GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 3/2005

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho chính quyền ở hết mọi quốc gia luôn biết quan tâm đến những người nghèo, bị bỏ rơi và đàn áp, trong những phương sách chính trị và dự án phát triển của họ”.

 

Ý Truyền Giáo: Xin cho mỗi một Giáo Hội địa phương nhận thức được nhu cầu cần phải huấn luyện những Kitô hữu thánh thiện, nhờ đó có thể đáp ứng các đòi hỏi của việc tân truyền bá phúc âm hóa.  

 

__________________

 NGÀY 13 CHÚA NHẬT V MÙA CHAY

TRONG NĂM THÁNH THỂ

        

Ý Thức Mầu Nhiệm Thánh Thể

Cử Hành Thánh Lễ: Một Cách Trọn Vẹn Ý Thức và Chủ Động

Căn cứ vào ý hướng của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, qua những gì Ngài viết trong Thông Điệp “Giáo Hội Sống Bởi Thánh Thể”, ban hành vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh 17/4/2003, cũng như trong Tông Thư “Xin Chúa Ở Với Chúng Con” (xin xem đặc biệt các khoản số 3, 5, 31; 18, 23, 27, 29), ban hành vào ngày Lễ Mẹ Mân Côi 7/10/2004, thì quả thực vị Chủ Chăn Tối Cao của chúng ta đây muốn Mở Năm Thánh Thể (10/10/2004-29/10/2005) với mục đích là để cho chung Giáo Hội và riêng Kitô hữu “Ý Thức Mầu Nhiệm Thánh Thể và Cảm Nghiệm Phụng Vụ Thánh Thể” hơn.

Một cách, có thể nói là hay nhất, để thực hiện và đạt được mục đích của Năm Thánh Thể là “Ý Thức Mầu Nhiệm Thánh Thể và Cảm Nghiệm Phụng Vụ Thánh Thể” hơn, đó là việc Kitô hữu chúng ta làm sao để thực sự Ý Thức và Chủ Động Cử Hành Thánh Lễ một cách trọn vẹn, vì Thánh Lễ bao gồm tất cả Mầu Nhiệm Thánh Thể và Phụng Vụ Thánh Thể, hay nói cách khác, Mầu Nhiệm Thánh Thể được hiện thực và tác hiệu nơi Phụng Vụ Thánh Thể cũng là việc Cử Hành Thánh Lễ.

Đó là lý do nội dung của bài viết dài này xin được đặc biệt bàn về việc Cử Hành Thánh Lễ, ở chỗ, đào sâu vào ý nghĩa của chính cấu trúc Thánh Lễ, cũng như vào cả mối liên hệ chặt chẽ giữa các phần của Thánh Lễ. Tại sao Thánh Lễ được bắt đầu bằng phần thống hối? Tại sao Kitô hữu phạm trọng tội không được Hiệp Lễ song lại được Dâng Lễ là việc cử hành mầu Nhiệm Thánh? Phần phụng vụ Lời Chúa được cử hành trước phần phụng vụ Thánh Thể là để làm gì? Làm sao có thể thấu triệt được ý nghĩa của phần Phụng Vụ Lời Chúa theo Phụng Niên? Tại sao, có những nơi cộng đồng cử hành Thánh Lễ lại đứng suốt phần Phụng Vụ Thánh Thể? Đâu là ý nghĩa nơi tác động phụng vụ bẻ bánh của vị chủ tế trong lúc cộng đồng tham dự cùng nhau đọc lời kinh “Lạy Chiên Thiên Chúa”? Dự lễ mà không Hiệp Lễ có trọn vẹn hay chăng? v.v.

Người viết cảm thấy rằng, có hiểu biết được ý nghĩa sâu xa của Phụng Vụ Thánh Thể hay của việc Cử Hành Thánh Lễ là những gì vô cùng cao cả linh thiêng, được gọi là cực linh, chúng ta thực hiện hằng tuần, có người còn thực hiện hằng ngày, theo ý Giáo Hội, Kitô hữu chúng ta mới có thể cử hành hay tham dự Phụng Vụ Thánh Thể một cách “ý thức và chủ động một cách trọn vẹn”, theo ý hướng canh tân phụng vụ của Công Đồng Chung Vaticanô II (xem Hiến Chế Phụng Vụ Thánh, khoản số 14).

