GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 2/2005

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho thành phần bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân bần cùng nhất, được quan tâm và săn sóc về y khoa xứng với nhân phẩm làm người”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho thành phần phụ trách việc truyền giáo mỗi ngày một ý thức hơn là việc loan truyền tin mừng hữu hiệu và thu phục lòng người nhờ ở lòng say mến Chúa Kitô ”.  

 

__________________

 NGÀY 24 THỨ NĂM, NGÀY THÁNH THỂ

TRONG NĂM THÁNH THỂ

 

        

ĐTC GPII cấp thời được đưa trở lại bệnh viện

Vào lúc 10:45 sáng Thứ Năm 24/2/2005, ĐTC GPII lại được cấp thời đưa trở lại bệnh viện, vì bệnh cúm tái phát để được chữa trị chuyên môn và khám nghiệm thêm. Ngài lại bị khó thở và lên cơn sốt.

Bản văn của tòa thánh cho biết về biến động bệnh tình của ngài như sau: “Chiều hôm qua, Thứ Tư 23/2, ĐTC đã tái phát những triệu chứng cúm ngài đã bị trước đây mấy tuần. Bởi thế, sáng nay ngài đã được đưa vào bệnh viện Agostino Gemelli để được chữa trị chuyên môn và khám nghiệm thêm”.

 


Buổi Ra Mắt tác phẩm mới của ĐTC GPII: “Hồi Niệm và Căn Tính”


Tối ngày Thứ Ba 22/2/2005, Lễ Ngai Tòa Thánh Phêrô, tác phẩm thứ 5 của ĐTC GPII mang tựa đề “Hồi Niệm và Căn Tính” đã được ra mắt tại phòng báo chí Palazzo Colonna ở Rôma. Hiện diện người ta thấy có ĐHY Joseph Ratzinger, tổng trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin, tiến sĩ Joaquin Navarro-Valls, giám đốc văn phòng báo chí của tòa thánh, và ông Paolo Mieli, chủ bút tờ nhật báo Ý Corriere della Sera, tờ nhật báo được phát hành bởi nhóm Rizzoli cũng là tờ nhật báo xuất bản tác phẩm này của ĐTC bằng Ý ngữ.

Tác phẩm “Hồi Niệm và Căn Tính” là một cuốn sách dầy 200 trang và đã được phổ biến bằng 11 ngôn ngữ khác nhau. Tác phẩm đầu tiên của ngài là cuốn “Vượt qua ngưỡng cửa hy vọng” (1994, thời điểm Giáo Hội bắt đầu sửa soạn xa dọn mừng Đại Năm Thánh 2000), sau đó là cuốn “Tặng Ân và Mầu Nhiệm” (1996, dịp kỷ niệm kim khánh 50 năm linh mục), rồi tới tập thơ “Roman Triptych” (2003) và cuốn “Đứng Lên, Nào Chúng Ta Lên Đường” (2004, kinh nghiệm mục tử làm giám mục ở Balan và giám mục ở Rôma).

Theo vị giám đốc văn phòng của tòa thánh, như ông đã có lần nói đến, là cuốn sách mới này của ĐTC là thành quả của những cuộc đàm thoại trao đổi giữa ĐTC với hai triết gia Balan là Josef Tishner và Krystof Michalski, tại nhà nghỉ hè của ngài ở Castelgandolfo năm 1993. Những cuộc đàm thoại trao đổi này được thâu băng, sau đó được viết thành văn bản. Bản thảo ấy đã được bảo trì nhiều năm cho tới khi ngài đọc lại nó và quyết định biến nó thành một cuốn sách sau khi đã điều chỉnh một số chỗ.

“Tại sao ĐGH đã để quá lâu mới xuất bản cuốn sách này?”, một cuốn sách được vị giám đốc văn phòng báo chí tòa thánh cho là “cuốn tiểu sử” về “con người nội tại” của ĐGH, và chính vị này đã trả lời câu vấn nạn tự đặt ra là vì “Ngài muốn có giờ để suy nghĩ, để nhận định các chiều kích của những biến cố lịch sử và đi sâu vào căn nguyên” của những vấn đề ấy.

