GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 3/2005

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho chính quyền ở hết mọi quốc gia luôn biết quan tâm đến những người nghèo, bị bỏ rơi và đàn áp, trong những phương sách chính trị và dự án phát triển của họ”.

 

Ý Truyền Giáo: Xin cho mỗi một Giáo Hội địa phương nhận thức được nhu cầu cần phải huấn luyện những Kitô hữu thánh thiện, nhờ đó có thể đáp ứng các đòi hỏi của việc tân truyền bá phúc âm hóa.  

 

__________________

 NGÀY 17 THỨ NĂM, NGÀY THÁNH THỂ

TRONG NĂM THÁNH THỂ

        

ĐTC GPII ban phép lành thay buổi triều kiến chung hằng tuần, Bức Thư Gửi Linh Mục và sửa soạn Ngày Giới Trẻ

Vì còn đang trong thời kỳ dưỡng bệnh tại gia, ĐTC GPII đã không thể tiếp tục buổi triều kiến chung hằng tuần vào ngày Thứ Tư như thường lệ. Loạt bài giáo lý về việc cầu nguyện bằng Thánh Vịnh của Ngài tới bài 131 vào ngày 26/1/2005 về Thánh Vịnh 114 liên quan đến giá trị của việc cầu nguyện trong cơn thất vọng, bài Thánh Vịnh được Giáo Hội chọn đọc cho Giờ Kinh Tối Thứ Sáu tuần thứ hai. Theo tiến trình chia sẻ giáo lý về Thánh Vịnh này, loạt bài đã được ngài hứa thực hiện trong Tông Thư Mở Màn Cho Một Tân Thiên Niên Kỷ kết thúc Năm Thánh 2000 và đã được ngài bắt đầu từ ngày 28/3/2001, thì cần phải mất cả gần năm trời nữa mới chấm dứt.

Sáng nay, trước 11 giờ 30 một chút, ĐTC đã xuất hiện ở cửa sổ phòng của ngài, ngồi trong ghế bành, và ban phép lành mấy lần cho giáo lữ cả ngàn người, dù đã được báo là không có buổi triều kiến chung hôm nay, đang tụ họp dưới Quảng Trường Thánh Phêrô, hầu hết là phái đoàn Balan, một phái đoàn đã cho trẻ em hát những bài hát Balan trong khi chờ đợi ĐTC xuất hiện, và họ đã vỗ tay khi vừa thấy ngài xuất hiện. Hình ảnh của ngài hôm nay đã được phản chiếu trên hai đại màn ảnh ở Quảng Trường này.

Trong giáo triều của mình, ĐTC GPII đã chưa bỏ một năm nào mà không gửi Thư Cho Các Linh Mục vào mỗi Thứ Năm Tuần Thánh, kể từ khi lên ngôi Giáo Hoàng, tức vào Thứ Năm Tuần Thánh 8/4/1979, sau bức thông điệp đầu tiên của ngài “Redemptoris Hominis” được ban hành ngày Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Chay 4/3/1979. Đặc biệt vào Thứ Năm Tuần Thánh 17/4/2003, ngài đã ban hành Thông Điệp “Giáo Hội Sống Bởi Thánh Thể”, và Thứ Năm Tuần Thánh ngày 23/3 Năm Thánh 2000, ngài đã gửi cho các vị linh mục một bức thư từ Nhà Tiệc Ly ở Giêrusalem. Năm 2005 này, bức thư của ngài gửi cho các vị linh mục sẽ được phổ biến vào ngày Thứ Sáu 18/3, ngay trước Tuần Thánh, tại phòng báo chí của tòa thánh, vào lúc 11 giờ 30 sáng, với sự chủ tọa của ĐHY Dario Castrillon Hoyos, TGM Csaba Ternyak, và Đức Ông Giovanni Carru, là những vị tổng trưởng và phó thư ký đương nhiệm của Thánh Bộ Giáo Sĩ.