Và nhờ “ý thức và chủ động một cách trọn vẹn” này nơi Kitô hữu trong việc Cử Hành Phụng Vụ Thánh Thể, mà Mầu Nhiệm Thánh Thể, hay Chúa Giêsu Thánh Thể, như thân nho thông truyền nhựa sống thần linh cho cành nho của mình thế nào, mới thấm nhuần vào tâm hồn Kitô hữu, làm cho đời sống Cảm Nghiệm Phụng Vụ Thánh Thể của Kitô hữu trổ sinh muôn vàn hoa trái là các chứng từ về Người như vậy (xem Jn 15:4-5). Thánh Thể quả thực, đúng như Công Đồng Chung Vaticanô II ý thức, chẳng những là tột đỉnh mà còn là nguồn mạch của đời sống Kitô hữu (xem Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội Ánh Sáng Muôn Dân, 11; Hiến Chế Tín Lý Phụng Vụ Thánh, 10).

Trong Tông Thư "Mediator Dei" về Phụng Vụ Thánh, ban hành ngày 20/11/1947, Đức Thánh Cha Piô XII cũng đã huấn dụ và kêu gọi Kitô hữu Sống Phụng Vụ Thánh Thể theo chiều hướng cành nho với cây nho như sau:

• "Để việc tín hữu dâng Tế Vật thần linh trong Hiến Lễ lên Cha trên trời được phát sinh trọn vẹn công hiệu, họ cần phải làm thêm một việc nữa, đó là việc họ phải hiến dâng chính bản thân mình làm thí vật" (đoạn 98).

• "Vì nhắc nhớ lại những mầu nhiệm về Đức Giêsu Kitô, do đó, Phụng Vụ thánh nỗ lực làm sao cho tất cả mọi tín hữu dự phần vào những mầu nhiệm này, để Đầu thần linh của Nhiệm Thể có thể sống tràn đầy thánh thiện của mình trong tất cả mọi chi thể. Chớ gì linh hồn của Kitô hữu nên như bàn thờ, nhờ đó, từng giai đoạn khác nhau của Hiến Lễ được Vị Thượng Tế hiến dâng, được tái diễn thực sự..." (đoạn 152)

• "Bởi thế, Năm Phụng Vụ, được Giáo Hội chú trọng chăm sóc và gắn bó, không phải là một tiêu biểu của những biến cố đã qua, lạnh ngắt và vô hồn, hay là một sao chép trống rỗng và tầm thường về thời vãng lai. Trái lại, Năm Phụng Vụ là Chính Đức Kitô hằng sống nơi Giáo Hội của Người. Ở nơi đây, Người tiếp tục cuộc hành trình của tình thương vô biên mà Người đã bắt đầu từ cuộc đời trần thế của mình, qua việc làm phúc, với ý định là làm cho con người nhận biết và sống những mầu nhiệm của Người... Nhờ Người gợi hứng và trợ giúp, cùng với ý chí hợp tác của mình, chúng ta có thể nhận lãnh ở nơi Người một nguồn sức sống, như những cành cây đối với thân cây và như những phần thể đối với đầu não' như thế, từ từ nỗ lực, chúng ta có thể biến đổi chính mình 'thành tầm vóc trọn vẹn của Đức Kitô'" (đoạn 165).
 

