GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 1/2005

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho tất cả những ai đang hoạt động tại Trung Đông biết dấn thân hơn nữa trong việc xây dựng hòa bình”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho những nơi truyền giáo được tăng thêm những vị thừa sai thánh đức và biết quảng đại dấn thân loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô cho tất cả mọi người”.  

 

__________________

 NGÀY 11 THỨ BA

 

ĐTC GPII với phái đoàn lãnh sự chư quốc thế giới bang giao với Tòa Thánh về hiện tình thế giới

Theo thông lệ hằng năm, thường vào tuần lễ thứ hai của tân niên, (năm 2002 vào ngày Thứ Hai mùng 10/1, năm 2003 vào ngày Thứ Hai 13/1/2003, năm 2004 vào ngày Thứ Hai 12/1, và năm 2005 này vào Thứ Hai 10/1). Phái Đoàn Ngoại Giao Các Nước Tại Tòa Thánh đến chúc xuân ĐTC GPII, vị thủ lãnh của Quốc Đô Vatican, và được Ngài chúc lại.

Từ khi ĐTC GPII bắt đầu giáo triều của mình năm 1978, Tòa Thánh mơớ bang giao với 85 quốc gia, cho tới nay đã lên đến 174 nước. Hai nước cuối cùng thiết lập bang giao với Tòa Thánh vào năm 2002 đó là tân cộng hòa Đông Timor và tiểu vương quốc Ả Rập Qatar. Trong số phái đoàn ngoại giao hôm nay, có vị lãnh sự của Liên Bang Nga chưa hoàn toàn thiết lập bang giao, và vị giám đốc của văn phòng đại diện Tổ Chức Giải Phóng Palestine.

Như mọi năm, ĐTC đã cùng họ ôn lại tổng quan Tình Hình Thế Giới trong một năm qua, nhưng bao giờ Ngài cũng nêu lên nhận định của mình về tình hình thế giới này và kêu gọi cộng đồng thế giới cùng nhau xây dựng hòa bình theo tinh thần và chiều hướng của Sứ Điệp Hòa Bình đầu năm của Ngài. Sau đây là nguyên văn bài diễn từ đầu năm của ngài với phái đoàn ngoại giao chư quốc với Quốc Đô Vatican.

Thưa các Vị Lãnh Sự,
Quí Bà và Quí Ông,

1. Cái niềm vui trầm lắng đánh dấu mùa thời gian Giáo Hội đang sống lại mầu nhiệm hạ sinh của Đấng Emmanuel cũng như mầu nhiệm về gia đình khiêm hạ của Người ở Nazarét, là một phần đáng kể của cuộc gặp gỡ này, cuộc gặp gỡ hằng năm giữa tôi và quí vị, những tôn vị Lãnh Sự và các phần tử của ngoại giao đoàn được ủy nhiệm làm việc với Tòa Thánh. Trong việc tụ họp nơi đây hôm nay, quí vị, một cách nào đó, thể hiện đại gia đình Chư Quốc.

Cuộc gặp gỡ đầy vui mừng và mong đợi lâu dài này được mở đầu bằng những lời vị Niên Trưởng của quí vị là Giáo Sư Giovanni Galassi, Lãnh Sự nước San Marino, chúc mừng tốt đẹp, trân trọng và cảm mến đối với việc quan tâm đến toàn cầu của tôi. Tôi cám ơn những lời lẽ tốt đẹp của ông và đáp lại tôi cũng nguyện chúc cho tất cả quí vị cũng như gia đình thân yêu của quí vị được an bình và hoan lạc, cho đất nước quí vị là đại diện được hòa bình và thịnh vượng.

Tôi đặc biệt gửi lời chào mừng và nguyện chúc tốt đẹp tới 37 vị Lãnh Sự bắt đầu sứ vụ của mình tại Tòa Thánh Phêrô trong năm qua cũng như tới các phần tử thuộc gia đình của các vị lãnh sự ấy.

