GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 2/2005

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho thành phần bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân bần cùng nhất, được quan tâm và săn sóc về y khoa xứng với nhân phẩm làm người”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho thành phần phụ trách việc truyền giáo mỗi ngày một ý thức hơn là việc loan truyền tin mừng hữu hiệu và thu phục lòng người nhờ ở lòng say mến Chúa Kitô ”.  

 

__________________

 NGÀY 21 THỨ HAI

 

Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật II Mùa Chay 20/2/2005 về Vai Trò Thừa Kế Thánh Phêrô

 

1.         Tuần Phòng tôi đã tham dự cùng với nhiều vị hợp tác của Giáo Triều Rôma đã được kết thúc hôm qua với việc long trọng cử hành Thánh Thể và sau đó là Chầu Thánh Thể.

 

Thánh Thể là nguồn mạch từ đó mối hiệp thông giữa các phần tử của Nhiệm Thể Chúa Kitô mãi mãi lấy lại được nghị lực.

 

2.         Chính vì quan điểm này mà công việc chuyên biệt được ký thác cho Thánh Phêrô cùng các vị thừa kế của ngài mới trọn vẹn trở thành hiển nhiên: Thừa tác vụ thừa kế Thánh Phêrô chính yếu là việc phục vụ cho mối hiệp nhất của Giáo Hội: “Con là Đá, trên đá này Thày sẽ xây giáo hội của Thày” (Mt 16:18). Lời hứa này của Chúa Kitô được vang vọng nơi những lời an ủi khác của Người: “Thày đã cầu nguyện để con không bị mất đức tin; và một khi trở lại con phải làm cho anh em con vững mạnh nữa” (Lk 22:32).

 

3.         “Hãy chăn các chiên con của Thành… Hãy chăn các chiên mẹ của Thày” (Jn 21:15-17). Tôi cảm thấy lời mời gọi này của Chúa Giêsu đặc biệt sống động trong tâm thần của mình khi tôi chiêm ngưỡng mầu nhiệm Thánh Thể. Tôi xin phó dâng toàn thể Dân Chúa cho Người là Vị Mục Tử Nhân Lành trong hành trình Mùa Chay hướng về Phục Sinh này.

 

Chúng ta hãy kêu cầu Mẹ Maria là Mẹ Giáo Hội nâng đỡ bằng kinh nguyện Truyền Tin truyền thống này.

 

 

ĐTC GPII Mới Bổ Nhiệm Tân Tổng Giám Mục Hà Nội Giuse Ngô Quang Kiệt

 

Hôm Thứ Bảy 19/2/2005, ĐTC GPII đã bổ nhiệm ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt làm tân TGM Hà Nội thay cho ĐHY Phaolô Phạm Đình Tụng về hưu vào tuổi 85.

 

Đức tân TGM 52 tuổi này được thụ phong linh mục vào năm 1991 và là giám mục Lạng Sơn Cao Bằng từ năm 1999 và đã được chỉ định làm giám quản tông tòa ở Hà Nội từ năm 2003, một TGP có 5.1% Công giáo trong tổng số 6 triệu dân.

 

Tòa Thánh cũng thông báo việc bổ nhiệm ĐGM Phanxicô Xavier Lê Văn Hồng làm giám mục phụ tá TGP Huế.

 

Tin bổ nhiệm này được phổ biến vào cuối tuần lễ Đức tân TGM Giuse Ngô Quang Kiệt đang ở tại Giáo Phận Orange Nam California để chia sẻ vừa kinh nghiệm mục vụ vừa kiến thức đức tin. Ngài có hai buổi chia sẻ, một vào chiều Thứ Bảy lúc 1 giờ về đề tài “Hạt Giống Đức Tin”, và một vào sáng Chúa Nhật lúc 8 giờ 30 về đề tài “kinh nghiệm về một giám mục không nhà”.

 

Trong tập “Awake to Grace” Registration Guidebook của Los Angeles Religious Education Congress February 17-20/2005, trang 22 có giới thiệu về vị tân TGM này với đề tài “kinh nghiệm về một giám mục không nhà” như sau:

 

“Một vị giám mục trẻ được bổ nhiệm về một giáo phận đã bị chiến tranh tàn phá. Giáo phận không có nhà thờ chính tòa, không có tòa giám mục, không có linh mục, không có nữ tu nào. Vị giám mục cô đơn đã sống và làm việc thế nào trong hoàn cảnh như thế?

