GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ HAI 12/12/2005

Lễ Mẹ Gualalupê

 

?   ĐTC Biển Đức XVI: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật III Mùa Vọng Ngày 11/12/2005 về tinh thần đích thực của Lễ Giáng Sinh

   ĐTC Biển Đức XVI: Huấn Từ Truyền Tin, Hành Hương Thánh Mẫu và Cảm Tưởng Công Đồng dịp Lễ Trọng Mẹ Vô Nhiễm Ngày 8/12/2005

?  ‘Các Tiên Tri’ và ‘Những Cuộc Hiện Ra’

 

?   ĐTC Biển Đức XVI: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật III Mùa Vọng Ngày 11/12/2005 về tinh thần đích thực của Lễ Giáng Sinh

 

Anh Chị Em thân mến:

 

Sau cuộc long trọng cử hành Lễ Mẹ Hoài Thai Vô Nhiễm, chúng ta tiến vào những ngày đầy không khí cảm kích của việc sửa soạn mừng Lễ Giáng Sinh linh thánh sắp tới. Trong xã hội hưởng thụ ngày nay, tiếc thay, giai đoạn này là giai đoạn trải qua một thứ “ô nhiễm” thương mại là những gì nguy hiểm làm thay thế đi tinh thần đích thực của giai đoạn sửa soạn này, một giai đoạn cần phải được đánh dấu bằng việc suy tư, điềm đạm, một niềm hân hoan không phải hời hợt bề ngoài mà là sâu xa bên trong.

 

Bởi thế, thật là thích đáng, như cửa dẫn vào Lễ Giáng Sinh, có một lễ về Mẹ của Chúa Giêsu, Người Mẹ, hơn ai hết, có thể dẫn chúng ta tới chỗ nhận biết, mến yêu và tôn thờ Con Thiên Chúa làm người. Vì vậy, chúng ta hãy để cho Mẹ hỗ trợ chúng ta; chớ gì những cảm thức của Mẹ phấn khích chúng ta trong việc dọn mình bằng một con tim chân thành và tinh thần cởi mở để nhận ra Con Thiên Chúa nơi Con Trẻ Bêlem, Đấng đến thế gian vì phần rỗi của chúng ta. Chúng ta hãy bước đi với Mẹ trong nguyện cầu và chấp nhận lời mời gọi được ngỏ cùng chúng ta theo phụng vụ Mùa Vọng lập lại là hãy cứ đợi trông, một niềm trông đợi tỉnh táo và hân hoan, vì Chúa sẽ không trì hoãn: Người đến để giải phóng dân Người khỏi tội lỗi.

 

Tiếp tục truyền thống đẹp đẽ và bền bỉ lâu đời, nhiều gia đình đã bắt đầu trưng bày máng cỏ, như thể sống lại với Mẹ Maria những ngày đầy cảm động trước việc hạ sinh của Chúa Giêsu. Việc trưng bày máng cỏ tại nhà có thể là một việc đơn giản nhưng lại là một cách thức hiệu nghiệm trong việc trình bày niềm tin cùng việc truyền đại niềm tin này cho con cái của mình. Máng cỏ này giúp chúng ta chiêm ngưỡng mầu nhiệm yêu thương của Thiên Chúa là Đấng đã tỏ mình ra nơi cảnh bần cùng và đơn hèn của hang Bêlem.

 

Thánh Phanxicô Assisi quá ngất ngây trước mầu nhiệm Nhập Thế, đến nỗi ngài muốn trình bày mầu nhiệm này ra ở Greccio với một máng cỏ sống động tỏ tường, nhờ đó, ngài đã trở thành vị khởi xướng của một truyền thống phổ thông lâu đời là những gì vẫn giữ được giá trị của nó trong việc truyền bá phúc âm hóa ngày nay.