2. Những cảm tình vui mừng này, tiếc thay, bị che phủ bởi tai ương khủng khiếp xẩy ra vào ngày 26/12 là những gì đã giáng họa xuống cho những quốc gia khác nhau ở Đông Nam Á, kéo dài tới cả những miền duyên hải ở Đông Phi Châu. Nó làm cho năm vừa qua đi đây một kết thúc đớn đau: một năm còn bị hoạn nạn bởi những tai họa thiên nhiên khác nữa, như những cơn lốc tàn hại ở Ấn Độ Dương và Antilles, và nạn châu chấu đã làm hoan tàn những miền rộng lớn ở miền Tây Bắc Phi Châu. Những thảm trạng khác cũng giáng xuôág trên năm 2004, như các hành động khủng bố dã man đẫm máu ở Iraq và các quốc gia khác trên thế giới, cuộc tấn công tàn bạo ở Ma Ní (Tây Ban Nha), cuộc khủng bố tàn sát ở Beslan (Nga), những hành động bạo lực phi nhân bản hành hạ nhân dân ở Darfur (Sudan), những hành động hung dữ tàn bạo diễn ra ở vùng Đại Hồ ở Phi Châu.

Những biến cố này đã gây ra rất nhiều sầu thương và buồn khổ, và chúng ta cảm thấy một mối quan tâm thảm thiết cho tương lai của nhân loại, phải chăng vì sự kiện là từ cái nôi ở Bêlem chúng ta đã nhận được một sứ điệp, vừa thần linh lẫn nhân loại, về sự sống cũng như về một niềm hy vọng vững chắc hơn, ở chỗ, nơi Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã đến thế gian làm anh em của hết mọi con người nam nữ, và sống bên chúng ta, chính Thiên Chúa đã xin chúng ta đừng thất đảm, nhưng hãy thắng vượt hết mọi khó khăn, dù có to tát đến đâu chăng nữa, bằng việc củng cố những mối liên hệ chung của nhân loại chúng ta và bằng việc làm cho những mối liên hệ ấy quan hệ hơn tất cả mọi quan tâm khác.

3. Việc hiện diện của quí vị nơi đây, với tư cách là những vị đại diện cho hầu hết các dân tộc trên trái đất này, hiện ngay lên trước mắt chúng ta một hoạt cảnh cả thể về nhân loại với những vấn đề trầm trọng và rắc rối của nó, cũng như với các niềm hy vọng vĩ đại và không nản lòng của nó. Giáo Hội Công Giáo, vì bản chất đại đồng của mình, bao giờ cũng trực tiếp dấn thân cho những lý tưởng lớn lao được con người nam nữ thuộc thời đại chúng ta tranh đấu và hy vọng. Giáo Hội không coi mình là một kẻ xa lạ với dân tộc nào, vì bất cứ nơi nào có Kitô hữu thì toàn thân của Giáo Hội được kêu gọi nhập cuộc; thật vậy, bất cứ nơi đâu có một cá nhân nào, chúng ta đều cảm thấy một mối liên hệ về huynh đệ. Bằng việc hiện diện của mình cũng như bằng mối quan tâm về tương lai của con người nam nữ ở khắp nơi, Tòa Thánh biết rằng Tòa Thánh có thể tin tưởng vào Quí Vị Lãnh Sự trong việc cống hiến một dịch vụ quan trọng, vì nó chính là sứ vụ của các nhà ngoại giao trong việc cần phải trổi vượt lên trên các biên giới và đem các dân tộc cùng chính quyền lại với nhau trong niềm mong ước hợp tác một cách hòa hợp, trong sự cẩn thận tôn trọng các khả năng của nhau, nhưng đồng thời cũng trong việc tìm cầu cho một công ích cao cả hơn.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL chuyển dịch từ
http://www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/speeches/index_spe-dip-corps.htm


(còn tiếp)

 

“Được kêu gọi để thả lưới ở chỗ nước sâu”

 (ĐTC GPII: Sứ Điệp cho Ngày Thế Giới Nguyện Cầu Ơn Gọi lần 42 Năm 2005)

 

Vào năm 1964, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã thiết lập Ngày Thế Giới Nguyện Cầu Ơn Gọi hằng năm, cũng như Ngày Thế Giới Hòa Bình hằng năm (được bắt đầu từ năm 1968 vào ngày đầu năm Dương lịch). Ngày Thế Giới Nguyện Cầu Ơn Gọi 2005 sẽ là ngày 17/4, Chúa Nhật Thứ Tư Mùa Phục Sinh cũng gọi là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành. Theo truyền thống của ngày này, cũng như của các ngày khác, như Ngày Thế Giới Truyền Giáo, Ngày Thế Giới Truyền Thông v.v., ĐTC GPII, từ ngày lên làm Giáo Hoàng đến nay, đã không bỏ một năm nào mà không gửi sứ điệp cho từng ngày đặc biệt ấy.

