GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 3/2005

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho chính quyền ở hết mọi quốc gia luôn biết quan tâm đến những người nghèo, bị bỏ rơi và đàn áp, trong những phương sách chính trị và dự án phát triển của họ”.

 

Ý Truyền Giáo: Xin cho mỗi một Giáo Hội địa phương nhận thức được nhu cầu cần phải huấn luyện những Kitô hữu thánh thiện, nhờ đó có thể đáp ứng các đòi hỏi của việc tân truyền bá phúc âm hóa.  

 

__________________

 NGÀY 15 THỨ BA

        

ĐTC GPII gửi sứ điệp cho các linh mục: những ai mắc tội trọng không được rước lễ


Hôm Thứ Bảy 12/3/2005, Tòa Thánh đã phổ biến một sứ điệp của ĐTC GPII gửi cho ĐHY James F. Stafford, đặc trách tòa ân xá của Tòa Thánh, thành phần cộng tác viên của tòa ân xá này, cho các cha giải tội ở các đền thờ Rôma cũng như cho các vị linh mục trẻ tham dự một khóa học hằng năm tuần vừa rồi về “cuộc diễn đàn nội bộ” – những vấn đề của lương tâm, được tòa Ân Xá của Tòa Thánh tổ chức.


ĐTC đã gửi một bức thư ký ngày 8/3/2005 tại Bệnh Viện Đa Khoa Gemelli về mối liên hệ giữa bí tích giải tội và Thánh Thể. Trong bức thư này, ĐTC viết:


“Chúng ta đang sống trong một xã hội thường dường như mất đi cảm quan về Thiên Chúa cũng như về tội lỗi. Bởi thế, trong môi trường này, việc Chúa Kitô mời gọi hoán cải lại càng khẩn trương hơn nữa, một lời mời gọi bao gồm việc ý thức xưng tội lỗi của mình kèm theo lời xin thứ tha và cứu độ.


“Trong việc thi hành thừa tác vụ của mình, vị linh mục biết rằng ngài đang hành động ‘nhân danh Chúa Kitô và theo tác động của Thánh Linh’, nên ngài phải nuôi dưỡng cảm thức của Chúa Kitô nơi nội tâm của mình, gia tăng nơi bản thân đức ái của Chúa Kitô là vị sư phụ và là mục tử, vị y sĩ cả hồn lẫn xác, vị linh hướng, vị thẩm phán công minh và nhân hậu.


“Theo truyền thống của Giáo Hội thì việc hòa giải theo bí tích bao giờ cũng phải được coi là gắn liền với bữa tiệc bí tích Thánh Thể, một tưởng niệm đến ơn cứu chuộc của chúng ta. Trong năm đặc biệt về mầu nhiệm Thánh Thể này, tôi thấy thích hợp hơn bao giờ hết để một lần nữa nhắc nhở anh em chú trọng tới mối liên hệ sống còn này giữa hai bí tích ấy.


“Các cộng đồng Kitô hữu tiên khởi đã cảm thấy cần phải dọn mình, bằng một đời sống tác hành xứng đáng, để cử hành việc bẻ bánh Thánh Thể là ‘Việc Hiệp Thông’ mình máu Chúa và là ‘việc hiệp thông – koinonia’ với các tín hữu làm nên một thân thể, khi họ được dưỡng nuôi cùng một thân thể Chúa Kitô.


Bởi thế, “’Ai ăn bánh hay uống chén của Chúa một cách bất xứng sẽ mắc tội tục hóa đến mình máu Chúa’” (1Cor 11:27).


“Trong nghi thức Thánh Lễ cò nhiều yếu tố nhấn mạnh đến nhu cầu khẩn trương của việc thanh tẩy và hoán cải này: từ tác động thống hối ban đầu đến những lời nguyện xin tha thứ; từ cử chỉ ban bình an đến những lời cầu nguyện được vị linh mục và tín hữu đọc trước khi Hiệp Lễ. Chỉ có ai thành tâm thấy rằng mình đã không phạm trọng tội mới được lãnh nhận mình Chúa Kitô”.


Sau khi kêu gọi việc cử hành mầu nhiệm Thánh Thể “bằng một con tim tinh tuyền và một tình yêu chân thành”, ĐTC đã kết luận như sau: “Anh em hãy giảng dạy một cách rõ ràng và dễ hiểu tín lý xác thực liên quan đến nhu cầu của Bí Tích hòa giải để hiệp lễ, khi tín hữu biết được rằng họ không còn ở trong tình trạng có ơn nghĩa Chúa. Đồng thời an hem hãy khích lệ tín hữu hãy lãnh nhận mình máu Chúa Kitô để được thanh tẩy khỏi các tội nhẹ cùng với những thứ bất toàn, hầu việc cử hành Thánh Thể trở thành những gì làm hài lòng Thiên Chúa và liên kết chúng ta với hiến tế của Tế Vật thánh hảo và tinh tuyền bằng một con tim tan nát khiêm cung, tin tưởng và hòa giải. Anh em hãy trở thành những thừa tác viên chuyên chăm cho tất cả mọi tín hữu, bằng cách sẵn sàng ban bí tích Hòa Giải, trờ thành hình ảnh đích thực của Chúa Giêsu thánh hảo và xót thương”.


Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo đã cắt nghĩa sự khác nhau giữa tội trọng và tội nhẹ ở những khoản số 1854 đến 1864.
 


