GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BA 20/12/2005

Trước Giáng Sinh

 

?   ĐTC Biển Đức XVI: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật IV Mùa Vọng Ngày 18/12/2005 về Hình Ảnh Thánh Giuse

   ĐTC Biển Đức XVI với Hội Nghị Quốc Tế về Nhân Giống: “Nhân Phẩm không thể bị đồng hóa với Nhiễm Sắc Giống   

?  Công Đồng Chung Vaticanô II – Một Công Đồng với Khủng Cảnh Thánh Mẫu và Chiều Hướng Thánh Mẫu

 

?   ĐTC Biển Đức XVI: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật IV Mùa Vọng Ngày 18/12/2005 về Hình Ảnh Thánh Giuse

 

Anh Chị Em thân mến!

 

Trong những ngày Mùa Vọng này, phụng vụ kêu mời chúng ta hãy đặc biệt chiêm ngưỡng Đức Trinh Nữ Maria và Thánh Giuse, những vị đã sống đặc biệt thiết tha thời điểm trông đợi và sửa soạn cho việc hạ sinh của Chúa Giêsu. Hôm nay tôi muốn hướng ánh mắt của chúng ta về hình ảnh của Thánh Giuse. Theo Phúc Âm hôm nay, Thánh Luca cho thấy Mẹ Maria “đã đính hôn với một người tên là Giuse thuộc nhà Đavít” (1:27). Tuy nhiên, vị đề cao nhất đến tầm quan trọng của người cha nuôi của Chúa Giêsu là Thánh Ký Mathêu, vị nhấn mạnh là, nhờ người cha nuôi ấy, theo pháp lý Con Trẻ đã thuộc về giòng dõi Đavít, làm cho lời Thánh Kinh được nên trọn, Lời Thánh Kinh tiên báo Đấng Thiên Sai là “con vua Đavít”.

 

Thế nhưng, vai trò của Thánh Giuse không thể chỉ hạn hẹp về khía cạnh pháp lý. Ngài là mô phạm của một con người “công chính” (Mt 1:19), con người hoan tàầ hợp với người bạn đời của mình đón nhận Con Thiên Chúa làm người và trông coi việc tăng trưởng của Người về phương diện làm người. Bởi thế, trong những ngày trước Giáng Sinh đây, thật là thích hợp để thiết lập một thứ đối thoại thiêng liêng với Thánh Giuse, nhờ đó Thánh Nhân giúp chúng ta sống hết cỡ mầu nhiệm đức tin này.

 

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II yêu dấu, vị đã rất sùng mộ Thánh Giuse, đã lưu lại cho chúng ta một bài suy niệm đáng ca ngợi giành cho Thánh Nhân trong tông huấn “Redemptoris Custos – Vị Coi Sóc Đấng Cứu Chuộc”. Trong nhiều khía cạnh được ngài nhấn mạnh, ngài đã đặc biệt chú trọng tới việc thinh lặng của Thánh Giuse. Việc Thánh Nhân im lặng được sâu đậm bằng việc chiêm ngưỡng mầu nhiệm của Thiên Chúa, với một thái độ hoàn toàn hiến mình cho ý muốn thần linh.

 

Nói cách khác, việc thinh lặng của Thánh Giuse không cho thấy một thứ nội tâm trống rỗng, trái lại, một nội tâm tràn đầy niềm tin tưởng được Thánh Nhân ấp ủ trong tim, và là một nội tâm hướng dẫn từng tư tưởng và hành động của Thánh Nhân. Một sự thinh lặng, nhờ đó, Thánh Giuse, cùng với Mẹ Maria, canh chừng Lời Chúa là lời được biết đến qua Sách Thánh, so sánh lời này một cách liên tục với các biến cố của cuộc sống Chúa Giêsu; một sự thinh lặng đan kết với việc liên lỉ nguyện cầu, một lời nguyện cầu ngợi khen Chúa, tôn thờ thánh ý của Ngài và tin tưởng vô biên vào sự quan phòng của Ngài. Không quá để nói rằng Chúa Giêsu sẽ học được – ở lãnh vực nhân loại – chính yếu từ “người cha” Giuse dđ72i sống nội tâm sâu xa này, một đời sống nội tâm là điều kiện của sự công chính chân thực, “một sự công chính nội tại”, sự công chính mầmột ngày kia Người sẽ dạy cho các môn đệ của Người (x Mt 5:20).

