GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 2/2005

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho thành phần bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân bần cùng nhất, được quan tâm và săn sóc về y khoa xứng với nhân phẩm làm người”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho thành phần phụ trách việc truyền giáo mỗi ngày một ý thức hơn là việc loan truyền tin mừng hữu hiệu và thu phục lòng người nhờ ở lòng say mến Chúa Kitô ”.  

 

__________________

 NGÀY 16 THỨ TƯ

 

“Con phải ở lại thế gian lâu hơn…để làm cho Mẹ được nhận biết và yêu mến”

 Lucia: Người Tông Đồ Fatima Thế Giới Tiên Khởi đã tạ thế lià đời (TIẾP)

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

Lucia: Thiếu Nhi Khổ Đau - Nữ Tu Thánh Mẫu

 

Đúng thế, Thiếu Nhi Fatima Lucia đã “chấp nhận mọi đau khổ” hơn hết trong ba em. Vì biến cố Mẹ hiện ra mà em đã phải chịu khổ bởi gia đình, bởi cha xứ và bởi cả ma quỉ nữa. Thiếu Nhi Fatima Lucia về sau đã thuật lại những chịu đựng của mình bấy giờ trong tập Hồi Niệm Thứ Hai như sau:

 

“Vào lúc bấy giờ cha sở nghe đồn thổi về những chuyện đã xẩy ra. Ngài bảo má con dẫn con đến ngài. Má con cảm thấy nhẹ nhõm cả người, tưởng là cha sở sẽ lãnh trách nhiệm về các biến cố xẩy ra. Má con bảo con rằng:

 

- Ngày mai, má và con sẽ đi lễ sớm, sau đó vào nhà cha sở. Chớ gì cha sở buộc mày phải nói ra tất cả sự thật với bất cứ giá nào. Ngài sẽ sửa trị mày và sẽ xử với mày tùy theo ý muốn của ngài. Nếu ngài mà ép được mày thú thật ra là mày đã nói dối, thì tao hài lòng hết sức.

 

Các chị cũng vào hùa phe với má của con, tạo ra đủ thứ lời lẽ đe dọa, như muốn làm con run  sợ về cuộc gặp cho sở. Con báo tin cho Phanxicô và Giaxinta hay chuyện. Cả hai em đã trả lời con rằng:

 

- Chúng em cũng đến cha sở với chị. Cha sở cũng bảo má chúng em dẫn chúng em đến với ngài, nhưng má chúng em không nói gì với chúng em cả. Chúng ta hãy cứ nhẫn nại, nếu người ta đánh chúng ta, chúng ta sẽ có dịp để được chịu đau khổ vì Chúa và vì các tội nhân.

 

Hôm sau, con theo má của con đến nhà thờ, trên đường đi má con không hề nói một câu. Phải thú thật là bấy giờ con cảm thấy run sợ không biết chuyện gì sẽ xẩy ra đây. Trong Thánh Lễ, con đã dâng lên Chúa nỗi thống khổ của con. Sau lễ, con qua sân nhà thờ để đến nhà cha sở cùng với má của con. Vừa leo lên mấy bậc thang, má con đã quay lại bảo con rằng:

 

- Con đừng làm khổ má nữa nghe con! Bây giờ con hãy nói thẳng với cha sở là con đã nói dối đi, để Chúa Nhật tới đây cha có thể tuyên bố ở nhà thờ rằng mọi chuyện xẩy ra chỉ là dối trá mà thôi chứ thật ra không hề có chuyện này. Như vậy là sẽ chấm dứt hết mọi chuyện. Như vậy không tốt hay sao. Cần gì mà mọi người phải ùa tới cầu nguyện trước cây sồi.

