GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 2/2005

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho thành phần bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân bần cùng nhất, được quan tâm và săn sóc về y khoa xứng với nhân phẩm làm người”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho thành phần phụ trách việc truyền giáo mỗi ngày một ý thức hơn là việc loan truyền tin mừng hữu hiệu và thu phục lòng người nhờ ở lòng say mến Chúa Kitô ”.  

 

__________________

 NGÀY 11 THỨ SÁU, LỄ MẸ LỘ ĐỨC

 

Lễ Mẹ Lộ Đức, 11/2
 

ĐTC GPII đã rời bệnh viện và trở về Điện Vatican để tiếp tục hoạt trình mục vụ của ngài

 

Thứ Năm 10/2/2005, việc ĐTC trở về điện Vatican trên chiếc giáo hoàng xa được xuất hiện trên truyền hình hôm nay. Văn phòng báo chí của tòa thánh cũng loan báo tin này vào trưa cùng ngày như sau:

 

“Viên khí thanh quản cấp tính, bệnh trạng đã khiến ĐTC phải khẩn trương nhập bệnh viện, đã được chữa lành. Bệnh trạng của ngài nói chung tiếp tục tiến triển khả quan. Hai ngày vừa qua, tất cả mọi việc thử nghiệm, kể cả CAT scan không có những bệnh lý nào khác.

 

“Việc ĐTC trở về Vatican được cho rằng sẽ xẩy ra hôm nay. ĐTC đã muốn gửi 1 bức thư cám ơn đến tất cả mọi người đã chăm sóc ngài trong những ngày này, như các y sĩ, nữ tu, y tá, kỹ thuật viên và trợ giúp viên. Tôi đặc biệt muốn nhắc đế Bác Sĩ Rodolfo Proietti, giáo sư khoa đánh mê và tái tỉnh kiêm giám đốc phân bộ Cấp Cứu cùng Nhập Viện, người đã điều hành nhóm y tế của mình, với sự phụ tá của các bác sĩ Massimo Antonelli, cùng bác sĩ Gaetano Paludetti, giáo sư khoa tai mũi họng và Filippo Crea, giáo sư tim bệnh học”.  

 

Vị giám đốc văn phòng báo chí tòa thánh, trong những lời phát biểu sau đó trên đài phát thanh Vatican, còn cho biết rằng

 

“Mặc dù vâng lời các vị y sĩ, ĐTC cũng nóng lòng muốn trở về Vatican để thực hiện sớm bao nhiêu có thể các hoạt trình mục vụ sắp tới của ngài.

 

“Về vấn đề sinh hoạt của ngài, người ta có thể nói rằng không bị gián đoạn, bởi khi nào có vấn đề cần đến ngài đều được vị hồng y quốc vụ khanh trình cho ngài. Giờ đây, khi trở về, ngài sẽ xem hoạt trình của mình và quyết định xem có gì cần phải thay đổi hay chăng. Tuy nhiên, tôi nghĩ là ngài muốn tiếp tục sớm bao nhiêu có thể các cuộc hẹn đã được ấn định vào những ngày này và cũng là những gì đã bị trì hoãn mấy ngày vừa qua”.  

 

Thứ Sáu Lễ Đức Mẹ Lộ Đức 11/2/2005, Giáo Hội cử hành Ngày Thế Giới Bệnh Nhân, một ngày do chính vị giáo hoàng đương kim này khởi xướng qua văn thư đề ngày 13/5/1992 và được bắt đầu từ 11/2/1993 tại Lộ Đức, và là ngày năm 2005 này được tổ chức tại Đền Thánh Mẫu ở Yaounde Cameroon. Cũng trong ngày này Tòa Thánh kỷ niệm Hòa Ước Lateran thiết lập Quốc Đô Vatican từ năm 1929.

 

Chúa Nhật này là Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay, theo thông lệ hằng năm, giáo triều Rôma sẽ khai mạc tuần phòng cho tới ngày 19/2/2005, thời đoạn ĐTC không gặp gỡ ai, trừ trường hợp quan trọng.    

