GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 1/2005

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho tất cả những ai đang hoạt động tại Trung Đông biết dấn thân hơn nữa trong việc xây dựng hòa bình”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho những nơi truyền giáo được tăng thêm những vị thừa sai thánh đức và biết quảng đại dấn thân loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô cho tất cả mọi người”.  

 

__________________

 NGÀY 8 THỨ BẢY, NGÀY THÁNH MẪU

TRONG NĂM THÁNH THỂ

 

BÍ MẬT MARIA

Nguyên tác: Thánh Long Mộng Phố (Louis Marie de Montfort)

Chuyển dịch: Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

(tiếp theo Thứ Bảy 18/12/2004)

(I) Việc Thánh Hóa của Chúng Ta: Một Nhu Cầu Bản Thân

Ý Muốn của Thiên Chúa

3.- Hỡi linh hồn trung tín, hình ảnh sống động của Thiên Chúa, được cứu chuộc bằng Máu Châu Báu của Chúa Giêsu Kitô, ý của Thiên Chúa là muốn anh em phải nên thánh như Ngài trên đời này và được vinh hiển như Ngài ở đời sau. Ơn gọi chắc chắn của anh em là chiếm đạt sự thánh thiện của Thiên Chúa; và tất cả mọi tư tưởng, ngôn từ và tác hành của anh em, tất cả mọi khổ đau và biến cố của cuộc sống anh em phải nhắm đến mục đích này, bằng không anh em đang chống lại Thiên Chúa, ở chỗ không làm những gì Ngài đã dựng nên anh em và đang bảo trì anh em. Ôi, thật là một việc làm đáng ca ngợi! Công việc biến đổi cái là tối tăm thành sáng láng, công việc làm nên tinh tuyền những gì nhơ nhớp, công việc làm nên thánh hảo những gì tội lỗi, công việc làm cho tạo vật nên giống như Đấng Hóa Công của nó, làm cho con người nên giống như Thiên Chúa! Một công việc đáng ca ngợi, tôi xin lập lại, thế nhưng tự nó cũng là một việc làm khó khăn và bất khả thực hiện với nguyên bản tính tự nhiên con người; chỉ duy một mình Thiên CHúa, bằng ân sủng dồi dào và phi thường của Ngài, mới có thể hoàn thành nó. Ngay cả việc tạo thành nên cả thế gian này cũng không phải là một kỳ công cao cả như việc thánh hóa này.

Những Phương Tiện Thánh Hoá

4.- Hỡi linh hồn được tiền định, anh em thực hiện việc thánh hóa này như thế nào đây? Anh em sẽ chọn lựa phương tiện nào để tiến đến tuyệt đỉnh mà anh em được Thiên Chúa kêu gọi đây? Tất cả mọi người đầu đã biết đến những phương tiện cứu độ và thánh hóa; chúng được đề ra trong Phúc Âm, được dẫn giải bởi các bậc thày về tu đức, được các thánh áp dụng, và quan yếu cho tất cả những ai muốn được cứu độ và chiếm đạt trọn lành. Chúng là đức khiêm nhượng trong lòng, là việc cầu nguyện liên lỉ, là việc hãm mình trong tất cả mọi sự, là việc phó mình cho Sự Quan Phòng Thần Linh cũng như việc tuân hợp theo ý muốn của Thiên Chúa.

5.- Để thực hành tất cả những phương tiện cứu độ và thánh hóa này thì nhất định phải cần đến ân sủng của Thiên Chúa. Không ai có thể phủ nhận là Thiên Chúa ban ân sủng của Ngài cho tất cả mọi người, ở một mức độ dồi dào hơn kém. Tôi nói là ở một mức độ dồi dào hơn kém, là vì Thiên Chúa, mặc dù vô cùng tốt lành, cũng không ban ân sủng cho hết mọi người đồng đều nhau, mà là ban đủ ân sủng cho mỗi một linh hồn. Linh hồn trung tín sẽ thực hiện được những việc lớn lao với ân sủng cao cả, và sẽ thực hiện những công việc kém ơn với ân sủng ít hơn. Chính giá trị và phẩm chất cao quí của ân sủng được Thiên Chúa ban cho ấy và được linh hồn đáp ứng như thế, đã làm cho các việc làm của chúng ta nên giá trị và cao quí. Những nguyên tắc này thực là như vậy.

Một Phương Tiện Dễ Dàng


6.- Vậy thì tất cả sẽ đi đến chỗ là anh em phải tìm một phương tiện dễ dàng để Thiên Chúa ban cho anh em ân sủng cần thiết giúp anh em nên thánh; đây chính là điều tôi muốn tỏ cho anh em biết. Vậy, tôi xin nói là để tìm thấy ân sủng của Thiên Chúa, chúng ta phải tìm thấy Mẹ Maria.



