GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 3/2005

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho chính quyền ở hết mọi quốc gia luôn biết quan tâm đến những người nghèo, bị bỏ rơi và đàn áp, trong những phương sách chính trị và dự án phát triển của họ”.

 

Ý Truyền Giáo: Xin cho mỗi một Giáo Hội địa phương nhận thức được nhu cầu cần phải huấn luyện những Kitô hữu thánh thiện, nhờ đó có thể đáp ứng các đòi hỏi của việc tân truyền bá phúc âm hóa.  

 

__________________

 NGÀY 3 THỨ NĂM, NGÀY THÁNH THỂ

TRONG NĂM THÁNH THỂ

        

ĐTC GPII: với những cuộc thăm viếng thăm hỏi và vẫn hành sự trong thời bệnh

 

Trong thời gian đang được điều trị tại bệnh viện lần thứ hai trong vòng một tháng này, ĐTC vẫn không thôi hành sự để đáp ứng kịp thời những gì cần thiết. Chẳng hạn, hôm Thứ Ba, 1/3, theo ĐHY tổng trưởng thánh bộ tín lý đức tin sau khi gặp ngài cho biết ĐHY đã trình nộp cho ngài “một việc thuộc thánh bộ của chúng tôi”.

 

Hôm Thứ Tư 2/3, văn phòng báo chí của tòa thánh còn cho biết, ĐTC vừa bổ nhiệm ngày hôm qua một tân giám mục ở Ba Tây, đó là cha Eduardo Pinheiro da Silva, giám đốc trung tâm mục vụ của cộng đồng dòng Salesiô ở Aracatuba, tân giám mục phụ tá cho ĐTGM Vitorio Pavanello TGP Campo Grande.

 

Tuy nhiên, buổi triều kiến chung hằng tuần vào ngày Thứ Tư tuần này, 2/3/2005, không thể thực hiện. Do đó, 500 giáo lữ Balan đã đến bệnh viện của ngài, trong đó có khoảng 100 người khuyết tật đến từ Warsaw. Phái đoàn Balan này được giáo lữ Balan ở Chicago Hoa Kỳ nhập bọn. Họ hát những bài hát cổ truyền và tôn giáo, ở ngoài bệnh viện, dưới cửa sổ phòng bệnh của ĐTC, vào một buổi sáng lạnh nhất trong năm ở Rôma.

 

Vị chủ tịch của Tổng Hội Đồng thứ 59 của LHQ đã gửi “lời chào thân ái và nguyện chúc tốt đẹp” đến cho ĐTC. Ông Jean Ping này cũng là ngoại trưởng nước Gabon, đã cùng với vị lãnh sự của nước Gabon là Desiré Koumba đến thăm tòa thánh, gặp ĐHY Quốc Vụ Khanh Angelo Sodano, và ĐTGM Giovanni Lajolo, bí thư văn phòng liên hệ các quốc gia của tòa thánh.

 

Hôm Thứ Tư 2/3/2005, các vị lãnh sự thuộc nửa số quốc gia đa số là Chính Thống giáo (Cyprus, Russia, Bulgaria, Serbia-Montenegro, Romania và Greece, chỉ thiếu duy 1 vị lãnh sự thuộc nước Ukraine cũng ở Đông Âu không có mặt tại Rôma bấy giờ) đã tặng cho ĐTC đang nằm bệnh viện một bức ảnh Đức Maria và bày tỏ niềm hy vọng ngài mau chóng bình phục.

 

Theo Zenit được biết thì vị lãnh sự Cyprus là Georgios Poulides đã khởi xướng việc làm này. Thật vậy, bức ảnh này phát xuất từ đảo Địa Trung Hải.

 

Sau cuộc viếng thăm tặng quà này cho ĐTC, rời bệnh viện, vị lãnh sự Bulgaria là Vladimir Gradev đã nhắc lại trên Đài Phát Thanh Vatican rằng sau cuộc giải phẫu khí quản, những lời đầu tiên của ĐTC (bằng chữ viết) là việc ngài tận hiến cho Mẹ Maria: “Totus Tuus”. 

