GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 3/2005

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho chính quyền ở hết mọi quốc gia luôn biết quan tâm đến những người nghèo, bị bỏ rơi và đàn áp, trong những phương sách chính trị và dự án phát triển của họ”.

 

Ý Truyền Giáo: Xin cho mỗi một Giáo Hội địa phương nhận thức được nhu cầu cần phải huấn luyện những Kitô hữu thánh thiện, nhờ đó có thể đáp ứng các đòi hỏi của việc tân truyền bá phúc âm hóa.  

 

__________________

 NGÀY 12 THỨ BẢY, NGÀY THÁNH MẪU

TRONG NĂM THÁNH THỂ

        

Lucia: Cho Mẹ Được Nhận Biết và Yêu Mến, một Sứ Vụ biến đổi thế giới

Thiếu nhi Fatima Lucia mới 10 tuổi đầu, vì biến cố Mẹ Maria hiện ra ở Fatima, đã phải quằn quại chịu đựng cùng tận đau khổ quá sức người lớn, ở chỗ, em bị cả cha sở, lẫn gia đình cùng ma qủi hùa nhau tấn công em, đến nỗi làm cho em cảm thấy bối rối khủng khiếp, thậm chí em đã nghi ngờ cả vị hiện ra với em, và cho đó là ma quỉ, để rồi, em đã dứt khoát nhất định không tới điểm hẹn hằng tháng như được Bà Đẹp căn dặn nữa, kẻo bị đánh lừa. Thế nhưng, sở dĩ em chịu được cùng tận khổ đau ở vào lứa tuổi thiếu nhi lên 10 này là vì em luôn gắn bó với “Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ”, vì như Mẹ Maria đã an ủi và trấn an em trước vào ngày 13/6/1917 như sau: “Trái Tim Mẹ là nơi con nương náu và là đường đưa con đến với Thiên Chúa”.

Thật vậy, như đã đề cập đến trong phần “Lucia: Thiếu Nhi Fatima dàn trận” trên đây, ba Thiếu Nhi Fatima năm 1917 đều có chung một ơn gọi là trở thành tế vật chịu mọi khổ đau để đền tạ Chúa và cứu các tội nhân. Tuy nhiên, mỗi em lại có một phận vụ riêng: Giaxinta, TNF nhỏ nhất, bị kinh hoàng trước thị kiến hỏa ngục, đã là em thiếu nhi chuyên viên liên lỉ cứu các tội nhân bằng bất cứ giá hy sinh nào. Phanxicô, TNF nam duy nhất, cảm kích trước dung nhan hết sức sầu bi của Mẹ Maria khi Mẹ nói đứng xúc phạm đến Chúa nữa, đã trở thành chuyên viên an ủi Chúa Giêsu Thánh Thể là Đấng được em gọi là “Giêsu Ẩn Thân”. Lucia, TNF lớn nhất, lại thiên về Mẹ Maria, chẳng những đặc biệt sùng kính Mẹ còn làm tông đồ Thánh Mẫu nữa.

Chúng ta hãy nhớ rằng, ở ngay đầu phần thứ hai của Bí Mật Fatima, nghĩa là ngay sau bí mật về thị kiến hỏa ngục về sự thật có các linh hồn tội nhân đáng thương bị sa xuống đó bởi không có ai chịu hy sinh cầu nguyện cho họ, Đức Mẹ đã cho biết cái bí mật hết sức liên quan mật thiết đến bí mật tội nhân hư đi trong hỏa ngục là: “Thiên Chúa muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới. Nếu những gì Mẹ nói với các con đây được thực hiện thì thế giới sẽ có hòa bình và nhiều linh hồn được cứu rỗi”. Căn cứ vào những lời Mẹ Maria tiết lộ trong phần thứ hai của Bí Mật Fatima này, thì cả phần rỗi các linh hồn lẫn hòa bình thế giới đều lệ thuộc vào việc tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria. Và việc tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria ở đây chính là việc nhận biết và yêu mến Mẹ. Đặc biệt nhất là chính “Thiên Chúa muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới”, xin nhớ là “trên thế giới” chứ không phải chỉ trong Giáo Hội hay chỉ ở Bồ Đào Nha thôi. Để rồi, như lịch sử hiển nhiên cho thấy, Thiên Chúa quả thực đã đích thân nhúng tay vào việc thực hiện ý muốn của Ngài, bằng việc làm cho thế giới nói chung nhận biết và yêu mến Mẹ, nơi biến cố Nước Nga trở lại qua vai trò trung gian của Giáo Hội Công giáo. Thế nhưng, để thực hiện việc này, Thiên Chúa đã phải sử dụng một phương tiện trần thế, đó là nữ tu Lucia.

