GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 2/2005

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho thành phần bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân bần cùng nhất, được quan tâm và săn sóc về y khoa xứng với nhân phẩm làm người”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho thành phần phụ trách việc truyền giáo mỗi ngày một ý thức hơn là việc loan truyền tin mừng hữu hiệu và thu phục lòng người nhờ ở lòng say mến Chúa Kitô ”.  

 

__________________

 NGÀY 1 THỨ BA

 

Niên Giám Tòa Thánh 2005: tổng số Công giáo là 1 tỉ 086 triệu, tăng 15 triệu

Cho dù hôm Thứ Hai 31/1/2005, vị bị cúm không tiếp ai, ĐTC cũng nhận Cuốn Niên Giám 2005 (dầy 2.100 trang) của Tòa Thánh, trong đó có những con số thống kê được cập nhất hóa như sau.

Con số tín hữu Công giáo tăng từ 1.071 tỉ trong năm 2002 đến 1.086 tỉ trong năm 2003. Ở Phi Châu tăng 4.5%; Á Châu tăng 2.2%, Đại Dương Châu 1.3%; Mỹ Châu 1.2%; Âu Châu không tăng không giảm.

Một nửa số Công giáo trên thế giới ở Mỹ Châu với 49.8%, Âu Châu 25.8%, Phi Châu 13.2%, Á Châu 10.4% và Đại Dương Châu 0.8%.

Năm 2003, tổng số linh mục là 405.450 vị, trong đó 268.041 thuộc giáo phận và 137.409 thuộc dòng tu; năm 2002 có 405.058 vị, 267.334 triều và 137.724 dòng; tăng 392 vị nói chung, linh mục triều tăng 707 nhưng linh mục dòng thụt xuống 315 vị.

Trong năm 2003 có 9.317 tân linh mục, năm 2002 có 9.247 vị; tân linh mục triều tăng từ 6.534 trong năm 2002 lên 6.582 trong năm 2003, và linh mục dòng tăng từ 2.713 trong năm 2002 lên 2.735 trong năm 2003.

Con số chủng sinh đông nhất là ở Mỹ Châu với 37.191, Á Châu 27.931, Âu Châu 24.387, Phi Châu 21.909 và Đại Dương Châu 955.

Năm 2003 ĐTC GPII đã chọn thêm 171 vị giám mục nữa, lập thêm 10 giáo phận, 6 tổng giáo phận và 1 Hạt Phủ Doãn Tông Tòa.

 

Sứ Điệp của Cuộc Hội Luận ở Vatican về Các Tôn Giáo Cổ Truyền với Hòa Bình

Sau đây là sứ điệp đúc kết buổi hội luận về “Những Phương Sách của Các Tôn Giáo Cổ Truyền Về Hòa Bình”, được tổ chức bởi Hội Đồng Tòa Thánh về Đối Thoại Liên Tôn, vào thời đoạn 12-15/1/2005 tại Vatican.

Hòa bình là việc tìm cầu liên lỉ của tất cả mọi con người nam nữ thiện tâm. Theo bước chân của Chúa Giêsu Kitô là Hoàng Tử Bình An, Giáo Hội, hoàn toàn nhận thức được nhu cầu hòa bình trong một thế giới phân rẽ, khuyến khích việc đối thoại theo chiều hướng cảm thông hơn và liên hệ hòa hợp hơn giữa các tín hữu thuộc các tôn giáo khác nhau. Giữa thời khoảng 12-15/1/2005 ở Rôma, Hội Đồng Tòa Thánh Về Đối Thoại Liên Tôn đã tổ chức một cuộc hội luận về “Những Phương Sách của Các Tôn Giáo Cổ Truyền Về Hòa Bình”.

Trong cuộc hội luận này, 24 chuyên viên Công giáo từ Phi Châu, Mỹ Châu, Á Châu và Đại Dương Châu cùng nhau đến để chia sẻ về những gì các tôn giáo cổ truyền có thể góp phần vào việc kiến tạo hòa bình trên thế giới. Cuộc hội ngộ này cũng như cuộc hội luận trước đây về “Những Phương Sách Thiêng Liêng của Các Tôn Giáo Về Hòa Bình” được tổ chức bởi cùng phân bộ này vào thời khoảng 16-18/1/2003 ở Rôma, là những gì tiếp dõi của Hội Đồng Liên Tôn họp ở Vatican ngày 25-28/10/1999; Ngày Cầu Nguyện Cho Hòa Bình ở Assisi vào ngày 24/1/2002; và Cuộc Diễn Đàn Về Hòa Bình xẩy ra trước đó.

Thành phần tham dự viên đã nhấn mạnh đến những đặc tính của các tôn giáo cổ truyền. Họ ghi nhận tầm quan trọng của các yếu tố sau đây: các truyền khẩu, nghi thức, huyền thoại và cách ngôn, cũng như quan niệm sống lấy cộng đồng làm chính, tính cách linh thánh của thiên nhiên, quan điểm nhất thống của thực tại, việc nhấn mạnh đến sự sống và các mối liên hệ, tất cả đều cần phải được đặc biệt chú trọng.

