GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ SÁU 25/11/2005

 

?   ĐTC Biển Đức XVI với Tham Dự Viên Hội Nghị của Tổ Chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc

   Vấn Đề Đại Kết với Vị Lãnh Đạo Liên Hiệp Lutherô Thế Giới sau Buổi Triều Kiến ĐTC Biển Đức XVI

?  Nhớ về mái nhà giáo phận Longxuyên: ngày 45 năm thành lập cùng ngày lễ kính 2 vị tử đạo địa phương

 

?   ĐTC Biển Đức XVI với Tham Dự Viên Hội Nghị của Tổ Chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc

 

Sau đây là nguyên văn diễn từ của ĐTC Biển Đức XVI ngỏ cùng thành phần tham dự viên Hội Nghị lần thứ 33 của Tổ Chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc vào chính Ngày Lễ Tạ Ơn của Hoa Kỳ, Thứ Năm 24/11/2005.

 

Quí Vị Thủ Tướng,

Ông Chủ Tịch,

Ông Tổng Giám Đốc,

Quí Vị Tôn Nữ và Tôn Nam!

 

Tôi hân hoan đón tiếp những vị đại diện các Quốc Gia Phần Tử, nhân dịp Hội Nghị lần thứ 33 của Tổ Chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc. Đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên của chúng ta, giúp cho tôi được thấy sát hơn những nỗ lực của quí vị trong việc phục vụ cho một lý tưởng cao cả, đó là việc giải thoát nhân loại khỏi tình trạng đói khổ. Tôi gửi đến tất cả mọi vị lời chào trân trọng, đặc biệt là vị Tổng Giám Đốc Jacques Diouf. Tôi chân thành gửi đến ông những lời chúc tốt đẹp vào lúc bắt đầu trách nhiệm mới của ông.

 

Cuộc gặp gỡ hôm nay đây là một cơ hội thích hợp để tôi bày tỏ lòng biết ơn chân thành của tôi về những chương trình của Tổ Chức Lương Nông, qua các cơ quan đa dạng của mình, đã thực hiện 60 năm qua, bằng việc theo khả năng và chuyên nghiệp bênh vực “lợi ích của con người”, bắt đầu ngay vào quyền lợi căn bản của mỗi người là được “thoát khỏi cảnh đói khổ”. Nhân loại hiện nay đang trải qua một thứ ngược ngạo đáng quan ngại, đó là chúng ta đang chứng kiến thấy một tình trạng nghèo khổ liên tục gia tăng đi song song với những tiến bộ mới mẻ và tích cực hơn bao giờ hết về các lãnh vực kinh tế, khoa học và kỹ thuật.

 

Tôi tin rằng kinh nghiệm quí vị đã tích coup được trong những năm này có thể giúp vào việc phác họa một phương pháp thích ứng với công việc chiến đấu với tình trạng đói khổ và nghèo khổ, một phương pháp được hình thành bởi tính cách cụ thể hiện thực là những gì luôn làm nên đặc tính hoạt động cho Tổ Chức đặc biệt của quí vị. Trong những năm gần đây, Tổ Chức Lương Nông đã hoạt động cho việc hợp tác bao rộng hơn, và đã thấy được nơi “việc đối thoại về các nền văn hóa” một phương tiện đặc biệt để bảo đảm việc phát triển hơn về lương thực và việc hưởng dùng lương thực bảo toàn hơn. Ngày nay, hơn bao giờ hết, cần phải có những phương tiện cụ thể và hiệu lực để loại trừ đi cái khả năng xung khắc giữa các quan điểm khác nhau về văn hóa, chủng tộc và tôn giáo. 

 

Cần phải đặt các mối liên hệ quốc tế trên sự tôn trọng con người cũng như theo các nguyên tắc chính về việc chung sống hòa hợp, trung thành với những việc dấn thân đã được cam quyết cũng như với việc chấp nhận nhau nơi dân tộc làm nên một gia đình nhân loại duy nhất. Cũng cần phải nhìn nhận rằng việc tiến bộ về kỹ thuật, cần thiết đấy, song không phải là tất cả. Tiến bộ thật sự là những gì tự nó trọn vẹn bảo toàn phẩm vị con người và giúp mỗi người có thể chia sẻ những nguồn lợi về tinh thần và vật chất của mình cho lợi ích của tất cả mọi người.

