GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 3/2005

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho chính quyền ở hết mọi quốc gia luôn biết quan tâm đến những người nghèo, bị bỏ rơi và đàn áp, trong những phương sách chính trị và dự án phát triển của họ”.

 

Ý Truyền Giáo: Xin cho mỗi một Giáo Hội địa phương nhận thức được nhu cầu cần phải huấn luyện những Kitô hữu thánh thiện, nhờ đó có thể đáp ứng các đòi hỏi của việc tân truyền bá phúc âm hóa.  

 

__________________

 NGÀY 31 THỨ NĂM, NGÀY THÁNH THỂ

TRONG TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH

        

ĐTC GPII: phục hồi chầm chậm…. ăn uống bằng ống

Chiều Thứ Tư, 30/3, ngày hằng tuần theo truyền thống là ngày có buổi triều kiến chung, buổi triều kiến ĐTC sử dụng để giảng dạy giáo lý, và loạt bài giáo lý đã bị ngưng lại từ cuối tháng 1/2005, khi ngài vào bệnh viện lần nhất là loạt bài về Thánh Vịnh, văn phòng báo chí tòa thánh đã phổ biến tin tức về ĐTC GPII nguyên văn như sau:

“Đức Thánh Cha tiếp tục hồi phục chầm chậm và tiến triển.

“Đức Giáo Hoàng bỏ nhiều giờ mỗi ngày ngồi ở ghế, cử hành Lễ ở nguyện đường riêng của mình và vẫn gặp gỡ các phụ tá của mình, trực tiếp theo dõi hoạt động của Tòa Thánh và sinh hoạt của Giáo Hội.

“Để cải tiến vấn đề tiếp nhận nhiệt lượng cũng như để thuận lợi cho việc phục hồi sức khỏe cách vững chắc, việc tiêu thụ dinh dưỡng đã được bắt đầu bằng cách gắn ống qua đường mũi vào dạ dầy.

“Tất cả các cuộc triều kiến công vẫn tạm đình chỉ.

“Việc trợ giúp về sức khỏe được thực hiện bởi nhân viên thuộc Dịch Vụ Sức Khỏe và Vệ Sinh của Vatican Thành theo chỉ dẫn của bác sĩ Renato Buzzonetti, bác sĩ riêng của ĐTC”.



Terri Schiavo: “… Mạng sống của Terri Schiavo không thể bị lấy mất theo pháp lệnh căn cứ vào chứng từ bằng miệng trong vụ này”
 

Thứ Ba 29/3/2005, luật sư của cha mẹ và anh chị nạn nhân đã đệ đơn lên tòa kháng án liên bang ở Atlanta Georgia, nơi đã bác đơn của vụ này 3 lần trong tuần vừa rồi, lần đầu với số phiếu 2-1 thẩm phán, lần hai với cả 3 vị thẩm phán, và lần ba với 10-2 vị thẩm phán (lần ba bác bỏ yêu cầu xin được cả 12 vị thẩm phán của cùng tòa này cứu xét). Trong đơn lần này, vị luật sư biện hộ đã nói rằng các vị thẩm phán liên bang bác bỏ những nỗ lực trước đây của bên đương đơn vi phạm tới một Tòa Thưởng Thẩm trước kia đòi họ phải cứu xét tất cả hồ sơ của vụ này chứ không phải chỉ cứu xét lịch trình xét sử của tòa án tiểu bang mà thôi.

Mặc dù sáng Thứ Bảy vừa rồi tòa này đã ấn định thời hạn nộp đơn mới như thế, họ vẫn cho phép vị luật sư này làm thế vào chiều tối ngày Thứ Ba, 29/3. Luật sư Gibbs cho biết trong đơn mới này ông có những kết quả của “việc nghiên cứu mới, ý nghĩ mới và tham vấn mới” vì tòa án này đã bác bỏ những gì ông đã khai nộp tuần trước.

