GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 3/2005

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho chính quyền ở hết mọi quốc gia luôn biết quan tâm đến những người nghèo, bị bỏ rơi và đàn áp, trong những phương sách chính trị và dự án phát triển của họ”.

 

Ý Truyền Giáo: Xin cho mỗi một Giáo Hội địa phương nhận thức được nhu cầu cần phải huấn luyện những Kitô hữu thánh thiện, nhờ đó có thể đáp ứng các đòi hỏi của việc tân truyền bá phúc âm hóa.  

 

__________________

 NGÀY 7 THỨ HAI

        

Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật IV Mùa Chay 6/3/2005 về việc sửa soạn cho Lễ Phục Sinh

 

Sau đây là huấn từ truyền tin Chúa Nhật hằng tuần, như tuần trước, được ĐTGM Leonardo Sandri đọc tại Quảng Trường Thánh Phêrô.

 

Anh Chị Em thân mến!

 

1.         Hôm nay, một lần nữa, tôi muốn, trước hết, lập lại long biết ơn của tôi về nhiều cử chỉ cảm mến tôi đang nhận được. Đặc biệt tôi nghĩ đến nhiều vị hồng y, giám mục, linh mục và các nhóm tín hữu, các nhóm lãnh sự và các đại diện đại kết đã đến bệnh việc đa khoa Gemelli trong những ngày này.

 

Tôi xin bày tỏ lòng cám ơn đặc biệt về sự gắn bó của các tín đồ thuộc các tôn giáo khác, đặc biệt tín đồ Do Thái và Hồi Giáo. Một số trong họ đã muốn đến bệnh viện này để cầu nguyện. Tôi cảm thấy đó là những cử chỉ đáng an ủi mà tôi cần phải tạ ơn Thiên Chúa.

 

2.         Chúng ta cùng nhau tiếp tục sửa soạn mừng Lễ Phục Sinh, trong khi cũng hiến dâng lên Thiên Chúa nỗi đau khổ của chúng ta cho thiện ích của nhân loại cũng như cho việc thanh tẩy của chúng ta. Trong Phúc Âm hôm nay, Chúa Kitô, bằng việc chữa cho người mù từ lúc mới sinh, đã trở thành như “ánh sang thế gian” (Jn 9:5). Người đã đến để mở mắt cho con người thấy ánh sáng đức tin. Phải, anh chị em thân mến, đức tin là ánh sáng hướng lộ sự sống; nó là ngọn lửa ủi an trong những lúc khốn khó.

 

3.         Khi một em nhỏ vào đời, người ta nói rằng “bé xuất hiện trước ánh sáng mặt trời”. Đối với thành phần tín hữu, thành phần được sinh vào đời sống siêu nhiên bằng phép rửa, thì Mùa Chay là mùa thuận lợi để “đến với ánh sáng”, tức là được tái sinh trong Thần Linh, bằng việc lập lại ân sủng rửa tội và lời hứa rửa tội.

 

Xin Mẹ Maria Rất Thánh giúp chúng ta được Chúa Kitô ban cho tặng ân đức tin ngời sáng và mạnh mẽ hơn bao giờ hết, để chúng ta có thể là những chứng nhân trung kiên và can trường cho Phúc Âm của Người.

 

Sau buổi nguyện kinh truyền tin với phép lành do vị TGM ban thay cho ĐTC, buổi nguyện kinh thứ hai được ngài theo dõi qua hệ thống truyền hình viễn liên tại bệnh viện, Đức Thánh Cha đã xuất hiện ở cửa sổ phòng bệnh của ngài trên lầu 10 để vẫy chào và ban phép lành cho con cái đang qui tụ dưới bệnh viện ngước trông lên vị cha chung của họ.

Những người ở Quảng Trường Thánh Phêrô cũng được thấy ngài trên đại màn ảnh truyền hình viễn liên. Họ thấy những tấm màn ở cửa sổ phòng ngài được mở ra cho thấy ngài xuất hiện, được ĐHY Quốc Vụ Khanh Angelo Sodano và các vị bác sĩ của ngài hộ vực. Đám đông đã đồng thanh hô lên: “Đức Giáo Hoàng muôn năm!”

