GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 1/2005

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho tất cả những ai đang hoạt động tại Trung Đông biết dấn thân hơn nữa trong việc xây dựng hòa bình”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho những nơi truyền giáo được tăng thêm những vị thừa sai thánh đức và biết quảng đại dấn thân loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô cho tất cả mọi người”.  

 

__________________

 NGÀY 29 THỨ BẢY, NGÀY THÁNH MẪU

TRONG NĂM THÁNH THỂ

 

CÓ ĐƯỢC LẦN HẠT MÂN CÔI TRƯỚC THÁNH THỂ LỘ THIÊN HAY CHĂNG?
 

Có những tâm hồn rất sợ chúng ta tôn sùng Đức Mẹ quá đến nỗi không còn để ý gì đến Chúa nữa. Trong khi Chúa Kitô mới là Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và nhân loại. Thậm chí có những người chỉ để ý đến Phụng Vụ thôi, bởi vì Phụng Vụ là tất cả những gì hiện thực Mầu Nhiệm Chúa Kitô và trực tiếp liên quan đến Chúa Giêsu Thánh Thể. Đó là lý do họ coi thường những gì liên quan đến việc biệt tôn Mẹ Maria, như việc lần hạt Mân Côi hay coi thường việc lần hạt này, thậm chí còn đả phá việc làm của đàn bà con nít này nữa. Thế nhưng, Giáo Hội và Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã xác tín và chủ trương như thế nào về việc lần hạt Mân Côi với Phụng Vụ nói chung và với Chúa Giêsu Thánh Thể nói riêng?

Dù có lập luận thế nào đi nữa, Kitô hữu nói chung vẫn không thể phủ nhận được những ba chân lý sau đây: Chân lý thứ nhất, Chúa Giêsu Kitô là Lời Nhập Thể, là Thiên Chúa; chân lý thứ hai, Vị Thiên Chúa đã hóa thân làm người mang tên Giêsu ấy đã được thụ thai và hạ sinh bởi Trinh Nữ Maria; và chân lý thứ ba, Vị Thiên Chúa vô cùng toàn thiện, toàn năng vô cùng khôn ngoan thượng trí đó Làm Người đó đã hết lòng tôn kính người mẹ trần gian của mình, bằng việc hoàn toàn tuân phục vâng lời bà mẹ này.

Như thế, nếu không thể phủ nhận hay bác bỏ 3 chân lý bất dịch này, thì tại sao con người tin vào Chúa Kitô, chấp nhận Phúc Âm và Mạc Khải của Người, lại có thể coi thường Mẹ Maria được chứ. Bằng không, đức tin của họ đối với Chúa Kitô và Phúc Âm của Người, cũng như việc họ chỉ để ý đến Phụng Vụ mà coi thường việc tôn sùng Thánh Mẫu có một cái gì đó không thật và không ổn, bởi họ tự mẫu thuẫn ở chỗ, họ phủ nhận chính người mẹ của Đấng họ tin tưởng, Đấng hết lòng tôn kính mến yêu vị bị họ coi thường.

Đó là lý do Giáo Hội và Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã dạy chúng ta biệt tôn Thánh Mẫu, nhờ Mẹ đến với Chúa và cùng với Mẹ chiêm ngưỡng dung nhan Lời Nhập Thể trong Bí Tích Thánh Thể. Sau đây là những đoạn trích dẫn nguyên văn những lời của Đức Thánh Cha và của Giáo Hội dạy về vấn đề này. Trước hết, trong Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria ban hành ngày 16/10/2002 để khai mạc Năm Mân Côi, ở đoạn 4, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, cùng với Đức Thánh Cha Phaolô VI, đã làm sáng tỏ mối liên hệ giữa Kinh Mân Côi và Phụng Vụ như sau:

“Có một số người nghĩ rằng vai trò chính yếu của phụng vụ đã được Công Đồng Chung Vaticanô II có lý nhấn mạnh cần phải tiến đến chỗ làm cho Kinh Mân Côi ít quan trọng đi. Tuy nhiên, như Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã làm sáng tỏ, chẳng những kinh nguyện này không tương khắc với Phụng Vụ, kinh này còn bảo dưỡng cho phụng vụ nữa, vì kinh này đóng vai trò dẫn lối tuyệt vời tới Phụng Vụ và là một tiếng vang trung thực của Phụng Vụ, giúp tín hữu tham dự Phụng Vụ một cách trọn vẹn và sâu xa hơn, cũng như giúp cho họ gặt hái được những hoa trái phụng vụ trong đời sống hằng ngày của họ”.

