GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 1/2005

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho tất cả những ai đang hoạt động tại Trung Đông biết dấn thân hơn nữa trong việc xây dựng hòa bình”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho những nơi truyền giáo được tăng thêm những vị thừa sai thánh đức và biết quảng đại dấn thân loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô cho tất cả mọi người”.  

 

__________________

 NGÀY 2 CHÚA NHẬT LỄ HIỂN LINH,

CHÚA NHẬT TRONG NĂM THÁNH THỂ

 

           

           ĐTC GPII: Tông Thư Ngày Của Chúa 

“Nhờ Người mà muôn vật được tạo thành” (Jn 1:3)

8. Đối với Kitô hữu thì Chúa Nhật trước hết là việc cử hành Phục Sinh, một cử hành hoàn toàn được rạng ngời bởi vinh quang của Chúa Kitô Phục Sinh. Đó là một ngày lễ của “việc tân tạo”. Tuy nhiên, khi được hiểu một cách sâu xa thì khía cạnh này bất khả tách rời khỏi những gì được những trang sách đầu tiên của Thánh Kinh cho chúng ta biết về dự án của Thiên Chúa nơi việc tạo thành thế giới. Quả thực Lời đã hóa thành nhục thể khi “thời gian viên trọn” (Gal 4:4); thế nhưng, theo mầu nhiệm về căn tính là Người Con hằng hữu của Cha, thì Người cũng thực sự là nguyên thủy và là cùng tận của vũ trụ này. Như Thánh Gioan viết trong Lời Mở Đầu Phúc Âm của mình: “Nhờ Người mà tất cả mọi sự được tạo thành, không có Người chẳng có gì thành sự” (1:3). Thánh Phaolô cũng nhấn mạnh đến điều ấy khi viết cho Kitô hữu giáo đoàn Colosê rằng: “Nơi Người tất cả mọi sự được tạo thành, cả trên trời lẫn dưới thế, cả hữu hình lẫn vô hình… Tất cả mọi sự đều được tạo dựng nên nhờ Người và cho Người” (1:16). Sự hiện diện chủ động này của Người Con nơi công việc tạo dựng của Thiên Chúa được hoàn toàn tỏ hiện nơi Mầu Nhiệm Vượt Qua, một mầu nhiệm được Chúa Kitô, khi sống lại “như những hoa trái đầu mùa của thành phần đã yên nghỉ” (1Cor 15:20), đã thực hiện một cuộc tân tạo và bắt đầu tiến trình mà chính Người sẽ làm hoàn tất khi Người trở lại trong vinh quang để “trao vương quốc cho Thiên Chúa là Cha…, hầu Thiên Chúa là mọi sự cho hết mọi người” (1Cor 15:24,28).

Bởi thế, ngay từ rạng đông của cuộc tạo thành, dự án của Thiên Chúa đã bao hàm “sứ vụ vũ trụ” của Chúa Kitô rồi. Cái bối cảnh có Chúa Kitô làm tâm điểm này, bao gồm toàn thể vòng thời gian, một bối cảnh được tràn đầy ánh mắt hài lòng của Thiên Chúa, ở chỗ, sau khi hoàn tất mọi việc mình làm, Ngài “đã chúc lành cho ngày thứ bảy và làm cho ngày này trở thành một ngày thánh hảo” (Hen 2:3). Theo vị tác giả Tư Tế viết về câu truyện tạo dựng đầu tiên của Thánh Kinh thì “Ngày Hưu Lễ” được bắt đầu từ đó, làm nên đặc tính của Giao Ước đầu tiên, và một cách nào đó, cũng báo trước cả ngày linh thánh của Giao Ước mới cuối cùng nữa. Đề tài về “Thiên Chúa nghỉ ngơi” (x Gen 2:2), cùng với những gì còn lại, được vị tác giả này cống hiến cho thành phần dân Xuất Ai Cập khi họ tiến vào Đất Hứa (x Ex 33:14; Deut 3:20, 12:9; Jos 21:44; Ps 95:11), đều được đọc lại nơi Tân Ước theo chiều hướng của “nghỉ ngơi Ngày Hưu Lễ” sau hết (Heb 4:9) được chính Chúa Kitô tiến vào bằng cuộc Phục Sinh của Người. Dân Chúa được kêu gọi tiến vào cùng một cuộc nghỉ ngơi ấy bằng việc kiên trì theo gương thảo hiếu tuân phục của Chúa Kitô (x Heb 4:3-16). Bởi thế, để thấu triệt được ý nghĩa của Chúa Nhật, chúng ta phải đọc lại câu truyện tạo dựng quan trọng và đào sâu kiến thức của mình về thần học của “Ngày Hưu Lễ”.

