá nhiều thiệt hại cho xã hội. Chỉ có thực hiện đường lối đối thoại mới có hy vọng thế giới sẽ trở thành một nơi hòa bình và huynh đệ mà thôi.

Phận sự của hết mọi người thiện tâm, nhất là của hết mọi tín đồ, đó là giúp vào việc xây dựng một xã hội an bình và thắng vượt khuynh hướng hung hăng và đụng độ phù phiếm giữa các nền văn hóa khác nhau và những nhóm sắc dân khác nhau. Mỗi một dân tộc trên thế giới có trách nhiệm phải góp phần riêng của mình vào nền hòa bình và hòa hợp, bằng việc mang gia sản thiêng liêng và văn hóa của mình cùng với các giá trị về đạo lý của mình để phục vụ gia đình nhân loại trên khắp thế giới. Mục đích này chỉ có thể đạt được nếu ở tâm điểm của vấn đề phát triển về kinh tế, xã hội và văn hóa của mỗi cộng đồng tỏ ra tôn trọng xứng đáng đối với sự sống cũng như đối với phẩm vị của hết mọi con người. Một xã hội lành mạnh là một xã hội luôn cổ võ việc tôn trọng những quyền lợi bất khả vi phạm và bất khả nhượng của tất cả mọi người. Nếu thiếu “một nền tảng luân lý khách quan, thì ngay cả nền dân chủ cũng không thể bảo đảm được một nền hòa bình vững chắc” (Thông Điệp Phúc Âm Sự Sống, khoản 70). Theo chiều hướng này, chủ nghĩa tương đối về luân lý đang làm hao mòn suy yếu đi các việc làm của nền dân chủ, một nền dân chủ tự mình vẫn không đủ để bảo đảm để bảo đảm sự khoan dung và tôn trọng nơi các dân tộc.

Bởi thế, thật là quan trọng trong việc giáo dục về chân lý, và trong việc nuôi dưỡng việc hòa giải ở bất cứ nơi nào xẩy ra thương tổn. Việc tôn trọng quyền lợi của kẻ khác, một việc sinh hoa kết trái nơi vấn đề chân thành và thẳng thắn đối thoại, sẽ cho thấy những bước cụ thể cần phải thực hiện. Hết mọi người thiện tâm đều có nhiệm vụ hoạt động hướng tới mục đích ấy. Tuy nhiên, lại càng khẩn thiết hơn nữa đối với những ai nhìn nhận Thiên Chúa Duy Nhất là Cha của tất cả mọi người, Đấng tự động cống hiến tình thương cho tất cả mọi người, Đấng phán xét công minh và ban cho tất cả mọi người tình bằng hữu ban sự sống của Ngài. Đối với Kitô hữu thì lòng quảng đại của Thiên Chúa được trở nên hữu hình nơi dung nhan của Đấng Thiên Chúa “làm cho nên tội lỗi… để trong Người chúng ta được nên sự công chính của Thiên Chúa” (2Cor 5:21), Chúa Kitô là hòa bình của chúng ta và là sự hòa giải đích thực của chúng ta.

Tôi xin gửi Huynh khả kính những tâm tưởng này, tôi xin huynh, nhân dịp hội nghị này, hãy tái xác nhận việc mạnh mẽ dấn thân không ngừng hoạt động cho việc hợp tác giữa các dân tộc, văn hóa và tôn giáo, nhờ đó ân sủng dồi dào và phép lành thiên quốc được đổ xuống trên con cái của Thiên Chúa.

Tại Vatican ngày 4/11/2005

Giáo Hoàng Biển Đức XVI

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 8/11/2005

 

  TOP

 

   Kitô Hữu Pakistan bàng hoàng trước cuộc bạo loạn của thành phần cuồng tín

 

Hôm Thứ Bảy 12/11/2005, cả 3 ngàn người ở tỉnh Sangla Hill ở phía đông bắc tỉnh hạt Punjab đã tấn công một khu của người Kitô hữu, cố tình cướp phá và lục soát khu vực này.

 

Trong cuộc phỏng vấn với cơ quan Cứu Trợ Giáo Hội Thiếu Thốn, ĐTGM Lawrence Saldanha ở thủ đô Lahore đã diễn tả cách thức đám loạn dân này phóng hỏa khu vực của Giáo Hội United Presbyterian trước khi tiến xuống khu vực Giáo Hội Công Giáo.

 

Giáo dân kinh hoàng chỉ biết chứng kiến cảnh đám loạn dân này tiến vào Nhà Thờ Thánh Linh, đập náy bàn thờ bằng cẩm thạch, đập mở nhà tạm ra và tung vãi Bánh Thánh trên sàn nhà thờ.

 

Những kẻ tấn công cố gắng phóng hỏa các đồ lễ cùng các hàng ghế nhưng không được, họ liền mang tất cả những gì có thể sang nhà cha sở gần đó đốt hết mọi sự bằng thuốc súng.

