GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 4/2005

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho Kitô hữu sống các ngày Chúa Nhật của mình thực sự hơn như là những ngày của Chúa được giành đặc biệt cho Thiên Chúa và cho tha nhân”.

 

Ý Truyền Giáo: Xin cho hết mọi cộng đồng Kitô hữu có được một nhiệt tình nên thánh để thắp lên nhiều ơn gọi truyền giáo.  


 

__________________

 NGÀY 17 CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH,

LỄ CHÚA CHIÊN LÀNH, NGÀY ƠN GỌI,

NGÀY 9 TUẦN CỬU NHẬT CHO  ĐGPII

 

“Được kêu gọi để thả lưới ở chỗ nước sâu”

ĐTC GPII: Sứ Điệp Ngày Thế Giới Nguyện Cầu Ơn Gọi 42 (17/4/05)

  

Vào năm 1964, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã thiết lập Ngày Thế Giới Nguyện Cầu Ơn Gọi hằng năm, cũng như Ngày Thế Giới Hòa Bình hằng năm (được bắt đầu từ năm 1968 vào ngày đầu năm Dương lịch). Ngày Thế Giới Nguyện Cầu Ơn Gọi 2005 sẽ là ngày 17/4, Chúa Nhật Thứ Tư Mùa Phục Sinh cũng gọi là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành. Theo truyền thống của ngày này, cũng như của các ngày khác, như Ngày Thế Giới Truyền Giáo, Ngày Thế Giới Truyền Thông v.v., ĐTC GPII, từ ngày lên làm Giáo Hoàng đến nay, đã không bỏ một năm nào mà không gửi sứ điệp cho từng ngày đặc biệt ấy.

 

Hai năm mới đây, ý tưởng chính của sứ điệp cho Ngày Nguyện Cầu Ơn Gọi này là Lý Tưởng Phục Vụ (2003) và Xin chủ sai thợ đến làm mùa (2004). Chủ đề năm nay là “được kêu gọi để thả lưới ở chỗ nước sâu”, ý tưởng nồng cốt của Tông Thư Mở Màn Cho Một Tân Thiên Niên Kỷ (ban hành ngày Lễ Hiển Linh 6/1/2001 để bế mạc Đại Năm Thánh 2000), và cũng là ý hướng của ĐTC GPII muốn Giáo Hội sống trong ngàn năm thứ 3 Kitô giáo. Sau đây là nguyên văn sứ điệp cho Ngày Nguyện Cầu Ơn Gọi 2005 của ngài.

 

 Chư Huynh đáng kính trong Hàng Giáo Phẩm,

Anh Chị Em rất thân mến!

 

1.         "Duc in altum!" – “hãy thả lưới ở chỗ nước sâu!”. Mở đầu cho bức Tông Thư Novo millennio ineunte – Vào lúc khởi đầu cho một tân thiên niên kỷ, tôi đã trích lại những lời Chúa Giêsu sử dụng để khuyến khích các môn đệ đầu tiên của Người trong việc thả lưới sâu hơn để bắt cá, một việc đã mang lại một mẻ cá lạ lùng. Chúa Giêsu nói với tông đồ Phêrô rằng: "Duc in altum – Hãy thả lưới ở chỗ nước sâu” (Lk 5:4). “Phêrô và những người đồng bạn đầu tiên đã tin tưởng vào những lời của Chúa Kitô mà thả lưới” (Novo millennio ineunte, 1).

 

Cảnh Phúc Âm quá quen thuộc này có thể được sử dụng như là một bối cảnh cho Ngày Thế Giới Nguyện Cầu Ơn Gọi theo chủ đề “được kêu gọi để thả lưới ở chỗ nước sâu”. Đây là một dịp đặc biệt để suy nghĩ về ơn gọi theo Chúa Kitô, nhất là theo Người trong đời sống linh mục và tận hiến tu trì.