 

 

Tượng Đức Mẹ Khóc Ra Máu Ở Ý Quốc: 10 Năm Sau

 

10 năm trước đây, vào ngày Lễ Đức Mẹ Dâng Con 2/2/1995, ở tỉnh Pantano gần Civitavecchia, cách Rôma khoảng 60 cây số hay 37 dặm, đã xẩy ra hiện tượng một tượng Đức Mẹ được mang về từ nơi được gọi là Đức Mẹ Mễ Du, đã khóc ra máu. Vị giám mục địa phương cai quản giáo phận Civitavecchia là chứng nhân trực tiếp thấy hiện tượng này vào ngày 15/3 cùng năm tại tòa giám mục của ngài. Trong cuộc phỏng vấn với tờ nhật báo Avvenire, Đức Giám Mục này đã cho biết những thành quả của hiện tượng này như sau:

 

Vấn:     Những gì đã xẩy ra trong mười năm qua?

 

Đáp:    Quí vị thấy rồi. Từ đó sự hiện diện của thành phần hành hương chẳng những không giảm đi mà còn được thanh tẩy khỏi tất cả mọi chướng ngại có tính cách cảm tình nữa.

 

Ai đến Pantono đều cảm thấy được thôi thúc cải thiện. Tôi đã phải chỉ định 5 vị linh mục liên tục hiện diện ở đó.

 

Các vị đã nói với tôi rằng các vị đã có thể hòa giải nhiều người với Chúa là những người đã bỏ Ngài nhiều năm; cũng không phải là hiếm thấy cả những người phạm tội nữa. Gần cả ngàn gia đình đã đổ vỡ vì ly dị hay ly thân cũng đã được đoàn tụ… 

 

Nhiều phụ nữ đã được ơn làm mẹ theo lòng mong ước để rồi cho con cái rửa tội ở đây. Sau hết, nhiều người đã xin rửa tội, trong đó có cả những người Hồi giáo. Bởi thế tại sao không phổ biến những hoa trái này ra cho thế giới biết chứ?

 

Vấn:     Đức giám mục có dự tính thực hiện một sáng kiến nào đặc biệt để kỷ niệm 10 năm hiện tượng này hay chăng?

Đáp:    Một tập hồ sơ đã được soạn dọn chẳng mấy chốc sẽ được phổ biến cho toàn quốc. Ngoài ra, còn có 44 tập ghi danh sách khách hành hương, đầy những chữ ký và tâm tưởng, theo tôi, phản ảnh tất cả mọi âu lo của thời đại chúng ta, song cũng phản ảnh tất cả niềm hy vọng của những ai quay về với Mẹ.


Vấn:     Có một cuộc cử hành đặc biệt nào được dự định cho những ngày này hay chăng?

 

Đáp:    Hằng năm, vào đêm 1-2/2, tín hữu đi từ trung tâm thành phố đến tỉnh Pantono, đi bộ 12 cây số.

 

Đừng quên rằng 20 năm trước đây, Civitavecchia được coi là “Stalingrad of Latium”  với 60% là cộng sản, một thành phố phản giáo sĩ và hỗn loạn. Ngày nay tôi nghĩ rằng biến cố này đã in dấu vết của mình.

 

Dĩ nhiên nếu thực sự là Đức Trinh Nữ đã khóc thì tôi không nghĩ là Mẹ chỉ khóc cho Civitavecchia mà thôi.



Vấn:     Biến cố này có ý nghĩa gì theo quan điểm mục vụ?

 

Đáp:    Là một giám mục, tôi rất lấy làm sung sướng vì giáo xứ Thánh Âu Quốc Tinh ở Pantano đã trở thành một trung tâm truyền bá phúc âm hóa, chẳng những cho thành phố này mà còn cho Ý quốc và toàn thế giới. Trong cuốn ghi danh cuối cùng liên quan tới tháng 11 và 12/2004, tôi đã đếm được 12 phái đoàn hành hương ngoại quốc, từ Sri Lanka đến Mỹ Châu Latinh.

 

Chúng tôi làm hết sức để cho thấy rằng việc thành thực sùng kính Mẹ maria là việc dẫn đến Chúa Kitô. Và tôi nghĩ rằng giáo huấn này đã được đón nhận rất nhiều.

 

Ngoài ra, tôi nghĩ rằng những điều này cần có thời gian để ổn định, một giai đoạn đợi chờ và hết sức nhẫn nại. Thế giới siêu nhiên, nhất là trong một thế giới không tin tưởng nơi Thiên Chúa và là một thế giới đã làm mất mát đi các thứ giá trị, không thể nào chứng thực nếu nó không sinh hoa kết trái.

 

Vấn:     Vậy những hoa trái nào đã trổ sinh cho Giám Mục Grillo?