Theo đơn kiện mới này thì “tòa án tiểu bang ở đâu ra lệnh lấy đi quyền lợi căn bản thì tòa án thuộc miền ấy phải kiểm xét hồ sơ trước khi tòa án tiểu bang quyết định những lý lẽ thực sự của án lệnh đó có hợp với tiêu chuẩn về chứng cớ được Liên Bang chú trọng hay chăng”. Tuy nhiên, tòa án ở Atlanta Georgia này chỉ cho nộp đơn mới mà thôi chứ không chịu cứu xét cả lần này nữa.

Vị luật sư cho biết trong đơn lần này ông cho thấy rằng các vị thẩm phán liên bang đã không thể cứu xét toàn bộ hồ sơ nội vụ vì toàn bộ hồ sơ này chưa nạp cho các tòa án liên bang: “Tòa án miền đã chỉ kiểm xét tiến trình xử án cùng với những thành quả của việc kiện tụng ở tòa án tiểu bang mà thôi, chứ không kiểm xét chứng cớ được viện dẫn theo tiến trình của tòa án tiểu bang”.

Ông cho biết ông có thể chứng minh cho tòa án liên bang này rằng “’chứng cớ’ về những ước muốn được cho là của Terri là những gì bất khả tín, và việc tìm ra sự kiện hợp lý, theo bất cứ tiêu chuẩn nào về chứng cớ, cũng thấy rằng những ước muốn của cô không phải như thế… Xét đến luật lệ thuộc hiến thì mạng sống của Terri Schiavo không thể bị lấy đi theo pháp lệnh căn cứ vào một thứ chứng từ bằng miệng trong vụ này”.

Luật sư của người chồng nạn nhân là George Felos cho biết ông ta đã biết được đơn kiện này tối hôm Thứ Ba: “Đây là một thứ nỗ lực vớt vát cuối cùng, chúng tôi tin rằng các tòa án liên bang đã nói đến vấn đề này rồi”.
 

Sau mấy tiếng bị tòa kháng án liên bang ở Atlanta Georgia bác bỏ một lần nữa với số phiếu thẩm phán 9-2, vẫn chưa chịu bỏ cuộc, còn nước còn tát, cho dù chỉ còn hai ngày nữa đứa con gái nạn nhân của mình, theo các bác sĩ chuyên môn nói, sẽ qua đời vì bị bỏ đói 2 tuần liền, gia đình cha mẹ và anh chị của nạn nhân đã thực hiện một lần cuối cùng là nộp đơn lên Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ vào tối Thứ Tư 30/3.

Thẩm Phán Anthony Kennedy, vị có quyền tài phán đối với những khiếu nại khẩn cấp thuộc vùng Florida, Georgia và Alabama sẽ cứu xét đơn kháng án. Vị này có thể tự quyết định lấy hay cũng có thể cần đến toàn thể các vị thẩm phán còn lại của Tối Cao Pháp Viện này, một pháp đình đã nhận được năm lần khiếu nại trước của vụ này song đã không muốn nhúng tay vào.

Trong lần kháng án này, vị luật sư của gia đình cha mẹ và anh chị của nạn nhân đã nói rằng việc tháo ống dinh dưỡng của nạn nhân ra là những gì cho thấy “một thứ làm mất đi bất hợp hiến theo quyền sống theo hiến pháp”. Song thẩm phán Anthony Kennedy vào đêm Thứ Tư 30/3 đã bác không chấp nhận đơn khiếu nại.
 

Sáng Thứ Tư, mục sư Jesse Jackson đã gặp Thống Đốc Florida Jeb Bush và chủ tịch Thượng Viện tiểu bang Tom Lee ở Tallahassee để nói chuyện về vụ nữ nạn nhân Terri Schiavo.

