GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BA 27/12/2005

Bát Nhật Giáng Sinh

 

?   Đức Thánh Cha Biển Đức XVI với Ngày Giới Trẻ Công Giáo Hòa Lan Toàn Quốc lần đầu tiên ngày 27/11/2005: “Lý do sâu xa của việc các bạn cùng nhau qui tụ lại là để gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô”

?  Đức Thánh Cha Biển Đức XVI tại Đại Học Thánh Tâm ngày 25/11/2005: “Không thể làm suy giảm căn tính ‘Công Giáo’

?  Sứ Điệp của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI cho Ngày Hòa Bình Thế Giới 1/1/2006: (2) “Dối Trá phá Hòa Bình

 

?   Đức Thánh Cha Biển Đức XVI với Ngày Giới Trẻ Công Giáo Hòa Lan Toàn Quốc lần đầu tiên ngày 27/11/2005: “Lý do sâu xa của việc các bạn cùng nhau qui tụ lại là để gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô”

 

Các Bạn Trẻ thân mến,

 

Tôi muốn gửi lời chào thân ái đến tất cả các bạn đang qui tụ ở Nieuwegein để tham dự Ngày Giới Trẻ Công Giáo Hòa Lan Toàn Quốc Đầu Tiên. Tôi chào Đức Hồng Y Adrianus Simonis, TGM Utrecht và là chủ tịch của Hội Đồng Giám Mục, cũng như tất cả mọi vị Giám Mục Hòa Lan, hết lòng cám ơn về việc tổ chức hoạt động thuận lợi tốt lành này. Tôi cũng cám ơn tổ chức Werkgroep Katholieke Jongeren về hoạt động của mình trong những năm này cũng như các vị linh mục và giáo dân trong việc chăm sóc mục vụ giới trẻ, thành phần đang theo gương anh chị em.

 

Giới trẻ thân mến, với sứ điệp này, tôi muốn hiện diện với các bạn cách linh thiêng giữa các bạn và bảo đảm cùng các bạn là tôi đồng hành với các bạn trong lời nguyện cầu. Tôi biết rằng rất nhiều người trong các bạn đã tham dự cuộc hội ngộ thế giới ở Cologne và vì thế tôi rất lấy làm vui mừng khi thấy các bạn giờ đây tiếp tục cái cảm nghiệm được bắt đầu từ Ngày Giới Trẻ Thế Giới, bao gồm cả những người khác đồng lứa tuổi với các bạn, những người chưa được vinh dự tham dự ngày này. Việc tham dự cuộc hội ngộ hôm nay theo lời giám mục của mình kêu mời là một dấu hiệu tuyệt vời đối với xã hội Hòa Lan: Nghĩa là các bạn không sợ nói rằng các bạn là Kitô hữu và muốn công khai chứng tỏ mình là Kitô hữu. 

 

Thật vậy, lý do sâu xa của việc các bạn cùng nhau qui tụ lại là để gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô. Đó là tất cả những gì đối với những ai tham dự vào Ngày Giới Trẻ Thế Giới mới đây theo chủ đề: “Chúng tôi đến để triều bái Người” (Mt 2:2). Theo chân của các Vị Đạo Sĩ, những vị được thúc đẩy bởi nỗi khát mong tim kiếm chân lý, giới trẻ từ khắp nơi trên thế giới đã gặp gỡ nhau ở Cologne để tìm kiếm và tôn thờ Vị Thiên Chúa Làm Người, để rồi, được biến đổi bởi cuộc hội ngộ với Người và được soi chiếu bởi sự hiện diện của Người, họ đã trở về với quê hương đất nước của mình, như các Vị Đạo Sĩ, “bằng một lối khác” (Mt 2:12). Các bạn cũng trở về Hòa Lan như thế, hăng hái thông đạt cho từng người và tất cả mọi người cái cảm nghiệm phong phú của mình, và hôm nay đây các bạn muốn chia sẻ nó với đồng bạn của mình.

