GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 1/2005

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho tất cả những ai đang hoạt động tại Trung Đông biết dấn thân hơn nữa trong việc xây dựng hòa bình”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho những nơi truyền giáo được tăng thêm những vị thừa sai thánh đức và biết quảng đại dấn thân loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô cho tất cả mọi người”.  

 

__________________

 NGÀY 9 CHÚA NHẬT

LỄ CHÚA CHỊU PHÉP RỬA

TRONG NĂM THÁNH THỂ

 

ĐTC GPII: Tông Thư Ngày Của Chúa 

“Ngày Hưu Lễ”: Việc nghỉ ngơi vui vẻ của Đấng Hóa Công

 11.       Nếu trang đầu tiên của Sách Khởi Nguyên cho thấy “việc làm” của Thiên Chúa như là một mẫu gương cho con người thì “việc nghỉ ngơi” của Thiên Chúa cũng thế: “Vào ngày thứ bảy Thiên Chúa hoàn tất công việc Ngài đã thực hiện” (Gen 2:2). Cả ở đây nữa chúng ta thấy được thuyết nhân thể học đầy những ý nghĩa.

Thật là vô nghĩa khi giải thích “việc nghỉ ngơi” của Thiên Chúa như là một thứ “bất động” thần linh. Tự bản chất của mình, tác động tạo dựng làm nên thế giới là tác động liên lỉ không ngừng nghỉ và Thiên Chúa bao giờ cũng hoạt động, như chính Chúa Giêsu tuyên bố khi nói về qui định của Ngày Hưu Lễ: “Cha Tôi vẫn còn làm việc cho tới nay, và Tôi cũng đang làm việc” (Jn 5:17). Việc nghỉ ngơi của Thiên Chúa trong ngày thứ bảy không ám chỉ một Vị Thiên Chúa bất động, mà là nhấn mạnh đến tầm mức trọn vẹn của những gì Ngài đã hoàn thành. Nó thực sự nói về việc Thiên Chúa ngắm nghía trước công việc “rất tốt đẹp” (Gen 1:31) do tay Ngài làm nên, để ngắm nhìn nó bằng một ánh mắt tràn đầy vui thú. Đó là một ánh mắt “ngắm nghía” không phải những gì mới hoàn thành mà là hoan hưởng vẻ đẹp của những gì đã đạt được. Đó là ánh mắt Thiên Chúa nhìn ngắm tất cả mọi sự, đặc biệt là con người là vinh quang của thiên nhiên tạo vật. Đó là ánh mắt cho thấy một cái gì đó có bóng dáng phối ngẫu của mối liên hệ Thiên Chúa muốn thiết lập với tạo vật được dựng nên theo hình ảnh của Ngài, bằng cách kêu gọi loài tạo vật ấy tham dự vào giao ước yêu thương. Đó là những gì Thiên Chúa dần dần hoàn tất, trong việc cống hiến ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại nơi giao ước cứu độ với dân Do Thái được hoàn tất nơi Chúa Kitô. Chính Lời Nhập Thể, qua tặng ân Thánh Thần cánh chung cũng như qua hình tượng của Giáo Hội là Thân Thể và là Hiền Thê của mình, là Đấng sẽ ban phát cho cả loài người tặng ân thương xót và ơn gọi của tình yêu Chúa Cha.

12.       Nơi dự án của Đấng Hóa Công, có cả sự phân biệt lẫn liên hệ mật thiết giữa lãnh vực tạo sinh và lãnh vực cứu độ. Điều này được nhấn mạnh đến trong Cựu Ước, khi nó liên kết mệnh lệnh về “ngày hưu lễ” chẳng những với “việc nghỉ ngơi” mầu nhiệm của Thiên Chúa sau những ngày Ngài tạo dựng (x Ex 20:8-11), mà còn với ơn cứu độ được Ngài ban cho dân Do Thái nơi việc giải thoát họ khỏi cảnh làm tôi ở Ai Cập nữa (x Deut 5:12-15). Vị Thiên Chúa nghỉ ngơi vào ngày thứ bảy, hân hoan nơi việc tạo thành của mình, cũng chính là Vị Thiên Chúa tỏ vinh quang của mình ra nơi việc giải thoát con cái của mình khỏi việc đàn áp của Pharaon. Người ta có thể nói rằng nơi cả hai trường hợp Thiên Chúa đều tỏ mình ra như là chàng rể trước cô dâu (x Hos 2:16-24; Jer 2:2; Is 54:4-8), khi họ chấp nhận hình ảnh vốn được các vị Tiên Tri yêu thích.