Nổi bật nhất trong buổi ra mắt này là 3 vấn đề của cuốn sách: đó là vấn đề sự dữ về luân lý, vấn đề ngài bị ám sát và vấn đề diệt chủng Do Thái.

Vị giám đốc này cho biết “tác phẩm này có hai phần, một phần 10 chương thiên về lý thuyết nhiều hơn; phần còn lại liên quan đến lịch sử mới đây”.

Về vấn đề sự dữ luân lý, vị giám đốc văn phòng báo chí tòa thánh cho biết “cả cuốn sách ngài nói đến vấn đề sự dữ, nói chính xác hơn, về sự đồng hiện hữu của thiện và ác, không phải là sự dữ về thể lý mà là về luân lý phát xuất từ quyết định tự do của con người”.


Theo vị giám đốc này thì ĐTC nghĩ rằng người ta cần phải xuất phát từ “những ý hệ để hiểu được chúng”, và ngài khuyên độc giả của ngài hãy thấy được sự dữ hạn hữu ra sao: “Thiên Chúa đã đặt giới hạn cho sự dữ”, vị giám đốc đã trích lại lời ngài.

ĐHY Ratzinger làm sáng tỏ quan niệm về sự dữ này bằng cách nhắc nhở thính giá của mình bấy giờ rằng “cứu độ là chữ chính yếu cho tất cả tư tưởng của Đức Gioan Phaolô II”, và theo quan điểm này “sự dữ trở thành một dụng cụ cho sự thiện”.

Vị giám đốc Navarro Valls còn nói thêm: “Tôi không biết ĐGH có đang viết gì nữa chăng. Đối với tôi thì không có gì là lạ vì suốt cuộc đời ngài đã từng viết nhiều”.

Vị giám đốc văn phòng báo chí tòa thánh cho biết: “Trong tác phẩm của mình, Đức Gioan Phaolô II không chia sẻ về sự dữ thiên nhiên, tức là về tai ương và thảm cảnh, mà là về sự dữ phát xuất từ hành động của con người. Có thể nói rằng đây là cuốn sách về thần học lịch sử. Đức Giáo Hoàng không muốn ước đoán hay xác định địa điểm những biến cố xẩy ra theo dự án thần linh, hoặc giải mã những đường lối của Đấng Quan Phòng. Khi ngài viết về những ý hệ xấu xa, như xã hội chủ nghĩa quốc gia và cộng sản, ngài đi sâu vào các cội gốc của chúng cũng như vào các chế độ bởi đó mà ra. Ngài cũng đảm trách việc suy tư về thần học và triết lý liên quan đến cách thức về sự hiện diện của sự dữ thường được kết thúc bằng việc mời gọi quay về sự thiện”.

Trong tác phẩm của mình, ĐTC GPII cũng nhắc lại biến cố 11/9/2001 ở Nữu Ước Hoa Kỳ, biến cố 11/5/2004 ở Ma Ní Tây Ban Nha, và cuộc thảm sát ở Beslan Nga Sô vào tháng 9/2004. “Khi đọc lại các bản ghi chép về các cuộc đàm thoại (năm 1993)”, ngài đã viết “Tôi nhận thấy rằng những thể hiện của bạo lực đã được giảm bớt đáng kể” từ thập niên 1970, “tuy nhiên, những tổ chức được gọi là ‘tổ chức khủng bố’ đã tràn lan khắp thế giới, tạo nên một mối đe dọa liên lỉ cho sự sống của hằng triệu triệu con người vô tội. Những cuộc bùng nổ mới bạo loạn này sẽ dẫn chúng ta tới đâu đây?”

Về việc ngài bị ám sát, vị giám đốc văn phòng báo chí này còn cho biết thêm rằng những trang kết được ngài dùng để diễn tả về việc ám sát ngài ngày 13/5/1981 “không phải chỉ là một thứ thêm thắt thuần túy, mặc dù thể thức khác với toàn bộ cuốn sách; chúng có giọng điệu của một con người nói về một kinh nghiệm đã thực sự trải qua. Vị Giáo Hoàng này muốn mở lòng mình ra và cắt nghĩa ngài đã cảm nghiệm và đang cảm nghiệm thấy sự dữ đó ra sao”.