Đúng thế, nếu trong thời gian còn ở Fatima thiếu nhi Fatima đã tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria thế nào, đã luôn tâm niệm “Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ là nơi con nương náu và là đường đưa con đến với Thiên Chúa” thế nào, thì khi dâng mình sống đời tận hiến tu trì từ năm 18 tuổi, nhất là trong thời kỳ chị còn tu ở Dòng Đôrôthêô bên Tây Ban Nha, chưa chuyển sang Dòng Kín Carmêlô ở Bồ Đào Nha năm 1948, chị đã hết sức cố gắng để làm cho Mẹ được nhận biết và yêu mến, hầu chu toàn sứ vụ như được Mẹ Maria cho biết ngày 13/6/1917, một sứ vụ thực sự liên quan đến vận mạng thế giới, đến Nước Nga trở lại, một quốc gia gieo rắc lầm lạc vô thần duy vật và là ngòi đe dọa hòa bình thế giới. Phải, chị Lucia chính là Thiếu Nhi Fatima sứ giả của Mẹ Fatima và cũng là Tông Đồ Thế Giới Fatima đầu tiên trong việc làm cho Mẹ được nhận biết và yêu mến, qua việc góp phần vào dự án của Thiên Chúa muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới. Chị Lucia đã không hết sức nỗ lực là gì trong việc thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria trên thế giới hay sao, khi làm cho Mẹ được nhận biết và yêu mến qua ba trường hợp điển hình sau đây:

Thứ nhất là việc chị vận động để hợp thức hóa lệ giữ 5 Ngày Thứ Bảy Đầu Tháng có ý đền tạ Mẹ, Đấng có một Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội hằng bị những kẻ vong ân bội nghĩa liên lỉ đâm vào bằng những gai tội lộng ngôn và vô ơn của họ, một thói lệ mà Mẹ Maria, vào ngày 10/12/1925, đã hiện ra với chị để xin chị thực hành và phổ biến, và đã được chị trình với giáo quyền địa phương, cuối cùng đã được thẩm quyền địa phương, vào ngày 13/9/1939, tuyên bố công nhận cho phép thực hành việc tôn sùng này.

Thứ hai là việc chị vận động với Đức Giáo Hoàng để thiết lập Lễ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ cho Giáo Hội hoàn vũ để khắp nơi cùng mừng kính như là một lễ chính của Giáo Hội. Trong thư chị viết trình lên Đức Thánh Cha Piô XII ngày 24/10/1940, chị đã kính xin ĐTC điều này và cũng được thực hiện, như văn thư của Thánh Bộ Lễ Nghi ngày 4/5/1944 đã đề cập như sau: “Để ghi nhớ cuộc hiến dâng này, Ngài (ĐTC Piô XII) đã quyết định cho Giáo Hội hoàn vũ mừng lễ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ”. Câu “để ghi nhớ cuộc hiến dâng này” đây Thánh Bộ Lễ Nghi có ý nói đến cuộc hiến dâng loài người lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại do Đức Thánh Cha Piô XII thực hiện ngày 31/10/1942, nhân dịp kỷ niệm ngân khánh 25 năm Biến Cố Fatima.

Thứ ba là việc chị đệ trình lên Đức Thánh Cha Piô XII về ý định và cách thức Thiên Chúa muốn hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, như Mẹ, ở Fatima ngày 13/7/1917 đã ngỏ ý yêu cầu: “Mẹ sẽ trở lại để xin dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ”, và ở Tuy ngày 13/6/1929 đã chỉ cho cách thức hiến dâng: “Đã đến lúc Thiên Chúa muốn Đức Thánh Cha hiệp cùng với tất cả các giám mục trên thế giới hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, Ngài hứa sẽ cứu Nước Nga bằng cách này”. Thế rồi, kể từ ngày 24/10/1940, ngày chị Lucia viết thư trình lên Đức Thánh Cha Piô XII về điều yêu cầu này của Thiên Chúa qua Đức Mẹ, việc hiến dâng vô cùng tế nhị và khó khăn này đã diễn tiến tất cả 5 lần mới thực sự hoàn thành và có công hiệu.