“Từ ban đầu Thiên Chúa đã tạo dựng nên trời đất” (Gen 1:1)

9.     Kiểu cách thi ca của câu truyện Khởi Nguyên chuyên chở rõ ràng nỗi bàng hoàng nơi con người trước cái bao la vĩ đại của việc tạo thành cùng với cảm quan tôn vinh bởi đó mà ra đối với Đấng đã từ hư không làm cho tất cả mọi sự hiện hữu. Nó là một câu truyện đầy ý nghĩa về tôn giáo, một bài thánh ca dâng lên Đấng Tạo Hóa của vũ trụ, hướng về Ngài như vị Chúa duy nhất đối với những khuynh hướng liên diễn muốn thần linh hóa chính thế giới. Nó đồng thời cũng là một bài thánh ca về những điều tốt lành của việc tạo dựng, tất cả đều được hình thành bởi bàn tay toàn năng và xót thương của Thiên Chúa.

“Thiên Chúa thấy rằng tốt lành” (Gen 1:10,12 v.v.). Bằng việc phân cách câu truyện tạo dựng này, câu điệp khúc ấy chiếu giãi một ánh sáng tích cực trên mọi yếu tố của vũ trụ và cho thấy cái bí mật để hiểu được một cách xác đáng vũ trụ cũng như việc từ từ sinh xuất của nó, một thế giới tốt lành ở chỗ nó vẫn gắn bó với nguồn gốc của nó, và sau khi bị làm méo mó đi bởi tội lỗi, nó lại trở thành tốt lành bởi sự trợ giúp của ân sủng, và qui về cho Đấng đã dựng nên nó. Hiển nhiên là tiến trình này trực tiếp liên quan đến những vật vô hồn cũng như những con thú vật mà là đến con người là loài được ban cho một tặng ân khôn sánh cùng với cái nguy cơ tự do. Liên sau những câu truyện về việc tạo dựng, Thánh Kinh nhấn mạnh đến tình trạng tương phản giữa cái cao cả của con người được dựng nên theo hình ảnh và tương tự như Thiên Chúa, với việc sa ngã của con người là những gì tuôn vào thế giới bóng tối của tội lỗi và sự chết (x Gen 3).