 

Hai năm mới đây, ý tưởng chính của sứ điệp cho Ngày Nguyện Cầu Ơn Gọi này là Lý Tưởng Phục Vụ (2003) và Xin chủ sai thợ đến làm mùa (2004). Chủ đề năm nay là “được kêu gọi để thả lưới ở chỗ nước sâu”, ý tưởng nồng cốt của Tông Thư Mở Màn Cho Một Tân Thiên Niên Kỷ (ban hành ngày Lễ Hiển Linh 6/1/2001 để bế mạc Đại Năm Thánh 2000), và cũng là ý hướng của ĐTC GPII muốn Giáo Hội sống trong ngàn năm thứ 3 Kitô giáo. Sau đây là nguyên văn sứ điệp cho Ngày Nguyện Cầu Ơn Gọi 2005 của ngài.

 

Chư Huynh đáng kính trong Hàng Giáo Phẩm,

Anh Chị Em rất thân mến!

 

1.         "Duc in altum!" – “hãy thả lưới ở chỗ nước sâu!”. Mở đầu cho bức Tông Thư Novo millennio ineunte – Vào lúc khởi đầu cho một tân thiên niên kỷ, tôi đã trích lại những lời Chúa Giêsu sử dụng để khuyến khích các môn đệ đầu tiên của Người trong việc thả lưới sâu hơn để bắt cá, một việc đã mang lại một mẻ cá lạ lùng. Chúa Giêsu nói với tông đồ Phêrô rằng: "Duc in altum – Hãy thả lưới ở chỗ nước sâu” (Lk 5:4). “Phêrô và những người đồng bạn đầu tiên đã tin tưởng vào những lời của Chúa Kitô mà thả lưới” (Novo millennio ineunte, 1).

 

Cảnh Phúc Âm quá quen thuộc này có thể được sử dụng như là một bối cảnh cho Ngày Thế Giới Nguyện Cầu Ơn Gọi theo chủ đề “được kêu gọi để thả lưới ở chỗ nước sâu”. Đây là một dịp đặc biệt để suy nghĩ về ơn gọi theo Chúa Kitô, nhất là theo Người trong đời sống linh mục và tận hiến tu trì.

2.         "Duc in altum!" Mệnh lệnh này của Chúa Kitô đặc biệt liên hệ với thời đại của chúng ta, khi mà đang có một tâm thức phổ thông, khi đối diện với những thứ khó khăn, ưa chuộng những gì dễ dãi cho bản thân. Điều kiện đầu tiên để “thả lưới ở chỗ nước sâu” đó là vun trồng một tinh thần cầu nguyện sâu xa được nuôi dưỡng bằng việc hằng ngày lắng nghe Lời Chúa. Tính cách chân thực của đời sống Kitô hữu được đo lường bằng sự sâu xa nguyện cầu của họ, một nghệ thuật cần phải được khiêm tốn học hỏi “từ môi miệng của Vị Tôn Sư Thần Linh”, van nài “như những người môn đệ đầu tiên rằng ‘Lạy Thày, xin dạy chúng con cầu nguyện!’ (Lk 11:1). Trong việc nguyện cầu diễn ra một cuộc đối thoại với Chúa Kitô và cuộc đối thoại này làm cho chúng ta trở thành những người bạn thân tình của Người: ‘Các con hãy ở trong Thày và Thày ở trong các con’ (Jn 15:4)” (Novo millennio ineunte, 32).

Mối liên hệ với Chúa Kitô bằng việc nguyện cầu cũng giúp cho chúng ta ý thức được rằng Người cũng hiện diện cả trong những lúc có vẻ thua bại, khi nỗ lực liên lỉ dường như vô bổ, như đã xẩy ra cho chính các Vị Tông Đồ, những người vất vả thâu đêm mà vẫn kêu lên: “Lạy Thày, chúng tôi chẳng bắt được gì cả” (Lk 5:5). Đặc biệt là trong những lúc ấy người ta cần phải mở lòng ra hứng nhận muôn vàn ân sủng và để cho lời của Đấng Cứu Thế tác động với tất cả quyền lực của mình: "Duc in altum!" (cfr Novo millennio ineunte, 38).