Như một số yếu tố nơi cùng truyền thống Do Thái cho thấy (12), để tiến đến tâm điểm của “ngày hưu lễ”, “ngày nghỉ ngơi” của Thiên Chúa, chúng ta cần nhận thấy nơi cả Cựu Ước lẫn Tân Ước tính chất phối ngẫu mãnh liệt đánh dấu mối liên hệ giữa Thiên Chúa và dân Ngài. Tiên tri Hosea chẳng hạn đã diễn tả nó ở đoạn văn tuyệt vời như sau: “Vì các ngươi, Ta sẽ thực hiện một giao ước với các hoang thú đồng nội, chim trời trên không trung, và các thứ bò trên đất; và Ta sẽ hủy bỏ cung tên, gươm kiếm, và chiến tranh khỏi mặt đất; rồi Ta sẽ khiến cho các ngươi nằm xuống trong an toàn. Và Ta sẽ vĩnh viễn đính hôn với các ngươi; Ta sẽ đính hôn với các ngươi trong công minh chính trực, trong yêu thương bền vững và trong xót thương. Ta sẽ đính hôn với các ngươi trong thủy chung; và các người sẽ nhận biết Chúa” (2:18-20).  

“Thiên Chúa chúc lành cho ngày thứ bảy và thánh hóa ngày này” (Gen 2:3)

13.       Chỉ thị giữ Ngày Hưu Lễ, một chỉ thị trong Giao Ước đầu tiên sửa soạn cho Chúa Nhật của Giao Ước mới vĩnh viễn, bởi thế được bắt nguồn sâu xa trong dự án của Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao, không giống như các chỉ thị khác, nó không ở trong phần qui định triệt để về vấn đề tôn sùng kính bái mà là trong phần Thập Giới, “10 chữ” tiêu biểu cho chính những cột trụ của đời sống luân lý được ghi khắc nơi tâm can con người. Trong việc đặt để mệnh lệnh này trong phần cấu trúc căn bản của đạo lý, dân Do Thái rồi sau đó tới Giáo Hội đều tuyên xưng rằng mình coi nó không phải chỉ là vấn đề luật phép tôn giáo của cộng đồng mà là một biểu lộ rõ ràng bất khả tẩy xóa nơi mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa, một biểu lộ được loan báo và dẫn giải bởi mạc khải thánh kinh. Đó là quan niệm mà Kitô hữu cần tái nhận thức nơi nó mệnh lệnh này hôm nay đây. Cho dù chỉ thị này có thể tự nhiên trùng hợp với nhu cầu nghỉ ngơi của con người đi nữa, duy đức tin mới có thể đi sâu vào ý nghĩa của nó và bảo đảm được rằng nó không trở thành những gì là rỗng tuyếch và tầm phào.

14.       Thế nên, trước hết, Chúa Nhật là ngày của sự nghỉ ngơi, vì nó là ngày được Thiên Chúa “chúc phúc” và được Ngài “thánh hóa”, một ngày được tách biệt hẳn với các ngày khác để trở thành “Ngày của Chúa” trong tất cả những ngày ấy.

Để thấu triệt được những gì được trình thuật đầu tiên của thánh kinh về việc tạo dựng muốn nói đến nơi vấn đề giữ Ngày Hữu Lễ “thánh hảo”, chúng ta cần cứu xét đến cả câu truyện là những gì cho thấy rõ ràng làm thế nào mà hết mọi thực tại, không trừ một thực tại nào, đều phải qui về Thiên Chúa. Thời gian và không gian đều thuộc về Ngài. Ngài không phải là Vị Thiên Chúa của một ngày duy nhất, mà là Vị Thiên Chúa của tất cả mọi ngày nhân loại sống.

Bởi thế, nếu Thiên Chúa “thánh hóa” ngày thứ bảy bằng một phép lành đặc biệt và làm cho nó thành “ngày của Ngài” trên hết, thì điều này cần phải được hiểu theo tính cách năng động sâu xa của cuộc đối thoại Giao Ước, mà thực sự là một cuộc đối thoại “hôn nhân”. Đó là cuộc đối thoại yêu thương không bị gián đoạn nhưng cũng chẳng bao giờ nhàm chán. Thật thế, nó có những nhận thức khác nhau về yêu thương, từ nhận thức bình thường và gián tiếp cho đến những nhận thức mãnh liệt hơn, những nhận thức được các lời Thánh Kinh cùng chứng từ của rất nhiều vị thần bí không ngấn ngại diễn tả bằng hình ảnh bắt nguồn từ cảm nghiệm của một tình yêu hôn phối.