Những Kiến Trúc Sư xây dựng Nền Văn Hóa Sự Chết

Ông Donald DeMarco, đồng tác giả với ông Benjamin Wiker, viết tác phẩm “Những Kiến Trúc Sư xây dựng Nền Văn Hóa Sự Chết” do Ignatius xuất bản, một tác phẩm trình bày về cuộc sống và lý thuyết của một số tư tưởng gia góp phần gieo mầm văn hóa sự chết. Ông này là phụ giáo sư triết học ở Đại Học và Chủng Viện Các Thánh Tông Đồ Connecticut, và là giáo sư hồi hưu ở Đại Học Thánh Jerome, Ontario. Sau đây là những vấn đề được ông trả lời trong cuộc phỏng vấn với Zenit.

Vấn:     Tại sao ông quyết định tổng hợp vào tác phẩm này “Những Kiến Trúc Sư Xây Dựng Nền Văn Hóa Sự Chết”?

Đáp: Đầu đề này là tư tưởng đầu tiên của Benjamin Wiker, người cùng viết với tôi. Khi tôi mới đọc thấy đầu đề liên quan của ông ấy trong một bài viết cho tờ National Catholic Register, tôi đã cảm thấy rất mạnh mẽ là tôi có theê viết một loạt những bài về đề tài này và ông Ben với tôi có thể hợp tác viết một cuốn sách mang tựa đề “Các Kiến Trúc Sư Xây Dựng Nền Văn Hóa Sự Chết”.

Tôi nghĩ rằng chún g tôi có một cái gì đó giống nhau khiến chúng tôi có thể chia sẻ quan điểm này, tức là chia sẻ một niềm xác tín được cảm nhận một cách sâu xa rằng có một điều gì đó hết sức sai trái đã xẩy ra trong thế giới tân tiến này mà người ta cần phải biết nó đã xẩy ra thế nào cũng như cần có một câu giải đáp cho những thứ nan giải hiện tại của chúng ta.

Tôi đã từng dạy về triết học luân lý và lịch sử triết lý hiện đại ở Đại Học Thánh Giêrônimô ở Waterloo, Ontario, rất nhiều năm. Bởi thế, đây là việc làm dễ dàng đối với tôi để đúc kết 15 vị trong số những kiến trúc sư này và giải thích làm thế nào tư tưởng hết sức ảnh hưởng của họ đã góp phaân một cách mạnh mẽ vào việc hình thành nền văn hóa sự chết hiện nay.

Tôi đã viết 5 cuốn sách về đề tài đức hạnh. Con người ta thường nói về tầm quan trọng của yêu thương, thế nhưng không có đức hạnh thì cũng chẳng có thứ giây chuyền điện để yêu thương có thể được diễn đạt một caáh hiệu nghiệm hay thỏa đáng.

Tôi cho rằng những gì tôi nghĩ tưởng không thể nào trách khỏi việc biến từ một điều gì đó tích cực sang cái phản lại nó. Người ta chỉ bênh vực sự thật nửa vời nếu họ không phơi bày những thứ gian mang xảo quyệt tấn công sự thật và che đậy sự thật.

Như tôi đã nói, tôi không gặp khó khăn gì trong việc nêu lên 15 “kiến trúc sư”, và mặc dù còn có thể đưa ra hơn thế nữa, tôi cũng lấy làm mãn nguyện với những kiến trúc sư tôi đã lựa ra. Ngoài ra, những kiến trúc sư này thuộc vào những phân loại ngoạn mục, đó là những người tôn thờ ý muốn, những hiện sinh vô thần, những lý tưởng gia trần thế, những kẻ tìm cầu khoái lạc và những tay rao vặt chết chóc. Vị đồng tác giả của tôi là ông Ben trình bày về 8 tư tưởng gia sáng giá khác trong tác phẩm của chúng tôi.

Vấn:     Đời sống của những cá nhân này ra sao mà lại được nói tới nhiều như thế?

Đáp:     Là một triết gia theo nghề nghiệp, tôi thường viết về những kiến trúc sư này liên quan đến những gì “nói” về họ nhiều nhất, đó là những gì họ nghĩ cho thấy bất khả vững chắc. Quan niệm của họ về đời sống và thế giới không đứng vững trước bất cứ hình thức phân tích hữu lý nào. Không có một kiến trúc sư nào đã từng cho rằng họ có một quan niệm quân bình về những gì tạo nên một con người.

Arthur Schopenhauer, Friedrich Nietzsche và Ayn Rand đã quá đề cao ý muốn đến nỗi chỉ giành cho lý trí một chút xíu thôi. Các sử gia đã nói đến bộ ba này như là”những tay nhiệt sinh phi lý trí”.

Jean-Paul Sartre, Simone de Beauvoir và Elisabeth Badinter lại tuyệt đối hóa tự do đến độ không còn một chút gì là trách nhiệm, nhất là trách nhiệm cộng đồng.

Chủ nghĩa mộng tưởng của Karl Marx, Auguste Comte và Judith Jarvis Thomson là một thứ lẩn lánh trong mơ màng.

Sigmund Freud, Wilhelm Reich và Helen Gurley Brown đặt khoái lạc, chứ không phải yêu thương, làm trọng tâm nơi đời sống của con người.

Sau hết, Jack Kevorkian, Derek Humphry và Peter Singer hoàn toàn không còn thấy được phẩm vị của con người và tính chất linh thánh của sự sống.