 

Các bạn thân mến, Chúa Giêsu là người bạn đích thực và là Chúa của các bạn; các bạn hãy tạo nên một mối liên hệ thiết nghĩa với Người! Người đang trông đợi các bạn và chỉ ở nơi một mình Người mà thôi các bạn mới tìm thấy hạnh phúc.

 

Thật là dễ dàng biết bao khi hoan hưởng những thứ thỏa mãn nông nổi do cuộc sống hằng ngày cống hiến cho chúng ta; thật là dễ dàng biết bao khi chỉ biết sống cho bản thân mình, chỉ biết hoan hưởng cuộc đời! Thế nhưng, không sớm thì muộn chúng ta sẽ nhận ra rằng đó không phải là hạnh phúc chân thực, vì hạnh phúc chân thực thì sâu xa hơn nhiều: Chúng ta chỉ tìm thấy nó nơi Chúa Giêsu mà thôi.

 

Như tôi đã nói ở Cologne, “hạnh phúc các bạn đang tìm kiếm, hạnh phúc các bạn có quyền hoan hưởng, có một danh xưng và dunh nhan đó là Đức Giêsu Nazarét” (Address at the Poller Rheinwiesen Wharf, Aug. 18, 2005; L'Osservatore Romano English edition, Aug. 24, p. 4).

 

Bởi thế tôi mời các bạn hằng ngày hãy tìm kiếm Chúa là Đấng không muốn gì khác ngoài việc thấy các bạn được hạnh phúc. Các bạn hãy nuôi dưỡng một mối liên hệ thiết tha và liên lỉ với Người bằng việc nguyện cầu, và khi có thể, các bạn hãy tìm những giây phút xứng hợp trong ngày sống của mình để ở với Người. Nếu các bạn không biết nguyện cầu ra sao, các bạn hãy xin Người dạy cho các bạn, và xin Mẹ thiên đình hãy nguyện cầu với các bạn và cho các bạn.

 

Việc lần hạt Mân Côi có thể giúp các bạn học biết nghệ thuật nguyện cầu một cách đơn sơ mà sâu xa với Mẹ Maria. Các bạn cần phải tham dự Thánh Thể là Bí Tích Chúa Giêsu ban chính mình cho chúng ta, là tâm điểm của đời sống các bạn. Người là Đấng đã chết cho tội lỗi của tất cả mọi người mong muốn được hiệp thông với mỗi một người trong các bạn và đang gõ cửa lòng các bạn để ban ơn huệ của Người cho các bạn.

 

Các bạn hãy đi gặp gỡ Người nơi Bí Tích Thánh Thể, để tôn thờ Người nơi các nhà thờ, quì trước nhà tạm: Chúa Giêsu sẽ làm cho các bạn được tràn đầy tình yêu của Người và sẽ tỏ cho các bạn biết được ý nghĩ của Trái Tim Người. Nếu các bạn lắng nghe Người, các bạn sẽ cảm thấy hơn bao giờ hết niềm vui được thuộc về Nhiệm Thể của Người là Giáo Hội, là gia đình của thành phần môn đệ gắn bó với nhau bằng mối liên hệ kết hợp và yêu thương.

 

Các bạn cũng sẽ học được, như Thánh Phaolô nói, việc tự hòa giải với Thiên Chúa (x 2Cor 5:20). Đặc biệt là nơi bí tích hòa giải, Chúa Giêsu đang đợi chờ các bạn đến để thứ tha tội lỗi của các bạn và giải hòa với các bạn bằng tình yêu của Người qua thừa tác vụ của vị linh mục. Bằng việc xưng thú tội lỗi của mình cách khiêm nhượng và tin tưởng, các bạn sẽ nhận được ơn thứ tha của chính Thiên Chúa qua lời của vị thừa tác viên.

 

Cơ hội thật là trọng đại biết bao Chúa đã ban cho chúng ta nơi bí tích này để canh tân chúng ta từ bên trong và để tăng tiến đời sống Kitô hữu của chúng ta! Tôi xin các bạn hãy luôn biết lợi dụng bí tích này!