 

Thật vậy, máng cỏ này có thể giúp cho chúng ta hiểu được cái bí mật của Lễ Giáng Sinh đích thực, vì nó nói về sự khiêm hạ và sự thiện hảo xót thương của Chúa Kitô, Đấng “mặc dù giầu sang cũng vì chúng ta trở nên nghèo khó” (2Cor 8:9). Cảnh nghèo khổ của Người làm phong phú những ai ôm ấp nó và Lễ Giáng Sinh mang lại niềm vui và an bình cho những ai, như những người mục đồng ngày xưa, biết chấp nhận những lời của thiên thần ở Bêlem: “Đây là dấu hiệu cho các người, đó là các người sẽ thấy một con trẻ bọc trong khăn nằm trong máng cỏ” (Lk 2:12). Đó vẫn tiếp tục là dấu hiệu cả cho chúng ta nữa, những con người nam nữ của thế kỷ 21 này. Ngoài ra không còn một Lễ Giáng Sinh nào khác.

 

Như Đức Gioan Phaolô II yêu dấu của chúng ta đã làm, trong ít phút nữa đây, tôi cũng sẽ làm phép các tượng ảnh Con Trẻ Giêsu được trẻ em ở Rôma đặt nơi máng cỏ tại nhà của các em. Với cử chỉ này, tôi xin Chúa giúp đỡ để tất cả mọi gia đình Kitô hữu biết sửa soạn lấy niềm tin cử hành các ngày lễ mùa Giáng Sinh tới đây. Xin Mẹ Maria giúp chúng ta biết sống tinh thần đích thực của Lễ Giáng Sinh.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 11/12/2005 

 

  TOP

 

   ĐTC Biển Đức XVI: Huấn Từ Truyền Tin, Hành Hương Thánh Mẫu và Cảm Tưởng Công Đồng dịp Lễ Trọng Mẹ Vô Nhiễm Ngày 8/12/2005   

 

“Anh Chị Em thân mến!

 

“Hôm nay chúng ta cử hành lễ trọng kính Ơn Hoài Thai Vô Nhiễm Nguyên Tội. Đây là một ngày hết sức vui mừng về phần thiêng liêng, ngày chúng ta chiêm ngưỡng Trinh Nữ Maria, vị được đại thi hào Dante đã ca ngợi là “phận thấp hèn / Trổi Vượt hơn tất cả trên cao, / Một Giới Hạn được tiền định bởi ý muốn đời đời”. Nơi Mẹ chiếu tỏa sự thiện hảo của Vị Hóa Công, Đấng theo dự định cứu độ của mình, đã chọn Mẹ là mẹ của Người Con Duy Nhất của Ngài, và đã gìn giữ Mẹ khỏi tất cả mọi tì vết tội lỗi nhờ tiên hưởng cuộc tử nạn của Người Con này” (x Collect Prayer). Bởi thế, nơi Người Mẹ của Chúa Kitô cũng là Mẹ của chúng ta, ơn gọi làm người đã được hoàn toàn hiện thực.

 

“Thánh Tông Đồ Phaolô nhắc nhở chúng ta rằng tất cả mọi người đều được kêu gọi trở thành những thánh nhân vô tì tích trước nhan Thiên Chúa trong yêu thương (x Eph 1:4). Khi chiêm ngưỡng Vị Trinh Nữ này, làm sao trong chúng ta là con cái của Mẹ lại không bừng lên nỗi ước vọng mỹ lệ, ước vọng thiện hảo, ước vọng có một con tim tinh tuyền? Tính chất vô tội thiên đình của Mẹ là những gì lôi kéo chúng ta hướng về Thiên Chúa, giúp chúng ta thắng vượt khuynh hướng sống theo cuộc đời thường tình, bắt tay thỏa hiệp với sự dữ, dứt khoát dẫn chúng ta tới sự thiện đích thực là nguồn sống hân hoan.

 

“Ngày hôm nay làm cho tôi nghĩ lại ngày 8/12/1965, ngày Vị Tôi Tớ Chúa là Đức Phaolô VI đã long trọng bế mạc Công Đồng Chung Vaticanô II, một biến cố của giáo hội lớn nhất thế kỷ 20, một biến cố được Chân Phước Giáo Hoàng Gioan XXIII khai mở 3 năm trước đó. Giữa niềm hân hoan của vô vàn tín hữu ở Quảng Trường Thánh Phêrô, Đức Phaolô VI đã ký thác việc áp dụng các văn kiện của công đồng cho Trinh Nữ Maria, kêu cầu Mẹ với tước hiệu dễ thương là Mẹ Giáo Hội. Khi long trọng chủ tế Thánh Lễ sáng nay ở Đền Thờ Vatican, tôi đã dâng lời tạ ơn Thiên Chúa về tặng ân Công Đồng Chung Vaticanô II. Ngoài ra, tôi cũng chúc tụng Mẹ Maria Rất Thánh về việc Mẹ đã hỗ trợ sinh hoạt của giáo hội trong 40 năm đầy những biến cố này.

