GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 1/2005

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho tất cả những ai đang hoạt động tại Trung Đông biết dấn thân hơn nữa trong việc xây dựng hòa bình”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho những nơi truyền giáo được tăng thêm những vị thừa sai thánh đức và biết quảng đại dấn thân loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô cho tất cả mọi người”.  

 

__________________

 NGÀY 13 THỨ NĂM, NGÀY THÁNH THỂ

TRONG NĂM THÁNH THỂ

 

 

THÁNH THỂ LÀ CỬ HÀNH VINH HIỂN THẦN LINH

ĐTCGPII giảng dạy Giáo Lý trong Đại Năm Thánh 2000, bài 24, Thứ Tư 27/9/2000

1.         Theo chương trình được phác họa trong Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến Tertio Millennio Adveniente, Năm Mừng Kỷ Niệm này, năm long trọng cử hành biến cố Nhập Thể, phải là một năm “nặng về Thánh Thể” (số 55). Bởi thế, sau khi ngắm nhìn vinh quang của Chúa Ba Ngôi tỏa chiếu trên đường nẻo của con người, chúng ta hãy bắt đầu tiến đến phần giáo lý về việc cử hành vinh quang thần linh cao cả dù thấp hạ là Thánh Thể. Cao cả, vì Thánh Thể là việc Chúa Kitô hiện diện được thực sự thể hiện giữa chúng ta “mãi mãi cho đến tận thế” (Mt 28:20); thấp hạ, vì Thánh Thể được trao ban cho thành phần đơn thành, vì là những hình thức bánh rượu thường ngày, vì là thứ của ăn của uống thông thường nơi mảnh đất của Chúa Giêsu cũng như của nhiều phần đất khác. Nơi thứ bổ dưỡng thường ngày này, Thánh Thể mang lại chẳng những hứa hẹn mà còn “bảo chứng” cho vinh quang mai hậu nữa: “futurae gloriae nobis pignus datur” (Thánh Tôma Aquina, Officium de festo corporis Christi). Để thấu hiểu được tính cách cao cả của mầu nhiệm Thánh Thể, hôm nay chúng ta hãy suy niệm đề tài về vinh quang thần linh cũng như về tác động của Thiên Chúa trong thế giới, một thứ vinh quang và tác động hiện nay đang được tỏ lộ qua những biến cố cứu độ cao cả, một thứ vinh quang và tác động hiện nay đang được khuất kín dưới những hình thức thấp hạ mà chỉ có con mắt đức tin mới thấy được.

2.         Trong Cựu Ước, từ ngữ kabód của tiếng Do Thái nói lên việc tỏ hiện của vinh quang thần linh cũng như việc hiện diện của Thiên Chúa trong lịch sử cùng thiên nhiên vạn vật. Vinh quang Chúa đã chiếu tỏa trên đỉnh núi Sinai, nơi mạc khải Lời thần linh (x Ex 24:16). Vinh quang Chúa hiện diện nơi lều thánh cũng như trong phụng vụ của Dân Chúa qua cuộc lữ hành nơi sa mạc của họ (x Lv 9:23). Vinh quang Chúa tràn ngập đền thờ, vị trí mà theo tác giả Thánh Vịnh nói đó là “nơi vinh quang Ngài ngự trị” (Ps 26:8). Vinh quang Chúa bao phủ toàn dân Chúa chọn như một chiếc áo choàng bằng ánh sáng (x Is 60:1), ở chỗ, theo lời của chính Thánh Phaolô, “họ là Dân Yến Duyên, thành phần chiếm được ơn làm nghĩa tử, vinh quang và các giao ước” (Rm 9:4).