Thành phần tham dự viên nói chung đồng ý rằng theo các tôn giáo cổ truyền thì hòa bình không hẳn là không có chiến tranh hay công khai xung đột. Tích cực hơn, hòa bình được quan niệm theo nghĩa hòa hợp với tất cả mọi khía cạnh của thực tại, hữu hình và vô hình, thần linh và nhân sinh, vũ trụ và lịch sử. Hòa bình cũng bao hàm sự quân bình và tôn trọng tính cách đa dạng. Hòa bình theo các tôn giáo cổ truyền được nuôi dưỡng bằng lối sống cộng thông ngược lại với cá thể, một liên hệ với đất đai và biển cả là những gì đòi hỏi một cảm quan hữu trách và quản trị bằng việc tôn trọng thiên nhiên nói chung. Các xã hội cổ truyền nhấn mạnh đến những trách nhiệm về xã hội. Những yếu tố tích cực khác hướng về hòa bình là sự sẵn sàng hòa giải dù có nhận thấy rõ ràng tính cách bất khả tránh của vấn đề xung khắc; vai trò nồng cốt của phụ nữ như là các tác nhân hòa bình; tầm quan trọng của gia đình, thành phần già lão và cộng đồng; cũng như sự cần thiết phục hồi công lý và sự thứ tha.

Trong khi công nhận sức mạnh của các tôn giáo cổ truyền, thành phần tham dự viên cũng chia sẻ về những khó khăn của các tôn giáo này trong việc đề cao các giá trị của họ theo chiều hướng của vấn đề toàn cầu hóa.

Căn cứ vào những gì được chia sẻ trên đây, cuộc hội luận khuyến khích nỗ lực hơn nữa trong việc cổ võ cuộc đối thoại liên tôn giữa Kitô giáo và các tôn giáo cổ truyền, nhất là ở các giáo hội địa phương là nơi những tôn giáo này vẫn còn hiện hữu và gây ảnh hưởng. Thành phần tham dự viên nhấn mạnh đến nhu cầu cần cho việc phát triển vấn đề đối thoại trong nội bộ tôn giáo nơi các phần tử của Giáo Hội xuất thân từ các kinh nghiệm tôn giáo cổ truyền. Qua hai kiểu đối thoại này, tham dự viên tin rằng cả Kitô hữu lẫn tín đồ thuộc các tôn giáo cổ truyền sẽ tiến đến chỗ hiểu biết hơn nữa về sự phong phú của các tôn giáo cổ truyền, thế nhưng cũng hiểu biết về cả những hạn chế có thể của họ nữa. Việc hiểu biết kỹ lưỡng những tôn giáo cổ truyền này sẽ góp phần vào tiến trình hội nhập văn hóa. Giáo Hội nhìn nhận rằng những giá trị nơi các tôn giáo cổ truyền có thể là những phương sách phong phú cho việc cổ võ hòa bình trên thế giới. Theo chiều hướng của cuộc hội luận này thì nếu chúng ta chú trọng tới những phương sách này một cách nghiêm cẩn hơn nữa thì hòa bình chân thực càng có thể chiếm đạt.

Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL, dịch từ tài liệu của Zenit ngày 25/1/2005


Thị Trường Các Tay Tử Đạo: Kỹ Nghệ Khủng Bố Tự Sát

Ông Massimo Introvigne, một xã hội gia về tôn giáo, giám đốc sáng lập viên Trung Tâm Nghiên Cứu Các Tân Tôn Giáo, cùng với Lawrence Iannaccone, là tác giả của tác phẩm "Il Mercato dei Martiri. L'Industria del Terrorismo Suicida" (Thị Trường Các Tay Tử Đạo: Kỹ Nghệ Khủng Bố Tự Sát), do Lindau xuất bản ở Ý. Trong cuộc phỏng vấn với Zenit, ông đã nói đến tác phẩm này, một tác phẩm phân tách hiện tượng khủng bố tự sát theo quan điểm được gọi là kinh tế tôn giáo, tức là một thị trường liên quan tới vấn đề của luật cung cầu. Theo ông, tay khủng bố sát hại mạng sống mình không coi hành động của mình ấy là một hành động tự vẫn mà là một hành đồng lập công.

“Các tổ chức khủng bố không thực hiện những cuộc tấn công chỉ vì họ thích hay chỉ vì họ bị thôi thúc bởi một ý muốn được khải thị trong việc sát hại. Họ hoạt động như ‘các thứ kỹ nghệ’ khủng bố theo lý lẽ giá trả cùng lợi nhuận thường tình của vấn đề làm ăn thương mại”.

Vấn: Vậy thì một kẻ khủng bố đâu phải là một tay tử đạo?

Đáp: "Martyres non facit poena sed causa," Các Vị Giáo Phụ của Giáo Hội đã nói như thế. Họ là những tay tử đạo không phải đường lối họ chết mà là vì lý tưởng họ hy sinh mạng sống.

