GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 4/2005

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho Kitô hữu sống các ngày Chúa Nhật của mình thực sự hơn như là những ngày của Chúa được giành đặc biệt cho Thiên Chúa và cho tha nhân”.

 

Ý Truyền Giáo: Xin cho hết mọi cộng đồng Kitô hữu có được một nhiệt tình nên thánh để thắp lên nhiều ơn gọi truyền giáo.  


 

__________________

 NGÀY 10 CHÚA NHẬT III PHỤC SINH,

NGÀY 3 TUẦN CỬU NHẬT CHO  ĐGPII

 

Tường Trình chính thức của Tòa Thánh về Thánh Lễ An Táng của ĐTC GPII ngày 8/4/2005

 

Trước khi bắt đầu Lễ an táng hôm nay cho Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ở Quảng Trường Thánh Phêrô trước sự hiện diện của 300 ngàn người, bao gồm cả 200 vị lãnh đạo Quốc gia và chính quyền, thi thể của vị Giáo Hoàng quá cố đã được đặt trong một chiếc quan tài bằng gỗ bá hương trước sự hiện diện của một số vị chứng dự.

Trong số những vị chứng dự nghi thức này có các vị hồng y Martinez Somalo, tổng quản Hội Thánh Rôma, Angelo Sodano, nguyên quốc vụ khanh tòa thánh, Joseph Ratzinger, trưởng Hồng Y Đoàn, Camillo Ruini, tổng đại diện giáo phận Rôma, Francesco Marchisano, Đền Thờ Vatican, và các vị TGM Stanislaw Dziwisz, bí thư riêng của ĐTC và James Harvey, trưởng ban Giáo Hoàng Gia.

 

Đức hồng y tổng quản giới thiệu nghi thức đóng quan tài. ĐTGM Piero Marini, trưởng ban nghi lễ giáo hoàng, bấy giờ đọc bản “Rogito”, bản văn tóm tắt về đời sống của Đức Giáo Hoàng, bản văn được ký nhận bởi những ai tham dự bấy giờ. Một bài đối ca và thánh vịnh được xướng lên, và sau đó là giây phút thinh lặng nguyện cầu. Thế rồi vị trưởng ban nghi lễ che mặt vị giáo hoàng quá cố bằng một tấm khăn lụa trắng và vị tổng quản ray nước thánh trên thi thể người chết. Sau đó vị trưởng nghi đặt một bọc đựng các thứ huy chương trong giáo triều của người quá cố và ống đựng bản văn Rogito vào trong quan tài.

 

Cuối cùng quan tài được đậy lại và Thánh Vịnh 41 được xướng lên.

Quan tài của Đức Gioan Phaolô II được khênh rước ra Quảng Trường Thánh Phêrô, được đặt trên một tấm thảm dưới nền trước bàn thờ chính và một cuốn sách Phúc Âm mở được đặt trên nắp quan tài. Đoàn rước bao gồm Hồng Y Đoàn và chư vị thượng phụ thuộc Các Giáo Hội Đông phương, tất cả đều mặc áo lễ đỏ, đến hôn bàn thờ trước khi về chỗ của mình. Thánh Lễ do Đức Hồng Y Joseph Ratzinger chủ tế và được đồng tế bởi 164 vị hồng y.

 

Hằng triệu người đã đến Rôma để dự lễ an táng Đức Gioan Phaolô II nhưng không thể dồn cả vào Quảng Trường Thánh Phêrô, nên đã theo dõi buổi lễ qua 27 đại màn ảnh truyền hình được đặt ở khắp thành phố, kể cả ở 2 vận động trường túc cầu, Đại Học Tor Vergata, Circus Maximus, các Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô, Đức Bà Cả và Thánh Phaolô Ngoại Thành, Piazza del Popolo, Piazza Risorgimento gần Vatican, Hí Trường Colosseum, và Via della Conciliazione, đại lộ dẫn đến Quảng Trường Thánh Phêrô.

 

Nhiều người ở Quảng Trường Thánh Phêrô, vào những lúc khác nhau trong Thánh Lễ, đã hô lên xin cho Đức Gioan Phaolô II được phong thánh. Những tiếng hô hoán này, được kèm theo bằng tràng vỗ tay kéo dài, bắt đầu khi ĐHY Ratzinger chấm dứt bài giảng của ngài. Một số biểu ngữ mang hàng chữ như “Santo Subito” (một vị thánh cấp thời), “John Paul II the Great” (Đại Giáo Hoàng Gioan Phaolô II), và “Pope John Paul II – saint” (Giáo Hoàng Gioan Phaolô II – một đấng thánh).