Vị giám đốc văn phòng báo chí tòa thánh còn nói: “Đức Giáo Hoàng tin rằng Ali Agca không hành động một cách tình cờ”. Theo vị giám đốc này thì ở lời kết, “tư ụkhi ở trong tù được nói chuyện với Đức Giáo Hoàng, người ta thấy Ali Agca đã hoàn toàn bị ám ảnh ra sao với mầu nhiệm Fatima. Ở chỗ, anh ta không thể nào hiểu được có một cái gì đó đáng lẽ anh ta phải làm chủ về phương diện kỹ thuật trong cuộc tấn công Giáo Hoàng lại không xẩy ra như dự định. Ali Agca chỉ quan tâm tới những vấn đề về kỹ thuật mà thôi chứ không phải những vấn đề về luân lý”. Vị giám đốc này tiết lộ cho biết là kẻ ám sát này “không hề xin Đức Giáo Hoàng thứ tha”.

ĐHY Ratzinger đã cho biết Đức Giáo Hoàng đã nói về Agca như là “nạn nhân của một thứ lý lẽ lỏng lẻo bất toàn xét về mọi khía cạnh. Anh ta là một người Hồi giáo, và có lẽ cũng vì thế mà anh ta đã rơi vào một cơn lốc sợ hãi làm cho anh ta không bao giờ thoát khỏi, vì anh ta tiếp tục tin rằng anh ta là một phần của điềm báo trong phần bí mật Fatima thứ ba. Thế nhưng, ngoài những suy đoán này ra, Agca đã không bao giờ tự hỏi mình về những gì anh ta làm, sự kiện rõ ràng về cuộc ám sát vị Giáo Hoàng này chưa hề làm cho anh ta cảm thấy phiền hà gì hết. Anh ta chỉ quan tâm có một điều duy nhất thực sự đó là anh ta đã bị hụt mất mục tiêu”.

Được các ký giả hỏi về việc có nhận được những bức thư của tay ám sát ĐTC hay chăng, ĐHY Ratzinger cho biết rằng ngài đã nhận được các bức thư của Mehmet Ali Agca:

“Anh ta cũng đã viết thư cho tôi mà nói rằng: ‘Xin nói cho tôi mầu nhiệm Fatima này là gì’. Ali Agca tin rằng nơi mầu nhiệm này anh ta sẽ tìm thấy câu giải đáp về kỹ thuật cho một mầu nhiệm không thể nào hiểu nổi, đó là cái lý do tại sao cuộc tấn công ĐGH không thành. Thế nhưng, như ai cũng đã quá biết, cái liên hệ duy nhất giữa Agca với Fatima là ngày 13/5, và những gì anh ta suy nghĩ chỉ hạn hẹp ở mức độ này thôi”.

Vào ngày 15/2, tức sau khi Nữ Tu Lucia, thụ khải Fatima cuối cùng qua đời, anh ta đã gửi cho một tờ nhật báo một bản văn mang tựa đề “Bức Thư Ngỏ với Vatican”. Trong bản văn này, anh ta bày tỏ niềm cảm thông với việc qua đời của vị nữ tu này, và nhấn mạnh rằng bí mật Fatima có liên quan đến ngày tận thế, và yêu cầu Vatican vạch mặt tên Phản Kitô (Quỉ Vương).

Vị giám đốc văn phòng báo chí tòa thánh, sau buổi ra mắt tác phẩm của ĐTC, đã cho các phóng viên truyền hình biết nhận định của mình về anh ta như sau: “Chúng là những cơn mê sảng, một thứ ám ảnh đã từng đeo đuổi Ali Agca nhiều năm trời”.

Trong lời kết của cuốn sách, ĐGH đã nhận định về giây phút bị ám sát như sau: “Tất cả đều là chứng tỏ ân sủng thần linh: Agca đã biết bắn ra sao và chắc chắn anh ta bắn phải chết. Dường như có ai đã làm lệch đi viên đạn được bắn tới”.

Cuốn sách này cũng bao gồm cả cuộc nói chuyện giữa Đức Giáo Hoàng và vị thư ký riêng của ngài là ĐTGM Stanislaw Dziwisz về biến cố thê lương ấy. ĐTC viết trong phần cuối sách rằng: “Tôi có cảm giác rằng tôi sẽ sống sót: Tôi cảm thấy đớn đau, tôi đã có lý để lo sợ, nhưng tôi đã có cảm giác tin tưởng lạ lùng này. Tôi nói với Don Stanislaw rằng tôi tha thứ cho kẻ tấn công”.

