GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 1/2005

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho tất cả những ai đang hoạt động tại Trung Đông biết dấn thân hơn nữa trong việc xây dựng hòa bình”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho những nơi truyền giáo được tăng thêm những vị thừa sai thánh đức và biết quảng đại dấn thân loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô cho tất cả mọi người”.  

 

__________________

 NGÀY 27 THỨ NĂM

 

ƠN TOÀN XÁ TRONG NĂM THÁNH THỂ

Để khuyến khích nơi tín hữu trong suốt năm nay một kiến thức sâu xa hơn và một tình yêu thiết tha hơn đối với ‘Mầu Nhiệm Đức Tin’ khôn thấu cũng như để họ được hưởng muôn vàn hoa trái thiêng liêng hơn nữa, chính ĐTC muốn ban các ân xá cho một số tác động đặc biệt về việc tôn thờ và sùng kính đối với Bí Tích Cực Linh. Thật vậy, Tòa Ân Xá của Tòa Thánh vừa ban một Sắc Lệnh về vấn đề Ơn Đại Xá cũng gọi là Ơn Toàn Xá trong Năm Thánh Thể. Văn thư này được đề ngày 25/12/2004, nhưng được phổ biến và có hiệu lực kể từ ngày Thứ Bảy 15/1/2005.

Bản chất của Ơn Toàn Xá và sự khác biệt giữa Ơn Toàn Xá (plenary indulgence) với Ơn Tiểu Xá (partial indulgence).

Ơn Toàn Xá hay Ơn Đại Xá là Ơn hoàn Toàn Xá giải hết mọi hình phạt bởi tội lỗi mà thành phần tội nhân chúng ta cần phải đền vì hậu quả do tội lỗi của chúng ta gây ra, chứ không phải chỉ được ân xá chỉ một phần hình phạt như Ơn Tiểu Xá. Chúng ta có thể lĩnh Ơn Toàn Xá để chỉ cho một người quá cố đang ở trong luyện ngục để họ về trời ngay. Tuy nhiên, chúng ta không thể lĩnh Ơn Toàn Xá để chỉ cho một người còn sống.

Chúng ta cũng biết rằng trong việc hòa giải với Thiên Chúa nơi Bí Tích Xá Giải hay Bí Tích Xưng Tội, chính yếu chúng ta chỉ được tha tội lỗi chúng ta thành tâm thống hối và xưng thú mà thôi, còn những hình phạt để bù lại hậu quả do tội lỗi của chúng ta gây ra vẫn chưa được hoàn toàn và trọn vẹn xá giải, dù chúng ta có làm việc đền tội sau khi xưng tội như vị linh mục giải tội nêu lên cho chúng ta làm một cách tượng trưng.

Ơn Toàn Xá không tha tội mà chỉ tha án phạt của tội mà thôi. Đó là lý do một trong những điều kiện xứng hợp để chúng ta có thể lãnh nhận Ơn Toàn Xá là sạch tội. Công hiệu của Ơn Toàn Xá là ở chỗ sau khi chúng ta được thật sự hưởng trọn vẹn một Ơn Toàn Xá rồi chết ngay bấy giờ, không kịp phạm một tội nào khác nữa, thì được về trời tức khắc, như trường hợp chịu tử đạo hay vừa được rửa tội xong chết liền, tức không phải vào luyện tội để đền bù hậu quả của tội lỗi gì nữa, vì đã được hưởng Ơn Toàn Xá của Giáo Hội, tức được hưởng trọn vẹn kho tàng công nghiệp của Chúa Kitô, của Đức Mẹ cũng như của Chư Thánh.

Thế nhưng, như trên đã nêu lên, chúng ta phải làm sao để hội đủ điều kiện hưởng Ơn Toàn Xá, và trong Năm Thánh Thể này, chúng ta có thể được hưởng khi thực hiện những việc như thế nào và vào những hoàn cảnh nào?