 

“Biết rằng ngài mến yêu Đức Trinh Nữ, Vị cũng rất được tôn kính ở các quốc gia Chính Thống, những quốc gia thuộc Đông Âu, chúng tôi nghĩ rằng ngài sẽ thích bức ảnh này lắm. Ngài sẽ có thể cầu nguyện, suy niệm và biết rằng các dân tộc Đông phương ở với ngài và đang nguyện cầu cho sức khỏe của ngài.

 

“Tất cả mọi quốc gia của chúng tôi đều lấy làm quan tâm. Chúng tôi nhận được nhiều sứ điệp từ các chính phủ của chúng tôi hằng ngày, cũng như từ thường dân hỏi thăm tin tức. Họ nói với chúng tôi rằng Các Giáo Hội Chính Thống đang dâng lời cầu nguyện cho sức khỏe của Đức Thánh Cha.

 

“Chúng tôi đại diện cho nhân dân của chúng tôi chân thành mong muốn ngài được hoàn toàn bình phục. Sức mạnh và lòng can đảm của Đức Thánh Cha ngay cả trong cơn thử thách là tấm gương sáng cho tất cả chúng ta”.

 

Về phần ĐHY Joachim Meisner, sau khi viếng thăm ĐTC tại bệnh viện, TGM Cologne, nơi tổ chức Ngày Giới Trẻ Thế Giới vào tháng 8/2005 tới đây ở Đức, đã cho biết là ngài hy vọng ĐTC sẽ tới (18-21/8) với ngày này như đã dự định, vì ĐTC chưa hề bỏ qua một ngày giới trẻ thế giới nào. Trong khi đó, ĐTC chưa hề đến với các ngày thế giới khác, như ngày thế giới bệnh nhân là ngày được tổ chức hằng năm (từ năm 1993) ở các đền thánh mẫu khác nhau trên thế giới, hay hội nghị thế giới của các gia đình định kỳ 3 năm 1 lần (1994, 1997, 2000, 2003), thậm chí cả Hội Nghị Thánh Thể Quốc Tế hằng năm ngài cũng không đến ngoại trừ một số lần đặc biệt như ở Balan ngày 4/6/1997.

 

Vị hồng y này cho báo chí biết cảm nhận của mình về bệnh trạng của ĐGH như sau: “Giọng nói của ngài mạnh hơn tôi tưởng. Khi thấy tôi ngài đã nói ‘tôi vui mừng khi thấy huynh đến đây’”. Khi được hỏi bao giờ ngài xuất viện, vị hồng y này trả lời rằng: “Tôi không phải là bác sĩ; tôi hy vọng ngài sẽ có thể xuất viện sớm, và ngài sẽ có thể đến với những người Đức chúng tôi ở Cologne vào Tháng 8 này. Ngài tỏ ra khá. Việc viếng thăm của ĐTC rất quan trọng đối với tôi. Tất cả mọi người Đức đang đợi chờ ngài. Tôi đã nói với ngài rằng ở Cologne ngài không cần phải nói với giới trẻ; chính sự hiện diện của ngài, hình ảnh của Đức Thánh Cha là những gì nói rất nhiều. Theo quan điểm riêng của mình, Đức Thánh Cha có thể đến Cologne vào Tháng 8”.

 

 

LỜI CHÚA, THÁNH THỂ VÀ VIỆC KITÔ HỮU PHÂN RẼ

 1.         Trong chương trình Năm Mừng Kỷ Niệm này, chúng ta không thể nào bỏ qua chiều kích đối thoại đại kết và liên tôn, như Tôi đã đề cập đến trước đây trong Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến (xem các số 53 và 55). Chiều hướng Chúa Ba Ngôi và Thánh Thể chúng ta khai triển ở các bài giáo lý trước đến đây thúc đẩy chúng ta suy nghĩ về khía cạnh này, trước hết bằng việc xét lại tất cả vấn đề phục hồi tình trạng hiệp nhất giữa Kitô hữu với nhau. Chúng ta làm việc này theo ý nghĩa của đoạn Phúc Âm về các môn đệ trên đường đi Emmau (x Lk 24:13-35), khi nhận thấy rằng hai người môn đệ lìa bỏ cộng đồng của họ này đã bị thôi thúc quay ngược hướng đi để tái nhận thức được cộng đồng của mình.

