GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 2/2005

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho thành phần bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân bần cùng nhất, được quan tâm và săn sóc về y khoa xứng với nhân phẩm làm người”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho thành phần phụ trách việc truyền giáo mỗi ngày một ý thức hơn là việc loan truyền tin mừng hữu hiệu và thu phục lòng người nhờ ở lòng say mến Chúa Kitô ”.  

 

__________________

 NGÀY 23 THỨ TƯ

 

ĐTC GPII: Những Lời Nhắn Nhủ cho Buổi Triều Kiến Chung qua Truyền Hình Viễn Liên về Mùa Chay


Theo thông lệ thì cứ vào mỗi Thứ Tư hằng tuần, ĐTC GPII sẽ đến với buổi triều kiến chung ở Sảnh Đường Phaolô VI hay tại Quảng Trường Thánh Phêrô để dạy giáo lý. Loạt bài giáo lý ngài đang giảng dạy là những bài về Thánh Vịnh, đến bài giáo lý thứ 131 ngày 26/1/2005 về Thánh Vịnh 114 (116). Ngài đã bắt đầu loạt bài giáo lý Thánh Vịnh này từ ngày 20/3/2002.


Tuy nhiên, vì bị bệnh, sau thời gian nằm bệnh viện hơn 1 tuần, vả lại vì khí trời không được tốt lắm, ngài cần dưỡng sức. Bởi đó, tuần này, 23/2/2005, ngài đã thực hiên lần đầu tiên buổi triều kiến chung qua viễn liên truyền hình từ thư phòng của ngài đến Sảnh Đường Phaolô VI với mấy lời nhắn nhủ kêu gọi sống Mùa Chay như sau:


“Tôi thân ái chào anh chị em và tôi xin cám ơn anh chị em đã tới tham dự.


“Chúng ta đang tiến hành một Mùa Chay với sự trợ giúp và tác động của phụng vụ để kêu gọi chúng ta hãy đặc biệt chú trọng tới việc cầu nguyện, chay tịnh và thống hối, cũng như đến việc liên kết chặt chẽ hơn nữa với anh chị em đồng loại của mình, nhất là đối với thành phần nghèo khổ thiếu thốn.


“Chúng ta hãy mở lòng mình ra cho những tác động nội tâm của ân sủng. Chớ gì ích kỷ nhường chỗ cho yêu thương, để chúng ta có thể cảm nghiệm được niềm vui tha thứ và thân tình hòa giải với Thiên Chúa cũng như với anh chị em của chúng ta”.


 

“Phát Triển Nhanh”
Tông Thư của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II
gửi Thành Phần Hữu Trách Các Ngành Truyền Thông


1.     Việc phát triển nhanh về kỹ thuật nơi lãnh vực truyền thông chắc chắn là một trong những dấu hiệu tiến bộ của xã hội ngày nay. Theo chiều hướng của những sự đổi mới liên tục tiến hóa này, những lời trong Sắc Lệnh Inter Mirifica của Công Đồng Chung Vaticanô II được ban bố bởi vị tiền nhiệm đáng kính của tôi là vị đầy tớ đáng kính của Chúa Phaolô VI, ngày 4/12/1963, thậm chí vẫn còn hiện đại hơn bao giờ hết: “Thiên khiếu của con người, với ơn trợ giúp của Thiên Chúa, đã sản xuất ra được những phát minh về kỹ thuật kỳ diệu từ thiên nhiên, nhất là trong thời đại của chúng ta đây. Giáo Hội là mẹ của chúng ta đặc biệt chú trọng tới những gì trực tiếp đụng chạm tới tâm linh của con người và là những gì mở ra những đường lối mới cho việc dễ dàng truyền đạt tất cả mọi thứ tín liệu, tư tưởng và xu hướng” (1).