Điều kiện để lĩnh nhận Ơn Toàn Xá bao giờ cũng bao gồm 3 việc làm sau đây: xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý chỉ của ĐTC, bằng một linh hồn hoàn toàn không bị vướng mắc bất cứ hình thức tội lỗi nào. Điều kiện xưng tội ở đây tức là sạch tội, ít là tội trọng. Bởi thế, điều kiện xưng tội ở đây chính yếu áp dụng cho những ai đang có tội trọng, vì khi mắc tội trọng chúng ta bất xứng và bất hợp lệ để hưởng Ơn Toàn Xá là ơn xá giải hình phạt chứ không xá tội. Còn những ai mắc tội nhẹ mà không thể xưng tội ngay bấy giờ có thể ăn năn tội cách trọn thay thế. Điều kiện rước lễ ở đây cũng liên quan tới tình trạng thanh sạch của tâm hồn, tình trạng tâm hồn còn Ơn Nghĩa Chúa. Bởi thế, nếu trong ngày chúng ta có ý định làm việc có Ơn Toàn Xá hay để lĩnh Ơn Toàn Xá, chúng ta đi tham dự Thánh Lễ và rước lễ là tốt nhất, dù là rước lễ sau khi làm việc có Ơn Toàn Xá, miễn là trong cùng ngày làm việc để hưởng Ơn Toàn Xá. Trong trường hợp bất khả kháng và ngoài tầm tay của mình, chúng ta có thể chu tất điều kiện rước lễ bằng lòng khao khát rước Chúa Giêsu Thánh Thể cách thiêng liêng thay thế. Điều kiện thứ ba để lãnh nhận Ơn Toàn Xá là việc cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha. Để chu toàn điều kiện này, nếu chúng ta không biết rõ ý chỉ của Đức Thánh Cha trong Tháng thì chúng ta hiệp ý với ngài ngay lúc làm việc lĩnh Ơn Toàn Xá, bằng cách đọc 1 Kinh Tin Kính và 1 Kinh Lạy Cha. Thường chúng ta có thói quen đọc cả một Kinh Kính Mừng nữa cho chắc ăn.

Những việc làm để lĩnh Ơn Toàn Xá trong Năm Thánh Thể. Theo văn thư của Tòa Ân Xá của Tòa Thánh Rôma thì trong Năm Thánh Thể, chúng ta có thể làm những việc sau đây để hưởng Ơn Toàn Xá:

“Ơn Đại Xá được ban cho tất cả mọi tín hữu cũng như cho từng tín hữu theo những điều kiện thông thường (xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý chỉ của ĐTC, bằng một linh hồn hoàn toàn không bị vướng mắc bất cứ hình thức tội lỗi nào), mỗi lần họ tham dự một cách chuyên chú và sốt sắng vào một phụng vụ thánh hay một việc thực hành đạo đức để tôn kính Bí Tích Cực Linh được trang trọng đặt ở ngoài nhà tạm hay được giữ trong nhà tạm”.

“Ơn Đại Xá cũng được ban, theo các điệu kiện đã được đề cập đến trên đây, cho hàng giáo sĩ, cho các phần tử thuộc Tu Hội Sống Đời Tận Hiến và các Dân Hội Sống Đời Tông Đồ, cũng như cho thành phần tín hữu khác là những người buộc phải đọc Phụng Vụ Giờ Kinh theo luật định, và cho những ai có thói quen Nguyện Kinh Thần Vụ thuần túy theo lòng sùng mộ, mỗi lần và mọi lần họ thực hiện – vào cuối ngày, chung hay riêng, Giờ Kinh Tối và Kinh Đêm trước Chúa Giêsu hiện diện trong nhà tạm”.

Qua 2 khoản sắc lệnh trên đây, chúng ta thấy, khoản thứ hai nói rõ ràng về việc cử hành giờ kinh thần vụ tối và giờ kinh phụng vụ đêm cuối ngày, chung hay riêng cũng được, trước Chúa Giêsu Thánh Thể hiện diện trong Nhà Tạm, là được hưởng 1 Ơn Toàn Xá. Còn khoản thứ nhất thì nói chung, không xác định rõ là việc nào. Tuy nhiên, phân tích kỹ, chúng ta thấy có hai việc như sau: “Việc phụng vụ thánh để tôn kính Bí Tích Cực Linh được trang trọng đặt ở ngoài nhà tạm hay được giữ trong nhà tạm” và “việc thực hành đạo đức để tôn kính Bí Tích Cực Linh được trang trọng đặt ở ngoài nhà tạm hay được giữ trong nhà tạm”. Trước hết, “việc phụng vụ thánh để tôn kính Bí Tích Cực Linh được trang trọng đặt ở ngoài nhà tạm hay được giữ trong nhà tạm” ở đây được hiểu là việc chầu Mình Thánh Chúa lộ thiên, và “việc thực hành đạo đức để tôn kính Bí Tích Cực Linh được trang trọng đặt ở ngoài nhà tạm hay được giữ trong nhà tạm” được hiểu là việc viếng Chúa trong một nhà thờ hay một nguyện đường nào đó.