 

Ở đây tôi muốn đề cập tới tầm quan trọng của việc giúp đỡ các cộng đồng thổ dân, thành phần rất hay bị những phần lợi không xứng hợp, như Tổ Chức của quí vị mới đây đã vạch ra trong bản “Hướng Dẫn về Quyền hưởng Thực Phẩm” của mình. Cũng không được quên rằng, trong khi một số miền đang làm chủ việc cầm cân nẩy mực quốc tế và việc kiểm soát quốc tế thì có hằng triệu người đang bị quằn quại đói khổ, thậm chí hoàn toàn bị chết đói, ở những vùng xẩy ra các cuộc xung đột bạo lực, những cuộc xung đột bị dư luận quần chúng có khuynh hướng bỏ qua không biết tới vì chúng được coi là những gì thuộc “nội bộ”, “sắc dân” hay “bộ tộc”. Tuy nhiên, những cuộc xung khắc này lại chứng kiến thấy sinh mạng con người bị hủy hoại một cách có phương pháp, nên dân chúng phải rời khỏi mảnh đất của mình, có những lúc bị bắt buộc phải làm như thế, để thoát khỏi cảnh chết chóc, sống định cư tạm thời ở các trại tị nạn.

 

Một dấu hiệu phấn khởi đó là việc khởi động của Tổ Chức Lương Nông trong vấn đề triệu tập các Quốc Gia Phần Tử của mình để bàn luận việc cải tiến nông vụ và việc phát triển nông thôn. Đây không phải là một lãnh vực mới mà là một lãnh vực luôn được Giáo Hội chú trọng, vì đặc biệt quan tâm tới các nông dân ở miền quê nhỏ bé, thành phần tiêu biểu cho một phần quan trọng của thành phần dân chúng chủ động đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển. Một phần của hoạt động này là việc bảo đảm dân chúng nông thôn nhận được các phương tiện và các dụng cụ họ cần, bắt đầu bằng việc giáo dục và huấn luyện, cũng như bằng những cơ cấu tổ chức có thể bảo toàn các trang trại và việc hợp tác tiểu gia (cf. "Gaudium et Spes," 71).

 

Trong mấy ngày nữa có nhiều tham dự viên Hội Nghị này sẽ hội họp ở Hồng Kông để thảo luận về vấn đề thương mại quốc tế, nhất là liên quan tới những sản phẩm nông nghiệp. Tòa Thánh tin tưởng rằng cảm quan trách nhiệm và tình đoàn kết đối với thành phần bất hạnh nhất sẽ được chú trọng tới, nhờ đó, những thứ lợi lộc hẹp hòi và thứ lý lẽ về quyền lực sẽ bị loại trừ. Không được quên rằng tính cách mong manh của các vùng tôn quê đã ảnh hưởng trầm trọng tới việc tồn tại của thành phần tiểu nông gia và gia đình của họ, nếu họ không được giao thương với thị trường. Cần phải liên tục kêu gọi việc nhìn nhận vai trò thiết yếu của gia đình ở miền thôn quê như là thành phần bảo quản viên của các thứ giá trị và là một tác nhân tự nhiên của tình đoàn kết nơi những mối liên hệ giữa các thế hệ. Theo đó, cũng cần phải nâng đỡ vai trò nữ giới thôn quê, cũng như đến các trẻ em là thành phần cần phải được bảo đảm chẳng những về vấn đề dinh dưỡng mà cả vấn đề giáo dục căn bản nữa.

 

Quí bà và Quí ông, nhận thức được tính cách phức tạp lớn lao nơi hoạt động của quí vị, tôi xin cống hiến những chia sẻ này để quí vị suy nghĩ, vì tôi tin rằng tâm can của tất cả mọi người cần phải được cởi mở mỗi ngày một hơn đối với nhiều người đang thiếu lương thực hằng ngày trên thế giới của chúng ta đây. Việc làm của Hội Nghị này sẽ chứng tỏ cho thấy sức mạnh của niềm xác tín gia tăng là những gì cần thiết đó là cuộc can trường chiến đấu chống lại tình trạng đói khổ.  Xin Thiên Chúa Toàn Năng soi sáng cho những quyết nghị của quí vị và ban cho quí vị sức mạnh cần thiết để kiên trì nơi những nỗ lực bất khả châm chước trong việc phục vụ công ích. Tôi xin lập lại cùng tất cả quí vị những lời tôi thân ái nguyện chúc cho công cuộc Hội Nghị này của quí vị được thành công mỹ mãn.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 24/11/2005
 