Sở dĩ việc hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội vô cùng tế nhị và khó khăn là vì chẳng những đụng đến Nước Nga mà còn đụng đến đức tin là nền tảng của Giáo Hội Công giáo nữa. Một vị thủ lãnh tối cao của Giáo Hội Công giáo là Đức Giáo Hoàng làm sao có thể dễ dàng đi nghe lời một thiếu nhi và là một nữ tu cho rằng đã được trời cao mạc khải cho biết những gì bí mật và thiết yếu nhưng theo tín lý không buộc phải tin, lại là những gì đụng chạm đến chính trị. Đó là lý do chúng ta có thể thông cảm với các vị Giáo Hoàng về thái độ các vị lưỡng lự không dám làm hay không muốn làm, hoặc làm thì cũng không đúng như cách thức Thiên Chúa muốn là Đức Giáo Hoàng phải hiệp với hàng giáo phẩm trên thế giới nữa mới, và chính vấn đề cả Giáo Hội cùng nhau hiệp dâng này mới là một điều có thể nói, khó hơn hết. Bởi thế, phải mất đến 41 năm mới hoàn thành được những gì Thiên Chúa muốn, nhưng nếu Thiên Chúa không thực sự trực tiếp nhúng tay vào khi tới thời giờ của Ngài thì chắc chắn việc này không bao giờ xẩy ra.

Cuộc hiến dâng cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria lần thứ nhất được xẩy ra vào ngày 31/10/1942, ngày kết thúc Ngân Khánh 25 năm (1917-1942) Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, do Đức Thánh Cha Piô XII thực hiện tại giáo đô Rôma: Lần này không thành, vì chẳng những ĐTC Piô XII không cố ý hiến dâng Nước Nga mà còn không có sự tham phần của hàng giáo phẩm thế giới. Thế nhưng, sở dĩ ĐTC Piô XII hiến dâng thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria vào dịp kỷ niệm ngân khánh 25 năm Biến Cố Fatima này là vì Thiên Chúa đã an bài cho ngài được thụ phong giám mục vào chính ngày giờ Mẹ Maria hiện ra lần đầu tiên ở Fatima 13/5/1917, và ngài đã nhận ra sự trùng hợp nhiệm mầu này. Nhờ việc hiến dâng khởi đầu ấy của ngài, một cuộc hiến dâng liên quan đến Biến Cố Fatima, ở chỗ được thực hiện vào dịp ngân khánh của biến cố Fatima và sau khi chị Lucia đã đệ trình thư cho ngài 2 năm trước đó về vấn đề hiến dâng Nước Nga, dù chưa hợp với những gì Thiên Chúa muốn, cũng mở màn cho những lần hiến dâng sau này. 


Lần thứ hai vào ngày 7/7/1952 đã diễn ra vào ngày lễ kính hai thánh tông đồ của sắc dân Slavs, trong đó có Nga và Balan, là thánh Cyrilô và Mêthôđiô, cũng do Đức Thánh Cha Piô XII thực hiện tại Giáo Đô Rôma. Lần này ĐTC Piô XII quả thực đã có ý hiến dâng Nước Nga một cách khéo léo cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, nhưng ngài không hiệp dâng cùng với hàng giáo phẩm hoàn vũ, do đó, Nước Nga vẫn tiếp tục gieo rắc lầm lạc khắp nơi trên thế giới mỗi ngày một nguy ngập hơn.

Lần thứ ba vào ngày 21/11/1964, ngày công bố Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium Ánh Sáng Muôn dân, trước hơn 2000 Giám Mục Nghị Phụ tham dự Công Đồng Chung Vaticanô II, ĐTC Phaolô VI đã xưng tụng Mẹ Maria là Mẹ Giáo Hội và đã hiến dâng toàn thể loài người cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ. Lần này dù có hàng giáo phẩm Công giáo bấy giờ, nhưng các vị không được thông báo và chính ĐTC Phaolô VI cũng không có ý hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ.