Tuy nhiên, việc nguyện kinh thần vụ trước Chúa Giêsu Thánh Thể trong Nhà Tạm hầu như chỉ giành cho hàng giáo sĩ và tu sĩ, hay việc chầu Thánh Thể lộ thiên hoặc viếng Chúa trong một nhà thờ hay trong nguyện đường nào đó, để lĩnh Ơn Toàn Xá trên đây, chỉ có thành phần tín hữu nào khỏe mạnh mới làm được. Bởi thế, để dễ dàng hơn cho tất cả mọi thành phần tín hữu nói chung, nhất là cho thành phần bệnh nhân nói riêng, Đức Thánh Cha đã cho phép họ được hưởng Ơn Toàn Xá bằng cách làm những việc tôn thờ Chúa Giêsu Thánh Thể đặc biệt, như việc viếng Chúa cách thiêng liêng, hay chỉ cần hiệp ý với những ai có thể làm việc hưởng Ơn Toàn Xá trong Năm Thánh Thể cùng hiến dâng bệnh hoạn cho Chúa. Tuy nhiên, để hợp lệ hưởng Ơn Toàn Xá ngoại lệ như thế, thành phần bệnh nhân hay ngăn trở bất khả kháng này vẫn phải giữ đầy đủ 3 điều kiện thường lệ bất khả miễn chấp ngay khi có thể. Nguyên văn của Tòa Ân Xá về hai việc làm này như sau:

“Thành phần tín hữu, vì bị bệnh hay có lý do chính đáng khác, không thể viếng Bí Tích Thánh Thể Cực Linh trong nhà thờ hay ở một nguyện đường, cũng có thể lãnh được Ơn Đại Xá ở nhà mình, hay ở bất cứ nơi vì hoàn cảnh trở ngại buộc họ phải ở, miễn là họ hoàn toàn không vương vấn với bất cứ một ước muốn tái phạm tội lỗi nào, như được nói đến trên đây, và có chủ ý tuân giữ 3 điều kiện thông lệ ngay lúc nào có thể; họ sẽ thực hiện việc viếng Chúa thiêng liêng, nếu họ hết sức muốn làm điều này, bằng lòng tin tưởng vào Sự Hiện Diện Thực Sự của Chúa Giêsu trong Bí Tích Bàn Thờ, và đọc “Kinh Lạy Cha” cùng Tin Tin Kính, kèm theo lời than thở sốt sắng cùng Chúa Giêsu trong Phép Bí Tích này (chẳng hạn, “Con liên lỉ chúc tụng và tạ ơn Phép Bí Tích Thánh”).

“Thậm chí không thể làm điều ấy, họ cũng sẽ nhận được một ơn Đại Xá, nếu lòng họ muốn hợp với những ai thực thi một cách bình thường những việc làm được qui định hưởng Ân Xá và hiến dâng cho Thiên Chúa xót thương các thứ bệnh hoạn và khốn khó phải chịu trong đời sống của mình, với quyết tâm hoàn tất ba điều kiện thường lệ ngay khi có thể”.

Tóm lại, ai cũng có thể hưởng Ơn Toàn Xá, và những việc có thể hưởng Ơn Toàn Xá này, trước hết, đối với những ai có thể, đó là việc Chầu Thánh Thể lộ thiên, viếng Chúa trong Nhà Tạm, cử hành Giờ Kinh Thần Vụ Tối và Đêm trước Nhà Tạm, còn đối với những ai bất khả thực sự ngoài ý muốn, đó là việc viếng Chúa thiêng liêng và việc hiệp ý lãnh nhận.