3.         Ai mở lòng mình ra cho Chúa Kitô thì chẳng những hiểu được mầu nhiệm của việc họ hiện hữu mà còn cả mầu nhiệm ơn gọi của họ nữa; họ sẽ trổ sinh muôn vàn hoa trái ân sủng. Hoa trái đầu tiên sẽ là việc họ lớn lên trong thánh đức, theo tiến trình của cuộc hành trình thiêng liêng được bắt đầu từ tặng ân của Phép Rửa và tiếp tục cho tới tầm mức thành toàn của đức mến trọn hảo (cfr. Ibid., 30). Sống Phúc Âm một cách nguyên vẹn, Kitô hữu bao giờ cũng tăng triển khả năng yêu thương như Chúa Kitô đã yêu thương, và đáp ứng lời kêu gọi của Chúa Kitô: “Bởi thế, các con phải nên trọn lành như Cha của các con trên trời là Đấng trọn lành” (Mt 5:48). Họ sẽ dấn thân bảo trì mối hiệp nhất với an hem họ trong mối hiệp thông của Giáo Hội, và họ sẽ dấn thân phục vụ việc tân truyền bá phúc âm hóa, loan truyền và làm chứng cho sự thật tuyệt vời về tình yêu cứu độ của Thiên Chúa.

4.         Thanh thiếu niên và giới trẻ thân mến, tôi đặc biệt lập lại với các bạn lời Chúa Kitô mời gọi “hãy thả lưới ở chỗ nước sâu”. Các bạn cảm thấy mình cần phải thực hiện những quyết định quan trọng cho tương lai của các bạn. Tôi vẫn ấp ủ trong lòng tôi hồi niệm về nhiều cơ hội trong nhiều năm trời đã được gặp gỡ giới trẻ, thành phần giờ đây đã trở thành người lớn, một số trong họ có lẽ đã là cha mẹ của các bạn, hay là những linh mục hoặc tu sĩ, những bậc thày dạy đức tin của các bạn. Tôi đã thấy họ, hân hoan vui sướng như giới trẻ thực sự, nhưng cũng tỏ ra suy tư, vì họ cảm thức được một niềm ước mong làm sao cho đời sống của họ được hoàn toàn có ‘ý nghĩa’. Tôi càng ngày càng thấy được hơn nữa nơi giới trẻ cái hấp lực mạnh mẽ biết bao trước những thứ giá trị về tinh thần, và niềm mong ước chân tình biết mấy muốn sống thánh đức. Giới trẻ cần Chúa Kitô, thế nhưng họ cũng biết rằng Chúa Kitô cũng tỏ ra cần đến họ nữa.

Giới trẻ nam nữ thân mến! Các bạn hãy tin tưởng Chúa Kitô; hãy chăm chú lắng nghe những giáo huấn của Người, hãy gắn mắt vào dung nhan của Người, hãy kiên tâm lắng nghe Lời của Người. Các bạn hãy để Người là tâm điểm của việc các bạn tìm kiếm và khát mong, củ atất cả mọi lý tưởng của các bạn cũng như của các ước mong trong lòng các bạn.

5.         Giờ đây tôi hướng về anh chị em, những người làm cha mẹ và những nhà giáo dục Kitô giáo thân mến, về những linh mục, tu sĩ và giáo lý viên thân mến. Thiên Chúa đã ký thác cho anh chị em công việc đặc biệt hướng dẫn giới trẻ trên con đường thánh đức. Anh chị em hãy làm gương sáng cho chúng trong việc quảng đại trung thành với Chúa Kitô. Anh chị em hãy khuyến khích chúng hăng hái “thả lưới ở chỗ nước sâu”, nhiệt tình đáp lời mời gọi của Chúa. Một số được Người gọi sống đời gia đình, những người khác sống đời tận hiến tu trì hay đời linh mục thừa tác. Anh chị em hãy giúp chúng nhận thức được con đường của chúngï, trở thành những người bạn đích thực của Chúa Kitô và trở nên môn đệ chân thực của Người. Khi những con người thành nhân Kitô giáo chứng tỏ mình có khả năng bày tỏ dung nhan của Chúa Kitô qua lời nói và gương sáng của họ, thì giới trẻ mới dễ dàng sẵn sàng đón nhận sứ điệp gay go thách đố của Người thực sự có ghi ấn tín mầu nhiệm Thập Giá.