2.         Hai người môn đệ ấy đã quay lưng lại với nơi Chúa Giêsu tử giá, vì biến cố ấy đã làm cho họ hinh hoàng thất vọng. Chính vì lý do này mà họ đã lìa bỏ các môn đệ khác và thực sự quay về với cá nhân chủ nghĩa. “Họ đã nói với nhau về tất cả những gì xẩy ra” (Lk 24:14) mà không hiểu gì về ý nghĩa của những điều ấy. Họ không nhận ra rằng Chúa Giêsu đã chết “để qui tụ con cái Thiên Chúa bị phân tán trở về” (Jn 11:52). Họ chỉ thấy khía cạnh tiêu cực khiếp đảm của thập giá là những gì hủy hoại niềm hy vọng của họ: “Chúng tôi hy vọng Người là Đấng cứu thoát Yến Duyên” (Lk 24:11). Chúa Giêsu phục sinh đã đến bước đi bên cạnh họ, “nhưng mắt họ không nhận ra Người” (Lk 24:16), vì họ lúc ấy đang bị mịt mù tăm tối hơn bao giờ hết về phương diện tâm linh. Bấy giờ Chúa Giêsu đã tỏ ra hết sức nhẫn nại để gắng mang họ về lại với ánh sáng đức tin bằng một bài giáo lý thánh kinh dài: “Bắt đầu từ Moisen và tất cả các tiên tri, Người đã dẫn giải cho họ biết những gì liên quan đến bản thân Người nơi toàn bộ Sách Thánh” (Lk 24:27). Lòng họ bắt đầu bừng nóng (x Lk 24:32). Họ xin người bạn đường lạ lùng ấy ở lại với họ. “Khi ngồi vào bàn với họ, Người cầm lấy bánh, chúc tụng và bẻ ra trao cho họ. Bấy giờ mắt họ mở ra và họ nhận ra Người; song Người biến khuất đi trước mắt họ” (Lk 24:30-31). Nhờ lời dẫn giải rõ ràng về các Sách Thánh, họ đã đi từ tình trạng lờ mờ chẳng hiểu gì đến ánh sáng đức tin để có thể nhận ra Chúa Kitô phục sinh “nơi việc bẻ bánh” (Lk 24:35).

Tác hiệu của việc đổi thay sâu xa này đã trở thành động lực thúc đẩy họ quyết định trở về Giêrusalem ngay để hợp lại với “Mười Một Vị đang hội họp nhau và những người đang ở với các vị” (Lk 24:33). Cuộc hành trình đức tin đã đưa đến việc hiệp nhất huynh đệ.

3.         Mối liên kết giữa việc dẫn giải Lời Chúa với Bí Tích Thánh Thể cũng được nhắc đến ở những phần khác trong Tân Ước. Thánh Gioan, nơi Phúc Âm của mình, đã nối kết lời Chúa với Thánh Thể, như trong đoạn trình thuật ở Caphanaum, thánh ký cho thấy Chúa Giêsu nhắc lại tặng ân manna trong sa mạc và Người đã giải thích tặng ân này theo chủ yếu về Thánh Thể (x Jn 6:32-58). Nơi Giáo Hội Giêrusalem, việc chuyên chú lắng nghe didache, tức lắng nghe giáo huấn của các tông đồ giảng dạy theo Lời Chúa, đã được xẩy ra trước việc thông phần vào việc “bẻ bánh” (Acts 2:42). Ở thành Troa, khi Kitô hữu tụ họp nhau lại với Thánh Phaolô “để bẻ bánh”, Thánh Luca thuật lại rằng việc tụ họp này được bắt đầu với một bài nói dài của Thánh Tông Đồ (x Acts 20:7), một bài nói chắc chắn nhắm đến việc bồi dưỡng đức tin, đức cậy và đức mến của họ. Tất cả những điều này đã rõ ràng cho thấy rằng việc hiệp nhất trong đức tin là điều kiện cần thiết cho việc thông phần chung vào Bí Tích Thánh Thể.