Phần cuối sách này cũng đề cập tới chứng từ về việc Đức Gioan Phaolô II viếng thăm Ali Agca trong tù vào dịp Giáng Sinh 1983: “Ali Agca, như mọi người nói, là một tay sát thủ lành nghề. Điều này có nghĩa là cuộc tấn công không phải do anh ta khởi xướng mà là một ai đó âm mưu, một ai đó truyền khiến.

Trong suốt cuộc gặp gỡ này rõ ràng là Ali Agca cứ tiếp tục ngẫm nghĩ tại sao cuộc tấn công lại có thể bất thành được chứ. Có lẽ Ali Agca trực giác thấy rằng, ngoài quyền lực của mình, ngoài khả năng bắn hạ, còn có một quyền lực cao tay hơn thế nữa. Để rồi anh ta bắt đầu tìm kiếm quyền năng này. Tôi hy vọng rằng anh ta đã tìm thấy quyền năng ấy”.

Về biến cố diệt chủng Do Thái, để đáp lại những lời tố cáo kết tội Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II về những gì ngài viết trong cuốn sách thứ năm này liên quan đến việc dường như ngài coi cuộc diệt chủng Do Thái hồi Thế Chiến Thứ Hai ngang với nạn phá thai hiện nay, ĐHY Ratzinger, tổng trưởng thánh bộ tín lý đức tin cho biết:

“ĐGH nhắc lại khuynh hướng liên lỉ của con người và nói với chúng ta rằng chúng ta không được lây nhiễm bất cứ điều gì liên quan đến việc hủy diệt mạng sống con người; tuy nhiên, việc đồng hóa vấn đề diệt chủng Do Thái với việc phá thai là những gì xa lạ với tác phẩm này cũng như với ý nghĩ của ĐTC”.

Vị giám đốc văn phòng báo chí tòa thánh cũng bác bỏ sự kiện có những qui chiếu về việc diệt chủng Do Thái trong cuốn sách của ĐTC: “Đức Giáo Hoàng không muốn so sánh các thể chế sự dữ; điều ngài muốn làm đó là nêu lên cho thấy các căn nguyên cội rễ của sự dữ về luân lý. Nếu con người ta có thể quyết định những gì là tốt và những gì là xấu thì họ có thể quyết định hủy diệt cả một nhóm người, như đã xẩy ra trong quá khứ cũng như vẫn còn có thể xẩy ra”.

Vị giám đốc này khẳng định là việc so sánh vấn đề phá thai với việc diệt chủng Do Thái “là một sai lầm không hề có trong tác phẩm này. Đức Giáo Hoàng suy nghĩ về những lý do gây ra sự dữ chứ không so sánh những trường hợp sự dữ. Luật lệ được thiết lập bởi con người, bởi các quốc hội và bởi bất cứ một cơ cấu lập pháp nào khác, không thể trái nghịch với luật tự nhiên, tức là với Luật đời đời của Thiên Chúa”.

ĐTC đã suy nghĩ về “việc loại diệt đi cả hằng triệu triệu những người con nam nữ Do Thái”, khi viết rằng “chỉ cần nghĩ về biến cố này thôi, rất gần gũi về thời gian, để thấy rõ rằng luật lệ do con người ấn định có những giới hạn thực sự, những giới hạn không thể vượt quá”.

“Vào lúc mở màn cho một tân thế kỷ và tân kỷ nguyên”, ĐTC mời gọi thành phần độc giả “hãy tự vấn về một số chọn lựa lập pháp được quyết định nơi các quốc hội của các thể chế dân chủ hiện nay”, nhất là những chọn lựa đưa đến vấn đề phá thai.

“Những quốc hội chuẩn nhận và ban hành những thứ luật lệ như thế cần phải biết rằng họ đang vượt quá quyền hạn của mình và đặt mình vào trường hợp công khai xung khắc với lề luật của Thiên Chúa cũng như với những luật lệ tự nhiên”.