Anh chị em đừng quên rằng cả ngày nay nữa vẫn cần đến những vị linh mục thánh thiện, những con người hoàn toàn hiến thân phụng sự Thiên Chúa! Ý thức như thế, tôi muốn lập lại một lần nữa rằng: “Rất cần phải áp dụng một chương trình rộng lớn để cổ võ ơn kêu gọi, bằng việc liên lạc riêng tư, bao gồm các giáo xứ, học đường và gia đình trong nỗ lực nuôi dưỡng ý nghĩ thận trọng hơn về các thứ giá trị thiết yếu của đời sống. Những giá trị này tiến đến chỗ trọn vẹn của mình nơi việc đáp ứng của con người được mời gọi đối với tiếng gọi của Thiên Chúa, nhất là khi tiếng gọi ấy bao hàm việc hoàn toàn trao tặng bản thân mình cùng sinh lực của mình cho Nước Trời” (Novo millennio ineunte, 46).

Hỡi giới trẻ, tôi lập lại lời của Chúa Giêsu với các bạn: “Duc in altum!”. Trong việc đề ra cho các bạn một lần nữa lời huấn dụ của Người, tôi đồng thời cũng nghĩ đến những lời mà Mẹ Maria, Mẹ Người, đã nói cùng thành phần phục dịch tiệc cưới Cana ở Galilêa: “Các anh hãy làm những gì Người bảo” (Jn 2:5). Giới trẻ thân mến, Chúa Kitô đang xin các bạn hãy “thả lưới ở chỗ nước sâu” và Trinh Nữ Maria đang khuyến khích các bạn đừng ngại ngần tiến bước theo Người.

6.         Chớ gì lời thiết tha nguyện cầu, được nâng đỡ bởi việc chuyển cầu từ mẫu của Mẹ Maria, từ khắp nơi trên thế giới dâng lên Cha trên trời để xin Ngài sai “thợ đến làm mùa của Ngài” (Mt 9:38). Chớ gì Ngài gửi tới cho hết mọi phần thuộc đàn chiên của Ngài những vị linh mục nhiệt thành và thánh hảo. Với ý thức ấy, chúng ta hãy hướng về Chúa Kitô, Vị Linh Mục Thượng Phẩm, để lại tin tưởng nguyện cầu cùng Người rằng:

Lạy Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa,

Đấng chất chứa trọn vẹn Thần Tính,

Chúa kêu gọi tất cả mọi người đã lãnh nhận phép rửa “hãy thả lưới ở chỗ nước sâu”,

Bằng việc đi vào con đường dẫn đến thánh đức.

Xin Chúa hãy làm bừng lên nơi tâm can của giới trẻ lòng ước muốn

Trở thành những nhân chứng trong thế giới ngày nay

Cho quyền năng của tình yêu Chúa.

Xin Chúa hãy làm cho họ được tràn đầy Thần Linh dũng lực và khôn ngoan của Chúa.

Để họ có thể khám phá được tất cả sự thật

Về họ cũng như về ơn gọi của họ.

 

Lạy Đấng Cứu Thế của chúng con,

Đấng được Cha sai đến để mạc khải tình yêu nhân hậu của Ngài ra,

Xin Chúa ban cho Giáo Hội của Chúa tặng ân

Giới trẻ là thành phần sẵn sàng thả lưới ở chỗ nước sâu,

Trở thành dấu chỉ giữa anh em của họ

Việc hiện diên canh tân và cứu độ của Chúa.

 

Hỡi Trinh Nữ Thánh là Mẹ Chúa Cứu Thế,

Là vị hướng đạo lành nghề dẫn đường tới Thiên Chúa và tha nhân,

Mẹ đã suy niệm lời của Ngài trong thẳm cung tâm hồn Mẹ,

Xin hãy bảo trì bằng việc chuyển cầu từ mẫu của Mẹ

Gia đình của chúng con và các cộng đồng giáo hội của chúng con,

Để họ có thể giúp cho thanh thiếu niên và giới trẻ

Quảng đại đáp lại tiếng Chúa kêu gọi.

Amen.

 

Tại Castel Gandolfo ngày 11/8/2004

 

Gioan Phaolô II

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ

http://www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/messages/vocations/documents/hf_jp-ii_mes_20040811_xlii-voc-2005_en.html

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