Nơi Phụng Vụ Lời Chúa và Phụng Vụ Thánh Thể, như Công Đồng Chung Vaticanô II nhắc nhở chúng ta, bằng việc trích lại lời của Thánh Gioan Chrysostom (In John Homily, 46), “tín hữu hiệp nhất với vị giám mục của mình có thể tiến đến cùng Thiên Chúa là Cha, qua Con là Lời hóa thành nhục thể đã chịu khổ nạn và phục sinh, trong việc tuôn đổ của Chúa Thánh Thần. Như thế, nhờ trở thành ‘tham dự viên với bản tính thần linh’ (2Pt 1:4), họ được hiệp thông với Ba Ngôi chí thánh. Bởi vậy, qua việc cử hành Thánh Thể Chúa nơi mỗi một Giáo Hội này, Hội Thánh Chúa được dựng xây và tăng triển tầm vóc, và qua việc đồng cử hành, họ cho thấy mối hiệp thông giữa họ với nhau” (Sắc Lệnh về Hiệp Nhất Unitatis Redintegratio, 15). Như thế, việc liên kết với mầu nhiệm hiệp nhất thần linh này làm phát sinh mối hiệp thông và tình yêu thương giữa những ai ngồi chung với nhau cùng một bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể. Bàn tiệc duy nhất này là dấu hiệu và là biểu hiệu nói lên cho thấy sự hiệp nhất nên một. “Thế nên việc hiệp thông Thánh Thể liên kết bất khả phân ly với mối hiệp thông giáo hội và là biểu hiệu hữu hình của mối hiệp thông giáo hội này” (Bản Hướng Dẫn để Áp Dụng các Nguyên Tắc và Qui Luật về Đại Kết, 1993, đoạn 129)

4.         Theo chiều hướng này, chúng ta có thể hiểu được tại sao việc chia rẽ nhau về tín lý giữa các môn đệ của Chúa Kitô, thành phần vào nhóm với nhau thành những Giáo Hội và những Cộng Đồng Giáo Hội khác biệt, đã giới hạn việc thông phần bí tích cách trọn vẹn. Tuy nhiên, Bí Tích Rửa Tội là gốc rễ sâu xa cho mối hiệp nhất căn bản này, một mối hiệp nhất căn bản liên kết Kitô hữu với nhau, bất kể việc phân rẽ của họ. Bởi vậy, cho dù thành phần Kitô hữu còn ly khai không được tham phần vào cùng một Bí Tích Thánh Thể, vẫn có thể, trong một số trường hợp đặc biệt theo qui định của Bản Hướng Dẫn Đại Kết, đưa vào việc cử hành Thánh Thể một số dấu hiệu tham dự nào đó cho thấy việc hiệp nhất vốn có và hướng đến mối hiệp thông trọn vẹn của các Giáo Hội nơi bàn tiệc Lời Chúa cũng như bàn tiệc Mình Máu Chúa. Theo đó, “vào một số trường hợp ngoại lệ có lý do chính đáng, Giám Mục của một Giáo Phận có thể cho phép phần tử của một Giáo Hội khác hay của một Cộng Đồng Giáo Hội đóng vai trò đọc sách” trong khi cử hành Thánh Thể theo Giáo Hội Công Giáo (số 133). Cũng thế, “bất cứ khi nào nhu cầu đòi hỏi hay có những lợi ích thiêng liêng đích thực, miễn là tránh được mối nguy hại sai lạc hay coi thường“, thì được phép thực hiện một số tương quan nào đó đối với các bí tích Thống Hối, Thánh Thể và Xức Dầu Kẻ Liệt giữa người Công Giáo và Kitô Hữu Đông Phương (các số 123-131).

5.         Tuy nhiên, cây hiệp nhất phải phát triển cho tới tầm vóc trọn vẹn của nó, như Chúa Kitô đã nguyện xin trong lời cầu trọng đại của Người ở Căn Thượng Lầu, lời cầu đã được công bố để mở đầu cho cuộc họp của chúng ta nơi đây (x Jn 17:20-26; Sắc Lệnh về Hiệp Nhất, 22). Những giới hạn đối với mối liên hiệp thông vào bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể phải trở thành một lời mời gọi các Giáo Hội thanh tẩy, đối thoại và tiến bộ trong việc đại kết. Chúng là những giới hạn khiến chúng ta càng cảm thấy mạnh mẽ hơn đối với tính cách nặng nề của việc chúng ta chia rẽ nhau và phản khắc với nhau nơi chính việc cử hành Thánh Thể. Như thế, Thánh Thể là một thách đố cũng là một lệnh truyền ở nơi chính tâm điểm của Giáo Hội để nhắc nhở chúng ta về ước vọng tha thiết cuối cùng  Chúa Kitô mong muốn là “cho họ được nên một” (Jn 17:11,21).