Cũng trong Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria, ở đoạn 3 ngay trước đó, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã cho chúng ta thấy rõ lý do tại sao “kinh nguyện (Mân Côi) này không tương khắc với Phụng Vụ, kinh này còn bảo dưỡng cho phụng vụ nữa, vì kinh này đóng vai trò dẫn lối tuyệt vời tới Phụng Vụ và là một tiếng vang trung thực của Phụng Vụ, giúp tín hữu tham dự Phụng Vụ một cách trọn vẹn và sâu xa hơn, cũng như giúp cho họ gặt hái được những hoa trái phụng vụ trong đời sống hằng ngày của họ”, đó là vì, như ngài định nghĩa về Kinh Mân Côi: “Việc lần hạt Mân Côi không là gì khác ngoài việc cùng với Mẹ Maria chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô”.

Thật vậy, chính vì “việc lần hạt Mân Côi không là gì khác ngoài việc cùng với Mẹ Maria chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô” mà “kinh nguyện này không tương khắc với Phụng Vụ, kinh này còn bảo dưỡng cho phụng vụ nữa, vì kinh này đóng vai trò dẫn lối tuyệt vời tới Phụng Vụ và là một tiếng vang trung thực của Phụng Vụ, giúp tín hữu tham dự Phụng Vụ một cách trọn vẹn và sâu xa hơn, cũng như giúp cho họ gặt hái được những hoa trái phụng vụ trong đời sống hằng ngày của họ”.

Đó là lý do, cho dù ngày xưa người ta không dám lần hạt Mân Côi khi Chầu Thánh Thể Lộ Thiên, ngày nay người ta không còn sợ như thế nữa, không còn sợ lần hạt Mân Côi trước Thánh Thể nữa. Vì Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nói riêng và Giáo Huấn của Giáo Hội nói chung đã khích lệ thực hiện việc làm hết sức ý nghĩa, cần thiết và giá trị này, tức việc cùng với Mẹ chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô trong Bí Tích Thánh Thể bằng chính Kinh Mân Côi. Thật vậy, trong Thông Điệp Giáo Hội Sống Bởi Thánh Thể được ban hành ngày Thứ Năm Tuần Thánh 17/4/2003, ở khoản số 18, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã minh định như sau:

“Qua tác động tôn thờ, chúng ta hãy đi sâu vào việc chiêm ngưỡng Người một cách tư riêng cũng như cộng đồng… Chính kinh Mân Côi, khi được hiểu sâu xa như là một hình thức thánh kinh và qui về Chúa Kitô là những gì Tôi đã huấn dụ trong Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria, cũng cho thấy kinh này là cách đặc biệt xứng hợp dẫn đến việc chiêm ngưỡng Thánh Thể, một thứ chiêm ngưỡng được thực hiện với Mẹ Maria như là vị đồng hành và hướng đạo của chúng ta”.

Trong Bản Hướng Dẫn “Redemptionis Sacramentum” về Một Số Vấn Đề Cần Phải Tuân Giữ Hay Tránh Lánh Liên Quan Đến Thánh Thể Cực Linh”, khoản số 137, Thánh Bộ Phượng Tự và Bí Tích của Tòa Thánh cũng xác định rõ việc lần hạt Mân Côi trước Thánh Thể như sau:

“Trước Bí Tích Cực Linh này, ở trong nhà tạm hay được đặt ra ngoài, không được loại trừ việc cầu kinh Mân Côi là một kinh nguyện đáng ca ngợi ‘nơi tính cách đơn sơ mà lại sâu xa của kinh này’ (ĐTC GPII: Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria, đoạn 2). Thậm chí cả vào trường hợp Thánh Thể được đặt ra ngoài cũng phải nhấn mạnh đến tính cách của kinh nguyện này như là một việc chiêm ngưỡng mầu nhiệm về đời sống của Chúa Kitô Cứu Thế cũng như về dự án cứu độ của Chúa Cha, nhất là khi thực hiện bằng các bài đọc lấy từ Thánh Kinh”.

