GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ SÁU 25/11/2005

 

?   ĐTC Biển Đức XVI với Tham Dự Viên Hội Nghị của Tổ Chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc

   Vấn Đề Đại Kết với Vị Lãnh Đạo Liên Hiệp Lutherô Thế Giới sau Buổi Triều Kiến ĐTC Biển Đức XVI

?  Khủng Bố ở Ấn Độ: Tay Chủ Mưu Bị Bắt và Giáo Hội Lên Tiếng

 

?   ĐTC Biển Đức XVI với Tham Dự Viên Hội Nghị của Tổ Chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc

 

Sau đây là nguyên văn diễn từ của ĐTC Biển Đức XVI ngỏ cùng thành phần tham dự viên Hội Nghị lần thứ 33 của Tổ Chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc vào chính Ngày Lễ Tạ Ơn của Hoa Kỳ, Thứ Năm 24/11/2005.

 

Quí Vị Thủ Tướng,

Ông Chủ Tịch,

Ông Tổng Giám Đốc,

Quí Vị Tôn Nữ và Tôn Nam!

 

Tôi hân hoan đón tiếp những vị đại diện các Quốc Gia Phần Tử, nhân dịp Hội Nghị lần thứ 33 của Tổ Chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc. Đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên của chúng ta, giúp cho tôi được thấy sát hơn những nỗ lực của quí vị trong việc phục vụ cho một lý tưởng cao cả, đó là việc giải thoát nhân loại khỏi tình trạng đói khổ. Tôi gửi đến tất cả mọi vị lời chào trân trọng, đặc biệt là vị Tổng Giám Đốc Jacques Diouf. Tôi chân thành gửi đến ông những lời chúc tốt đẹp vào lúc bắt đầu trách nhiệm mới của ông.

 

Cuộc gặp gỡ hôm nay đây là một cơ hội thích hợp để tôi bày tỏ lòng biết ơn chân thành của tôi về những chương trình của Tổ Chức Lương Nông, qua các cơ quan đa dạng của mình, đã thực hiện 60 năm qua, bằng việc theo khả năng và chuyên nghiệp bênh vực “lợi ích của con người”, bắt đầu ngay vào quyền lợi căn bản của mỗi người là được “thoát khỏi cảnh đói khổ”. Nhân loại hiện nay đang trải qua một thứ ngược ngạo đáng quan ngại, đó là chúng ta đang chứng kiến thấy một tình trạng nghèo khổ liên tục gia tăng đi song song với những tiến bộ mới mẻ và tích cực hơn bao giờ hết về các lãnh vực kinh tế, khoa học và kỹ thuật.

 

Tôi tin rằng kinh nghiệm quí vị đã tích coup được trong những năm này có thể giúp vào việc phác họa một phương pháp thích ứng với công việc chiến đấu với tình trạng đói khổ và nghèo khổ, một phương pháp được hình thành bởi tính cách cụ thể hiện thực là những gì luôn làm nên đặc tính hoạt động cho Tổ Chức đặc biệt của quí vị. Trong những năm gần đây, Tổ Chức Lương Nông đã hoạt động cho việc hợp tác bao rộng hơn, và đã thấy được nơi “việc đối thoại về các nền văn hóa” một phương tiện đặc biệt để bảo đảm việc phát triển hơn về lương thực và việc hưởng dùng lương thực bảo toàn hơn. Ngày nay, hơn bao giờ hết, cần phải có những phương tiện cụ thể và hiệu lực để loại trừ đi cái khả năng xung khắc giữa các quan điểm khác nhau về văn hóa, chủng tộc và tôn giáo. 

 

Cần phải đặt các mối liên hệ quốc tế trên sự tôn trọng con người cũng như theo các nguyên tắc chính về việc chung sống hòa hợp, trung thành với những việc dấn thân đã được cam quyết cũng như với việc chấp nhận nhau nơi dân tộc làm nên một gia đình nhân loại duy nhất. Cũng cần phải nhìn nhận rằng việc tiến bộ về kỹ thuật, cần thiết đấy, song không phải là tất cả. Tiến bộ thật sự là những gì tự nó trọn vẹn bảo toàn phẩm vị con người và giúp mỗi người có thể chia sẻ những nguồn lợi về tinh thần và vật chất của mình cho lợi ích của tất cả mọi người.