Tiếp theo lời nguyện sau hiệp lễ ĐHY Ratzinger đã tiến hành nghi thức cuối cùng và tiễn đưa, đứng gần quan tài của Đức Gioan Phaolô II. Thế rồi đến ĐHY Ruini đến đứng cạnh quan tài, ca đoàn hát Kinh Cầu Các Thánh và vị hồng y này kết thúc bằng lời nguyện cầu của Giáo Hội Rôma rồi trở về chỗ của mình.

Tới lúc này, các vị thượng phụ và TGM thuộc các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương “sui iuris”, đã tiến đến quan tài, hướng về bàn thờ, đọc lời nguyện của các Giáo Hội Đông phương theo Kinh Phụng Vụ lễ nghi Byzantines cầu cho Người Chết. Hết mọi người hiện diện đã nguyện cầu trong thinh lặng và ĐHY Ratzinger vẩy nước thánh trên thi hài trong khi ca đoàn hát bài đáp ca.

Rồi quan tài của Đức Gioan Phaolô II được mang vào Đền Thờ Vatican để an táng khi tín hữu hát bài Ca Vịnh Ngợi Khen Magnificat. Những vị hiện diện ở nghi thức đóng quan tài theo quan tài vào đền thờ. Đức Gioan Phaolô II được mang xuống vùng hầm mộ của Đền Thờ Thánh Phêrô để chôn táng với một nghi thúc do vị hồng y tổng quản chủ sự.

 

Quan tài bằng gỗ bá hương đựng các hài tích của Đức Gioan Phaolô được buộc bằng những cuộn giây băng mầu đỏ được đóng ấn tín của Apostolic Camera, Prefecture of the Papal Household, Office of Liturgical Celebrations of the Supreme Pontiff và Vatican Chapter. Sau đó, quan tài bằng gỗ bá hương được đặt vào trong những cỗ quan bằng đồng và gỗ được hàn lại và được bọc bởi những ấn tín của các văn phòng được kể đến trên đây. Trên nắp quan tài là cây thập giá và y hiệu giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II.

Văn phòng Basilica Chapter thị thực để chứng nhận việc an táng và đọc bản thị thực này cho những ai hiện diện bấy giờ nghe.

Mộ của ngài chỉ cách một của Thánh Phêrô một ít thước, gần Đức Phaolô VI và ở phía trước Đức Gioan Phaolô I (riêng chi tiết này lấy từ Zenit ngày 9/4/2005).

Tham dự Thánh Lễ an táng cho Đức Thánh Cha bao gồm những quốc vương của 10 quốc gia, 57 vị lãnh đạo quốc gia, 3 nữ hoàng, 17 vị lãnh đạo chính quyền, các vị lãnh đạo 3 tổ chức quốc tế, và các vị đại diện thuộc 10 tổ chức khác, 3 phu nhân của các vị lãnh đạo quốc gia, 8 vị phó lãnh đạo quốc gia, 6 vị phó chủ tịch, 4 vị chủ tịch quốc hội, 12 vị ngoại trưởng, 13 vị bộ trưởng, và các vị lãnh sự thuộc 24 quốc gia.

Các phái đoàn đại biểu tôn giáo bao gồm 140 vị, kể cả những vị đại diện của Giáo Hội Chính Thống, Các Giáo Hội Chính Thống Đông Phương, các Giáo Hội và các cộng đoàn giáo hội Tây phương, những tổ chức Kitô giáo quốc tế, Hiệp Hội Quốc Gia Tin Lành, các vị đại diện Do Thái giáo, Hồi giáo và các đại biểu thuộc các tôn giáo ngoài Kitô giáo.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo VIS Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo tài liệu của mạng điện toán toàn cầu VIS của Tòa Thánh phổ biến qua điện thư ngày 8/4/2005

 

 

Lễ An Táng ĐTC GPII 8/4/2005: Bài Giảng của ĐHY chủ tế Joseph Ratzinger

“Hỡi Đức Thánh Cha, xin hãy ban phép lành cho chúng tôi từ cửa sổ phòng của ngài”
 

