GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 3/2005

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho chính quyền ở hết mọi quốc gia luôn biết quan tâm đến những người nghèo, bị bỏ rơi và đàn áp, trong những phương sách chính trị và dự án phát triển của họ”.

 

Ý Truyền Giáo: Xin cho mỗi một Giáo Hội địa phương nhận thức được nhu cầu cần phải huấn luyện những Kitô hữu thánh thiện, nhờ đó có thể đáp ứng các đòi hỏi của việc tân truyền bá phúc âm hóa.  

 

__________________

 NGÀY 14 THỨ HAI

        

ĐTC GPII đã trở về Vatican và huấn từ Truyền Tin Chúa Nhật V Mùa Chay 13/3/2004 về niềm tri ân việc truyền thông


Sáng Chúa Nhật V Mùa Chay 13/3/2005, vị giám đốc văn phòng báo chí tòa thánh đã loan báo rằng: “ĐTC, theo các vị bác sĩ chăm sóc cho ngài, chiều nay sẽ trở về Vatican và dưỡng bệnh ở đó”.


Thật vậy, trên chiếc xe minivan từ nhà thương về Vatican, qua một cánh cửa hé mở, ĐTC, sau 18 ngày (từ 24/2) được điều trị bệnh thông khí quản, đã vẫy tay chào hàng ngàn người Rôma và khách hành hương đứng dọc hai bên đường từ nhà thương về Vatican.


ĐTC đã xuất hiện ở cửa sổ bệnh viện vào giữa ngày sau buổi nguyện kinh truyền tin ở Vatican như hai tuần trước. Tuy nhiên, khác với hai tuần trước, lần này, ngồi trong ghế, ngài đã nói mấy lời rõ ràng như sau: “Anh chị em thân mến, cám ơn anh chị em đã đến viếng thăm. Chúc anh chị em một Chúa Nhật vui và một tuần lễ tốt đẹp”. Giọng của ngài lần này trong rõ hơn hôm Thứ Sáu khi giọng ngài được Trung Tâm Truyền Hình Vatican thâu băng hình.


Thật vậy, trong cuốn băng hình được Tòa Thánh phổ biến hôm Thứ Sáu 11/3, người ta thấy ĐTC nói bằng tiếng Ý một cách khàn khàn nhưng nghe được là “Va bene, va bene” – “mạnh giỏi, mạnh giỏi” với ĐHY Polycarp Pengo, TGM Dar-ws Sallam, nước Tanzania, khi ngài tiếp vị hồng y này và ĐGM Severine Niwemugizi, chủ tịch hội đồng giám mục của quốc gia Phi Châu này, dịp viếng thăm tòa thánh ngũ niên của các vị. Hai vị đã đồng tế với ĐTC và vị chủ tế là ĐTGM Stanislaw Sziwisz, bí thư của ĐTC. Cuối lễ, vị hồng y đã cho ĐTC biết rằng nhân dân Tanzania cầu nguyện cho ngài. ĐTC đã ban phép lành cuối lễ. Ngài đã trao cho các vị bài huấn từ của ngài được viết bằng tiếng Anh về việc đặc biệt “chăm sóc cho gia đình, chăm sóc cho hàng giáo sĩ cũng như chăm sóc cho công ích của xã hội”. Cuốn băng hình còn cho thấy ĐTC ngồi trong ghế mặc áo lễ tím mầu Mùa Chay nói chuyện với hai vị này.


Còn chính vào Chúa Nhật 13/3, ngài đã chào một nhóm 50 người Balan từ Wadowice Balan đến cùng với ông thị trưởng của họ là Ewa Filipiak để mang đến cho ngài những sản phẩm truyền thống của Balan cùng với một tập hình ảnh về thành phố quê quán của ngài. Ngài cũng chào 400 vị linh mục và chủng sinh dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC). Hôm nay ĐHY Angelo Sodano quốc vụ khanh và vị viện trưởng Đại Học Thánh Tâm là Lorenzo Ornaghi là những vị hỗ trợ ĐTC ở phòng của ngài.