(còn tiếp)

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

Nhận Định của vị Đại Diện Tòa Thánh ngay trước khi tham dự Hội Nghị “Bắc Kinh 10 Năm Sau”

Sau đây là cuộc phỏng vấn của mạng điện toán toàn cầu Zenit ngày 7/3/2005 với nữ giáo sư luật đại học Harvard là Mary Ann Glendon, đương kim chủ tịch Giáo Hoàng Học Viện về Các Khoa Xã Hội, vị cũng đã từng dẫn đầu phái đoàn đại biểu của Tòa Thánh tham dự Hội Nghị Quôác Tế về Nữ Giới ở Bắc Kinh 10 năm trước. Nữ giáo sư này đã trả lời những câu phỏng vấn trước khi bà trình bày nhận định và chủ trương của Tòa Thánh về nữ giới ngày nay với Ủy Ban Hội Đồng Kinh Tế và Xã Hội ở LHQ

Vấn:     Bà sẽ trình bày những gì với Khóa Họp 49 hôm nay?

 

Đáp:    Điều tôi sắp trình bày đây là để đáp lại vấn đề được tiểu ban của nữ giới này đặt ra ở LHQ với thành phần tham dự viên. Mục đích của chúng tôi là kiểm điểm lại những gì đã phát triển từ Hội Nghị Bắc Kinh năm 1995.

 

Bởi vậy, Tòa Thánh sẽ lợi dụng dịp tham gia này để kêu gọi chú trọng tới những thách đố mới từng xẩy ra trong 10 năm qua, những hình thức nghèo khổ mới cũng như những đe dọa mới đối với phẩm vị của con người…

 

Tôi sẽ lập lại những mối quan tâm được chúng tôi bày tỏ về lãnh vực đó 10 năm trước đây khi Đức Thánh Cha bảo chúng tôi làm một điều duy nhất ở Bắc Kinh. Ngài nói là hãy cố gắng là tiếng nói cho những ai tiếng của hiếm được nghe thấy ở những chính trường quyền lực.

 

Tôi cần phải nói thêm rằng Tòa Thánh đứng ở một vị thế đặc thù để đề cập tới những điểm ấy thay cho trên 300 ngàn cơ quan giáo dục, sức khỏe và cứu trợ Công giáo chỉ biết phục vụ thành phần nghèo nhất trên thế giới. Giáo Hội là chứng nhân hằng ngày về nỗi khốn khổ của những người di dân, tụ nạn, những nạn nhân của xung khắc cũng như những ai thiếu việc dinh dưỡng hay điều kiện vệ sinh tối thiểu.

 

Chúng tôi sẽ kêu gọi thực hiện một cuộc biển đổi về văn hóa. Việc chăm sóc, khi được tôn trọng, là một trong những hình thức quan trọng nhất của hoạt động con người (cũng như) việc tái cấu trúc thế giới hoạt động ở chỗ tình trạng an sinh và tiến thân của nữ giới không phải được đánh đổi bằng sự sống gia đình.

 

Vấn:     10 năm sau hội nghị Bắc Kinh, thân phận của nữ giới trên thế giới đã được thay đổi đến đâu; tức là đã có những bước tiến hay thoái?

 

Đáp:    Đây là một bức tranh hỗn độn. Ở nhiều phần đất trên thế giới, nữ giới đã đạt được những tiến bộ vững vàng nơi lãnh vực học vấn và công ăn việc làm, mặc dù hình ảnh về công ăn việc làm không phấn khởi lắm ở trường hợp của thành phần nữ giới có con cái. 

 

Nơi một số lãnh vực thì thân phận của nữ giới bị thoái hóa. Thảm nhất là sự kiện 3 phần 4 “thành phần nghào” trên thế giới gồm phụ nữ và trẻ em. Điều này cũng xẩy ran gay cả ở những xã hội thịnh vượng nữa, nơi mà cái giá phải trả cho vấn đề ly dị và làm cha mẹ đơn độc đổ xuống trên vai người phụ nữ.

 

Ngoài ra, tình trạng nghèo khổ và đổ vỡ gia đình liên hệ tới những thứ bệnh hoạn khác như tình trạng bạo động trong nước và việc buôn chuyển tình dục.