Tuần vừa rồi, khi gia đình cha mẹ và anh chị của nạn nhân đang tranh đấu để tái gắn ống dinh dưỡng cho cô ở các tòa án liên bang lẫn tiểu bang thì Hạ Viện tiểu bang đã thông qua một dự luật có mục đích giữ cho cô được sống với số phiếu 78-37. Tuy nhiên, biện pháp nhằm ngăn ngừa các vị bác sĩ không được gỡ ống dinh dưỡng khỏi các bệnh nhân không bày tỏ ý muốn của họ bằng giấy tờ về vấn đề ấy, rất tiếc lại bị Thượng Viện không thông qua với số phiếu 21-18.

Đó là lý do vị chủ tịch thượng viện tiểu bang Tom Lee nói rằng ông không thấy một dấu hiệu nào tỏ ra 21 vị thượng nghị sĩ bỏ phiếu chống sẵn sàng xét lại vấn đề. Mục sư Jackson, vị được anh nạn nhân mời nhưng không được người chồng đồng ý cho đến thăm nạn nhân, đã nói với phóng viên báo chí sau cuộc gặp gỡ này trở về Pinellas Park là nơi nạn nhân đang nằm chờ chết biết rằng “Dường như không còn xoay sở gì được nữa về pháp lý”.

Trong chuyến công du đến A Phú Hãn của mình hôm Thứ Tư 30/3, đệ nhất phu nhân Laura Bush cũng chú trọng tới vụ này, vì theo bà, “nó là vấn đề của một mạng sống. Chính quyền liên bang cần phải nhúng tay vào. Nó thực sự đòi chính quyền này phải nhúng tay vào can thiệp”.
 

Bên ngoài dưỡng viện này, cảnh sát hôm Thứ Tư 30/3 đã bắt đầu kiểm soát các xe cộ lui tới và buộc các tài xế phải mở thùng xe ra. Nhiều người xuống đường ở chung quanh dưỡng viện này, yêu cầu một thẩm quyền nào đó rat ay cứu mạng sống của Terri. Gần 50 người đã bị giam giữ vì cố gắng nhào vô cơ sở này để thăm và cứu giúp nạn nhân.

Cũng vào ngày Thứ Tư này, ông bố của nạn nhân đã đến thăm cô và sau đó nói với phóng viên báo chí rằng cô trông “khá lắm”, mặc dù gần hai tuần lễ không được dinh dưỡng gì cả: “Tôi lấy làm lạ lùng khi thấy được rằng cháu vẫn đang chiến đấu và tôi cảm thấy phấn khởi. Chúng tôi vẫn chiến đấu cho cháu để cứu cháu, vẫn chưa quá muộn màng”. Phần người mẹ đã ba ngày liền chưa đến thăm con.
 

CỬ HÀNH THÁNH LỄ: CẢM NGHIỆM PHỤNG VỤ THÁNH THỂ


Vì Mầu Nhiệm Thánh Thể được hiện thực tất cả bản chất của mình nơi việc cử hành Thánh Lễ, ở những chiều kích là Hiện Diện Thần Linh, là Hy Tế Thập Giá, là Sự Sống Hiệp Thông và là Bảo Chứng Cánh Chung, mà Mầu Nhiệm Thánh Thể thực sự là một Mầu Nhiệm Đức Tin, một Mầu Nhiệm Thánh, một mầu nhiệm cần phải cử hành một cách trọn vẹn ý thức và chủ động đối với từng tác động phụng vụ đầy ý nghĩa, để làm sao có thể chẳng những trung thực phản ảnh đức tin sâu xa và lòng yêu mến “tôn thờ đích thực” (Jn 4:23) của mình đối với Thiên Chúa Chí Thánh, Toàn Thiện và Toàn Ái, mà còn lãnh nhận được dồi dào thần lực để bỏ mình tránh tội, thánh hóa phận vụ, chịu đựng khổ đau và hoạt động tông đồ.