10.     Thực sự xuất hiện từ bàn tay Thiên Chúa, vũ trụ mang dấu vết tốt lành của Ngài. Nó là một thế giới đẹp đẽ, thật sự đáng cho chúng ta khen ngợi và hân hoan, thế nhưng đồng thời cũng kêu gọi chúng ta thực hiện việc vun trồng và phát triển. Vào lúc “hoàn tất” của việc Thiên Chúa làm, thế giới này sẵn sàng để cho con người hoạt động. “Vào ngày thứ bảy, Thiên Chúa hoàn tất công việc Ngài đã thực hiện, và Ngài nghỉ ngơi trong ngày thứ bảy sau khi làm xong tất cả những việc Ngài đã thực hiện” (Gen 2:2). Với hình ảnh nhân thể này nơi “công việc” của Thiên Chúa, Thánh Kinh chẳng những cống hiến cho chúng ta một cái thoáng nhìn về mối liên hệ nhiệm mầu giữa Đấng Hóa Công và thế giới tạo thành, mà còn chiếu giãi ánh sáng trên việc làm của con người liên quan đến vũ trụ nữa. “Công việc” của Thiên Chúa một cách nào đó là mô phạm cho con người, một con người được kêu gọi chẳng những để sống ở vũ trụ mà còn để “xây dựng” nó, nhờ đó họ trở thành “cộng sự viên” của Thiên Chúa. Như tôi đã viết trong Thông Điệp Laborem Exercens, những chương đầu tiên của Sách Khởi Nguyên ở một nghĩa nào đó làm nên “cuốn phúc âm làm việc” đầu tiên (10). Đây là một sự thật cũng được Công Đồng Chung Vaticanô II đề cào: “Được tạo dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, con người được ủy thác cho việc làm chủ trái đất cùng với tất cả những gì nó chất chứa, cho việc cai trị thế giới trong công chính và thánh đức, và, khi nhận biết Thiên Chúa là đấng tạo thành tất cả mọi sự, cho việc qui chính bản thân mình cùng tất cả mọi sự về Thiên Chúa, để, khi mọi sự thuận phục Thiên Chúa, thánh danh Thiên Chúa được tôn vinh trên toàn thể trái đất” (11)

Việc tiến bộ vượt bực của khoa học, kỹ thuật và văn hóa ở những hình thức khác nhau – một thứ phát triển nhanh chóng chưa từng có mà thậm chí ngày nay còn choáng ngợp nữa – là thành quả về lịch sử của sứ vụ mà Thiên Chúa đã ủy thác cho con người nam nữ công việc và trách nhiệm lan tràn khắp trái đất và làm chủ nó bằng hoạt động của mình khi tuân giữ lề luật của Thiên Chúa.

(còn tiếp)
 

“Không Được Nhân Danh Thiên Chúa Để Sát Hại!”

Cảm hứng theo sứ điệp của ĐTC GPII cho Ngày Hòa Bình Thế Giới 1/1/2005
(nhan đề của bài viết này là tiểu đề ở đoạn 6 Sứ Điệp Hòa Bình 2002)

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

Áp dụng Chiều Hướng Sứ Điệp Hòa Bình 2005

Không ai có thể chối cãi được là càng ngày tình hình thế giới càng trở nên bạo loạn hơn bao giờ hết. Chẳng những về phương diện chính trị quân sự, mà còn cả phương diện luân lý xã hội và tôn giáo nữa. Bạo lực (violence) ở đây không phải chỉ là những gì trực tiếp liên quan đến vũ khí (arms), bom đạn giết người, mà còn liên quan đến cả tính cách dữ tợn và thái độ hung bạo nữa (aggression), những tính cách và thái độ phát xuất từ lòng vị kỷ hẹp hòi hơn là vì yêu thương chân thực. Chẳng hạn như hành động phá thai (abortion) hay triệt sinh an tử (mercy killing) v.v., những hành động cũng có tính cách khủng bố tấn công. Ngoài ra, những hành động khủng bố tấn công hung bạo này, không phải chỉ xẩy ra nơi những người anh em mang danh “Hồi giáo Ả Rập”, thậm chí còn xẩy ra nơi cả thành phần con cái của chính Giáo Hội Công Giáo nữa, với những thứ khủng bố tấn công bằng ngòi viết, lên án người này người kia, đả phá vị này vị nọ, cho nhiều đấng bậc đồng đạo xuống hỏa ngục, cho các vị giáo hoàng (Phaolô VI và Gioan Phaolô II) cũng như cho chung giáo hội (Công Đồng Chung Vaticanô II) là sai lạc v.v.

