GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ SÁU 9/12/2005

 

?   BẢN HƯỚNG DẪN “Về các Tiêu Chuẩn để Nhận Thức Ơn Gọi liên quan tới Những Người có Khuynh Hướng Đồng Tính Luyến Ái đối với Việc Chấp Nhận Họ vào Chủng Viện và truyền Thánh Chức”

?  ĐTC Biển Đức XVI với tham dự viên cuộc họp của các vị chủ tịch các Ủy Ban Gia Đình và Sự Sống của Hàng Giáo Phẩm Mỹ Châu Latinh

 

?   BẢN HƯỚNG DẪN “Về các Tiêu Chuẩn để Nhận Thức Ơn Gọi liên quan tới Những Người có Khuynh Hướng Đồng Tính Luyến Ái đối với Việc Chấp Nhận Họ vào Chủng Viện và truyền Thánh Chức”

 

Dẫn Nhập

 

Để tiếp nối giáo huấn của Công Đồng Chung Vaticanô, cách riêng của Sắc Lệnh “Optatam totius” (Công Đồng Chung Vaticanô II, sắc lệnh về việc đào luyện linh mục Optatam totius [28 October 1965]: AAS 58 [1966], 713-727) về việc đào luyện linh mục, Thánh Bộ về Giáo Dục Công Giáo đã ban hành một số văn kiện khác nhau để phát động việc đào luyện xứng hợp toàn diện cho các linh mục tương lai, bằng cách cống hiến những hướng dẫn và những tiêu chuẩn xác thực liên quan tới những khía cạnh khác nhau của thiên chức này (Cf. Thánh Bộ Giáo Dục Công Giáo, các văn kiện ban hành ngày 6/1/1970 và 19/3/1985; 20/1/1972; 11/4/1974; 2/4/1975; 22/2/ 1976; 14/7/1976; 3/6/1979; 6/1/1980; 1/11/1983; 25/1/1986; 19/3/1986; 6/1/1987; 25/3/1988; 30/12/1988; 10/11/1989; 4/11/1993; 19/3/1995; 9/10/1986 và 8/3/1996; 1/5/1998; 27/7/1992 và 2/2/1999). Trong khi đó, Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới 1990 cũng bàn đến vấn đề đào luyện linh mục trong hoàn cảnh ngày nay, với mục đích làm trọn giáo huấn của Công Đồng về đào luyện này và làm cho vấn đề ấy được rõ ràng hơn và hiệu lực hơn trong thế giới ngày nay. Sau Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới này, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã ban hành Tông Huấn Hậu Thượng Nghị “Pastores dabo vobis” (Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Post-Synodal Apostolic Exhortation "Pastores dabo vobis" [25 March 1992]: AAS 84 [1992], 657-864.).

 

Theo chiều hướng của giáo huấnh phong phú này, bản Hướng dẫn đây không có ý tập trung vào tất cả những vấn đề thuộc lãnh vực tình cảm và tình dục là những gì cần phải chuyên chú nhận thức trong suốt giai đoạn đào luyện. Trái lại, bản hướng dẫn này chứa đựng một vấn đề chuyên biệt, một vấn đề trở thành khẩn trương hơn trong tình trạng hiện nay, đó là vấn đề có nên nhận vào chủng viện và ban thánh chức cho thành phần ứng viên có những khuynh hướng sâu nặng về đồng tính luyến ái hay chăng.

 

1.         Trưởng Thành Về Tình Cảm và Vai Trò Làm Linh Phụ

 

Theo Truyền Thống liên tục của Giáo Hội, thì chỉ có người đã lãnh nhận phép rửa nam tính mới thành hiệu lãnh nhận thánh chức mà thôi (Cf. e.Le., can. 1024 and e.e.E.O., can. 754; Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông Thư "Ordinatio sacerdotalis" về Việc Truyền Chức Linh Mục Cho Nam Nhân Mà Thôi [22 May 1994]: AAS 86 [1994], 545-548). Nhờ bí tích truyền chức thánh, Thánh Linh làm cho ứng viên trở thành đồng dạng với Chúa Giêsu Kitô một cách mới mẻ và đặc biệt: về bí tích linh mục thực sự là hiện thân Chúa Kitô, Vị thủ lãnh, chủ chiên và phu quân của Giáo Hội (Cf. Công Đồng Chung Vaticanô II, sắc lệnh về thừa tác vụ và đời sống linh mục "Presbyterorum ordinis" [1 December 1965], n. 2: AAS 58 [1966], 991-993; Pastores dabo vobis, n. 16: AAS 84 [1992], 681-682.: AAS 84 [1992], 691). Bởi tính cách đồng dạng với Chúa Kitô này mà toàn thể đời sống của vị thừa tác viên thánh chức cần phải được sinh động bởi việc hiến toàn thân cho Giáo Hội cũng như bởi đức ái mục vụ chân chính (Cf. "Presbyterorum ordinis," n. 14: AAS 58 [1966], 1013-1014; "Pastores dabo vobis," n. 23: AAS 84 [1992], 691-694).