3.         Vinh quang thần linh này, một vinh quang thần linh được bộc lộ cho dân Yến Duyên cách đặc biệt, đang hiện diện trên toàn thế giới, như tiên tri Isaia đã nghe thấy thần Seraphim loan báo vào lúc lãnh nhận ơn gọi của mình: “Chúa các đạo binh là thánh, thánh, thánh; toàn thể trái đất đầy vinh quang Ngài” (Is 6:3). Thật vậy, Chúa đã tỏ vinh quang của Ngài ra cho tất cả mọi dân nước, như chúng ta đọc thấy trong Thánh Vịnh: “Tất cả mọi dân nước được thấy vinh quang của Ngài” (Ps 97:6). Bởi thế, việc chiếu tỏa ánh sáng vinh quang là một việc làm phổ cập, để tất cả loài người có thể nhận ra việc thần linh hiện diện trong vũ trụ. Việc chiếu tỏa ánh sáng vinh quang này được nên trọn đặc biệt nơi Chúa Kitô, vì Người “phản ánh vinh quang” của Thiên Chúa (Heb 1:3). Việc chiếu tỏa vinh quang ấy cũng được nên trọn nơi các việc Người làm, như Thánh Ký Gioan đã chứng thực qua dấu lạ ở Cana: Chúa Kitô “đã tỏ vinh quang của Người ra làm cho các môn đệ tin tưởng vào Người” (Jn 2:11). Người cũng chiếu tỏa vinh quang thần linh ra qua lời thần linh của Người nữa: “Con đã ban cho họ lời của Cha, Chúa Giêsu thưa cùng Chúa Cha, “vinh quang Cha đã ban cho Con thì Con cũng đã ban cho họ” (Jn 17:14, 22). Chính yếu hơn nữa, Người tỏ lộ vinh quang thần linh qua nhân tính Người mặc lấy khi Nhập Thể: “Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta, đầy ân sủng và chân lý; chúng ta được thấy vinh hiển của Người, vinh hiển của Người Con duy nhất đến từ Cha” (Jn 1:14).

4.         Việc vinh quang thần linh tỏ hiện trên thế gian đạt đến tột đỉnh của mình nơi biến cố Phục Sinh, một biến cố được riêng các bản văn của Thánh Gioan và Phaolô cho là Chúa Kitô vinh hiển ngự bên hữu Chúa Cha (x Jn 12:23, 13:31, 17:1; Phil 2:6-11; Col 3:1; 1Tím 3:16). Mà mầu nhiệm vượt qua, một mầu nhiệm “Thiên Chúa hoàn toàn được vinh hiển” (Hiến Chế về Phụng Vụ Sacrosanctum Concilium, 7), được kéo dài nơi hy tế Thánh Thể, một tưởng niệm cuộc tử nạn và phục sinh Chúa Kitô đã được ký thác cho Giáo Hội, Hiền Thê dấu yêu của Người (x cùng nguồn vừa dẫn, 47). Bằng lời truyền “các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thày” (Lk 22:19), Chúa Giêsu muốn bảo đảm việc hiện hữu của vinh quang vượt qua của Người nơi tất cả mọi cuộc cử hành Thánh Thể sẽ đánh dấu giòng lịch sử nhân loại. “Nhờ Bí Tích Thánh Thể, biến cố Vượt Qua của Chúa Kitô lan ra khắp Giáo Hội... Bằng việc rước Mình Máu Thánh Chúa Kitô, tín hữu lớn lên trong việc được thần linh hóa một cách nhiệm mầu, một việc thần linh hóa Thánh Linh làm cho họ ở trong Người Con như là những người con cái của Chúa Cha” (Gioan Phaolô II và Moran Mar Ignatius Zakka I Iwas, Joint Declaration, 23/6/1984, số 6: Enchiridion Vaticanum, 9, 842).