 

Không nói gì thêm, má con gõ cửa nhà cha sở. Bà chị của cha sở ra mở cửa. Bà nói chúng con ngồi đợi một chút. Sau cùng cha sở đến bảo chúng con vào văn phòng của ngài. Ngài mời má con ngồi ghế và bảo con đến gần chỗ bàn ngài làm việc. Khi thấy cha sở hỏi con một cách chẳng những hoàn toàn bình tĩnh mà còn tỏ ra âu yếm nữa, con lấy làm ngỡ ngàng. Tuy nhiên con vẫn tiếp tục chờ đợi xem những gì sẽ xẩy ra. Cha sở hỏi con tỉ mỉ về mọi chuyện. Sau cùng ngài kết luận:

 

- Theo cha, những chuyện đó không phải là mạc khải bởi trời cao. Khi một việc như vậy xẩy tới, thường Chúa đòi hỏi các linh hồn Chúa chọn phải trình lại việc đã xẩy ra cho cha giải tội hay cho cha sở biết. Ở đây con bé này lại cứ giữ kín đáo không trình báo. Có thể đó là sự lừa bịp của ma quỉ. Rồi chúng ta sẽ thấy. Tương lai sẽ cho chúng ta thấy những gì chúng ta đang nghĩ về toàn bộ câu chuyện này.

 

Nghĩ đến điều này làm con cảm thấy thấm thía khổ đau. Chỉ có một mình Chúa biết, vì chỉ có Ngài mới thấu suốt được tận đáy lòng của chúng ta mà thôi. Bấy giờ con bắt đầu có những ngờ vực là không biết có phải những cuộc hiện ra này phát xuất từ ma quỉ hay chăng, thành phần luôn sử dụng cách này để làm hư đi linh hồn của con. Khi con nghe thấy người ta nói rằng ma quỉ bao giờ cũng gây ra xung khắc và lệch lạc, con bắt đầu nghĩ rằng thế thì đúng rồi, vì con chưa hề thấy những điều ấy xẩy ra bao giờ nơi gia đình của con, nơi không còn như trước nữa, niềm vui và an bình đã biến mất. Con cảm thấy buồn thật là buồn! Con cho các đứa em của của con biết về những ngờ vực của con:

 

Giaxinta nói:

 

- Không, không phải là ma quỉ đâu! Không thể nào lại như vậy được! Họ nói rằng ma quỉ thì rất ghê rợn và nó ở dưới lòng đất trong hỏa ngục cơ mà. Đằng này Đức Bà của chúng ta thật là đẹp đẽ, và chúng ta đã thấy Bà biến đi lên trời rồi mà!

 

Chúa đã dùng những lời ấy để đánh tan phần nào những ngờ vực của con. Thế nhưng, trong tháng ấy, con đã mất đi tất cả phấn khởi để làm việc hy sinh cũng như thực hiện những hành động hãm mình, để rồi đi tới chỗ do dự không biết có nên thú rằng con đã nói dối để chấm dứt tất cả mọi chuyện cho xong hay chăng.

 

Giaxinta và Phanxicô đã kêu lên:

 

-  Xin chị chớ làm như thế! Chị không thấy rằng giờ đây chị đang tính nói dối hay sao mà nói dối là có tội đó chị?

 

Trong khi con đang lâm vào tâm trạng này thì con có một giấc mơ chỉ làm tăng thêm tăm tối cho tâm thần con mà thôi. Con thấy thằng quỉ cười con bị nó đánh lừa, khi nó cố gắng lôi con xuống hỏa ngục. Thấy mình bị nó giữ chặt, con bắt đầu la lên xin Đức Mẹ cứu con to đến nỗi con đã làm cho má con tỉnh giấc. Bà lo lắng lay con dạy và hỏi con làm sao thế. Con không nhớ con con đã nói với bà những gì, thế nhưng con thực sự nhớ rằng con đã sợ hãi quá sức đến không thể nào ngủ được nữa trong đêm hôm ấy. Giấc mơ này làm cho linh hồn con thực sự tràn ngập những hãi sợ và sầu thảm. Con chỉ có thể tìm thấy khuây khỏa bằng cách lẩn mình ở một nơi vắng vẻ để nức nở khóc cho hả hê cõi lòng. Thậm chí những người em họ của con cũng trở thành gánh nặng cho con, nên con cũng bắt đầu lẩn trốn chúng. Thật là tội nghiệp cho chúng! Có những lúc chúng đi tìm con, gọi tên con nhưng không được hồi đáp, nhưng con bao giờ cũng nghe thấy, ẩn mình ngay bên cạnh chúng, ở một góc xó nào đó, nơi chúng không hề nghĩ tới.