Thứ Năm 17/3/2005, theo truyền thống tổ chức Ngày Giới Trẻ Thế Giới ở Rôma từ năm 1985, (ở Rôma bao giờ cũng được tổ chức vào Ngày Chúa Nhật Lễ Lá, dù năm ấy có được tổ choc chung ở một quốc gia nào đó, như năm 2005 này tại Cologne Đức quốc), việc sửa soạn được bắt đầu từ ngày Thứ Năm trước Chúa Nhật Lễ Lá, với việc suy tư và nguyện cầu về chủ đề được ĐTC chọn kèm theo sứ điệp ngài gửi cả năm trước. Từ năm 1985, ĐTC GPII, vị khởi xướng Ngày Giới Trẻ Thế Giới, nhân dịp Liên Hiệp Quốc chọn năm 1985 làm năm giới trẻ thế giới. Từ đó, cách hai năm một lần, các quốc gia trên thế giới đã thay nhau tổ chức Ngày Giới Trẻ Thế Giới, và ĐTC GPII đã không bỏ mất một dịp nào mà không đến với giới trẻ ở các nước ấy. Năm 2005 này, để sửa soạn, 15 ngàn giới trẻ hầu hết thuộc giáo phận Rôma sẽ qui tụ lại ở Đền Thờ Thánh Gioan Lateranô dưới sự chủ tọa của ĐHY Camillo Runi, tổng đại diện của giáo phận này thay ĐTC GPII, Giám Mục Rôma. Chương trình gồm có phần giáo lý về Thánh Thể, được chia sẻ bởi một đan sĩ người Pháp là Daniel Ange, và là vị sáng lập phong trào “Jeunesse luniere”. Ngoài ra cũng có ca hát và chia sẻ chứng từ. Kết thúc là sứ điệp của ĐTC gửi thành phần tham dự viên.



Các Vị Giám Mục Á Căn Đình: Phá thai là một hình thức của tân chế độ thực dân.

Ủy Ban Thường Trực của hội đồng giám mục Á Căn Đình cảnh báo là việc phát động vấn đề phá thai, một phương sách công khai phản lại bản Hiến Pháp của đất nước này, là một hình thức tân chế độ thực dân. Các đức giám mục của xứ sở này đã kêu gọi các nhà lập pháp hãy loại trừ Bản Công Ước về Việc Loại Trừ Tất Cả Mọi Hình Thức Kỳ Thị Phụ Nữ (CEDAW: Convention on the Elimination of All Forms of Discrimination against Women) là những gì sắp sửa được bỏ phiếu ở Chamber of Deputies.

CEDAW là văn kiện được Tổng Hội Đồng LHQ chấp thuận vào năm 1979, thường được coi như là một đạo luật quốc tế về các quyền hạn của nữ giới, nó bao gồm lời dẫn nhập và 30 điều khoản.

Điều gây nên cuộc tranh luận không phải là nội dung mô mẫu của nó với lời lẽ phát biểu là tất cả “mọi con người sinh ra đều có tự do và bình đẳng về phẩm giá và quyền lợi”, thế nhưng, sự hiện diện của Tiểu Ban 23 quốc gia CEDAW, một tiểu ban mới đây tuyên bồ rằng nó thiên về “việc phá thai an toàn”, đề nghị việc hợp pháp hóa vấn đề phá thai và phát động trong các bệnh viện.

Bản công báo của hội đồng giám mục, được phổ biến hôm Thứ Ba 16/3/2005 với tựa đề “Chúng Ta Hãy Luôn Dấn Thân Cho Sự Sống”, nhấn mạnh rằng “việc bênh vực các quyền lợi căn bản của con người phải là mối quan tâm của tất cả mọi người công dân.

“Quan tâm thứ nhất đó là chính quyền sống, một thứ quyền cần phải bảo về từ khi được thụ thai cho tới khi tự nhiên qua đi. Là người công dân và là Kitô hữu, chúng ta buộc phải làm chứng cho chân lý này.

“Luật của Á Căn Đình, một thứ luật ấn định những điều hướng dẫn căn bản cho việc sống chung nơi thành phần công dân, nêu lên một cách rõ ràng những nền tảng của việc bênh vực sự sống và coi việc phá thai là một tội ác.

Nhận định về lập luận để đưa tới vấn đề hợp thức hóa việc phá thai, các vị giám mục Á Căn Đình nói rằng chúng “phản ảnh những tính chất của một thứ tân chế độ thực dân được một số tổ chức quốc tế cố gắng áp đặt lên xứ sở của chúng ta cũng như lên toàn thể Mỹ Châu Latinh.