15.       Tất cả đời sống con người, cũng như bởi thế tất cả thời gian của con người, đều phải trở thành việc chúc tụng Đấng Hóa Công và tạ ơn Ngài. Thế nhưng, mối liên hệ của con người với Thiên Chúa cũng đòi hỏi những thời giờ chuyên để nguyện cầu, nhờ đó mối liên hệ này trở thành một cuộc đối thoại thiết tha, bao gồm hết mọi chiều kích của con người. “Ngày Của Chúa” là ngày của mối liên hệ trên hết này, khi mà con người nam nữ cất tiếng hát khen Thiên Chúa và trở nên tiếng nói của tất cả mọi tạo vật.

Đó chính là lý do tại sao nó cũng là ngày của sự nghỉ ngơi. Khi nói một cách linh động đến “việc canh tân” và “ly thoát” của ngày này thì việc gián đoạn nhịp điệu thường dồn nén của việc làm là những gì thể hiện việc con người và vũ trụ lệ thuộc vào Thiên Chúa. Hết mọi sự đều thuộc về Thiên Chúa! Ngày của Chúa được lập đi lập lại là để công bố nguyên tắc này khi tính đến vấn đề thời gian hằng tuần. “Ngày Hưu Lễ” vì thế đã được hiểu một cách phấn khởi như là một yếu tố ấn định nơi một thứ “kiến trúc linh thánh” của thời gian là những gì làm nên đặc tính của mạc khải thánh kinh (13). Nó nhắc nhở rằng vũ trụ và lịch sử này đều thuộc về Thiên Chúa; và thiếu việc liên tục nhận thức về sự thất ấy thì con người không thể phục vụ trên thế gian này như là cộng sự viên của Đấng Hóa Công.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ văn khố điện toán toàn cầu của Tòa Thánh:

http://www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/apost_letters/documents/hf_jp-ii_apl_05071998_dies-domini_en.html

(còn tiếp)
 


Những Kiến Trúc Sư xây dựng Nền Văn Hóa Sự Chết (tiếp hôm qua)

Vấn:     Theo ông, trong 23 “kiến trúc sư xây dựng nền văn hóa sự chết” được bàn đến đã tác hại nhiều nhất cho xã hội?

Đáp:     Về thiệt hại chết chóc và tác hại đến đời sống của con người trên khắp thế giới thì dẫn đầu và chịu trách nhiệm hơn hết là Karl Marx.

Arthur Schopenhauer là một kiến trúc sư quan trọng vì ông là người đầu tiên coi ý muốn của con người, một ý muốn gian ác và phi lý trí, như yếu tố nồng cốt của thực tại. Ông đã ảnh hưởng rất nhiều trên Friedrich Nietzsche là người đã đặt ý muốn vào cái tôi, và Sigmund Freud đã đặt nó vào “id”. Ayn Rand cũng chịu ảnh hưởng bởi quan niệm về ý muốn nền tảng ấy.

Sartre đã gây được một ảnh hưởng rất nhiều về việc tuyệt đối hóa tự do của con người là những gì cuối cùng dẫn đến thứ triết lý chỉ biết đến “quyền tự quyết”.

Vấn:     Làm thế nào Karl Marx đã có thể khai thác được những tác lực về tôn giáo nơi các đồ đệ của mình, và làm sao ông ta có thể đã bóp méo được giáo điều của Kitô giáo theo những mục đích phản Kitô giáo của mình?

Đáp:     Khi Marx loại bỏ tôn giáo bằng những câu đáng ghi nhớ như “thuốc phiện làm mê hoặc dân chúng”, “hào quang tỏa hoạn nạn” và “tiếng thở dài của tạo vật bị áp đảo, con tim của một thế giới vô tâm”, thì ông ta không phê phán việc hành đạo chân chính mà là cái vỏ tôn giáo. Theo Jacques Maritain phân biệt, Marx phản ứng lại với “thế giới Kitô giáo”, chứ không phải với “Kitô giáo”.

Nói như thế có nghĩa là ông hiểu lầm bức hí họa phác tả cái nguyên mẫu của nó, là nhạo cười châm biếm những gì là mô mẫu. Nếu hiểu rộng cho Marx thì như ông ta nói rằng “Thật làhết sức bất hạnh khi con người đôi khi lạm dụng tôn giáo bằng cách sử dụng tôn giáo như là một liều thuốc làm cùn nhụt đi những cảm thức về luân lý và lý trí của họ”.