I. Sự Tiến Bộ Tốt Đẹp của Truyền Thông sau Sắc Lệnh Inter Mirifica

2-     Hơn 40 năm sau khi ban hành văn kiện này, thật là thích hợp để suy nghĩ về “những thách đố” do các phương tiện truyền thông tạo nên cho Giáo Hội, một Giáo Hội được Đức Phalô VI nói rằng “sẽ cảm thấy có lỗi với Chúa nếu Giáo Hội không lợi dụng những phương tiện mãnh lực này” (2). Thật vậy, Giáo Hội chẳng những được kêu gọi để sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng để truyền bá Phúc Âm mà còn, hôm nay đây, hơn bao giờ hết, hội nhập sứ điệp cứu độ vào “thứ văn hóa mới” được những phương tiện truyền thông quyền năng này tạo nên và phổ biến. Giáo Hội nói cho chúng ta biết rằng việc sử dụng các kỹ thuật cùng các khoa kỹ thuật của những ngành truyền thông xã hội hiện đại là một phần thuộc về sứ mạng của Giáo Hội trong ngàn năm thứ ba.

Ý thức như thế, cộng đồng Kitô hữu đã thực hiện những bước tiến quan trọng trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông cho tín vụ tôn giáo, cho việc truyền bá phúc âm hóa, cho việc giảng dạy giáo lý, cho việc huấn luyện các cán sự mục vụ về ngành truyền thông này, và cho việc giáo dục về trách nhiệm chín chắn nơi thành phần sử dụng cũng như thành phần thụ hưởng các phương tiện truyền thông.

3.     Nhiều thách đố gây khó dễ cho việc tân truyền bá phúc âm hóa trong một thế giới giầu khả năng truyền thông như của chúng ta đây. Đó là lý do tôi đã nhấn mạnh đến trong Thông Điệp Redemptoris Missio là Công Nghị Đường trước hết của thời đại tân tiến là thế giới truyền thông, một thế giới có khả năng hiệp nhất loài người và biến đổi loài người thành “một ngôi làng hoàn vũ” như vốn được nói tới. Các phương tiện truyền thông đã chiếm được một vai trò quan trọng như là các phương tiện chính yếu trong việc hướng dẫn và tác động hành vi cử chỉ của nhiều người về phương diện cá nhân, gia đình và xã hội. Chúng ta đang đương đầu với một vấn đề phức tạp, vì chính nền văn hóa, bất kể nội dung của nó, xuất phát từ chính sự hiện hữu của các đường lối mới trong việc truyền đạt mà, cho tới nay, có những kỹ thuật và từ vựng không được biết tới.

Thời đại của chúng ta là thời đại của truyền thông toàn cầu, một thời đại có vô vàn giây phút trong cuộc hiện hữu của con người được sử dụng vào, hay ít là chạm trán với, những tiến trình khác nhau của các phương tiện truyền thông đại chúng. Tôi muốn giới hạn vào việc đề cập tới vấn đề huấn luyện nhân cách và lương tâm, vấn đề tìm hiểu và kiến tạo các mối liên hệ về tình cảm, vấn đề qui tụ lại với nhau cho các giai đoạn học hỏi và huấn luyện, vấn đề chế biến và truyền bá hiện tượng văn hóa, cũng như vấn đề phát triển sinh hoạt xã hội, chính trị và kinh tế.

Các phương tiện truyền thông đại chúng có thể và cần phải cổ võ công lý và tình đoàn kết theo một quan điểm có hệ thông và xác đáng về vấn đề phát triển nhân bản, bằng việc tường trình các biến cố một cách chính xác và trung thực, bằng việc phân tích những trường hợp và các vấn đề một cách đầy đủ, cũng như bằng việc cung cấp một thứ diễn đàn cho biết các ý kiến khác nhau. Đường lối luân thường đạo lý chân thực trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông mãnh lực này cần phải được thực hiện theo chiều hướng tác hành tự do và trách nhiệm chín chắn, căn cứ vào qui tắc tối cao của sự thật và công lý.