 

Bởi thế, ứng viên cho thừa tác vụ thánh chức cần phải đạt đến tầm mức trưởng thành về tình cảm. Tầm mức trưởng thành này giúp cho họ biết liên hệ một cách đứng đắn với cả nam lẫn nữ, phát triển nơi họ một cảm quan chân thực về vai trò làm cha thiêng liêng đối với cộng đồng Giáo Hội sẽ được ký thác cho họ (Cf. Thánh Bộ Giáo Sĩ, Bản Hướng Dẫn về Thứa Tác Vụ và Đời Sống Linh Mục [31 March 1994], n. 58.).

 

2.         Vấn đề đồng tính luyến ái và Thừa Tác Vụ Thánh Chức


Từ thời Công Đồng Chung Vaticanô II tới nay, đã có một số văn kiện khác nhau của Huấn Quyền, đặc biệt là cuốn Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, khẳng định giáo huấn của Giáo Hội về vấn đề đồng tính luyến ái. Cuốn Giáo Lý phân biệt giữa những hành động đồng tính với các khuynh hướng đồng tính.

 

Đối với các hành động đồng tính, Sách Giáo Lý dạy rằng Thánh Kinh coi chúng là những trọng tội. Truyền Thống liên lỉ coi chúng tự bản chất là những gì vô luân và nghịch với luật tự nhiên. Bởi thế, không thể nào chấp nhận được những hành động ấy dù ở bất cứ trường hợp nào.

 

Những khuynh hường đồng tính luyến ái sâu nặng được tỏ ra nơi một số con người nam và nữ, theo khách quan, cũng là những gì lệch lạc, và đối với những con người này, thường trở thành một cuộc thử thách. Cần phải tế nhị tôn trọng chấp nhận những con người như thế. Cần phải kiêng tránh mọi dấu hiệu tỏ ra kỳ thị một cách bất chính. Họ được kêu gọi để làm trọn ý muốn của Thiên Chúa nơi đời sống của họ và liên kết với hy tế của Thập Giá Chúa những khó khăn họ gặp phải (Cf. Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo ["editio typica,"1997], các khoản 2357-2358. Cf. cũng xin xem một số văn kiện của Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin 29 December 1975; 1 October 1986; 23 July 1992; 3 June 2003).

 

Theo chiều hướng của giáo huấn này (Cf. Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo ["editio typica," 1997], n. 2358; cf. also c.I.c., can. 208 and C.C.E.O., can. 11), phân bộ đây, hợp với Thánh Bộ Phượng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, tin rằng cần phải lên tiếng rõ ràng là Giáo Hội, trong khi hết lòng tôn trọng những con người đang có vấn đề, không thể chấp nhận vào chủng viện hay lãnh chức thánh những ai thực hành vấn đề đồng tính luyến ái, có những khuynh hướng đồng tính luyến ái sâu nặng hay ủng hộ thứ văn hóa được gọi là ‘văn hóa đồng nam tính’ (Cf. Thánh Bộ Giáo Dục Công Giáo, Bản Nhắc Nhở Các Giám Mục Tìm Kiếm Tham Vấn về Các Vấn Đề Liên Quan Tới Vấn Đề Đồng Tính Luyến Ái và Thành Phần Ứng Viên Để Nhận Vào Chủng Viện [9 July 1985]; Thánh Bộ Phụng Tự và Kỷ Luệt Bí Tích, Letter [16 May 2002]: Notitiae 38 [2002], 586.).

 

Thật vậy, những con người này thấy mình rơi vào trường hợp bị trở ngại trầm trọng trong vấn đề liên hệ một cách đứng đắn với con người nam nữ.  Người ta không thể nào được coi thường những hậu quả tiêu cực có thể xuất phát từ việc truyền chức cho những con người có các khuynh hướng đồng tính luyến ái sâu nặng.