5.         Ngày nay chúng ta đã có được một cuộc cử hành tuyệt vời nhất vinh quang thần linh trong phụng vụ: “Vì cuộc tử nạn của Chúa Kitô trên Thập Giá và cuộc phục sinh của Người làm nên những gì thuộc sinh hoạt hằng ngày của Giáo Hội và là bảo chứng cho Cuộc Vượt Qua vĩnh cửu của Người mà việc đầu tiên của phụng vụ là không ngừng dẫn chúng ta trở về với cuộc hành trình Phục Sinh do Chúa Kitô khởi xướng, một cuộc hành trình chúng ta chấp nhận chết đi để tiến vào sự sống” (Tông Thư Vicesimus quintus annus, 6). Giờ đây, công việc đầu tiên của phụng vụ này trước hết được thực thi qua việc cử hành Thánh Thể, một việc cử hành làm hiện thực Cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô và là một việc thông đạt năng lực của cuộc khổ nạn này cho tín hữu. Như thế, việc tôn thờ của Kitô Giáo là một diễn đạt sống động nhất cuộc gặp gỡ giữa vinh quang thần linh với vinh hiển phát xuất từ môi miệng và lòng trí loài người. Đường lối chúng ta “hết lòng tôn vinh Chúa” (Sir 35:8) cần phải xứng hợp với “vinh quang Chúa tràn ngập lều tạm” (x Ex 40:34).

6.         Như Thánh Phaolô nhắc nhở, chúng ta cũng phải tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác của chúng ta nữa, tức là nơi tất cả cuộc hiện hữu của chúng ta, vì thân xác của chúng ta là đền thờ của Thần Linh là Đấng ngự trong chúng ta (x 1Cor 6:19, 20). Theo ý nghĩa này, người ta cũng có thể nói về một cuộc cử hành vinh quang thần linh của vũ tru nữạ. Thế giới được dựng nên, một thế giới “thường hay bị biến dạng vì tính vị kỷ và lòng tham lam”, tự mình cũng có “mầm Thánh Thể”, ở chỗ, nó “được sử dụng nơi Thánh Thể của Chúa, nơi cuộc Vượt Qua của Người, được hiện diện nơi hy tế trên bàn thờ” (Orientale lumen, 11). Thế là thiên nhiên tạo vật sẽ hợp tiếng tụng ca một cách hòa điệu đáp lại hơi thở vinh quang Chúa “ở trên các tầng trời” (Ps 113:4) và chiếu xuống trần gian để, “Thiên Chúa được tôn vinh trong mọi sự nhờ Chúa Giêsu Kitô. Nguyện cho Người được vinh quang và hiển trị cho đến muôn đời. Amen!” (1Pt 4:11).

(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ Tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 4/10/2000)

 

ĐTC GPII với phái đoàn lãnh sự chư quốc thế giới bang giao với Tòa Thánh về hiện tình thế giới (tiếp và hết)

7.     Cũng có cả thách đố về hòa bình nữa. Là một sự thiện cao cả và là điều kiện để đạt được nhiều sự thiện thiết yếu khác, hòa bình là giấc mơ của hết mọi thế hệ. Tuy nhiên, có biết bao nhiêu là những cuộc chiến tranh và xung đột võ trang đang tiếp tục diễn ra, giữa các Quốc Gia, các nhóm sắc dân, các dân tộc và những nhóm người sống ở cùng một lãnh thổ. Từ đầu này tới đầu kia của thế giới, những cuộc chiến tranh và xung đột vũ khí ấy đang đòi mạng của vô số những nạn nhân vô tội và đang làm phát sinh ra rất nhiều thứ sự dữ khác! Chúng ta tự nhiên nghĩ đến những quốc gia khác nhau ở Trung Đông, Phi Châu, Á Châu và Mỹ Châu Latinh, nơi mà việc sử dụng các thứ vũ khí và bạo lực chẳng những gây ra thiệt hại khôn lường về vật chất, mà còn làm bùng lên hận thù và tăng thêm những nguyên do căng thẳng, bởi đó, gây khó khăn hơn trong việc tìm kiếm và áp dụng những giải quyết có thể hòa giải những thiện lợi hợp lý cho tất cả mọi phía trong cuộc. Ngoài những thứ sự dữ thê thảm này còn có hiện tượng khủng bố dã man phi nhân bản, một tai họa đã có một chiều kích toàn cầu chưa hề xẩy ra cho các thế hệ trước đây.