Một đặc tính khác nói về những cá nhân này đó là đời sống của họ bị xáo trộn. Ít là 3 người trong số họ - Auguste Comte, Wilhelm Reich và Friedrich Nietzsche, theo những sử gia khác nhau về triết học, là những người khùng. Một số khaá cho thấy những dấu hiệu rõ ràng là bị chứng loạn thần kinh chức năng. Trong nhiều trường hợp, và điều này cũng đúng đối với các kiến trúc sư được người cùng viết tác phẩm này với tôi đề cập tới, họ tham gia những hoạt động thực là rùng mình.

Có lần Thánh Âu Quốc Tinh đã nói rằng việc biện minh thực sự duy nhất đối với triết lý đó là nó có thể làm cho con người ta hạnh phúc. Cần phải có một thứ hòa hợp giữa triết lý về đời sống của một con người với những thỏa mãn của đời sống do việc áp dụng nó mang lại. Những tư tưởng đều có những thành quả của chúng. Những tư tưởng thực tiễn phải là dự án chính cho một đời sống hạnh phúc. Những tư tưởng không thực tiễn không thể nào daân đến hạnh phúc được. Triết lý được cho rằng là lòng mến yêu khôn ngoan, chứ không phải là một thứ thuốc an thần cho nỗi khốn cùng.

Vấn:     Ông nghĩ điều gì làm cho độc giả ngạc nhiên nhất về các tư tưởng gia được đề cập đến trong tác phẩm của ông?

Đáp:     Đây là một câu hỏi khó trả lời vì khó lòng mà đoán được phản ứng của thành phần độc giả.

Thế nhưng, sẽ có nhiều độc giả lấy làm ngạc nhiên khi thấy cái bất nhất giữa những mục tiêu trị liệu của những kiến trúc sư ấy cũng như khi thấy rằng họ đã góp phần khủng khiếp xây dựng nền văn hóa sự chết.

Wilhelm Reich đã nghĩ mình là một Đấng Thiên Sai trần thế đến để chữa lành thế giới về chứng loạn thần kinh chức năng của cá nhân cũng như của xã hội. Ông ta coi mình như là tay Freudo-Marxist tiên khởi trên thế giới. Hơn bất cứ một ai khác, ông nhận được tước hiệu là “Cha Đẻ của Cuộc Cách Mạng về Tình Dục”.

Tuy nhiên, ông ta đã chết ở một trại cải tạo nhân phẩm của liên bang, vì tội lừa gạt quần chúng Hoa Kỳ bằng việc bán cho họ những thứ hộp rỗng bị tố cáo là được làm để chất chứa một hình thức quí báu của thứ năng lực được gọi là “orgone”. Một nhà phê bình của ông ta đã nói rằng khó mà có thể chấp nhận được bất cứ ai nói một cách trịnh trọng rằng “tôi nhìn nhận rằng tôi không thể nào sống cho nổi nếu không có một ổ điếm”.

Trước khi chết mấy năm ở vào tuổi 56, Friedrich Nietzche đã được chứng kiến thấy đang tấn công một cái đàn dương cầm bằng khuỷu tay và ông đã được đưa vào một nhà thương điên. Ông đã nói về tác phẩm “Zarathustra” chính của ông là “Tác phẩm này là một tác phẩm nổi bật nhất. Nếu tất cả mọi tinh thần và sự thiện hảo của hết mọi linh hồn cao cả được thu tích lại với nhau thì tất cả cũng không thể làm nên được một trong những bài viết của Zarathustra”.

Freud đã cho rằng ông là một tân Moisen.

Karl Marx nghĩ rằng ông là một Prometheus mới.

Ayn Rand cho mình là một triết gia cao cả nhất lịch sử loài người, sau Aristote. Bà lập luận rằng: “Altruism là căn nguyên của tất cả mọi sự dữ”. Bà muốn rằng trên quan tài của bà phải được trưng bày một dấu hiệu Mỹ kim dài 6 bộ. Khi bà chết bà đã khó lòng kiếm được một người bạn trên thế gian này.

Những kiến trúc sư này có một cái tôi vĩ đại, thế nhưng cũng khó có thể nói rằng họ có những phương sách cụ thể để chữa lành tất cả mọi bệnh hoạn của xã hội.

Tất cả những kiến trúc sư ấy cho rằng họ là thành phần nhân bản gia và là những kẻ giải phóng không cách này thì cách khác. Tuy nhiên, những gì họ giảng dạy đều là chủ nghĩa nhân bản sai lầm vì coi con người hoàn toàn theo một chiều mà thôi.

Bởi vậy, nhiều người có thể lấy làm ngạc nhiên là các tư tưởng gia có quyền lực và gây ảnh hưởng như thế mà lại thấy bản tính con người là một cái gì khó nắm giữ. Chúng ta cũng đang cố gắng, thường với những thành quả thảm khốc, trong việc giải đáp vấn nạn miên viễn “Con người là gì?”


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ Zenit ngày 11-12,14/11/2004

(còn tiếp)


 

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