Lần thứ bốn vào ngày 13/5/1982, ngày kỷ niệm đúng một năm bị ám sát hụt, Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã đến tận Fatima để tạ ơn Đức Mẹ và chính thức hiến dâng Nước Nga như Mẹ muốn. Thế nhưng, lần này các vị giám mục trên thế giới chưa kịp hiệp dâng, vì chưa nhận được thư thông báo của ĐTC GPII. Đó là lý do, ngay từ ngày Lễ Mẹ Vô Nhiễm 8/12/1983, ngài đã gửi thư thông báo cho các giám mục trên thế giới, trong đó ngài nhắc đến ngày hiến dâng và kèm theo cả bản kinh hiến dâng, để ngài và các vị cùng nhau thực hiện việc hiến dâng khẩn thiết này. Thiên Chúa, một lần nữa, ngoài sự kiện Ngài khiến biến cố Fatima xẩy ra trùng ngày giờ với việc thụ phong giám mục của ĐTC Piô XII, như được đề cập đến trên đây, đã quả thực nhúng tay vào việc ĐTC GPII bị ám sát, và chỉ sau khi nhận ra mình được cứu thoát một cách lạ lùng khỏi cuộc ám sát này vào chính ngày kỷ niệm Đức Mẹ hiện ra ở Fatima lần đầu tiên, ĐTC GPII mới đọc lại Bí Mật Fatima và ứng nghiệm về thấy hình ảnh một vị giám mục mặc áo trắng bị ám sát ở phần thứ ba của bí mật này, để rồi ngài đã quyết định hiến dâng Nước Nga theo như Thiên Chúa muốn. Đó là lý do Đức Mẹ đã báo trước ở cuối phần thứ hai Bí Mật Fatima: “Cuối cùng, Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ sẽ thắng. Đức Thánh Cha sẽ hiến dâng cho Mẹ…”

Và lần thứ năm đã diễn ra vào ngày 25/3/1984, ngày lễ Đức Mẹ Thụ Thai Ngôi Lời Nhập Thể, ngày kỷ niệm 1950 cho công cuộc cứu thế của Chúa Giêsu và Mẹ Đồng Công Maria, Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II, tại giáo đô Rôma, đã hợp cùng với tất cả các giám mục trên thế giới hiệp dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, một việc hiến dâng đã được chính chị Lucia công nhận là hợp với ý muốn của Thiên Chúa, và ngay vào Tháng 7/1989, trước khi Biến Cố Đông Âu bất ngờ xẩy ra, chị đã báo động rằng “Thiên Chúa sẽ giữ lời của Ngài”. Quả nhiên, mọi sự đã xẩy ra từ Biến Cố Cộng Sản Đông Âu tự động sụp đổ một cách đột biến và bất bạo động cho đến khi Chế Độ Cộng Sản Liên Bang Nga tự động giải thể vào chính ngày Lễ Giáng Sinh 1991, qua việc từ chức của Tổng Thống Gorbachev, vị lãnh đạo Cộng Sản cuối cùng của Nga Sô đã xuất hiện đúng 1 năm sau khi ĐTC GPII cùng hàng giáo phẩm Công giáo hiến dâng thế giới và Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ.
 

Tòa Thánh tại LHQ về Thân Vị Nữ Giới 10 năm sau Hội Nghị Nữ Giới Quốc Tế ở Bắc Kinh 1995

 

Hôm Thứ Hai 7/3/2005, tại Ủy Ban Hội Đồng Kinh Tế và Xã Hội ở LHQ, áp ngày thế giới phụ nữ (được LHQ phát động từ năm 1975), 3/8/2005, vị chủ tịch Giáo Hoàng Học Viện về Các Khoa Xã Hội là bà Mary Ann Glendon đã phát biểu nhận định và chủ trương của Tòa Thánh về Thân Vị của Nữ Giới ngày nay, sau 10 năm Hội Nghị Quốc Tế về Nữ Giới ở Bắc Kinh năm 1995, một hội nghị chính bà cũng đã lãnh đạo phái đoàn đại biểu của Tòa Thánh bấy giờ đến tham dự và đã tỏ ra cương quyết đối đầu với trào lưu nữ giới quá khích đã bị thất bại ở Hội Nghị Quốc Tế về Dân Số ở Cairô năm 1994 trước đó liên quan đến vấn đề pháp chế toàn cầu hóa vấn đề ngừa/phá thai vì quyền lợi của nữ giới. Sau đây là nguyên văn bài diễn từ của bà trong dịp kỷ niệm 10 năm hội nghị quốc tế về nữ giới.