Đó là lý do, trong Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Ánh Sáng Muôn Dân, ở khoản số 11, Công Đồng cũng xác nhận: “Thánh lễ là nguồn mạch và chóp đỉnh của tất cả đời sống Kitô Giáo”. Hiến Chế Tín Lý về Phụng Vụ Thánh, ở ngay đầu khoản số 10, Công Đồng Chung Vaticanô II cũng đã khẳng định: “Phụng vụ là tột đỉnh mà hoạt động của Giáo Hội qui hướng về, đồng thời cũng là nguồn mạch tuôn trào mọi năng lực của Giáo Hội”. Ngoài ra, ở cuối khoản số 7 của cùng hiến chế này, Công Đồng còn tuyên nhận giá trị của việc cử hành phụng vụ như sau: “Vì là công việc của Chúa Kitô tư tế và thân thể của Người là Giáo Hội mà mọi việc cử hành phụng vụ đều là hành vi chí thánh, không một hành vi nào khác của Giáo Hội có hiệu lực bằng, xét cả về danh hiệu lẫn đẳng cấp”.

Chính vì việc cử hành phụng vụ nói chung và Thánh Lễ nói riêng vô cùng cao trọng như thế mà Kitô hữu cần phải, theo tinh thần canh tân phụng vụ của Giáo Hội từ Công Đồng Chung Vaticanô II, cử hành một cách trọn vẹn ý thức và chủ động. Để giúp cho Kitô hữu Công Giáo có thể cử hành Thánh Lễ một cách trọn vẹn ý thức, Công Đồng Chung Vaticanô II đã canh tân phụng vụ, ở chỗ cho cử hành Thánh Lễ bằng tiếng địa phương. Và để giúp cho con cái mình có thể cử hành Thánh Lễ một cách trọn vẹn chủ động, việc canh tân Phụng Vụ của Công Đồng này cũng đã cho giáo dân, ngoài việc ứng đáp nhiều hơn trong Lễ, được đóng góp những phần của mình trong Thánh Lễ, như việc dâng lễ vật, đọc các bài đọc (trừ Phúc Âm), thừa tác viên ngoại lệ cho rước lễ v.v.

Như chúng ta biết, tổng quan, Thánh Lễ, ngoài nghi thức đầu lễ và nghi thức kết lễ, gồm có hai phần chính, đó là phần Phụng Vụ Lời Chúa và phần Phụng Vụ Thánh Thể. Trước khi đi sâu vào những cảm nghiệm Phụng Vụ Thánh Thể, chúng ta cũng cần duyệt lại một loạt tất cả các tác động cử hành phụng vụ Thánh Lễ.

Nghi thức đầu lễ, bao gồm 7 tác động phụng vụ thứ tự như sau:
1. Cộng đoàn đọc hay hát Ca Nhập Lễ khi chủ tế tiến lên hay tiến ra bàn thờ;
2. Chủ tế và cộng đoàn tham dự chào nhau lần đầu;
3. Chủ tế làm phép và rảy nước thánh trên cộng đoàn tham dự (có những nơi chỉ làm vào một số dịp Lễ Trọng đặc biệt);
4. Chủ tế và cộng đoàn tham dự cùng nhau thống hối;
5. Chủ tế và cộng đoàn đọc hay hát Kinh Thương Xót;
6. Chủ tế và cộng đoàn tham dự đọc hay hát Kinh Vinh Danh (chỉ cho các Thánh Lễ Chúa Nhật và các ngày cử hành bậc Lễ Kính/Feast trở lên, như lễ kính từng vị thánh Tông Đồ),
7. Chủ tế đọc Lời Nguyện Đầu Lễ.

Phụng Vụ Lời Chúa, bao gồm 8 tác động phụng vụ, thứ tự như sau:
8. Đại diện cộng đoàn công bố Bài Đọc 1;
9. Cộng đoàn xướng hay hát Bài Đáp Ca;
10. Đại diện cộng đoàn công bố Bài Đọc 2;
11. Cộng đoàn xướng Alleluia;
12. Chủ tế hay phó tế công bố Bài Phúc Âm;
13. Chủ tế hay phó tế huấn dụ cộng đồng tham dự (Bài Giảng);
14. Chủ tế và cộng đoàn Tuyên Xưng Đức Tin (Kinh Tin Kính, cho Thánh Lễ Chúa Nhật và các ngày cử hành bậc Lễ Trọng – Solemnity, như Lễ Mẹ Thiên Chúa, Chúa Giáng Sinh);
15. Chủ tế và cộng đoàn dâng Lời Nguyện Chung.