 

“Từ 5 năm nay, Đức Cha Giuse Ngô Quang Kiệt làm giám mục giáo phận Lạng Sơn, Cao Bằng. Đó là giáo phận ở cực bắc Việt Nam, giáp với trung quốc. Khi ngài về nhận, giáo phận không có nhà thờ chính tòa, không có tòa giám mục. Chỉ có 1 linh mục hơn 90 tuổi và 1 nữ tu hơn 100 tuổi. Một mình phải làm tất cả. Ngài bắt đầu truyền giáo”.

 

Ở trang 51, về đề tài “Hạt Giống Đức Tin”, với những lời gợi ý thế này: “Trong miền rừng núi của giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng, nhiều tín hữu vẫn giữ được đức tin, bất chấp nhiều khó khăn như là: áp lực của một xã hội thù nghịch, thiếu linh mục trợ giúp, không có nhà thờ để cầu nguyện”.

 

Xin kính chúc Đức Tân Tổng Giám Mục Hà Nội Giuse Ngô Quang Kiệt được tràn đầy Thần Linh của Chúa Kitô Mục Tử Nhân Lành.

 

 

Tiểu Ban Liên Hiệp Quốc đề nghị cấm tất cả mọi thứ tạo sinh sao bản con người

 

Hôm Thứ Sáu 18/2/2004, với 71 phiếu thuận và 35 phiếu chống và 43 phiếu trống, tiểu ban Liên Hiệp Quốc đã chấp thuận cấm không buộc (the non-compulsory ban) vấn đề tạo sinh sao bản con người, kể cả việc sao bản “trị liệu” liên quan đến các phôi bào con người để làm thí nghiệm khoa học.

 

Giờ đây thành quả của cuộc bỏ phiếu này sẽ được trình lên Tổng Hội Đồng LHQ và sẽ có tính cách của một lời khuyên dụ mà thôi.

 

ĐTGM Celestino Migliore, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh ở Liên Hiệp Quốc cho Đài Phát Thanh Vatican biết rằng Giáo Hội tuyên bố mình ủng hộ việc “cấm hoàn toàn”. Theo ngài, Giáo Hội, “cảm thấy phấn khởi trước những hứa hẹn của y học, một ngành y học đã thấy trước được cơ hội sử dụng thành đạt những loại thân bào trưởng thành, không thể chấp nhận việc sử dụng và hủy hoại phôi bào con người”.

 

Ngài nói tiếp, mặc dù không bắt buộc, tầm quan trọng của việc cấm đoán này đã được nhấn mạnh “ở chỗ nó kêu gọi các quốc gia hãy cấm tất cả mọi hình thức tạo sinh sao bản ngược lại với phẩm giá con người cuũg như với việc bảo vệ sự sống”.

 

Vị TGM quan sát viên thường trực của Tòa Thánh này còn cho biết thêm vào “cuối cuộc tranh luận dằn vặt này, có 3 điều tu chính được nêu lên, hai trong 3 điều ấy muốn tìm cách loại trừ khỏi văn kiện này tất cả những gì liên quan tới việc bảo vệ sự sống con người trong các kỹ thuật tạo sinh sao bản.

 

“Chính việc đa số trong hội đồng mạnh mẽ bác bỏ hai điều tu chính này đã cho thấy một dấu hiệu bất khả sai lầm. Tòa Thánh cảm thấy hoan hỉ khi thấy được việc đồng ý chung chấp thuận văn kiện có những điều liên quan đến việc bảo vệ sự sống con người và phẩm giá của sự sống con người.

 

“Tuy nhiên, dấu hiệu mở màn đáng khích lệ bởi việc bỏ phiếu này là những gì làm chúng ta an tâm vững dạ. Chúng ta hy vọng rằng nó sẽ là điểm xuất phát cho việc không ngừng cổ võ sự tiến bộ của khoa y học, một khoa y học luôn mạnh mẽ thể hiện việc tôn trọng sự sống con người”.