 

Đáp:    Sau buổi sáng ngày 15/3, tôi cảm thấy bị kích cảm cả hai ba năm. Vị Trinh Nữ này đã làm xáo trộn đời sống của tôi và đẩy tôi tới chiều kích nội tâm hơn. Về phần mình, tôi đã gia tăng nỗ lực chú trọng hơn nữa và cởi mở hơn nữa đối với các nhu cầu của tín hữu. Bởi thế, tôi dấn thân giúp cho việc linh hướng, thêm vào hoạt động mục vụ của tôi.

Vấn:     Có bao giờ Đức Trinh Nữ nói với Đức Gioan Phaolô II hay chăng?

 

Đáp:    Trong cuộc viếng thăm Tòa Thánh “ngũ niên” vừa rồi, Đức Thánh Cha đã hỏi tôi về việc từ từ xây cất một đền thánh.

 

Tôi thưa ngài rằng tôi đã muốn làm như thế nhưng tôi cũng xin ngài giúp tôi mở một nhà cho các Nữ Tu Dòng Mẹ Têrêsa Calcutta ở Civitavecchia. Thật vậy, tôi muốn  những hoa trái thiêng liêng và thể chất của một đền thánh cũng phải và trước hết phải thiên về người nghèo.

 

ĐTC GPII: Sứ Điệp cho Giáo Hoàng Học Viện Các Khoa Học về Vấn Đề Thay Cơ Phận Người Chết với “Những Dấu Hiệu Tử Vong”.

Nhân dịp khóa họp của Giáo Hoàng Học Viện Các Khoa Học, một cơ cấu có 80 phần tử được Đức Giáo Hoàng vĩnh viễn bổ nhiệm theo đề nghị của chính phần tử của cơ cấu này,  vào thời đoạn 3-4/2/2005 tại Rôma, ĐTC GPII đã gửi cho họ một sứ điệp liên quan đến vấn đề dấu hiệu chắc chắn tử vong để thay cơ phận người chết như sau:



Quí Tôn Vị Nữ Nam.

 

1.         Tôi gửi lời chào thân ái tới tất cả quí vị và bày tỏ lòng cám ơn của tôi với Học Viện Giáo Hoàng Các Khoa Học là học viện đã từng dấn thân thực hiện việc làm truyền thống của mình trong vấn đề nghiên cứu và chia sẻ về những vấn đề khoa học tế nhị đang gây khó khăn cho xã hội đương thời của chúng ta đây.

 

Học Viện Giáo Hoàng này đã quyết định giành khóa họp theo Nhóm Nghiên Cứu này, như đã xẩy ra hai lần trước đây trong thập niên 1980, về đề tài có tính cách đặc biệt phức tạp và hệ trọng, đó là đề tài “những dấu hiệu tử vong” liên quan đến việc thay cơ phận của những người quá cố.

 

2.         Quí vị đều biết rằng ngay từ đầu Huấn Quyền của Giáo Hội vốn đã chú trọng tới việc phát triển của phẫu thuật thay cơ phận nhằm mục đích để cứu lấy mạng sống của con người khỏi bị nguy tử cũng như để giúp cho bệnh nhân có thể tiếp tục sống thêm những tháng năm lâu hơn nữa.  

 

Từ thời vị tiền nhiệm Piô XII khả kính của tôi, vị mà trong thời đoạn giáo triều của ngài bắt đầu xuất hiện phẫu thuật thay cơ phận, Huấn Quyền của Giáo Hội đã liên tục góp phần vào lãnh vực này.

 

Một đàng, Giáo Hội đã khích lệ việc tự nguyện hiến cơ phận, đàng khác, Giáo Hội đã nhấn mạnh đến những điều kiện luân thường đạo lý đới với việc hiến cơ phận này, đề cao trách nhiệm cần phải bênh vực sự sống và phẩm giá của cả hiến nhân cũng như thụ nhân; Giáo Hội cũng nói tới nhiệm vụ của thành phần chuyên viên thực hiện phương pháp thay cơ phận này. Mục đích của Giáo Hội là ủng hộ một dịch vụ phức tạp giúp ích cho sự sống, bằng cách hòa hợp vấn đề tiến bộ về kỹ thuật với tính cách nghiêm ngặt của luân thường đạo lý, bằng việc nhân bản hóa mối liên hệ giữa con người với nhau, cũng như bằng việc hướng dẫn quần chúng một cách xác đáng.