  TOP

 

   Vấn Đề Đại Kết với Vị Lãnh Đạo Liên Hiệp Lutherô Thế Giới sau Buổi Triều Kiến ĐTC Biển Đức XVI

 

Sau cuộc triều kiến với ĐTC Biển Đức XVI hôm Thứ Hai 7/11/2005, Giám Mục Mark Hanson, chủ tịch Liên Hiệp Lutherô Thế Giới đã nói với mạng điện toán toàn cầu Zenit về những điểm liên kết những người Luthêrô và Công giáo, cùng với những vấn đề vẫn đang tiếp tục phân rẽ đôi bên.

 

Vấn:     Trong lời ngỏ cùng ngài, Đức Giáo Hoàng đã kêu gọi “việc nhẫn nại đối thoại” trên con đường đại kết. Ngài có nghĩ rằng có những lúc cuộc đối thoại này “vội vã” hay chăng?

 

Đáp:    Tôi nghĩ rằng thường giáo dân tỏ ra hấp tấp hơn thành phần thần học gia. Tôi nghĩ các thần học gia nhận thấy chúng tôi đã đạt được nhiều tiến bộ, và tính cách nghiêm trọng của các vấn đề vẫn còn đó trước mắt chúng ta.

 

Thế nhưng, tôi nghĩ trong thế giới ngày nay có những gì được ĐHY Kasper thường gọi là cuộc đại kết cuộc sống, một thứ linh đạo đại kết, nơi giáo dân cùng nhau cầu nguyện, cùng nhau đọc Thánh Kinh, cùng nhau tham gia hoạt động chung trên thế giới, và ở Hiệp Chủng Quốc, chúng tôi thường thấy những người Lutherô và Công Giáo lập gia đình với nhau, và tôi tin rằng họ mong được cùng nhau chia sẻ Thánh Thể, như tôi cũng mong như thế.

 

Tôi nghĩ rắng tất cả chúng ta đều quyết tâm như vậy: Cho đến khi chúng ta được hoàn toàn nên một trong Thánh Thể, chúng ta sẽ không bao giờ là một như Chúa Kitô đã làm cho chúng ta là một.

 

Tôi nghĩ cả hai chúng ta đều nhìn nhận rằng có những vấn đề nghiêm trọng về thần học vẫn còn đó. Không như người Công Giáo, người Luthêrô chúng tôi thường tham phần vào Thánh Thể trước khi chúng tôi giải quyết tất cả những bất đồng về thần học, vì chúng tôi tin rằng việc tham phần vào Thánh Thể là việc gíup chúng ta trở thành một chứ không phải chỉ là phần thưởng vào lúc kết thúc những cuộc bàn luận… Ở Hiệp Chủng Quốc, hiện nay chúng tôi tham phần vào việc chia sẻ thánh thể với Giáo Hội United Methodist: Tất cả chúng tôi cùng nhau chia sẻ Việc Hiệp Lễ cho dù chúng tôi chưa hoàn toàn hiệp thông với nhau.

 

Thế nhưng, đây không phải là trường hợp đối với người Công Giáo và tôi có thể hiểu được lý do tại sao. Tôi tin là, trong sứ điệp gửi cho tôi cũng như khi ngài còn ở Đức quốc, Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã nói rằng chúng ta không được để cho các vấn đề về cơ cấu tổ chức gây chia rẽ chúng ta trở thành quá quan trọng đến nỗi khiến chúng ta lạc mất Lời Chúa là những gì làm tràn đầy sự hiện diện của Thiên Chúa nơi cả Giáo Hội lẫn thế giới. Tôi nghĩ rằng đó là lời lẽ rất hữu ích, nhờ đó chúng ta sẽ chú trọng tới tính cách tối thượng của Lời Chúa, cả nơi Giáo Hội lẫn trên thế giới.