 

Ngày 13 tháng 7 đã gần mà con vẫn còn lưỡng lự không biết mình có nên tới hay chăng. Con nghĩ bụng: ‘Nếu là ma quỉ thì tại sao tôi lại đến để nhìn thấy nó nhỉ? Nếu chúng hỏi con tại sao con không đi, con sẽ nói rằng con sợ có thể đó là ma quỉ đang hiện ra cho chúng mình, nên con không đi. Cứ để cho Giaxinta và Phanxicô làm gì tùy chúng; con không trở lại đồi Cova da Iria nữa’. Con đã quyết định như thế, và con cương quyết làm theo quyết định này.

 

Vào tối ngày 12/7, dân chúng đã tụ họp lại, mong ngóng thấy được những biến cố xẩy ra của ngày hôm sau. Bởi thế con đã gọi Giaxinta và Phanxicô mà nói với chúng về quyết tâm của con. Chúng đáp:

 

- Chúng em sẽ đi. Đức Bà nói chúng ta phải đến đó.

 

Giaxinta tình nguyện làm người thân thưa chuyện với Đức Bà, thế nhưng em cảm thấy buồn về việc con không đi, đến nỗi em đã bật lên tiếng khóc. Con hỏi em tại sao em khóc. Em nói:

 

- Tại vì chị không chịu đi!

 

- Đúng, chị không đi đâu. Nghe đây! Nếu Đức Bà hỏi chị đâu, xin các em nói với Người rằng chị không đến vì chị sợ việc này là do ma quỉ làm.

 

Thế rồi con bỏ các em ở đó mà đi ẩn mình để tránh nói chuyện với tất cả những người đến tìm con hỏi han này nọ. Mẹ của con nghĩ rằng con đang chơi đùa với các trẻ em trong làng, vì bao giờ con cũng ẩn nấp ở đằng sau những bụi gai nơi phần đất của người hàng xóm… Bà đã mắng tôi khi tôi vừa về đến nhà đêm hôm đó:

 

- Thật là một bà thánh nhỏ khéo che đậy! Suốt thời gian bà không chăn nuôi đàn chiên nữa, bà chỉ có biết chơi thôi, và bà còn phải chơi làm sao để không ai có thể thấy được bà nữa kìa!

 

Ngày hôm sau, lúc gần đến giờ phải ra đi, đột nhiên con cảm thấy cần phải đi, như bị thúc đẩy bởi một mãnh lực nào đó không thể nào cưỡng lại được. Thế rồi con lên đường và gọi vào nhà chú con xem Giaxinta có còn ở đó hay chăng. Con thấy em vẫn đang còn ở trong phòng của em với cả Phanxicô nữa, đang quì bên giường khóc. Con lên tiếng hỏi:

 

- Ủa các em không đi à?

 

- Chúng em không dám đi nếu không có chị! Chị hãy đi nhé!

 

Con trả lời:

 

-  Được, chị đi.