 

Các bạn thân mến, như tôi đã nói với các bạn trên đây, nếu các bạn theo Chúa Giêsu, các bạn sẽ không bao giờ cảm thấy lẻ loi cô độc, vì các bạn thuộc về Giáo Hội là một đại gia đình, nơi các bạn lớn lên trong tình thân hữu chân thật với rất nhiều anh chị em cùng một đức tin khắp nơi trên thế giới. Chúa Giêsu cần các bạn “canh tân cải tiến” xã hội hiện đại ngày nay.

 

Các bạn hãy chú ý tới việc phát triển kiến thức đức tin để làm chứng nhân chân thực. Các bạn hãy chuyên chú tìm hiểu tín lý Công Giáo hơn nữa: Cho dù có những lúc lấy cặp mắt thế gian mà nhìn vào tín lý này, nó dường như là một sứ điệp khó chấp nhận, nhưng nơi nó có câu giải đáp làm thỏa mãn những vấn nạn căn bản của các bạn.

 

Các bạn hãy tin tưởng vào các vị mục tử là các hướng đạo viên của các bạn là các vị giám mục và linh mục; các bạn hãy chủ động tham gia vào các giáo xứ, phong trào, hiệp hội và các cộng đồng giáo hội để cùng nhau cảm nghiệm được niềm vui được làm môn đệ của Chúa Kitô, Đấng loan báo và ban chân lý cùng yêu thương. Thực sự được thôi thúc bởi chân lý và tình yêu của Người, các bạn mới có thể, cùng với giới trẻ đang tìm kiếm ý nghĩa đích thực của cuộc sống, xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.

 

Các bạn thân mến, tôi gần gũi với các bạn trong lời nguyện cầu. Chớ gì các bạn hãy chấp nhận tiếng gọi của Chúa, Đấng nêu cao cho các bạn thấy những lý tưởng cao cả là những gì có thể làm cho đời sống của các bạn được đẹp đẽ và tràn đầy niềm vui. Các bạn có thể chắc chắn được điều này chỉ bằng việc các bạn tích cực đáp ứng lời kêu gọi của Người, cho dù đối với các bạn có gay go đòi hỏi mấy đi nữa, các bạn mới có thể tìm thấy hạnh phúc và bình an trong lòng.

 

Chớ gì Trinh Nữ Maria hỗ trợ các bạn trong cuộc hành trình dấn thân này của người Kitô Hữu, và xin Người giúp các bạn trong tất cả mọi quyết tâm tốt lành của các bạn.

 

Bằng những cảm mến này, tôi thân ái ban phép lành tòa thánh đặc biệt cho tất cả các bạn đang qui tụ ở Nieuwegein cũng như cho những ai yêu thương và khôn ngoan hỗ trợ các bạn trên con đường phát triển nhân bản và tâm linh của các bạn.

 

Tại Vatican ngày 21/11/2005

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 24/12/2005

 

 

TOP

 

 

?  Đức Thánh Cha Biển Đức XVI tại Đại Học Thánh Tâm ngày 25/11/2005: “Không thể làm suy giảm căn tính ‘Công Giáo’”.

 

Ngài Viện Trưởng,

Quí Tôn Vị Chủ Tịch và Giáo Sư

Quí Vị Tiến Sĩ và Phụ Tá,

Quí Sinh Viên,

 

Tôi rất vui mừng đến viếng thăm khu Đại Học Công Giáo Thánh Tâm ở Rôma để chính thức khai mạc cho Niên Học 2005-2006. Lúc này đây tôi nghĩ đến những ngành học khác của làng khoa học: một ngành chính ở Milan, gần Đền Thờ Thánh Ambrôsiô tuyệt đẹp, cũng như đến các ngành khác ở Brescia, Piacenza-Cremona và Campobasso.

 

Tôi muốn toàn thể gia đình “Đại Học Công Giáo” cảm thấy liên kết dưới ánh mắt của Thiên Chúa vào lúc này đây, vào lúc mở đầu cho một vươn mình mới trong cuộc hành trình dấn thân của mình cho khoa học và việc đào luyện.