 

Ở đây tôi muốn đề cập tới tầm quan trọng của việc giúp đỡ các cộng đồng thổ dân, thành phần rất hay bị những phần lợi không xứng hợp, như Tổ Chức của quí vị mới đây đã vạch ra trong bản “Hướng Dẫn về Quyền hưởng Thực Phẩm” của mình. Cũng không được quên rằng, trong khi một số miền đang làm chủ việc cầm cân nẩy mực quốc tế và việc kiểm soát quốc tế thì có hằng triệu người đang bị quằn quại đói khổ, thậm chí hoàn toàn bị chết đói, ở những vùng xẩy ra các cuộc xung đột bạo lực, những cuộc xung đột bị dư luận quần chúng có khuynh hướng bỏ qua không biết tới vì chúng được coi là những gì thuộc “nội bộ”, “sắc dân” hay “bộ tộc”. Tuy nhiên, những cuộc xung khắc này lại chứng kiến thấy sinh mạng con người bị hủy hoại một cách có phương pháp, nên dân chúng phải rời khỏi mảnh đất của mình, có những lúc bị bắt buộc phải làm như thế, để thoát khỏi cảnh chết chóc, sống định cư tạm thời ở các trại tị nạn.

 

Một dấu hiệu phấn khởi đó là việc khởi động của Tổ Chức Lương Nông trong vấn đề triệu tập các Quốc Gia Phần Tử của mình để bàn luận việc cải tiến nông vụ và việc phát triển nông thôn. Đây không phải là một lãnh vực mới mà là một lãnh vực luôn được Giáo Hội chú trọng, vì đặc biệt quan tâm tới các nông dân ở miền quê nhỏ bé, thành phần tiêu biểu cho một phần quan trọng của thành phần dân chúng chủ động đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển. Một phần của hoạt động này là việc bảo đảm dân chúng nông thôn nhận được các phương tiện và các dụng cụ họ cần, bắt đầu bằng việc giáo dục và huấn luyện, cũng như bằng những cơ cấu tổ chức có thể bảo toàn các trang trại và việc hợp tác tiểu gia (cf. "Gaudium et Spes," 71).

 

Trong mấy ngày nữa có nhiều tham dự viên Hội Nghị này sẽ hội họp ở Hồng Kông để thảo luận về vấn đề thương mại quốc tế, nhất là liên quan tới những sản phẩm nông nghiệp. Tòa Thánh tin tưởng rằng cảm quan trách nhiệm và tình đoàn kết đối với thành phần bất hạnh nhất sẽ được chú trọng tới, nhờ đó, những thứ lợi lộc hẹp hòi và thứ lý lẽ về quyền lực sẽ bị loại trừ. Không được quên rằng tính cách mong manh của các vùng tôn quê đã ảnh hưởng trầm trọng tới việc tồn tại của thành phần tiểu nông gia và gia đình của họ, nếu họ không được giao thương với thị trường. Cần phải liên tục kêu gọi việc nhìn nhận vai trò thiết yếu của gia đình ở miền thôn quê như là thành phần bảo quản viên của các thứ giá trị và là một tác nhân tự nhiên của tình đoàn kết nơi những mối liên hệ giữa các thế hệ. Theo đó, cũng cần phải nâng đỡ vai trò nữ giới thôn quê, cũng như đến các trẻ em là thành phần cần phải được bảo đảm chẳng những về vấn đề dinh dưỡng mà cả vấn đề giáo dục căn bản nữa.

 

Quí bà và Quí ông, nhận thức được tính cách phức tạp lớn lao nơi hoạt động của quí vị, tôi xin cống hiến những chia sẻ này để quí vị suy nghĩ, vì tôi tin rằng tâm can của tất cả mọi người cần phải được cởi mở mỗi ngày một hơn đối với nhiều người đang thiếu lương thực hằng ngày trên thế giới của chúng ta đây. Việc làm của Hội Nghị này sẽ chứng tỏ cho thấy sức mạnh của niềm xác tín gia tăng là những gì cần thiết đó là cuộc can trường chiến đấu chống lại tình trạng đói khổ.  Xin Thiên Chúa Toàn Năng soi sáng cho những quyết nghị của quí vị và ban cho quí vị sức mạnh cần thiết để kiên trì nơi những nỗ lực bất khả châm chước trong việc phục vụ công ích. Tôi xin lập lại cùng tất cả quí vị những lời tôi thân ái nguyện chúc cho công cuộc Hội Nghị này của quí vị được thành công mỹ mãn.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 24/11/2005
 

  TOP

 

   Vấn Đề Đại Kết với Vị Lãnh Đạo Liên Hiệp Lutherô Thế Giới sau Buổi Triều Kiến ĐTC Biển Đức XVI

 

Sau cuộc triều kiến với ĐTC Biển Đức XVI hôm Thứ Hai 7/11/2005, Giám Mục Mark Hanson, chủ tịch Liên Hiệp Lutherô Thế Giới đã nói với mạng điện toán toàn cầu Zenit về những điểm liên kết những người Luthêrô và Công giáo, cùng với những vấn đề vẫn đang tiếp tục phân rẽ đôi bên.