 

2.         "Duc in altum!" Mệnh lệnh này của Chúa Kitô đặc biệt liên hệ với thời đại của chúng ta, khi mà đang có một tâm thức phổ thông, khi đối diện với những thứ khó khăn, ưa chuộng những gì dễ dãi cho bản thân. Điều kiện đầu tiên để “thả lưới ở chỗ nước sâu” đó là vun trồng một tinh thần cầu nguyện sâu xa được nuôi dưỡng bằng việc hằng ngày lắng nghe Lời Chúa. Tính cách chân thực của đời sống Kitô hữu được đo lường bằng sự sâu xa nguyện cầu của họ, một nghệ thuật cần phải được khiêm tốn học hỏi “từ môi miệng của Vị Tôn Sư Thần Linh”, van nài “như những người môn đệ đầu tiên rằng ‘Lạy Thày, xin dạy chúng con cầu nguyện!’ (Lk 11:1). Trong việc nguyện cầu diễn ra một cuộc đối thoại với Chúa Kitô và cuộc đối thoại này làm cho chúng ta trở thành những người bạn thân tình của Người: ‘Các con hãy ở trong Thày và Thày ở trong các con’ (Jn 15:4)” (Novo millennio ineunte, 32).

Mối liên hệ với Chúa Kitô bằng việc nguyện cầu cũng giúp cho chúng ta ý thức được rằng Người cũng hiện diện cả trong những lúc có vẻ thua bại, khi nỗ lực liên lỉ dường như vô bổ, như đã xẩy ra cho chính các Vị Tông Đồ, những người vất vả thâu đêm mà vẫn kêu lên: “Lạy Thày, chúng tôi chẳng bắt được gì cả” (Lk 5:5). Đặc biệt là trong những lúc ấy người ta cần phải mở lòng ra hứng nhận muôn vàn ân sủng và để cho lời của Đấng Cứu Thế tác động với tất cả quyền lực của mình: "Duc in altum!" (cfr Novo millennio ineunte, 38).

3.         Ai mở lòng mình ra cho Chúa Kitô thì chẳng những hiểu được mầu nhiệm của việc họ hiện hữu mà còn cả mầu nhiệm ơn gọi của họ nữa; họ sẽ trổ sinh muôn vàn hoa trái ân sủng. Hoa trái đầu tiên sẽ là việc họ lớn lên trong thánh đức, theo tiến trình của cuộc hành trình thiêng liêng được bắt đầu từ tặng ân của Phép Rửa và tiếp tục cho tới tầm mức thành toàn của đức mến trọn hảo (cfr. Ibid., 30). Sống Phúc Âm một cách nguyên vẹn, Kitô hữu bao giờ cũng tăng triển khả năng yêu thương như Chúa Kitô đã yêu thương, và đáp ứng lời kêu gọi của Chúa Kitô: “Bởi thế, các con phải nên trọn lành như Cha của các con trên trời là Đấng trọn lành” (Mt 5:48). Họ sẽ dấn thân bảo trì mối hiệp nhất với an hem họ trong mối hiệp thông của Giáo Hội, và họ sẽ dấn thân phục vụ việc tân truyền bá phúc âm hóa, loan truyền và làm chứng cho sự thật tuyệt vời về tình yêu cứu độ của Thiên Chúa.

4.         Thanh thiếu niên và giới trẻ thân mến, tôi đặc biệt lập lại với các bạn lời Chúa Kitô mời gọi “hãy thả lưới ở chỗ nước sâu”. Các bạn cảm thấy mình cần phải thực hiện những quyết định quan trọng cho tương lai của các bạn. Tôi vẫn ấp ủ trong lòng tôi hồi niệm về nhiều cơ hội trong nhiều năm trời đã được gặp gỡ giới trẻ, thành phần giờ đây đã trở thành người lớn, một số trong họ có lẽ đã là cha mẹ của các bạn, hay là những linh mục hoặc tu sĩ, những bậc thày dạy đức tin của các bạn. Tôi đã thấy họ, hân hoan vui sướng như giới trẻ thực sự, nhưng cũng tỏ ra suy tư, vì họ cảm thức được một niềm ước mong làm sao cho đời sống của họ được hoàn toàn có ‘ý nghĩa’. Tôi càng ngày càng thấy được hơn nữa nơi giới trẻ cái hấp lực mạnh mẽ biết bao trước những thứ giá trị về tinh thần, và niềm mong ước chân tình biết mấy muốn sống thánh đức. Giới trẻ cần Chúa Kitô, thế nhưng họ cũng biết rằng Chúa Kitô cũng tỏ ra cần đến họ nữa.

Giới trẻ nam nữ thân mến! Các bạn hãy tin tưởng Chúa Kitô; hãy chăm chú lắng nghe những giáo huấn của Người, hãy gắn mắt vào dung nhan của Người, hãy kiên tâm lắng nghe Lời của Người. Các bạn hãy để Người là tâm điểm của việc các bạn tìm kiếm và khát mong, củ atất cả mọi lý tưởng của các bạn cũng như của các ước mong trong lòng các bạn.