 

Ở với chúng ta nơi đây trong tinh thần có cả Cha Gemelli cũng như tất cả những con người nam nữ khác là thành phần hình thành lịch sử của câu lạc bộ khoa học này bằng việc dấn thân sáng suốt của họ. Chúng ta cũng cảm thấy những vị Giáo Hoàng gần gũi với chúng ta, từ Đức Biển Đức XV tới Đức Gioan Phaolô II, những vị luôn có những thắt kết đặc biệt với đại học viện này. Thật vậy, việc tôi viếng thăm hôm nay đây là để tiếp nối cuộc viếng thăm của vị tiền nhiệm tôi 5 năm trước đây ở địa điểm kiến thức này trong cùng một dịp tương tự như thế.

 

Tôi ngỏ lời chào thân ái tới Đức Hồng Y Dionigi Tettamanzi, chủ tịch Học Viện Toniolo, cũng như tới Ngài Viện Trưởng, Giáo Sư Lorenzo Ornaghi, và tôi cám ơn cả hai vị về những lời lẽ nhã nhặn ngỏ cùng tôi thay cho tất cả mọi người hiện diện nơi đây.

 

Tôi kính xin chào những quí tôn vị đạo giáo và dân sự đã họp lại nơi đây, nhất là Thượng Nghị Sĩ Emilio Colombo, người đã là phần tử của Tiểu Ban Thường Trực của Học Viện Toniolo 48 năm và đóng vai chủ tịch của học viện này từ năm 1986-2003. Tôi xin hết lòng cám ơn oôg về tất cả những gì ông đã làm để phục vụ đại học này. 

 

Quí tôn hữu thân mến, trong khi chúng ta tụ họp lại nơi đây, chúng ta không thể nào không nghĩ tới những giây phút đầy lo âu và cảm kích chúng ta đã trải qua vào những ngày cuối cùng Đức Gioan Phaolô II sống như một bệnh nhân ở y viện đa khoa này. Trong những ngày ấy, tâm tưởng của người Công Giáo ở khắp nơi trên thế giới – không phải chỉ có người Công Giáo mà thôi – đều tập trung vào bệnh viện Gemelli.

 

Từ hai phòng bệnh tại nhà thương của mình, Vị Giáo Hoàng này đã cống hiến một bài học khôn sánh cho tất cả mọi người cái ý nghĩa của Kitô giáo về sự sống và khổ đau, làm chứng bằng chính con người của mình chân lý của sứ điệp Kitô Giáo. Bởi thế, tôi muốn một lần nữa bày tỏ lòng tri ân cảm tạ của tôi, cũng như của vô số dân chúng, về sự chăm sóc ân cần giành cho Đức Thánh Cha ấy. Chớ gì ngài chiếm lấy phần thưởng thiên đình cho mỗi mộït con người.

 

Ngày nay, Đại Học Công Giáo Thánh Tâm có chừng 40 ngàn sinh viên ghi danh học 5 ngành và 14 phân khoa. Ý nghĩ “ôi trách nhiệm chừng nào!” tự nhiên bật lên trong tâm trí. Hằng ngàn ngàn giới trẻ đã đi qua những lớp học của “Viện Đại Học Công Giáo” này. Họ đã rời trường mà đi ra sao? Họ đã gặp gỡ,  đồng hóa và giải quyết những thứ văn hóa nào?

 

Đó là một đại thách đố, một thyách đố liên quan trước hết tới nhóm điều khiển câu lạc bộ khoa học này, đến viên chức giảng dạy và bởi thế đến chính sinh viên nữa: việc cống hiến sự sống cho một đại học Công Giáo chân thực là những gì vượt quá về phẩm chất của việc nó nghiên cứu và giảng dạy, cũng như việc nó trung thành với Phúc Âm và huấn quyền của Giáo Hội.