 

Đoạn họ châm lửa đốt hai trường học Công giáo gần đó là trường Thánh maria và Thánh Phaolô, đập nát các bàn ghế và đốt cháy hết luôn.

 

Thiệt hại nhất là nguyện đường của nữ tu viện là nơi các đồ thánh như chén lễ và thánh giá bị tục hóa.

 

Nhiều Kitô hữu ở Sangla Hill, chiếm 10% dân số với khoảng 10 ngàn người đã thoát thân tới nhà bạn bè và hàng xóm, trở thành “những người tị nạn trong quốc gia của mình”, như ĐGM Joseph Coutts ở giáo phận lân cận Faisalabad diễn tả.

 

Theo vị TGM trên đây thì sự việc xẩy ra là vì cuộc cãi lộn về việc bài bạc giữa một người Công giáo tên là Yusaf Masih ở Sangla Hill, người thắng “một số tiền khá lớn” từ một số người hàng xóm Hồi giáo của anh ta.

 

Những người Hồi giáo không chịu trả tiền cho anh ta, và khi Masih cứ đòi thì những người Hồi giáo ấy đã đốt những trang sách Kinh Koran rồi đổ việc làm này cho anh ta làm bùng lên cơn giận dữ về anh ta ở những đền thờ Hồi giáo.

 

Những vị lãnh đạo Hồi giáo tung ra những lời kháng cự qua máy phóng thanh, nói rằng là thành phần bảo quản Sách Kinh Koran họ cần phải “dạy một bài học cho những kẻ vô tín ngưỡng này”.

 

Trong nỗ lực làm giảm dịu dân chúng, vị TGM này đã đáp ứng cuộc tấn công ấy bằng cách yêu cầu vị lãnh đạo miền Punjab đến thăm khu vực ấy để thấy được tình trạng thiệt hại.

 

Cùng với các vị lãnh đạo Kitô giáo đồng hữu, vị TGM này đã ban hành 1 văn thư yêu cầu chính quyền  bắt nhốt những kẻ gây ra tội ác và tăng cường cảnh sát để bảo vệ Kitô hữu.

 

Các viên chức chính quyền đã hứa tài trợ để sửa chữa những dinh thự bị thiệt hại. ĐTGM Saldanha cho biết là ngài thôi thúc chính quyền hãy “thẳng tay làm một điều gì đó” để ngăn chặn tình trạng bất dung gia tăng đối với Kitô hữu ở Pakistan, nhất là từ cuộc khủng bố tấn công Hoa Kỳ ngày 11/9/2001.

 

“Chính tình hình thế giới đã gây ra cho chùng tôi như thế này. Càng ngày càng xẩy ra tình trạng đụng độ giữa các nền văn minh khác nhau”.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 15/11/2005

 TOP

 

? Cuộc Nổi Loạn ở Pháp: đã từ từ được vãn hồi, Quốc Hội phê chuẩn biện pháp dẹp loạn và ĐTGM Paris lên tiếng...

 

Bộ Trưởng nội vụ Nicholas Sarkozy đã truyền treo sự vụ lệnh của 8 cảnh sát viên để chờ điều tra về việc hai người trong họ bị tố cáo là đánh đập một thiếu niên ở vùng ngoại ô Balê là Clichy-Sous-Bois và 6 người còn lại đứng nhìn. Bệnh lý của người trẻ này cho biết là em bị bầm dập mặt mũi và chân phải.

 

Lệnh này được ban ra khi Tổng Thống Pháp Chirac nhìn nhận rằng Pháp quốc cần phải ra sức hơn nữa để giải quyết các vấn đề gây ra 14 đêm nổi loạn liền:

 

“Bởi vậy đã đến lúc ra tay tái thiết trật tự công cộng, và đó là ưu tiên của tôi… Thế nhưng điều này hiển nhiên cũng không ngăn cản chúng ta khỏi việc ý thức là chúng ta có vấn đề, và vấn đề này có thể được phân tích bằng những từ ngữ đơn giản là sự công bằng về các cơ hội, vấn đề tôn trọng dân chúng, tôn trọng tất cả mọi người dân của nước cộng hòa này. Dĩ nhiên chúng tôi sẽ, ở vào ngay lúc trật tự công cộng được vãn hồi, chúng tôi cần phải rút tỉa lấy tất cả mọi hậu quả từ cuộc khủng hoảng này và phải đầy can đảm và sáng suốt để làm điều ấy”.

 

Vào Ngày Thứ Năm 10/11/2005, cuộc nổi loạn đã lắng xuống (với 482 chiếc xe bị đốt phá, kém hơn đêm hôm trước với 617 chiếc), khi chính phủ cương quyết ra tay tái thiết trật tự công cộng và đe dọa sẽ trục xuất bất cứ người ngoại quốc nào bị tố cáo là tham gia cuộc nổi loạn. Đên Thứ Tư rạng Thứ Năm cũng có 203 người bắt giữ, và 1 cảnh sát bị thương. Tổng số những người bị giam giữ trong 14 ngày qua là 2000 người.

