GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 CHÚA NHẬT 20/11/2005

Lễ Chúa Kitô Vua

 

?   ĐTC Biển Đức XVI với Phiên Họp Thứ 10 của Các Giáo Hoàng Hàn Lâm Viện về một Tân Nhân Bản

   Tòa Thánh Vatican tại Liên Hiệp Quốc về Xã Hội Thông Tín

?   1 Công Đồng, 4 Hiến Chế với 3 Giáo Hoàng

 

?   ĐTC Biển Đức XVI với Phiên Họp Thứ 10 của Các Giáo Hoàng Hàn Lâm Viện về một Tân Nhân Bản

 

Hôm Thứ Ba 15/11/2005, một cuộc họp chung hằng năm của các giáo hoàng hàn lâm viện được tổ chức tại Sảnh Đường Tân Synod. Trong cuộc họp lần thứ 10 kể từ khi nó được Đức Gioan Phaolô II thành lập năm 1995. Chủ đề của cuộc họp năm nay là “Chúa Kitô, Con Thiên Chúa, một con người trọn hảo, ‘tầm vóc nhân bản đích thực’”. Và cuộc họp được Giáo Hoàng Hàn Lâm Viện Thánh Tôma Aquina và Giáo Hoàng Hàn Lâm Viện Thần Học tổ chức.

 

Trong cuộc họp này, như mọi năm, có mục phát thưởng cho những tác phẩm xuất sắc và sáng giá, năm nay, 2005, phần thưởng được trao tặng cho một người Ý là Giovanni Catapano về tác phẩm của ông là “Quan niệm triết lý nơi các bản văn ban đầu của Thánh Âu Quốc Tinh. Một phân tách về các đoạn triết lý siêu hình từ ‘Contra Academicos’ đến ‘De vera relione’”. Đức Thánh Cha cũng trao tặng hai huy chương tòa thánh cho hai vị khác, một cho vị linh mục Tây Ban Nha về luận đề của ngài là “Mối liên hệ giữa việc tạo dựng và việc giao ước nơi thần học hiện đại”, và một cho người Ý nữa là Massimiliano Marianelli về tác phẩm của ông là “Tái nhận thức phép ẩn dụ. Cái hoang đường và biểu hiệu nơi triết lý của Simone Weil”.

 

ĐTC cũng gửi cho thành phần tham dự viên tham dự phiên họp hằng năm này một sứ điệp về đề tài làm ngài chú trọng đặc biệt, vì nó có một “tầm quan trọng chính yếu và thiết yếu cả ở những suy tư thần học lẫn nơi mỗi cảm nghiệm đức tin của Kitô hữu”.

 

“Văn hóa tân tiến mang đầy tính chất chủ quan thường dẫn tới cá nhân chủ nghĩa cực đoan hay đến tương đối chủ nghĩa, đẩy con người đến chỗ coi con người như là một thứ đo lường duy nhất để phán đoán chính họ, lạc mất những mục tiêu không tập trung vào bản thân khác, một bản thân trở thành tiêu chuẩn duy nhất để thẩm định thực tại cùng với các chọn lựa của họ.

 

“Như thế, con người có khuynh hướng ngã về bản thân mình hơn bao giờ hết, khép kín bản thân mình vào một thế giới vi mô hiện hữu thiếu khí thở, nơi không còn một chỗ nào cho những lý tưởng cao cả hướng về siêu việt thể, về Thiên Chúa.

 

“Trái lại, con người chế ngự được bản thân mình và không để cho mình bị đóng khung vào những giới hạn chật chội của cái tôi lại là thành phần có khả năng thực sự chiêm ngưỡng kẻ khác và thiên nhiên tạo vật.

 

“(Nhờ đó, con người mới ý thức được) đặc tính chính yếu tạo vật của mình trong việc liên tục, khi được kêu gọi tăng trưởng một cách hòa hợp về tất cả mọi chiều kích của họ, bắt đầu ngay từ nội tâm, càng ngày càng tiến đến chỗ hoàn toàn hiện thực dự án được Đấng Hóa Công in ấn nơi phần hữu thể sâu xa nhất của họ.