 

Thưa Bà Ủy Ban Trưởng,

 

1.         Trong năm 2005, LHQ sẽ đánh dấu những cuộc kỷ niệm của năm thời điểm lịch sử là những thời điểm được gia đình chư quốc khích lệ và đẩy mạnh việc nữ giới theo đuổi vấn đề công nhận phẩm vị và quyền lợi bình đẳng của họ. Thời điểm đầu tiên và cũng là thời điểm tác hiệu nhất đã xẩy ra cách đây đúng 60 năm. Đó là vào mùa xuân năm 1945, khi các vị thành lập Liên Hiệp Quốc đã làm cho nhiều người phải bàng hoàng ngỡ ngàng khi tuyên bố về việc các vị ấy “tin tưởng vào phẩm vị và giá trị của con người” cũng như “vào các quyền lợi bình đẳng của con người nam nữ”.

 

Bấy giờ không có một quốc gia nào trên thế giới cho thấy nữ giới được hoàn toàn hưởng quyền bình đẳng về xã hội và pháp lý. Bằng việc nâng cao một quan niệm khác nơi Bản Hiến Chương LHQ này, những con người nam nữ nhìn xa trông rộng ấy đã tăng gia tốc cho một tiến trình sớm mang lại những cơ hội chưa từng thấy cho nữ nhân trên thế giới này. Là một tiến trình đã lấy được đà, 4 cuộc hội nghị của LHQ về nữ giới, ở Thành Phố Mễ Tây Cơ, ở Copenhagen, ở Nairobi và ở Bắc Kinh, đã tạo cơ hội vào những giai đoạn chính yếu để thẩm định mức tiến bộ và phác họa những đường hướng mới. Ngày nay, nguyên tắc bình đẳng chính thức được chấp nhận khắp nơi trên thế giới, và đã càng ngày càng mang lại sức sống cho những môi trường xã hội khác nhau.

 

Tuy nhiên, ngay khi chúng ta đang mừng vui trước những thành đạt lớn lao ấy thì nữ giới lại đang đối diện với những thách đố mới. Vì chính những năm cho thấy những tiến bộ lớn lao cho nhiều người phụ nữ lại là những năm mang lại những hình thức nghèo khổ mới cho nhiều người nữ khác, cùng với những đe dọa mới cho sự sống và phẩm giá của con người.

 

2.         Việc nhắc nhở nghiệt ngã về cuộc hành trình của nữ giới vẫn còn xa vời tiến bước ấy là sự kiện ¾ dân số nghèo khổ trên thế giới ngày nay là nữ giới và trẻ em. Ở thế giới đang phát triển thì có cả hằng trăm triệu người phụ nữ và trẻ em thiếu thích đáng trong vấn đề dinh dưỡng, điều kiện vệ sinh và việc chăm sóc sức khỏe tối thiểu. Và ngay cả trong các xã hội thịnh vượng đi nữa thì những gương mặt nghèo khổ phần đông vẫn là gương mặt của nữ giới và trẻ em, vì, như Bản Tuyên Cáo Bắc Kinh đã nhận định, có một mối tương liên mạnh mẽ giữa tình trạng đổ vỡ gia đình và việc phụ nữ hóa trong vấn đề nghèo khổ. Những giá phải trả cho tình trạng gia tăng nhanh chóng vấn đề ly dị và vấn đề làm phụ huynh đơn độc đều do nữ giới gò lưng gánh vác, và nhất là đối với những người phụ nữ đã từng hy sinh bản thân để chăm sóc cho con cái cũng như cho các phần tử khác trong gia đình.