 

“Phát Triển Nhanh”
Tông Thư của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II
gửi Thành Phần Hữu Trách Các Ngành Truyền Thông
(TIẾP)


III. Một Đổi Thay về Tâm Thức và Canh Tân về Mục Vụ

7.     Nơi các phương tiện truyền thông Giáo Hội tìm thấy được một sự hỗ trợ quí báu cho việc truyền bá Phúc Âm cùng những giá trị về đạo đức, cho việc cổ võ đối thoại, cho việc hợp tác đại kết và liên tôn, cũng như cho việc bênh vực những nguyên tắc vững chắc bất khả châm chước để xây dựng một xã hội tôn trọng phẩm giá con người và chú trọng đến công ích. Giáo Hội sẵn sàng sử dụng những phương tiện truyền thông này để cung cấp tin tức về mình cũng như để mở rộng biên giới truyền bá phúc âm hóa, giảng dạy giáo lý và huấn luyện, khi coi việc sử dụng này như là một đáp ứng mệnh lệnh của Chúa Kitô: “Các con hãy đi khắp thế gian loan báo phúc âm cho tất cả mọi tạo vật” (Mk 16:15).

Chắc chắn đây không phải là một sứ vụ dễ thực hiện ở vào một thời đại như của chúng ta đây, một thời đại có niềm xác tín rằng thời gian của những gì vững chắc là một quá khứ bất khả vãn hồi. Thật vậy, nhiều người tin rằng nhân loại cần phải biết sống trong một bầu khí thiếu vắng nghĩa lý, nhất thời và thoáng qua (4). Trong bối cảnh này, các phương tiện truyền thông có thể được sử dụng “để loan truyền Phúc Âm hay để biến Phúc Âm thành câm lặng trong lòng người” (5). Điều này trở thành một thách đố trầm trọng đối với thành phần tín hữu, nhất là với những bậc phụ huynh, gia đình cũng như tất cả những ai hữu trách đối với việc huấn luyện trẻ em và giới trẻ. Những cá nhân trong cộng đồng Giáo Hội đặc biệt có thiên khiếu hoạt động nơi ngành truyền thông cần phải được tác động bởi sự thận trọng và khôn ngoan về mục vụ, nhờ đó họ có thể trở thành những chuyên gia có khả năng đối thoại với một thế giới rộng lớn của phương tiện truyền thông đại chúng.

8.     Việc cảm nhận các phương tiện truyền thông không phải chỉ giành riêng cho những ai thông thạo nơi ngành này, mà còn cho toàn thể Cộng Đồng Giáo Hội nữa. Nếu, như đã nhận định, các phương tiện truyền thông chú ý tới những khía cạnh khác nhau của việc bày tỏ đức tin, thì Kitô hữu cần phải để ý tới thứ văn hóa truyền thông họ sống: từ việc Phụng Vụ là việc bày tỏ hoàn toàn nhất và sâu xa nhất của vấn đề thông đạt với Thiên Chúa cũng như với nhau, đến việc giảng dạy giáo lý, việc giảng dạy giáo lý không thể bỏ qua sự kiện hướng về thành phần bị chìm ngập trong ngôn ngữ và văn hóa ngày nay.

Hiện tượng truyền thông hiện nay thúc bách Giáo Hội hướng tới một thứ kiểm điểm về mục vụ và văn hóa, để đương đầu một cách trọn vẹn với thời đại chúng ta đang sống đây. Trước hết, các Vị Mục Tử cần phải lãnh nhận trách nhiệm này. Cần phải thực hiện mọi sự có thể để Phúc Âm thấm nhuần vào xã hội, tác động con người lắng nghe Phúc Âm và thực hành sứ điệp của Phúc Âm (6). Thành phần tận hiến tu trì thuộc về các hội dòng có đặc sủng về việc sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng có một trách nhiệm đặc biệt về vấn đề này. Được huấn luyện về đạo đức và kỹ thuật liên quan đến mục đích này, những hội dòng ấy “cần phải sẵn sàng ra tay giúp đỡ ở bất cứ nơi nào thích hợp về mục vụ […] hầu bù lại việc sử dụng truyền thông sai trái cũng như để cổ võ những chương trình mang tính chất khá hơn, những nội dung có tính cách tôn trọng lề luật luân lý và phong phú về các giá trị nhân bản và Kitô giáo” (7).