 

ĐTC GPII Thương Tiếc viên chức tình báo Ý bị Lực Lượng Hoa Kỳ bắn chết

 

Ông Nicola Calipari, một viên chức tình báo Ý đã bị lực lượng quân đội Hoa Kỳ bắn chết trong đoàn xe hộ tống nữ ký giả Ý bị bắt cóc và được thả ra trên đường ra phi trường đưa nữ ký giả này bay về Ý.

ĐTC, qua ĐHY Quốc Vụ Khanh Angelo Sodano, đã gửi một văn thư phân ưu cùng Cha Maurizio Calipari, người anh em của nạn nhân và là một viên chức của Giáo Hoàng Học Viện về Sự Sống kiêm giáo sư đạo lý sinh học của Regina Apostolorum Pontifical University ở Rôma. Trong văn thư, ĐTC bày tỏ “việc gắn bó thiêng liêng sâu xa” với gia đình họ Calipari, nhất là với bà mẹ, người vợ cùng hai đứa con (1 gái 19 và 1 trai 13) của nạn nhân, người đã từng thương thuyết để giải cứu hai con tin Ý bị giam giữ 3 tuần lễ và được trả tự do vào ngày 28/9/2004 là Simona Torretta và Simona Pari.

ĐGH đã ca ngợi “cử chỉ anh hùng” nạn nhân đã hiến mạng sống để cứu mạng sống của nữ ký giả, một cử chỉ “được tác động bởi ý thức nghĩa vụ cùng các cảm quan theo nhân đức Kitô giáo”. Ngài nói rằng ngài “dâng lời nguyện cầu tha thiết cho linh hồn của ông”.

Cha Calipari đã làm phép xác cho người anh em ruột thịt của mình khi thi thể được mang về tới Rôma. ĐTC đồng thời cũng gửi một điện tín đến Thủ Tướng Ý Silvio Berlusconi để bày tỏ “việc hài lòng về công việc được ông và chính phủ Ý thực hiện, cũng như tất cả những ai dấn thân hoạt động để mang lại thành quả tốt đẹp từ cuộc bắt cóc tệ hại”.

Theo kết quả cuộc giảo nghiệm thi thể của nạn nhân thì ông bị bắn một phát vào vào đầu và chết ngay tức khắc. Thi thể của ông được đặt ở Mộ Binh Sĩ Vô Danh ở Rôma để dân chúng đến kính viếng và chờ được cả nước an táng vào Thứ Hai 7/3/2005. Tổng Thống Ý là Carlo Azeglio Ciampi nói rằng ông sẽ tưởng thưởng Calipari huy chương vàng dũng cảm cho hành đồng anh hùng của ông.

Trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình La 7 Ý quốc, người nữ ký giả từ tình trạng làm con tin của nhóm khủng bố Iraq đến trở thành nạn nhân của lực lượng Hoa Kỳ là Giuliana Segrena cho biết “không hề có vấn đề chiếu sáng, không có dấu hiệu nào cả”, và không phải ở trạm kiểm soát mà là “một toán đi tuần bắn ngay khi họ chiếu đèn pha vào chúng tôi”.

Trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Sky TV, nữ ký giả này còn cho biết thêm rằng “quí vị cảm thấy như mình bị bao trùm bởi một tràng đạn bắn từ một chiếc xe tăng ở bên cạnh quí vị, không hề cho quí vị một báo hiệu sắp sửa bị tấn công nào cả nếu chúng tôi không ngừng lại – điều này hoàn toàn không thể nào chấp nhận được ngay cả trong những trường hợp bình thường, cho dù họ không hề biết gì về việc chúng tôi có đó, về việc chúng tôi muốn đi qua chỗ đó vậy”.
 

Trong bài viết nhan đề “Sự Thật Của Tôi”, được phổ biến trên tờ nhật báo của mình là Il Manifesto phát hành Chúa Nhật 6/3/2005, người nữ ký giả bị bắt cóc một tháng, từ ngày 4/2, rồi được thả ra ngày 4/3 để rồi trên đường ra phi trường về nước đã bị bắn thương đã tường thuật lại nội vụ là:

“Chúng tôi còn gần một kitômét” nữa là tới phi trường, nơi mà máy bay đang chờ để đưa bà về Rôma, thì “bấy giờ… tôi chỉ nhớ đạn bắn. Lúc ấy cả một cơn mưa đạn bắn tấn công chúng tôi, vĩnh viễn chấm dứt những lời nói vui vẻ mấy phút trước đó. Người tài xế bắt đầu hô lên rằng chúng tôi là những người Ý. ‘Chúng tôi là những người Ý, chúng tôi là những người Ý’. Nicola Calipari đã nhào người về phía tôi để bảo vệ tôi và lập tức, tôi xin lập lại, lập tức tôi nghe thấy hơi thở cuối cùng của ông lúc ông chết trên mình tôi. Tôi cảm thấy thân mình bị đau đớn, tôi không biết nguyên do tại sao. Thế nhưng bấy giờ tôi nghĩ ngay đến những điều thành phần bắt giữ tôi đã nói với tôi. Họ tuyên bố rằng họ đã quyết định hoàn toàn thả tôi ra nhưng tôi phải cẩn thận, ‘những người Hoa Kỳ không muốn bà trở về đâu’ Lúc họ nói với tôi tôi đã coi những lời ấy là những gì bồng bột và có tính cách ý hệ … ”.

Ngoài ra, bà còn cho biết về thành phần bắt cóc bà như sau: “Đối với tôi, thành phần bắt giữ tôi dường như là một nhóm người rất đạo đức, ở chỗ liên lỉ nguyện cầu Kinh Koran. Thế nhưng, vào lúc thả tôi ra, kẻ tỏ ra đạo đức nhất và là người thức dậy mỗi buổi sáng vào lúc 5 giờ để cầu nguyện đã đột ngột chúc mừng tôi, bắt tay tôi, một cử chỉ bất thường đối với một tay thủ cựu Hồi giáo, rồi hắn nói thêm ‘nếu bà biết điều thì bà sẽ được ra đi ngay bay giờ’”.

Hôm Thứ Bảy, 5/3/2005, tờ nhật báo Il Manifesto đã cáo buộc lực lượng Hoa Kỳ vào tội “ám sát” Calipari, một viên chức tình báo Ý 50 tuổi này.

Ông Pierre Scolari, đồng bạn của nữ ký giả Sgrena cũng cho rằng sự vụ là những gì xẩy ra có chủ ý: “Tôi hy vọng rằng chính phủ Ý làm một điều gì đó vì đây có thể là một cuộc phục kích theo tôi nghĩ, hoặc chúng ta đang xử trí với những tên đần độn hoặc những đứa con nít bị khủng bố bắn bừa vào bất cứ ai”.

Ngay từ ban đầu vấn đề chiến tranh Iraq vốn không được ủng hộ ở Ý. Biến cố xẩy ra hôm Thứ Sáu 4/3/2005 vừa rồi làm chết một viên chức tình báo của Ý lại gây thêm phẫn nộ cho quần chúng Ý, gây ra những cuộc xuống đường phản đối nữa. Hằng ngàn người đã tuốn ra các đường phố Rôma mang theo các bảng hiệu lên án chiến tranh và chính phủ Bush. Nữ ký giả Sgrena và tờ nhật báo của bà kịch liệt phản chiến. Bà viết rằng bà đã nói đi nói lại với các kẻ bắt cóc bà về sự kiện phản chiến này những họ không chịu thả bà ra.

(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, chuyển dịch theo tin tức của CNN ngày Chúa Nhật 6/3/2005)

 

Các Thứ Vũ Khí Đại Công Phá ở Iran

Iran và Nga ký thỏa hiệp về cung cấp nhiên liệu nguyên tử

Hôm Thứ Bảy 26/2/2005, Iran và Nga Sô đã ký kết với nhau một thỏa hiệp, giữa hai vị lãnh đạo nguyên tử lực của hai nước, tại lò nguyên tử Bushehr miền nam Iran, về vấn đề cung cấp nhiên liệu nguyên tử là những gì vẫn từng bị Hoa Kỳ phản đối và là những gì mở đường cho Iran khởi động lò phản ứng nguyên tử đầu tiên của họ vào năm tới.

Biến cố này xẩy ra đang khi Iran bị Hoa Kỳ gia tăng áp lực đối với nước này vì Hoa Kỳ cho rằng nước này đang bí mật chế tạo các thứ vũ khí nguyên tử.  Tuy nhiên, Iran, một quốc gia sản xuất dầu hỏa đứng thứ nhì thế giới, đã phủ nhận lời cáo buộc của Hoa Kỳ và được sự hỗ trợ của Nga Sô là quốc gia đóng vai trò chính yếu trong việc phát triển chương trình chế tạo nguyên tử của Iran.