 

Vấn:     Trong lời ngỏ cùng ngài, Đức Giáo Hoàng đã kêu gọi “việc nhẫn nại đối thoại” trên con đường đại kết. Ngài có nghĩ rằng có những lúc cuộc đối thoại này “vội vã” hay chăng?

 

Đáp:    Tôi nghĩ rằng thường giáo dân tỏ ra hấp tấp hơn thành phần thần học gia. Tôi nghĩ các thần học gia nhận thấy chúng tôi đã đạt được nhiều tiến bộ, và tính cách nghiêm trọng của các vấn đề vẫn còn đó trước mắt chúng ta.

 

Thế nhưng, tôi nghĩ trong thế giới ngày nay có những gì được ĐHY Kasper thường gọi là cuộc đại kết cuộc sống, một thứ linh đạo đại kết, nơi giáo dân cùng nhau cầu nguyện, cùng nhau đọc Thánh Kinh, cùng nhau tham gia hoạt động chung trên thế giới, và ở Hiệp Chủng Quốc, chúng tôi thường thấy những người Lutherô và Công Giáo lập gia đình với nhau, và tôi tin rằng họ mong được cùng nhau chia sẻ Thánh Thể, như tôi cũng mong như thế.

 

Tôi nghĩ rắng tất cả chúng ta đều quyết tâm như vậy: Cho đến khi chúng ta được hoàn toàn nên một trong Thánh Thể, chúng ta sẽ không bao giờ là một như Chúa Kitô đã làm cho chúng ta là một.

 

Tôi nghĩ cả hai chúng ta đều nhìn nhận rằng có những vấn đề nghiêm trọng về thần học vẫn còn đó. Không như người Công Giáo, người Luthêrô chúng tôi thường tham phần vào Thánh Thể trước khi chúng tôi giải quyết tất cả những bất đồng về thần học, vì chúng tôi tin rằng việc tham phần vào Thánh Thể là việc gíup chúng ta trở thành một chứ không phải chỉ là phần thưởng vào lúc kết thúc những cuộc bàn luận… Ở Hiệp Chủng Quốc, hiện nay chúng tôi tham phần vào việc chia sẻ thánh thể với Giáo Hội United Methodist: Tất cả chúng tôi cùng nhau chia sẻ Việc Hiệp Lễ cho dù chúng tôi chưa hoàn toàn hiệp thông với nhau.

 

Thế nhưng, đây không phải là trường hợp đối với người Công Giáo và tôi có thể hiểu được lý do tại sao. Tôi tin là, trong sứ điệp gửi cho tôi cũng như khi ngài còn ở Đức quốc, Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã nói rằng chúng ta không được để cho các vấn đề về cơ cấu tổ chức gây chia rẽ chúng ta trở thành quá quan trọng đến nỗi khiến chúng ta lạc mất Lời Chúa là những gì làm tràn đầy sự hiện diện của Thiên Chúa nơi cả Giáo Hội lẫn thế giới. Tôi nghĩ rằng đó là lời lẽ rất hữu ích, nhờ đó chúng ta sẽ chú trọng tới tính cách tối thượng của Lời Chúa, cả nơi Giáo Hội lẫn trên thế giới.

 

Sáu năm trước đây Liên Hiệp Luthêrô và Giáo Hội Công Giáo Rôma đã ký kết chấp nhận Bản Tuyên Ngôn Chung về Tín Lý Công Chính Hóa. Đó là một mốc điểm chính và chúng tôi muốn bảo đảm rằng việc đồng ý này tiếp tục sống động nơi các giáo hội của chúng tôi, rồi chúng tôi cũng nói về điều này với Đức Giáo Hoàng nữa.


Vấn:     Việc đối thoại đại kết đối với ngài có dễ dàng trong cuộc sống hằng ngày của ngài hay chăng?