9.     Vì tầm vóc quan trọng của các phương tiện truyền thông như thế mà 15 năm trước đây tôi đã cho rằng thật là thất sách khi để việc sử dụng các phương tiện này cho những sáng kiến cá nhân hay nhóm nhỏ, nên tôi đã đề nghị rằng chúng nhất định cần phải được đưa vào các chương trình mục vụ (8). Các khoa kỹ thuật mới đặc biệt tạo nên những cơ hội hơn nữa hầu vấn đề truyền thông được hiểu như là việc phục vụ cho vấn đề quản trị và tổ chức về mục vụ thuộc các công việc khác nhau của cộng đồng Kitô hữu. Một thí dụ rõ ràng ngày nay đó là làm sao để Mạng Điện Toán Toàn Cầu chẳng những cung cấp các nguồn tín liệu hơn nữa, mà còn làm cho con người quen với việc truyền đạt giao liên (9). Nhiều Kitô hữu đang sử dụng phương tiện này một cách sáng tạo, lợi dụng khả năng của nó để hỗ trợ vào các công việc truyền bá phúc âm hóa và giáo dục, cũng như vào việc truyền thông, quản trị và điều hành nội bộ. Tuy nhiên, song song với Mạng Điện Toán Toàn Cầu này còn có những phương tiện truyền thông mới cũng như những phương tiện truyền thông cổ truyền cũng cần phải được sử dụng nữa. Các tờ nhật san và tuần san, các thứ in ấn đủ loại, và truyền hình cùng truyền thanh Công giáo vẫn còn là những phương tiện rất hữu dụng trong toàn diện các phương tiện truyền thông của Giáo Hội.

Cho dù nội dung được truyền đạt hiển nhiên cần phải được thích ứng với những nhu cầu của các nhóm khác nhau, mục tiêu bao giờ cũng phải là làm cho dân chúng ý thức được chiều kích đạo lý và luân lý của tín liệu (10). Cũng thế, vấn đề quan trọng là làm sao bảo đảm rằng các chuyên gia truyền thông cần được huấn luyện và chăm sóc về mục vụ để đương đầu với những căng thẳng đặc biệt cũng như với những nan giải về đạo lý xuất phát từ hoạt động thường nhật của họ. Thường những con người nam nữ này “thành thức muốn biết và thực hành những gì chính đáng về luân thường đạo lý cũng như luân lý”, và tìm kiếm nơi Giáo Hội sự hướng dẫn và nâng đỡ (11).

Còn Tiếp

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo tài liệu từ

http://www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/apost_letters/documents/hf_jp-ii_apl_20050124_il-rapido-sviluppo_en.html

 

THÁNH THỂ LÀ BÍ TÍCH HIỆP NHẤT CỦA GIÁO HỘI

ĐTCGPII giảng dạy Giáo Lý trong Đại Năm Thánh 2000, bài 29, Thứ Tư 8/11/2000 

1-         “Ôi bí tích của lòng mộ mến! Ôi dấu hiệu của sự hiệp nhất! Ôi mối giây liên kết của đức bác ái!”. Câu Thánh Âu-Quốc-Tinh than lên khi chú giải Phúc Âm Thánh Gioan (In Joannis Evangelium, 26, 13) đã đánh trúng vào đề tài cũng như đã tóm lược những lời Thánh Phaolô ngỏ cùng giáo đoàn Corintô mà chúng ta vừa nghe: “Bởi chỉ có một tấm bánh, chúng ta tuy nhiều song cũng chỉ là một thân thể duy nhất, vì tất cả chúng ta cùng thông phần vào cùng một tấm bánh” (1Cor 10:17). Thánh Thể là bí tích và là nguồn mạch cho sự hiệp nhất của Giáo Hội. Điều này đã được chú trọng từ những thời truyền thống Kitô Giáo bắt đầu, cũng là điều đã được biểu hiệu nơi bánh và rượu. Cuốn Didache, một bản văn được viết ngay từ thuở Kitô Giáo khai mở, đã nói về điều này như sau: “Tấm bánh bẻ ra này, trước hết đã được gieo vãi trên các núi đồi, sau đó được gặt hái để trở thành một thực tại duy nhất thế nào, thì Giáo Hội của Chúa cũng được qui tụ lại từ tận cùng trái đất vào trong vương quốc của Chúa như vậy” (9, 1). 