Tại Vatican, như hai Chúa Nhật trước, ĐTGM Leonardo Sandri, phụ tá Văn Phòng Quốc Vụ Khanh đã đọc huấn từ truyền tin của ĐTC ở Quảng Trường Thánh Phêrô và kết thúc bằng phép lành. Sau đây là nguyên văn bài huấn từ của ĐTC:


Anh Chị Em thân mến!


1. Trong những ngày nằm tại bệnh viện Gemelli đây, tôi đặc biệt nhận thấy sự hiện diện và chuyên chú của rất nhiều cơ quan truyền thông. Hôm nay, tôi muốn ngỏ lời cám ơn họ, vì tôi biết rằng họ đang thi hành không phải là thiếu hy sinh một việc phục vụ đáng ghi nhận của mình, nhờ đó, thành phần tín hữu ở khắp mọi nơi trên thế giới có thể cảm thấy tôi gần gũi hơn và nâng đỡ tôi bằng lòng cảm mến và nguyện cầu.


2. Vai trò của truyền thông là một vai trò rất quan trọng trong thời đại truyền thông toàn cầu của chúng ta đây. Trách nhiệm của tất cả những ai hoạt động trong lãnh vực này cũng quan trọng nữa, thành phần được kêu gọi để luôn cung cấp những tín liệu chính xác, luôn tôn trọng phẩm vị con người và chú trọng tới công ích.


Trong Mùa Chay này, một thời điểm mời gọi chúng ta hãy nuôi dưỡng mình dồi dào hơn nữa bằng Lời Chúa, tôi xin nhắc nhở là tinh thần con người cũng có thể được nuôi dưỡng nhờ truyền thanh, truyền hình và điện toán toàn cầu. Tôi xin cám ơn những ai, bằng việc cảm nhận phương tiện truyền thông, dấn thân hoạt động cho những hình thức truyền bá phúc âm hóa mới mẻ này.


3. Sau hết, chúng ta hãy xin Đức Maria Rất Thánh giúp chúng ta sửa soạn sẵn sàng vào Tuần Thánh được bắt đầu ở Chúa Nhật tuần tới. Tôi hy vọng thấy được giới trẻ tham dự ở Quảng Trường Thánh Phêrô việc long trọng cử hành phụng vụ Chúa Nhật Lễ Lá là biến cố hướng chúng ta về Ngày Giới Trẻ Thế Giới được tổ chức ở Cologne Đức quốc.



Các đặc trách viên Thượng Hội Giám Mục Thế Giới 2005


Theo chương trình ấn định thì Thượng Hội Giám Mục Thế Giới Thường Lệ sẽ được cử hành vào tháng 10/2005, chủ đề về Thánh Thể, để kết thúc Năm Thánh Thể (10/10/2004-29/10/2005). Thượng Hội này được bắt đầu từ ngày 2 đến ngày 29/10/2005.


Hôm Thứ Bảy 12/3/2005, Tòa Thánh đã loan báo 3 vị chủ tịch luân phiên nhau cho Thượng Hội Giám Mục Thế Giới lần này là ĐHY Francis Arinze, Tổng Trưởng Thánh Bộ Phượng Tự và Bí Tích, ĐHY Juan Sandoval, TGM Guadalajara, Mễ Tây Cơ, và ĐHY Telesphore Toppo, TGM Ranchi, Ấn Độ, cả ba sẽ thay phiên nhau chủ sự dù có sự hiện diện của ĐTC.


ĐTC cũng chỉ định một số vị phụ trách những đặc vụ cho thượng hội lần này như sau: ĐHY Angelo Scola, giáo chủ Venice là tổng phối trí viên, và ĐTGM Roland Minnerath ở Dijon Pháp quốc là bí thư đặc biệt.


Vị tổng phối trí viên phân tóm những điểm tương đồng nhau từ các lời phát biểu của tham dự viên. Những điểm này sau đó được bàn luận riêng ở những nhóm nhỏ. Vị tổng phối trí viên và vị đặc bí thư thu góp danh sách những đề nghị được các vị nghị phụ bỏ phiếu để ĐTC viết lại thành một tông huấn đúc kết thượng hội và ban hành sau đó (thường một năm sau).


