GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ NĂM 8/12/2005

Lễ Mẹ Vô Nhiễm

 

? CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICANÔ II: 40 Năm Nhìn Lại - Giáo Hội và Thế Giới

  CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICANÔ II: 40 Năm Nhìn Lại - Văn Kiện và Giáo Huấn

?  CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICANÔ II: 40 Năm Nhìn Lại - Thành Quả và Khủng Hoảng

      CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICANÔ II: 40 Năm Nhìn Lại - Cảm Nhận và Kiểm Điểm

 

 

HÔM NAY KỶ NIỆM ĐÚNG 40 NĂM BẾ MẠC CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICANÔ II,

CHÚNG TA HÃY CÙNG NHAU ÔN LẠI BIẾN CỐ QUAN TRỌNG ĐỐI VỚI GIÁO HỘI VÀ THẾ GIỚI

CHO CẢ NGÀN NĂM THỨ BA KITÔ

 

?   CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICANÔ II: 40 Năm Nhìn Lại - Giáo Hội và Thế Giới

 

Công Đồng Chung Vaticanô II chẳng những là một biến cố quan trọng đối với riêng Giáo Hội Công Giáo và Kitô Giáo mà còn đối với chung lịch sử thế giới nữa. Thật thế, căn cứ vào 16 văn kiện của một Công Đồng Chung ở vào đầu thập niên 1960 trong thế kỷ 20, một thế kỷ đầy hận thù với hai chế độ độc tài sắt máu là Nazi Đức quốc và Cộng sản này, có thể nói Công Đồng Chung Vaticanô II là Công Đồng về Giáo Hội và cho Thế Giới, một chiều hướng Công Đồng về Giáo Hội và cho Thế Giới được gói ghém và biểu hiện qua ý nghĩa của Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Tân Tiến là “Vui Mừng và Hy Vọng – Gaudium et Spes”. Chính Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, vị được Giáo Hoàng đương kim Biển Đức XVI, qua cuộc phỏng vấn nhân Ngày Gioan Phaolô II 16/10/2005 ở Balan, công nhận “là người của Công Đồng”, đã đồng ý với quan điểm này trong Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến (đoạn 18) ban hành ngày 10/11/1994 như sau:

 

·        Chúng ta có thể xác nhận rằng Công Đồng Chung Vaticanô II là một biến cố quan phòng, nhờ đó, Giáo Hội bắt đầu sửa soạn trực tiếp hơn cho cuộc mừng thiên niên thứ ba. Công Đồng này là một công đồng cũng giống như các công đồng trước kia, song lại khác hẳn; đó là một công đồng chú trọng vào mầu nhiệm Chúa Kitô và Giáo Hội của Người, đồng thời lại vươn mình ra với thế giới. Thái độ vươn mình ra của Giáo Hội là một đáp ứng có tính cách phúc âm đối với những đổi thay trong thế giới này, những đổi thay bao gồm cả những kinh nghiệm về tình trạng hỗn loạn sâu rộng của thế kỷ 20, một thế kỷ rùng rợn với hai cuộc Đại Chiến I và II, với kinh nghiệm về những trại tập trung cùng với những cuộc tàn sát khủng khiếp. Tất cả những biến cố này đã chứng tỏ một cách hết sức hùng hồn là thế giới cần phải được thanh tẩy; nó cần phải cải thiện lại”.

 

Sự kiện trùng hợp giữa biến cố Công Đồng Chung Vaticanô II được khai mạc vào ngày Lễ Đức Mẹ Thiên Chúa bấy giờ là ngày 11/10/1962, với biến cố lịch sử của thế giới lúc ấy đang ở vào tình trạng nguy biến của một Thế Chiến Thứ Ba, thế chiến nguyên tử, một thế chiến sắp sửa bùng nổ giữa hai cường quốc lãnh đạo hai khối tư bản là Hoa Kỳ và vô sản là Nga Sô, tại Vịnh Cuba, nơi đầu đạn nguyên tử của Nga Sô đang nhắm vào Hoa Kỳ, làm cho cả thế giới hồi hộp nghẹt thở cả một tuần lễ đầu Tháng Mười 1962, ngay trước thời điểm khai mạc Công Đồng Chung Vaticanô II.

 

Ngoài ra, ngay khi chưa kết thúc Công Đồng, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã bắt đầu thực hiện những cuộc tông du thế giới, bắt đầu là cuộc ngài tông du hành hương Thánh Địa vào dịp Lễ Hiển Linh ngày 4-6/1/1964, một biến cố chưa từng có trong lịch sử Giáo Hội, và là một cuộc tông du mở màn cho 104 cuộc tông du khắp thế giới sau này của Đức Gioan Phaolô II, những cuộc tông du chẳng những có tính cách mục vụ nội bộ mà còn có cả tính cách đối thoại liên tôn, tính cách đại kết Kitô giáo, tính cách công lý và hòa bình nữa. Đến nỗi, thành quả của 104 chuyến tông du khắp thế giới của ngài đó là một thế giới đổ dồn về Rôma tham dự Thánh Lễ An Táng có thể nói vô tiền khoáng hậu của vị Giáo Hoàng thứ 264 đến từ một nước Cộng sản Balan này.

 

Chưa hết, nếu vấn đề hiệp thông giáo phẩm trong Giáo Hội cũng đã được Công Đồng này đề cao và nhấn mạnh, đến nỗi đã trở thành như một tiếp nối liên tục của Công Đồng Chung Vaticanô II qua các cuộc Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới trung bình ở vào khoảng 2 năm một lần, thì một biến cố hiệp thông giáo phẩm ngoại lệ đã trực tiếp liên quan đến và ảnh hưởng tới lịch sử thế giới, đó là biến cố Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II hiệp cùng với tất cả mọi vị giám mục trên thế giới để hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ vào ngày Lễ Mẹ Thai Lời 25/3/1984, ngày kết thúc Năm Cứu Chuộc, và đúng 1 năm sau, vào tháng 3/1985, vị lãnh đạo cuối cùng của khối cộng sản liên sô xuất hiện để làm biến đổi thế giới Cộng Sản Đông Âu và Nga.