5.         Giờ đây tôi hướng về anh chị em, những người làm cha mẹ và những nhà giáo dục Kitô giáo thân mến, về những linh mục, tu sĩ và giáo lý viên thân mến. Thiên Chúa đã ký thác cho anh chị em công việc đặc biệt hướng dẫn giới trẻ trên con đường thánh đức. Anh chị em hãy làm gương sáng cho chúng trong việc quảng đại trung thành với Chúa Kitô. Anh chị em hãy khuyến khích chúng hăng hái “thả lưới ở chỗ nước sâu”, nhiệt tình đáp lời mời gọi của Chúa. Một số được Người gọi sống đời gia đình, những người khác sống đời tận hiến tu trì hay đời linh mục thừa tác. Anh chị em hãy giúp chúng nhận thức được con đường của chúngï, trở thành những người bạn đích thực của Chúa Kitô và trở nên môn đệ chân thực của Người. Khi những con người thành nhân Kitô giáo chứng tỏ mình có khả năng bày tỏ dung nhan của Chúa Kitô qua lời nói và gương sáng của họ, thì giới trẻ mới dễ dàng sẵn sàng đón nhận sứ điệp gay go thách đố của Người thực sự có ghi ấn tín mầu nhiệm Thập Giá.

Anh chị em đừng quên rằng cả ngày nay nữa vẫn cần đến những vị linh mục thánh thiện, những con người hoàn toàn hiến thân phụng sự Thiên Chúa! Ý thức như thế, tôi muốn lập lại một lần nữa rằng: “Rất cần phải áp dụng một chương trình rộng lớn để cổ võ ơn kêu gọi, bằng việc liên lạc riêng tư, bao gồm các giáo xứ, học đường và gia đình trong nỗ lực nuôi dưỡng ý nghĩ thận trọng hơn về các thứ giá trị thiết yếu của đời sống. Những giá trị này tiến đến chỗ trọn vẹn của mình nơi việc đáp ứng của con người được mời gọi đối với tiếng gọi của Thiên Chúa, nhất là khi tiếng gọi ấy bao hàm việc hoàn toàn trao tặng bản thân mình cùng sinh lực của mình cho Nước Trời” (Novo millennio ineunte, 46).

Hỡi giới trẻ, tôi lập lại lời của Chúa Giêsu với các bạn: “Duc in altum!”. Trong việc đề ra cho các bạn một lần nữa lời huấn dụ của Người, tôi đồng thời cũng nghĩ đến những lời mà Mẹ Maria, Mẹ Người, đã nói cùng thành phần phục dịch tiệc cưới Cana ở Galilêa: “Các anh hãy làm những gì Người bảo” (Jn 2:5). Giới trẻ thân mến, Chúa Kitô đang xin các bạn hãy “thả lưới ở chỗ nước sâu” và Trinh Nữ Maria đang khuyến khích các bạn đừng ngại ngần tiến bước theo Người.

6.         Chớ gì lời thiết tha nguyện cầu, được nâng đỡ bởi việc chuyển cầu từ mẫu của Mẹ Maria, từ khắp nơi trên thế giới dâng lên Cha trên trời để xin Ngài sai “thợ đến làm mùa của Ngài” (Mt 9:38). Chớ gì Ngài gửi tới cho hết mọi phần thuộc đàn chiên của Ngài những vị linh mục nhiệt thành và thánh hảo. Với ý thức ấy, chúng ta hãy hướng về Chúa Kitô, Vị Linh Mục Thượng Phẩm, để lại tin tưởng nguyện cầu cùng Người rằng:

Lạy Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa,

Đấng chất chứa trọn vẹn Thần Tính,

Chúa kêu gọi tất cả mọi người đã lãnh nhận phép rửa “hãy thả lưới ở chỗ nước sâu”,

Bằng việc đi vào con đường dẫn đến thánh đức.

Xin Chúa hãy làm bừng lên nơi tâm can của giới trẻ lòng ước muốn

Trở thành những nhân chứng trong thế giới ngày nay

Cho quyền năng của tình yêu Chúa.

Xin Chúa hãy làm cho họ được tràn đầy Thần Linh dũng lực và khôn ngoan của Chúa.