Tóm lại, chúng ta hãy sốt sắng dùng Kinh Mân Côi để chiêm ngưỡng dung nhan Lời Nhập Thể trong Bí Tích Thánh Thể. Vì khi lần hạt Mân Côi, về khẩu nguyện, miệng lưỡi chúng ta chúc tụng Mẹ Maria đầy ơn phúc, nhưng về tâm nguyện, tâm trí chúng ta suy niệm Mầu Nhiệm Chúa Kitô. Nếu Mẹ Maria đầy ơn phúc không phải chỉ ở tại việc Mẹ được Chúa ở cùng mà còn ở tại việc Mẹ được Ơn Nghĩa với Chúa, tức là ở việc Mẹ luôn “xin vâng” làm trọn ý Chúa, hay ở tại chính đức tin tuân phục luôn lắng nghe và giữ lời Chúa của Mẹ, đúng như bà Isave đã chúc khen Mẹ: “Em có phúc vì đã tin những lời Chúa phán sẽ được thực hiện”, thì lần hạt Mân Côi là việc chúng ta nhờ đức tin của Mẹ và với đức tin đầy ơn phúc của Mẹ để tuyên xưng Chúa Kitô, để nhận biết Chúa Kitô nơi từng Mầu Nhiệm Mân Côi, những mầu nhiệm lên đến tuyệt đỉnh ở Mầu Nhiệm Vượt Qua là mầu nhiệm được hiện thực nơi việc cử hành Phụng Vụ Thánh Thể nói riêng và Phụng Vụ Bí Tích nói chung.

Nếu “việc lần hạt Mân Côi không là gì khác ngoài việc cùng với Mẹ Maria chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô”, nhất là việc lần hạt này hay việc cùng Mẹ Maria chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô được thực hiện trước Chúa Giêsu Thánh Thể lộ thiên hay trong Nhà Tạm, thì chẳng khác gì việc chúng ta cảm thấy khao khát Chúa Giêsu Thánh Thể, việc chúng ta tỏ ra hết sức muốn được hiệp nhất nên một với Người, một niềm khao khát hiệp nhất rất cần thiết cho đời sống nội tâm và là chính bản chất của việc cầu nguyện, một đời sống nội tâm cầu nguyện đạt đến tuyệt đỉnh ở chỗ thần hiệp, tức ở chỗ được hiệp nhất nên một với Thiên Chúa, một hiệp nhất nên một được hiện thực khi Hiệp Lễ.

Đó là lý do, ĐTC Gioan Phaolô II cùng với Đức Phaolô VI minh định rằng: “kinh nguyện này không tương khắc với Phụng Vụ, kinh này còn bảo dưỡng cho phụng vụ nữa, vì kinh này đóng vai trò dẫn lối tuyệt vời tới Phụng Vụ và là một tiếng vang trung thực của Phụng Vụ, giúp tín hữu tham dự Phụng Vụ một cách trọn vẹn và sâu xa hơn, cũng như giúp cho họ gặt hái được những hoa trái phụng vụ trong đời sống hằng ngày của họ”.


Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL

 

 

ĐTC GPII: Sứ Điệp Dịp Kỷ Niệm 60 Năm (27/1/1945-2005) Giải Tỏa Trại Tử Thần Auschwitz-Birkenau ở Balan

 

Sáu mươi năm đã qua đi từ cuộc giải phóng những tù nhân ở trại tử thần Auschwitz-Birkenau. Việc kỷ niệm này kêu gọi chúng ta hãy suy nghĩ một lần nữa cái thảm kịch đã xẩy ra ở đó, một thành quả thảm khốc tận cùng của một án chương hận thù. Trong những ngày này, chúng ta cần phải nhớ đến hằng triệu người, không vì lầm lỗi của mình, đã bị cưỡng bức chịu đựng tình trạng khổ đau vô nhân và việc bị hủy diệt trong những phòng hơi khí và những lò nung nóng. Tôi cúi đầu trước tất cả mọi người đã trải qua tình trạng bộc lộ của ‘mầu nhiệm tội lỗi’ ấy.