Tuy nhiên, vấn đề cuối cùng chúng ta cần phải đặt ra ở đây, như nhiều người vốn thắc mắc, đó là mỗi ngày chúng ta được hưởng bao nhiêu Ơn Toàn Xá. Bình thường, như chúng ta vẫn được bảo rằng mỗi ngày chúng ta chỉ được hưởng 1 Ơn Toàn Xá mà thôi. Bởi vì, theo những người cắt nghĩa, một Ơn Toàn Xá cũng đủ lên thiên đàng không phải qua luyện tội rồi, nếu chúng ta có chết trong ngày hôm đó, thì chỉ cần 1 ơn là đủ. Thế nhưng, vấn đề ở đây là, liệu chúng ta có thể giữ mình sạch tội cho trọn nguyên ngày hôm đó hay chăng, cả trong tư tưởng, lời nói lẫn việc làm, bao gồm cả những điều thiếu sót chúng ta vô tình hoặc cố ý bỏ không làm, nên, để chắc ăn, chúng ta, nếu có thể, cố gắng hưởng Ơn Toàn Xá nhiều bao nhiêu có thể. Ngoài ra, vì Ơn Toàn Xá còn được chỉ cho các Đẳng nữa, chúng ta lại càng cần phải làm sao để hưởng Ơn Toàn Xá nhiều hơn nữa để các Đẳng cũng được thông công với chúng ta.

 

Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL

 

Những gì sẽ giúp vào việc đẩy mạnh vấn đề đại kết Kitô giáo

Cha James Puglisi, giám đốc Trung Tâm Phò Hiệp Nhất ở Roma kiêm bề trên tổng quyền của dòng Anh Em Hèn Mọn Phanxicô Đền Bồi, đã chia sẻ với Zinit về nhận định của mình đối với vấn đề đại kết Kitô giáo. Cha cho rằng cầu nguyện là điều khẩn thiết cho vấn đề này, như cha đã trích lại lời của nhà thần học thày của mình là Yves Congar về đại kết như sau: “Chúng ta chỉ có thể vượt qua cửa đại kết chỉ bằng đầu gối của mình mà thôi”.

Vấn:     Có dấu hiệu hy vọng nào đặc biệt để cử hành Tuần Lễ Cầu Nguyện Cho Hiệp Nhất Kitô Giáo một cách lạc quan hơn bao giờ hết hay chăng?

Đáp:     Có. Tôi nghĩ rằng ở nhiều khía cạnh chúng ta có thể thấy được Kitô hữu hợp tác với nhau hơn, trước tình hình thế giới các giáo hội đang sống đây.

Điều được ĐHY Kasper vẫn gọi là “cuộc đối thoại bằng đời sống” hiển nhiên được thấy đang tiến triển ở chỗ Kitô hữu đáp ứng đối với những trường hợp như cuộc thiên tai mới đây ở Đông Nam Á, đối với tình hình các Kitô hữu ở Iraq, Thánh Địa và các nơi như Sudan.

Những nhu cầu của con người tiêu biểu này là những gì chúng ta được Phúc Âm kêu gọi để lấy đức ái mà làm chứng. Đức ái đã được bày tỏ ngập tràn, bất kể là giáo phái hay tôn giáo. Đó là cách thức cho thấy tinh thần của các mối phúc đức ngược lại với tinh thần của thế gian, nếu được thấy và hiểu theo ngôn từ của Thánh Gioan thánh ký.

Về lãnh vực thần học chúng ta phải nhận rằng nhiều sự đng tiến một cách chầm chậm hơn trước, đến nỗi chúng ta có thể nói là một cách cẩn trọng.

Chúng ta đã tiến đến điểm then chốt ở những cuộc bàn luận và đối thoại, điểm mà chúng ta cần dừng lại để thẩm định về cả quan điểm lý thuyết – những đồng ý về thần học – lẫn quan điểm thực hành – làm thế nào để những thực tại ấy và những gì được đồng ý ấy có thể mang ra áp dụng thực hành.

Đó là vấn đề đã được nói đến trong Sách Tông Vụ và được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhắc lại trong thông điệp “Ut Unum Sint” của ngài, đó là chúng ta không được áp đặt bất cứ điều gì ngoài những điều Thánh Kinh đòi buộc, vấn đề cần phải được cứu xét và phân tách.