 

“Mẹ Maria, với việc chăm sóc từ mẫu của mình, đã đặc biệt trông coi các giáo triều của những vị tiền nhiệm tôi, mỗi một giáo triều đã lèo lái con thuyền Phêrô trên con đường thực sự canh tân của công đồng, không ngừng hoạt động để dẫn giải và thi hành một cách trung thành Công Đồng Chung Vaticanô II.

 

“Anh chị em thân mến, như một việc tôn vương của ngày hôm nay hoàn toàn giành cho Vị Trinh Nữ Thánh này, theo truyền thống cổ kính, vào chiều nay tôi sẽ đi đến Trụ Cột Piaoãa di Spagna, đến chân tượng Mẹ Vô Nhiễm. Tôi xin anh chị em hãy hiệp với tôi trong chuyến hành hương này để thực hiện tác động tỏ lòng con cái mộ mến Mẹ Maria, để dâng hiến thành phố Rôma dấu yêu đây, Giáo Hội và toàn thể nhân loại cho Mẹ”.

 

Qua bài huấn từ truyền tin về Lễ Mẹ Vô Nhiễm trên đây, Đức Thánh Cha chẳng những đã nhắc đến Thánh Lễ ban sáng mà còn cả cuộc hành hương ban chiều của ngài nữa.

 

Về Thánh Lễ ban sáng, trong bài giảng cho Lễ Mẹ Vô Nhiễm tại Đền Thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha nhìn nhận rằng giây phút Đức Phaolô VI tuyên bố Mẹ Maria là Mẹ Giáo Hội “vẫn không thể nào xóa mờ trong ký ức của ngài”. Ngài cho biết thêm như sau:

 

“Các vị nghị phụ đột nhiên tự động đứng lên vỗ tay để tỏ lòng tôn kính Mẹ Thiên Chúa, Mẹ của chúng ta, tôn kính Mẹ của Giáo Hội.

 

“Mẹ Maria chẳng những liên hệ chuyên biệt với Chúa Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng là người muốn làm con Mẹ. Hoàn toàn liên kết với Chúa Kitô, Mẹ cũng hoàn toàn thuộc về chúng ta nữa”.

 

Về cuộc hành hương Thánh Mẫu ban chiều, vào lúc 4 giờ chiều, ngài đã đến với Tượng Mẹ Vô Nhiễm ở Piaoãa di Spagna. Trên 10 ngàn tín hữu đã cùng Đức Thánh Cha Biển Đức tham dự việc ngài hiến dâng này, việc hiến dâng đã được ngài bày tỏ bằng những lời lẽ tiêu biểu sau đây:

 

“Trong ngày này, lần đầu tiên với tư cách Thừa Kế Thánh Phêrô, con đến chân tượng Mẹ Vô Nhiễm ở Piaoãa di Spagna đây, theo tinh thần thực hiện cuộc hành hương rất thường được các vị tiền nhiệm của con thực hiện này…. 

 

Trong lời hiến dâng của mình, vị Giáo Hoàng đương kim cũng nhắc lại biến cố Công Đồng Chung Vaticanô II bế mạc, một cuộc bế mạc được diễn ra bằng một Thánh Lễ tại Quảng Trường Thánh Phêrô, và trong bài giảng cho Thánh Lễ Bế Mạc này, “Đức Phaolô VI đã hướng tư tưởng của mình về Đức Trinh Nữ ‘Mẹ Thiên Chúa và là linh Mẫu của chúng ta,… một tạo vật hoàn toàn phản ảnh ngời sáng hình ảnh Thiên Chúa’.