 

Hôm Thứ Tư 24/3/2004, áp ngày Lễ Mẹ Thai Lời 25/3 hằng năm, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã dùng buổi triều kiến chung hằng tuần này để nhắc lại việc Ngài hiệp thông với hàng giáo phẩm thế giới để thực hiện một việc liên quan tới vận mệnh thế giới như sau:

 

·        Tôi đặc biệt nhớ đến ngày 25/3 năm 1984, Năm Thánh Cứu Chuộc. Hai mươi năm đã qua đi từ ngày ở Quảng Trường Thánh Phêrô, hiệp nhất về tinh thần với tất cả các giám mục trên thế giới được ‘triệu tập’ trước đó, Tôi đã hiến dâng tất cả loài người cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria để đáp ứng lời yêu cầu của Đức Mẹ ở Fatima”.

 

Nếu cuối cùng, như Sách Khải Huyền tiên báo về Giáo Hội cánh chung xuất hiện như “một Giêrusalem, thành thánh, xuống từ nơi Thiên Chúa, diễm lệ như cô dâu sửa soạn nghênh đón phu quân của mình” (Rev 21:2), thì Công Đồng Chung Vaticanô II (11/10/1962-8/12/1965) chính là Công Đồng về Giáo Hội, Công Đồng chủ trương canh tân Giáo Hội để Giáo Hội trở thành “Ánh Sáng Muôn Dân” (Lumen Gentium), mang “Vui Mừng và Hy Vọng” (Gaudium et Spes) cho Thế Giới Tân Tiến, bằng “Lời Chúa” (Dei Verbum) và bằng đời sống hiệp thông Phụng Vụ Thánh (Sacrosanctum Concilium).

 

Trong 16 văn kiện (4 Hiến Chế, 9 Sắc Lệnh và 3 Tuyên Ngôn) của Công Đồng canh tân Giáo Hội này, 4 Hiến Chế có tên được kể đến ngay đoạn trên đây là trụ cột của Công Đồng. Công Đồng Chung này đã được Đức Gioan XXIII (28/10/1958-3/6/1963) khai mở, sau đó được Đức Phaolô VI (21/7/1963-6/8/1978) tiếp nối và áp dụng, để rồi cả Đức Gioan Phaolô II (16/10/1978-2/4/2005) lẫn tân Giáo Hoàng Biển Đức XVI (19/4/2005) đều minh nhiên chủ trương áp dụng Công Đồng. Căn cứ vào đường hướng của mỗi giáo triều từ Công Đồng này thì:

Giáo triều Đức Phaolô VI là giáo triều của Hiến Chế tín lý về Giáo Hội “Ánh Sáng Muôn Dân”, với thông điệp đầu tiên của ngài về Giáo Hội mang tên “Giáo Hội của Người - Ecclesiam Suam” (ban hành ngày Lễ Chúa Biến Hình 6/8/1964), đã tuyên tụng Mẹ Maria là “Mẹ Giáo Hội” trong cuộc ban hành Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium ngày 21/11/1964, và đã qua đời vào chính Lễ Chúa Biến Hình hiển sáng (bức thông điệp đầu tiên cũng vào Lễ Biến Hình hiển sáng).

Giáo triều Đức Gioan Phaolô II là giáo triều của Hiến Chế mục vụ về Giáo Hội “Vui Mừng và Hy Vọng” của “Giáo Hội trong Thế Giới Tân Tiến”, với lời kêu gọi thế giới ngay khi khai triều (22/10/1978) của mình là “Đừng sợ, hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô”, “Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần” (Thông Điệp đầu tiên ngày 4/3/1979), và đã thực hiện 104 cuộc tông du khắp thế giới để đưa con người “vượt qua ngưỡng cửa hy vọng” (nhan đề  tác phẩm về triết lý thời sự xuất bản năm 1994) là Đại Năm Thánh 2000 hầu tiến vào Ngàn Năm Thứ Ba Kitô Giáo. Ngoài ra, ngài còn là vị nghị phụ của Công Đồng Chung Vaticanô II trong ủy ban soạn thảo Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội "Vui Mừng và Hy Vọng" nữa.

Giáo triều Giáo Hoàng Biển Đức XVI là giáo triều của Hiến Chế Phụng Vụ Thánh và Lời Chúa, vì giáo triều này được bắt đầu (19/4/2005) ngay giữa Năm Thánh Thể (17/10/2004-23/10/2005), và vị giáo hoàng 265 này chẳng những đã đặt ưu tiên hàng đầu mối hiệp thông Giáo Hội (trực tiếp liên quan đến Đại Kết Kitô giáo) theo chiều hướng Thánh Thể là Bí Tích Hiệp Thông, mà còn nhận danh hiệu giáo hoàng là Biển Đức, vị Thánh Tổ Phụ của Dòng Khổ Tu Tây Phương là vị thánh chủ trương “tuyệt đối không coi gì hơn Chúa Kitô”. Ngoài ra, vị Giáo Hoàng này, với tư cách là 1 vị linh mục thần học gia trẻ thời Công Đồng đang diễn tiến, đã góp phần vào việc soạn thảo Hiến Chế Tín Lý về Lời Chúa "Dei Verbum", như ngài thừa nhận khi nói với 400 tham dự viên hội nghị quốc tế (14-18/11/2005) về chủ đề “Thánh Kinh trong Đời Sống của Giáo Hội” hôm 16/9/2005, ở sân vườn tông dinh nghỉ mát của ngài: “Hiến Chế Tín Lý ‘Lời Chúa – Dei Verbum’, một văn kiện bản thân tôi đã được chứng dự như một thần học gia trẻ trung, tham dự vào những cuộc bàn luận sống động...”