 

Sáu năm trước đây Liên Hiệp Luthêrô và Giáo Hội Công Giáo Rôma đã ký kết chấp nhận Bản Tuyên Ngôn Chung về Tín Lý Công Chính Hóa. Đó là một mốc điểm chính và chúng tôi muốn bảo đảm rằng việc đồng ý này tiếp tục sống động nơi các giáo hội của chúng tôi, rồi chúng tôi cũng nói về điều này với Đức Giáo Hoàng nữa.


Vấn:     Việc đối thoại đại kết đối với ngài có dễ dàng trong cuộc sống hằng ngày của ngài hay chăng?

 

Đáp:    Đối với tôi, đóng vai là một giám mục chủ tịch của một giáo hội lớn, thì cũng dễ dàng. Tôi lãnh đạo Giáo Hội Tin Lành Luthêrô ở Hoa Kỳ, một giáo hội Luthêrô lớn nhất ở Mỹ Châu.

 

Chúng tôi hết sức dấn thân cho những mối liên hệ đại kết của chúng tôi, chúng tôi có những đồng bạn hiệp thông trung thành, chúng tôi nhất tâm và liên lỉ kiên quyết thực hiện các việc dấn thân đại kết của chúng tôi, bởi thế nó là vấn đề rất quan trọng đối với tôi.

 

Tôi nghĩ rằng có việc đại kết về mối liên hệ giáo hội, như liên hệ giữa các giáo hội với nhau. Có nghĩa là chúng ta cần phải giải quyết các vấn đề về thần học, và luôn tìm cách đào sâu mối hiệp nhất của chúng ta nhưng không bao giờ bằng việc loại trừ những khác biệt của chúng ta.

 

Như ĐHY Kasper nói, tôi cũng nghĩ rằng có vấn đề đại kết về cuộc sống được giáo dân tham gia – tức là vấn đề đại kết tận gốc – và tôi tin rằng cũng có những gì tôi xin gọi là đại kết truyền giáo, tức là, việc Kitô hữu cùng nhau hoạt động trên thế giới.

 

Chẳng hạn, sau trận bão lụt Katrina tôi đã đến và chứng kiến thấy tình trạng tàn phá ở đó. Một Kitô hữu ở đó nói với tôi rằng: “Giông tố của trận bão lụt này chẳng những phá hủy nhà của của chúng tôi và cho thế giới thấy rằng ở Hoa Kỳ cũng nghèo khổ nữa, mà còn thổi tung đi những khác biệt của Kitô hữu chúng ta, nhờ đó, để đáp ứng trận bão lụt này, chúng tôi đã trở nên một, Công giáo, Anh giáo, Luthêrô, Presbyterian … vì chúng tôi cần trở nên một để tái thiết đời sống và cộng đồng của chúng tôi”.

 

Tôi nghĩ có rất nhiều vấn đề trên thế giới là nơi chúng ta cần phải trở nên một, chẳng hạn như việc đáp ứng tình trạng nghèo khổ trước cảnh giầu sang phú quí; việc bênh vực nhân quyền; và việc chăm sóc cho thiên nhiên.

 

Những gì tôi thấy được trên khắp thế giới khi tôi đi đây đi đó thì chẳng những Kitô hữu qui tụ lại với nhau, mà cả người Do Thái lẫn Hồi giáo cũng hợp lại với nhau về 3 vấn đề, đó là chấm dứt tình trạng đói khổ, giảm bớt tình trạng nghèo khổ và chăm sóc cho thiên nhiên.

 

Đó là những vấn đề đồng qui đối với thành phần có tín ngưỡng trong thế giới ngày nay.

 

Vào Tháng Sáu, chúng ta có 43 nhà lãnh đạo tôn giáo tới Washington DC. Chúng tôi đã cùng nhau liên kết thực hiện cuộc dấn thân chung trong việc chấm dứt tình trạng đói khổ trên thế giới. Tôi nghĩ đó là một dấu hiệu mãnh liệt cho thấy rằng chúng ta không phủ nhận những khác biệt của chúng ta, song qui tụ lại với nhau vì lợi ích của nhân loại và thiên nhiên.