2.         Vào thế kỷ thứ ba, Thánh Cyprianô, vị Giám Mục ở Căn-Thạc, đã vang vọng lại những lời ấy thế này: “Chính những lễ tế hiến dâng lên Chúa đã làm sáng tỏ sự nhất trí của Kitô hữu, một sự nhất trí được kiên cường bởi một đức bác ái vững chắc và bất khả phân chia. Vì khi Chúa muốn bánh làm nên thân mình Người được hình thành bởi việc nên một của nhiều hạt lúa miến, cũng như khi Người muốn rượu được ép từ nhiều trái nho hòa hợp lại thành máu của Người thế nào, thì Người cũng muốn đàn chiên chúng ta làm nên một khối đông hiệp nhất với nhau như vậy” (Ep. ad Magnum, 6). Tính cách biểu hiệu của Thánh Thể cho mối hiệp nhất nơi Giáo Hội thường được các Giáo Phụ và các nhà thần học Kinh Viện nhắc lại. “Công Đồng Chung Tridentinô đã tóm tắt tín lý này, khi dạy rằng Chúa Cứu Thế đã để lại Thánh Thể cho Giáo Hội của Người ‘như là một biểu hiệu cho sự hiệp nhất của Giáo Hội cũng như cho đức bác ái là những gì Người muốn tất cả mọi Kitô hữu phải hiệp nhất với nhau; chính vì thế, Thánh Thể còn là biểu hiệu cho thân mình duy nhất có Người là đầu này nữa’” (Đức Phaolô VI, Thông Điệp Mầu Nhiệm Đức Tin: Ench. Vat., 2, 424; x. Công Đồng Chung Triđentinô, Sắc Lệnh về Bí Tích Thánh Thể, phần mở đầu và chương hai). Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo đã tóm gọn điều này rất hay: “Những ai lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể thì được hiệp nhất với Chúa Kitô chặt chẽ hơn. Nhờ Bí Tích Thánh Thể, Chúa Kitô hiệp nhất họ lại với tất cả mọi tín hữu để làm nên một thân thể duy nhất là Giáo Hội” (Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo số 1396). 

3.         Khoản tín lý truyền thống này đã được bắt nguồn sâu xa từ trong Kinh Thánh. Thánh Phaolô đã khai triển khoản tín lý này trong đoạn thư đã được trích dẫn từ Thư Thứ Nhất gửi giáo đoàn Côrintô, khi lấy vấn đề koinonia làm đề tài căn bản, tức là đề tài về mối hiệp thông được thiết lập giữa người tín hữu và Chúa Kitô trong Bí Tích Thánh Thể. “Chén ân phúc mà chúng ta chúc tụng không phải là việc thông hiệp (koinonia) vào máu của Chúa Kitô hay sao? Tấm bánh chúng ta bẻ ra không phải là việc thông hiệp (koinonia) vào mình Chúa Kitô hay sao?” (10:16). Mối hiệp thông này, trong Phúc Âm Thánh Gioan, còn được diễn tả xác đáng hơn nữa, như là một mối liên hệ ngoại thường của “cuộc tương giao nội tại”: “họ ở trong Tôi và Tôi ở trong họ”. Thật vậy, Chúa Giêsu đã phán như thế ở hội đường Caphanaum: “Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi thì ở trong Tôi và Tôi ở trong họ” (Jn 6:56).

Trong những lời Chúa Giêsu nói ở Bữa Tiệc Ly thì đó là một đề tài cũng đã được nhấn mạnh qua biểu hiệu của cây nho, ở chỗ, cành nho có xanh tươi và sai trái chỉ khi nào nó được gắn liền với thân nho là nơi tiếp nhựa và trợ sức cho nó (Jn 15:1-7). Bằng không, nó chỉ là một cành khô héo bị ném vào lửa: aut vitis aut ignis “một là cây nho hai là lửa đốt”, Thánh Âu-Quốc-Tinh đã vắn tắt dẫn giải như thế (In Johannis Evangelium, 81, 3). Đến đây, chúng ta thấy được mối hiệp nhất, một mối hiệp thông được hiện thực giữa người tín hữu và Chúa Kitô hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể, căn cứ vào nguyên tắc theo như Thánh Phaolô diễn đạt là: “Những ai ăn uống những của tế lễ ấy là những người thông phần vào bàn thờ” (1Cor 10:18).