Ngày 20/4/2005, tức ngay sau ngày được bầu làm giáo hoàng, trong bài giảng cho hồng y đoàn tại Nguyện Đường Sistine, nơi mật nghị hồng y đoàn bầu giáo hoàng vừa diễn ra, vị Tân Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã công khai tuyên bố ý định của mình là tiếp tục theo đuổi Công Đồng Chung Vaticanô II cho giáo triều của ngài như sau:

 

·        Đặc biệt trước mặt của tôi là chứng từ của Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ngài để lại cho chúng ta một Giáo Hội cường tráng hơn, tư do hơn và trẻ trung hơn. Một Giáo Hội mà, theo giáo huấn và gương mẫu của ngài, bình tâm nhìn lại quá khứ và không sợ hướng đến tương lai. Qua Đại Năm Thánh 2000, Giáo Hội đã được dẫn vào ngàn năm mới, nắm trong tay Phúc Âm, Phúc Âm được áp dụng cho thế giới qua việc đọc lại một cách tường tận Công Đồng Chung Vaticanô II. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II có lý để nhấn mạnh rằng Công Đồng này như là một ‘la bàn’ được sử dụng để chúng ta lèo lái trên đại dương bao la của ngàn năm thứ ba. Trong di chúc thư thiêng liêng của mình, ngài còn nhận định là: ‘Tôi tin rằng, cho đến một thời gian rất dài, các thế hệ mới sẽ kín múc lấy từ kho tàng được công đồng của thế kỷ 20 ấy để cống hiến cho chúng ta’.

 

Cả tôi nữa, để bắt đầu việc phục vụ xứng hợp với Vị Thừa Kế Thánh Phêrô, cũng muốn mạnh mẽ xác định ý muốn cương quyết của tôi trong việc theo đuổi cuộc dấn thân thực hiện Công Đồng Chung Vaticanô II, theo các vị tiền nhiệm của tôi và trung thành tiếp nối truyền thống hai ngàn năm của Giáo Hội. Năm nay chính là năm kỷ niệm 40 năm bế mạc công đồng này (8/12/1965). Qua giòng thời gian, các văn kiện của công đồng đã không mất đi tính cách hợp thời của mình; giáo huấn của các văn kiện ấy vẫn cho thấy đặc biệt thích hợp với các nhu cầu cấp bách mới của Giáo Hội cũng như với xã hội đang được toàn cầu hóa hiện nay”.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

 

  TOP

 

   CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICANÔ II: 40 Năm Nhìn Lại - Văn Kiện và Giáo Huấn

 

16 Văn Kiện với 4 Hiến Chế (HC), 9 Sắc Lệnh (SL) và 3 Tuyên Ngôn (TN)

1963: 2 (1HC, 1SL – 4/12)

1964: 3 (1 HC, 2 SL – ngày 21/11)

1965: 11 (2HC, 6 SL và 3TN – ngày 28/10: 5; 18/11: 2; 7/12: 4)

 

4 Hiến Chế:

HC Tín Lý về Phụng Vụ Thánh Sacrocanctum Concilium (4/12/1963);

HC Tín Lý về Mạc Khải Thần Linh Dei Verbum (18/11/1965)

HC Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium (21/11/1964)

HC Mục Vụ về Giáo Hội Gaudium et Spes (7/12/1965)

 

9 Sắc Lệnh

SL về Các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội Inter Mirifica (4/12/1963)

SL về Giáo Hội Công Giáo Đông Phương Orientalium Ecclesiarum (21/11/1964)

SL về Đại Kết Kitô Giáo Unitatis Redintegratio (21/11/1964)

SL về Nhiệm Vụ Giám Mục Christus Dominus (28/10/1965)

SL về Đời Tận Hiến Perfectae Caritatis (28/10/1965)

SL về Việc Đào Luyện Linh Mục Optatem Totius (28/10/1965)

SL về Việc Tông Đồ Giáo Dân Apostolicam Actuositatem (18/11/1965)

SL về Việc Truyền Giáo Ad Gentes (7/12/1965)

SL về Thiên Chức Linh Mục Presbyterorum Ordinis (7/12/1965)

 

3 Tuyên Ngôn

TN về Giáo Dục Kitô Giáo Gravissimum Educationis (28/10/1965)

TN về Liên Tôn Nostra Aetate (28/10/1965)

TN về Tự Do Tôn Giáo Dignitatis Humanae (7/12/1965)

 

Nhìn chung, trước hết, nếu so sánh về giá trị về giáo huấn thì thứ tự cấp độ được đi từ trên xuống dưới như sau: 4 Hiến Chế, 9 Sắc Lệnh và 4 Tuyên Ngôn. Vì 4 Hiến Chế liên quan tới tín lý của Giáo Hội về những vấn đề được bàn luận, 9 Sắc Lệnh liên quan tới những áp dụng thực hành theo tín lý, và 4 Tuyên Ngôn liên quan tới chủ trương của Giáo Hội Công Giáo.

 

Sau nữa, về đối tượng của các văn kiện thì, ở cấp độ Hiến Chế có 2 về Giáo Hội, 1 về Mạc Khải và 1 về Phụng Vụ; ở cấp độ Sắc Lệnh có 1 về Giám Mục, 2 về Linh Mục, 1 về Tu Sĩ, 1 về Giáo Dân, 1 về Truyền Giáo, 1 về Truyền Thông và 2 về Đại Kết; ở cấp độ Tuyên Ngôn có 1 về Giáo Dục và 2 về Tôn Giáo.