Một trong những điều chính nơi bản hợp đồng này đòi Iran phải trả tất cả mọi nhiên liệu nguyên tử về lại cho Nga, và Nga hy vọng rằng đây là điều làm cho Hoa Kỳ cảm thấy đỡ lo rằng Iran sẽ sử dụng nhiên liệu họ có trong tay ấy, những gì có thể làm thành chất Plutonium chế bom, để chế tạo các thứ vũ khí. Ngược lại, theo lời của vị giám đốc Cơ Quan Nguyên Tử Lực Liên Bang Nga là Alexander Rumyantsev được đài truyền hình Iran trích lại thì “trong tương lai gần một số chuyên viên Nga sẽ được gửi đến Bushehr để trang bị trạm năng lực này”.

Ông này còn cho biết Iran có thể bắt đầu hoạt động vào cuối năm 2006: “Chúng tôi đang có dự định khai trương cơ sở này vào cuối năm 2006. Khoảng chừng nửa năm trước khi chuyến giao nhiên liệu đầu tiên xẩy ra”. Ông cho biết thêm số lượng đầu tiên của nhiên liệu phóng xạ uranium dồi dào đã có sẵn ở Siberia sẵn sàng để chuyển giao cho Iran. 

Cơ Quan Nguyên Tử Lực Quốc Tế IAEA, một cơ quan vốn điều tra chương trình nguyên tử của Iran hơn hai năm qua, nói rằng cơ quan này cũng sẽ cẩn thận theo dõi việc Iran sử dụng nhiên liệu ấy. Bên Iran muốn việc chuyển giao này sớm hơn nửa năm, và cũng chính vì việc bất đồng về việc chuyển giao ấy mà vấn đề thỏa hiệp, vừa được ký vào Thứ Bảy, 26/2/2005, đã bị đình trệ. Vấn đề thương lượng giữa hai nước này đã làm cho thỏa hiệp này bị kéo dài trên 2 năm trời, chứ không phải do bởi áp lực nào từ Hoa Kỳ cả, vị giám đốc cơ quan nguyên tử Iran cho đài phát thanh Iran biết như thế.

Một khi bắt đầu hoạt động, Iran sẽ sản xuất ra 1000 megawatts điện lực. Được bắt đầu trước cả cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979 rồi bị hư hại rất nhiều trong cuộc chiến tranh với Iraq, dự án này sau đó đã được phục hồi do sự giúp đỡ của Nga, với chi phí lên tới 8oo triệu Mỹ kim.

Iran tuyên bố cho biết nhưng dự án kiến thiết một số lò năng lực nữa, những lò năng lực làm phát sinh ra 7 ngàn megawatts từ nguyên tử lực vào năm 2021. Nga sô hy vọng chiếm được một số phần đáng kể nơi cuộc giao dịch mới này.  Khối Hiệp Nhất Âu Châu và Hoa Kỳ muốn Iran hoàn toàn loại bỏ những dự án làm tăng thêm chất phóng xạ uranium. Iran đã không chịu làm song cũng đã tạm ngưng việc ấy khi nước này cố gắng để tiến đến một cuộc ổn định được thương lượng với Khối Hiệp Nhất Âu Châu.

Dự án chế tạo vũ khí nguyên tử được bắt đầu từ kỷ nguyên Shah, bao gồm một chương trình xây cất 20 lò phản ứng năng lực nguyên tử. Hai trong các lò này nằm ở Bushehr, dọc duyên hải Vịnh Ba Tư, đã được bắt đầu nhưng chưa hoàn thành vị bị dội bom và hư hại bởi người Iraq trong cuộc chiến tranh giữa Iran và Iraq. Sau cuộc cách mạng 1979, tất cả mọi hoạt động nguyên tử lực đều bị ngưng đọng, mặc dù sau đó được tái diễn một cách sơ xài.

Iran đã chấp thuận Hiệp Ước Thôi Leo Thang Nguyên Tử năm 1970, và từ tháng 2/1992 đã cho phép Cơ Quan Nguyên Tử Lực Quốc Tế IAEA thanh tra các cơ sở nguyên tử lực của mình.