 

Mặt chúng sáng lên niềm vui và chúng cùng con lên đường…”

 

Ngoài vụ cả 3 em, sau lần hiện ra thứ ba, lần Mẹ Maria tiết lộ cho 3 em Bí Mật Fatima, các em đã bị rắc rối với chính quyền địa phương, đến nỗi các em đã không đến nơi hẹn hò với Mẹ vào đúng ngày. Riêng với gia đình của Thiếu Nhi Fatima Lucia lớn nhất mang thân phận “chấp nhận mọi đau khổ” còn bị đay nghiến bởi Biến Cố Thánh Mẫu Fatima này nữa, như những gì được chính Lucia thuật lại trong cùng Hồi Niệm Thứ Hai của chị sau đây:

 

“Trong nội bộ của gia đình con còn có một rắc rối mới nữa, với những lời trách móc đổ hết lên đầu của con. Đồi Cova da Iria là một mảnh đất thuộc sở hữu của cha mẹ con. Ở dưới lũng phì nhiêu hơn, chúng con trồng ngô, cỏ, đậu và các thứ rau khác. Trên sườn đồi có những cây dầu và những cây sồi. Giờ đây, từ ngày người ta bắt đầu kéo tới đó, chúng con đã không còn trồng cấy gì được nữa. Mọi sự đã bị chà đạp giầy xéo. Nhiều người cỡi lừa tới để cho thú vật của họ ăn hết những gì còn lại. Mẹ con đã thảm thiết về những gì bà mất mát nên đã nói với con rằng:

 

- Giờ đây nếu mày muốn ăn gì thì cứ đi xin Đức Bà mà ăn nhé!

 

“Chị của con châm biếm thêm:

 

- Đúng đấy, mày có thể tìm thấy những gì trồng ở đồi Cova da Iria mà!

 

“Những lời trách móc này làm con nhức nhối cả tâm can, đến nỗi con không dám cầm lấy miếng bánh mà ăn nữa. Để bắt con phải nói ra sự thật theo ý của bà, mẹ của con thường đánh con bằng những cán chổi hay bằng một cái roi ở đống gỗ gần lò sưởi. Thế rồi, đúng là một người mẹ, bà đã gắng phục hồi lại sức khỏe sa sút của con. Bà rất quan tâm tới con khi thấy con quá gầy còm xanh xao, sợ rằng con có thể ngã bệnh. Tội nghiệp cho bà! Thật vậy, bây giờ con đã hiểu được tình trạng thực sự của bà, tôi cảm thấy cảm thương bà biết bao! Bà thực đã nghĩ đúng khi cho rằng con bất xứng với một hồng ân như vậy, nên mới nghĩ là con nói dối.

 

“Nhờ ơn đặc biệt Chúa ban, con không bao giờ có một chút xíu tư tưởng hay cảm giác bất mãn nào về cách bà cử xử với con. Như Thiên Thần đã báo cho con biết rằng Thiên Chúa sẽ để đau khổ xẩy đến cho con, con luôn thấy bàn tay Thiên Chúa nơi tất cả những điều này. Tình yêu, lòng cảm mến và kính trọng của con đới với bà tiếp tục tăng phát, như thể tôi được bà ưu ái nhất vậy. Giờ đây, tôi càng phải biết ơn bà vì việc bà đã đối xử với tôi như thế, hơn là bà tiếp tục dồn cho tôi những thứ chiều chuộng và âu yếm”.

 

Sở dĩ thiếu nhi Fatima Lucia mới hơn 10 tuổi đầu mà có thể chịu được những đau khổ quá sức người lớn như thế là vì em luôn gắn bó với “Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ”, vì như Mẹ nói với em để an ủi và trấn an em vào ngày 13/6/1917, “Trái Tim Mẹ là nơi con nương náu và là đường đưa con đến với Thiên Chúa”. Nếu trong thời gian còn ở Fatima thiếu nhi Fatima đã tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria thế nào, thì khi dâng mình sống đời tận hiến tu trì từ năm 18 tuổi, nhất là thời kỳ chưa chuyển sang Dòng Kín Carmêlô năm 1948, chị đã làm cho Mẹ được nhận biết và yêu mến, theo sứ mệnh của mình, như được Mẹ Maria cho biết ngày 13/6/1917.

 

Phải, chị Lucia chính là Thiếu Nhi Fatima sứ giả của Mẹ Fatima và cũng là Tông Đồ Thế Giới Fatima đầu tiên trong việc làm cho Mẹ được nhận biết và yêu mến, qua việc thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới.

