GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 1/2005

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho tất cả những ai đang hoạt động tại Trung Đông biết dấn thân hơn nữa trong việc xây dựng hòa bình”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho những nơi truyền giáo được tăng thêm những vị thừa sai thánh đức và biết quảng đại dấn thân loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô cho tất cả mọi người”.  

 

__________________

 NGÀY 20 THỨ NĂM

 

Huấn Từ Buổi Triều Kiến Chung Thứ Tư hằng tuần 19/1/2004 về Tuần Lễ Hiệp Nhất Kitô giáo


1.     Hôm qua là ngày bắt đầu Tuần Lễ Hiệp Nhất Kitô giáo. Đây là những ngày hết sức thuận lợi để suy nghĩ và nguyện cầu nhắc nhở Kitô hữu rằng việc phục hồi mối hiệp nhất hoàn toàn nơi họ, theo ý muốn của Chúa Giêsu, là việc bao gồm hết mọi người đã lãnh nhận bí tích rửa tội, cả những vị chủ chăn lẫn tín hữu (x. "Unitatis Redintegratio," No. 5).


Tuần Lễ này diễn ra vào những tháng sau cuộc mừng kỷ niệm 40 năm ban hành sắc lệnh “Unitatis Redintegratio” của Công Đồng Chung Vaticanô II, một bản văn chính đã đặt Giáo Hội Công giáo vào một vị thế mạnh mẽ và cương quyết tiến bước theo chiều hướng đại kết.


2.     Năm nay, đề tài cho Tuần Lễ Hiệp Nhất này cho chúng ta thấy một sự thật thiết yếu về tất cả việc dấn thân đại kết, tức Chúa Kitô là nền tảng của Giáo Hội. Công Đồng Chung Vaticanô II đã mạnh mẽ khuyên giục chúng ta hãy thực hiện việc nguyện cầu cho hiệp nhất như hồn sống của toàn thể phong trào đại kết (x "Unitatis Redintegratio," No. 8). Vì việc hòa giải Kitô hữu vượt quá “quyền lực và khả năng” (ibid., 24) của họ mà việc nguyện cầu nói lên niềm hy vọng không bẽ bàng ở chỗ tin tưởng vào Chúa là Đấng canh tân tất cả mọi sự (x Rm 5:5; Rev 21:5). Thế nhưng, việc cầu nguyện cũng cần phải được kèm theo bằng việc thanh tẩy tâm trí, cảm xúc và ký ức nữa. Nhờ đó việc nguyện cầu mới thể hiện một cuộc “hoán cải nội tâm”, một cuộc hoán cải nếu thiếu cũng chẳng có đại kết thực sự (x ibid. 7). Tóm lại, hiệp nhất là một tặng ân của Thiên Chúa, một tặng ân cần phải được liên lỉ nài xin bằng một tấm lòng khiêm nhượng và chân thực.


3.     Lòng mong ước hiệp nhất là những gì đang được lan tràn và đi vào chiều sâu, chạm tới những môi trường mới và những khung cảnh mới, khơi dậy nhiệt tình hoạt động, sáng kiến và suy tư. Gần đây Chúa đã cho thành phần môn đệ của Người cơ hội để có thể tham dự vào những việc đối thoại và hợp tác với nhau quan trọng. Niềm đau của vấn đề phân ly được cảm thấy mạnh mẽ hơn bao giờ hết, vì những thách đố trước một thế giới đang đợi chờ một thứ chứng từ phúc âm rạng ngời và đồng tâm nhất trí nơi tất cả mọi tín hữu trong Chúa Kitô.


4.     Như thường lệ, ở Rôma, Tuần Lễ này sẽ được kết thúc bằng việc cử hành giờ kinh tối vào ngày 25/1 tại Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành. Tôi xin cám ơn ĐHY Walter Kasper là vị sẽ thay tôi trong cuộc gặp gỡ phụng vụ này, một cuộc gặp gỡ với sự góp mặt của đại diện thuộc các Giáo Hội và niềm tin Kitô giáo khác. Tôi sẽ liên kết về tinh thần vào buổi gặp gỡ nguyện cầu này, đồng thời cũng xin anh chị em hãy nguyện cầu để toàn thể gia đình tín hữu chúng ta được đạt đến mối hiệp nhất trọn vẹn như Chúa Kitô mong muốn sớm bao nhiêu có thể.


Anh Chị Em thân mến,


Hôm qua, Giáo Hội đã bắt đầu Tuần Lễ Nguyện Cầu cho Hiệp Nhất Kitô Giáo của mình, một tuần lễ được giành để suy nghĩ và nguyện cầu cho việc tất cả mọi người đã lãnh nhận phép rửa cần phải phục hồi mối hiệp nhất Kitô giáo trọn vẹn theo ước muốn của Chúa Kitô. Đề tài năm nay là “Chúa Kitô, Nền Tảng Duy Nhất của Giáo Hội”. Chớ gì những lời nguyện cầu của chúng ta được kèm theo bởi việc thanh tẩy tâm trí, một việc “hoán cải nội tâm” mà nếu không có cũng chẳng có vấn đề đại kết chân thực.