Nói chung những nỗ lực của Iran được cho rằng chú trọng tới việc tăng thêm chất phóng xạuranium, mặc dù có dấu hiệu cho thấy một hoạt động song song với nó về chất plutonium nữa. Iran tuyên bố là mình đang cố gắng thiết lập một chu kỳ hoàn toàn là chất đốt nguyên tử để hỗ trợ cho chương trình năng lực dân sự, nhưng chu kỳ chất đốt nguyên tử này có thể được sử dụng vào các chương trình chế tạo các thứ vũ khí nguyên tử. Iraq hình như đã trải các hoạt động nguyên tử của mình ra một số địa điểm để giảm bớt nguy cơ bị phát hiện hay bị tấn công.

Cơ Quan Nguyên Tử Lực Quốc Tế IAEA (International Atomic Energy Agency) đang thực hiện các cuộc điều tra liên quan tới vấn đề Iran có tuân hợp với Hiệp Ước Thôi Leo Thang Nguyên Tử 1970 hay chăng.

Vào cuối tháng 8/2003, cơ quan thanh tra này đã nói rằng một bản tường trình mật đã bị tiết lộ cho truyền thông biết rằng có những yếu tố của chất HEU (Highly Enriched Uranium) được tìm thấy ở một cơ sở nguyên tử của người Iran. Vào tháng 6/2003, bản tường trình Director General cũng của cơ quan này nói rằng Iran đã không đáp ứng những trách nhiệm của mình theo Hiệp Ước Thôi Leo Thang Nguyên Tử đòi hỏi. Bản tường trình của cơ quan này vào tháng 11/2003 còn cho thấy những vi phạm khác nữa. Vào tháng 12/2003, Iran đã ký thêm một nghị định thư cho phép các thanh tra viên của IAEA được thực hiện những cuộc thanh tra chớp nhoáng bất ngờ vào những cơ sở nguyên tử lực của nước này. Vào Tháng 2/2004, Iran bị khám phá thấy có những dự án thực hiện một máy ly tâm tân tiến cho thể khả dụng cho việc tăng thêm chất phóng xạ uranium. Trong bản tường trình của IAEA tháng 11/2004 vẫn còn những bất định chung quanh những hoạt động gia tăng chất phóng xạ uranium ở Iran.

Ngoài các thứ vũ khí hạch nhân, Iran còn chế tạo cả các thứ vũ khí hóa chất và sinh trùng nữa, những thứ vũ khí, cùng với vũ khí nguyên tử, được gọi là những thứ vũ khí đại công phá.

Về những thứ vũ khí hóa chất, Iran hiện đang có thể sử dụng các thứ vũ khí hóa chất, và Iran đang tiến triển trong việc chế tạo một cơ sở hạ tầng vũ khí hóa chất tự trợ rộng lớn. Iran đã công nhận Thỏa Hiệp Các Thứ Vũ Khí Hóa Chất, theo đó Iran bị bắt buộc phải loại trừ chương trình chế tạo vũ khí hóa chất của mình qua một thời đoạn nhiều năm. Tuy nhiên, Iran tiếp tục tăng cấp và phát triển hạ tầng cơ sở sản xuất vũ khí hóa chất cùng các kho đạn dược. Việc gia tăng nỗ lực này cho thấy rằng vai trò lãnh đạo Iran có ý bảo trì khả năng vững chắc về vũ khí hóa chất.

Chương trình sản xuất các thứ vũ khí hóa chất của Iran được bắt đầu từ thời chiến tranh Iran-Iraq. Iran sử dụng các tác nhân hóa chất để đáp lại những cuộc tấn công hóa chất của người Iraq trong một số trường hợp khi cuộc chiến đang diễn tiến. Từ đầu thập niên 1990, Iran đã lấy làm ưu tiên về việc sản xuất các thứ vũ khí hóa chất, chỉ vì Iran đã không thể đáp ứng loại vũ khí hóa chất này trước các cuộc tấn công hóa chất của Iraq, cũng như vì khám phá thấy rằng những nỗ lực thực sự của Iraq liên quan đến các tác nhân tiến bộ, như tác nhân VX.