 

Về vấn đề này, thật là thuận lợi ở chỗ Đại Học Công Giáo Thánh Tâm, về cấu trúc, có liên hệ với Tòa Thánh qua Học Viện Toniolo về Những Nghiên Cứu Cao Cấp, một học viện có nhiệm vụ đã làm và đang làm là bảo đảm được việc chiếm đạt những mục đích của cơ cấu thuộc câu lạc bộ khoa học này đối với những Người Công Giáo Ý Quốc. Cái định nghĩa nguyên khôi này, cái định nghĩa luôn được các vị tiền nhiệm của tôi khẳng định, đều bảo đảm rằng đại học này gắn bó chặt chẽ với Ngai Tòa Phêrô cũng như với gia sản của các thứ giá trị được truyền lại như là một thứ di sản của cấ vị sáng lập. Tôi xin cảm tạ tất cả mọi phần tử của tổ chức đáng ca ngợi này.

 

Vậy, chúng ta hãy trở lại với vấn đề: thứ văn hóa nào? Tôi vui mừng là vị viện trưởng, trong bài trình bày của mình, đã nhấn mạnh tới “sứ vụ” nguyên thủy và cập nhật hóa của viện đại học Công Giáo, tức là đến vấn đề trách nhiệm thực hiện việc nghiên cứu khoa học cùng với các hoạt động hợp với dự án cấu trúc về văn hóa nhất trí để phục vụ các thế hệ trẻ cũng như cho việc phát triển về nhân bản và Kitô giáo trong xã hội.

 

Về vấn đề này, gia sản giáo huấn của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II để lại cho chúng ta, một gia sản đã đạt tới tột đỉnh nơi tông hiến “Ex Corde Ecclesiae – Từ Lòng Giáo Hội” ban hành năm 1990, có một giá trị cao cả. Ngài luôn cho thấy rằng cái căn tính “Công Giáo” không thể nào là những gì làm suy giảm mà phải làm thăng hoa đại học đường.

 

Thật vậy, nếu sứ vụ căn bản của hết mọi đại học là “liên tục tìm cầu chân lý qua việc nghiên cứu của mình, và việc bảo trì cùng thông đạt kiến thức cho thiện ích của xã hội” ("Ex Corde Ecclesiae," No. 30), thì một cộng đồng học hỏi Công Giáo được nổi bật bởi niềm hứng khởi Kitô hữu, nơi cá nhân cũng như chính cộng đồng đại học, theo ánh sáng đức tin hướng dẫn suy tư, trong việc trung thành với sứ điệp Kitô Giáo như Giáo Hội truyền dạy, cũng như trong việc dấn thân theo cơ cấu của mình để phục vụ Dân Chúa (cùng nguồn vừa trích dẫn, 13). 

 

(còn tiếp)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 24/12/2005

 

 

 

TOP

 

 

? Sứ Điệp của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI cho Ngày Hòa Bình Thế Giới 1/1/2006: Dối Trá phá Hòa Bình

 

(tiếp 26 Thứ Hai) 

 

5.         Bởi vậy, người nào và cái gì có thể ngăn cản hòa bình xẩy ra đây? Thánh Kinh, nơi chính suốn sách đầu tiên của mình là cuốn Khởi Nguyên, đã cho thấy cái dối trá điêu ngoa được vang lên ngay khi mở màn lịch sử bởi một con thú có một miệng lưỡi chẻ ra, vật được Thánh Ký Gioan gọi là “cha của các sự dối trá điêu ngoa” (8:44). Dối trá cũng là một trong những tội được nói tới ở chương sau hết cuốn sách cuối cùng của Thánh Kinh đó là cuốn Khải Huyền, thứ tội đã ngăn cản thành phần dối trá vào Giêrusalem thiên quốc: “bên ngoài là… tất cả những ai yêu chuộng sự dối trá” (22:15). Dối trá có liên hệ với thảm trạng tội lỗi cùng với những hậu quả tai hại của nó, những hậu quả đã và còn tiếp tục có những tác dụng tàn phá nơi đời sống của cá nhân cũng như của chư quốc. Chúng ta chỉ cần nghĩ tới những biến cố của thế kỷ vừa qua, thời điểm mà các chính sách ý hệ và chính trị cố ý muốn bóp méo sự thật và thực hiện việc khai thác cùng sát hại cả một số lượng kinh hoàng những con người nam nữ, tiêu diệt hết các gia đình và cộng đồng. Sau những kinh nghiệm như thế, làm sao chúng ta lại không thận trọng quan tâm tới những thứ dối trá trong thời đại của chúng ta đây, những thứ dối trá trở thành bối cảnh cho những viễn tượng đe dọa chết chóc nơi nhiều phần đất trên thế giới. Bất cứ một cuộc tìm cầu chân chính nào giành cho hòa bình đều cần phải được bắt đầu từ việc nhận thức rằng vấn đề sự thật và dối trá là mối quan tâm của hết mọi con người nam nữ; nó là những gì quyết định cho tương lai an bình của trái đất chúng ta đây.