 

Chúng ta hãy “nhiễm lấy” sự thinh lặng của Thánh Giuse! Nó rất ư là thiếu hụt trên thế giới này là nơi thường nhộn nhịp, không thích hợp với việc hồi tưởng và lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa. Trong thời gian sửa soạn Giáng Sinh đây, chúng ta hãy vun trồng việc hồi tâm trong lòng để lãnh nhận và giữ lấy Chúa Giêsu trong đời sống của mình.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 18/12/2005

 

 

 

TOP

 

 

?  ĐTC Biển Đức XVI với Hội Nghị Quốc Tế về Nhân Giống: “Nhân Phẩm không thể bị đồng hóa với Nhiễm Sắc Giống”

 

Sau đây là nguyên văn bài diễn từ của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI  ngỏ cùng hội nghị quốc tế lần thứ 20 do Hội Đồng Tòa Thánh Đặc Trách Các Cán Sự Chăm Sóc Sức Khỏe tổ chức, năm nay về đề tài “Nhân Giống” hôm Thứ Bảy 19/11/2005.

 

Chư Huynh Hồng Y,

Chư Huynh Giám Mục trong Hàng Giáo Phẩm và Linh Mục,

Tôn Vị Nữ Nam,

 

Tôi xin ngỏ lời chào thân ái đến tất cả anh chị em, đặc biệt tri ân Đức Hồng Y Javier Lazano Barragán về lời chào ưu ái ngài đã đại diện anh chị em hiện diện nơi đây để bày tỏ cùng tôi.

 

Theo chiều hướng mục vụ thích hợp với hội đồng tòa thánh bảo trợ cho cuộc hội nghị này, hôm nay tôi xin được bày tỏ là, nhất là trong lãnh vực của những khám phá nơi ngành y khoa, Giáo Hội đang có một trách nhiệm nặng nề hơn trong việc thi hành công việc cao quí là soi sáng lương tâm con người, để bảo đảm rằng hết mọi khám phá mới của khoa học sẽ là những gì phục vụ cho thiện ích trọn vẹn của con người, luôn luôn tôn trọng phẩm vị của họ.

 

Để nhấn mạnh tới tầm quan trọng của công việc mục vụ này, trước hết tôi xin có lời khích lệ những ai mang trách nhiệm cổ võ công việc mục vụ này.

 

Thế giới hiện đại được đánh dấu bằng tiến trình tục hóa. Qua các biến cố phức tạp về văn hóa và xã hội, nó chẳng những chủ trương thái độ tự lập thích hợp với khoa học và tổ chức của xã hội, mà tất cả những thứ này còn rất hay thường muốn tẩy xóa đi cái liên hệ giữa các thực tại trần thế với Đấng Hóa Công của những thực tại ấy, thậm chí cho đến độ coi thường việc bảo toàn phẩm vị siêu việt của con người và tôn trọng chính sự sống con người.

 

Tuy nhiên, ngày nay việc tục hóa có hình thức của chủ nghĩa trần thế cực đoan không còn làm mãn nguyện những tâm trí ý thức hơn và tỉnh táo hơn. Tức là có thể và có lẽ các khoảng trống mới đang mở ra cho một cuộc đối thoại hữu ích với xã hội chứ chẳng riêng gì với thành phần tín hữu mà thôi, nhất là về các đề tài quan trọng như những vấn đề liên hệ tới sự sống.

 

Điều này lầnhững gì khả dĩ là vì, nơi thành phần có tyruyền thống Kitô giáo lâu đời, vẫn còn có những mầm mống nhân bản mà các cuộc tranh luận của thứ triết lý tuyệt mệnh chưa với tới. Thật vậy, nếu những mầm mống này có khuynh hướng nẩy nở một cách mãnh liệt thì các thách đố lại càng trở nên gay go trầm trọng hơn.