Làm sao cái thách đố lớn lao trong việc xây dựng hòa bình này có thể chế ngự được các thứ sự dữ ấy? Là những nhà ngoại giao, quí vị là những con người nam nữ của hòa bình theo nghề nghiệp mà còn theo ơn gọi của bản thân mình nữa. Quí vị biết được bản chất và tầm mức của những phương tiện cộng đồng quốc tế đang nắm trong tay để gìn giữ hay vãn hồi hòa bình. Như các vị tiền nhiệm đáng kính của mình, tôi đã nói lên vô số lần, bằng những lời phát biểu công khai, nhất là ở Sứ Điệp của tôi hằng năm cho Ngày Hòa Bình Thế Giới, cũng như qua hoạt động ngoại giao của Tòa Thánh, và tôi sẽ tiếp tục làm như thế, vạch ra những đường nẻo dẫn tới hòa bình và thôi thúc để can đảm và kiên nhẫn tiến bước trên những nẻo đường ấy. Cái cao ngạo của quyền lực cần phải được đối đầu bằng lý trí, võ lực bằng đối thoại, khí giới tấn công bằng những bàn tay rộng mở, sự dữ bằng sự lành.

Nhiều người thực sự là những con người nam nữ đang hoạt động cho mục đích này một cách can trường và kiên trì, và có một số dấu hiệu phấn khởi cho thấy có thể đạt được cái thách đố lớn lao trong việc xây dựng hòa bình ấy. Ở Phi Châu chẳng hạn, mặc dù có những sự tái phát trầm trọng về những vấn đề bất hòa là những gì cần phải được giải quyết, cũng thấy được một ý muốn chung đang phát triển trong việc giải quyết và ngăn ngừa các thứ xung khắc, bằng việc hợp tác trọn vẹn hơn nữa giữa những tổ chức quốc tế lớn và các hiệp hội châu lục, như Khối Hiệp Nhất Phi Châu: những thí dụ về vấn đề này đã xẩy ra trong cuộc họp của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ở Nairobi Tháng 11 vừa rồi để bàn đến việc cấp cứu nhân đạo ở Darfur và tình hình ở Somalia, cũng như xẩy ra trong Hội Nghị quốc tế về miền Đại Hồ. Ở Trung Đông, mảnh đất rất thân thương và linh thánh đối với các tín hữu tin tưởng Vị Thiên Chúa của Abraham, tình trạng đụng độ võ trang dường như đang giảm bớt, hy vọng có một cuộc giải quyết về chính trị theo chiều hướng đối thoại và thương thảo. Chắc chắc mẫu gương nổi bật về việc có thể đạt được hòa bình đã xẩy ra ở Âu Châu: Các Quốc Gia hơn một lần đã hằn thù nhau dữ dội nhào vô đánh nhau chí tử giờ đây lại trở thành các phần tử của Khối Hiệp Nhất Âu Châu, một khối mà trong năm vừa qua đã nhắm đến việc củng cố hơn nữa bằng bản Hiệp Định về hiến pháp ở Rôma, đồng thời cũng tỏ ra cởi mở chấp nhận các Quốc Gia khác muốn chấp nhận những đòi hỏi làm phần tử của nó.

Việc mang lại một nền hòa bình chân thực và bền vững trong thế giới đầy bạo loạn này cần phải có một quyền năng của sự thiện không biết co rụt trước những khó khăn. Nó là một quyền năng mà con người tự mình không thể có được hay gìn giữ: Nó là một tặng ân của Thiên Chúa. Chúa Kitô đã đến để mang tặng ân này cho nhân loại, như các thần trời hát trên máng cỏ ở Bê Lam: “bình an dưới thế cho người Chúa thương” (Lk 2:14). Thiên Chúa yêu thương nhân loại, và Ngài muốn ban hòa bình cho tất cả mọi con người nam nữ. Chúng ta được kêu gọi để trở thành những dụng cụ chủ động cho thừ hòa bình này, cũng như để chế ngự sự dữ bằng sự lành. “Vince in bono malum”.