Để họ có thể khám phá được tất cả sự thật

Về họ cũng như về ơn gọi của họ.

 

Lạy Đấng Cứu Thế của chúng con,

Đấng được Cha sai đến để mạc khải tình yêu nhân hậu của Ngài ra,

Xin Chúa ban cho Giáo Hội của Chúa tặng ân

Giới trẻ là thành phần sẵn sàng thả lưới ở chỗ nước sâu,

Trở thành dấu chỉ giữa anh em của họ

Việc hiện diên canh tân và cứu độ của Chúa.

 

Hỡi Trinh Nữ Thánh là Mẹ Chúa Cứu Thế,

Là vị hướng đạo lành nghề dẫn đường tới Thiên Chúa và tha nhân,

Mẹ đã suy niệm lời của Ngài trong thẳm cung tâm hồn Mẹ,

Xin hãy bảo trì bằng việc chuyển cầu từ mẫu của Mẹ

Gia đình của chúng con và các cộng đồng giáo hội của chúng con,

Để họ có thể giúp cho thanh thiếu niên và giới trẻ

Quảng đại đáp lại tiếng Chúa kêu gọi.

Amen.

 

Tại Castel Gandolfo ngày 11/8/2004

 

Gioan Phaolô II

 

 Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ http://www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/messages/vocations/documents/hf_jp-ii_mes_20040811_xlii-voc-2005_en.html

 

 

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II:

Một Mẫu Gương Mục Tử chăn dắt đàn chiên

 

Sau đây là cuộc phỏng vấn của Zenit với ĐTGM Milwaukee Timothy Dolan theo những gì vị TGM này nhận định về ĐTC liên quan đến vai trò giám mục. Theo vị TGM này thì các vị giám mục khó có thể chu toàn được ba sứ vụ (quản trị, thánh hóa và ngôn sứ) của mình, ngoại trừ nơi ĐTC GPII. Vị TGM này cho biết tác phẩm của ĐTC “Đứng lên, nào chúng ta đi” về kinh nghiệm làm giám mục của ĐTC, và tông huấn “Mục Tử chăn dắt Đàn Chiên - Pastores Gregis” hậu thượng hội giám mục thế giới về chủ đề giám mục, đã là những gì giúp cho các vị giám mục xét lại lương tâm của mình nói chung, và cho bản thân của vị TGM này nói riêng.


Vấn:     Tác phẩm “Đứng lên, nào chúng ta đi” và tông huấn mới đây của ngài “Pastores Gregis- Mục Tử chăn dắt Đàn Chiên” đã ảnh hưởng tới quan niệm của đức tổng giám mục ra sao về vai trò làm giám mục?


Đáp:     Chúng đã ảnh hưởng đến quan niệm của tôi về vai trò làm giám mục rất nhiều và qua nhiều cách thức.


Trước hết, cả hai thứ này, tác phẩm “Đứng lên, nào chúng ta đi” (Warner Books) và tông huấn hậu thượng hội giám mục về giám mục của ngài “Pastores Gregis” đã nhấn mạnh đến nhu cầu mãnh liệt đối với việc nên thánh và nguyện cầu nơi một vị giám mục. Đọc những bài phản tỉnh của ĐTC về thừa tác vụ giám mục của ngài, người ta hết sức ngỡ ngàng trước những gì ngài làm.


Thế nhưng, vấn đề rất rõ ràng ở đây đó là trước khi các giám mục chúng tôi có thể làm những điều gì thì chúng tôi phải trở thành một người nào đó. Chúng tôi phải hiệp nhất với Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành. Chúng tôi phải tiến bước trên con đường thánh đức. Chúng tôi phải là những con người cầu nguyện. Chúng tôi phải ý thức được việc chúng tôi đồng hình tượng với Chúa Giêsu.


Đường lối duy nhất chúng tôi có thể trở thành những gì chúng tôi được kêu gọi làm những vị giám mục đó là bằng việc nguyện cầu và nhờ các phép bí tích.


Đức Thánh Cha là một con người thiết tha nguyện cầu. “Pastores Gregis” nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại tới nhu cầu cần thiết của việc cầu nguyện thường xuyên, sâu xa và liên lỉ trong đời sống của vị giám mục. Dân Chúa cần thấy vị giám mục của mình sống đời cầu nguyện. Có Chúa biết Đức Thánh Cha kêu gọi chúng tôi làm nhiều thứ; được gọi là thừa tác vụ. Thế nhưng tất cả những gì chúng tôi làm chỉ sinh hoa trái, chỉ hiệu nghiệm, chỉ đầy ý nghĩa nếu nó phát xuất từ những gì chúng tôi là.