 

Đáp:    Đối với tôi, đóng vai là một giám mục chủ tịch của một giáo hội lớn, thì cũng dễ dàng. Tôi lãnh đạo Giáo Hội Tin Lành Luthêrô ở Hoa Kỳ, một giáo hội Luthêrô lớn nhất ở Mỹ Châu.

 

Chúng tôi hết sức dấn thân cho những mối liên hệ đại kết của chúng tôi, chúng tôi có những đồng bạn hiệp thông trung thành, chúng tôi nhất tâm và liên lỉ kiên quyết thực hiện các việc dấn thân đại kết của chúng tôi, bởi thế nó là vấn đề rất quan trọng đối với tôi.

 

Tôi nghĩ rằng có việc đại kết về mối liên hệ giáo hội, như liên hệ giữa các giáo hội với nhau. Có nghĩa là chúng ta cần phải giải quyết các vấn đề về thần học, và luôn tìm cách đào sâu mối hiệp nhất của chúng ta nhưng không bao giờ bằng việc loại trừ những khác biệt của chúng ta.

 

Như ĐHY Kasper nói, tôi cũng nghĩ rằng có vấn đề đại kết về cuộc sống được giáo dân tham gia – tức là vấn đề đại kết tận gốc – và tôi tin rằng cũng có những gì tôi xin gọi là đại kết truyền giáo, tức là, việc Kitô hữu cùng nhau hoạt động trên thế giới.

 

Chẳng hạn, sau trận bão lụt Katrina tôi đã đến và chứng kiến thấy tình trạng tàn phá ở đó. Một Kitô hữu ở đó nói với tôi rằng: “Giông tố của trận bão lụt này chẳng những phá hủy nhà của của chúng tôi và cho thế giới thấy rằng ở Hoa Kỳ cũng nghèo khổ nữa, mà còn thổi tung đi những khác biệt của Kitô hữu chúng ta, nhờ đó, để đáp ứng trận bão lụt này, chúng tôi đã trở nên một, Công giáo, Anh giáo, Luthêrô, Presbyterian … vì chúng tôi cần trở nên một để tái thiết đời sống và cộng đồng của chúng tôi”.

 

Tôi nghĩ có rất nhiều vấn đề trên thế giới là nơi chúng ta cần phải trở nên một, chẳng hạn như việc đáp ứng tình trạng nghèo khổ trước cảnh giầu sang phú quí; việc bênh vực nhân quyền; và việc chăm sóc cho thiên nhiên.

 

Những gì tôi thấy được trên khắp thế giới khi tôi đi đây đi đó thì chẳng những Kitô hữu qui tụ lại với nhau, mà cả người Do Thái lẫn Hồi giáo cũng hợp lại với nhau về 3 vấn đề, đó là chấm dứt tình trạng đói khổ, giảm bớt tình trạng nghèo khổ và chăm sóc cho thiên nhiên.

 

Đó là những vấn đề đồng qui đối với thành phần có tín ngưỡng trong thế giới ngày nay.

 

Vào Tháng Sáu, chúng ta có 43 nhà lãnh đạo tôn giáo tới Washington DC. Chúng tôi đã cùng nhau liên kết thực hiện cuộc dấn thân chung trong việc chấm dứt tình trạng đói khổ trên thế giới. Tôi nghĩ đó là một dấu hiệu mãnh liệt cho thấy rằng chúng ta không phủ nhận những khác biệt của chúng ta, song qui tụ lại với nhau vì lợi ích của nhân loại và thiên nhiên.


(xin xem tiếp ngày mai)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 9/11/2005

 TOP

 

? Khủng Bố ở Ấn Độ Khủng Bố ở Ấn Độ: Tay Chủ Mưu Bị Bắt và Giáo Hội Lên Tiếng

Hôm Chúa Nhật 13/11/2005, chính phủ Ấn Độ đã cho biết kết quả của việc điều tra về cuộc khủng bố tấn công ở Thủ Đô Tân Đề Li vừa qua.

Vị Đặc Nhiệm Viên Cảnh Sát K. K. Paul đã cho biết là Tariq Dar đã bị bắt hôm Thứ Năm 10/11/2005 ở Srinagar, vùng Kashmir thuộc thẩm quyền của Ấn Độ.

Bị can này được cho rằng có sự hỗ trợ bởi 4 người khác liên quan tới 2 vụ khủng bố tấn công ngày 29/10/2005 tại hai khu chợ đông người, và 1 vụ ở trên 1 chiếc xe buýt công cộng, gây chết chóc tất cả là 60 người và thương tích cho 200 người.