 

Tuy nhiên, trường hợp lại khác ở nơi con người giải quyết những khuynh hướng đồng tính luyến ái, những khuynh hướng chỉ là tình trạng bộc lộ liên quan tới vấn đề chuyển tiếp – chẳng hạn, tình trạng bộc lộ của một thời thanh thiếu niên chưa được thay thế. Tuy nhiên, những khuynh hướng này cần phải được rõ ràng chế ngự tối thiểu là 3 năm trước khi lãnh chức phó tế.

 

3.         Việc Giáo Hội Nhận Thức về Tính Cách Xứng Hợp của Thành Phần Ứng Viên


Có hai yếu tố bất khả phân ly nơi mọi ơn gọi linh mục, đó là tặng ân nhưng không của Thiên Chúa và là ý thức tự do của con người. Ơn gọi là tặng ân của ơn Chúa ban, được lãnh nhận qua Giáo Hội, trong Giáo Hội và để phục vụ Giáo Hội. Đáp lại ơn gọi của Thiên Chúa, con người tự nguyện hiến mình cho Ngài trong yêu mến (Cf. "Pastores dabo vobis," nn. 35-36: AAS 84 [1992], 714-718.). Nguyên ước muốn được trở thành linh mục vẫn không đủ, và không có thứ quyền lợi lãnh nhận chức thánh. Giáo Hội – theo trách nhiệm của mình trong việc xác định những điều kiện cần thiết để lãnh nhận các bị tích do Chúa Kitô thiết lập – cần phải nhận thức được tính cách xứng hợp của con người muốn vào chủng viện (Cf. e.Le., can. 241, § 1), hỗ trợ họ trong những tháng năm được đào luyện, và chọn họ lãnh nhận thánh chức nếu họ được cho là hội đủ những phẩm tính cần thiết (Cf. "Optatam totius," n. 6: AAS 58 [1966], 717. Cf. also e.Le., can. 1029; cf. e.e.E.O., can. 758.).

 

Việc đào luyện linh mục tương lai cần phải đặc biệt ăn khớp một cách hỗ tương thực sự với nhau nơi cả 4 khía cạnh của việc đào luyện, đó là khía cạnh về nhân bản, thiêng liêng, kiến thức và mục vụ (Cf. "Pastores dabo vobis," nn. 43-59: AAS 84 [1992], 731-762.). Về vấn đề này cần phải nhấn mạnh đặc biệt tới tầm quan trọng của vấn đề đào luyện theo khía cạnh nhân bản, như là một căn bản cần thiết của toàn thể việc đào luyện (Cf. ibid., n. 43: AAS 84 [1992], 732.). Để chấp nhận một ứng viên chịu chức phó tế, Giáo Hội cần phải nắm vững một trong những vấn đề cần thiết đó là ứng viên này đã đạt tới tầm mức trưởng thành về mặt tình cảm (Cf. ibid., nn. 44 and 50: AAS 84 [1992], 733-736 và 746-748. Cf. also: Thánh Bộ Phượng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, Thư Luân Lưu [10 November 1997]: Notitiae 33 [1997], 507-518, particularly Enclosure V).

 

Lời mời gọi lãnh chức thánh là trách nhiệm riêng của vị giám mục (Cf. Thánh Bộ Giám Mục, Directory for the Pastoral Ministry of Bishops "Apostolorum Successores" (22 February 2004), n. 88) hay của vị bề trên thẩm quyền. Căn cứ vào ý kiến của những ai được ngài trao phó cho trách nhiệm đào luyện, vị giám mục hay vị bề trên thẩm quyền, trước khi chấp nhận một ứng viên lãnh chức thánh, cần phải có một phán đoán vững chắc theo luân lý về những phẩm tính của người ứng viên này. Trong trường hợp cảm thấy hết sức ngờ vực về vấn đề ấy thì ngài không được cho ứng viên ấy chịu chức (Cf. e.Le., can. 1052, § 3; Cf. also e.e.E.O., can. 770.).