Nếu thế thì ông đã suy nghĩ và hiểu được cái khác nhau giữa những thứ hành đạo gian tà và chân thực. Song ông đã loại trừ tất cả mọi tôn giáo vì ông phán đoán cái chính thống bằng cái giả tạo bất chính thống. Bởi thế ông đã làm mọi sự có thể để ngăn ngừa tình trạng phát triển của tôn giáo chân chính.

Marx tuyên bố rằng “thật là dễ dàng để làm một thánh nhân nếu bạn không muốn làm người”. Ông thấy tôn giáo chẳng là gì khác hơn một thứ ánh sáng tiêu cực. Tôn giáo chỉ có một chuú giá trị đối với bố mẹ của ông. Bố của ông, để thành đạt trong nghề làm luật sư, đã trao đổi Do Thái giáo lấy Tin Lành. Cha sao con vậy. Gia đình ông đã sống như những tín hữu Tin Lành cấp tiến, chẳng có một niềm tin tôn giáo căn bản nào hết.

Không cần nói ai cũng biết rằng chẳng có một ai lại xứng hợp làm thánh mà lại không hoàn toàn làm người đã. Marx đã sử dụng ý hệ sai lầm của mình như một thứ đo lường tôn giáo. Kitô giáo, tự bản chất, đã bác bỏ nỗ lực nên thánh mà trước hết không làm người. Kitô giáo gán cho việc thực hành như thế là thứ “Pharisiêu giảhình”.

Marx đã vội vàng hấp tấp trong việc làm biến đổi thế giới mà ít quan tâm đến một số điểm thiết yếu hơn nơi ý nghĩ luận bình của mình: “Các triết gia chỉ giải thích về thế giới qua những cách thức khác nhau; nhưng vần đề vẫn là làm đổi thay thế giới”.

Vấn:     Ông ghi nhận là Đức Gioan Phaolô II diễn tả Marx, Nietzsche và Freud như là “những tổ sư của sự ngờ vực”. Ngài nói như thế có nghĩa gì và tại sao ngài lại nhắm tới những con người đặc biệt đó thôi?

Đáp:     Trong loạt bài “thần học về thân thể” của mình, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đề cập đến “các tổ sư của sự ngờ vực”, một diễn từ ngài mượn từ Paul Ricoeur là người áp dụng diễn từ ấy cho Sigmund Freud, Karl Marx và Friedrich Nietzsche.

Đối với ĐTC này thì các thứ triết lý của bộ ba này tiêu biểu cho những gì được Thánh Ký Gioan diễn tả trong Bức Thư thứ nhất của thánh nhân ở đoạn 2 câu 15 và 16 liên quan đến “ham muốn về xác thịt”, “ham muốn của con mắt” và “vinh vang của đời sống”.
Freud muốn giải thoát bản năng tình dục khỏi những giam hãm của “cái siêu ngã”; Marx khuyến khích các phần tử thuộc giai cấp vô sản nổi loạn để họ có thể thỏa mãn những ước muốn chiếm hữu về vật chất; và Nietzsche truyền bá một thứ thần tôi quá sức mãnh liệt không thể bị luân lý kiềm chế.

Nhục dục, tham lam và cao ngạo được ba nhân vật cách mạng vô thần này hồ hởi đã không mang đến cho con người tầm vóc viên mãn bản thân. Trái lại, chúng đã dẫn đến một tình trạng phân hóa nhân cách con người. Những hoa trái của nhục dục, tham lam và cao ngạo là những gì tương ứng với tâm trạng cô đơn buồn tủi, bất mãn thiêng liêng và khốn khổ đê hèn.

Đức Gioan Phaolô II giải thích rằng “những tay tổ của sự ngờ vực” là cụm từ diễn tả chính xác nhất, vì cụm từ này muốn nói rằng một con tim tự nhiên tỏ mình ra nơi hình thức nhục dục, tham lam hay cao ngạo là một con tim không thể nào tin tưởng được. Con tim của con người, như được Freud, Marx và Nietzche diễn tả, là con tim nổ tung mình ra, do đó, nó trở thành một đối tượng cho mối ngờ vực sâu xa. Một con tim kỳ dị với chính mình như thế mà nó không thể nào có thể tin tưởng nổi.