8.     Còn một thách đố khác tôi cũng muốn đề cập tới nữa, đó là thách đố về tự do. Tất cả quí vị đều biết đây là thách đố quan trọng đối với tôi là chừng nào, nhất là vì lịch sử dân tộc bản quốc của tôi, nhưng nó cũng hệ trọng với mỗi một người trong quí vị nữa. Trong việc phục vụ của mình với tư cách là những nhà ngoại giao, quí vị cần phải quan tâm tới việc bảo vệ tự do của thành phần nhân dân được quí vị làm đại diện, và quí vị chuyên chú đến việc bênh vực quyền tự do này. Tuy nhiên, trước hết và trên hết, tự do là quyền lợi của mỗi cá nhân con người. Bản Tuyên Ngôn Chung về Nhân Quyền đã xác đáng nói đến ở Khoản 1: “tất cả mọi con người bẩm sinh tự do và bình đẳng về phẩm vị và quyền lợi”. Khoản 3 tiếp tục xác nhận rằng “hết mọi người đều có quyền hưởng sự sống, tự do và an ninh của con người”. Dĩ nhiên quyền tự do của Chư Quốc cũng là những gì linh thánh nữa; họ cần phải được tự do, nhất là để họ có thể thi hành một cách trọn vẹn nhiệm vụ trọng yếu của mình trong việc bảo toàn cả sự sống lẫn tự do của thành phần công dân thuộc về họ nơi tất cả những hình thức hợp lý của các quyền này.

Tự do là một sự thiện cao cả, vì chỉ nhờ có tự do con người mới có thể đạt được tầm vóc viên trọn sinh lợi cho bản tính của họ. Tự do giống như ánh sáng, ở chỗ, nó làm cho con người ta có thể chọn lựa một cách ý thức những mục tiêu xứng hợp cùng với những phương tiện xác đáng để đạt tới những mục tiêu này. Ở ngay chính tâm điểm của tự do con người là quyền tự do tôn giáo, vì quyền tự do tôn giáo này liên quan tới mối liên hệ trọng yếu nhất của con người, đó là mối liên hệ giữa họ với Thiên Chúa. Quyền tự do tôn giáo được minh nhiên bảo đảm Bản Tuyên Ngôn Chung về Nhân Quyền (x Khoản 18). Nó cũng là chủ đề, như tất cả quí vị quá rõ, cho một Tuyên Ngôn quan trọng của Công Đồng Chung Vaticanô II, một bản tuyên ngôn được mở đầu bằng những lời lẽ quan trọng “Phẩm Vị Con Người – Dignitatis Humanae”.

Ở nhiều Quốc Gia, quyền tự do tôn giáo là một quyền lợi chưa được nhìn nhận trọn vẹn hay xứng hợp. Tuy nhiên, nỗi mong ước được tự do tôn giáo vẫn không thể nào bị áp đảo: Bao lâu con người còn sống thì nó bao giờ cũng có đó và đòi hỏi. Bởi thế, hôm nay tôi xin lập lại lời kêu gọi được Giáo Hội lên tiếng vào nhiều dịp, đó là “Quyền tự do tôn giáo cần phải được ban phép ở mọi nơi bằng việc bảo đảm hiệu lực theo hiến pháp, cũng như cần phải được tôn trọng đối với nhiệm vụ cao cả và quyền lợi của con người được tự do sống đạo trong xã hội” ("Dignitatis Humanae," 15).