 

Sau hết, về cốt lõi hay tụ điểm của toàn bộ văn kiện này chính là Giáo Hội, bởi thế, đối nội có Hiến Chế tín lý về Giáo Hội là “Ánh Sáng Muôn Dân”, và đối ngoại, có Hiến Chế mục vụ về Giáo Hội là “Vui Mừng Và Hy Vọng”; các văn kiện khác đều xoay chung quanh cái trục Giáo Hội vừa đối nội lẫn đối ngoại này: đối nội, Giáo Hội là “Ánh Sáng Muôn Dân” cần phải trở về với nguồn với “Lời Chúa” là Mạc Khải được ghi nhận nơi Thánh Kinh cũng như Thánh Truyền của mình, cũng như với Sự Sống Thần Linh nơi “Phụng Vụ Thánh”, đồng thời canh tân hàng ngủ đủ mọi thành phần của mình là Giám Mục, Linh Mục, Tu Sĩ, Giáo Dân, nhờ đó, Giáo Hội mới có thể trở thành “Vui Mừng và Hy Vọng” cho thế giới tân tiến, trong việc thi hành sứ vụ tông đồ nhân chứng của mình qua việc Truyền Giáo, Truyền Thông, Đại Kết, Liên Tôn và Giáo Dục.

 

Trong Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến (đoạn 19-20) ban hành ngày 10/11/1994, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tóm gọn nội dung và mối liên hệ của các văn kiện Công Đồng Chung Vaticanô II như thế này: 

 

·        Công Đồng, cho dù không bắt chước tính cách nghiêm trọng của thánh Gioan Tẩy Giả là vị trên bờ sông Dược-Đăng đã kêu gọi thống hối và cải thiện (x.Lk.3:1-7), cũng đã tỏ ra cho thấy một điều của vị tiên tri xưa, đó là, bằng một nghị lực mới, Công Đồng đã chỉ cho con người nam nữ của ngày hôm nay thấy rằng Chúa Giêsu Kitô là "Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian" (Jn.1:29), Đấng cứu chuộc nhân loại và là Chúa của lịch sử. Trong Công Đồng, theo lòng ước ao thật sự muốn hoàn toàn trung thành với thày mình, Giáo Hội đã tự vấn về căn tính riêng của mình, và đã nhận thức lại mầu nhiệm của mình là thân thể và là hiền thê của Chúa Kitô. Khiêm tốn lắng nghe lời Thiên Chúa, Giáo Hội đã tái xác nhận ơn gọi nên thánh phổ quát; đã phác họa điều khoản về việc canh tân phụng vụ là nguồn mạch và là thượng đỉnh của sinh hoạt Giáo Hội; đã thúc đẩy việc canh tân cho nhiều phương diện trong sinh hoạt của Giáo Hội, ở cả lãnh vực hoàn vũ cũng như ở các Giáo Hội địa phương; đã cố gắng khơi dậy những ơn gọi Kitô giáo khác nhau, từ những ơn gọi của người giáo dân đến những ơn gọi Tu Trì, từ sứ vụ của các thày sáu đến sứ vụ của các linh mục và giám mục; và nhất là Giáo Hội đã nhận thức lại được tính cách tập đoàn của hàng giáo phẩm, đó là một thể hiện đặc biệt của việc mục vụ được thi hành bởi các vị giám mục hiệp thông với vị thừa kế thánh Phêrô. Trên căn bản của cuộc canh tân sâu xa này, Công Đồng vươn mình đến các Kitô hữu của các giáo phái khác, với các môn đệ của các tôn giáo khác và với tất cả mọi người của thời đại chúng ta. Không có Công Đồng nào đã từng nói rõ ràng về cuộc hiệp nhất Kitô giáo, về việc đối thoại với các tôn giáo không phải là Kitô giáo, về ý nghĩa đặc biệt của cựu ước đối với dân Ích Diên, về những truyền thống văn hóa khác nhau mà trong đó Giáo Hội phải thực hiện công cuộc truyền giáo của mình, và về phương tiện truyền thông xã hội.

 

Toàn bộ giáo huấn phong phú lớn lao của Công Đồng, cùng với cung cách mới mẻ đáng phục để trình bày nội dung giáo huấn này, đã thật sự làm nên một tuyên ngôn cho những thời điểm mới. Các giáo phụ của Công Đồng đã nói bằng ngôn ngữ của Phúc Âm, ngôn ngữ của Bài Giảng trên Núi và của các Phúc Đức. Trong sứ điệp của Công Đồng, Thiên Chúa được trình bày theo chủ quyền tuyệt đối của Ngài trên tất cả mọi sự, nhưng cũng là một Đấng bảo đảm tính cách tự động chính thực của những thực tại trần thế. Bởi thế, việc sửa soạn hay nhất cho một tân thiên niên chỉ có thể được thể hiện bằng một cuộc dấn thân mới trong việc mang ra áp dụng, một cách trung thành bao nhiêu có thể, những giáo huấn của Công Đồng Chung Vaticanô II vào đời sống của mọi người cũng như vào sinh hoạt của cả Giáo Hội. Theo nghĩa rộng nhất của từ ngữ, những việc sửa soạn trực tiếp liên quan đến cuộc Đại Hỷ năm 2000 thật sự bắt đầu từ Công Đồng Chung Vaticanô II. Nếu chúng ta tìm một so sánh theo phụng vụ thì có thể nói là Mùa Vọng hằng năm là mùa có ý nghĩa sát với tinh thần của Công Đồng nhất. Vì Mùa Vọng là mùa sửa soạn cho chúng ta nghênh đón Đấng đã có, đang có và phải đến (x.Rev.4:8)”.