Tòa Thánh kêu gọi hành động để giải quyết tình trạng khủng hoảng tị nạn ở Darfur


Thật là mỉa mai: có một số đệ nhất cường quốc trên thế giới công khai tuyên bố những lời lẽ chủ trương phát động tự do và nhân quyền ở các nơi trên thế giới mà lại chỉ nhào vô những nơi có dầu hỏa, như đang gay go diễn ra ở Trung Đông (Kuwait, Iraq, Iran v.v.), dù bị thiệt hại mấy đi nữa, kể cả bị mang tiếng xấu hay bị khủng bố, hơn là dấn thân cho những nơi chẳng có lợi lộc gì trái lại còn bị thiệt hại cho đất nước của mình, như ở Phi Châu (Darfur chẳng hạn là nơi cũng đang xẩy ra những thứ đàn áp và bạo loạn hết sức thê thảm đầy những chết chóc), nơi hầu như chỉ thấy có các vị thừa sai Công giáo và các cơ quan từ thiện Công giáo.


Hôm 10/3/2005, Đức ông Fortunatus Nwachukwu, vị cố vấn khâm sứ Quan Sát Viên Thường Trực của Tòa Thành tại LHQ ở Geneve, trong cuộc họp thứ 32 (4 ngày từ 8/3/2005) của Tiểu Ban Đặc Biệt Cao Ủy Liên Hiệp Quốc Về Tị Nạn UNHCR ( U.N. High Commissioner Refugees), đã đại diện Tòa Thánh lên tiếng kêu gọi ra tay hành động cứu trợ tình trạng khủng hoảng tị nạn ở Darfur Sudan, với những ý tưởng chính yếu tiêu biểu sau đây:


“Tình trạng tị nạn ở Phi Châu”, vị quan sát viên của Tòa Thánh cố ý nói đến thành phần tị năn ở Darfur nước Sudan, “vẫn là một vế sẹo lớn trên gia đình nhân loại khắp nơi. Điều kiện bấp bênh và thảm thương của hằng triệu triệu người này đã buộc họ phải rời bỏ làng nước quê quán của họ là những gì kêu gọi phải có những quyết định cụ thể và cấp thời hầu làm giảm bớt nỗi đau thương của họ và bảo vệ các quyền lợi của họ”.


Vị đại diện Tòa Thánh nhận định là “có những dấu hiệu tích cực trong năm qua khi việc hồi hương tự nguyện có tổ chức của các người tị nạn đã bắt đầu thực hiện để bình thường hóa cho cả hằng chục ngàn người”. Tuy nhiên, vẫn chưa “đủ ngân quĩ” và “trở nên tồi bại hơn về tình trạng bạo loạn và việc đối xử tàn tệ với thành phần di tản ở Darfur, nơi tình hình nhân đạo đang bị nguy ngập. Những cuộc tấn công có tổ chức vào các thành phần dân sự, việc hủy diệt các hạ tầng cơ sở và tất cả các làng mạc cùng diệt trừ súc vật lẫn hoa mầu là những gì khiến cho dân chúng càng phải sống trong cảnh di tản”.


“Nếu ai đó may mắn được tị nạn ở vùng bên kia biên giới trong một trại tị nạn ở Chad thì mới được bảo vệ và tương đối an toàn… Thành phần thanh tra quân đội thuộc Khối Liên Hiệp Phi Châu vẫn không đủ số người và thiếu hụt việc được nâng đỡ về hậu cần”.


Vị quan sát viên này kết luận là không kể đến “sự hiện diện can trường và hỗ trợ của UNHCR, của các cơ quan LHQ và nhiều cơ quan Không Thuộc Các Chính Phủ NGO (Non-Goverments Organizations), … rất cần phải thực hiện một vai trò lãnh đạo LHQ mạnh mẽ và việc điều hợp chung của một cơ quan duy nhất trong việc trợ giúp ở ngoài nước cũng như trong việc bảo vệ những trại của các người di tản trong nước IDP (internally displaced persons) cùng những nơi tập trung khác của họ…. Là một cộng đồng quốc tế, chúng ta cần phải phác họa một tổ chức đáng kể để hữu hiệu bảo vệ những ai đang sống trong xứ sở của họ nhưng di tản khỏi nhà cửa của họ”.

 

 

Đạo Diễn kiêm Diễn Viên Phim “Cuộc Khổ Nạn Chúa Kitô” với vụ triệt sinh an tử Terri Schiavo


Đạo diễn kiêm diễn viên Mel Gibson đã gọi điện thoại cho ba của chị Terri Schiavo là ông Bob Schindler, phấn khích ông “đừng bao giờ nản mà hãy tiếp tục cầu nguyện”.


Sau khi gọi điện thoại, hôm Thứ Sáu, 11/3/2005, vị đạo diễn này đã gửi một viễn phóng ảnh thư cho Hội Terri Schindler-Schiavo với một lời phát biểu được đọc ở một cuộc xuống đường tranh đấu cho người đàn bà bị hư não bộ có người chống đang tranh đấu để ngưng việc dinh dưỡng bằng ống đi.


Theo Hệ Thống Truyền Thông Kitô hữu, lời phát biểu của vị đạo diễn kiêm diễn viên này là: “Tôi hoàn toàn ủng hộ nỗ lực của ông bà Schindler trong việc cứu lấy người con gái Terri Schiavo của ông bà khỏi bị bỏ đói một cách ác độc. Ông chống của chị Terri phải ký nhượng việc chăm sóc người vợ của mình cho cha mẹ của chị để chị có thể được chăm sóc một cách xứng hợp”.


Ông bố của chị Terri Schiavo là Bob Schindler đã nói rằng: “Chúng tôi rất biết ơn ông Gibson đã tiến hành việc phổ biến một lời phát biểu khích lệ như thế về một vấn đề tế nhị như vậy… Ông nói rằng chúng ta không bao giờ được thối chí mà hãy tiếp tục nguyện cầu, hãy lay động Thiên Chúa bằng những lời nguyện cầu và hãy cứ quấy rầy Ngài”.

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