Giáo Hội không được trở thành một thân thể có những phần tử chia rẽ và khổ đau, song phải là một cơ thể sống động mạnh mẽ và tiến tới, một cơ thể được bảo dưỡng bởi bánh thần linh như nơi hình ảnh cuộc hành trình của tiên tri Êlia (x 1Kgs 19:1-8), tiến lên cho tới chót đỉnh của cuộc gặp gỡ tối hậu với Thiên Chúa. Cuối cùng sẽ là thị kiến theo Sách Khải Huyền cho thấy: “Và tôi thấy thành thánh là tân Giêrusalem từ trời nơi Thiên Chúa mà xuống, trang điểm như cô dâu nghênh đón phu quân của mình” (Rev 21:2).

(ĐTCGPII: Giáo Lý trong Đại Năm Thánh 2000, bài 30, Thứ Tư 15/11/2000. Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ Tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 22/11/2000)

 

Lý Thuyết về Pháp Lý của Công Giáo

 

Gần 100 năm trường, các trường đời dạy về triết lý pháp luật, nhất là thuyết hiện thực pháp lý (legal realism) và thuyết thực chứng pháp lý (legal positivism), đã từng làm chủ kiến thức học về luật pháp và ngành tư pháp. Những thứ ấy đã gây ra những luật lệ và việc làm phản nghịch lại với việc sống đạo và các thứ luân lý truyền thống.

 

Thế nhưng, hiện nay Michael Scaperlanda cùng với một số gia tăng các luật sư và giáo sư luật đang khai triển một đáp ứng cho hiện tượng này qua một thứ lý thuyết được gọi là pháp thuyết Công giáo. Được đặt căn bản trên phẩm vị con người và tôn trọng công ích, pháp thuyết Công giáo này là việc tái áp dụng truyền thống trí thức Công giáo vào môi trường mới. Scaperlanda đang giữ vai trò là Edwards Family Chair về Luật và là phó khoa trưởng đặc trách nghiên cứu ở Đại Học Viện Oklahoma về Luật. Ông là người đồng soạn tác phẩm sắp xuất bản tìm hiểu sâu xa các quan điểm Công giáo về những lãnh vực luật pháp Hoa Kỳ. Tác phẩm mới nhất của ông, viết cùng với vợ là María, đó là cuốn “Cuộc Hành Trình: Bản Hướng Dẫn cho Người Hành Hương Tân Thời”, do Loyola xuất bản.

 

Vấn:    Pháp thuyết Công giáo là gì?

 

Đáp:   Pháp thuyết Công giáo là một dự án đang được thực hiện bởi thành phần giáo sư Công giáo về luật, triết gia về pháp lý cùng với những người khác tham dự vào việc kiến tạo một thứ văn hóa coi trọng phẩm giá con người, theo truyền thống tri thức Công giáo, một thuyết thấy cộng đồng như là những gì bất khả châm chước cho việc phát triển nhân bản, và tìm cách mang lại tự do chân thực cho con người trong cộng đồng. 

 

Pháp thuyết Công giáo, như quí vị có thể thấy, đang chú trọng tới những đường lối mà luật lệ và các hế thống pháp lý có thể hỗ trợ hay cản ngăn việc xây đắp một thứ văn hóa sự sống. Ở lãnh vực trừu tượng này, pháp thuyết Công giáo hiện hữu như là một thứ cơ chế thống nhất.

 

Khi chúng ta chuyển từ lãnh vực trừu tượng sang lãnh vực cụ thể, tôi cho rằng một số pháp thuyết Công giáo sẽ hiện lên, khi những vị học giả khác nhau, bằng những ý hệ khác nhau và phán đoán khôn ngoan, nỗ lực để giải quyết vai trò của quốc gia cũng như những mối liên hệ của quốc gia với con người trong việc hình thành và định chế cộng đồng. 


Vấn:    Phải chăng pháp thuyết Công giáo (Catholic legal theory) khác với thuyết nhiên luật (natural law theory)?