 

“Có một số trào lưu và khuynh hướng văn hóa tìm cách để cho con người ở trong tình trạng non dại của họ, trong tình trạng trẻ con hay dậy thì kéo dài. Trái lại, Lời Chúa lại dứt khoát thôi thúc chúng ta tiến đến chỗ trưởng thành và mời gọi chúng ta hết sức dấn thân tiến đến một tầm vóc cao về nhân bản.

 

“Thành phần môn đệ thực sự của Chúa Kitô, chẳng những không ở trong trạng thái con nít bị xô lấn đẩy đưa bởi mọi chiều gió chủ nghĩa, lại còn cố gắng đạt tới ‘tầm vóc thành nhân, đến tầm vóc viên trọn của Chúa Kitô (x Eph 4:13).

 

“Bởi thế, Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, được Chúa Cha ban cho nhân loại để phục hồi hình ảnh bị tội lỗi làm méo mó, là một con người trọn hảo cho tầm mức nhân bản chân thực. Hết mọi con người cần phải gặp gỡ Người và đến với Người – nhờ ân sủng trợ giúp – và phải hết lòng, hết trí khôn và hết sức lực của mình chăm lo hiện thực cuộc sống của mình và hoan hỉ nhiệt thành đáp ứng ơn gọi rất cao cả được in ấn nơi hữu thể của họ.

 

“(Các hàn lâm sĩ cần phải) nhiệt thành hăng say cổ võ việc xây dựng thứ tân nhân bản này, tùy theo ngành học hỏi và nghiên cứu của mình. Anh chị em có phận sự phải tái trình bày, tùy theo khả năng tương xứng của anh chị em, vẻ đẹp, sự thiện, sự thật của chân dung Chúa Kitô là Đấng hết mọi người được kêu gọi để nhận ra những đặc tính chân thực nhất và trọn vẹn nhất của họ, nhận ra một mô phạm họ cần phải bắt chước hơn bao giờ hết.

 

“Bởi thế mà công việc khổ công của anh chị em, sứ vụ cao cả của anh chị em đó là việc anh chị em trình bày Chúa Kitô cho con người ngày nay như là một tầm mức chân thực của tình trạng trưởng thành và nhân bản trọn vẹn”.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit và VIS phổ biến ngày 17/11/2005

 

  

 TOP

 

 

   Tòa Thánh Vatican tại Liên Hiệp Quốc về Xã Hội Thông Tín

 

Sau đây là nguyên văn bài diễn từ của Đức Tổng Giám Mục John Foley, chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Truyền Thông Xã Hội, tại Thượng Nghị Thế Giới Liên Hiệp Quốc về vấn đề Xã Hội Tín Liệu, một cuộc thượng nghị 3 ngày tại Tunis nước Tunisia được kết thúc hôm Thứ Sáu, 18/11/2005.

 

Thưa ông Chủ Tịch,

 

Những kỹ thuật tín liệu và truyền thông tân tiến, trong số đó, mạng điện toán toàn cầu chắc chắn là những gì hiển nhiên nhất, hiện nay đang có và sẽ có một ảnh hưởng sâu xa đối với đời sống về kinh tế, xã hội và văn hóa của gia đình nhân loại.

 

Cuộc thượng nghị này là cơ hội độc đáo về cách thức để làm sao hướng “xã hội thông tín” này hướng tới việc phát triển xây dựng, cũng như về cách thức để tránh đi những bước lỡ lầm. Những gì chúng ta đang bàn tới đây chẳng những là “những cơ hội về con số” mà còn là “những nan giải về con số” nữa.

 

Tiến trình này hiến cho chúng ta cơ hội để liên hệ với và trợ giúp những ai đang sống ở những miền nghèo khổ nhất và hẻo lánh nhất trên thế giới, cũng như cung cấp tiếng nói cho những ai trong quá khứ đã bị im hơi lặng tiếng và lãng quên. Trái lại, nếu tiến trình này chỉ tạo nên những cơ hội mới cho những ai đã hoan hưởng một mức sống ngon lành và có những phương tiện truyền thông tuyệt vời thì hoạt động của chúng ta là một thua bại. 