II. Phản Ảnh Phúc Âm và Dấn Thân Truyền Giáo

4.     Thế giới truyền thông đại chúng cũng cần đến ơn cứu chuộc của Chúa Kitô. Bằng con mắt đức tin, để phân tách những tiến trình và giá trị của các thứ truyền thông, chắc chắn việc hiểu được sâu xa Thánh Kinh là những gì có thể như là một “thứ đại luật tắc” đối với vấn đề truyền thông một sứ điệp nào đó, một thứ đại luật tắc không nông cạn mà là sâu xa bởi giá trị cứu độ của nó.

Lịch sử Cứu độ đã trình thuật và ghi nhận việc Thiên Chúa thông đạt với loài người, một thông đạt đã sử dụng đến tất cả mọi hình thức và đường lối truyền thông. Con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và tương tự như Thiên Chúa để chấp nhận mạc khải thần linh cũng như để tham dự vào cuộc đối thoại thân tình với Ngài. Vì tội lỗi, khả năng đối thoại này, ở cả lãnh vực cá nhân cũng như xã hội, đã bị xê dịch đi, và loài người đã phải chịu đau khổ và sẽ tiếp tục chịu khổ đau, một cảm nghiệm cay cực của việc thiếu hiểu biết và phân ly. Tuy nhiên, Thiên Chúa đã không bỏ rơi loài người, trái lại đã sai Con một của Ngài đến (x Mk 12:1-11). Nơi Lời hóa thành nhục thể, chính việc truyền thông có một ý nghĩa cứu độ sâu xa nhất: nhờ đó, trong Thánh Thần, nhân loại được ban cho khả năng để lãnh nhận ơn cứu độ, và loan truyền cùng làm chứng cho ơn cứu độ trước mắt thế gian.

5.     Việc truyền thông giữa Thiên Chúa và nhân loại như thế đã đạt đến mức trọn hảo nơi Lời hóa thành nhục thể. Tác động yêu thương được Thiên Chúa dùng để tỏ mình ra, hiệp với việc con người đáp ứng bằng đức tin, làm phát sinh một cuộc đối thoại tốt đẹp. Chính vì lý do ấy, ở một nghĩa nào đó khi sử dụng những lời kêu xin của các môn đệ “xin dạy chúng con nguyện cầu” (Lk 11:1), chúng ta có thể xin Chúa giúp chúng ta hiểu được làm sao có thể thông đạt với Thiên Chúa cũng như với tha nhân bằng những phương tiện truyền thông kỳ diệu. Vì việc truyền thông rất quyết liệt và dứt khoát như thế mà các phương tiện truyền thông là những gì cống hiến một cơ hội thích thuận để vươn tới dân chúng ở hết mọi nơi, bắng cách thắng vượt những chướng ngại của thời gian, không gian và ngôn ngữ; bằng cách trình bày nội dung của đức tin bằng những cách khác nhau nhất có thể nghĩ được; cũng như bằng cách cống hiến cho tất cả mọi người tìm kiếm cơ hội để tham dự vào cuộc đối thoại với mầu nhiệm Thiên Chúa là mầu nhiệm được hoàn toàn tỏ hiện nơi Chúa Giêsu Kitô.

Lời Nhập Thể đã lưu lại cho chúng ta một tấm gương về cách thức thông đạt với Chúa Cha cũng như với nhân loại, trong những lúc thinh lặng và suy niệm, hay trong khi giảng dạy ở mọi nơi và bằng mọi cách. Người giải thích Thánh Kinh, bày tỏ mình nơi những dụ ngôn, những cuộc đối thoại thân tình trong gia đình, nói năng ở phố xá, trên đường đi, ở bờ hồ và trên đỉnh núi. Cuộc hội ngộ riêng tư với Người khiến con người không thể dửng dưng mà là thôi thúc việc noi gương bắt chước: “Những gì Thày nói với các con trong bóng tối, các con hãy nói giữa ban ngày; những gì các con nghe thủ thỉ hãy công bố trên mái nhà” (Mt 10:27).