 

Chị Lucia đã không hết sức nỗ lực là gì trong việc thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria trên thế giới, khi làm cho Mẹ được nhận biết và yêu mến qua những trường hợp điển hình sau đây:

 

Thứ nhất là việc giữ 5 Ngày Thứ Bảy Đầu Tháng có ý đền tạ Mẹ, Đấng mang Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội hằng bị những kẻ vong ân bội nghĩa liên lỉ đâm vào bằng những gai tội lộng ngôn và vô ơn của họ, như Đức Mẹ chỉ cho chị ngày 10/12/1925, đã được chị trình với giáo quyền địa phương và đã được thẩm quyền địa phương tuyên bố công nhận cho phép thực hành việc tôn sùng này ngày 13/9/1939.

 

Thứ hai là việc thiết lập Lễ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ cho toàn Giáo Hội hoàn vũ cùng mừng kính như một lễ chính của Giáo Hội, như chị đã đề cập đến trong thư chị viết trình lên Đức Thánh Cha Piô XII ngày 24/10/1940, cũng được thực hiện, như văn thư của Thánh Bộ Lễ Nghi ngày 4/5/1944 đã đề cập: Để ghi nhớ cuộc hiến dâng này (cuộc hiến dâng loài người lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại do Đức Thánh Cha Piô XII thực hiện ngày 31/10/1942), Ngài (ĐTC Piô XII) đã quyết định cho Giáo Hội hoàn vũ mừng lễ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ.

 

Thứ ba là việc hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, như Mẹ, ở Fatima ngày 13/7/1917 đã ngỏ ý yêu cầu: Mẹ sẽ trở lại để xin dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, và ở Tuy ngày 13/6/1929 đã chỉ cho cách hiến dâng: Đã đến lúc Thiên Chúa muốn Đức Thánh Cha hiệp cùng với tất cả các giám mục trên thế giới hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ. Và, kể từ ngày 24/10/1940, ngày chị Lucia viết thư trình lên Đức Thánh Cha Piô XII về yêu cầu này của Đức Mẹ, việc hiến dâng đã diễn tiến tất cả 5 lần mới thực sự hoàn thành và có công hiệu.

 

Lần thứ nhất vào ngày 31/10/1942, ngày kết thúc Ngân Khánh 25 năm (1917-1942) Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, do Đức Thánh Cha Piô XII thực hiện tại giáo đô Rôma.

 

Lần thứ hai vào ngày 7/7/1952, ngày lễ kính hai thánh tông đồ của sắc dân Slavs, trong đó có Nga, là thánh Cyrilô và Mêthôđiô, cũng do Đức Thánh Cha Piô XII thực hiện tại Giáo Đô Rôma.

 

Lần thứ ba vào ngày 21/11/1964, ngày công bố Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium Ánh Sáng Muôn dân, trước hơn 2000 Giám Mục Nghị Phụ tham dự Công Đồng Chung Vaticanô II, ĐTC Phaolô VI đã xưng tụng Mẹ Maria là Mẹ Giáo Hội và đã hiến dâng toàn thể loài người cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ. 

 

Lần thứ bốn vào ngày 13/5/1982, ngày kỷ niệm đúng một năm bị ám sát hụt, Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã đến tận Fatima để tạ ơn Đức Mẹ và chính thức hiến dâng Nước Nga như Mẹ muốn.

 

Lần thứ năm vào ngày 25/3/1984, ngày lễ Đức Mẹ Thụ Thai Ngôi Lời Nhập Thể, ngày kỷ niệm mở màn cho công cuộc cứu thế của Chúa Giêsu và Mẹ Đồng Công Maria, Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II, tại giáo đô Rôma, đã hợp cùng với tất cả các giám mục trên thế giới hiệp dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ.