 

 

VẤN ĐỀ CỨU MA TRỪ QUỈ (tiếp và hết)

Thế nhưng, tại sao biết được rằng mình có thể làm cho người bạn thân của mình là Lazarô (xem Gioan 11:5) cải từ hoàn sinh về phần xác, mà Chúa Kitô, như Thánh Ký Gioan đã thuật lại cho chúng ta biết, Chúa Giêsu đã khóc (xem Gioan 11:35)? Phải chăng là vì Người đã thấy trước được rằng, trong số thành phần thân thiết với Người, có những người, cho dù Người có lên tiếng gọi (xem Gioan 13:26-27; Mathêu 26:50), cũng sẽ không bao giờ chỗi dậy nữa, nghĩa là sẽ bị đời đời trầm luân (xem Mathêu 27:5; Gioan 17:12).

 

Đó là lý do, trong Thông Điệp Tình Yêu Nhân Hậu gửi Các Hồn Nhỏ qua nữ sứ giả giáo dân người Bỉ biệt danh Magarita, Chúa Giêsu đã tâm sự với bà những lời lẽ chí tình chí thiết như sau:

 

·        “Mất đi một trong các con cái của Cha đối với Cha là một bất hạnh lớn. Cha đã vì họ mà đến mà Cha lại không thể cứu được họ…” (ngày 10-12-1968);

 

·        “Hỡi con gái của Cha ơi, con có biết cái thảm bại của một Vị Thiên Chúa là gì không? Đó là Người không thể cứu được hết taât cả moọ người bằng Hy Sinh của Người” (18-5-1970);

 

·        “Những ý nghĩ của Cha (ở trên đồi Gôngôta) là những ý nghĩ thương hại và thương xót. Họ không biết rằng, chỉ bằng một cử chỉ là Cha đã có thể hủy diệt họ đi rồi. Cha để cho họ tha hồ thỏa tay hành khổ Cha, vì trong thâm tâm của Cha, Cha đã chấp nhận Hy Sinh theo ý muốn Cha của Cha. Thế nhưng, nỗi sầu khổ của Cha đã tăng lên gấp bội, vì Cha đã biết rằng, cho dù Cha có để cho mình bị hành hình đến như vậy, Cha vẫn không sao cứu được tất cả mọi con cái của Cha, và đối với nhiều người, Hy Sinh của Cha sẽ trở thành luống công vô ích” (Thứ Sáu Tuần Thánh 30-3-1972).

 

Vậy thì thành phần được cứu độ nhiều hay ít? Chúa Giêsu đã không trực tiếp trả lời một cách rõ rầg ít hay nhiều cho thắc mắc tò mò của một người chất vấn Người: “Những người được cứu có ít lắm chăng?“ (Luca 13:23). Nếu là người, làm gì chúng ta cũng phải làm sao để mang lại lợi ích nhất cho mình, và càng khôn ngoan và quyền năng, chúng ta càng đạt được ý muốn mưu lợi của mình thế nào, thì vô cùng khôn ngoan và toàn năng như Thiên Chúa, chẳng lẽ một việc cứu chuộc con người vô cùng quan trọng, đến nỗi Người đã phải nhập thể vô cùng hèn hạ và tử giá vô cùng nhục nhã như thế, lại chỉ mang về được một thiểu số linh hồn vô giá bất tử, thua quyền lực của Satan là tạo vật của Người?!?

 

Đó cũng là lý do, với cùng người nữ sứ giả giáo dân trên đây, Chúa Giêsu đã khẳng định như sau:

 

·        “Khi Cha bị đóng đanh trên Thánh Giá như một tội nhân chỉ vì yêu, lẽ nào Cha lại chỉ được ôm lấy khoảng không trống rỗng” (15/10/1966);

 

·        “Hỏa ngục chỉ thu nhặt được những cặn bã xấu nhất của nhân loại. Con hãy tin rằng trước khi đành bỏ cho hỏa ngục một linh hồn, Cha đã thử dùng mọi phương thế theo lòng thương xót của Cha, để cứu rỗi linh hồn ấy. Ai là người muốn được cứu rỗi? Người công chính và tội nhân thống hối. Ai từ chối không muốn được cứu rỗi? Kẻ tội lỗi cứng lòng. Ai sẽ được cứu rỗi? Người ao ước được cứu rỗi với lòng tin tưởng và cậy trông. Trái tim Cha âu yếm ghé xuống với người tự hạ. Thế giới là gì? Là sa mạc của các linh hồn. Không có gì lập cư ở đó, ngoài cái sẽ tan biến mãi mãi. Bụi và tro bao giờ cũng sản xuất ra tro và bụi. Các con Cha ơi! Các con đáng thương của Cha!” (4/10/1967)

 Đaminh Maria Cao Tn Tĩnh, BVL

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