Việc sửa soạn thượng hội này được thực hiện bởi vị tổng thư ký Thượng Hội Giám Mục là ĐTGM Nokola Eterovic ở Croatia, dưới hình thức một văn kiện làm việc.


Tòa Thánh Vatican kêu gọi Bảo vệ Sự Sống của bà Terri Schiavo và cảnh báo “những hậu quả trầm trọng”


ĐGM Elio Sgreccia, chủ tịch Học Viện Về Sự Sống, hôm Thứ Bảy 12/3/2005, trên Đài Phát Thanh Vatican lý do tại sao Tòa Thánh lên tiếng bênh vực bà Schiavo là “trường hợp của bà vượt ra ngoài trường hợp cá nhân vì tính chất làm mẫu của nó và tầm quan trọng được truyền thông thực sự gán cho nó. Việc câm nín trong trường hợp này có thể hiểu được là đồng lõa, với những hậu quả sẽ vượt ra ngoài trường hợp đặc biệt này”.


Vị giám mục này cho biết bà Schiavo không ở trong trạng thái thực vật thực sự, mà là “như ở vào một thứ trạng thái thực vật có tiềm thức, bị giới hạn về nhận thức, một trạng thái có thể được diễn tả như là ‘trạng thái ý thức tối thiểu’.


“Tiếc thay, những khám nghiệm chính thức về y khoa và những thẩm định chuyên môn đã không được thực hiện cho bệnh nhân này để làm sáng tỏ trạng thái thần kinh hệ xác thực của bà. Không được thực hiện một quyết định nào về pháp lý đối với sự sống của con người mà lại không có những thứ thẩm định ấy, và, nếu cần, người ta cũng phải tiến hành việc thực hiện những khám nghiệm đối chiếu bởi một số chuyên gia.


“Căn cứ vào tất cả những gì đáng tin cậy thì bà Schiavo được coi là một con người còn sống, thiếu mất vấn đề nhận thức trọn vẹn, cần phải nhìn nhận, tôn trọng và bênh vuưc các quyền lợi về pháp lý của bà. Việc bỏ đi ống dinh dưỡng vào dạ dày khỏi người này, trong trường hợp như thế, có thể được coi là trực tiếp thực hiện việc triệt sinh an tử”.


ĐGM cũng phân biệt giữa tính cách “bình thường” và “ngoại thường” để bảo tồm sự sống của người nào đó, ĐGM Sgreccia đã nói: “Ống dinh dưỡng ở dạ dày không thể được coi như là một cái gì đó ‘ngoại thường’ hay như là một ‘phương tiện’ trị liệu. Nó là một phần trọn vẹn của phương thức cần có để dinh dưỡng và thủy dưỡng bà Schiavo. Ngăn cản một người có thể được sinh dưỡng và thủy dưỡng là những gì tiêu biểu cho cách thức sát hại con người đó”.


Vị giám mục chủ tịch Học Viện về Sự Sống của Tòa Thánh cảm thấy rằng phận sự của học viện là “xác nhận là một quyết định như thế là những gì phạm đến những quyền lợi của Schiavo như là một con người, do đó, cũng là việc lạm dụng thẩm quyền về pháp lý.


“Nếu quyết định này đã được khẳng định và dẫn bà Terri Schiavo đến cái chết thì nó là những gì tạo nên một quyết định tiên phong về pháp lý và sẽ cho vấn đề triệt sinh an tử thực sự như là một quyền lợi trước các tòa án ở Hiệp Chủng Quốc, với những hậu quả trầm trọng làm cho con người có thể dễ nghĩ đến sự sống còn tự lập nhiều hay ít của nhiều người khác ở xứ sở này hay nơi khác. Vì những lý do này mà chúng tôi coi nó là bất hợp pháp quyết định bỏ đi ống dinh dưỡng ở dạ dày khỏi bà Terri Schiavo”.

 


Khóa Học về Công Giáo cho các vị mục sư Tin Lành


Theo Zenit loan tin hôm Thứ Sáu 11/3/2005 thì có một khóa học mới về Công Giáo được gọi là “Học Hiểu Công Giáo ở Rôma” do Trung Tâm Melantone khởi xướng, một cơ quan Tin Lành nghiên cứu đại kết ở Rôma, cùng với sự hỗ trợ của Giáo Hội Tin Lành Lutherô ở Ý.