(xin xem tiếp ngày mai)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 9/11/2005

 TOP

 

? Nhớ về mái nhà giáo phận Longxuyên

Năm nay Giáo phận Long Xuyên miền đồng bằng sông Cửu Long có một kỷ niệm: 45 năm thành lập giáo phận, 24.11.1960 – 24.11.2005

Một biến cố đức tin và văn hóa mang nhiều ý nghĩa tích cực cho người Công giáo nơi đó.

Xin hân hoan chúc mừng Giáo phận Long Xuyên!

Ngày kỷ niệm thành lập giáo phận cũng trùng vào ngày lễ kính các Thánh tử đạo Việtnam 24.11., trong đó có hai Thánh tử đạo Emmanuel Lê văn Phụng và Phero Ðoàn công Qúi. Hai vị Thánh này  ngày xưa sinh ra lớn lên, làm ăn sinh sống, làm chứng cho đức tin vào Chúa bằng chính đời sống mình tại quê hương giáo phận Long Xuyên vùng Châu Ðốc.

Một sự trùng hợp tràn đầy ân đức thánh thiêng. Vâng, một sự quan phòng được sắp đặt từ Trời cao cho Giáo phận Long Xuyên.

Xin tạ ơn Thiên Chúa đã luôn hằng cùng đồng hành, và cho hạt giống niềm tin nảy sinh hoa trái nhân chứng Tin Mừng trên cánh đồng truyền giáo miền đồng bằng sông Cửu Long!

1. Cánh đồng truyền giáo thuở khai sinh

Ðồng lúa phì nhiêu, kênh nước sông lạch là bản đồ kinh tế, hình thể địa lý và sức sống cho Giáo phận Long Xuyên. Con người với cây lúa. Con người với sông nước kênh lạch, và ngược lại luôn gắn bó với nhau như hình với bóng.

Giáo phận Long Xuyên từ ngày được Á Thánh Giáo Hoàng Gioan 23. thành lập, cùng vươn lên đi theo nhịp sống đó, để làm chứng cho đức tin vào Chúa nơi con người giữa đồng ruộng lúa mạ và sông nước kênh lạch.

Tôi còn nhớ ngay từ khi giáo phận được Tòa Thánh Vatican thành lập, khắp nơi vùng Cái Sắn, Kênh nào cũng nô nức ra công gắng sức tổ chức thành xứ đạo, xây dựng Thánh đường, trường học, nhà xứ. Và đức cha giáo phận tiên khởi Michae Nguyễn khắc Ngữ hằng khuyến khích lập xứ đạo. Ngài đi đó đây tìm cách giúp đỡ xây dựng, và "chiêu hiền đãi sĩ “ mời các chủng sinh, linh mục các nơi về cộng tác cùng sống làm chứng cho Chúa trong giáo phận mới thành lập.

Ngài lập ba chủng viện Á Thánh Phụng Châu Ðốc, Toma Long Xuyên và Terexa Tác Ráng, cho việc đào tạo linh mục giáo phận. Có thế sức sống giáo phận mới được bảo đảm đứng vững, mới phát triển liên tục được, ít là về mặt nhân sự linh mục.

Không chỉ chú ý đến việc đào tạo linh mục, giúp xây dựng Thánh đường mở mang xứ đạo, nhưng ngài còn chú tâm đến việc giáo dục mở mang trí tuệ con người vùng nông thôn đồng bằng sông Cửu Long. Chính vì thế, ngài khuyến khích và góp công lao lớn vào việc hình thành xây dựng các trường trung học công giáo trong giáo phận Long Xuyên vào những năm thập niên 60. và 70. của thế kỷ trước.

Nhà thờ chánh tòa Long Xuyên Nữ vương Hoà bình, có thể nói là một công trình ưu việt cả về nghệ thuật thánh, lẫn nét văn hóa Ðông Tây ngay giữa thành phố, trung tâm của giáo phận. Không chỉ là một nơi tôn kính thờ phượng Thiên Chúa, ngôi nhà thờ chính tòa đang dần trở thành một trong những di tích văn hóa tôn giáo cho tham quan thắng cảnh vùng đồng bằng sông Cửu Long thời hiện đại. Công trình này là dấu vết thành tích nỗ lực của Ðức cha Micae Nguyễn khắc Ngữ xây dựng cho Giáo phận trẻ Long Xuyên.      