 

3.         10 năm trước đây, Bản Tuyên Cáo Bắc Kinh đã công nhận là “yếu tố đưa nữ giới và giá đình của họ thoát khỏi cảnh nghèo khổ đó là vấn đề giáo dục”. Tòa Thánh, với cuộc dấn thân lâu dài trong việc giáo dục nữ giới và các nữ nhi, bởi thế quan tâm nhận định rằng những thứ cải tiến tiên khởi này vốn là những gì trì chậm, với những em nữ nhi vẫn làm nên đa số của hơn 100 triệu trẻ em thuộc tuổi sơ cấp vẫn chưa được ghi danh ở học đường (A World Fit for Children," Report of Second World Summit for Children, paragraph 38 [2002]). Cho đến khi thiết lập được những điều kiện cho hết mọi em nữ nhi phát triển tất cả khả năng con người của mình, thì chẳng những tình trạng tiến bộ của nữ giới bị trở ngại, mà nhân loại cũng bị hụt hẫng mất một trong những nguồn lợi lớn lao nhất chưa được khai thác về tri thức và sáng tạo.

 

4.         Ngoài ra, nhìn về phía trước, chúng ta thấy một bóng tối mới đã buông xuống trên bước đường của nữ giới, bởi cái cấu trúc thay đổi về tuổi tác nơi dân số trên thế giới. Việc bao gồm vấn đề sống lâu hơn, giảm số sinh xuất, tăng giá việc chăm sóc sức khỏe, và thiếu người chăm sóc đang gây ra những căng thẳng giữa thế hệ trẻ và thế hệ già. Việc xoay vần nơi những tỉ số lệ thuộc ấy đang làm phát hiện những vấn đề trầm trọng về tình trạng phúc hạnh sau này của thành phần già yếu, nhất là của thành phần nữ giới vốn sống lâu hơn, đang hiện lên một cách bất quân bình nơi thành phần lão thành cần nương tựa và càng có thể bị nghèo khổ. Trong một thế giới từng coi thường một cách nguy hiểm đối với vấn đề bảo vệ sự sống con người ở vào giai đoạn mềm yếu ban đầu và cuối cùng của nó thì thành phần phụ nữ lớn tuổi có thể đặc biệt sẽ gặp phải nguy cơ.

 

5.         Nơi Bản Tuyên Bố Cuối Cùng ở Hội Nghị Bắc Kinh, Tòa Thánh đã bày tỏ nỗi lo âu là các phần trong những văn kiện của Hội Nghị Bắc Kinh liên quan đến tình trạng nữ giới sống nghèo khổ vẫn còn là những lời hứa hẹn rỗng tuyếch, trừ phi được hỗ trợ bởi những chương trình chín chắc cùng những dấn thân về tài chính. Ngày nay, với tình trạng chênh lệch càng gia tăng về sự giầu thịnh và cơ hội, chúng tôi buộc lòng phải nêu lên mối quan tâm ấy một lần nữa. Những gì đã được khám phá thấy mới đây nơi  Dự Phóng Ngàn Năm của LHQ, cũng như những nhận định trực tiếp của trên 300 ngàn cơ quan Công giáo về vấn đề giáo dục, sức khỏe vụ và cứu trợ, phục vụ chính yếu thành phần bị bỏ rơi nhất, xác nhận là các mối lo âu được chúng tôi bày tỏ năm 1995 vẫn còn là những gì rất đúng.

 

6.         Thưa Bà Ủy Ban Trưởng, điều làm cho cái khốn khổ trên thế giới nơi thành phần nữ giới bất hạnh nhất trở thành gương mù và thảm trạng đó là sự kiện lần đầu tiên trong lịch sử, nhân loại cuối cùng đã có được phương tiện để chế ngự tình trạng đói khổ và nghèo khổ. Những chương trình hoạt động thiết thực, chẳng hạn như những chương trình được đề ra ở Những Mục Đích Phát Triển Ngàn Năm, đã phác họa những đường lối mà nếu thực hiện có thể cứu trên 500 triệu người khỏi tình trạng cực bần cùng vào năm 2015. Thế nhưng vấn đề biến chuyển tiến đến mục tiêu ấy đã tụt xuống dưới cả các mục tiêu được ấn định. Rõ ràng là các mục tiêu cùng với những dự án hoạt động vẫn là những gì chưa đủ. Điều cần thiết, như mới đây được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vạch ra, đó là “một cuộc vận động rộng lớn về luân lý nơi quần chúng…. Nhất là nơi những xứ sở đang hoan hưởng một tiêu chuẩn sống đầy đủ hay thậm chí dồi dào” (Address to the Diplomatic Corps, January 2005, No. 6).