(Tiếp)

 

Hãy theo Thày! Vào tháng 10/1978, ĐHY Wojtyla, một lần nữa, đã nghe thấy tiếng Chúa gọi. Một lần nữa, lại xẩy ra cuộc đối thoại với Thánh Phêrô được trình thuật trong bài Phúc Âm Thánh Lễ hôm nay: ‘Simon, con Jonah, con có yêu mến Thày hay chăng?’ Hãy chăn các chiên mẹ của Thày!’ Trước câu hỏi Chúa hỏi ‘Karol, con có yêu mến Thày hay chăng?’, ĐTGM Krakow đã đáp lại tận đáy lòng mình rằng: ‘Chúa biết hết mọi sự; Chúa biết rằng con yêu mến Chúa’. Tình yêu Chúa Kitôđã động lực chính yếu nơi đời sống Đức Thánh Cha thân yêu của chúng ta. Bất cứ ai đã từng thấy ngài cầu nguyện, những ai đã từng nghe ngài giảng, đều biết được điều ấy. Nhờ việc ngài sống sâu xa thân mật với Chúa Kitô như thế, ngài đã có thể mang vác một gánh nặng vượt trên khả năng thuần túy của phàm nhân: gánh nặng làm mục tử của đàn chiên Chúa Kitô, của Giáo Hội hoàn vũ của mình. Đây không phải là lúc nói về những gì đặc biệt của giáo triều phong phú này. Tôi chỉ xin đọc hai đoạn phụng vụ hôm nay nói lên những yếu tố chính yếu nơi sứ điệp của ngài. Trong bài đọc thứ nhất, Thánh Phêrô – và cùng với Thánh Phêrô cả vị Giáo Hoàng này nữa – nói rằng ‘Tôi thực sự hiểu được rằng Thiên Chúa đã không tỏ ra thiên vị, thế nhưng, nơi hết mọi dân nước, ai kính sợ Ngài và làm những gì chân thực đều đáng được Ngài chấp nhận. Anh em biết rằng sứ điệp Ngài đã gửi đến cho dân Do Thái, đó là việc rao giảng hòa bình của Chúa Giêsu Kitô – Người là Chúa của tất cả mọi người’ (Acts 10:34-36). Và trong bài đọc thứ hai, Thánh Phaolô – và cùng với Thánh Phaolô, vị cố Giáo Hoàng của chúng ta, đã kêu gọi chúng ta khi kêu lên rằng: ‘Anh chị em thân mến, những người tôi yêu thương và mong đợi, là niềm vui và là vinh dự của tôi, anh chị em hãy đứng vững như thế trong Chúa, hỡi những người tôi quí mến’ (Phil 4:1).

Hãy theo Thày! Kèm theo lệnh truyền chăm sóc cho đàn chiên của Người, Chúa Kitô còn báo cho Phêrô rằng thánh nhân sẽ phải chịu một cái chết tử đạo. Bằng những lời này, những lời kết thúc và tóm tắt cuộc đối thoại về lòng mến yêu cũng như về lệnh truyền làm chủ chiên hoàn vũ, Chúa Kitô đã nhắc lại một cuộc đối thoại khác đã diễn ra trong Bữa Tiệc Ly. Bấy giờ Chúa Giêsu đã phán: ‘Nơi Thày đi các con không thể nào tới được’ Thánh Phêrô thưa Người rằng: ‘Lạy Thày, Thày đi đâu thế?’ Chúa Giêsu đáp: ‘Nơi Thày đi hiện nay con không thể nào theo Thày nổi đâu; nhưng sau này con sẽ theo Thày’ (Jn 13:33,36). Từ Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã tiến tới Thập Giá, tiến tới cuộc phục sinh của Người – Người đã đi vào cuộc vượt qua của Người; và Thánh Phêrô chưa thể nào theo được Người. Giờ đây, sau cuộc phục sinh, thời giờ ấy đã đến, thời điểm ‘sau này’ đã đến. Bằng việc chăn dắt đàn chiên của Chúa Kitô, Thánh Phêrô đã đi vào mầu nhiệm vượt qua, thánh nhân đã tiến về phía thập tự giá và về cuộc phục sinh. Chúa Kitô đã nói về điều này bằng những lời: ‘… khi con còn trẻ, con thường tự mình thắt lưng lấy và đi đâu tùy ý con muốn’ (Jn 21:18). Trong những năm đầu của giáo triều mình, những năm còn trẻ trung và đầy nhiệt huyết, Đức Thánh Cha đã đi đến tận cùng trái đất theo sự dẫn dắt của Chúa Kitô. Thế nhưng sau đó, ngài càng ngày càng đi sâu vào cuộc hiệp thông khổ đau với Chúa Kitô; càng hiểu được sự thật của những lời này: ‘Người ta sẽ thắt lưng cho con’. Và trong chính cuộc hiệp thông đau khổ này với Chúa Kitô một cách liên tục và càng gia tăng hơn, ngài đã loan báo Phúc Âm, loan báo mầu nhiệm về một tình yêu thương cho đến cùng tận (x Jn 13:1).