“Chúng ta không thể nào không nhắc lại ‘Bản Tường Trình Kissinger’ nổi tiếng, một bản tường trình vào thập niên 1970 đã cảnh báo về ‘những hậu quả của tình trạng tăng phát dân số thế giới đối với vấn đề an ninh của Hiệp Chủng Quốc cũng như những lợi lộc hải ngoại của nó’.

“Ngoài ra, việc chúng ta dấn thân cho các thứ quyền lợi của nữ giới không thể nào lại lệ thuộc vào những thứ thỏa thuận và khuyến khích là nỗ lực bảo vệ việc thực hiện vấn đề phá thai được coi như là một dịch vụ cho quần chúng.

“Đó là lý do chúng ta đặc biệt xin các nhà lập luật của chúng ta hãy chú ý tới vấn đề nguy hiểm của việc lệ thuộc về văn hóa là những gì được bao gồm trong cuộc phê chuẩn sắp xẩy ra trong Nghị Định Giải Pháp CEDAW.

“Chúng tôi xin tất cả mọi người đừng để mình bị đánh lừa bởi những lập luận và những thứ thống kê chưa hề được kiểm chứng là những gì hỗ trợ cho các chiều hướng phá thai. Việc sát hại theo xui khiến không thể nào lại là cách thức để giải quyết vấn đề của chúng ta. Chúng ta hãy bênh vực sự sống, chúng ta hãy chăm sóc cho sự sống, chúng ta hãy luôn dấn thân cho sự sống”.


 

CỬ HÀNH THÁNH LỄ: Ý THỨC MẦU NHIỆM THÁNH THỂ

Thật vậy, qua việc Cử Hành Thánh Lễ, Mầu Nhiệm Thánh Thể hiện thực tất cả bản chất của mình là một Hiện Diện Thực Sự, là một Hy Tế Thập Giá, là một Sự Sống Hiệp Thông và là một Bảo Chứng Cánh Chung. Trong Tông Thư về Năm Thánh Thể “Xin Chúa ở với chúng con”, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói đến các chiều kích này của Mầu Nhiệm Thánh Thể ở khoản số 3 như sau:

• “Nhờ Thánh Thể, Chúa Kitô hiện thực trong thời gian mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Người. Nơi Thánh Thể, bản thân Người đã được lãnh nhận như là “bánh sự sống từ trời xuống” (Jn 6:51), và cùng với Người chúng ta nhận được bảo chứng sự sống đời đời cũng như được tiên hưởng bữa tiệc vĩnh hằng của Gia Liêm thiên quốc”.

1) Thánh Thể là Hiện Diện Thực Sự nơi việc Cử Hành Thánh Lễ

Trong Thông Điệp Giáo Hội Sống Bởi Thánh Thể, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã xác tín Thánh Thể là một Hiện Diện Thực Sự ở khoản số 15 như sau:

• “Việc tái hiện thực một cách bí tích hiến tế của Chúa Kitô, một hiến tế được hiển vinh bởi cuộc phục sinh, nơi Thánh Lễ chất chứa một thứ hiện diện đặc biệt nhất như lời Đức Phaolô VI nói ‘được gọi là ‘có thực’, không phải kiểu loại trừ tất cả mọi kiểu hiện diện khác như những kiểu hiện diện ấy ‘không có thực’, song bởi đây là kiểu hiện diện trọn nghĩa nhất, một hiện diện chính yếu nhờ đó Chúa Kitô, Vị Thiên Chúa Làm Người, hiện diện một cách trọn vẹn và hoàn toàn’ (Encyclical Letter Mysterium Fidei [3 September 1965]: AAS 57 [1965], 764). Điều này là điều lập lại giáo huấn bền vững của Công Đồng Chung Triđentinô, đó là ‘việc thánh hiến bánh và rượu làm biến đổi tất cả bản thể bánh thành bản thể thân mình của Đức Kitô Chúa chúng ta, và tất cả bản thể rượu thành bản thể máu của Người. Giáo Hội Công Giáo thánh thiện đã gọi việc biến đổi này một cách xác đáng và xứng hợp là việc biến thể’ (Session XIII, Decretum de ss. Eucharistia, Chapter 4: DS 1642)”.