Những con người làm giám mục là thành phần đồng hình tượng với Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành ở ngay cốt lõi bản thân chúng tôi. Mà cách thức duy nhất để làm điều này đó là bằng việc cầu nguyện, Thánh Thể, bí tích hòa giải, suy niệm Lời Chúa, đọc sánh thiêng liêng, tĩnh tâm và những ngày hồi tâm.


Tôi bao giờ cũng dâng Lễ mỗi Chúa Nhật ở Nhà Thờ Chính Tòa Thánh Gioan Thánh Ký ở TGM Milwaukee đây vào lúc 8 giờ sáng. Cách đây không lâu, sau Thánh Lễ, có người nói cùng tôi rằng, “Thưa ĐTGM, con muốn ngài biết rằng điều ngài làm đó đã ảnh hưởng đến con và đã gây tác dụng tốt trên con”.


Tôi tưởng người nữ này nói về việc tôi viếng thăm ai đó trong bệnh viện hay việc tôi phát đồ ăn cho người nghèo, hoặc là một trong những bài giảng của tôi hay một dự án nào đó của tôi. Tôi hoàn toàn bỡ ngỡ khi người nữ này nói với tôi rằng điều người nữ ấy đã bị tác động nhất đó là việc thấy tôi đang nguyện Kinh Thần Vụ trước Nguyện Đường Thánh Thể trong vương cung thánh đường này nửa tiếng trước Thánh Lễ sáng Chúa Nhật của tôi.


Bấy giờ tôi không hề nghĩ rằng điều này đã gây được một tác động trên người nào đó. Thế mà nó có đấy.


Đối với người nữ này, khi thấy tôi là một giám mục nghiêm chỉnh nguyện cầu – đối với người nữ ấy khi biết rằng tôi nhìn nhận là tôi chẳng có gì tốt lành nếu tôi không hoàn toàn cậy dựa vào ân sủng và tình thương của Chúa – đã là những gì nói lên rất nhiều với người nữ này. Đó là vấn đề truyền bá phúc âm hóa. Bởi vậy mà điều đầu tiên vị Giáo Hoàng này đã dạy tôi trong tác phẩm mới nhất của ngài, đó là tôi phải thánh thiện.


Thứ đến, tôi đã học được từ những gì ngài viết về quyền lực của sự hiện diện. Vị Giáo Hoàng này biết rằng việc dân chúng muốn thấy vị giám mục của mình, muốn ở với vị giám mục của họ, là vấn đề rất quan trọng. Các vị linh mục biết đây là điều xác thực nơi thừa tác vụ mục vụ của họ. Các lãnh đạo viên mục vụ biết điều ấy, và các vị giám mục cũng biết như vậy.


Chúng tôi là thành phần giống như Cal Ripkens, một tay đấu banh thuộc đội Baltimore Orioles, người chỉ hiện diện hết mọi trận đấu và đã phá kỷ lục chỉ vì việc liên lỉ của mình. Anh ta chỉ cần ở đó. Hầu hết cuộc đời của anh ta chỉ là một cuộc hiện diện. Đối với một vị giám mục cũng thế, chúng tôi cần hiện diện. Chúng tôi cần ở với dân của mình. Họ cần thấy chúng tôi, càng gần gũi càng hay.
Họ cần thấy chúng tôi ở những cuộc hội lễ, ở các bệnh viện, tại các học đường, dâng Lễ, cử hành các phép bí tích và giảng dạy.


Đức Thánh Cha quả đã thực hiện điều này một cách anh hùng khi còn là tổng giám mục Krakow. Ngài cũng đang thực hiện điều này một cách anh dũng với tư cách là Giám Mục Rôma và ngài đang dạy chúng tôi về quyền năng của việc hiện diện.


Tôi nghĩ rằng sứ điệp thứ ba tôi học được với tư cách là một vị giám mục cả nơi cuốn “Đứng lên, nào chúng ta đi” cũng như trong tông huấn “Mục Tử chăn dắt đàn chiên” đó là nhu cầu cần phải trở thành một tác nhân thực sự của việc truyền bá phúc âm hóa văn hóa.


