GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 3/2005

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho chính quyền ở hết mọi quốc gia luôn biết quan tâm đến những người nghèo, bị bỏ rơi và đàn áp, trong những phương sách chính trị và dự án phát triển của họ”.

 

Ý Truyền Giáo: Xin cho mỗi một Giáo Hội địa phương nhận thức được nhu cầu cần phải huấn luyện những Kitô hữu thánh thiện, nhờ đó có thể đáp ứng các đòi hỏi của việc tân truyền bá phúc âm hóa.  

 

__________________

 NGÀY 26 THỨ BẢY TUẦN THÁNH

        

Sứ Điệp Phục Sinh của Thượng Phụ Giêrusalem về Nền Hòa Bình ở Thánh Địa

Đức Thượng Phụ Michel Sabbah, trong sứ điệp được phổ biến hôm Thứ Tư 23/3/2005 đã nhận định rằng: “Những ngày này chúng ta đang trải qua một thời gian tương đối bình lặng và đang chứng kiến thấy một ước ao rõ ràng muốn tiến đền hòa bình”.

Tuy nhiên, vị thượng phụ này vẫn thấy có những trở ngại trong việc chiếm đạt hòa bình ở cả bên Do Thái lẫn Palestine. Bên Do Thái, theo vị thượng phụ này, “lan rộng hơn những nơi định cư thay vì ngăn chặn hay loại bỏ, cuộc công hãm liên tục các thành phố Palestine biến chúng vẫn còn là những thành phố ngục tù, thành phần tù binh chính trị dường như bị quên lãng, chẳng nói gì tới tất cả những vấn đề chính yếu cần phải hành sử trước khi tiến đến hiệp ước cuối cùng.

“Về phía Palestine, những tiếng nói bất hòa dường như đang đe dọa quyết định về việc đòi hỏi quyền lợi mà không sử dụng võ lực. Tình hình an ninh của dân Do Thái là điều ưu tiên, song tình hình an ninh và độc lập của một quốc gia Palestine cũng là vấn đề ưu tiên nữa. Người ta không thể nghĩ điều này mà bỏ điều kia.

“Tự do đối với tất cả mọi người đều phải như nhau, đối với người mạnh cũng như với người yếu. Người mạnh không thể tìm cách, chỉ vì họ khỏe hơn, loại trừ kẻ yếu hay bắt họ lụy phục trái với phẩm giá của con người hay của các quốc gia.

“Sức mạnh có thể áp đặt các sự việc, thế nhưng, nếu làm như thế, phẩm giá của con người sẽ tìm cách trả đũa và vẫn là một mối đe dọa và là một nguồn mạch mất an ninh đối với kẻ mạnh. Đã đến lúc cần phải ý thức rằng không có bên nào có thể sống với giá phải trả của đối phương.

“Hơn nữa, thật là vô dụng trong việc tìm cách thực hiện hòa bình với một miền trước khi giải quyết cái cốt lõi của vấn đề xung khắc, cuộc xung khắc giữa những người Palestine và Do Thái. Việc cố gắng làm hòa với các nước láng giềng sẽ chỉ làm gia tăng trầm trọng tình trạng xung đột ở Thánh Địa mà thôi. Cuộc xung đột này cần phải được giải quyết trước hết vì nền hòa bình khắp vùng này lệ thuộc vào nền hòa bình ở Giêrusalem.

“Chúa Kitô đã thực sự phục sinh. Chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan. Phải, ngay giữa tất cả mọi thử thách hiện tại của chúng ta, chúng ta được kêu gọi để hân hoan và sống một cuộc sống viên trọn”.

 

Tòa Thánh Hoan Hô Những Sự Án Cải Tổ Liên Hiệp Quốc

Hôm Thứ Ba 22/3/2005, ông Tổng Thư Ký LHQ Kofi Annan đã trình bày với Tổng Hội Đồng LHQ một dự án cải tổ rộng lớn, kêu gọi thiết lập một hội đồng về nhân quyền và nới rộng thêm con số các quốc gia được thường trực có chỗ trong Hội Đồng Bảo An LHQ.