Vấn đề này cần nhẫn nại, nghiên cứu, suy tư, nhất là cầu nguyện. Cha Congar luôn nói với chúng tôi ở trong lớp của ngài rằng “Chúng ta chỉ có thể đi qua cửa đại kết bằng đầu gối của mình mà thôi”.

Hình ảnh cửa của Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành liền hiện lên, khi mà 3 vị lãnh đạo trong giáo hội quì gối, khẩn cầu, gõ cửa là Chúa Kitô. Thật vậy, đó là lý do tại sao có Tuần Lễ Nguyện Cầu Cho Hiệp Nhất Kitô Giáo.

Vấn:     Theo quan điểm của cha thì tại sao vẫn còn thái độ thù nghịch đối với vấn đề đại kết?

Đáp:     “Thái độ thù nghịch” chúng ta chứng kiến thấy là thái độ sợ seat thì đúng hơn. Điều chúng ta đang giải quyết vào lúc này đây đó là nhu cầu cần phải thay đổi đường lối, nhu cầu hoán cải các giáo hội và cơ cấu của mình, bao gồm cả Giáo Hội Công giáo.

Chúng ta biết rằng, theo lịch sử, các thứ cấu trúc của Giáo Hội đã từng biến hóa theo các nhu cầu, thách đố, do thế gian gây ra cho Giáo Hội, một Giáo Hội, theo Thánh Thần hướng dẫn, cần phải đáp ứng những nhu cầu ấy nơi từng thế hệ. Đó là cách Giáo Hội làm trọn vai trò của mình nơi xã hội.

Ở nhiều hình thức, Giáo Hội cũng rút tỉa được những cấu trúc thích ứng từ thế giới trần tục là nơi Giáo Hội sống. Bộ Giáo Luật Năm 1917, theo tôi, là một thí dụ của sự kiện này, sự kiện cho thấy các chế độ quân chủ theo pháp hiến đã là mô thức trong xã hội và là một “xã hội toàn vẹn”; Giáo Hội hiển nhiên đã áp dụng mô thức “toàn vẹn” này.

Thế nhưng, điều này được bắt nguồn từ các thứ luật lệ có tính cách thực chứng chứ không phải từ các qui tắc bí tích. Điển hình đó là bộ giáo luật đã đi từ quyền dân được chọn giám mục đến việc thượng quyền bổ nhiệm. Tất cả những qui tắc ở Giáo Hội thời sơ khai đều nói rằng vị chủ sự Giáo Hội cần phải được Giáo Hội chọn tuyển.

Tất cả những thứ thay đổi này cho thấy một rạn nứt càng to giữa thành phần rửa tội và những ai được chịu chức thánh: một thứ đối nghịch giữa giáo sĩ và giáo dân từ từ hình thành, một đối nghịch làm cho giáo dân không còn đủ tư cách về tôn giáo để tham dự vào các cơ cấu của Giáo Hội và làm cho giáo sĩ từ từ tách khỏi Dân Chúa và đặt mình trên Giáo Hội khiến họ tác hành trên Giáo Hội.

Công Đồng Chung Vaticanô II đã tái hướng điều này bằng những thay đổi được thực hiện nơi hiến chế tín lý về Giáo Hội “Ánh Sáng Muôn Dân”, một văn kiện xác định thừa tác vụ ở trong Giáo Hội chứ không phải ở trên Giáo Hội.

Đó là ý nghĩa của những điều chỉnh được thực hiện cho “đề án về Giáo Hội” nguyên thủy, một đề án được mở đầu với phẩm trật nhưng lại kết thúc trong “Ánh Sáng Muôn Dân” khi trình bày Giáo Hội như là một thực tại Ba Ngôi, với tư cách là Dân của Thiên Chúa, là Thân Mình của Chúa Kitô và là Đền Thờ của Thánh Thần.

Phục vụ thực tại giáo hội này là thừa tác vụ thánh chức là những gì ở ngay trong lòng Giáo Hội. Bức Thư gửi giáo đoàn Êphêsô, đoạn 4, là đoạn văn quan trọng, vì chính ở đoạn này chúng ta thấy được những đặc sủng khác nhau được ban cho Giáo Hội, nhờ đó các thánh mới hội đủ điều kiện để hoàn thành sứ vụ của mình trong thế gian.