Có thể nói, từ thời kỳ khai sinh, giáo phận Long Xuyên, cùng với đức cha Micae, đang bắt đầu đi vào mùa lớn lên trưởng thành, khắp nơi bừng lên sức sống mới.

Xin ngước mắt lên trời cao tạ ơn Thiên Chúa vì ân đức này, và ghi nhớ công ơn thịnh đức của đức cha Micae Nguyễn khắc Ngữ. Ðức cha đã hằng cùng sống làm nhân chứng cho Chúa giữa con người, như người cha trong gia đình hằng ở bên cạnh chăm sóc đoàn con cháu, hướng dẫn đoàn dân Thiên Chúa trong giáo phận đi theo hướng như Chúa muốn: Christus in vobis – Chúa Kitô ở trong anh em! 

2. Cánh đồng truyền giáo thời trưởng thành. 

Như một người khi còn thơ bé và tuổi niên thiếu được nuôi dưỡng lớn lên thành người trưởng thành bước chân vào đời. Giai đoạn này có nhiều thử thách phải vượt qua.

Từ năm 1975 quê hương đất nước Việtnam bước sang chuyển đổi khác về nếp sống chính trị và cả văn hóa ngoài xã hội. Vì thế giáo phận Long Xuyên gặp thử thách to lớn trong thời kỳ trưởng thành này.

Giai đoạn này Thiên Chúa quan phòng gửi một vị chủ chăn khác đến cho giáo phận, đức cha Gioan Baotixita Bùi Tuần. Thời kỳ này không còn là thời xây dựng nhà thờ, trường học. Nhưng là thời kỳ củng cố nếp sống đức tin cho vững mạnh trước những biến chuyển mới, cùng thách đố của thời đại.

Ðức cha Bùi Tuần với năng lực nội tâm hướng về Chúa, và tầm nhìn của một người có nền tảng trí thức uyên bác, đã cố gắng làm nhân chứng rao giảng cách sống đạo giữa lòng dân tộc. Nếp sống đó lấy tình yêu thương làm căn bản: tình yêu Thiên Chúa và tình yêu con người. Chính vì thế mà ngài đã chọn khẩu hiệu giám mục: Mandatum Novum - Giới luật mới! với cây nến lòng yêu mến và niềm hy vọng làm kim chỉ nam cho việc mục vụ của mình.

Nói thế, đời sống đạo của giáo phận vào thời điểm này không chỉ biết thụ động ngồi đó nhìn diễn biến thời cuộc xảy ra, rồi thích ứng hay uốn mình cho phù hợp thôi. Không, không xây dựng to hay nhiều được những thánh đường, những trường học bằng gạch đá, xi-măng cốt sắt. Nhưng đức cha Bùi Tuần cùng với các linh mục giáo phận và người tín hữu đã tìm cách xây dựng ngôi thánh đường nội tâm nơi con người.

Thánh đường đó là cung thánh lòng con người có Thiên Chúa ngự. Thánh đường đó là những con người tín hữu Chúa Kitô sống gắn bó với quê hương xứ sở, với đồng lúa kênh lạch nơi mình sinh sống làm ăn. Thánh đường đó được xây bằng những viên gạch không phải bằng đất sét hay xi-măng nung thành, nhưng bằng viên gạch trái tim, viên gạch trí óc, viên gạch chi thể chân tay của con người.

Chính vì thế, nhiều giáo điểm truyền giáo mới được mở ra, được xây dựng ở những vừng sâu vùng xa trong khắp giáo phận.

Và với khả năng trí thức uyên bác, đức cha Bùi Tuần bằng những bài giảng nơi các xứ đạo ngài đến thăm, đến ban bí tích Thêm sức cho bạn trẻ, làm phép Thánh đường mới, cùng các bài viết trên báo chí, và các bài nói chuyện hàng tháng với các Linh mục giáo phận, đã thông tin cùng đề nghị vạch ra hướng đi sống đức tin vào Chúa giữa lòng đời trong xã hội ngày hôm nay, con đường sống đức tin làm nhân chứng cho Chúa thế nào, để nhân vị đời sống người Công Giáo Việtnam không bị hiểu lầm, nghi kỵ. Trái lại được thông cảm và có cảm tình.      