Không nên sợ rằng quyền tự do tôn giáo hợp lý sẽ làm hạn chế các quyền tự do khác hay sẽ làm tổn thương đến đời sống xã hội dân sự. Trái lại, cùng với quyền tự do tôn giáo, tất cả mọi quyền tự do khác được phát triển và thăng hoa, vì tự do là một sự thiện bất khả phân ly, là đặc quyền của con người và là phẩm vị của họ. Cũng không được sợ rằng quyền tự do tôn giáo, một khi được ban cho Giáo Hội Công giáo, sẽ là những gì xâm nhập vào lãnh giới của tự do chính trị cũng như pha mình vào các năng quyền xứng hợp với Quốc Gia, bởi vì, Giáo Hội thực sự đã thận trọng phân biệt được rằng những gì thuộc về Cêsa khác với những gì thuộc về Thiên Chúa (x Mt 22:21). Giáo Hội chủ động hợp tác để cổ võ công ích của xã hội, vì Giáo Hội bác bỏ những gì là sai lạc và giáo dục những gì là chân thực, lên án những gì là hận thù và miệt thị, kêu gọi tinh thần huynh đệ; Giáo Hội, như lịch sử cho thấy, ở mọi nơi và trong mọi lúc khích lệ những hoạt động bác ái, khoa học và nghệ thuật. Giáo Hội chỉ yêu cầu được tự do để Giáo Hội có thể cộng tác một cách hiệu nghiệm với tất cả mọi tổ chức công tư quan tâm tới thiện ích của nhân loại. Tự do chân thực bao giờ cũng nhắm đến việc chế ngự sự dữ bằng sự lành. “Vince in bono malum”.

Thưa quí vị Lãnh Sự, trong năm giờ đây mở màn tôi tin tưởng rằng, khi quí vị thi hành sứ vụ cao cả của mình, quí vị sẽ tiếp tục đồng hành với Tòa Thánh nơi những nỗ lực hằng ngày của chúng tôi để, theo trách nhiệm riêng biệt của mình, chúng tôi có thể đáp ứng được những thách đố được đề cập đến trên đây đang ảnh hưởng tới toàn thể nhân loại. Chúa Giêsu Kitô, Đấng chúng ta vừa mừng việc Người hạ sinh trong những ngày này, đã được vị Tiên Tri báo trước là “Admirabilis Consiliarius – Vị Cố Vấn Kỳ Diệu, là Princeps Pacis - là Vua Hòa Bình” (Is 9:5). Xin ánh sáng lời của Người, tinh thần công chính và huynh đệ của Người, cũng như tặng ân an bình của Người hết sức cần thiết và ước mong, một thứ an bình Người ban cho tất cả mọi người, chiếu tỏa trên đời sống của quí vị, gia đình thân yêu của quí vị và những người yêu dấu của quí vị, trên xứ sở yêu quí của quí vị cũng như trên toàn thể nhân loại.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL chuyển dịch từ
http://www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/speeches/index_spe-dip-corps.htm


(những chỗ in đậm là do người dịch tự ý nhấn mạnh để làm nổi bật vấn đề cần chú trọng)
 

“Tôi ngủ nhưng lòng tôi vẫn thức”: Giáo Huấn của ĐTC GPII và Cuộc Hội Luận về Đạo Lý Sinh Vật Học ở Canada về Vấn Đề Dinh Dưỡng và Thủy Dưỡng Nhân Tạo (tiếp hôm qua)

Vấn:            ĐGH đã nói gì về vấn đề dinh dưỡng và thủy dưỡng nhân tạo cho thành phần bệnh nhân trong trường hợp PVS hay PCU?

 

Đáp:            ANH thường được bắt đầu như là những gì thích hợp làm cho bệnh nhân hồi tỉnh trong lúc các bác sĩ chưa biết rõ được vấn đề chẩn bệnh hay tiên lượng bệnh của bệnh nhân.