Người ta ước lượng Iran có cả mấy ngàn tấn các tác nhân khác nhau, trong đó có chất sulfur mustard, phosgene, và cyanide. Khả năng sản xuất của nước này được ước lượng cả ngàn tấn một năm, tại các cơ sở sản xuất chính ở Damghan, 400 cây số ở phía đông thủ đô Tehran.

Được sự giúp đỡ rất nhiều từ các nước ngoài, Tehran đang có kỹ thuật học, các thứ máy móc tác nhân hóa chất, dụng cụ sản xuất và những máy móc sản xuất. Mặc dù Iran đang thực hiện một nỗ lực chung để tiến đến chỗ có khả năng sản xuất lấy về tất cả mọi khía cạnh chế tạo các thứ vũ khí hóa chất, nó vẫn lề thuộc vào các nguồn liệu ngoại quốc về những khoa kỹ thuật liên quan đến vũ khí hóa chất. Trung Cộng là một cung cấp viên quan trọng về các khoa kỹ thuật và máy móc cho việc chế tạo vũ khí hóa chất của Iran. Bởi thế, những qui chế cung cấp của Trung Cộng sẽ là những gì then chốt cho việc Tehran có đạt được mục tiêu dài hạn của mình trong việc tự sản xuất lấy các thứ khí giới hóa chất hay chăng.

Trong tương lai, khi Iran trở thành đủ sức để tự sản xuất các tác nhân hóa chất thì có thể nước này sẽ trở thành một cung cấp viên cho các quốc gia khác đang muốn phát triển khả năng chế tạo các thứ vũ khí hóa chất. Iran đã cung cấp cho Libya những tác nhân hóa chất vào năm 1987.

Về các thứ vũ khí sinh trùng, người ta cho rằng Iran đã bắt đầu thực hiện việc nghiên cứu vũ khí sinh trùng để tấn công cũng vào thời chiến cuộc giữa Iran và Iraq. Việc nghiên cứu này được gia tăng hơn nữa khi có những tiết lộ vào năm 1995 cho biết về tầm mức nỗ lực của Iraq trước Cuộc Chiến Vùng Vịnh. Chí phí tương đối thấp để chế tạo các thứ vũ khí sinh trùng này có lẽ cũng là một yếu tố góp, phần vào việc chế tạo vũ khí sinh trùng ở Iran. Iran đã công nhận Thỏa Ước Các Thứ Vũ Khí Sinh Trùng.

Chương trình chết tạo các thứ vũ khí sinh trùng của Iran hiện nay được cho rằng, nói chung, đang ở trong giai đoạn nghiên cứu và phát triển khá tiến bộ. Iran có những khoa học gia được huấn luyện thông thạo và thành phần chuyên gia đáng kể về các thứ dược liệu. Nước này cũng có hạ tầng cơ sở về thương mại và quân sự cần thiết để sản xuất những tác nhân chiến đấu sinh trùng và đã sản xuất được những số lượng tiên phong tác nhân khả dụng. Iran được cho rằng có thể thực hiện việc tự chế tạo các thứ vũ khí sinh trùng, chỉ cần nước ngoài giúp cho một chút thôi (mặc dù có một số chuyên viên về vũ khí sinh trùng này, nhất là từ Nga, đang tuôn vào Iran). Tường trình cho thấy nước này tập trung phòng thí nghiệm vũ khí sinh trùng gần các cơ sở sản xuất vũ khí hóa chất ở Damghan. Iran cũng làm ra một số đồ dùng cần thiết cho việc sản xuất các tác nhân sinh trùng.

Iran đã hầu như có thể nghiên cứu cả các độc tố lẫn những sinh cơ như để làm các tác nhân vũ khí sinh trùng, những tác nhân sản xuất ra một số tác nhân và có thể được vũ khí hóa một lượng nhỏ từ việc sản xuất này. Có thể Iran đã phát triển một lò vũ khí sinh trùng nhỏ có thể tung bắn ra bởi một vài bộ phận khác nhau. Với một số lượng nhỏ tác nhân khả dụng hiện nay, trong vòng 10 năm nữa, lực lượng quân sự của Iran có thể tung bắn những tác nhân sinh trùng một cách hiệu nghiệm.

       

(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, chuyển dịch theo tài liệu và tin tức của CNN)

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