 

 

Bộ Nội Các Do Thái cuối cùng đã chấp thuận việc giải tỏa vấn đề Do Thái định cư ở vùng Palestine

 

Hôm Chúa Nhật 20/2/2005, Bộ Nội Các Do Thái cuối cùng đã chấp thuận việc chính phủ dự định giải tỏa vấn đề dân Do Thái định cư ở những vùng đất Palestine là Gaza và Tây Ngạn là những vùng lực lượng Do Thái đã chiếm được từ cuộc phản công năm 1967. Quyết định đây đã đánh dấu lần đầu tiên chính quyền Do Thái muốn giải tỏa những nơi cư trú của người Do Thái ở miền đất được các người Palestine đòi cho quốc gia sau này của họ.

 

Thủ Tướng Sharon, sau mấy tiếng dự án này được quyết định, đã nói với thành phần lãnh đạo Do Thái Hoa Kỳ rằng đây là một trong những quyết định khá khăn nhất ông đã thực hiện. Gọi quyết định này là motä quyết định “lịch sử”, ông nói rằng nó sẽ “định đoạt tương lai của quốc gia Do Thái”.

 

Các vị bộ trưởng đã bỏ phiếu thuận 17 và chống 5 cho dự án giải tỏa, đứng đầu là bộ trưởng tài chính Benjamin Natanyahu, vượt chỉ số phiều cần phải trưng cầu dân ý theo ý đồ của thành phần chống đối. Cuộc giải tỏa này sẽ xẩy ra cho 9 ngàn người Do Thái sẽ được bắt đầu vào tháng 7/2005 và sẽ phải mất 2 tháng. Chính phủ sẽ chi 871 triệu Mỹ kim bồi thường cho các cư dân bị giải tỏa, tùy theo số người trong gia đình, tùy theo nhà thuê hay nhà mua, tùy theo mua lâu hay chóng. Sẽ có hằng ngàn quân nhân tham dự vào việc giải tỏa dân cư Do Thái này.

 

Theo một viên chức trong chính quyền Do Thái thì Thủ Tướng Sharon đã ký một sắc lệnh ấn định về trường hợp những người Do Thái ở Gaza và phía bắc Tây Ngạn sau ngày 20/7/2005 nếu vẫn còn ở những nơi đã được giải tỏa này là bất hợp pháp và bấy giờ sẽ bị võ lực bắt phải dời đi chỗ khác.

 

Cũng vào ngày chấp thuận dự án giải tỏa việc định cư của dân Do Thái ở những vùng đất Palestine này, Bộ Nội Các Do Thái đã chấp thuận vòng đai cuối cùng phân biệt Do Thái ở Tây Ngạn, một bức tường rào cản thoạt tiên để ngăn chặn các tay khủng bố Palestine nhưng dần dần được coi như việc phân ranh giới giữa Do Thái và nước Palestine sau này. Bức tường ngăn cách này sẽ kéo dài 425 dặm song mới được hoàn tất 1/3.

 

Với việc bỏ phiếu chấp thuận hai quyết định trong cùng một ngày này, chính phủ Sharon bắt đầu đơn phương vẽ lại các biên giới cuối cùng của Do Thái, một điều không một vị tiền nhiệm nào của đương kim thủ tướng cố làm kể từ khi chiếm được Tây Ngạn, Gaza và phía đông Giêrusalem vào năm 1967.

 

Riêng về vấn đề bức tường ngăn cách nếu tiếp tục sẽ làm cho 4 khu làng của 10 ngàn người Palestine (Hussan, Wadi Fukin, Nahalin and Bittir) thuộc về bên phần đất của Do Thái, tức bên Palestine sẽ mất chừng từ 6 đến 8% đất ở Tây Ngạn cho bên do Thái.

 

Vị tân lãnh đạo Palestine là Tổng Thống Mahmoud Abbas, trước việc bỏ phiếu quyết định của phe Do Thái, đã nói trong cuộc phỏng vấn với tờ nguyệt san tin tức Der Spiegel của Đức rằng Do Thái cần phải giải tỏa tất cả mọi nơi định cư cũng như cần phải chặn đứng việc xây cất bức tường ngăn cách, đồng thời cũng cho biết là Tổng Thống Bush không thể quyết định vận mạng của Palestine.

 

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