Vấn:     Ở cuộc hội nghị lịch sử Bắc Kinh đã có một số điểm va chạm giữa Tòa Thánh và Liên Hiệp Quốc, nhất là về những vấn đề sức khỏe và “quyền” sản sinh, vấn đề bình đẳng giống tính và vấn đề giáo dục tính dục cho trẻ em. Từ đó một số trong các vấn đề này đã được mang ra bàn luận ở một số cuộc họp ở LHQ. Vậy hiện nay chúng ta đã bàn luận tới đâu về các vấn đề ấy?

 

Đáp:    Như ở Bắc Kinh, Tòa Thánh trong tuần vừa rồi đã làm sáng tỏ là những văn kiện họp hành này không tạo nên được những thứ nhân quyền quốc tế mới, và bất cứ nỗ lực nào muốn làm như thế đều vượt ra ngoài giới hạn của thẩm quyền hội nghị.

 

Những nỗ lực ấy cần phải có để ngăn chặn những nỗ lực muốn “xoay chuyển” ý nghĩa của thứ ngôn từ có vẻ mập mờ trong chính các văn kiện.

 

Cần phải nhớ rằng những cuộc tranh luận quan trọng nhất về các vấn đề này đang diễn ra ở tầm mức quốc gia. Những thứ vận động về dân số và giải phóng tình dục luôn cố gắng căn cứ vào các thứ quyền lợi sản sinh và tình dục ở trong các văn kiện của LHQ, hy vọng làm ảnh hưởng tới ý nghĩ và luật pháp quốc gia.

 

Những nhóm ấy đạt được cao độ về ảnh hưởng của mình trong thập niên 1990. Đó là lý do tại sao có những phần trong các văn kiện ở Bắc Kinh ít sáng tỏ về những mối quan tâm thực sự của nữ giới hơn là những vấn đề nghị sự cần phải làm của các nhóm thuộc theo khuynh hướng khác nhau.


Vấn:     Bà nói sao với những ai tố cáo Giáo Hội có tính cách cổ hủ và mập mờ khi chạm trán với những vấn đề về nữ giới?

 

Đáp:    Những gì rõ ràng là “cổ hủ” ngày nay đó là trào lưu nữ giới của thập niên 1970, với những thái độ tiêu cực về nam giới, hôn nhân và vai trò làm mẹ, cùng với đường hướng phe phái cứng ngắc của trào lưu này về vấn đề phá thai và quyền đồng tính nam nhân.

 

Những gì Giáo Hội quan tâm bao giờ cũng vẫn còn chỗ để cải tiến, thế nhưng khó lòng nghĩ được một tổ chức khác đã từng làm hơn một cách cụ thể để thăng tiến phúc hạnh của nữ giới hơn.

 

Việc dấn thân lâu đời của Giáo Hội cho việc giáo dục nữ giới là những gì quá rõ ràng. Với việc chăm sóc sức khỏe tư riêng cùng những hệ thống giáo dục lớn nhất thế giới, Giáo Hội gấn gũi với những quan tâm hằng ngày của nữ giới; Giáo Hội “đồng hành” (walks the walk) với nữ giới, trong khi những người khác thường chỉ “nói cho có chuyện” (talk the talk).


Vấn:     Theo chiều hướng của ngàn năm thứ ba vừa mới bắt đầu, thì cảm quan Kitô giáo đánh giá “tinh hoa nữ giới” ra sao?

 

Đáp:    Thật là lạ lùng, trào lưu tân nữ giới đang xuất hiện trong những ngày này có nhiều điều giống với quan điểm Công giáo về những con người nam nữ làm việc với nhau một cách bổ khuyết cho nhau để mang lại một thứ văn hóa phò nữ giới và phò gia đình.

 

Một quan tâm chính yếu đối với mức gia tăng số phụ nữ đó là việc thăng tiến về các lãnh vực kinh tế, xã hội và chính trị không được phương hại đến đời sống gia đình.

 

Đó là vấn đề không một xã hội nào đã tìm được giải đáp, và đó là vấn đề “trào lưu nữ giới “cổ” của thập niên 1970 hầu như đã hoàn toàn dửng dưng không màng gì tới.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu được mạng điện tốn tồn cầu Zenit phổ biến ngày 7/3/2005

 

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