 

Ngoài ra, thành phần tín hữu đều biết rõ là Phúc Âm hoàn toàn hòa hợp với các thứ giá trị được in ấn nơi bản tính con người. Bởi thế, vì hình ảnh Thiên Chúa là những gì đã được sâu đậm nơi linh hồn của con người mà tiếng lương tâm của họ không dễ gì câm nín được.

 

Qua Dụ Ngôn Người Gieo Giống, Chúa Giêsu trong Phúc Âm nhắc nhở chúng ta là bao giờ cũng có thứ đất tốt có hạt giống được gieo xuống, mọc lên và sinh hoa kết trái. Thậm chí cả những ai không còn cho mình là phần tử của Giáo Hội nữa, hay thậm chí những ai đã mất đi ánh sáng đức tin, họ vẫn chú trọng tới các thứ giá trị của con người và tích cực đóng góp để Phúc Âm có thể mang lại thiện ích cho cá nhân cũng như xã hội.

 

Rất dễ nhận ra điều này khi suy nghĩ về đề tài cho hội nghị của anh chị em đây: Con người thuộc thời đại của chúng ta đây, thành phần ngoài ra có cái cảm thức được gia tăng bởi các biến cố bao phủ thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, dễ hiểu được rằng nhân phẩm không thể nào được đồng hóa với nhiễm sắc giống của DNA (cấu tử cơ bản nơi tế bào di truyền) và không thể nào bị suy giảm trước những khả hữu của các thứ khác nhau về thể lý hay những thứ khiếm khuyết về di giống.

 

Nguyên tắc của “vấn đề bất kỳ thị” dựa vào các yếu tố thể lý hay di giống đã ăn sâu vào lương tâm con người, và đã được chính thức tuyên bố trong các bản hiến chương nhân quyền. Nền tảng chân thật nhất của nguyên tắc này là ở phẩm vị bẩm sinh nơi hết mọi con người, vì họ được tạo dựng nên theo hình ảnh và tương tự như Thiên Chúa (x Gen 1:26). 

 

Chưa hết, việc phân tích đứng đắn các dữ kiện khoa học là những gì dẫn tới chỗ nhận thấy sự hiện diện của phẩm vị này nơi hết mọi giai đoạn của sự sống con người, bắt đầu từ ngay giây phút được thụ thai. Giáo Hội công bố và chủ trương sự thật này không phải chỉ vì thế giá của Phúc Âm, mà còn vì khả năng  xuất phát từ lý trí nữa. Đó chính là lý do Giáo Hội cảm thấy có nhiệm vụ bắt buộc phải kêu gọi hết mọi người thiện chí bằng một niềm xác tín rằng việc chấp nhận những sự thật ấy không thể nào không mang lại lợi ích cho cá nhân con người và cho xã hội.

 

Thật vậy, cần phải làm sao để giữ mình khỏi những nguy cơ của một thứ khoa học và kỹ thuật chủ trương hoàn toàn biệt lập khỏi các qui chuẩn về luân lý đã được in ấn nơi bản tính của nhân loại.

 

Có nhiều cơ cấu và học viện chuyên nghiệp trong Giáo Hội có khả năng để thẩm định những cái mới mẻ nơi môi trường của khoa học, nhất là nơi thế giới của ngành y sinh học; thế rồi cũng có cả những cơ cấu về tín lý đặc biệt có trách nhiệm xác định những giá trị luân lý cần phải được bảo toàn cũng như nêu ra những công thức cần thiết để hiệu nghiệm bảo vệ những giá trị ấy; sau hết, có cả các phân bộ mục vụ, như Hội Đồng Tòa Thánh Đặc Trách Việc Mục Vụ Chăm Sóc Sức Khỏe với nhiệm vụ bảo đảm tính cách hiệu lực của việc Giáo Hội hiện diện về phương diện mục vụ.