 

Với tư cách là Giáo Hoàng, khi đến thăm trại Auschwitz-Birkenau vào năm 1979, tôi đã dừng chân trước những đài tưởng niệm của thành phần nạn nhân ở đó. Có những tấm bia ghi khắc bằng nhiều thứ ngôn ngữ: Balan, Anh quốc, Bulgaria, Romania, Tiệp Khắc, Danish, Pháp quốc, Hy Lạp, Do Thái, Yiddish, Tây Ban Nha, Flemish, Serbo-Croat, Đức quốc, Na Uy, Nga, Romania, Hung Gia Lợi và Ý quốc. Tất cả mọi thứ ngôn ngữ này đều nói về thành phần nạn nhân của trại Auschwitz: những nạn nhân có thật nhưng trong nhiều trường hợp lại hoàn toàn là những con người nam, nữ và trẻ em vô danh. Tôi đã đứng lâu hơn một chút trước tấm bia bằng tiếng Do Thái. Tôi nói rằng: “Tấm bia ghi khắc này kêu gọi chúng ta hãy nhớ đến nhân dân mà con cái nam nữ của họ đã bị kết án tận diệt. Nhân dân này bắt nguồn từ Abraham, cha của chúng ta trong đức tin (x Rm 4:11-12), như Thánh Phaolô thành Tarsê đã nói. Nhân dân này, chính nhân dân này đã lãnh nhận từ Thiên Chúa mệnh lệnh “các ngươi không được sát hại”, lại trải qua một cách đặc biệt ý nghĩa của việc sát hại. Không ai được phép dửng dưng đi ngang qua tấm bia này”.

 

Hôm nay đây, tôi lập lại những lời ấy. Khnôg ai được phép coi thường thảm trạng Shoah ấy. Cái nỗ lực thực hiện cách thức hủy diệt toàn thể cả một dân tộc này chụp xuống như một bóng tối trên lịch sử Âu Châu và toàn thế giới; nó là một tội ác muôn đời bôi nhọ lịch sử của nhân loại. Chớ gì, hôm nay và mai ngày, nó trở thành một thứ cảnh báo là không được thiều theo những ý hệ biện minh việc khinh thường phẩm giá con người theo chủng tộc, mầu da, ngôn ngữ hay tôn giáo. Tôi kêu gọi hết mọi người, nhất là những ai muốn nhân danh tôn giáo để sử dụng những hành động đàn áp và khủng bố.

 

Những suy tư này vẫn tồn tại nơi tôi, nhất là trong Đại Năm Thánh 2000, thời điểm Giáo Hội cử hành phụng vụ thống hối cách long trọng ở Đền Thờ Thánh Phêrô, và tôi đã thực hiện cuộc hành trình như một người hành hương tới Những Nơi Thánh, tới Giêrusalem. Ở Yad Vashem, nơi tưởng niệm Shoah, và ở chân Bức Tường Phía Tây của Đền Thờ, tôi đã âm thầm cầu nguyện, xin ơn tha thứ và hoán cải các cõi lòng.

 

Vào ngày đó trong năm 1979, tôi cũng nhớ dừng chân để suy tưởng hai tấm bia khác, một viết bằng tiếng Nga và một bằng tiếng Romania. Lịch sử của vai trò Khối Hiệp Nhất Sô Viết trong cuộc chiến tranh này là những gì phức tạp, tuy nhiên vẫn không được quên rằng trong cuộc chiến tranh này những người Nga đã thảm thương chiếm con số tử vong cao nhất. Rôma cũng bị kết án tận diệt theo dự án của Hitler. Người ta không thể coi thường sự hy sinh mạng sống bí áp đặt trên những người anh chị em của chúng ta nơi trại tử thần Auschwitz-Birkenau này. Đó là lý do tôi xin nhấn mạnh một lần nữa là không ai được phép dửng dưng băng ngang qua những tấm bia ấy.