Đúng thế, trong Thánh Lễ, ngay sau lời truyền phép của vị chủ tế trên bánh và rượu, thì việc biến thể xẩy ra, biến bản thể bánh trở nên Mình Thánh Chúa Giêsu và biến bản thể rượu trở nên Máu Thánh Chúa Giêsu. Bởi vì, nếu bản thể của tất cả mọi sự ở cái “là” của nó thì sau lời truyền phép của chủ tế, cái “là” bánh thực sự không còn “là” bánh nữa (ngoài hình thức bánh), mà “là Mình Thày” và cái “là” rượu không còn “là” rượu nữa (ngoài hình thức rượu), mà “là Máu Thày”.

Sở dĩ việc biến thể này có thể xẩy ra một cách mầu nhiệm trước con mắt đức tin Kitô Giáo nói chung và Giáo Hội Công Giáo nói riêng là vì quyền năng của chính lời truyền phép, một lời truyền phép lập lại nguyên văn lời Chúa Kitô lập phép Thánh Thể xưa trong Bữa Tiệc Ly, “những lời là thần linh và là sự sống” (Jn 6:63), “những lời sự sống trường sinh” (Jn 6:68). Đúng thế, sở dĩ lời của Chúa Giêsu có thần lực toàn năng biến thể được bánh và rượu thành Mình Thánh và Máu Thánh của Người là vì lời của Người đầy Thánh Thần Thiên Chúa, Đấng được vị chủ tế, trong Kinh Nguyện Thánh Thể II, III và IV, ngay trước khi truyền phép kêu cầu ngự đến “thánh hóa những lễ vật này, để trở nên cho chúng tôi Mình vá Máu Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng tôi”.

Thật vậy, Thánh Thần Thiên Chúa là Tác Nhân trong Mầu Nhiệm Nhập Thể của “Lời hóa thành nhục thể” (Jn 1:14) thế nào (x Lk 1:35; Mt 1:20), đồng thời cũng là Tác Nhân trong Mầu Nhiệm Phục Sinh của Đấng Tử Giá ra sao (x Rm 8:11), những mầu nhiệm đã thực sự xẩy ra trên thế giới này hơn 2000 năm trước đây, những mầu nhiệm đã trở thành hiện thực với một Nhân Vật Lịch Sử mang tên Giêsu Nazarét được sinh ra ở Bêlem và tử nạn ở Giêrusalem, thì Ngài cũng là Tác Nhân trong Mầu Nhiệm Thánh Thể là mầu nhiệm kéo dài Biến Cố Nhập Thể và Phục Sinh này.

Thế nhưng, để việc Hiện Diện Thực Sự của Chúa Giêsu Thánh Thể cực linh có thể xẩy ra, phụng vụ của Giáo Hội cần phải thực hiện những gì thiết yếu, như được Giáo Hội, qua Thánh Bộ Phượng Tự và Bí Tích tái xác nhận trong Bản Hướng Dẫn “‘Redemptionis Sacramentum’ Về Một Số Vấn Đề Cần Phải Tuân Giữ Hay Tránh Lánh Liên Quan Đến Thánh Thể Cực Linh” (ban hành ngày 23/4/2004), ở Chương 3 sau đây, liên quan đến chất liệu của bánh và rượu, đến kinh nguyện cũng như đến tác động của vị chủ tế trong phần cực trọng nhất của Thánh Lễ này.

• “Bánh được dùng để cử hành Hiến Tế Thánh Thể Cực Linh phải là thứ bánh không men, thuần túy lúa miến, và mới được làm để tránh bị hư hoại (Cf. Code of Canon Law, can. 924.2; Missale Romanum, Institutio Generalis, n. 320). Bởi thế, thứ bánh được làm bởi chất khác, cho dù là bằng hạt giống, hay bị pha trộn với thứ chất khác với lúa miến cho đến độ vốn không được coi là bánh lúa miến, thì không làm nên chất thể hiệu thành cho Hy Tế và Bí Tích Thánh Thể (Cf. S. Congregation for the Discipline of the Sacraments, Instruction, Dominus Salvator noster, 26 March 1929, n. 1: AAS 21 [1929] pp. 631-642, here p. 632). Thật là một lạm dụng trầm trọng trong việc trộn những chất khác, như trái cây, đường hoặc mật ong với bánh để làm thành Thánh Thể. Bánh Thánh cần phải được tỏ tường làm bởi những người chẳng những nổi bật về tính chất liêm chính của họ mà còn tài khéo làm việc này với những dụng cụ thích hợp nữa (Cf. ibidem, n. II: AAS 21 (1929) p. 635)” (khoản số 48).