4.         Vì kiểu koinonia-hiệp thông “hàng dọc” này làm cho chúng ta nên một với mầu nhiệm thần linh, do đó, nó đồng thời cũng làm phát sinh ra một thứ koinonia-hiệp thông mà chúng ta gọi là theo “hàng ngang”, hay theo giáo hội, theo tình huynh đệ, một kiểu hiệp thông có thể hiệp nhất tất cả những ai thông phần vào cùng một tấm bánh duy nhất” (1Cor 10:17). Bài diễn từ về Thánh Thể mở đường cho việc suy tư quan trọng về giáo hội được Thánh Tông Đồ khai triển ở đoạn 12 của cùng một Bức Thư, khi ngài nói về thân thể của Chúa Kitô theo tính cách duy nhất và đa diện của thân thể này. Lời diễn tả quá quen thuộc của Thánh Luca trong Sách Tông Vụ về Giáo Hội Giêrusalem cũng đã vạch ra cho thấy mối hiệp nhất hay koinonia huynh đệ này, khi ngài liên kết nó với việc bẻ bánh, tức là với việc cử hành Thánh Thể (x Acts 2:42). Mối hiệp thông này được hiện thực nơi thực tại lịch sử cụ thể, ở chỗ “họ tha thiết với giáo huấn của các Tông Đồ cũng như với việc hiệp thông (koinonia), với việc bẻ bánh và các lời cầu nguyện... Tất cả những ai tin tưởng thì tụ họp lại với nhau và để tất cả mọi sự làm của chung” (Acts 2:42-44)

5.         Như thế, ý nghĩa sâu xa của Bí Tích Thánh Thể sẽ bị loại trừ một khi cử hành Thánh Thể mà không chú trọng đến những đòi hỏi của đức bác ái cũng như của sự hiệp thông. Thánh Phaolô tỏ ra nghiêm ngặt với Kitô hữu Côrintô là vì, khi hội họp nhau thì “anh em đã không dùng bữa của Chúa” (1Cor 11:20), gây ra bởi chia rẽ nhau, bất chính và vị kỷ. Trong trường hợp như thế, Thánh Thể không còn là agape nữa, tức không còn là diễn đạt và là nguồn mạch của tình yêu nữa. Và ai thông phần Thánh Thể một cách bất xứng, không sinh hoa kết trái trong tình bác ái huynh đệ, thì người đó “ăn và uống án phạt mình” (1Cor 11:29). “Thật vậy, đời sống Kitô hữu được thể hiện trong việc làm trọn giới răn cao cả nhất, tức là giới răn kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân, mà tình yêu này lại bắt nguồn từ Bí Tích Thánh Thể, thường được gọi là bí tích yêu thương” (Tông Thư Dominicae Cenae, 5). Thánh Thể nhắc nhở, hiện thực và hoàn trọn đức bác ái này.

Vậy chúng ta hãy đáp lại lời kêu gọi của vị Giám Mục tử đạo Ignatiô, người đã khuyến dụ tín hữu Philadelphia ở Tiểu Á về sự hiệp nhất là: “Chỉ có một Vị Giám Mục thế nào thì cũng chỉ có một nhục thể của Chúa Giêsu Kitô, chỉ có một chén duy nhất trong máu của Người, chỉ có một bàn thờ như vậy” (Ep. ad Philadelphenses, 4). Rồi chúng ta hãy cầu cùng Thiên Chúa là Cha bằng lời kinh phụng vụ: “Xin Cha ban cho chúng con, những người được nuôi dưỡng bằng mình và máu của Người, được tràn đầy Thánh Linh của Người, và được trở nên một thân thể, một tinh thần trong Chúa Kitô” (Kinh Nguyện Thánh Thể III).  

(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ Tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 15/11/2000)

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