 

Sau hết, tôi dừng lại trước tấm bia được viết bằng tiếng Balan. Ở đó, tôi đã nhắc nhở rằng kinh nghiệm trại tử thần Auschwitz là tiêu biểu cho “một giai đoạn nữa của cuộc tranh đấu nhiều thế kỷ trước nơi quốc gia này, quốc gia của tôi, cho các quyền lợi căn bản của nó giữa các dân tộc ở Âu Châu. Một tiếng kêu lớn nữa cho quyền phải có một chỗ đứng của mình trên bản đồ Âu Châu. Một toan tính đớn đau nữa với lương tâm con người”. Lời phát biểu của sự thật này không là gì khác hơn một tiếng gọi công lý lịch sử cho quốc gia này, một quốc gia đã phải hy sinh cả thể cho việc giải phóng Âu Châu khỏi ý hệ ô nhục của Nazi, và là một quốc gia đã bị bán làm nô lệ cho thứ ý hệ tàn hại khác là ý hệ Cộng Sản Sô-Viết. Hôm nay đây tôi hướng về những lời ấy, chứ không rút chúng lại, để tạ ơn Chúa vì, qua những nỗ lực kiên trì của đồng bào tôi, Balan đã có một chỗ đứng của mình trên bản đồ Âu Châu. Tôi hy vọng rằng kinh nghiệm lịch sử thê thảm ấy sẽ trở thành một nguồn mạch phong phú thiêng liêng hỗ tương cho tất cả mọi người dân Âu Châu.

 

Trong cuộc viếng thăm trại tự thần Auschwitz-Birkenau của mình, tôi cũng đã nói rằng người ta cần phải dừng bước trước mỗi một tấm bia. Chính tôi đã làm như thế, đi ngang qua từ tấm bia này đến tấm bia kia một cách suy tư nguyện cầu, và phó dâng cho Tình Thương Chúa tất cả mọi nạn nhân thuộc tất cả mọi quốc gia đã trải qua những hành đồng tàn ác của chiến tranh. Tôi cũng nguyện cầu để, nhờ việc chuyển cầu của họ, thế giới sẽ nhận được tặng ân hòa bình. Tôi tiếp tục không ngừng cầu nguyện, tin tưởng rằng ở hết mọi nơi, sau cùng, sẽ có được một sự thịnh hành tôn trọng đối với phẩm giá con người cũng như đối với quyền lợi của hết mọi con người nam nữ trong việc được tự do tìm kiếm sự thật, trong việc tuân giữ luật lệ luân lý, trong việc thực hiện những nhiệm vụ theo công lý cũng như trong việc tiến đến một sự sống con người trọn vẹn (Cf. John XXIII, encyclical letter "Pacem in Terris": AAS 55 [1963], 295-296).

 

Nói về thành phần nạn nhân của trại tử thần Auschwitz, tôi không thể không nhớ lại rằng, giữa tất cả những sự dữ khôn xiết kể ấy, cũng có những gương dấn thân anh hùng hành thiện. Chắc chắn là có nhiều người đã tỏ ra sẵn sàng, bằng một niềm tự do thiêng liêng, chịu đựng khổ đau và chứng tỏ tình yêu thương, chẳng những với thành phần tù nhân đồng bạn của mình, mà còn đối với cả thành phần hành hạ mình nữa. Nhiều người đã làm như thế vì kính mến Chúa và yêu thương tha nhân; những người khác thì vì những giá trị thiêng liêng cao cả nhất. Thái độ của họ rõ ràng làm chứng cho một sự thật thường được diễn tả trong Thánh Kinh, đó là Cho dù con người có khả năng làm dữ, có những lúc là sự dữ không lường, thì chính sự dữ cũng không phải là phán quyết cuối cùng. Trong chính vực thẳm của khổ đau, tình yêu vẫn có thể chiến thắng. Người ta không bao giờ được lãng quên chứng từ cho tình yêu đã được thể hiện nơi trại tử thần Auschwitz này. Không bao giờ được ngừng nghỉ việc khơi động lương tâm, việc giải quyết những xung khắc, việc phấn khích vấn đề xây dựng hòa bình.