 

“Nhớ đến nhiều biến cố đánh dấu 40 năm qua, làm sao chúng con hôm nay lại không nhớ tới những giây phút khác nhau làm nên cuộc hành trình của Giáo Hội trong giai đoạn này chứ? Trong 4 thập niên này, Vị Nữ Trinh đã hỗ trợ các vị mục tử, nhất là các vị Thừa Kế Thánh Phêrô… Mẹ đã hướng dẫn Giáo Hội tiến tới chỗ hiểu biết và áp dụng một cách trung thành các văn kiện của công đồng này. Đó là lý do, đại diện cho toàn thể cộng đồng giáo hội, con xin cám ơn Trinh Nữ rất Thánh… với cùng một niềm cảm mến đã tác động các Vị Nghị Phụ Công Đồng giành cho Mẹ chương cuối cùng của Hiến Chế Tín Lý ‘Ánh Sáng Muôn Dân’ để nhấn mạnh đến mối giây bất khả phân ly thắt kết Đức Trinh Nữ với Giáo Hội.

 

“Hỡi Nữ Trinh Thiên Mẫu và là Mẹ của chúng con, xin hãy dạy cho chúng con biết giữ lấy các mầu nhiệm về đời sống của Chúa Kitô trong tâm can của chúng con mà âm thầm suy niệm như Mẹ. Xin Mẹ đã tiến lên Đồi Canvê, … cũng làm cho chúng con cảm thấy được việc Mẹ cận kề trong mỗi một giây phút cuộc đời, nhất là trong những lúc đen tối và thử thách. Mẹ đã cùng với các Thánh Tông Đồ nguyện cầu vào Ngày Lễ Ngũ Tuần đã xin tặng ân Thánh Linh xuống cho Giáo Hội sơ sinh, xin giúp cho chúng con biết trung thành theo Chúa Kitô. Chúng con tin tưởng hướng ánh mắt của chúng con về Mẹ ‘như dấu hiệu của niềm hy vọng và ủi an vững chắc… cho tới khi Chúa đến’.

 

“Vâng, con xin cám ơn Mẹ, hỡi Vị Nữ Trinh Thiên Mẫu và là Mẹ chí ái của chúng con, về việc Mẹ chuyển cầu cho Giáo Hội”.

 

“Con mang đến những nỗi âu lo và niềm hy vọng của thời đại chúng con đặt dưới chân Mẹ thiên đình của Đấng Cứu Chuộc.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit và VIS phổ biến ngày 8/12/2005

 

 

TOP

 

? ‘Các Tiên Tri’ và ‘Những Cuộc Hiện Ra’

 

Bài viết Những Cuộc Hiện Ra Thật Và Giả do Cha Peter Joseph trong số báo tháng Mười năm 2004 khơi lên một số bình luận và nghi vấn, mà phần lớn là tích cực.  Chúng tôi cho in ra đây một số câu hỏi và trả lời của Cha Joseph.

 

 

1. “Cha bảo rằng bà Vassula Ryden đã bị Văn Phòng Tòa Thánh ‘luận tội’ là không đúng.  Hơn nữa, Đức Hồng Y Ratzinger trong các cuộc phỏng vấn bà Vassula ngài đã nói rằng những bài viết của bà có thể được đọc và quảng bá cách thận trọng”

 

Văn Phòng Tòa Thánh đã ra hai Tuyên Cáo chống lại ‘các thông điệp’ của bà Vassula.  Tuyên Cáo đầu tiên vào năm 1995 nói rằng có ‘nhiều yếu tố cơ bản cần phải được xem như sai lạc chiếu theo giáo lý Công Giáo.  Ngoài việc nêu rõ sự ngờ vực tự nhiên trong những luận cứ cho rằng những mặc khải tự nhiên đã xảy ra, ta cũng cần lưu ý một số những sai lầm về giáo lý tiềm ẩn bên trong’.

 

Sau đó Bản Tuyên Cáo nêu lên sự tối nghĩa, giảng giải lộn xộn về tín điều Chúa Ba Ngôi và Giáo Hội – “đi ngược lại giáo huấn Công Giáo”.  Bản Tuyên Ngôn còn nói rằng “Bà ta rõ ràng đã đặt mình trên tất cả mọi phán quyết và mọi quy ước của giáo quyền và  giáo luật, và trong thực tế, đang tạo ra một mối bất hòa liên tôn”.