 

Công việc thứ ba này không những là những gì vô giá đối với một thứ nhân bản hóa thích hợp hơn bao giờ hết về y học, mà còn để bảo đảm một đáp ứng mau chóng đối với những niềm mong đợi của từng cá nhân cần được hỗ trợ hiệu lực về phương diện thiêng liêng.

 

Bởi thế, cần phải cống hiến cho việc chăm sóc mục vụ về sức khỏe một tác lực mới mẻ. Điều này bao hàm việc canh tân và đào sâu vào chính dự án mục vụ. Cần phải chú ý tới mớ kiến thức càng ngày càng nhiều được tung ra bởi truyền thông cũng như đến tiêu chuẩn cao hơn về giáo dục của những ai bị những phương tiện truyền thông này nhắm tới.

 

Chúng ta không thể bỏ qua sự kiện càng ngày càng thấy thường xuyên hơn, chẳng những thành phần lập pháp mà cả thành phần công dân nữa, được kêu gọi để bày tỏ ý nghĩ của mình về những vấn đề có thể được cho là khoa học và khó khăn. Thật vậy, nếu họ không được giáo dục đầy đủ, nếu lương tâm của họ không được huấn luyện đàng hoàng, thì những giá trị sai lầm hay những tín liệu lệch lạc có thể sẽ dễ dàng chi phối việc hướng dẫn dư luận quần chúng.

 

Việc cập nhật hóa huấn luyện cho các vị mục tử và các nhà giáo dục là những gì giúp cho họ có thể hành sử trách nhiệm của mình hợp với đức tin của họ, và là một công việc không thể châm chước của bất cứ việc chăm sóc mục vụ về sức khỏe được cập nhật hóa nào, nơi vấn đề trân trọng và trung thành đối thoại với thành phần vô tín ngưỡng. Ngày nay, nhất là nơi lãnh vực thực dụng về ngành di giống, các gia đình có thể bị thiếu hụt về những tín liệu thích đáng và gặp khó khăn trong việc bảo trì tính cách tự lập về luân lý cần thiết iđể trung thành với những chọn lựa cho cuộc sống của họ.

 

Bởi thế, ở lãnh vực này, cần phải thực hiện cuộc huấn luyện lương tâm một cách sâu xa và sáng suốt hơn. Những khám phá khoa học ngày nay là những gì ảnh hưởng tới đời sống gia đình, liên quan tới quyết định bất ngờ và tinh tế của các gia đình là những gì cần phải được hành sử một cách hữu trách. Bởi thế mà công việc mục vụ trong lãnh vực chăm sóc sức khỏe cần phải có những vị cố vấn kinh nghiệm và thế giá xứng hợp.

 

Điều này cho thấy một phần nào vấn đề điều hành phức tạp và gay go cần phải có về phương diện này hiện nay. 

 

Trước những nhu cầu gia tăng nơi việc chăm sóc mục vụ, vì Giáo Hội tiếp tục tin tưởng vào ánh sáng Phúc Âm và quyền năng của ân sủng, Giáo Hội thôi thúc những ai có trách nhiệm hãy nghiên cứu một phương pháp luận xứng hợp để giúp đỡ cá nhân, gia đình và xã hội, bao gồm việc trung thành và đối thoại, việc nghiên cứu thần học và khả năng làm môi giới.

 

Về điều này, Giáo Hội có được dồi dào những góp phần của tất cả mọi người, chẳng hạn như anh chị em là những người họp lại đây để tham dự vào hội nghị quốc tế và là thành phần nắm vững các giá trị căn bản để giúp vào việc đồng chung sống của nhân loại. Tôi hân hạnh lợi dụng dịp này để bày tỏ cùng anh chị em lòng cảm nhận tri ân của tôi về việc anh chị em góp phần vào một lãnh vực rất ư là quan trọng cho tương lai của loài người.