 

Thưa Bà Trưởng Ủy Ban, theo chiều hướng ấy, Tòa Thánh muốn lợi dụng cơ hội này để tái xác nhận những việc dấn thân lâu đời của mình cho vấn đề giáo dục và sức khỏe của nữ giới và các em nữ nhi, và hứa tắng bội nỗ lực của mình để đánh động lương tâm của thành phần may mắn.

 

7.         Sau hết, Thưa Bà Trưởng Ủy Ban, vì cuộc hành trình của nữ giới đang tiến tới, chúng tôi muốn nêu lên một vấn đề khác vẫn chưa có một xã hội nào tìm thấy được giải đáp thỏa đáng. Việc áp dụng nguyên tắc bình đẳng vào những hoàn cảnh cuộc sống thực tế của đa số phụ nữ, những bà mẹ và những người coi trọng vai trò chăm sóc, vẫn tiếp tục là một thách đố. Vấn đề hòa hợp các ước vọng của nữ giới trong việc được hoàn toàn tham phần vào sinh hoạt xã hội và kinh tế với các vai trò của họ trong sinh hoạt gia đình là một vấn đề chính nữ giới hoàn toàn có thể giải quyết được. Thế nhưng, vấn đề sẽ không được giải quyết nếu không có những đổi thay chính yếu, có thể nói là sâu xa, trong xã hội.

 

Trước hết, thành phần lập pháp cần phải chú trọng hơn nữa đến các vấn đề riêng của nữ giới liên quan tới những gì quan trọng đối với họ, hơn là đến những nhóm có khuynh hướng đặc biệt muốn tranh đấu cho nữ giới song lại thường không ôm ấp các thiện ích của nữ giới. Thứ đến, vấn đề chăm sóc, ăn lương hay không, cần phải được tôn trọng xứng đáng như là một trong những hình thức quan trọng nhất của hoạt động nhân bản. Và sau hết, vấn đề làm việc có lương cần phải được ấn định làm sao để nữ giới không cần phải trả cho vấn đề an sinh và thăng tiến của mình bằng giá của những vai trò làm cho cả hằng trăm triệu người trong họ được viên trọn nhất (Thông Điệp "Laborem Exercens," No. 19). Tóm lại, vấn đề sẽ không được giải quyết cho đến khi các thuư giá trị nhân bản được coi trọng hơn các thứ giá trị về kinh tế.

 

Thưa Bà Ủy Ban Trưởng, không ai có thể phủ nhận được rằng những đường lối ấy cần đến những đổi thay sâu xa nơi thái độ cũng như tổ chức (John Paul II, Message to Gertrude Mongella, 5). Thế nhưng, nó chẳng là gì khác ngoài việc biến đổi sâu xa về văn hóa đã được các vị thành lập LHQ viễn kiến 60 năm trước, lúc các vị mạnh mẽ công bố về quyền bình đẳng của nữ giới và nhấn mạnh cũng cương quyết không kém đến việc bảo vệ đời sống gia đình, vai trò làm mẹ và thân phận con cái (U.N. Universal Declaration of Human Rights of 1948, Articles 1, 2, 16 and 25). Nó chính là một cuộc biến đổi sâu xa về văn hóa được các vị viễn kiến khi các vị quyết tâm nâng cao “những tiêu chuẩn sống tốt đẹp hơn với nhiều tự do” cho tất cả mọi con người nữ nam (U.N. Universal Declaration of Human Rights, Preamble). Cho đến nay chúng ta đã từng hướng đến chỗ làm cho viễn ảnh ấy thành hiện thực, thì chẳng lẽ giờ đây chúng ta lại không đủ can đảm để thực hiện viễn ảnh này cho đến cùng hay sao?

 

Xin cám ơn Bà Trưởng Ủy Ban.



Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu được mạng điện tốn tồn cầu Zenit phổ biến ngày 8/3/2005

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