Phụng Vụ Thánh Thể, bao gồm tất cả 16 tác động phụng vụ, được chia làm 3 phần (phần hiến dâng lễ vật, phần hiến tế Hy Lễ, phần hiệp thông Hy Lễ), thứ tự như sau:

Hiến dâng lễ vật
16. Cộng đoàn hát Ca Dâng Lễ trong khi đại diện cộng đoàn đem của lễ lên cho vị chủ tế;
17. Chủ tế dâng bánh;
18. Chủ tế dâng rượu;
19. Chủ tế kêu gọi cộng đoàn hiệp dâng lễ vật;
20. Chủ tế dâng lời cầu nguyện trên lễ vật;

Hiến Tế Hy Lễ
(Hay phần Kinh Nguyện Thánh Thể: thường Kinh Nguyện Thánh Thể 2 cho lễ ngày thường, và Kinh Nguyện Thánh Thể 3 cho lễ Chúa Nhật)
21. Chủ tế kêu gọi cộng đoàn tạ ơn và chúc tụng;
22. Chủ tế đọc Kinh Tiền Tụng;
23. Chủ tế và cộng đoàn đọc hay hát Thánh Thánh Thánh (sau đó, theo Kinh Nguyện Thánh Thể 3 cho Lễ Chúa Nhật, chủ tế đọc lời chúc tụng Chúa Cha, rồi lời cầu xin Chúa Thánh Thần thánh hiến lễ vật, đoạn đọc Lời Truyền Phép trên lễ vật bánh và rượu, sau đó kêu gọi cộng đoàn tuyên xưng mầu nhiệm đức tin, tiếp theo là dâng lời nguyện tạ ơn Chúa Cha, xin Ngài ban tặng ân Thánh Thần, xin được hiệp thông với các thánh trên trời, xin cho Giáo Hội dưới thế hiệp nhất, và xin cho các linh hồn quá cố được hưởng vinh phúc trường sinh, sau hết là cùng với Chúa Kitô và trong Chúa Thánh Thần tôn vinh Chúa Cha).

Hiệp Thông Hy Lễ
24. Chủ tế và cộng đoàn đọc hay hát Kinh Lạy Cha;
25. Chủ tế và cộng đoàn chúc bình an;
26. Cộng đoàn đọc hay hát Kinh Chiên Thiên Chúa trong khi chủ tế Bẻ Bánh;
27. Chủ tế đọc lời nguyện trước Hiệp Lễ;
28. Chủ tế và cộng đoàn Hiệp Lễ;
29. Cộng đoàn đọc hay hát Ca Hiệp Lễ trong thời gian cộng đoàn lên Rước Lễ;
30. Chủ tế và cộng đoàn thinh lặng sau Hiệp Lễ hay hát bài ca chúc tụng tạ ơn;
31. Chủ tế đọc Lời Nguyện sau Hiệp Lễ.

Nghi thức kết lễ, bao gồm tất cả 3 tác động phụng vụ cuối cùng, thứ tự như sau:
32 Chủ tế và cộng đoàn chào nhau lần cuối;
33 Chủ tế ban phép lành cho cộng đoàn;
34 Chủ tế hay phó tế chúc giải tán cộng đoàn tham dự.
35 Cộng đoàn có thể (nghĩa là không buộc) hát một bài vốn được gọi là Ca Kết Lễ khi chủ tế rời bàn thờ, cũng như lúc đầu lễ khi ngài tiến lên hay tiến ra bàn thờ cộng đoàn đã hát bài hay đọc Ca Nhập Lễ vậy.
 

(còn tiếp)

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