Thật ra hiện tượng khủng bố tấn công đã có ngay từ ban đầu, khi con người mới xuất hiện trên thế gian này. Cuộc khủng bố tấn công đầu tiên do ma qủi thực hiện và hậu quả là loài người đã bị tử thương (xem Khởi Nguyên đoạn 3). Cuộc khủng bố tấn công thứ hai do chính loài người gây ra cho nhau, đó là người anh mang tên Cain vì ghen hận đã ra tay sát hại đứa em Abel của mình (xem Khởi Nguyên 4:1-8). Nếu hiện tượng khủng bố tấn công ngày nay còn có một đặc tính tôn giáo nữa, đó là nhân danh Thiên Chúa để sát hại, thì hiện tượng này cũng đã xẩy ra vào ngày thời của Chúa Giêsu, khi Hội Đồng Do Thái xé áo đòi giết Người, sau khi vị Thượng Tế Caipha nhân danh Thiên Chúa để hỏi Người quả thực có phải là Con Thiên Chúa hay chăng (xem Mathêu 26:57-68).

Những cuộc khủng bố tấn công có tính cách tôn giáo trong nội bộ Giáo Hội Công Giáo cũng thế, thành phần tấn công cũng cho rằng họ cần phải bênh vực Giáo Hội. Thật ra, là con cái, ai cũng có phận sự, về phần tiêu cực, phải bênh vực Giáo Hội, và về phần tích cực, phải xây dựng Giáo Hội. Tuy nhiên, nếu việc bênh vực hay xây dựng Giáo Hội của mình, thay vì đạt được mục đích của nó lại quay ra làm hại chính Giáo Hội thì, đúng như ĐTC GPII đã khẳng định, như đã được trích dẫn trên đây:

• “Bạo lực là một sự dữ bất khả chấp và không bao giờ nó có thể giải quyết được vấn đề. ‘Bạo lực là một thứ dối trá điêu ngoa, vì nó phản lại sự thật đức tin của chúng ta, sự thật nhân loại của chúng ta. Bạo lực hủy hoại những gì nó cho rằng nó bênh vực, như phẩm giá, sự sống, tự do của con người’”

Ở ngay khoản số 1 của Sứ Điệp Hòa Bình 2005, ngài đã nói ngay đến cái thất sách và bất lợi cùng tác hại của thái độ bạo lực và hung bạo là những gì tiêu biểu và hiện thân của sự dữ như sau:

• “Sự dữ không bao giờ bị chế ngự bởi sự dữ; một khi thực hiện đường lối này thì thay vì thắng được sự dữ thì người ta lại bị sự dữ đánh bại”.

Những quả quyết rất xác tín đầy thực tế này đã hoàn toàn được ứng nghiệm nơi tình hình ở Thánh Địa và Iraq. Căn cứ vào đó, chúng ta có thể nói một cách chắc chắn không sợ sai lầm rằng không thể nào có hòa bình ở Thánh Địa và Iraq nếu còn bạo lực, hay nếu không có yêu thương! Cũng thế, thực tế còn cho chúng ta thấy những cuộc khủng bố tấn công nhau bằng truyền thông, bằng phát thanh, bằng báo chí v.v. là những gì chẳng những không giải quyết được vấn đề mà còn làm cho vấn đề thêm trầm trọng đến nỗi không thể chữa trị được nữa.

Hy vọng những ai, đang vô tình, hay cố ý, hoặc vào hùa, thực hiện những cuộc khủng bố tấn công anh chị em đồng loại, đồng hương hay đồng đạo của mình bằng bất cứ cách nào, cách riêng bằng thứ vũ khí truyền thông, có thể cảm thấu được phần nào ý nghĩa sâu xa của Sứ Điệp Hòa Bình 2005, một sứ điệp rất chân thực và trọn hảo để có thể giải quyết được những gì đụng chạm về tiêu cực và xây dựng những gì tích cực, đúng như ý muốn của Đấng Tối Cao, Đấng Toàn Hảo, Đấng “làm cho mặt trời mọc lên cho kẻ cả dữ người lành cũng như làm cho mưa xuống trên cả kẻ công chính lẫn người bất chính” (Mt 5:45).