Âm mưu thực hiện cuộc tấn công khủng bố này là do một nhóm đã từng gây ra các cuộc tấn công trước đây, đó là nhóm Lashkar-e-Taiba. Thế nhưng, một phát ngôn viên của nhóm này, đại diện cho nhóm dân quân ở Pakistan, hôm Thứ Ba, 8/11/2005, đã cho lời cáo buộc này là “hoàn toàn vô bằng và sai lầm”.

Theo cảnh sát điều tra cho biết thì trong trương mục của Dar được bỏ vô 12 ngàn Mỹ kim từ Trung Đông mấy ngày trước vụ khủng bố. Dar cũng đã đến thăm Tân Đề Ly giữa ngày 4-6/10/2005.

Hội Đồng Giám Mục Ấn Độ lên án ba vụ nổ bom xẩy ra ở thủ đô Tân Đề Li Ấn Độ hôm Thứ Bảy 29/10/2005, sát hại 59 người và làm trên 200 người bị thương.

 

ĐHY Telesphore Toppe, chủ tịch hội đồng này tuyên bố rằng: “Chúng tôi mạnh mẽ lên án hành động bạo lực làm thiệt một số mạng sống vô tội và quí giá ở Tân Đề Li. Chúng tôi hết sức thương cảm những gia đình tang quyến và nguyện xin Thiên Chúa ban an bình cho những linh hồn quá cố và thêm sức cho tất cả những ai chịu đựng sự mất mát này gây ra bởi tội ác cực kỳ tàn ác ấy”.

 

Các vụ nổ bom này xẩy ra giữa mùa lễ Ánh Sáng là lễ quan trọng nhất trong năm của Ấn giáo. ĐTGM Vincent Concessaso ở Tân Đề Li cho biết:

 

“Khi dân chúng ở xứ sở này đang dọn mừng những ngày lễ quan trọng như Deepavali và Eid, thì buồn thay và bất hạnh thay bầu khí hòa hợp ấy đã bị phá vỡ bởi cuộc bạo động và hủy diệt vô tâm như thế. Chúng tôi liên kết với nỗi sầu thương và niềm đau đớn của những ai bị tổn thương bởi biến cố vô phúc này”.

 

Hội Đồng Giám Mục Ấn Độ thúc giục chính quyền hãy thực hiện mọi biện pháp xứng hợp để phục hồi niềm tin tưởng nơi dân chúng Tân Đề Li, và xin tất cả mọi người công dân hãy nỗ lực thực hiện mối hữu nghị và an bình xã hội.

 

Theo một bức thư của hội đồng giám mục đề ngày Thứ Hai 31/10 và được phổ biến hôm nay, Thứ Tư 2/11, thì vị khâm sứ tòa thánh ở Ấn Độ đã chuyển sứ điệp của ĐTC Biển Đức XVI bày tỏ việc phân ưu về các vụ nổ bom ở Tân Đề Li, và vụ tai nạn xe lửa ở Andhra Pradesh làm thiệt 115 mạng người.

 

Trong bức thư của mình, ĐTC đã nói rằng “ngài đau buồn biết tin về việc chết chóc và hủy hoại gây ra bởi những vụ nổ bom bạo động ở Tân Đề Li cũng như bởi vụ xe lửa trật đường rầy ở gần Veligonda, quận hạt Nellore”.

 

Ngài đồng thời cũng đã chuyển tới các vị thẩm quyền về dân sự và tôn giáo ở Ấn Độ lòng thương cảm và mối quan tâm của ngài. Ngài “gửi tới” các gia đình nạn nhân “lời phân ưu chân thành” và “nguyện phó dâng các nạn nhân cho lòng xót thương vô cùng của Thiên Chúa Toàn Năng”.

 

Vị Giáo Hoàng này đã nguyện xin “muôn vàn ân phúc thần linh ban xuống cho tất cả những ai cộng tác vào việc tìm kiếm và những việc phục hồi cũng như hoạt động tái thiết”. Ngài “mạnh mẽ lên án tất cả mọi đường lối bạo động khủng bố như là tội ác phạm đến con người”.

 

Sau hết ngài kêu gọi “tất cả mọi con người nam nữ thiện chí hãy cộng tác để loại trừ hận thù ở tất cả mọi hình thức và giúp xây dựng một xã hội công chính, đoàn kết và hòa bình”.  

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu CNN ngày 13/11/2005 và Zenit ngày 30/10/2005

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