 

Việc nhận thức về ơn gọi và tầm mức trưởng thành của ứng viên cũng là một nhiệm vụ hệ trọng của vị giám đốc cũng như của những người được trao phó cho công việc đào luyện ở chủng viện. Trước mỗi một lần phong chức, vị giám đốc cần phải bày tỏ phán đoán riêng của mình về những phẩm tính theo như Giáo Hội đòi hỏi nơi người ứng viên (Cf. e.Le., can. 1051).

 

Vị linh hướng cũng có nhiệm vụ quan trọng trong việc nhận thức liên quan tới tính cách xứng hợp cho việc truyền chức. Dù buộc phải bảo mật, vị linh hướng cũng là đại diện Giáo Hội trong hội đồng nội bộ. Trong cuộc bàn luận với người ứng viên, vị linh hướng cần phải đặc biệt vạch ra cho thấy những đòi hỏi của Giáo Hội liên quan tới đức thanh tịnh linh mục và sự trưởng thành về tình cảm là đặc tính của vị linh mục, cũng như giúp cho họ nhận thức được là họ có những phẩm tính cần thiết hay chăng (Cf. "Pastores dabo vobis," các khoản. 50 và 66: AAS 84 [1992], 746-748 và 772-774. Cũng xem "Ratio fundamentalis institutionis sacerdotalis," n. 48).

 

Vị linh hướng có trách nhiệm thẩm định tất cả mọi phẩm tính của nhân cách ứng viên và phải bảo đảm rằng họ không có những rắc rối trục trặc về tính chất tình dục là những gì bất tương xứng với thiên chức linh mục. Nếu ứng viên sống đời đồng tính luyến ái, hay có những khuynh hướng đồng tính luyến ái sâu nặng, vị linh hướng, cũng như vị giải tội của họ, có nhiệm vụ phải khuyên can họ theo lương tâm đừng lãnh nhận thánh chức.

 

Chính người ứng viên có trách nhiệm chính yếu đối với việc đào luyện của mình (21 Cf. "Pastores dabo vobis," n. 69: AAS 84 [1992], 778). Họ cần phải tin tưởng phó mình cho việc nhận thức của Giáo Hội, của vị giám mục kêu gọi họ đến lãnh nhận thánh chức, của vị giám đốc chủng viện, của vị linh hướng của họ cũng như của những vị giảng dạy trong chủng viện được đức giám mục hay bề trên thẩm quyền đã trao phó cho việc đào luyện linh mục tương lai. Thật là bất lương thiện khi ứng viên che giấu tính chất đồng tính luyến ái của mình để bất chấp mọi sự tiến lên lãnh nhận thánh chức. Thái độ lừa dối này không tương xứng với tinh thần chân thật, trung thành và cởi mở là những gì làm nên đặc tính của thành phần tin rằng họ được kêu gọi đến để phụng sự Chúa Kitô và Giáo Hội của Người trong thiên chức linh mục thừa tác.

 

Kết luận

 

Thánh Bộ này tái xác nhận việc các vị giám mục, các vị bề trên thẩm quyền cũng như tất cả các thẩm quyền liên hệ cần phải thi hành việc chú tâm nhận thức về tính cách xứng hợp của thành phần ứng viên thánh chức, từ khi họ nhập chủng viện cho tới khi được truyền chức. Việc nhận thức này cần phải được thi hành theo chiều hướng của quan niệm về thiên chức linh mục thừa tác là những gì hợp với giáo huấn của Giáo Hội.

 

Xin các vị giám mục, các hội đồng giám mục và các vị bề trên thẩm quyền xem xét để những qui chuẩn liên tục của bản Hướng Dẫn này được trung thành tuân giữ vì thiện ích của chính các ứng viên, và để bảo đảm rằng Giáo Hội luôn có những vị linh mục xứng đáng là những mục tử tốt lành theo lòng mong ước của Chúa Kitô.

 

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI, hôm 31/8/2005, đã phê chuẩn bản Hướng Dẫn này và truyền ban hành.