Yếu tố tối yếu đã bị thiếu hụt nơi tư tưởng của ba tư tưởng gia vô thần này là mối liên hệ với Chúa Cha. Như Thánh Gioan viết “Nếu ai yêu mến thế gian thì tình yêu của Chúa Cha không ở trong họ; vì tất cả mọi sự ở trong thế gian này là ham mê xác thịt, ham mê của con mắt và cái vinh vang của đời sống; những gì không phải từ Chúa Cha mà là từ thế gian”.

Hình ảnh trong tâm trí của nhà thơ William Butler Yeats được diễn tả trong cuốn “Lần Đến Thứ Hai” đó là “Chim ưng không nghe tiếng người luyện chim cắt … tình trạng hỗn loạn lan tràn khắp thế giới”. Con người trong thế giới tân tiến, theo gương “các tay tổ sư của sự ngờ vực”, đã trở nên quá xa lạ Thiên Chúa đến nỗi họ không còn nghe thấy sứ điệp nhất thống của Chúa Cha nữa. Không có Chúa Cha thì chỉ có hỗn loạn mà thôi.
Freud, Marx và Nietzche, những con người gây ảnh hưởng rất nhiều trên thế giới tân tiến, đặc biệt cương quyết chối bỏ khía cạnh vai trò Thân Phụ của Thiên Chúa. Tất cả 3 người họ đều tin tưởng và dạy rằng điều kiện để con người được tự do đó là Vị Thiên Chúa là Cha phải chết đi.

Đối với Freud, có lẽ yếu tố căn bản nhất trong phương pháp phân tâm học của ông ta đó là chứng loạn thần kinh chức năng xẩy ra khi có quá nhiều những điều nghiêm khắc của cái siêu ngã. Bởi thế ông tìm cách giải thoát con người khỏi Lề Luật và tối hậu là khỏi Đấng Ban Lề Luật làm nên siêu ngã. Freud thấy mình như là một tân Moisen, hay là một phản Moisen, nhắm mục đích hủy bỏ vai trò Thân Phụ của Thiên Chúa là vai trò chiị trách nhiệm về việc áp đặt dồn nén tâm lý con người.

Marx là người công khai xưng mình là kẻ thù của bất cứ những gì là thần linh. Ông đã tuyên bố “tôi ghét tất cả mọi thứ thần linh”. Tâm tính của thần Prometheus (biệt chú của người dịch: Prometheus là con trai của Tiran Iapetus và là anh em với Atlas, đã ăn cắp lửa của các vị thần linh để ban cho nhân loại. Zenus đã trừng phạt Prometheus bằng cách xích trói Prometheus vào một tảng đá và sai một con đại bàng ban ngày đến ăn gan của Prometheus nhưng ban đêm gan của Prometheus được hồi phục. Dần dần Prometheus được Heracles giải cứu) làm cho ông phản lại những gì ông tin tưởng là một vị thần linh hư cấu, vị thần linh thoạt tiên thôi miên rồi áp đảo các thứ khối lượng. Ông thấy cái khúm núm quị lụy trước hình ảnh Chúa Cha như là một thứ sát hại cái bản ngã của con người. Đối với ông thì không có một hy sinh nào là quá đắt đỏ trong việc hạ bệ thần linh vì lợi ích của việc giải phóng con người. Ông hãnh diện chủ trương rằng: “Tôi thà bị cột vào một tảng đá còn hơn là tên đầy tớ dễ bảo của Zeus Cha”.

Nietzsche đã viết bản văn đều tiên về luân thường đạo lý khi ông mới lên 13 tuổi. Trong bài văn này, ông đã nghĩ rằng ông giải quyết được vấn đề sự dữ. Ông viết “việc tôi giải quyết vấn đề này đó là tôn vinh Thiên Chúa như là Đấng công chính duy nhất và làm cho ngài trở thành cha đẻ của sự dữ”. Nietzche đặt vấn đề “tại sao ngày nay lại có vô thần?”. “Người cha nơi Thiên Chúa đã hoàn toàn bị bác bỏ mất rồi”. Ông khuyên răn rằng: “Bằng ân sủng các bạn hãy yêu bản thân mình; rồi các bạn không còn cần gì tới Thiên Chúa của các bạn nữa, và các bạn có thể tự mình trình diễn toàn bộ thảm kịch Sa Ngã và Cứu Chuộc cho đến màn kết thúc”.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ Zenit ngày 11-12,14/11/2004

(còn tiếp)


 

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