 

Thánh đố của việc làm nhỏ đi hay thậm chí làm mất đi cái gọi là “phân rẽ về son số”, tình trạng chênh lệch hiện nay nơi phương tiện hưởng dùng các phương tiện truyền thông về con số giữa các quốc gia tân tiến và đang tiến, đòi phải liên kết nỗ lực của toàn thể cộng đồng quốc tế.

 

Các quốc gia phát triển hơn cần phải lãnh trách nhiệm giúp đỡ các quốc gia kém phát triển hơn để gia tăng tiến trình điện toán hóa cùng với cách thức dễ dàng hưởng dùng các thứ phương tiện truyền thông đại chúng mới, bằng việc trợ giúp về tài chính, việc truyền đạt cho biết những kỹ thuật thông tin, những phương sách về thương mại và việc hợp tác về văn hóa.

 

Chỉ cần đề cập tới một hoạt động, ngay cả trước khi phổ thông hóa phương tiện về mạng điện toàn toàn cầu, Tòa Thánh đã trợ giúp trong việc phát triển RIIAL (Red Informatica de la Iglesia en America Latina), một phương tiện giúp dễ dàng hóa cho những thôn làng hẻo lánh xa xôi nhất của vùng rừng rú Amazon cũng như cũng vùng đồi núi Andes, trong việc hiểu biết chẳng những về các tín liệu hiện hành mà còn cả các kho tàng về văn hóa được thấy trước đó chỉ ở một số ít thư viện.

 

Ngày nay, nhiều hoạt động về thương mại, ngay cả việc truyền đạt liên cá vị, cũng đang diễn ra trong một môi trường được nhiều người gọi là thực hay không gian tín khoảng.

 

Tuy nhiên, khoảng không gian mới này thật ra là những gì rất thực, và nó là những gì rất ư quan trọng ở chỗ tới độ có thể không còn khoảng cách ở đó, đối với tình trạng chia rẻ và kỳ thị thảm thê, với tính vị kỷ, với những thành kiến và bất công đã làm ô nhiễm quá nhiều lịch sử loài người. Cần phải nhớ những điều như thế chỉ cần để ngăn ngừa việc tái diễn của chúng mà thôi.

 

Chúng ta được biết rằng những ai tung ra Mạng Lưới Toàn Cầu WWW (World Wide Web) không làm điều này để trục lợi về tài chính từ việc phát triển của nó. Cũng cần lưu ý là Mạng Điện Toán Toàn Cầu (Internet) khởi đầu đã được sáng chế ra như là một dụng cụ truyền thông thời chiến, giờ đây đã trở thành một dụng cụ rất thịnh hành phổ thông cho việc phát triển và hòa bình.

 

Trong bản văn kiện chính cuối cùng được ngài ban hành là “Việc Phát Triển Nhanh Chóng”, Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhận định là “Các kỹ thuật tân tiến gia tăng ở mức độ đáng kể về tốc độ, số lượng và việc sẽ dàng truyền thông, thế nhưng, trước hết nó không thiên về việc trao đổi tế nhị diễn ra giữa trí với óc, tâm với lòng, và là một trao đổi cần phải làm nên đặc tính của bất cứ việc truyền thông nào muốn phục vụ tình đoàn kết và yêu thương” (khoản 13).

 

Trách nhiệm của chúng ta là làm mất đi những khoảng cách này của nhân loại và của tình đoàn kết vì lợi ích của hằng triệu triệu con người cũng như vì thế hế tới đây.