Tuy nhiên, vẫn có một giây phút tuyệt đỉnh làm cho việc truyền đạt trở thành việc thông hiệp trọn vẹn, đó là giây phút hội ngộ Thánh Thể. Bằng việc nhận ra Chúa Giêsu nơi “việc bẻ bánh” (x Lk 24:30-31), tín hữu cảm thấy mình được thôi thúc loan truyền cuộc tử nạn và phục sinh của Người, và trở thành những chứng nhân hoan hỉ cùng can trường cho Vương Quốc của Người (x Lk 24:35).

6.     Nhờ Ơn Cứu Chuộc, khả năng truyền đạt của tín hữu được chữa lành và canh tân. Cuộc hội ngộ với Chúa Kitô làm cho họ trở thành những tạo vật mới, và khiến họ có thể trở thành phần tử của một dân tộc mà nhờ chết trên Thập Giá Người đã chiếm lấy bằng máu của mình, để dẫn họ vào cuộc sống thân tình của Ba Ngôi, một thực tại truyền thông luân chuyển yêu thương vô cùng thiện hảo của Cha, Con và Thánh Linh.

Việc truyền thông thấm nhuần những chiều kích thiết yếu của Giáo Hội, những chiều kích được kêu gọi để loan báo cho tất cả mọi người sứ điệp cứu độ hân hoan. Đó là lý do Giáo Hội lợi dụng những cơ hội được các phương tiện truyền thông cống hiến cho như là những cách thế quan phòng do Thiên Chúa ban để gia tăng mối hiệp thông cũng như để đi sâu hơn vào việc loan báo lời của Người (3). Các phương tiện truyền thông giúp cho việc biểu lộ tính chất hoàn vũ của Dân Chúa, tạo thuận lợi hơn cho việc trao đổi nhiều hơn nữa và trực tiếp hơn nữa giữa các Giáo Hội địa phương, và nuôi dưỡng việc hiểu biết lẫn nhau cùng hợp tác với nhau.

Chúng ta hãy dâng lời tạ ơn Thiên Chúa về sự hiện diện của các phương tiện quyền lực này, các phương tiện mà nếu các tín hữu biết sử dụng bằng thiên khiếu đức tin cùng dễ dạy theo ơn soi động của Thánh Linh, có thể làm dễ dàng hóa việc truyền đạt Phúc Âm và mang lại những mối liên kết hiệp thông giữa các cộng đồng giáo hội một cách hiệu nghiệm hơn.


Còn Tiếp

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo tài liệu từ

http://www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/apost_letters/documents/hf_jp-ii_apl_20050124_il-rapido-sviluppo_en.html

 

Hai Chân Phước Thiếu Nhi Fatima đang tiến gần đến việc trở thành Hai Trẻ Hiển Thánh


Hôm Chúa Nhật 20/2/2005, ĐGM Serafim Ferreira e Silva trong khi cử hành lễ kính hai chân phước TNF Phanxicô và Giaxinta ở Đền Thánh Mẫu Fatima đã thông báo rằng:


“Tôi có thể khẳng định là hôm 19/2/2005, vấn đề được gọi là ‘positio’ đã được trình nộp cho việc phong hiển thánh của hai chân phước Giaxinta và Phanxicô Marto”.


Vào cuối cuộc cử hành này, ĐGM đã cắt nghĩa là việc kết thúc vấn đề “position” tức là “tiến trình hồ sơ đã được hoàn tất, được chuyển dịch sang Ý ngữ, hoàn toàn chấm dứt và được trình nộp cho ĐHY tổng trưởng Thánh Bộ Điều Tra Phong Thánh.


“Từ nay trở đi, hồ sơ phong thánh này sẽ tùy thuộc vào phán quyết của các vị hồng y cũng như các vị bác sĩ. Phán quyết cuối cùng là quyết định của Đức Giáo Hoàng”.

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