Tuy nhiên, như huấn quyền của Giáo Hội dạy, cũng như các bản tuyên ngôn long trọng của Liên Hiệp Quốc xác nhận, những bản tuyên ngôn được hầu như tất cả mọi quốc gia trên thế giới chấp nhận, thì việc khủng bố bao giờ cũng là đường lối bất hợp pháp, bất kể mục tiêu của kẻ khủng bố có là gì đi nữa. Nó là một lý tưởng xấu và những ai phụng sự lý tưởng này đều không phải là thành phần tử đạo.

Ngay cả theo quan điểm của người Hồi giáo đi nữa thì thật sự rất cần phải đặt vấn đề xem tay khủng bố tự sát có quyền được hưởng danh xưng “shahid” tử đạo hay chăng.

Trong cuốn “Thị Trường Các Tay Tử Đạo” chúng tôi đã phổ biến như một phụ đính “fatwa” tức một sắc dụ về tôn giáo của những nhóm Saudi thân cận với Osama bin Laden, một sắc dụ cố gắng cho thấy rằng việc khủng bố là tử đạo. Thế nhưng, trong cuốn sách này chúng tôi đã nhấn mạnh rằng, để tiến đến kết luận ấy, người ta đã phải cưỡng ép các nguồn trích dẫn là Sách Coran và Sách Sunna.

Vấn: Tại sao họ lại đi tự sát?

Đáp: Cho dù, theo khách quan, vì lý do như tôi vừa nói, việc khủng bố tự sát không phải là tử đạo, song theo chủ quan thì nó là một cuộc tử đạo đối với thành phần khủng bố.

Ngoài ra, khi phỏng vấn mấy năm trước đây các tay diễn giải thuộc Nhóm Hamas ở Tây Ngạn, tôi nhận thấy rằng mối quan tâm chính của họ đó là phải thực sự bảo đảm rằng những gì họ dự định làm không phải là tự tử, vì nó là một cử chỉ bị Hồi giáo cấm không cho phép làm và là hành động khiến họ bị xuống hỏa ngục.

Những nhà lãnh đạo của họ khuyến khích họ bằng những lập luận thần học để thuyết phục họ, cho dù những nhà lãnh đạo này có nghi ngờ và trích dẫn từ những nguồn nguyên thủy của phái Hồi giáo Shiite để chuyển dịch, một cách không phải là dễ dàng gì, sang giáo điều về môi trường của phái Hồi giáo Sunni.

Bởi thế, “kẻ tử đạo” này, dù đối với chúng ta không phải là thế, vẫn thực sự nghĩ rằng họ đang thực hiện một hành động lập công theo quan điểm tôn giáo.

Vấn: Nếu nghèo khổ và tuyệt vọng không phải là những căn nguyên khiến cho thành phần khủng bố tự sát hại bản thân mình thì điều gì đã thúc đẩy họ làm như thế?

Đáp: Trong cuốn sách chúng tôi đã nói rằng những thứ giải thích dựa vào nghèo khổ và nỗi tuyệt vọng về vấn đề kinh tế xã hội là những gì vô nghĩa, bởi vì có nhiều tay khủng bố tự sát có một cuộc sống sung túc.

Dĩ nhiên, người ta có thể nói đến “nỗi tuyệt vọng về văn hóa”, thế nhưng cái loại tuyệt vọng mập mờ ấy có thể hiểu về mọi thứ hay chẳng về cái gì cả.

Có những người nói đến “việc tẩy não” và việc mạo động tâm thần, những loại mà tôi không muốn nói một cách tổng quát, như tôi giải thích trong tác phẩm “Việc Tẩy Não, một Huyền Thoại hay Có Thực” của tôi là những gì khó áp dụng vào trường hợp của một người như Mohammed Atta, tay lãnh đạo cuộc khủng bố tấn công ngày 11/9/2001, một tay biệt kích, một sinh viên đại học được đẳng cấp danh dự của đại học Hamburg, con người chưa bao giờ sống ở một trại huấn luyện nào hay trong một môi trường bảo thủ Hồi giáo nào. Phải chăng hắn đã bị tẩy não chỉ bằng những bài giảng trong đền thờ vào ngày Thứ Sáu?

Iannaccone và tôi đều tin rằng tất cả mọi thứ “cắt nghĩa” này đều là kết quả của một thứ thành kiến phản tôn giáo, cũng như theo chiều hướng qui nạp kiểu chính trị hay tâm lý cho rằng hiện tượng này bề ngoài là tôn giáo song không phát xuất bởi các nguyên do tôn giáo. Theo quan điểm ấy thì tôn giáo, như Marx đã nói, chỉ là một thứ “siêu cơ cấu” của một thứ cơ cấu có thực, đó là thứ cơ cấu có thực về kinh tế đối với Marx và về tâm lý đối với Freud.

Dĩ nhiên, không có một hiện tượng nào lại chỉ có một nguyên do duy nhất, nên việc cho rằng các động lực thúc đẩy thành phần khủng bố tự sát ra tay chỉ liên quan tới vấn đề tôn giáo thôi thì ý nghĩ ấy như là một thứ hí họa nực cười. Tuy nhiên, tôn giáo cũng đã đóng một vai trò quan trọng.

(còn tiếp)

Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL, dịch từ tài liệu của Zenit ngày 20/1/2005

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