 

Cám ơn ông chủ tịch

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 18/11/2005

 TOP

 

? 1 Công Đồng, 4 Hiến Chế với 3 Giáo Hoàng

 

Nếu cuối cùng, như Sách Khải Huyền tiên báo về Giáo Hội cánh chung xuất hiện như “một Giêrusalem, thành thánh, xuống từ nơi Thiên Chúa, diễm lệ như cô dâu sửa soạn nghênh đón phu quân của mình” (Rev 21:2), thì Công Đồng Chung Vaticanô II (11/10/1962-8/12/1965) chính là Công Đồng về Giáo Hội, Công Đồng chủ trương canh tân Giáo Hội để Giáo Hội trở thành “Ánh Sáng Muôn Dân” (Lumen Gentium), mang “Vui Mừng và Hy Vọng” (Gaudium et Spes) cho Thế Giới Tân Tiến, bằng “Lời Chúa” (Dei Verbum) và đời sống hiệp thông Phụng Vụ Thánh (Sacrosanctum Concilium).

 

Trong 16 văn kiện (4 Hiến Chế, 9 Sắc Lệnh và 3 Tuyên Ngôn) của Công Đồng canh tân Giáo Hội này, 4 Hiến Chế có tên được kể đến ngay đoạn trên đây là trụ cột của Công Đồng. Công Đồng Chung này đã được Đức Gioan XXIII (28/10/1958-3/6/1963) khai mở, sau đó được Đức Phaolô VI (21/7/1963-6/8/1978) tiếp nối và áp dụng, để rồi cả Đức Gioan Phaolô II (16/10/1978-2/4/2005) lẫn tân Giáo Hoàng Biển Đức XVI (19/4/2005) đều minh nhiên chủ trương áp dụng Công Đồng. Căn cứ vào đường hướng của mỗi giáo triều từ Công Đồng này thì:

 

Giáo triều Đức Phaolô VI là giáo triều của Hiến Chế tín lý về Giáo Hội “Ánh Sáng Muôn Dân”, với thông điệp đầu tiên của ngài về Giáo Hội mang tên “Giáo Hội của Người” (ban hành ngày Lễ Chúa Biến Hình 6/8/1964), đã tuyên tụng Mẹ Maria là “Mẹ Giáo Hội trong cuộc ban hành Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium ngày 21/11/1964, và đã qua đời vào chính Lễ Chúa Biến Hình (bức thông điệp đầu tiên cũng vào Lễ Biến Hình).

 

Giáo triều Đức Gioan Phaolô II là giáo triều của Hiến Chế mục vụ về Giáo Hội “Vui Mừng và Hy Vọng” của “Giáo Hội trong Thế Giới Tân Tiến”, với lời kêu gọi thế giới ngay khi khai triều (22/10/1978) của mình là “Đừng sợ, hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô”, “Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần” (Thông Điệp đầu tiên ngày 4/3/1979), và đã thực hiện 104 cuộc tông du khắp thế giới để đưa con người “vượt qua ngưỡng cửa hy vọng” (tác phẩm về triết lý thời sự xuất bản năm 1994) là Đại Năm Thánh 2000  hầu tiến vào Ngàn Năm Thứ Ba Kitô Giáo. Ngoài ra, ngài còn là vị nghị phụ của Công Đồng Chung Vaticanô II trong ủy ban soạn thảo Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội "Vui Mừng và Hy Vọng".

 

Giáo triều Giáo Hoàng Biển Đức XVI là giáo triều của Hiến Chế Phụng Vụ Thánh và Lời Chúa, vì giáo triều này được bắt đầu ngay giữa Năm Thánh Thể, và vị giáo hoàng 265 này chẳng những đã đặt ưu tiên hàng đầu mối hiệp thông Giáo Hội (trực tiếp liên quan đến Đại Kết Kitô giáo) theo chiều hướng Thánh Thể là Bí Tích Hiệp Thông, mà còn nhận danh hiệu giáo hoàng là Biển Đức, vị Thánh Tổ Phụ của Dòng Khổ Tu Tây Phương là vị thánh chủ trương “tuyệt đối không coi gì hơn Chúa Kitô”. Ngoài ra, vị Giáo Hoàng này, với tư cách là 1 vị linh mục thần học gia trẻ, đã góp phần vào việc soạn thảo Hiến Chế Tín Lý về Lời Chúa "Dei Verbum".

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