 

Ở đây, nếu chú ý, chúng ta thấy có một điều rất lạ như sau. Công Đồng Chung Vaticanô II được khai mở và bế mạc vào chính ngày Lễ của Mẹ Maria: Lễ Mẹ Thiên Chúa (bấy giờ) 11/10/1962 và Lễ Mẹ Vô Nhiễm 8/12/1965, nhất là được chính Đức Thánh Cha Phaolô VI tuyên nhận Mẹ là “Mẹ Giáo Hội” vào Lễ Mẹ Dâng Mình 21/11/1964, khi ban hành Hiến Chế tín lý về Giáo Hội “Ánh Sáng Muôn Dân – Lumen Gentium”, thế mà, trong 16 văn kiện bao gồm tất cả giáo thuyết hiện đại của Giáo Hội không hề có một văn kiện riêng nào về Thánh Mẫu cả.

 

Đây cũng là một dấu chứng tỏ Công Đồng Chung Vaticanô II là Công Đồng về Giáo Hội, với hai Hiến Chế chính, một về bản chất của Giáo Hội là “Ánh Sáng Muôn Dân” và một về sứ vụ của Giáo Hội trong thế giới ngày nay là “Vui Mừng và Hy Vọng”. Tuy nhiên, để được như thế, tức để sống đúng với bản chất và sứ vụ của mình, Giáo Hội phải sống như Mẹ Maria là chi thể tuyệt đẳng của mình (Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân khoản 53), ở chỗ là một Trinh Mẫu như Mẹ, tức vừa làm mẹ vừa là một trinh nữ, như chính Công Đồng đã xác nhận trong của Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân như sau :

Khi chiêm ngưỡng sự thánh thiện kỳ diệu và noi gương bác ái của Đức Maria cũng như của việc Mẹ trung thành chu toàn Thánh Ý Chúa Cha, Giáo Hội, vì trung thành lãnh nhận lời Thiên Chúa, cũng được làm mẹ. Thực vậy, nhờ việc rao giảng và ban phép rửa, Giáo Hội sinh hạ những người con được thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần và do Thiên Chúa mà sinh ra, để họ lãnh nhận một đời sống mới và bất diệt. Giáo Hội cũng là trinh nữ đã gìn giữ toàn vẹn và tinh tuyền lòng trung nghĩa đối với vị Phu Quân của mình; và noi gương Người Mẹ của Chúa mình, nhờ thần lực của Thánh Linh, Giáo Hội bảo tồn cho tinh tuyền một đức tin toàn vẹn, một đức cậy vững bền và một đức mến chân tình” (khoản 64).

 Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

TOP

 

? CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICANÔ II: 40 Năm Nhìn Lại - Thành Quả và Khủng Hoảng

 

Có thể nói, kể từ Công Đồng Chung thứ 21 này của Giáo Hội trong thế kỷ 20 của lịch sử loài người, với một lực lượng của hàng giáo phẩm 2904 nghị phụ được mời, đời sống của chung Giáo Hội cũng như của riêng Kitô hữu Công giáo đã được hoàn toàn biến đổi, đặc biệt qua 5 phương diện chính yếu và nổi bật là cử hành phụng vụ, hiệp thông giáo phẩm, đại kết Kitô giáo, đối thoại liên tôn và vai trò giáo dân.

 

Thứ nhất, về cử hành Phụng Vụ: Thánh Lễ được cử hành bằng tiếng bản xứ, thay vì tiếng Latinh; phần Phụng Vụ Lời Chúa dồi dào phong phú hơn, được chia làm 3 chu kỳ A, B, C cho Chúa Nhật và chẵn lẻ cho ngày thường; giáo dân tham dự vào việc cử hành Thánh Thể cách tích cực và chủ động hơn; chủ tế quay xuống cộng đồng Dân Chúa và có thể cử hành bằng cách đồng tế; được rước lễ bằng tay v.v.

 

Thứ hai, về hiệp thông giáo phẩm, chúng ta thấy có các cuộc Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới và các cuộc Thượng Nghị Giám Mục Châu Lục. Các khóa họp của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới đã được Đức Thánh Cha Phaolô VI đề xướng vào thời gian gần kết thúc Công Đồng Chung Vaticanô II, bằng văn kiện Apostolica Sollicitudo ban hành ngày 15-9-1965, với kỳ họp đầu tiên đã được bắt đầu từ tháng 10 năm 1967, sau Công Đồng 2 năm. Phần ĐTC GPII, từ sau Biến Cố Đông Âu, ngài bắt đầu các Thượng Nghị Giám Mục Châu Lục, từ năm 1991 sau biến cố Đông Âu sụp đổ, nhất là từ năm 1994, để sửa soạn long trọng mừng Đại Năm Thánh 2000. Cuộc Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ XI (2-23/10/2005) đã được diễn ra trong năm kỷ niệm 40 năm Công Đồng bế mạc. Ngoài ra, cũng từ Công Đồng Chung Vaticanô II, các hội đồng giám mục quốc gia cũng trở thành một cơ cấu chiíh yếu của Giáo Hội bản quốc và tích cực hoạt động mục vụ và tông đồ tại bản quốc. Chưa hết, các hội đồng giám mục chư quốc còn được Tòa Thánh tham vấn những việc chung, như trong việc thực hiện cuốn Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo từ năm 1986 đến 1992.

 

Thứ ba, về đại kết Kitô giáo, chúng ta thấy có những cuộc viếng thăm thân thiện hơn giữa nội bộ Kitô giáo với Giáo Hội Công Giáo, không còn căng thẳng hay thậm chí hận thù nhau như trước; hay có các cuộc viếng thăm trao đổi giữa Giáo Hội Chính Thống Hoàn Vũ và Giáo Hội Công Giáo vào hai ngày lễ Thánh Tông Đồ chính của mỗi Giáo Hội (Lễ Thánh Phêrô Phaolô Tông Đồ ngày 29/6 ở Vatican, và Lễ Thánh Anrê ngày 30/11 ở Contanstinople Thổ Nhĩ Kỳ); hoặc có các cuộc đối thoại đại kết giữa Công Giáo và các Giáo Hội khác, như Chính Thống Giáo, Anh Giáo, Liên Hiệp Thế Giới Luthêrô v.v., với thành quả đáng kể nhất là bản Tuyên Ngôn Chung về Tín Lý Công Chính Hóa giữa Giáo Hội Công Giáo và Liên Hiệp Thế Giới Luthêrô được ký kết tại Augsburg Đức quốc ngày 31/10/1999.