 

Đó là ý nghĩa sâu xa nhất của việc cử hành kỷ niệm này. Chúng ta tưởng nhớ đến những nỗi khổ đau thảm thương của thành phần nạn nhân không phải để khơi lại những vết thương đau hay khơi dậy những cảm giác hận thù và trả đũa, mà là để tôn kính thành phần nằm xuống, để nhìn nhận thực tại lịch sử và nhất là để bảo đảm rằng những biến cố kinh khủng ấy trở thành lời hiệu triệu con người nam nữ ngày nay lãnh nhận trách nhiệm hơn nữa trong việc đi làm lịch sử chung của chúng ta. Không bao giờ được tái diễn, nơi bất cứ phần đất nào trên thế giới, những kinh nghiệm nào khác về những gì đã được trải qua bởi những con người nam nữ mà chúng ta đã thương khóc 60 năm qua!

 

Tôi gửi lời chào đến những ai tham dự vào những cuộc cử hành kỷ niệm này, và tôi xin Thiên Chúa Toàn Năng chúc lành cho tất cả mọi người.

 

Tại Vatican ngày 15/1/2005

 

Gioan Phaolô II


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL,

chuyển dịch trực tiếp từ mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh

http://www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/messages/pont_messages/2005/documents/hf_jp-ii_mes_20050127_auschwitz-birkenau_en.html

Sứ điệp trên đây của ĐTC đã được ĐHY Jean-Marie Lustiger, TGM Paris, đọc vào chính ngày 27/1/2005, ngày kỷ niệm đúng 60 năm lực lượng đồng minh giải tỏa, trước cuộc qui tụ trên 30 vị lãnh đạo thế giới, với tư cách là đặc sứ của ngài ở biến cố này.

Ngoài ra, Cây Thánh Giá của Ngày Giới Trẻ Thế Giới hằng năm, một Cây Thánh Giá được ĐTC GPII trao cho giới trẻ thế giới từ năm 1984, và Ảnh Đức Maria cũng được đưa đến trại tập trung Ravensbruck trước đây, như một phần của cuộc hành trình hòa giải khắp các giáo phận ở Đức.

Trại tập trung trước đây này tọa lạc cách Bá Linh 80 cây số, một trại tập trung lớn nhất của Đảng Nazi giành cho nữ giới. Nó được xây cất trong những vùng đồng lầy trong mùa đông 1938-1939, bởi những can phạm ở trại tù Sachsenhausen. Dung tích chỉ chứa được 15 ngàn tù nhân, nhưng trên 100 ngàn phụ nữ thuộc 20 quốc gia đã bị giam nhốt ở đây.
 

Tòa Thánh tại LHQ nhân dịp Kỷ Niệm 60 Năm Giải Tỏa Các Trại Giam của Đảng Nazi

ĐTGM Celestino Migliore, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh ở LHQ đã ngỏ lời cùng Tổng Hội Đồng LHQ hôm Thứ Hai 24/1/2004 nhân dịp kỷ niệm 60 năm Lực Lượng Đồng Minh giải tỏa các trại giam của Đảng Nazi.

Thưa Ông Chủ Tịch,

Đại biểu tôi nhiệt liệt hoan hô sáng kiến thực hiện phiên họp đặc biệt này của Tổng Hội Đồng để tưởng niệm 60 năm việc Lực Lượng Đồng Minh giải tỏa các trại giam của Đảng Nazi.

Nó tạo cho chúng ta một dịp nữa để long trọng nhớ đến các nạn nhân của một quan điểm chính trị phi nhân bản phát xuất từ một ý hệ cực đoan. Nó cũng nhắc nhở chúng ta về những thứ căn nguyên hiện hữu của chính tổ chức đây, về những mục đích cao quí của nó cũng như về ý muốn chính trị vẫn còn cần thiết để ngăn ngừa không cho tái diễn những điều kinh hoàng khiếp đảm như thế nữa.

Hôm nay đây chúng ta đang thấy được những hậu quả của thái độ bất khoan nhượng, khi chúng ta nhớ đến tất cả những người đã trở thành mục tiêu cho những thứ mánh khóe về chính trị và xã hội của Đảng Nazi, những mánh khóe được tạo ra ở một mức độ rộng lớn và sử dụng đến việc cố tình tàn bạo theo mưu đồ của mình. Những ai bị coi là không xứng với xã hội, trong đó có dân Do Thái, các chủng tộc Slavonic, dân Rôma, thành phần tật nguyền, thành phần đồng tính, đều được liệt vào sổ đen bị tận diệt; những ai dám chống lại chế độ bằng lời nói và việc làm, chính trị gia, các vị lãnh đạo tôn giáo, những người công dân tư nhân, thường phải trả giá bằng mạng sống của họ. Những điều kiện được ấn định như thế là để làm cho con người mất đi phẩm giá chính yếu của họ và tước lột đi hết mọi tính cách tao nhã cùng với cảm kiến của họ.