 

Sau 6 hay 12 tháng, tùy theo nguyên do của PCU, thì việc có thể hồi tỉnh lại càng trở nên xa vời. Chính trong hoàn cảnh bấy giờ mà vấn đề tiếp tục hay không tiếp tục ANH thường mới được đặt ra.

 

Lời Đức Thánh Cha đó là ANH “theo nguyên tắc, cần phải được coi là những gì bình thường và tương hợp theo trách nhiệm về luân lý cho đến độ và cho đến khi nó được cho rằng đã đạt được mục đích tối hậu xứng hợp của nó”. Trong trường hợp này thì mục đích tối hậu đây liên quan tới mục đích của việc “dinh dưỡng bệnh nhân và làm giảm bớt tình trạng khổ đau của họ”.


Vấn:            Thành phần tham dự viên ở cuộc hội luận Toronto này đã giải thích câu nói ấy của ĐGH ra sao?

 

Đáp:            Thành phần tham dự viên đã đồng ý việc giải thích như sau.

 

Thứ nhất, lời của ĐGH cần phải được hiểu theo chiều hướng của truyền thống Kitô giáo. Những chữ “theo nguyên tắc” không có nghĩa là “tuyệt đối” ở chỗ “bất miễn trừ” nhưng cho phép cứu xét đến những phận sự khác có thể liên quan tới vấn đề này.

 

Thứ hai, những người ở trong trạng thái mất khả năng tri thức và cảm thức vẫn còn hồn thiêng; sự sống của họ vẫn có một giá trị nội tại và phẩm vị làm người, nên họ cần phải được đối xử hết sức tôn trọng và được chăm sóc xứng với con người.

 

Thứ ba, đối với thành phần bệnh nhân không còn biết phản ứng cần phải được cung cấp ANH mà tự nó không xung khắc với những trách nhiệm nặng nề khác hay không quá nặng mình, tốn kém hay những gì phức tạp khác, thì ANH cần phải được coi như là những gì bình thường và tương hợp theo trách nhiệm về luân lý.

 

Ngược lại với một số giải thích trước đây của truyền thông, lời của ĐTC không có nghĩa là ANH bao giờ, tức là không châm chước, cũng buộc phải làm theo luân lý nơi thành phần bệnh nhân ở trong trường hợp PVS hay PCU, hoặc ở trong bất cứ bệnh trạng nào liên quan đến vấn đề này.

 

Lời của ĐGH hợp với truyền thống luân lý của Công Giáo là những gì ANH cũng như các phương thức bảo trì sự sống khác cần phải căn cứ vào đó để thẩm định về những lợi ích và gánh nặng của việc can thiệp giúp đỡ bệnh nhân.

 

Tuy nhiên, lời của ĐGH dường như nhấn mạnh đến vấn đề tật nguyền. Việc thôi không cung cấp ANH nữa vì những lý do liên quan tới tật nguyền của bệnh nhân, hơn là đến vấn đề bất tương xứng giữa gánh nặng và lợi ích của việc can thiệp giúp bệnh nhân, là những gí bất khả chấp.

 

Căn cứ vào việc giải thích ấy, thành phần tham dự viên nhấn mạnh đến một loạt những ngụ ý của giáo huấn này liên quan tới việc chăm sóc về đạo lý cho những người già yếu nhược và những bệnh nhân đang hấp hối mắc những bệnh trạng thường cần đến ANH nhất, như bị đột quị, bị đãng trí, bị lẩy bẩy và bị ung thư.

 

Vấn:            Thành phần tham dự cuộc hội luận này có nghĩ rằng những gì vị giáo hoàng này nói trong bài huấn từ của mình về vấn đề dinh dưỡng và thủy dưỡng nhân tạo cũng như về trạng thái thực vật dai dẳng hay trạng thái bất phản ứng hậu hôn mê là những gì cũng thích hợp với những bệnh trạng khác hay chăng?