Ngài đã giải thích cho chúng ta mầu nhiệm vượt qua như là một mầu nhiệm của lòng thương xót Chúa. Trong tác phẩm cuối cùng của mình, ngài đã viết: Cái giới hạn áp đặt trên sự dữ ‘tối hậu là Lòng Thương Xót Chúa’ (Hồi Niệm và Căn Tính, trang 60-61). Và khi suy nghĩ về biến cố mạng sống ngài bị cố sát, ngài đã nói: ‘Trong việc hy hiến mình cho tất cả chúng ta, Chúa Kitô đã cống hiến cho đau khổ một ý nghĩa mới, mở ra một chiều kích mới, một trật tự mới, đó là trật tự của yêu thương… Chính cái đau khổ này đốt cháy và thiêu rụi đi sự dữ bằng ngọn lửa yêu thương và rút ran gay từ tội lỗi cả một cuộc bừng nở đầy những thiện hảo’ (cùng nguồn, trang 189-190). Được thôi thúc bởi nhãn quan ấy, vị Giáo Hoàng này đã chịu đựng khổ đau và đã yêu qúi việc hiệp thông với Chúa Kitô, nên đó là lý do tại sao sứ điệp về khổ đau của ngài cùng việc thinh lặng của ngài là những gì thất là sống động và hiệu năng.

Lòng Thương Xót Chúa: Đức Thánh Cha đã thấy được cái phản ảnh thuần khiết nhất của tình thương Thiên Chúa nơi Người Mẹ Thiên Chúa. Ngài là người đã mồ côi mẹ từ nhỏ đã càng tỏ ra kính mến người mẹ thần linh này hơn nữa. Ngài đã nghe thấy những lời của Chúa Kitô tử giá như là lời nói với riêng ngài: ‘Này là Mẹ của con’. Bởi thế, ngài thực hiện như người môn đệ yêu dấu đã làm, đó là ngài đã đem Mẹ về nhà của ngài (eis ta idia: Jn 19:27) – ‘Totus Tuus – tất cả của con là của Mẹ’. Và từ người mẹ này, ngài đã học nên giống Chúa Kitô.

Không ai trong chúng ta có thể quên được cảnh tượng diễn ra hôm Chúa Nhật Phục Sinh vừa rồi trong cuộc đời của ngài, Đức Thánh Cha, đầy những đớn đau, lại tiến đến cửa sổ Tông Dinh của mình để ban phép lành ‘urbi et orbi – cho thành Rôma và cho thế giới’ một lần cuối cùng. Chúng ta có thể chắc chắn rằng vị Giáo Hoàng thân yêu của chúng ta hôm nay đang đứng ở cửa sổ phòng của một Người Cha, ngài đang trông thấy chúng ta và ban phép lành cho chúng ta. Vâng, xin hãy ban phép lành cho chúng con, Đức Thánh Cha ơi. Chúng con xin dâng phú linh hồn yêu dấu của cha cho Mẹ Thiên Chúa cũng là Mẹ của cha, Vị đã hướng dẫn cha từng ngày và là vị giờ đây dẫn cha đến vinh quang đời đời của Con Mẹ là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Amen.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo VIS của Tòa Thánh qua điện thư ngày 7/4/2005.