 

Tại Rôma ngày 4/11/2005, Tưởng Nhớ Thánh Charles Borromeo, Quan Thày Các Chủng Viện

 

Hồng Y Zenon Grocholewski, Tổng Trưởng

J. Michael Miller, C.S.B, TGM Hiệu Tòa Vertara, Bí Thư

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 29/11/2005

 

  TOP

 

? ĐTC Biển Đức XVI với tham dự viên cuộc họp của các vị chủ tịch các Ủy Ban Gia Đình và Sự Sống của Hàng Giáo Phẩm Mỹ Châu Latinh

 

Hôm Thứ Bảy 3/12/2005, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã tiếp thành phần tham dự viên cuộc họp của các vị chủ tịch Chư Ủy Ban Gia Đình và Sự Sống của Hàng Giáo Phẩm Mỹ Châu Latinh, một cuộc họp được Hội Đồng Tòa Thánh về Gia Đình tổ chức ở Vatican. Sau đây là những ý tưởng tiêu biểu của ngài:

 

Ngài trước hết nhắc đến mối quan tâm của Đức Gioan Phaolô II đối với gia đình và khẳng định là “về phần mình, tôi cũng có cùng một mối quan tâm này, mối quan tâm liên quan rộng rãi tới tương lai của Giáo Hội cũng như của các dân tộc”.

 

“Là các vị mục tử, nhiệm vụ của quí huynh là trình bày cho thấy giá trị đặc biệt của hôn nhân với tất cả tính chất phong phú của nó; là một cơ cấu tự nhiên, nó là ‘gia sản của nhân loại’. Đồng thời, cần phải biết ơn và lạ lùng chiêm ngưỡng việc nó được thăng hóa lên phẩm vị cao cả của một Bí Tích, như chính tôi mới đây đã cho thấy khi nói rằng ‘giá trị của Bí Tích được hôn nhân mặc lấy trong Chúa Kitô là ở chỗ tặng ân của việc tạo thành đã được nâng lên bậc ân sủng của việc cứu chuộc. Ân sủng của Chúa Kitô không phải là những gì ngoại tại với bản tính của con người, nó chẳng gây thiệt hại gì cho bản tính này hết, thế nhưng, trong việc thăng hóa nó vượt lên trên giới hạn của nó, ân sủng của Người giải thoát nó và phục hồi nó vậy”.  

 

Việc hoàn toàn dấn thân của vợ chồng, “với những đặc tính đặc biệt của nó là độc nhất, trung thành, bền bỉ qua thời gian và hướng tới sự sống, là nền tảng của hôn nhân, cộng đồng yêu thương và sự sống. Ngày nay, chúng ta cần phải lấy lại lòng nhiệt thành trong việc loan truyền rằng phúc âm về gia đình là con đường dẫn đến chỗ hoàn trọn nhân bản và tâm linh, với niềm xác tín rằng Chúa luôn hiện diện, qua ân sủng của Ngài”.

 

“Nơi lãnh vực sự sống có những thái độ mới đang đặt lại vấn đề quyền lợi nền tảng này…. Việc loại trừ đi phôi thai bào đang trở nên thuận lợi dễ dàng, khi nó được sử dụng nhân danh tiến bộ khoa học, một tiến bộ không công nhận giới hạn của mình và không chấp nhận tất cả những nguyên tắc về luân lý là những gì giúp bảo vệ phẩm giá con người, một tiến bộ trở thành một mối đe dọa cho chính hữu thể của con người”.

 

Ở Châu Mỹ Latinh, cũng như ở các nơi khác, trẻ em có quyền được sinh vào đời và lớn lên trong lòng của một gia đình được xây dựng trên hôn nhân. Vì lý do ấy, cần phải giúp cho mọi người nhận thức được cái sự dữ tự bản chất của thứ tội ác phá thai, một thứ tội ác, trong việc tấn công sự sống của con người ngay từ đầu, cũng là một hành động tấn công chính xã hội nữa. Bởi thế mà thành phần chính trị gia và lập pháp gia, với tư cách là những người tôi tớ của thiện ích xã hội, có nhiệm vụ bênh vực quyền sống căn bản là hoa trái của tình yêu Thiên Chúa”. 

 

“Chắc chắn là hoạt động mục vụ trong một lãnh vực tinh tế và phức tạp như thế bao gồm rất nhiều luật phép khác nhau, và việc giải quyết những vấn đề nồng cốt như vậy, đòi phải được kỹ lưỡng huấn luyện” cho những ai hành sự, cũng như cho thành phần giáo dân là những người “hiến nghị lực để phục vụ các gia đình”.

 

Sau hết, ĐTC cũng nhắc đến Cuộc Họp Thế Giới Các Gia Đình sẽ được tổ chức ở Valencia Tây Ban Nha vào tháng 7/2006 về đề tài “Việc Truyền Đạt Đức Tin Trong Gia Đình”.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo VIS ngày 5/12/2005

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