Ðức cha Bùi Tuần đã đề cập đến cung cách truyền giáo như sau:

"Tôi nhìn tình hình. Tôi suy nghĩ. Tôi cầu nguyện. Thế rồi tôi thấy hiện lên trong trí tôi một mô hình hoạt động truyền giáo. Mô hình này không trả lời trực tiếp câu hỏi tôi đã đặt ra. Nhưng gợi ý cho tôi thấy là người truyền giáo tại Việnam hôm nay phải tìm tòi, nghiên cứu, phấn đấu sao cho cộng đoàn của mình, nhất là bản thân của mình, qua hoạt động và đời sống của mình, có thể giới thiệu được với xã hội Việtnam một chân dung đẹp về Hội Thánh Công giáo Việtnam. Một chân dung đẹp của Hội Thánh Việtnam mà tôi mơ ước, sẽ có ba yếu tố này:

Một là yếu tố Phúc Âm, hai là yếu tố dân tộc, ba là yếu tố hiện đại.

Cả ba yếu tố này đều cần. Nhưng quan trọng nhất là yếu tố Phúc Âm. Cả ba yếu tố này sẽ phối hợp với nhau trong mọi lãnh vực tôn giáo, như trong kiến trúc, trang trí, thánh ca, phượng tự, nếp sống v.v…“ (Gm. Bùi Tuần trong Nói với giáo dân, Ðại Kết 1997, tr. 215)

Và vào năm cuối cùng của thế kỷ 20. đức cha Bùi Tuần đã trình bày dựa theo Lời Chúa Giêsu và hoàn cảnh đời sống con người cùng kinh nghiệm riêng của ngài, bản đồ địa chỉ truyền giáo như sau:

"Hãy đi làm chứng cho Ðức Kitô đến tận cùng trái đất.

- Tận cùng trái đất là các ranh giới tận cùng về địa lý, các vùng sâu vùng xa, các vùng biên giới.

- Tận cùng trái đất là các ranh giới tận cùng về thời gian, cho đến tận cùng ngày, tận cùng tháng, tận cùng năm, tận cùng thế kỷ.

- Tận cùng trái đất là ranh giới tận cùng về thân phận con người, như các lớp người cùng khổ nhất, cô đơn nhất, bị nhục nhã nhất, bị thiệt thòi nhất.

- Tận cùng trái đất còn là ranh giới tận cùng của các lớp tâm sinh lý sâu thẳm làm nên bản thân mỗi người như tính tình, tiềm thức, vô thức…“ (+ Bùi Tuần, Làm chứng cho Ðức Kitô tới tận cùng trái đất. Bài giảng lễ phong chức hai tân Giám Mục Giuse Kiệt và Giuse Tiếu, Lx 29.06.1999).

Âm thầm nhẹ nhàng, chân thành, không có những công trình xây dựng to lớn về bề nổi. Nhưng cung cách xây dựng thánh đường nội tâm, cung cách sống rao giảng Tin mừng làm nhân chứng của đức cha Bùi Tuần hướng về chiều sâu giáo lý Tin Mừng, về tình người, về tình tự dân tộc trong thời buổi giai đoạn thử thách, hằng ghi khắc thâm sâu vào tâm hồn người tín hữu Chúa Kitô. Những điều đó giúp ích cho con người rất nhiều, như một lời giải đáp, một gợi ý khuyến khích phấn chấn, mỗi khi gặp thử thách trong đời sống về đức tin.

Xin cùng với đức cha thắp sáng ngọn nến đức tin, ngọn nến niềm hy vọng cậy trông vào Chúa cho giáo phận Long Xuyên miền đồng bằng sông Cửu Long hôm qua, hôm nay và ngày mai.

3. Cánh đồng truyền giáo Long Xuyên bước sang thiên niên kỷ mới  

Không chỉ thời gian luân chuyển thay đổi, tháng năm cũ qua, tháng năm mới tới. Thiên niên kỷ cũ chấm dứt, thiên niên kỷ mới ló dạng. Ðời sống con người cũng thay đổi biến chuyển theo. Có thời sinh ra, có thời lớn lên phát triển trưởng thành, năng động làm việc và cũng tới thời sức lực yếu kém đi, không còn thể làm việc như mong muốn được nữa. Không ai sống mãi trường sinh bất tử và có thể làm việc được mãi mãi vượt thời gian. Và nhu cầu đổi mới không chỉ xảy đến trong thiên nhiên, nhưng còn nơi cuộc sống con người nữa trong lãnh vực xã hội hay trong cách sống đạo giáo niềm tin.