Theo vị TTK này thì vấn đề cải tổ LHQ giờ đây là vấn đề ưu tiên đối với ông. Ông nói là ông hy vọng rằng những thay đổi ấy sẽ trang bị cho tổ chức quốc tế này phương tiện hiệu nghiệm để hoàn thành sứ vụ của nó cũng như để phục hồi thế giá đã bị mất đi vì những quyết định thiếu hiệu năng của nó cũng như vì các gương mù cùng những lạm dụng đã ảnh hưởng tới những hoạt động nhân đạo và hòa bình.

Theo Đài Phát Thanh Vatican tường trình hôm Thứ Tư 23/3/2005, thì ĐTGM Celestino Migliore, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc ở Nữu Ước, cho rằng những thay đổi ấy trao cho Tổng Hội Đồng LHQ trách nhiệm nhiều hơn về chính trị, làm cho việc quyết định có tính cách dân chủ hơn, những qui tắc đặc biệt trong việc sử dụng võ lực, và chính sách mới để giải quyết tình trạng nghèo khổ trên thế giới.

Vị đại diện của Tòa Thánh cho biết các dự án của ông TTK LHQ “rất là thực tiễn”: “Cuộc bàn luận đang diễn tiến khả quan. Về phần mình, Tòa Thánh rất ủng hộ về một cuộc cải cách được thực hiện theo qui chuẩn thích đáng, thực sự mang lại tính cách dân chủ hơn nữa cũng như tính cách đại diện của tổ chức này”.

Vị TTK LHQ cũng phác họa một sự đổi thay nơi luật lệ sử dụng võ lực dưới sự bảo hộ của tổ chức quốc tế này. Vị TGM đã nhận định là “những dự án (của ông TTK) là những gì cố gắng để phản ảnh niềm xác tín xuất phát từ trách nhiệm chung của quốc tế trong việc bảo vệ các dân tộc. Trách nhiệm này cần phải được Hội Đồng Bảo An LHQ thực thi, một hội đồng có thẩm quyền can thiệp bằng quân sự như là phương tiện cuối cùng, trong những trường hợp diệt chủng hay những vi phạm trầm trọng khác đến luật lệ về nhân đạo, khi các quốc gia không muốn hay không thể giải quyết chúng”.

Theo vị TGM này thì “vấn đề lớn” do dự án này khơi lên đó là nó có thành công trong việc “cống hiến cho các quyết nghị của LHQ quyền lực hành sự hơn hay chăng. Cần phải có một công thức nào để tất cả mọi quyết nghị đều được tôn trọng đây? Chỉ có thế người ta mới có thể thoáng thấy được hiệu năng của LHQ”.

 

“Tôi không thể lấy đi dưỡng chất bảo trì sự sống khỏi người phụ nữ xinh đẹp có gương mặt rạng ngời trước sự hiện diện của những người khác”

Thứ Sáu Tuần Thánh 25/3/2005, Lễ Mẹ Thai Lời, bố của nữ nạn nhân thảm thiết lên tiếng: “Terri đang kiết sức dần… Cần phải làm một điều gì và cần phải làm nhanh chóng”, vì nữ nạn nhân này đã 8 ngày bị rút ống dinh dưỡng theo phán quyết của thẩm phán Greer. Gia đình nạn nhân, sau khi đã được Quốc Hội Hoa Kỳ và Tổng Thống Bush cho phép khiếu nại ở các tòa án liên bang từ hôm Thứ Hai 21/3/2005, đã bị bác bỏ ở tòa liên bang Tampa bởi thẩm phán James Whittemore (hình bên) hôm Thứ Ba, 22/3, rồi sau đó bị tòa án liên bang ở Atlanta Georgia bác đơn hai lần, một vào Thứ Tư 23/3 và một vào Thứ Năm 24/3, và chiều Thứ Năm, 24/3, gia đình này đã tái nộp đơn lại với thẩm phán Whittemore, vị cũng đã tái bác đơn của họ vào Thứ Sáu 25/3/2005.
 