 

Với lòng quí mến ấy, tôi xin Chúa ban dồi dào ánh sáng trên hoạt động của anh chị em, và như chứng từ cho lòng trân trọng và quí mến của mình, tôi ban phép lành đặc biệt cho tất cả anh chị em.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/speeches/2005/november/documents/hf_ben_xvi_spe_20051119_pastorale-salute_en.html 

 

 

TOP

 

 

? Công Đồng Chung Vaticanô II – Một Công Đồng với Khủng Cảnh Thánh Mẫu và Chiều Hướng Thánh Mẫu

 

Bài Giảng Kỷ Niệm 40 Năm Bế Mạc Công Đồng Chung Vaticanô II Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: tại Đền Thờ Thánh Phêrô 8/12/2005

 

Quí Huynh trong Hàng Giáo Phẩm và Linh Mục thân mến,

Anh Chị Em thân mến,

 

Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã long trọng bế mạc Công Đồng Chung Vaticanô II ở quảng trường trước Đền Thờ Thánh Phêrô 40 năm trước đây, ngày 8/12/1965. Công Đồng này đã được khai mạc, theo ý của Đức Gioan XXIII, vào ngày 11/10/1962 là ngày Lễ Mẹ Thiên Chúa bấy giờ, và kết thúc vào ngày Lễ Mẹ Vô Nhiễm.

 

Công Đồng này đã diễn ra trong khung cảnh Thánh Mẫu. Thật sự còn hơn là một khung cảnh nữa: Nó chính là đường hướng cho tất cả tiến trình của Công Đồng. Nó hướng chúng ta, như nó đã hướng các Vị Nghị Phụ Công Đồng bấy giờ về hình ảnh của Vị Trinh Nữ lắng nghe và sống Lời Chúa, vị trinh nữ ấp ủ trong lòng mình những lời được Thiên Chúa ngỏ cùng Mẹ, và tìm hiểu những lời ấy (x Lk 2:19,51) bằng cách ghép những lời của Ngài lại thành nên như một bức tranh vi thạch.

 

Nó hướng chúng ta về một Vị Đại Tín Hữu, một con người đầy đức tin, đặt mình trong tay Thiên Chúa, phó mình cho ý muốn của Ngài; nó hướng chúng ta về Người Mẹ khiêm hạ, vị đã dự phần vào sứ vụ của Người Con đòi hỏi, đồng thời nó cũng hướng chúng ta về người nữ can trường đứng dưới chân Thập Giá trong lúc các môn đệ đã tẩu thoát.

 

Trong bài diễn từ của mình vào dịp ban hành hiến chế tín lý về Giáo Hội, Đức Phaolô VI đã diễn tả Mẹ Maria như “tutrix huius Concilii” – “Nữ Bổn Mạng của Công Đồng này” (cf. "Oecumenicum Concilium Vaticanum II, Constitutiones Decreta Declarationes," Vatican City, 1966, p. 983), và, bằng một hiển nhiên  ám chỉ đến trình thuật của Thánh Luca về ngày Lễ Ngũ Tuần (x Acts 1:12-14), đã nói rằng các vị Nghị Phụ qui tụ lại ở Sảnh Đường Công Đồng “cum Maria, Matre Iesu – cùng với Maria, Mẹ của Chúa Giêsu” và cũng nhân danh mẹ mà rời Công Đồng (p. 985).

 

Tôi không thể nào quên được lúc mà khi nghe thấy những lời của ngài: "Mariam Sanctissimam declaramus Matrem Ecclesiae" – “Chúng tôi tuyên bố Maria là Mẹ Rất Thánh của Giáo Hội”, thì các Vị Nghị Phụ liền tự động đứng lên để tỏ lòng tôn kính Mẹ Thiên Chúa, Mẹ của chúng ta, Mẹ của Giáo Hội, một cử chỉ đứng lên vỗ tay hoan nghênh.