 

Thứ bốn, về đối thoại liên tôn, chúng ta thấy, nhờ nỗ lực chủ động và tích của Giáo Hội Công Giáo từ sau Công Đồng Chung Vaticanô II và theo tinh thần của Tuyên Ngôn Nostra Aetate, các tôn giáo lớn trên thế giới đã xích lại gần nhau hơn với Giáo Hội Công Giáo: điển hình nhất là các cuộc hội ngộ liên tôn Assissi cầu hòa bình thế giới trong giáo triều của Đức Gioan Phaolô II, lần nhất vào ngày 27/10/1986, lần hai ngày 9-10/1/1993, và lần ba vào ngày 24/1/2002 sau biến cố 911 ở Hoa Kỳ; riêng Do Thái Giáo, chính Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã đến viếng thăm Hội Đường Do Thái ở Rôma ngày 13/4/1984, và Đức Giáo Hoàng Biển Đức tới thăm Hội Đường Do Thái ở Đức Quốc ngày 19/8/2005; ngoài ra, Hội Đồng Tòa Thánh đặc trách về Đối Thoại còn gửi su1 dưiệp đến cho các đạo giáo khác vào những ngày lễ chính của họ, như Ấn Giáo vào Lễ Ánh Sáng đầu tháng 11 hằng năm, hay Phật Giáo vào Lễ Phật Đản hằng năm, hoặc Hồi Giáo vào Mùa Chay Tịnh Ramada hằng năm.

 

Thứ năm, về vai trò giáo dân, chúng ta thấy giáo dân chẳng những được tích cực góp phần vào việc cử hành Thánh Lễ, như đọc sách Thánh, dâng của lễ, làm thừa tác viên ngoại lệ cho rước lễ, thậm chí được chia sẻ vào chức thánh và thi hành thừa tác vụ thày sáu vĩnh viễn, mà còn được khuyến khích tham gia làm chính trị nói riêng, và các lãnh vực khác nói chung, đặc biệt lãnh vực văn hóa và truyền thông, để, về phương diện tiêu cực, hoạt động bênh vực nhân quyền, sự sống và phẩm vị con người, và về phương diện tích cực, để cổ võ văn hóa sự sống, công lý và hòa bình, nhờ đó, nhờ chứng từ của thành phần giáo dân như muối đất men bột có trực tiếp với các môi trường mà chỉ giáo dân như họ mới liên hệ được và được liên hệ, làm cho Giáo Hội hiện diện sống động và đi sâu vào lòng đời, từ đó, Thánh Thần Chúa qua Giáo Hội biến đổi và canh tân bộ mặt trái đất.  

 

Tuy nhiên, song song với các biến đổi và thành quả tích cực trên đây của Công Đồng Chung Vaticanô II và từ Công Đồng này, chúng ta cũng cảm thấy những phản ứng phụ, hết sức bất lợi và nhức nhối, chẳng khác gì như cỏ lùng được mọc lên chung với lúa (x Mt 13:30). Chẳng hạn như, 1) về phương diện phụng vụ, Thánh Lễ ngả theo chiều ngang nặng tính cách xã hội hơn theo chiều dọc có tính cách linh thiêng cao cả; 2) về phương diện hiệp thông phẩm trật, các hội đồng giám mục, ở những cường quốc, có khuynh hướng muốn tự trị, không muốn cái gì cũng phải trình báo cho Tòa Thánh, chẳng hạn như việc chuyển dịch Sách Phụng Vụ hay Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo; 3) về phương diện đại kết Kitô giáo, càng ngày tín hữu Công giáo càng bỏ Giáo Hội sang các tân giáo phái, đặc biệt đang xẩy ra ở Nam Mỹ Châu; 4) về phương diện đối thoại liên tôn, tín hữu Công giáo, thậm chí kể cả thành phần có chức thánh, các thần học gia, cũng thiên về và đề cao các phương pháp cầu nguyện của những đạo giáo Đông phương, bỏ bê hay chê những phương pháp chiêm niệm theo tu đức truyền thống của Kitô giáo, nhất là chủ trương đạo nào cũng là đạo, hòa đồng tôn giáo, đạo mình cũng chẳng khác gì đạo người; 5) về phương diện vai trò giáo dân, chúng ta thấy khuynh hướng đòi Giáo Hội phải phong chức linh mục cho nữ giới, chon am nhân có gia đình, hay ngược lại, cho linh mục được lập gia đình, những vấn đề vẫn còn sôi nổi và nóng bỏng trong Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ XI (2-21/10/2005) vừa rồi.

 

Tại sao lại Công Đồng Chung Vaticanô II là biến cố làm thay đổi nội bộ Giáo Hội và ảnh hưởng sâu xa mãnh liệt tới thế giới lại có những phản ứng phụ bất lợi như thế, đến nỗi, trở thành một cuộc khủng hoảng về đức tin, nhất là nơi thế giới Tây phương là chính thế giới Kitô giáo, một cuộc khủng hoảng chẳng những có triệu chứng khô đạo mà còn phản đạo và rối đạo nữa, ở những thứ pháp luật phi nhân bản phản luân thường đạo lý, như luật cho phép phá thai, hôn nhân đồng tính và triệt sinh an tử v.v.? Chúng ta thường nghe người ta, thường là thành phần bảo thủ, qui trách tất cả là do Công Đồng và từ Công Đồng!  Và chúng ta cũng hay thấy, nhất là từ thành phần cấp tiến, cứ muốn thay đổi những gì đã được Công Đồng qui định theo ý nghĩ chủ quan của họ, với lý lẽ biện minh là cần phải thích nghi theo ‘tinh thần’ Công Đồng này.