Trong ngày Thứ Năm 24/3, Thống Đốc Florida Bush đã yêu cầu thẩm phán Greer chuyển quyền giám hộ cho Phân Bộ Trẻ Em và Gia Đình của Tiểu Bang, vì phân bộ này đang điều tra vấn đề lạm dụng trong vụ này, nhưng đã bị thẩm phán ấy bác bỏ. Trước đây, vào ngày 28/2/2005, cha mẹ của nữ nạn nhân này cũng đã xin thẩm phán Greer cho phép con ông bà được ly dị với chồng của cô và chỉ định một giám hộ mới, nhưng vị thẩm phán ấy đã bác bỏ lời yêu cầu. Cha mẹ của cô đã khiếu nại vấn đề này lên Tòa 2nd District tiểu bang ở Lakeland Florida cũng bị tòa này bác bỏ vào ngày 16/3 và phán quyết tiến hành việc gỡ ống dưỡng sinh như đã ấn định vào Thứ Sáu 18/3. Trong chính ngày định mệnh 18/3 này, hội đồng Hạ Viện ban hành một trát hầu tòa đòi chồng của cô cùng với những người khác phải ra điều trần, nhưng đã bị thẩm phán Greer chặn lại. Cũng ngày này, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ cũng đã bác lời khiếu nại khẩn cấp của Hạ Viện yêu cầu các vị thẩm phán can thiệp.
 

Cũng trong ngày Thứ Năm 24/3, thẩm phán Greer đã bác bỏ lời yêu cầu xét lại chứng từ mới về y khoa từ một vị bác sĩ bất đồng ý với việc chẩn bệnh trước đây cho rằng nữ nạn nhân ở vào trạng thái thực vật miên viễn. Đó là lý do cha mẹ của nạn nhân cho biết trong số 23 quyết định của tòa án bác bỏ họ, các vị quan tòa đã không hề xét tới tất cả những dữ kiện, và đó là lý do họ đã đồng ý với anh của nữ nạn nhân cho rằng đã có một “chiến lược sát hại” người con gái của họ.
 

Đúng thế, bác sĩ William Cheshire, chuyên viên thần kinh ở Mayo Clinic-Jacksonville, đã xem xét hồ sơ bệnh lý của Schiavo, xem những cuốn băng hình của cha mẹ nữ nạn nhân, và đã quan sát cô ở dưỡng viện Pinellas Park vào đầu tháng 3, ngoại trừ không được trực tiếp khám nghiệm cho cô mà thôi, đã kết luận là cô ta “hầu như ở trong trạng thái nhận thức tối thiểu nhất”. Vị bác sĩ này cũng là giám đốc của Trung Tâm Về Đạo Lý Sinh Học Và Nhân Phẩm Con Người được thành lập từ năm 1994, đã tuyên bố rằng việc ông xem xét vụ của nữ nạn nhân này cho thấy “mối nghi ngờ trầm trọng” về việc chẩn bệnh hiện nay. Ông cho biết nữ nạn nhân đã tỏ ra có những phản ứng với những kích thích, chẳng hạn như nhạc, những vật có mầu sắc hay sự kiện có người vào phòng. Mặc dù công nhận là một số phản ứng của cô “không rõ ràng”, vị bác sĩ này cũng đã viết rằng: “tôi không thể lấy đi dưỡng chất bảo trì sự sống khỏi người phụ nữ xinh đẹp có gương mặt rạng ngời trước sự hiện diện của những người khác”.
 