Như quí vị thấy, Đức Thánh Cha đã biết rằng ngài cần phải dạy trong đại học đường. Ngài đã cần phải gặp gỡ các tay trí thức. Ngài đã cần phải ở đó với các thi sĩ, các khoa học gia, các giáo chức. Tất cả những ai đóng vai trò đào luyện trí khôn, cõi lòng và linh hồn trong xã hội và nơi văn hóa đều phải được truyền bá phúc âm hóa. Điều này dạy cho tôi một điều gì đó với tư cách làm giám mục, vì tôi không biết cách làm sao thực hiện việc ấy cho khéo. Đôi khi tôi nghĩ rằng tôi nên giành việc đó cho những người khác làm.


Thế nhưng, những vị giám mục chúng tôi cần phải liên hệ với văn hóa, nhờ đó, hết mọi thành phần đóng vai trò bình thường nơi văn hóa, dù là làm truyền thông, là nghệ sĩ, là khoa học gia, là giáo chức, là chính trị gia, là các đầu não thương trường, là các nhà lãnh đạo dân sự, các nhà nghiên cứu, tất cả đều cần đến men Phúc Âm. Vị giám mục có phận sự hệ trọng cần phải đến với họ, mang sứ điệp phúc âm hóa, sứ điệp cứu độ của Chúa Giêsu Kitô và của Giáo Hội Người đến cho văn hóa.


Vấn:     Đức Gioan Phaolô II đã từng làm gương về vai trò đa diện của một vị giám mục cả ở Krakow cũng như ở Rôma như thế nào?


Đáp:     Ngài là một bậc thày giỏi. Ngài đã giảng dạy trong các đại học và ngài biết rằng một ông thày đôi khi gây ảnh hưởng bởi những điều ngài làm hơn là những gì ngài nói. Bởi thế mà ngài đã làm gương sáng.


Khi tôi trở lại Rôma làm viện trưởng Đại Học Bắc Mỹ vào năm 1994, tôi đã ra ngoài bách bộ vào một buổi sáng sớm Chúa Nhật. Đột nhiên tôi thấy cảnh sát ở các ngả đường, đang ngăn chặn việc lưu thông nhẹ nhàng qua lại ở đó bấy giờ.


Thấy một chiếc xe có nhân viên hộ tống tiến đến, tôi hỏi người cảnh sát đó là ai vậy. Anh ta đáp: “Ô, đó là Đức Giáo Hoàng. Ngài đi đến một giáo xứ ở Rôma vào mỗi sáng Chúa Nhật – ít là những Chúa Nhật ngài không cử hành Lễ công cộng ở Đền Thờ Thánh Phêrô – và ngài cử hành Lễ với các tín hữu trong giáo xứ”.


Ngài thấy được quyền năng của sự hiện diện. Ngài đã làm điều đó ở Krakow, việc ngài viếng thăm các giáo xứ, việc ngài ở với dân chúng. Ngài làm gương như thế đó.


Vai trò đa diện của một vị giám mục, được thấy rõ ràng trong tông huấn “Mục Tử chăn dắt đàn chiên”, là một yếu tố lớn của “sứ vụ”, đó là trách nhiệm, là nhiệm vụ, là sứ vụ của một vị giám mục trong việc giảng dạy, quản trị và thánh hóa. Vị Giáo Hoàng này đã dạy chúng tôi rằng chúng tôi cần phải giảng dạy một cách minh bạch, xác tín và bao giờ cũng bằng lòng cảm thương, những chân lý vượt thời gian của Chúa Giêsu và của Giáo Hội Người.


Sau nữa, ngài dạy chúng tôi về tầm quan trọng của việc quản trị. Chúng tôi cần phải bảo đảm là các giáo phận được cai quản một cách tốt đẹp, là đang có tính cách bảo quản lành mạnh, là chúng tôi tin tưởng thành phần hợp tác viên có thể hỗ trợ chúng tôi theo đặc sủng quản trị vì dân chúng cần thấy nơi chúng tôi một vai trò lãnh đạo khôn ngoan và vững chắc.


Nhiệm vụ thứ ba được vị Giáo Hoàng này nhấn mạnh là thánh hóa. Dân chúng cần thấy chúng tôi cử hành các phép bí tích, tất cả các phép bí tích cho họ.


Trong cuốn “Đứng lên, nào chúng ta đi”, ĐTC đã đề cập tới cách hằng năm ngài phải làm sao để công khai cử hành đầy đủ 7 bí tích. Các giám mục chúng tôi thường cao cả ở việc cử hành Thánh Thể, cử hành thêm sức và cử hành bí tích truyền chức thánh.