 

Vậy đâu là sự thật: Công Đồng Chung Vaticanô II là một Công Đồng gây tai hại cho Giáo Hội hơn là mang lại lợi ích cho Giáo Hội? Lý do là vì tinh thần quá cởi mở và vào đời của Công Đồng?

 

Để biết được chính xác vấn đề, chúng ta hãy nghe chính hai tham dự viên của Công Đồng này, một là Đức Gioan Phaolô II, và hai là đương kim Giáo Hoàng Biển Đức XVI,

 

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, trong Tông Thư Tiến Đến Ngàn Năm Thứ Ba ban hành ngày 10/11/1994, (ở đoạn 18), đã cho thấy tính cách Truyền Thống hiện đại hóa của Công Đồng như sau:

 

·        Công Đồng Chung Vaticanô II thường được coi như bắt đầu một kỷ nguyên mới trong sinh hoạt của Giáo Hội. Điều này đúng, nhưng đồng thời nó cũng khó bỏ qua sự kiện là Công Đồng đã rút tỉa rất nhiều kinh nghiệm và suy tư của một qúa khứ vừa qua, nhất là từ di sản tinh thần do Đức Piô XII để lại. Trong lịch sử của Giáo Hội, cái ‘cũ" và cái ‘mới’ luôn luôn đan kết chặt chẽ với nhau. Cái mới phát xuất từ cái cũ, và cái cũ được diễn đạt trọn vẹn nơi cái mới. Điều này đã xẩy ra với Công Đồng Chung Vaticanô II, cũng như với hoạt động của các vị giáo hoàng có liên hệ với công đồng, bắt đầu từ Đức Gioan XXIII, tiếp đến Đức Phaolô VI và Gioan-Phaolô I, cho đến vị giáo hoàng đương kim.

 

Điều mà những vị giáo hoàng này đã hoàn tất trong thời gian và từ thời gian Công Đồng, qua giáo huấn của các ngài cũng như qua hoạt động mục vụ của các ngài, chắc chắn đã đóng góp một cách đáng kể vào việc sửa soạn cho một mùa xuân mới của sinh hoạt Kitô giáo, một mùa xuân sẽ được tỏ hiện nhờ cuộc Đại Hỷ, nếu các Kitô hữu tỏ ra dễ dậy đối với tác động của Chúa Thánh Thần”.

 

Phần vị Giáo Hoàng Biển Đức XVI, vị Giáo Hoàng đã ban Ơn Toàn Xá cho ngày Lễ Mẹ Vô Nhiễm 8/12/2005, ngày kỷ niệm 40 năm bế mạc Công Đồng Chung cuối cùng trong 21 công đồng rất đặc biệt này của Giáo Hội, khi còn là vị hồng y tổng trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin, ngài cũng đã nhận định và đề nghị trong tác phẩm “The Ratzinger Report”, ấn bản Anh ngữ, do Ignatius Press xuất bản năm 1985, trang 30-31, 42-43, như sau:

 

·        Công Đồng Chung Vaticanô II, với những chính thức ban bố của mình, với những văn kiện chân thực của mình, không thể bị cho rằng phải chịu trách nhiệm về cuộc biến chuyển này, một cuộc biến chuyển, trái lại, hoàn toàn nghịch lại về cả phương diện văn từ lẫn tinh thần của các Vị Nghị Phụ Công Đồng.

 

Tôi tin rằng tình trạng thiệt hại này mà chúng ta thấy xẩy ra trong 20 năm qua (tác phẩm xuất bản sau Công Đồng này bế mạc 20 năm) không phải là do Công Đồng ‘thực sự’, mà là bởi tình trạng bung tỏa của những lực lượng ngấm ngầm tranh cãi và xa lìa trong Giáo Hội; và ngoài Giáo Hội, bởi việc đụng độ với một cuộc cách mạng về văn hóa ở Tây phương

 

Để bênh vực truyền thống thực sự của Giáo Hội ngày nay có nghĩa là bênh vực Công Đồng này. Chúng ta cũng có lỗi nữa nếu có những lúc chúng ta viện lý (dù khuynh ‘hữu’ hay khuynh ‘tả’ cũng thế) coi Công Đồng Chung Vaticanô II như là một thứ ‘ly khai’ và loại bỏ truyền thống. Trái lại, đó là một sự liên tục không cho phép trở về với quá khứ hay thừa thắng xông lên, cũng không được có những trông mong lầm lẫn hay được tỏ ra bất nhẫn vô lý. Chúng ta cần phải trung thành với cái hôm nay của Giáo Hội, chứ không phải cái hôm qua hay cái ngày mai. Và cái hôm nay của Giáo Hội là những văn kiện của Công Đồng Chung Vaticanô II, không cố thủ kẻo làm chúng bị cắn xén, cũng không độc đoán kẻo làm méo mó chúng đi”.

 

Không được quên rằng, hết mọi công đồng, trước hết, là một cuộc canh tân từ ‘thượng đỉnh’, một cuộc canh tân rồi phải được lan xuống đáy tín hữu. Có nghĩa là hết mọi công đồng, để thực sự sinh hoa kết trái, cần phải được tiếp diễn bởi một triều sóng thánh đức nữa. Điều này đã xẩy ra sau Công Đồng Chung Triđentinô, và công đồng này đã thực sự đạt được mục đích của mình vì lý do ấy. Ơn cứu độ đối với Giáo Hội xuất phát từ bên trong lòng Giáo Hội, thế nhưng như thế không có nghĩa là xuất phát từ các sắc lệnh của hàng giáo phẩm. Công Đồng Chung Vaticanô II cùng với các thành quả của công đồng này có được coi như là một giai đoạn rạng ngời của lịch sử Giáo Hội hay chăng sẽ lệ thuộc vào tất cả mọi người Công giáo là thành phần được kêu gọi để hiến cho Công Đồng sức sống. Như Đức Gioan Phaolô II đã nói trong việc ngài tưởng nhớ về Thánh Borromeo ở Milan thì ‘Giáo Hội ngày nay không cần bất cứ một tân cánh mạng gia nào. Giáo Hội cần đến những vị thánh’”.