 

Tất cả những điều ấy đủ để xem là một sự ‘luận tội’ – ngoại trừ bạn tin rằng điều sai lầm ngụy giáo và hành vi bất chánh là những vấn đề không quan trọng.

 

Về việc bạn còn có thể truyền bá những tín điệp đó nữa hay không, thì Bản Tuyên Cáo năm 1995 viết rằng: “Thánh Bộ này yêu cầu sự can thiệp của các Giám Mục để nhờ đó giáo dân của họ được thông tin cách chính xác và để khỏi tạo cơ hội cho bà gieo rắc tư tưởng của bà trong các Giáo Phận của họ”.

 

Bản Tuyên Cáo Thứ Hai của năm 1996 tái khẳng định rằng các Giám Mục của Giáo Hội có năng quyền giáo luật trên mọi bài viết liên quan đến đức tin và luân lý, vì thế những mặc khải cá nhân đó không thể có biệt lệ trong điểm giáo luật này.

 

Vậy thì từ đó đến nay Hồng Y Ratzinger tuyên bố cái gì?  Trong bài viết của tôi, độc giả nên hiểu rằng những lời bình luận riêng tư hay công cộng của Hồng Y Ratzinger – ngay cả trường hợp nếu là xác thực – cũng không thể xóa bỏ một sắc luật của Thánh Bộ.  Chỉ có một sắc luật mới thì có thể vô hiệu hóa một sắc luật cũ - chứ không phải đơn thuần là một cuộc phỏng vấn với báo chí!  Ngay cả những xác tín và quan điểm cá nhân của Giáo Hoàng cũng không có quyền hạn, và không thể viện dẫn để phủ nhận giáo huấn hay Giáo Luật.  Như đã nói trong bài viết của tôi, Giáo Hội được điều hành bằng những tuyên ngôn công khai và những điều luật phổ quát, chứ không phải bằng những cuộc phỏng vấn cá nhân hay những truyền đạt riêng tư.

 

Ngay như nếu có gì hơn thế nữa, hay giả như có thêm một cuộc xét nghiệm nữa, thì mọi người Công Giáo vẫn buộc phải tuân theo phán quyết chính thức duy nhất đã công bố cho đến nay, (về thông điệp của bà Vassula) là phủ quyết.

 

 

2- “Bài viết của Cha Joseph đã thiếu sót không đề cập đến Medjugorje, hay những mặc khải của Cha Gobbi.”

 

Mục đích của tôi là giải thích những nguyên tắc để phân định mọi mặc khải; chứ không phải chỉ để cắt nghĩa chi tiết của vài mặc khải cá biệt nào đó.  Những nguyên tắc trong bài viết của tôi cho thấy rõ rằng giáo dân không được truyền bá những tín điệp của Medjugorje.  Muốn biết tại sao, bài nói chuyện của Giám Mục Peric trong cùng số của Christian Order nói về vấn đề đó rất đầy đủ.

 

Trong những dịp khác, tôi đã nói với giáo hữu (thường thì chẳng có ai tin) là đừng có bám lấy và truyền bá hiện tượng Medjugoje nữa.  Những cái lý của tôi đơn thuần là: 1. Đức Giám Mục đã nói hiện tượng là giả.  2.  Không có phép lạ nào được chuẩn nhận.  3.  Những thông điệp nhàm chán tầm thường nhai đi nhai lại, không xứng đáng với Mẹ Chúa Trời.  Còn đầy dẫy những lý do khác nữa.

 

Phần trường hợp Cha Gobbi, tôi không được biết là có sự phán quyết chính thức nào (từ giáo quyền) là chấp thuận hay phủ quyết, tuy nhiên tôi nghĩ rằng những tín điệp của Cha lập đi lập lại, tẻ nhạt rườm rà, và lắm lúc lại mâu thuẫn với nhau.  Phong trào Chống Chúa Kitô đã không xuất hiện trong năm 1998 như đã được tiên báo; và việc Chúa Đến Lần Thứ Hai cũng không xảy ra, điều mà các tín điệp của thập niên 90’s đã tiên đóan là sẽ xảy đến vào cuối thập niên.