Ngay sau cuộc khủng bố tấn công xẩy ra giữa loài người với nhau, Thiên Chúa đã tỏ cho con người biết rằng việc trả oán hay báo ứng thuộc về một mình Ngài (x Rm 12:19), chứ không phải ai khác, bằng không, những ai muốn thay Ngài tự động báo oán đối với kẻ dữ, dù "kẻ dữ" ấy không phải là tác nhân gây ra sự dữ cho mình, tức là  hễ thấy kẻ nào ác là ai cũng có quyền giết theo kiểu giang hồ của phim Tầu, hay theo kiểu tự động nhào vô giải phóng Iraq khỏi nhà lãnh tụ độc tài Saddam Hussein đang có các thứ vũ khí đại công phá nguy hiểm trong tay. Hậu quả của những ai đụng chạm tới "kẻ dữ", điển hình là Cain chẳng hạn, thì sẽ gặp quả báo gấp 7 lần: “Nếu ai sát hại Cain thì Cain sẽ được báo thù gấp 7 lần” (Gen 4:15).

Căn cứ vào mạc khải thần linh được tỏ ra ở ngay đầu Đoạn 4 của Sách Khởi Nguyên này, Giáo Hội Công Giáo, qua Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, đã mạnh mẽ phát động việc hủy bỏ án tử hình ngay sau khi tung ra cuốn Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo vào cuối năm 1992. Bởi vì, theo Giáo Hội, không ai có toàn quyền trên sự sống con người, kể cả chính quyền. Nếu ai phạm tội cố sát, hay phạm tội thảm sát như trường hợp của những tay khủng bố tấn công 911, cũng không một tối cao pháp việc trần gian nào được quyền áp dụng án tử cho họ. Bằng không, tính cách và mục đích của việc trừng phạt là để cải hóa con người sẽ mất hết ý nghĩa, thay vào đó, là tính cách trả thù, hủy diệt, hoàn toàn phản lại Mầu Nhiệm Vượt Qua cứu độ của Kitô giáo.

Chính Đavít, dù có thể ra tay hạ thủ vua Saolê là kẻ thù của mình, người muốn dùng võ lực để thủ tiêu mình nhiều lần, Đavít vẫn không tự ý ra tay trả đũa khi nắm trong tay cơ hội ngàn năm một thuở (x 1Sam 24 và 26). Thái độ Đavít không dám đụng đến vị được Thiên Chúa xức dầu (dù vị này làm điều gian ác) như thế, trái lại, vẫn giữ lòng kính trọng như thế, mà Đavít đã "không để cho sự dữ chế ngự mà chế ngự sự dữ bằng sự lành”, và quả thực đã làm cho vua Saolê lần đầu hối lỗi (1Sam 24:18) và lần sau nhận lỗi (1Sam 26:21). Thái độ Đavít không dám tự mình trở thành đao thủ phủ hành quyết kẻ thù Saolê mặc nhiên còn là thái độ tin tưởng vào sự hiện hữu của Thiên Chúa cũng như vào sự thưởng phạt công minh của Ngài khi tới giờ của Ngài. Đúng thế, ác quả ác báo, cuối cùng vua Saolê đã bị Chúa bỏ đến nỗi tuyệt vọng (x 1Sam 28) và bị tử trận mà chết (x 1Sam 31:3). Ngay trong phim kiếm hiệp của Tầu cũng thế, thường vai chính rất ư là cao thượng, (đến nỗi tôi hay nói nửa đùa nửa thật là xem phim kiếm hiệp Tầu giống như xem phim truyện các thánh vậy), ở chỗ, bị đối phương âm mưu hãm hại đến thế nào đi nữa, bao giờ cũng sẵn sàng thứ tha, và hầu như không tự động hay chủ ý trực tiếp ra tay hạ sát kẻ thù, thành phần thường bị chết bởi những nguyên do khác.