 

3.         Vì sự tiến bộ liên lỉ của kiến thức khoa học thực nghiệm, tất cả những ai thực hiện việc thay cơ phận cần phải theo đuổi vấn đề nghiên cứu liên tục về lãnh vực khoa học kỹ thuật, để bảo đảm sự thành đạt tối đa trong việc giải phẫu cũng như trong sự mong muốn mang lại sự sống tốt đẹp nhất cho bệnh nhân. Đồng thời cũng cần phải thực hiện một cuộc đối thoại liên lỉ với những chuyên gia trong ngành nhân loại học và đạo lý học, để bảo đảm việc tôn trọng sự sống cùng con người, cũng như để cung cấp cho những lập pháp gia những dữ kiện cần thiết để ấn định những qui tắc nghiêm túc về lãnh vực này.

 

Theo chiều hướng ấy, một lần nữa quí vị đã muốn khảo sát kỹ lưỡng hơn, bằng một cuộc nghiên cứu nghiêm cẩn liên ngành, vấn đề đặc biệt về “những dấu hiệu tử vong”, nhờ đó xác định một cách vững chắc theo luân lý về cái chết theo kiến thức y khoa của một người, hầu có thể tiến hành việc lấy cơ phận để chuyển thay.

 

4.         Nơi chân trời nhân loại học Kitô giáo, vấn đề quá quen thuộc là giây phút tử vong đối với mỗi một người xẩy ra khi hoàn toàn không còn tình trạng hiệp nhất nội tại của xác thể và hồn thiêng nữa. Thật vậy, mỗi một con người sống động chính là vì họ ở trong trạng thái hiệp nhất xác thể và hồn thiêng “corpore et anuma unus”, và họ cứ như thế bao lâu tình trạng hoàn toàn hiệp nhất thực sự này tồn tại. Theo chiều hướng của chân lý về nhân loại học này hiển nhiên là, như tôi đã có dịp nhận định, “cái chết của một người, được hiểu theo ý nghĩa căn bản này, là một biến cố không một kỹ thuật khoa học hay một phương pháp thử nghiệm nào có thể trực tiếp xác định được” (Diễn Từ ngày 29/8/2000, 4, AAS 92 [2000], 824).

 

Tuy nhiên, theo quan điểm kiến thức y khoa, cách xác đáng duy nhất, và cũng là đường lối khả dĩ duy nhất, để giải quyết vấn đề bảo đảm chắc chắn về cái chết của một người đó là để ý chú trọng và cứu xét từng cá nhân về “những dấu hiệu tử vong” một cách đầy đủ được tỏ hiện qua hình thức thể lý của nó nơi cá thể này.

 

Hiển nhiên đây là một đề tài có tầm mức quan trọng đặc biệt mà chủ trương cẩn trọng và nghiêm túc của khoa học bởi đó cần phải được lắng nghe trước hết, như Đức Piô XII đã dạy khi ngài tuyên bố rằng: “chính thành phần y sĩ cần phải đưa ra một định nghĩa rõ ràng và xác đáng về ‘cái chết’ cũng như về ‘giây phút lìa đời’ của bệnh nhân ở vào tình trạng mất ý thức” (Diễn Từ ngày 24/11/1957, trong AAS 49 [1957], 1031).

5.         Căn cứ vào những dữ kiện được khoa học cung cấp cho, những cứu xét về khoa nhân loại học và việc ý thức về đạo lý có nhiệm vụ phải thực hiện một cuộc phân tích nghiêm cẩn tương đương như thế, cẩn thận lắng nghe Huấn Quyền của Giáo Hội.

 

Tôi muốn quí vị hãy vững tâm là những nỗ lực của quí vị là những gì đáng ca ngợi và chắc chắn sẽ hỗ trợ cho các Phân Bộ liên hệ của Tòa Thánh, nhất là Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin, một thánh bộ không ngừng xem xét các thành quả của việc quí vị suy tư chia sẻ, để cống hiến những điều sáng tỏ cần thiết cho thiện ích của cộng đoàn, nhất là cho các nạn nhân và các chuyên viên được kêu gọi để cống hiến cái chuyên môn về nghề nghiệp của họ cho việc phục vụ sự sống.

 

Trong việc khuyến cầu quí vị hãy kiên trì trong việc dấn thân chung này để theo đuổi thiện ích của con người, tôi kêu xin dồi dào tặng ân ánh sáng đổ xuống trên quí vị cũng như việc nghiên cứu của quí vị, như một bảo chứng cho lời khuyến cầu này, tôi ban Phép Lành cho tất cả quí vị.

 

Tại Vatican ngày 1/2/2005

 

Gioan Phaolô II

 

 Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL, dịch từ tài liệu của Zenit ngày 3/2/2005

 

                                                    

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