 

 

Tòa Thánh bày tỏ lòng biết ơn về vấn đề hiệu năng trong việc tiếp đón khách hành hương

Giám đốc văn phòng báo chí tòa thánh Joaquín Navarro-Valls đã phổ biến bản văn sau đây vào buổi chiều hôm qua cho phóng viên báo chí:

“Tòa Thánh cảm thấy có nhiệm vụ cám ơn chính quyền Ý và thành phố Rôma về việc dấn thân và tính cách hiệu năng họ có được để tiếp đón hằng triệu khách hành hương đến Rôma để bái biệt Đức Gioan Phaolô II cũng như để tham dự lễ an táng của ngài. Đó là một biến cố ngoại lệ và diễn ra một cách thực sự là ngoại thường.

“Tòa Thánh cũng muốn đề cao việc thuận lợi và lòng quảng đại của tất cả mọi người tham gia vào việc tổ chức một biến cố vừa vô tiền lại vừa bất khả tiên đoán ở tất cả mọi khía cạnh của nó.

“Đặc biệt cám ơn hằng ngàn tình nguyện viên từ khắp Ý quốc, những người đã luôn dấn thân, cùng với cơ quan Bảo Vệ Dân Sự Ý và các lực lượng luật pháp để bảo đảm đoàn người hành hương một cách trật tự và yên hàn.

“Sau hết, xin đặc biệt hoan hô tất cả mọi người công dân Rôma về sự hợp tác và nhẫn nại của họ trong việc chấp nhận tình trạng bất tiện bất khả tránh trong những ngày này. Rôma một lần nữa đã cho thấy tính cách lịch thiệp ngàn năm của mình và việc nó gắn bó với vị giáo hoàng vừa quá cố”.


Tổng Nghị Hồng Y lần VI: kiểm điểm về Lễ an táng và hướng về cuộc bầu giáo hoàng

Vào lúc kết thúc cuộc tổng nghị hồng y lần sáu Thứ Bảy 9/4/2005, vị giám đốc văn phòng báo chí tòa thánh Joaquín Navarro-Valls đã tường trình cho phóng viên báo chí biết nội dung cuộc tổng nghị hồng y lần 6 này như sau:

“Tổng Nghị Hồng Y lần 6 trong thời gian trống ngôi giáo hoàng đã diễn ra vào sáng nay ở Sảnh Đường New Synod.

“Sau kinh khai mạc, các vị hồng y tham gia hội nghị hôm nay tuyên thệ. Có 130 vị hồng y hiện diện.

“ĐHY Trujillo đã bày tỏ lòng biết ơn đến nhiều người về việc cử hành hôm qua, đó là ĐHY Joseph Ratzinger, trưởng Hồng Y Đoàn, ĐHY Eduardo Martinez Somalo, tổng quản Hội Thánh Rôma, và các dịch vụ Vatican khác nhau; Văn Phòng Quốc Vụ Khanh, Văn Phòng Trưởng Ban Nghi Lễ về việc sửa soạn, tổ chức và diễn tiến cuộc cử hành an táng trang trọng hôm qua.

“Đoạn ngài bày tỏ lòng biết ơn chân thành đến tất cả mọi người hành hương có mặt, nhất là những người từ Balan cũng như từ khắp nơi trên Ý quốc, ngài cũng cám ơn về việc tiếp đón của thành phố Rôma về việc hành hương ngoại thường này.

“Cuộc họp cũng đặc biệt cám ơn các thẩm quyền Ý quốc về việc tổ chức toàn vẹn và sáng giá những biến cố ngoại thường của những ngày này.

“Có một số vấn đề bàn tới liên quan đến việc cử hành, bắt đầu với Lễ an táng hôm qua, tuần chín ngày tang chế cho Đức ciố Giáo Hoàng.

“Các vị hồng y cứu xét một số vấn đề liên quan tới việc các ngài vào Nhà Thánh Matta ‘Domus Sanctae Marthae’ và việc khai mạc chính thức Mật Nghị được bắt đầu đúng như ấn định vào Thứ Hai, 18/4/2005.