 

(xin xem tiếp 1 bài nữa "Lucia: Vai Chính trong Lược Sử Fatima Biên Niên")

 

 

Một cuộc triển lãm nghệ thuật tôn vinh Thánh Mẫu

 

Một cuộc triển lãm với 104 nghệ phẩm về Đức Trinh Nữ Maria để giúp tín hữu thấu hiểu thêm về tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội. Cuộc triển lãm này mang tựa đề là “Người Nữ Mặc Mặt Trời: Ơn Vô Nhiễm nơi Những Công Trình của Các Nghệ Thuật Sư”. Cuộc triển lãm này được bắt đầu từ hôm Thứ Bảy, 12/2/2005, ngay sau Lễ Mẹ Lộ Đức 11/2 cho tới ngày Lễ Mẹ Fatima 13/5/2005, ở Charlemagne Wing trong Quảng Trường Thánh Phêrô, do sáng kiến của Ủy Ban Tòa Thánh về Các Sản Phẩm Văn Hóa của Giáo Hội và được chính ĐHY Quốc Vụ Khanh Sodano Angelo khai mạc.

 

Những nghệ phẩm được triển lãm của những vị nổi tiếng như Leonardo, Tiepolo, Pinturicchio, El Greco và Murillo. ĐGM Mauro Piacenza, chủ tịch của ủy ban có sáng kiến thực hiện cuộc triển lãøm nghệ thuật Thánh Mẫu này, cho biết qua lời trình thuật của Đài Phát Thanh Vatican, việc triển lãm này là “để diễn đạt đức tin trước những gì tín hữu nguyện cầu; bởi thế, chúng không phải chỉ là những kho tàng về nghệ thuật mà còn những kho tàng về thiêng liêng, thậm chí, tôi có thể nói đó là kho tàng thiêng liêng được rạng ngời tỏ hiện nơi lãnh vực nghệ thuật”.

 

Theo ông Giovanni Morello, vị phụ trách cuộc triển lãm này thì cuộc triển lãm đây được trưng bày theo thứ tự về ngày tháng và chủ đề ở 6 khu vực, trong đó, có khu triển lãm “Người Nữ Khải Huyền”, khu “Cuộc Tranh Luận về Ơn Vô Nhiễm”, và một khu về các ảnh tượng tiêu biểu cho “Vị Toàn Mỹ”. Còn các khu vực triển lãm khác, vị này nói thêm, là “những gì chúng ta có thể diễn tả như một trưng bày nghệ thuật về cuộc chiến thắng của Ơn Vô Nhiễm với các nghệ thuật gia như Murillo, Guercino, Luca Giordana và Pietro Novelli”.

 

Cuộc triển lãm nghệ thuật Thánh Mẫu này bao gồm những bức họa, những điêu khắc phẩm, những trang hoàng phẩm về phụng vụ, các bức tượng và bức tranh vẽ, của các nghệ thuật gia Âu Châu ghi ngày tháng từ thế kỷ 12. Vị phụ trách cuộc triển lãm này còn cho biết rằng hình ảnh về Ơn Vô Nhiễm được tiêu biểu cho những ý nghĩa Thánh Kinh, như câu Sáng Thế Ký 3:15 và Sách Khải Huyền đoạn 12.

 

Vị đặc trách cuộc triển lãm còn nói thêm là “chính các nghệ thuật sư Tây Ban Nha ở thế kỷ 16, với sự hỗ trợ của các nghệ thuật gia Ý quốc, đã hình thành một  ảnh tượng về Ơn Vô Nhiễm như chúng ta thấy ngày nay, đó là một Vị Trinh Nữ nhìn lên trời, mặc áo trắng với chiếc áo choàng mầu xanh dương đứng trên mặt trăng”.


 

Tuần Phòng Mùa Chay của Tòa Thánh hằng năm do Đức Piô XI khởi xướng

 

Vào ngày 20/12/1929, kỷ niệm 50 kim khánh linh mục của mình, Đức Piô XI đã ban hành bức thông điệp “’Mens nostra’ Về Việc Phát Động Tĩnh Tâm Linh Thao” gửi cho “Các Vị Thượng Phụ, Các Vị Tổng Giám Mục, Các Vị Giám Mục, cùng các Vị Vị Bản Quyền Địa Phương khác Hiệp Thông với Tòa Thánh”.