 

Hôm Thứ Hai 14/11/2005, Tổng Thống Pháp là Chirac đã xin Quốc Hội gia tăng thêm quyền lực khẩn cấp 3 tháng nữa để dẹp yên cuộc nổi loạn đã gây ra tai hại nặng nề. Quốc Hội bỏ phiếu vào Thứ Ba 15/11/2005.

 

Theo ông thì “những diễn biến này cho thấy một tình trạng hết sức phiền toái. Nó là một cuộc khủng hoảng về ý nghĩa, một cuộc khủng hoảng về các cứ điểm và một cuộc khủng hoảng về căn tính”.

 

Mạc dù cuộc nổi loạn đã giảm xuống từ khi chính phủ địa phương ban lệnh giới nghiêm, nhưng đêm Chúa Nhật rạng Thứ Hai 13-14/11/2005, vẫn có 248 chiếc xe bị đốt phá, 115 người bị giam giữ (tăng tổng số người bị giam giữ từ đầu lên tới 2.767).

 

Một thiếu niên nam 16 tuổi chỉ cho biết tên là Ali nói rằng: “Chính quyền không tỏ ra nghiêm trọng. Họ không làm đủ những gì cần thiết cho chúng tôi… Chúng tôi không có một rạp hát thích hợp, chẳng có gì hết. Không gì sẽ thay đổi đâu”.

 

Đêm Thứ Hai rạng Thứ Ba 14-15/11/2005, cuộc nổi loạn vẫn còn tiếp diễn, với 215 chiếc xe bị đốt phá, nâng tổng số xe bị đốt phá từ đầu tới nay là 8.500 chiếc và 100 dinh thự công cộng bị đốt phá. Vấn đề là tại sao chính phủ đã cho địa phương quyền được ra lệnh giới nghiêm mà nổi loạn vẫn còn tiếp tục xẩy ra là vì nhiều nơi không áp dụng luật này.

 

Sáng Thứ Ba 15/11/2005, Hạ Viện Pháp 346/148 đã chấp thuận dự luật được Thủ Tướng Dominique de Villepin soạn thảo để kéo dài quyền hạn khẩn cấp cho các vùng ngoại ô bạo loạn thêm 3 tháng nữa để hoàn toàn dẹp yên cuộc nổi loạn này. Thượng Viện sẽ bàn và bỏ phiếu vào Thứ Tư 16/11/2005.

 

Thứ Tư 16/11/2005, Thượng Viện Pháp đã thông qua những gì được Hạ Viện chấp thuận hôm qua về vấn đề gia tăng thêm thời gian 3 tháng để thẳng tay chế ngự cuộc nổi loạn vẫn còn đang diễn ra tại Pháp từ ngày 27/10/2005. Đạo luật này sẽ có công hiệu kể từ ngày 21/11/2005.

 

ĐTGM Paris là André Vingt-Trois 63 tuổi ở Ba Lê chia sẻ về cuộc nổi loạn ở Paris khi ngài tin rằng xã hội Pháp cần phải tìm cách thực hiện “những cuộc điều giải mới” để giải quyết làn sóng nổi loạn mới đây đang càn quyét đất nước này.

 

“Chúng ta không được đầu với những việc làm đáng trách cứ của một hạng dân chúng; không có thành phần đại diện cho những nhóm người này để chúng ta có thể ngồi xuống bàn giải vấn đề”. Ngài nói cùng Hội Nghị Quốc Tế về Việc Tân Truyền Bá Phúc Âm Hóa, một biến cố sẽ được bế mạc ở Lisbon vào Chúa Nhật 20/11/2005.

 

Bởi thế mà cần phải “phát động những cuộc điều giải”. Mục tiêu này “không phải là việc làm của cảnh sát” mà của những thực thể trung gian, như các nhà thờ, hiệp hội và hoạt động xã hội.

 

“Nếu chúng ta cảm thấy cần phải ban hành luật giới nghiêm để con em của chúng ta không ra đường về đêm, thì có nghĩa là có những người không làm việc của mình một cách ngon lành”.

 

Vị TGM này đã than rằng công quyền có khuynh hướng chối bỏ “không cho Kitô giáo có được một chỗ đứng công cộng” cũng như không cho Hồi giáo một chỗ đứng tương tự.

 

“Tôi không thể chấp nhận quan điểm xã hội học nói đến cuộc đụng độ của văn minh”, trái lại, theo ngài tin tưởng thì người Kitô hữu và Hồi hữu có thể “phát động được việc đổi thay”.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo Zenit ngày 15/11/2005 và CNN (kèm hình ảnh) ngày 13+14+16/11/2005

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