Những Kitô hữu nào động một tí là vạch lỗi của anh em mình ra trên báo chí hay qua phát thanh cần phải thắc mắc là tại sao vị Sư Phụ duy nhất của mình là Chúa Giêsu không công khai điểm mặt chỉ tên tông đồ Giuđa trước mặt các môn đệ trong Bữa Tiệc Ly, mà lại chỉ nói những lời và tỏ cử chỉ xa xa để đánh động chính đương sự, hoàn toàn không để lộ cho một ai biết, dù là người môn đệ yêu dấu nhất của Người (x Jn 13:21-30). Nếu quả thực họ cảm thấy rằng Chúa sai họ, với vai trò là một ngôn sứ, đến để hạch tội hay hỏi tội một đương sự nào đó có những hành vị cử chỉ chướng tai gai mắt, những tác hành gây ra gương mù gương xấu, thì một khi làm việc của Chúa và cho Chúa, tức một khi nhân danh Thiên Chúa mà làm, chắc chắn người của Chúa như họ, một con người đã suy nghĩ chín chắn và luôn gắn bó nguyện cầu với Chúa, sẽ không bao giờ có những thái độ hống hách, hậm hực, dùng những lời lẽ châm biếm, những từ ngữ khinh thường vô lễ bất lịch sự v.v. như thể họ trọn lành không bao giờ lầm lỗi, không biết gì về cái xà trong mắt của mình cả (x Mt 7:5).

Trái lại, họ ý thức được rằng anh em của họ đã phạm lỗi thì họ càng không nên vì tội của những người anh chị em ấy mà tự mình làm mất lòng Chúa thêm. Thậm chí, sau khi đã suy nghĩ chín chắn và cầu nguyện thiết tha trước khi thực hiện những gì tốt đẹp nhất có thể theo nguyên tắc “chế ngự sự dữ bằng sự lành”, như thân tình gặp gỡ riêng, điện thoại riêng, trình bày riêng, viết thư riêng, lần đầu một cách riêng tư và lần sau với một nhân chứng khác (x Mt 18:15-16), mà vẫn không thấy công hiệu, không thấy nhúc nhích, thì một con người môn đệ đích thực của Chúa Kitô sẽ không đi đến chỗ tự động nhổ cỏ lùng cho đỡ chướng tai gai mắt, trái lại, họ sẽ nhẫn nại tin tưởng vào sự quan phòng vô cùng khôn ngoan của Vị Chủ Ruộng toàn năng trong việc Ngài biết cách giải quyết những vấn đề không thuộc quyền của họ khi đến thời điểm của Ngài, để làm sao mang lại lợi ích nhất mà họ không biết (x Mt 13:24-30).

 

Chúng ta hãy nhớ rằng, để chế ngự sự dữ là tội lỗi và sự chết nơi loài người do ma quỉ là tên sát nhân gây ra ngay từ ban đầu (x Jn 8:44; Gen 3:4,13), một Đấng vô cùng khôn ngoan và toàn năng như Thiên Chúa đã không sử dụng một con đường nào khác ngoài thập giá, tức là Ngài đã phải trả bằng một giá cao (x 1Cor 6:20, 7:23), ở chỗ chấp nhận hy sinh chính bản thân Ngài là Chúa Giêsu Kitô khi không dung tha cho Con Một mình một phú nạp Người vì chúng ta (x Rm 8:32). Và Con Người, với tư cách Thiên Sai, nhân danh Thiên Chúa mà đến, cũng đã không đến để hủy diệt mà là để cứu vớt những gì đã hư trầm (x Lk 9:55,18:10), bằng cách chấp nhận trở thành tội lỗi (2Cor 5:21; Rm 8:3), đã trở thành đồ bị nguyền rủa trên cây thập tự giá vì loài người tội nhân chúng ta (x Gal 3:13). Vậy để chế ngự sự dữ nơi anh em của chúng ta, chúng ta đã trả một giá hy sinh bản thân mình như thế nào, và việc chúng ta làm có thực sự mang lại hay chắc chắn sẽ mang lại thiện hảo, mang lại cứu độ hay chăng, hoặc là lại gây thêm sự dữ, tàn hại, khổ đau, gương mù gương xấu, chia rẽ và hận thù!

 

(xin xem tiếp ngày mai)

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