 

Thật vậy, bằng tước hiệu này, vị Giáo Hoàng ấy đã tóm tắt giáo huấn Thánh Mẫu của Công Đồng và đã cung cấp cái mấu chốt để có thể hiểu được công đồng. Mẹ Maria chẳng những có liên hệ đặc thù với Chúa Kitô là Con Thiên Chúa, Đấng, là người, đã muốn trở nên Con của Mẹ. Vì Mẹ hoàn toàn được liên kết với Chúa Kitô mà Mẹ cũng hoàn toàn thuộc về chúng ta. Phải, chúng ta có thể nói rằng Mẹ Maria gần gũi với chúng ta hơn bất cứ một con người nào khác, vì Chúa Kitô đã trở nên con người cho tất cả mọi con người nam nữ, và toàn hữu thể của Người là “hữu thể cho chúng ta trên đời này”.

 

Các Vị Giáo Phụ đã nói rằng Chúa Kitô là Đầu bất khả phân ly với Thân Thể của Người là Giáo Hội, có thể nói cùng với Giáo Hội làm thành một chủ thể sống động duy nhất. Mẹ của Đầu cũng là Mẹ của toàn Giáo Hội; có thể nói bản thân Mẹ hoàn toàn trống rỗng; Mẹ đã trọn vẹn hiến mình cho Chúa Kitô và cùng với Người hiến mình như một tặng vật cho tất cả mọi người chúng ta. Thật vậy, con người càng hiến mình thì càng là mình.

 

Công Đồng này đã có ý nói với chúng ta là: Mẹ Maria được đan kết với đại mầu nhiệm Hội Thánh, đến nỗi Mẹ và Giáo Hội bất khả phân ly, như Mẹ và Chúa Kitô bất khả phân ly vậy. Mẹ Maria phản ảnh Giáo Hội, báo trước Giáo Hội nơi bản thân Mẹ, và trong tất cả mọi cuộc biến loạn ảnh hưởng tới một Giáo Hội chiến đấu khổ đau thì Mẹ bao giờ cũng vẫn là Ngôi Sao cứu độ. Nơi Mẹ chất chứa một tâm điểm đích thực cho chúng ta tin tưởng, dù những thứ ngoại vi của cái tâm điểm này rất thường là những gì gây tác dụng trên linh hồn của chúng ta.

 

Trong bối cảnh của việc ban bố hiến chế về Giáo Hội, Đức Phaolô VI đã làm sáng tỏ tất cả những điều ấy bằng một tước hiệu mới đã được sâu xa bắt nguồn từ Truyền Thống, với mục đích thực sự là để chiếu soi cái cấu trúc nội tại nơi giáo huấn của Giáo Hội là những gì đã được Công Đồng khai triển. Công Đồng Chung Vaticanô II đã công bố về các thánh phần thuộc cơ cấu của Giáo Hội: về các vị giám mục và về Giáo Hoàng, về các linh mục, giáo dân và tu sĩ, về mối hiệp thông của họ cũng như về những liên hệ của họ; Công Đồng đã phải diễn tả Giáo Hội đang lữ hành này, “khi ôm ấp trong lòng mình các tội nhân, đồng thời lại thánh hảo và luôn cần được thanh tẩy…” ("Lumen Gentium," No. 8).

 

Tuy nhiên, chiều kích “Phêrô” của Giáo Hội lại được bao gồm trong chiều kích “Thánh Mẫu” ấy. Nơi Mẹ Maria, Vị Vô Nhiễm Tội, chúng ta thấy được yếu tính của một Giáo Hội không bị méo mó lệch lạc. Chính chúng ta phải học nơi Mẹ để trở nên “hồn sống của giáo hội”, như các Vị Giáo Phụ đã nói, nhờ đó, cả chúng ta nữa cũng có thể, theo lời Thánh Phaolô, tỏ mình “một cách tinh tuyền” trước nhan Chúa, như Chúa muốn chúng ta như thế ngay từ thuở ban đầu (x Col 1:21; Eph 1:4).

 

(còn tiếp)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/homilies/2005/documents/hf_ben-xvi_hom_20051208_anniv-vat-council_en.html

 

(những tiểu đề là do người dịch bản Việt ngữ này tự động thêm vào)

 

 

TOP

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