Bao lâu chúng ta chủ trương một thứ phân chia và phân biệt cứng ngắc, có thể nói là đối nghịch nhau, giữa hàng giáo sĩ và giáo dân, thì tiến trình trần tục hóa sẽ tiếp tục tiến triển nhanh chóng trong một thế giới đang thay đổi mau lẹ về xã hội và văn hóa. Cần phải nói về Phúc Âm cho mỗi thế hệ, mỗi văn hóa, bằng những biểu hiệu có thể nói lên chính sứ điệp của Phúc Âm đối với mỗi một văn hóa hầu mang lại sự sống cho thế giới.

Vấn:     Đức Gioan Phaolô II là vị giáo hoàng của đại kết. Thế nhưng, chúng ta lại không có nhiều vị giám mục hay tín hữu đại kết. Tại sao vậy?

Đáp:     Đây là một câu hỏi hay và là một câu hỏi rất tế nhị. Nó có nghĩa là việc thực sự chấp nhận Công Đồng Chung Vaticanô II cùng với những chiều hướng của Công Đồng này chưa có, nơi cả hai thành phần quí vị đề cập tới.

Một lần nữa, tôi nghĩ rằng nó có thể được thể hiện về phương diện lý thuyết và thực hành. Hiển nhiên là Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, tiếp tục từ Đức Gioan XXIII và Phaolô VI, thực sự đã cố gắng để đầy mạnh việc dấn thân đại kết của Giáo Hội như lòng mong ước của Các Nghị Phụ Công Đồng bấy giờ. Ngài đã nói nhiều nơi thông điệp “Cho Họ Được Hiệp Nhất Nên Một” cũng như nơi hết mọi cuộc tông du của ngài không trừ một cuộc nào.

Tôi thấy vấn đề ngộ ngĩnh ở đây là việc chủ trương đại kết của ngài là một trong những điều cuối cùng bị gài then đóng chốt, trong khi những lời phát biểu của ngài về luân lý thì bao giờ cũng được trưng dẫn.

Với việc dấn thân đại kết – chúng ta cũng có thể nói dấn thân liên tôn – của ngài, người ta mong rằng giáo phận của ngài trở thành một mẫu gương thực sự cho những giáo phận khác trong việc dấn thân đại kết và liên tôn. Điều này cần phải được kiểm chứng.

Những gì tôi thấy được, tiếc thay, đó là khi cần phải quyết định gì về vấn đề kinh tế, thì một trong những văn phòng hay nhân vật trong những phân bộ của giáo phận liền biến mất, đó là văn phòng đại kết hay ủy ban đại kết.

Một điển hình khác đó là con người lãnh trách nhiệm đóng vai trò quan trọng này có 3 việc làm khác cần phải thi hành hay không được sửa soạn hoặc huấn luyện để thi hành công việc được trao phó cho họ.

Tôi nghĩ rằng chúng ta thực sự cần phải tự hỏi mình rằng chúng ta đã dấn thân ra sao đối với trách nhiệm đại kết là những gì trọng yếu nơi sứ vụ và đời sống của Chúa Giêsu và liên hệ mật thiết tới vai trò truyền giáo của Giáo Hội trên thế giới. Chính sự sống của Phúc Âm lệ thuộc ở điều này!

Đức Gioan Phaolô II đã nhìn nhận điều này và đã dấn thân mình vào đường lối ấy để nỗ lực theo chân của Chúa Kitô. Chúng ta cần hỏi rằng những người khác cũng làm như vậy hay chăng? Phải chăng đây là quyết tâm mà chúng ta, tất cả mọi Kitô hữu, đã thực hiện khi lãnh nhận bí tích rửa tội?

Nhiều người tuyên bố rằng mình trung thành với huấn quyền của Đức Gioan Phaolô II, nhưng họ đã thực sự thi hành tất cả những điều ngài giáo huấn hay chăng? Đó là câu hỏi thực sự mà người Công giáo chúng ta cần phải suy nghĩ trong Tuần Lễ Cầu Nguyện Hiệp Nhất Kitô Giáo này.

(còn tiếp)


Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL, dịch từ tài liệu của Zenit ngày 25/1/2005

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