• “Rượu được sử dụng trong việc cử hành cực linh Hiến Tế Thánh Thể phải là chất tự nhiên, từ trái nho, tinh khiết và nguyên tuyền, không bị pha trộn với các chất khác (Cf. Lk 22,18; Code of Canon Law, can. 924.1, 3; Missale Romanum, Institutio Generalis, n. 322). Trong khi cử hành cần pha một chút nước lã. Hết sức cẩn thận bảo trì rượu được dùng cho việc cử hành Thánh Thể, đừng để bị chua (Cf. Missale Romanum, Institutio Generalis, n. 323). Cấm không được sử dụng loại rượu không rõ về tính chất trung thực hay nguyên tuyền của nó, vì Giáo Hội cần bảo đảm những điều kiện cần thiết đối với tính cách hiệu thành của các bí tích. Bất cứ vì lý do nào cũng không được sử dụng những thức uống nào khác, vì chúng không phải là chất thể hiệu thành”. (khoản số 50).

• “Chỉ được sử dụng những Kinh Nguyện Thánh Thể trong Sách Lễ Rôma hay được Tòa Thánh có thẩm quyền chuẩn nhận, theo cách thức và từ ngữ đã được dọn sẵn. ‘Không thể chấp nhận việc có một số Linh Mục cho rằng mình có quyền sáng chế ra những Kinh Nguyện Thánh Thể riêng’ (Pope John Paul II, Apostolic Letter, Vicesimus quintus annus, n. 13, AAS 81 (1989), hay thay đổi bản văn đã được Giáo Hội công nhận, hoặc xen vào những bản văn khác được những cá nhân riêng tư nào đó sáng tác (S. Congregation for the Sacraments and Divine Worship, Instruction, Inaestimabile donum, n. 5: AAS 72 (1980) pp. 335)”. (khoản số 51).

• “Việc công bố Kinh Nguyện Thánh Thể, tự bản chất là tột đỉnh của tất cả cuộc cử hành Thánh Thể, xứng hợp cho Linh Mục theo Chức Thánh của ngài. Bởi thế việc lạm dụng xẩy ra khi để cho một Phó Tế, một thừa tác viên giáo dân, hay bởi một phần tử cá nhân tín hữu, hoặc bởi chung tất cả mọi thành phần tín hữu đọc một số phần của Kinh Nguyện Thánh Thể. Vậy chỉ có Linh Mục mới được toàn quyền đọc Kinh Nguyện Thánh Thể mà thôi (Cf. Pope John Paul II, Encyclical Letter, Ecclesia de Eucharistia, n. 28: AAS 95 [2003] p. 452; Missale Romanum, Institutio Generalis, n. 147; S. Congregation for Divine Worship, Instruction, Liturgicae instaurationes, n. 4: AAS 62 [1970] p. 698; S. Congregation for the Sacraments and Divine Worship, Instruction, Inaestimabile donum, n. 4: AAS 72 [1980] p. 334)”. (khoản số 52).

• “Trong khi vị Linh Mục công bố Kinh Nguyện Thánh Thể thì ‘không đọc một kinh nguyện nào khác hay ca hát, và dương cầm hoặc các nhạc cụ khác đều phải lặng yên’ (Missale Romanum, Institutio Generalis, n. 32), trừ những lời than của cộng đồng đã được xứng hợp cho phép, như đề cập dưới đây”. (khoản số 53).

• “Ở một số nơi xẩy ra việc lạm dụng là vị Linh Mục bẻ bánh thánh vào lúc truyền phép trong Thánh Lễ. Việc lạm dụng này phản với truyền thống của Giáo Hội. Nó cần phải bị bác bỏ và sữa lại liền”. (khoản số 55).
 

(còn tiếp)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