 

 Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

 

TOP

 

 

CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICANÔ II: 40 Năm Nhìn Lại - Cảm Nhận và Kiểm Điểm

 

ĐTGM Szymanski Ramírez, 83 tuổi, vị lãnh đạo hưu trí của TGP San Luis Potosi, đã bày tỏ cảm nhận của mình vào ngày bế mạc Công Đồng Chung Vaticanô II trong cuộc phỏng vấn với mạng điện toán toàn cầu Zenit, cuộc phỏng vấn được Zenit phổ biến ngày 6/12/2005 như sau:

 

Vấn:     ĐTGM nhớ được những gì về ngày bế mạc Công Đồng Chung Vaticanô II?

 

Đáp:     Tôi nghĩ rằng những gì đã đạt được là những điều vị Giáo Hoàng hiện nay là Chân Phước Gioan XXIII đã dự tính thực hiện khi triệu tập công đồng, đó là: “Hãy mở cửa sổ Giáo Hội để khí mát lùa vào”, mặc dù có người hơi sợ rằng có những thứ khí nho nhỏ khác lọt vào nữa.

 

Giáo Hội cũng bắt đầu trở thành những tín liệu – một vấn đề mà trước đó không có, ít là ở Mễ Tây Cơ.

 

Tôi nghĩ rằng những lời này tiếp tục có hiệu lực về vị Đại Giáo Hoàng Phaolô VI hôm 7/12/1965, trong khóa họp bế mạc Công Đồng này, đó là “Tôn giáo của Vị Thiên Chúa làm người gặp gỡ tôn giáo của con người thành chúa”.

 

Vấn:     Theo ĐTGM thì việc đóng góp chính của Công Đồng này cho đời sống Giáo Hội là gì?

 

Đáp:     Chắc chắn là những bản văn kiện của công đồng này, những bản văn kiện cần phải được biết đến it1 là bởi toàn thể Giáo Hội chứ không phải chỉ có bởi các vị giám mục, linh mục và tu sĩ nam nữ mà thôi.

 

Có bao nhiêu phần tử của Giáo Hội sẽ bị rớt nếu khảo sát về việc họ hiểu biết các bản văn kiện này của công đồng – tất cả đều rất quan trọng đối với thế giới – cũng như về việc nghiên cứu sâu xa cùng áp dụng thực hành những văn kiện ấy!

 

Niềm xác tín của tôi vẫn còn hiệu lực đó là việc có những văn kiện này của Công Đồng, việc tìm hiểu sâu xa những bản văn ấy và áp dụng chúng, là một nhu cầu hiện tại, nếu chúng ta thực sự muốn có một Giáo Hội thực sự “aggiornata” (cập nhật hóa), thậm chí giờ đây còn hơn như vậy nữa. Ở Công Đồng, mặc dù có những quan đệm đối chọi nhau về một số vấn đề, tất cả đều được thực hiện theo chiều hướng yêu mến hơn nơi Kitô hữu nhất là trong Giáo Hội. Điều này đã đạt được chưa?

 

Khi bế mạc công đồng, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói: “Đó là niềm hy vọng phấn khích chúng ta ở vào lúc bế mạc Công Đồng Chung Vaticanô II này và vào lúc khởi sự cho việc canh tân về nhân bản và về đạo giáo là những gì được công đồng này đề ra để nghiên cứu và khơi lên…. như thế chúng ta hy vọng nó là để cho toàn thể nhân loại, thành phần chúng ta từng biết mến yêu và phục vụ tốt đẹp hơn”.

 

Vấn:     Những yếu tố nào của Công Đồng này chưa được thi hành trong Giáo Hội?

 

Đáp:     Tôi tin rằng đây là một câu hỏi mà mỗi một người Kitô hữu chúng ta cần phải hỏi chính mình xem những thứ phò và chống được thực hiện từ Công Đồng này.

 

Tôi nghĩ sẽ là một nỗ lực rất tích cực trong việc phát động vấn đề này nơi tất cả mọi người, và với những bản văn kiện của Công Đồng trong tay, hay coi xem những gì còn cần phải thực hiện hay đã được thực hiện một cách yếu kém.

 

Tôi chắc rằng khi nhìn vào những văn kiện ấy bằng một tinh thần kiểm điểm để hiểu được những gì đã làm, một cách tốt đẹp hay yếu kém, và những gì vẫn cần phải làm, Kitô hữu sẽ có được một chất liệu tuyệt vời để củng cố và sống niềm tin.

 

Khi con người tự hỏi mình rằng: Có đúng hay chăng để nói về một thời điểm trước và sau Công Đồng này, bằng cách bỏ qua đời sống của Giáo Hội trước công đồng? Thì câu hỏi này có một giải đáp tiêu cực, như được diễn tả bởi một thần học gia uy tín, vị không có gì là bảo thủ, đó là Urs von Balthasar, vị được Đức Gioan Phaolô II phong hồng y, đã nói: “Chúng ta cần phải đặt mình vào tâm điểm của Giáo Hội, một Giáo Hội không đổi thay và sẽ không bao giờ thay đổi về yếu tính, vì Giáo Hội là Truyền Thống sống động được hỗ trợ bởi lòng trung thành với đức tin và việc thích ứng mục vụ”.

 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