 

6.         Hòa bình là ước vọng không thể đè nén nơi tâm can của mỗi một người, bất kể căn tính văn hóa chuyên biệt của họ. Bởi thế, hết mọi người cần phải cảm thấy quyết tâm phục vụ sự thiện cao cả này, và cần phải cố gắng ngăn ngừa những mối liên hệ cho khỏi bị đầu độc bởi bất cứ hình thức dối trá nào. Tất cả mọi người đều là phần tử của cùng một gia đình duy nhất. Việc tôn vinh quá đáng về những cái khác biệt là những gì đụng độ với sự thật nồng cốt này. Chúng ta cần phải tái nhận thức là chúng ta có cùng một định mệnh là những gì siêu việt tối hậu, nhờ đó tối đa hóa những khác biệt về lịch sử và văn hóa của chúng ta, không phải ở chỗ kình chống nhau mà là hợp tác với thành phần thuộc về các nền văn hóa khác.  Những sự thật đơn giản này là những gì làm cho hòa bình trở thành khả dĩ; chúng là những chân lý dễ hiểu khi chúng ta lằng nghe tâm can của mình bằng những ý hướng tinh tuyền. Như thế, hòa bình mới được thấy ở một chiều hướng mới: không phải ở chỗ không xẩy ra chiến tranh, mà là một cuộc chung sống thuận hòa giữa người công dân với nhau trong một xã hội được công lý cai quản, một xã hội có được sự thiện hòa bình này cho từng người trong họ bao nhiêu có thể.

 

Hòa bình đích thực kêu gọi mọi người hãy vun trồng những mối liên hệ phong phú và chân thành; nó phấn khích họ tìm kiếm và đi theo đường lối thứ tha và hòa giải, thanh liêm nơi việc họ đối sử với nhau, và trung thành với lời nói của mình. Đặc biệt là thành phần môn đồ của Chúa Kitô, nhận thấy sự hiện diện quỉ quyệt của sự dữ và nhu cầu cần được giải phóng từ Vị Sư Phụ thần linh, tin tưởng nhìn lên Người, ý thức rằng “Người đã không phạm một tội lỗi nào; không có gì là điêu ngoa nơi môi miệng của Người” (1Pt 2:22; x Is 53:9). Chúa Giêsu tự nhận mình là Sự Thật, và khi nói với nhân vật thị kiến của Sách Khải Huyền, Người đã tỏ thái độ hoàn toàn kị với “những ai yêu thích và hành động gian dối” (Rev 22:15). Người đã cho thấy tất cả sự thật về nhân loại và về lịch sử nhân loại. Quyền năng ân sủng của Người làm cho nhân loại có thể sống “trong” và sống “bởi” sự thật, vì duy một mình Người là Đấng hoàn toàn chân thật và tín trung. Chúa Giêsu là một sự thật ban hòa bình cho chúng ta.

 

(còn tiếp)

 

Tại Vatican ngày 8/12/2005

 

Giáo Hoàng Biển Đức XVI

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch

 

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/messages/peace/documents/hf_ben-xvi_mes_20051213_xxxix-world-day-peace_en.html

 

 

TOP

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