Những trại tử thần cũng đã chứng kiến thấy một dự án chưa từng có về mưu đồ cố tình tận diệt cả một dân tộc là dân Do Thái. Một số lần Tòa Thánh hết sức cảm thương nhớ lại những khổ đau của người Do Thái bởi thứ tội ác ngày nay gọi là Shoah. Diễn ra trong một giai đoạn đen tối nhất thế kỷ 20, nó là một tội ác duy nhất làm hoen ố lịch sử nhân loại và lương tâm của tất cả mọi người.

Trong cuộc viếng thăm trại Auschwitz vào năm 1979, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói rằng chúng ta cần phải để cho tiếng kêu của thành phần tử đạo ở đó làm cho thế giới được biến đổi nên tốt hơn, bằng cách rút ra được những kết luận chính đáng nơi Bản Tuyên Ngôn Chung về Nhân Quyền.

Thưa Ông Chủ Tịch,

Trong một thế kỷ được đánh dấu bằng những tai ương do con người gây ra, những trại tử thần Nazi đặc biệt là một nhắc nhở sáng suốt về “thái độ vô nhân bản của con người đối với con người”, cũng như về khả năng làm ác của họ. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải nhớ rằng nhân loại cũng có khả năng làm việc đại thiện, khả năng tự hy hiến và vị tha. Khi xẩy ra tai họa cho nhân loại, như chúng ta được thấy mấy tuần vừa rồi, dân chúng tỏ ra hết sức gắn bó với xã hội loài người, bằng tình đoàn kết và huynh đệ, đôi khi bằng việc hy sinh bản thân mình nữa. Trong chiều hướng tưởng niệm hôm nay, chúng ta chỉ cần nghĩ đến những con người can trường thuộc mọi tầng lớp xã hội, mà nhiều người trong họ được công nhận là “Thành Phần Chính Trực nơi Các Quốc Gia”. Tất cả mọi dân tộc trên thế giới này đều có khả năng làm việc đại thiện, một việc thường đạt được nhờ giáo dục và vai trò lãnh đạo về luân lý. Ngoài ra, chúng ta cần thêm cả chiều kích thiêng liêng là chiều kích mà, vì nó không mang lại niềm hy vọng giả tạo hay những ý nghĩ loáng thoáng, sẽ là những gì giúp cho chúng ta giữ mình khiêm tốn, biết phối trí và giải quyết khi đối diện với những biến cố kinh hoàng.

Đó là lý do vai trò đại biểu tôi đây hoan hô cơ hội tưởng nhớ đến việc giải tỏa các trại tập trung của Nazi, để nhân loại không quên được những gì là kinh hoàng con người có thể gây ra; không quên được những sự dữ của chủ nghĩa cực đoan chính trị ngạo cuồng và việc mưu mẹo về xã hội; cũng như không quên được nhu cầu cần phải xây dựng một thế giới an bình hơn, lành mạnh hơn cho hết mọi con người nam, nữ và trẻ em có thể sinh sống.

Chớ gì tất cả mọi con người nam nữ thiện tâm, bất kể khuynh hướng chính trị của mình, nắm lấy cơ hội trọng đại này mà nói rằng: “Không bao giờ được tái diễn” những tội ác như thế, nhờ đó, tất cả mọi quốc gia, cũng như tổ chức này đây, thực sự tôn trọng sự sống, tự do và phẩm giá của hết mọi con người. Với ý muốn chính trị thật tình, các phương tiện về luân lý và thiêng liêng của con người chắc chắn sẽ có thể, một lần vĩnh viễn, biến đổi các thứ văn hóa hiện đại của chúng ta, để tất cả mọi dân tộc trên thế giới biết quí trọng sự sống và cổ võ hòa bình.

Cám ơn Ông Chủ Tịch.


Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL, dịch từ tài liệu của Zenit ngày 25/1/2005
 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