 

Trong bức thông điệp này, vị giáo hoàng cho tín hữu biết rằng ngài đã sắp xếp để tổ chức việc Tĩnh Tâm Linh Thao hằng năm ở Vatican, một thông lệ vẫn còn được thực hành bởi Đức Thánh Cha cùng các phần tử thuộc Giáo Triều Rôma. Vào những năm đầu, việc Tĩnh Tâm Linh Thao này được tổ chức vào tuần đầu tiên của Mùa Vọng, nhưng hiện nay vào cả tuần đầu tiên của Mùa Chay.

 

Đức Piô XI là Hồng Y Achille Ratti, TGM Milan, địa danh có Thánh Ambrôsiô trước đó và Đức Phaolô VI sau này, được bầu làm giáo hoàng ngày 6/2/1922, và qua đời ngày 10/2/1939. Vào ngày 6/1/1929, Lễ Hiển Linh, Đức Piô XI mở Năm Thánh để đánh dấu 50 năm linh mục của mình và xin tín hữu “hãy chia sẻ niềm vui với người cha chung của họ cùng hợp với ngài để tạ ơn Đấng Ban tặng Tối Cao tất cả mọi sự thiện hảo”.

 

Vào cuối năm thánh này, trong bức thông điệp được ban bố của mình về biến cố này, ngài đã nhìn lại “nhiều hoa trái phong phú” của năm thánh, và như một cách để “bày tỏ lòng biết ơn chân thành của chúng tôi… chúng tôi thấy thích hợp… để thiết lập một điều gì tuyệt vời nhất mà chúng tôi tin tưởng sẽ cho thấy một nguồn mạch sinh nhiều lợi ích cho dân Kitô giáo. Chúng tôi đang nói tới vấn đề thực hiện việc Tĩnh Tâm Linh Thao mà chúng tôi hết sức mong muốn thấy được mỗi ngày một phổ biến, chẳng những nơi hàng giáo sĩ, cả triều lẫn dòng, mà còn nơi đa số giáo dân Công giáo nữa”.

 

Vị giáo hoàng này đã viết dài về lịch sử của “Các Cuộc Tĩnh Tâm Linh Thánh”, trích lại những lời về vấn đề ấy từ các vị tiền nhiệm của mình, cũng như từ các vị Tiến Sĩ của Giáo Hội và các vị sáng lập dòng như Thánh Don Bosco dòng Salêdiêng, nhất là Thánh I Nhã dòng Chúa Giêsu, “vị chúng tôi ưa gọi là Bậc Thày Linh Thao chuyên chính”.

 

Thật vậy, vị giáo hoàng này, vào ngày 22/7/1922, đã “tuyên bố và tôn Thánh I Nhã Loyola là Quan Thày của tất cả mọi thứ Linh Thao, bởi đó, cũng là Quan Thày của mọi thứ tổ chức, địa điểm và cơ cấu  giúp cho những ai muốn thực hiện việc Tĩnh Tâm Linh Thao”.

 

Ngài đã nhấn mạnh đến “niềm vui” và “an ủi” ngài đã gặp được nơi việc Tĩnh Tâm Linh Thao và tuyên bố rằng: “Để chúng ta có thể chắc chắn có được niềm hân hoan và an ủi này, cả cho chính chúng ta cũng như cho những người khác gần chúng ta, Chúng Tôi đã sắp xếp để tổ chức việc Tĩnh Tâm Linh Thao hằng năm ở Vatican”. Trong khi đề cao giá trị của các cuộc tĩnh tâm, ngài khuyên răn rằng: “Những linh mục thuộc hàng Giáo Sĩ, triều hay dòng, không được nghĩ rằng thời gian để Tĩnh Tâm Linh Thao là những gì làm tổn hại tới thừa tác vụ tông đồ”.

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