 

Đáp:   Pháp thuyết Công giáo rộng hơn thuyết nhiên luật.

 

Thuyết nhiên luật sử dụng lý lẽ triết lý, không căn cứ vào Mạc Khải, để cố gắng tiến đến một loạt những giải đáp đúng đắn về thiện ích của con người trong cộng đồng.

 

Như Thánh Phaolô viết trong Thư Gửi Giáo Đoàn Rôma đoạn 2 câu 15, vì mọi người đều có một thứ luật được ghi khắc trong lòng mình mà một pháp thuyết Công giáo viên có thể dựa vào việc sử dụng nhiên luật để cùng suy luận với những thành phần không phải Kitô hữu về cách thức luật lệ và hệ thống pháp lý của xã hội cần phải cấu tạo cho thiện ích của con người. Pháp thuyết Công giáo chắc chắn phải sử dụng nhiên luật như là một yếu tố trong dự án của mình.

 

Pháp thuyết Công giáo cũng sử dụng cả Mạc Khải thần linh nữa, đôi khi minh nhiên, đôi khi không, như là một yếu tố quan trọng trong nỗ lực suy nghĩ về cách thức làm sao để luật lệ và hệ thống pháp lý có thể giúp ích cho nhân loại. Tôi có thể nói rằng Đoạn 22 của Hiến Chế “Vui Mừng và Hy Vọng” là những gì cho thấy chính yếu vấn đề: “Sự thật đó là chỉ ở nơi mầu nhiệm Lời nhập thể mầu nhiệm về con người mới được sáng tỏ… Chúa Kitô… hoàn toàn tỏ cho con người thấy về chính bản thân họ và làm minh bạch ơn gọi cao cả của họ”.

 

Pháp thuyết Công giáo viên cần phải nắm vững vấn đề là làm cách nào để luật lệ và hệ thống pháp lý có thể giúp ích nhất cho việc phát triển và thăng hoa thành phần tạo vật là con người này, thành phần được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và được tỏ hiện cho chúng ta thấy nơi ngôi vị Chúa Kitô.

 

Vấn:    Không phải là bất khôn hay vô lễ trong việc nại đến Mạc Khải thần linh khi nói về luật lệ trong một xã hội đa dạng và cho những thành phần thính giả thế tục hay sao?

 

Đáp:   Pháp thuyết Công giáo viên cần phải tác hành một cách khôn ngoan và bằng tình bác ái, thế nhưng việc thi hành các nhân đức này không đòi buộc họ phải triệt để tách lìa việc nói về Thiên Chúa với việc nói về luật lệ.

 

Tính cách đa dạng sâu xa vững chắc cần phải tạo cơ hội cho mỗi người có thể tham gia vào một cộng đồng để họ có thể trao đổi ngay từ cốt lõi hữu thể của họ. Chỉ có tính cách đa nguyên yếu kém và nông nổi mới đòi con người sống đạo phải coi thường bỏ qua yếu tố thiết yếu thuộc hữu thể của họ như giá phải trả cho việc được hoàn toàn tham phần vào xã hội mà thôi.

 

Dĩ nhiên, việc chỉ biết trưng dẫn những lời lẽ chứng thực từ Thánh Kinh hay từ giáo huấn của Giáo Hội sẽ không phải là cách hiệu nghiệm khi nói với những ai loại trừ thẩm quyền của những thứ lời lẽ ấy.

 

Bị chôn vùi sâu xa dưới hậu quả băng hoại của nguyên tội và được che nay hơn nữa dưới một lối sống chất chứa tội lội và đau thương, trong mỗi một người chúng ta vẫn có một cái gì đó lờ mờ của sự thiện hảo nguyên sơ. Vì thế giới Công giáo cho rằng Chúa Kitô, là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống, tỏ cho con người biết về họ mà pháp thuyết Công giáo mới có thể thịnh hành nơi một số thành phần không phải Công giáo cũng như thành phần vô tín ngưỡng, vì nó nại đến cái thiện hảo nguyên sơ này bằng việc đề ra một đường lối nhân bản hơn trong vấn đề kiến tạo luật lệ và pháp thuyết.

 

(còn tiếp)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, dịch theo tài liệu của Zenit được phổ biến ngày 13/2/2005

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