Đó là lý do Thống Đốc Bush đã thôi thúc phân bộ Trẻ Em và Gia Đình của tiểu bang Florida tiếp tục nhẩy vào can thiệp nội vụ hôm Thứ Tư bằng cách xin chuyển quyền giám hộ cho phân bộ này. Tuy nhiên, vào cùng ngày Thứ Năm, phân bộ này, chẳng những xin quyền giám hộ mà còn tố cáo cả người chồng có hành động lạm dụng vợ mình, đã bị cả thẩm phán Greer (vào buổi sáng) lẫn Tối Cao Pháp Viện của Tiểu Bang (vào buổi tối) bác bỏ việc yêu cầu của họ. Phân bộ này, trong đơn của mình, đã liệt kê 30 “điều tố giác với các chi tiết về việc lạm dụng, bỏ bê hay khai thác” của ông Michael Schiavo là chồng và là giám hộ của nữ nạn nhân, bao gồm cả việc ông không cung cấp việc trị liệu đầy đủ thích hợp cho vợ của mình. Phân bộ này nói trong đơn của mình là họ có nhiệm vụ phải điều tra vấn đề nên xin tòa cho tái gắn ống dưỡng sinh lại trong thời gian chờ đợi.
 

Thành phần ủng hộ gia đình nạn nhân sẽ giành nguyên ngày Thứ Sáu Tuần Thánh ở tòa nhà Thống Đốc để xin vị thống đốc này cố gắng can thiệp vào nội vụ, cho dù hôm Thứ Năm, ông đã nói ông đã làm hết sức mình mà vẫn không thể qua mặt các quyền lực khác. Ngoài vị thống đốc này, và ngoài Quốc Hội Hoa Kỳ cùng Tổng Thống Hoa Kỳ đã tỏ ra hết mình ủng hộ vụ cứu sống hơn giết chết này, Bộ Công Lý của Hoa Kỳ cũng đã 3 lần nộp cho các tòa án liên bang cùng với cha mẹ của nạn nhân “những văn kiện quan tâm” để ủng hộ cho vụ ấy song cũng không được chấp nhận. Thành phần ủng hộ này cũng tập trung ở bên ngoài dưỡng viện, nơi nạn nhân đang nằm chờ chết, nhưng cũng là nơi lực lượng an ninh đã xiết chặt hơn đề phòng tình trạng bạo động và quá khích, kết quả có một số người đã bị giam giữ vào hôm Thứ Năm và Thứ Sáu.

Mục Sư Patrick Mahoney, Giám Đốc Liên Minh Bênh Vực Kitô Giáo bày tỏ cảm nhận của mình như sau: “Chúng tôi hiển nhiên là rất lấy làm bực tức. Xin nhớ rằng quí vị thấy một người phụ nữ tật nguyền đang bị phủ nhận các quyền lợi theo hiến pháp của mình… Xin hãy ban hành một hoãn lệnh cho Terri được sống, một lệnh hoãn theo ý muốn của Quốc Hội, nhờ đó chúng ta có thể xem xét những thứ vi hiến này”.

 

Trong khi đó, ông Howard Simon thuộc tổ chức Liên Hiệp Tự Do Dân Sự Hoa Kỳ ở Florida (ACLU: American Civil Liberties Union of Florida) cũng đã phát biểu như sau: “Những ước muốn của Terri Schiavo đã được tôn trọng… nếu tòa án phán quyết khác đi thì quốc gia này có thể bước một bước giật lùi khổng lồ trong việc bảo vệ quyền tư riêng và khiến cho việc bảo vệ này khó khăn hơn đối với các gia đình trong việc làm cho những quyết định kết liễu sự sống khó khăn nhưng hết sức riêng tư này không bị các chính trị gia xâm phạm”. 

 

 

Phần người anh của nữ nạn nhân đã cho CNN biết rằng: “Chúng tôi không muốn bỏ cuộc cứu Terri. Em đã không ngơi bỏ cuộc trông đợi ở chúng tôi trong những năm vừa qua, và chúng tôi chắc chắn sẽ không bỏ cuộc cứu em. Những sự việc xẩy ra không quá tốt đẹp hiện nay, thế nhưng bao giờ cũng có một tiếng nói trong lòng bảo rằng một cái gì đó giờ đây có thể xẩy ra bất cứ lúc nào để cứu em tôi thoát khỏi cảnh lộn xộn này”.