 

Đáp:            Đúng thế, ở chỗ lời của ngài khẳng định cái giá trị nội tại và phẩm vị của tất cả mọi người. Những quyết định về việc dinh dưỡng và thủy dưỡng, hay ANH, không được căn cứ vào phán đoán cho rằng những người bị tật nguyện trầm trọng về tri thức và/hay thể lực kém giá trị hay phẩm vị hơn những người khác.

 

Lời của ngài cũng xác định sự phân biệt giữa phương tiện bình thường và ngoại lệ của việc bảo trì sự sống.

 

Điều này có nghĩa là thành phần bệnh nhân và gia đình của họ có trách nhiệm phải cẩn thận thẩm định những lợi ích và gánh nặng nơi những chọn lựa về trị liệu và chăm sóc khác nhau theo phận sự của họ. Trách nhiệm này cũng không thay đổi đối với bất cứ bệnh trạng nào cũng như với bất cứ bệnh nhân nào.


Vấn:            Tại sao thành phần tham dự viên của cuộc hội luận này nghĩ rằng cần phải nói lên những hàm ý của bài ĐTC huấn dụ về việc can thiệp vào những bệnh trạng liên quan đến người già, những bệnh trạng thường phải cần đến ANH nhất?

 

Đáp:            Nguyên tắc duy nhất để suy luận đó là những trường hợp tương tự cần phải được hiểu như nhau. Nguyên tắc thứ hai đó là những trường hợp khó giải tạo nên những thứ luật lệ tệ hại. Tức những tình trạng hiếm hoi hay bất thường là những gì ít được căn cứ vào đó để thiết lập những qui chế chung.

 

Thành phần tham dự viên nhận thấy rằng, về những trường hợp cần đến ANH nơi việc chăm sóc cho người già, thường ít hơn 1% liên quan tới người ở trong trạng thái thực vật dai dẳng (PVS) hay trạng thái bất phản ứng hậu hôn mê (PCU). Có nhiều yếu tố bệnh lý riêng biệt và tùy thuộc phân biệt PVS với những bệnh trạng khác, như chứng đột quị, như bệnh đãng trí, bệnh lẩy bẩy hay những chứng ung thư đầu và cổ.

 

Những yếu tố này thích hợp để thẩm định những gánh nặng và lợi ích của ANH trong những tình trạng ấy.


Vấn:            Ông có thể cho vài thí dụ về cách thức làm thế nào những khác biệt về bệnh lý có thể đổi thay việc thẩm định vấn đề dinh dưỡng và thủy dưỡng nhân tạo trong những tình trạng ấy?

 

Đáp:     Thành phần bị chứng đột quị hay lẩy bẩy thường còn ý thức, có khả năng nuốt đồ ăn và thức uống nhờ sự giúp đỡ của người khác bằng cách sử dụng những kỹ thuật cho ăn bằng tay, cũng như có khả năng đồng ý với một việc trị liệu được đề nghị nào đó.

Trong những trường hợp như thế, việc cho ăn bằng tay có thể là một cách hiệu nghiệm thay thế cho việc cho ăn bằng ống. Việc cho ăn bằng tay cũng khơi động nhiều cảm thức về tình liên kết với bệnh nhân ở chỗ nhân bản hóa việc chăm sóc họ.

Thành phần bị bệnh đãng trí có thể không hiểu được lý do cần phải cho ăn bằng ống và có thể nhất định cố gắng giật ống dinh dưỡng ra, đôi khi gâu thương tích trầm trọng cho họ. Gánh nặng đáng kể cho người bệnh này có thể là việc cần phải sử dụng những hình thức khác nhau để ngăn ngừa họ khỏi giật ống dinh dưỡng của họ ra.

Những ai gặp khó khăn trong vấn đề nuốt vì bị ung thư đầu hay cổ có thể không cần đến ANH cho lm.

 

(còn tiếp)
 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ Zenit ngày 27+29/8/2004

 

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