“Các vị hồng y, sau Lễ an táng của ĐTC, bắt đầu một giai đoạn gia tăng thinh lặng và nguyện cầu hơn, liên quan tới việc bầu giáo hoàng. Các vị đồng tâm nhất trí tránh các cuộc phỏng vấn và gặp gỡ giới truyền thông. Bởi thế, các phóng viên báo chí được kêu gọi một cách tế nhị là đừng xin phỏng vấn hay bất cứ một nhận định nào. Việc mời gọi này không nên coi như là một thái độ bất lịch sự hay không tha thiết với giới truyền thông – thật vậy, các vị hồng y muốn cám ơn họ về việc họ hết sức chú trọng khiến họ theo dõi các biến cố trong dịp này – mà là một cử chỉ có trách nhiệm lớn

“Chương 1 và 2 của Tông Hiến ‘Universi Dominici Gregis’ đã được đọc lên ở sảnh đường này.

“Có hai vị hồng y cho biết rằng các vị không thể tham dự vì lý do sức khỏe, đó là ĐHY Jaime L. Sin, TGM hồi hưu Manila, Phi Luật Tân, và ĐHY Adolfo Antonio Suarez Rivera, TGM về hưu ở Monterrey Mễ Tây Cơ”.

Vị giám đốc này cho biết thêm là phái đoàn lãnh sự làm việc bên cạnh tòa thánh sẽ được mời dự Lễ “pro eligendo Summo Pontifice” vào sáng Thứ Hai, 18/4.

Ông cũng nói rằng ông đã nhận được vô số câu hỏi về tiến trình phong chân phước cho Đức Gioan Phaolô II và ghi nhận rằng đây là vấn đề hoàn toàn tùy vào vị tân giáo hoàng.



Tổng Thống Bush bày tỏ cảm nghiệm sau lễ an táng Đức cố giáo hoàng Gioan Phaolô II

Tổng Thống Bush từ lễ an táng đức cố giáo hoàng Gioan Phaolô II về đêm Thứ Sáu, ông đã tỏ lòng trọng kính vị cố lãnh đạo của Giáo Hội Công giáo Rôma trong bài diễn văn phát thanh hằng tuần của mình.

Ông nói những việc cử hành đã lôi kéo các vị quốc vương, tổng thống và hành hương từ khắp nơi trên thế giới về Rôma là “một nhắc nhở mãnh liệt và tác động về cái ảnh hưởng sâu xa vị giáo hoàng này có được trên thế giới của chúng ta”.

“Hết mọi nơi ngài đến, vị giáo hoàng này đều rao giảng rằng tiếng gọi tự do là tiếng gọi giành cho hết mọi phần tử thuộc gia đình nhân loại, vì tác giả của sự sống đã viết nó vào bản tính loài người chung của chúng ta. Nhiều người ở Tây phương đã đánh giá nhẹ tầm mức ảnh hưởng của vị giáo hoàng này. Thế nhưng, những ai ở sau Bức Màn Sắt đã biết rõ hơn, và sau cùng ngay cả Bức Tường Bá Linh cũng không đứng vững quyền lực mãnh liệt của vị giáo hoàng Balan này”.

Vị tổng thống này đang tìm cách phổ biến nền dân chủ cho các quốc gia khác, ông thường nói về tự do là tặng ân của Thiên Chúa. Ông nói rằng Đức Gioan Phaolô II đã dấn thân cho lý tưởng này từ khi còn trẻ ở Balan, khi ngài tránh né cơ quan mật vụ Đức Quốc xã để tham dự chủng viện chui.

“Sau đó, khi ngài được bổ nhiệm là vị giám mục trẻ nhất Balan, ngài đã phải đối diện với một chế độ chuyên chế lớn khác của thế kỷ 20 là cộng sản. Và ngài đã sớm dạy cho các kẻ cầm quyền cộng sản ở Warsaw và Moscow rằng sự thật về luân lý có các đạo quân của nó và có một quyền lực còn lớn hơn cả những thứ quân đội và công an mật vụ của họ”.

Vị tổng thống này là tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên tham dự một lễ an táng giáo hoàng. Trong chuyến bay về nước, ông đã cho biết lễ an táng đã tác động ông hơn là ông tưởng và sẽ có ảnh hưởng đến vai trò làm tổng thống của ông.

“Cuộc cử hành hôm nay, tôi dám cá với anh chị em là đối với hằng triệu người, là một sự tái quyết tâm cho nhiều người và là một cách để bảo đảm là những ngờ vực không thấm nhiễm vào tâm hồn của anh chị em”.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo bài ‘Bush praises pope's 'profound impact', được CNN phổ biến ngày 9/4/2005
 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