 

 

3- “Nếu các Linh Mục như Cha muốn nói gì thì nói, thì chắc chẳng có cuộc hiện ra nào được công nhận!  Mọi mặc khải đều bị kết án ngay từ bước đầu”

 

Tôi thích tin theo những mặc khải được chuẩn nhận, bởi vì những mặc khải đó được công nhận chỉ sau khi được xét nghiệm cẩn thận. Ta phải có đức tin nhưng chớ có nhẹ dạ.  Kẻ chủ quan thường dẫn đến một trường hợp điển hình là lý giải sai lạc.  ‘Nhiều thiên tài đã bị đồng môn kết tội, bởi vì họ đi trước thời gian.  Thế nên, ai bị kết tội là một thiên tài’!

           

Không phải mọi cuộc hiện ra được chuẩn nhận đều đã có lúc phải kinh qua màn mây mù của sự luận tội.  Không có phán quyết nào từng được công bố chống lại các mặc khải tại Guadalupe, Paray-le-Monial, Rue de Bac, Lourdes, Knock, Fatima, Banneux, Beauraing.  Vậy các Giám Mục có thận trọng không?  Thông thường, có – vì các ngài  buộc phải thận trọng.

 

Việc sùng kính Lòng Thương Xót Chúa đã bị khống chế do lệnh của Tòa Thánh từ năm 1958 đến năm 1978.  Việc sùng kính này đã chưa bao giờ bị kết án hay bị xem là sai trái, nhưng chỉ bị ra lệnh là không được truyền bá mà thôi.  Không hội đủ bằng chứng, và đến nay sự việc đã rõ ràng vì một số những phó bản và bản dịch ở thời điểm đó hướng dẫn lệch lạc. Ta nên làm gì trong suốt 20 năm đó? Vâng theo sắc chỉ như mọi người khác. Lúc đó tôi không hề nghe về bất cứ sự bất tuân nào trong vấn đề này.  Đức vâng phục như thế mới làm Chúa hài lòng.

 

Nếu bạn muốn truyền bá những tín điệp bị ngăn cấm, thì bạn có khác gì một giáo hữu Tin Lành, bất chấp các Giám Mục và Giáo Hội.

 

 

4- “Làm sao chúng tôi biết được những trường hợp nào thực sự đã bị một giám mục có năng quyền phản đối?  Thí dụ như trường hợp tại Garabandal, tôi đã đọc rất nhiều khẳng định cũng như phản khẳng định đến nỗi tôi không biết phải tin ai bây giờ”

 

Đôi khi khó mà biết được cách chắc chắn là phán quyết nào đã được chấp thuận.  Dù vậy chỉ cần viết thư cho Văn Phòng Chưởng Ấn của Gíao Phận, yêu cần được biết về lập trường chính thức, thường thì bạn sẽ nhận được sự giải đáp mà bạn cần.

 

Trách nhiệm chứng minh thuộc về những ai cho là (hiện tượng hay tín điệp) đã được chấp thuận.  Bạn cần nói với họ rằng: “Làm ơn cho xem toàn văn bản (và ngày) của sắc lệnh mà Giám Mục chấp thuận.”  Ta có thể đối chiếu với Văn Phòng Chưởng Ấn bất cứ sắc lệnh nào tự cho là đã được chấp thuận.

 

Trong trường hợp của Garabandal, trong nhiều năm qua tôi đã đọc những tuyên cáo đưa ra những phán quyết phủ nhận của các giám mục kế vị.  Mấy năm trước tôi cũng đã xem một văn thư từ Đức Khâm Sứ Tòa Thánh tại Úc, tái xác định sự phủ quyết về trường hợp Garabandal, và lên án sự bất tuân của những ai truyền bá hiện tượng ấy.

 

Còn có người bảo, ‘Đang có một sự xét nghiệm nữa’:  cho dù là thật, điều ấy chẳng có giá trị gì trong bối cảnh hiện nay.  Bạn không nên truyền bá bất cứ điều gì mà Giáo Hội tuyên bố phủ nhận, cho đến khi nào một sắc lệnh mới đảo ngược lại sắc lệnh cũ.

 

 

Fr Peter Joseph

 

Bản Dịch:  Nhân Ái

 

Trật Tự Kitô Hữu (Christian Order) Tháng Giêng 2005

 

http://www.christianorder.com/features/features_2005/features_jan05_bonus.html

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