Ðó là định luật được ghi khắc trong thiên nhiên và trong đời sống con người.

Nhận thức rõ điều đó. Nên đức cha Bùi Tuần đã sớm xin Tòa Thánh bổ nhiệm một vị giám mục khác thay thế làm mục tử cho Giáo phận Long Xuyên. Ðức cha Giuse Trần xuân Tiếu được bổ nhiệm thay thế đức cha Bùi Tuần trong chức vụ mục tử cho giáo phận Long Xuyên.

Thiên niên kỷ ngàn năm thứ ba đã đến, và đời sống giáo phận Long Xuyên cũng cần một cách sống làm nhân chứng khác thích hợp với hoàn cảnh đất nước xã hội Việnam đang chuyển mình sang giai đoạn khác: giai đoạn mở cửa đổi mới xây dựng.

Nội dung Tin mừng của Chúa thời nào cũng trước sau như một. Nhưng cách sống rao giảng làm nhân chứng cho Tin Mừng cần phải đổi mới thay đổi cho hợp với từng hoàn cảnh cùng tâm lý xã hội con người thời đại.

Ðây là một thách đố mới cho Giáo phận, cho đức cha đương kim Giuse Trần xuân Tiếu. Có lẽ cảm nghiệm được hướng đi mục vụ trong thời đại đổi mới, nên đức cha đã lấy lời cầu nguyện của Chúa Giêsu làm kim chỉ nam cho hướng mục vụ của mình trong Giáo phận: Ut sint unum - Xin cho tất cả nên một! (Ga 17,21)    

Và như đức cha đã tâm tình về ý nghĩa hướng đi mục của mình: "Bây giờ đến lượt tôi, tôi muốn đi theo đường hướng của các vị tiền nhiệm là cố gắng trở thành môn đệ Ðức Kitô, nỗ lực làm chứng cho Chúa Kitô bằng cách sống tinh thần hiệp nhất với Chúa, với nhau và với mọi người.“

Về đường hướng mục vụ trong giáo phận Long Xuyên, nơi cũng là quê hương của nhiều tôn giáo: "Giáo phận Long Xuyên là nơi có nhiều tôn giáo khác nhau như Phật giáo, Phật giáo Hòa Hảo, Cao Ðài, Hồi giáo, Hiếu Nghĩa, Tin Lành… và có nhiều dân tộc khác nhau như người Kinh, người Hoa, người Chàm, người Khơme…Những tôn giáo và những dân tộc này có nhiều gía trị rất đáng trân trọng và đáng cho chúng tôi học hỏi. Người Công giáo chúng tôi ý thức mình chỉ là thành phần nhỏ bé trong cộng đồng dân tộc, vì lẽ đó, đường hướng mục vụ là phải cổ võ tinh thần hiệp nhật yêu thương, sống tôn trọng và hài hòa với nhau và với tất cả mọi người không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng hay dân tộc. Và sự hài hòa này cho tới nay rất tốt đẹp.“ ( Trả lời phỏng vấn tuần báo Công giáo và dân tộc ngày 25.06.1999).

Chan hòa đạo đức tình người hơn, có lẽ khó diễn tả hơn được!

45 năm với ba đoạn đường giáo phận đã và đang trải qua. Quãng thời gian này chưa kể là dài đối với lịch sử một Giáo phận Công giáo. Nhưng chặng dừng chân nhìn lại, và cùng vui mừng kỷ niệm về những gì đã cùng nhau trải qua, cùng nhau đạt được, là điều tốt, đôi khi cần thiết để lấy đà sức, học hỏi rút kinh nghiệm đi tiếp.

Và cùng nhau tạ ơn Thiên Chúa, cũng như nói lên lời cám ơn nhau.

Xin chúc mừng tuổi trung niên giáo phận Long Xuyên!

Lm. Nguyễn ngọc Long

Con chiên cũ của giáo phận Long Xuyên.

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