 

Tuần lễ này không phải là lần đầu tiên nữ nạn nhân này bị gỡ ống dinh dưỡng ra, bởi trước kia gia đình ba mẹ cố đã tranh đấu tái gắn ống lại cho cô. Đó là lý do gia đình cha mẹ và anh chị của cô vẫn hy vọng, như người chị của cô là Suzanne Vitadamo đã bày tỏ: “Chúng tôi đã nghĩ rằng đã hết hồi kết thúc, nhưng rồi, hãy coi những gì đã xẩy ra. Chúng tôi chỉ hy vọng là Terri có thể going nổi và chúng tôi sẽ tiếp tục nguyện cầu”.

 

Ông anh Bob của nạn nhân còn cho biết là cái phần khốn khó nhất của cuộc thử thách đối với gia đình của anh ta đó là “thấy cha mẹ của tôi gắng gỏi để xin chăm sóc cho đứa con của mình và không được. “Tôi có ý nói cho đến nay đã 15 năm, nhất là trong 13 năm qua, họ chỉ muốn mang đứa con của mình về nhà để chăm sóc cho nó, khiến nó trở lại làm một phần tử trong gia đình, mà họ đã bảo là không được. Đó là một điều mà nhiều người không thể nào hiểu nổi. Vấn đề khốn khó là như thế, chẳng những ở chỗ thấy Terri bị bỏ rơi và bị cho vào xó trong lúc này đây mà còn thấy cha mẹ tôi trải qua cuộc tranh đấu chỉ để được coi sóc cho đứa con của mình thôi”.

 

Được hỏi bao nhiêu năm đã sống không có người em của mình, cô chị Vitadamo nói: “Chúng tôi không thể nào thiếu Terri được. Terri là một phần của bản thân tôi và đời sống tôi, và em sẽ luôn mãi là thế. Tôi không cảm thấy như thể chưa bao giờ thiếu vắng em”.

 

Hai vợ chồng của người chị này, hôm Thứ Năm 24/3/2005, đã ghé thăm đứa em của mình đang ngoi ngóp chờ chết, và cô chị đã cho biết nhận định của mình như sau: “Thành thực mà nói, em như thể, như thể ở trong một trại tập trung. Em bắt đầu hóp lại. Thật là khủng khiếp khi phải ngồi nhìn tiến trình này xẩy ra cho bất cứ một ai. Chúng ta đang sống ở Hoa Kỳ. Tôi thậm chí không thể tin được rằng mình đang ngồi đây để nói về vấn đề ấy. Thật là bệnh hoạn”.

 

Còn người chồng của cô cho biết rằng một phần anh muốn ở với vợ, nhưng “một phần chỉ muốn ra khỏi căn phòng ấy sớm bao nhiêu có thể. Thật là kinh rợn khi biết được một con người đang bị chết đói, nhất là người đó lại là người thân yêu của mình”.

 

Thế nhưng, bất chấp cái giá về cảm xúc gây ra cho gia đình mình bởi cuộc chiến đấu này, cô chị đã cho biết cô ta không hối tiếc về việc này: “Tôi đã thấy cha mẹ của tôi già đi khó lòng mà tin nổi trong mấy năm gần đây. Thế nhưng quí vị cần biết là tôi sẽ làm lại từ đầu. Tôi sẽ làm bất cứ những gì có thể để chiến đấu cho em. Em không thể tự làm điều ấy cho mình, nên chúng tôi là tất cả những gì em có, chúng tôi yêu thương em. Tôi sẽ không nghĩ lại”.

 

Cùng với gia đình cương quyết giữ vững đức tin, ông anh Bob đã tuyên bố: “Thiên Chúa có một mục đích nào đó đối với sự sống của người em gái tôi. Bất cứ xẩy ra điều gì, chúng tôi biết rằng Thiên Chúa mới là Đấng cuối cùng thực hiện phán quyết tối hậu của Ngài”.

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