Khóa này được mở ra cho 16 mục sư nam nữ của các giáo hội Luthêrô nói tiếng Đức ở Rôma, cho tới hết Thứ Tư tuần tới 16/3/2005, để học hỏi về Giáo Hội Công Giáo cũng như về chính thành phố Rôma cùng với hoạt động như là trung tâm đại kết của thành phố này.


Một trong ba vị giáo sư dạy khóa này là Martin Wallraff ở Đại Học Jena đã cho biết là “Chúng tôi muốn làm cho người ta hiểu rằng Rôma không phải chỉ có Vatican mà còn những địa điểm lịch sử rất quan trọng đối với chúng ta, chẳng hạn như những thứ đào quật của Thánh Phêrô. Rôma không phải chỉ là trung tâm thế giới của Công giáo mà còn là nơi huấn luyện về thần học và hoạt động đại kết chung”.


Thành phần tham dự khóa sẽ thăm một số phân bộ của Vatican, bao gồm Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin và Hội Đồng Tòa Thánh Cổ Võ Hiệp Nhất Kitô Giáo.


Các vị mục sư sẽ tham dự một cuộc họp với Cha Albert Schmidt dòng Biển Đức, viện trưởng Học Viện Quốc Tế Thánh Anselmô, để tìm hiểu việc huấn luyện về thần học ở một tổ chức tòa thánh. Ngoài ra, các học viên còn được viếng thăm đan viên Công giáo theo lễ nghi Byzantine ở Grottaferrata để tìm hiểu phụng vụ Đông phương, “nhờ đó”, vị giáo sư cho biết, “chúng tôi sẽ tiếp xúc với một thực tại quan trọng của Công giáo để thấy rằng không phải chỉ có lễ nghi Rôma mà thôi”.


Vị giáo sư trên nói tiếp: “Ở Đức, thần học được học ở các phân khoa của quốc gia; bởi thế, nó là một cơ cấu rất khó”.


Khóa học đặc biệt này, ngoài vị giáo sư ấy, còn có giáo sư Walter Schopsdau từ Viện Đại Kết ở Bensheim và Jochen Rexer ở Rôma.



Khoa Học Gia có nhãn quan tôn giáo được tưởng thưởng Giải Templeton


Vị giáo sư hồi hưu của Đại Học Berkeley ở California và hiện là phần tử của Giáo Hoàng Học Viện Các Khoa Học là ông Charles Townes, một khao học gia đã sáng chế những thứ như maser và laser cũng là khoa học gia đã nỗ lực trong mấy thập niên để vận động cho cuộc qui hợp giữa khoa học và tôn giáo, đã đoạt Giải Templeton 2005.


Nhà khoa học gia này đã sáng chế ra maser, một bộ phận làm khuyếch đại các làn sóng điện từ, và sau đó đã cùng sáng chế ra laser để khuyếch đại và điều khiển các làn sóng quang tử thành những tia trực song.


Giải này giá trị trên 1.5 Mỹ kim. Vị đoạt giải năm nay cũng đã đoạt giải Nobel 1964 về vật lý. Khi phát biểu trên Đài Phát Thanh Vatican, ông nói rằng khi ông nhận giải Nobel, các khoa học gia phê bình khuynh hướng tôn giáo của ông, thế nhưng, ông nói, giờ đây bầu khí đã được đổi thay và hiện có nhiều sự chú trọng đến “quan niệm về tôn giáo” hơn.


Ông nói thêm “tính chất tôn giáo của tôi là những gì hoàn toàn tự nhiên và tư riêng, và tôi hầu như muốn rằng tính chất tôn giáo của tôi ấy không được biết đến, thế nhưng có người lại yêu cầu tôi nói về nó chỉ vì ít khoa học gia đến nhà thờ”.


Người thành lập giải Templeton vào năm 1972 là thiện tâm gia Sir John Templeton, một giải tưởng thưởng cho sự tiến bộ về việc nghiên cứu hay khám phá về các thực tại tâm linh.

 

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