Thế nhưng, chúng tôi cần cử hành tất cả 7 bí tích nữa. Dân của chúng tôi cần nhìn thấy chúng tôi rửa tội, xức dầu kẻ liệt, làm phép hôn phối, giải tội. Việc cử hành tất cả 7 phép bí tích là một phần thuộc “sứ vụ” thánh hóa của chúng tôi.


Phải, đó là “sứ vụ” tam diện, một vai trò đa diện của vị giám mục trong việc giảng dạy, quản trị và thánh hóa, tôi thấy được nơi gương của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ở cả Krakow lẫn Rôma vậy.

 

Vấn:     Điều gì làm ĐTGM lạ lùng nhất về những câu truyện cá nhân của Đức Thánh Cha trong cuốn sách này?


Đáp:     Có hai điều làm tôi thấy đáng kể.


Trước hết, cái ảnh hưởng sâu xa của nước Balan nơi ngài thật là sống động đến nỗi tôi không cần được thuyết phục mới chấp nhận điều này. Người ta nói rằng Balan là một xứ sở sâu xa Công Giáo. Văn hóa, xã hội, lịch sử, nghệ thuật và văn chương là tất cả những gì ăn sâu vào tính cách phong phú của Công Giáo.


Điều này ăn sâu vào tận xương tủy của bản thân Karol Jozef Wojtyla. Ngài đang để lộ ra một cách tuyệt vời cái nhãn hiệu phong phú, đạo hạnh và sống động của Công Giáo Tính Balan là những gì từng thu hút thế giới chung quanh ngài. Bởi thế, điều nổi bật đầu tiên về ngài ở chỗ con người này là người con hết sức sâu đậm của một nước Balan, và ngài hết sức yêu mến quê hương của ngài cũng như văn hóa của quê hương ấy.


Điều thứ hai nẩy lên nơi tôi sau khi đọc tác phẩm này đó là việc ngài sống thoải mái với thành phần giáo dân – ngài có biết bao nhiêu là bạn bè giáo dân, nhất là các gia đình và giới trẻ. Ngài rất thường nói về những người bạn linh mục của ngài, thế nhưng cuối cùng đặc biệt vẫn là những người bạn đã nuôi dưỡng đời sống của ngài, những người thuộc thành phần giáo dân.


Ngài đã ưa thích những cuộc đi cấm trại với giới trẻ, những lần đàm thoại với sinh viên, thích vui vầy với các cặp vợ chồng cùng gia đình của họ. Ngài sống rất tự nhiên với tất cả những người này.


Một lần nữa, với gương của mình, ngài đã thể hiện và phát động giáo huấn của Công Đồng Chung Vaticanô II, một giáo huấn về phận sự chính của một linh mục, do đó cũng là của một vị giám mục, là phục vụ giáo dân, là hiểu biết họ và mến thương họ, nhờ đó, họ có thể thi hành vai trò truyền bá phúc âm hóa của họ trong thế giới.

Vấn:     Tư tưởng nào của vị Giáo Hoàng này về các vấn đề hiện đại có thể là quan trọng nhất đối với ĐTGM?


Đáp:     Một lần nữa, tôi có thể nói rằng tư tưởng của ngài về vai trò của thành phần giáo dân. Thế nhưng, ngài cũng cảm thấy cái kinh khủng của chiến tranh, ngài cũng lo lắng về tình trạng suy đồi sống đức tin ở Âu Châu; ngài cũng suy nghĩ dữ dội về Thánh Địa; ngài cũng thấy được nhu cầu đoàn tính và hợp tác trong Giáo Hội; ngài cũng nghĩ đến Phi Châu và Mỹ Châu Latinh.


Đó là những lãnh vực ngài có được những minh thức sâu xa về các vấn đề gay go trong thế giới tân tiến này, những minh thức thực sự đã khiến tôi phải lưu tâm chú ý.

Vấn:     ĐTGM đã học được gì nơi kinh nghiệm làm giám mục của Đức Gioan Phaolô II để giúp vào việc phục vụ của ĐTGM giành cho Giáo Hội?


Đáp:     Tôi học được một số điều. Trước hết, tôi phải là một con người say mến Chúa Giêsu Kitô. Tôi phải là một con người sống thư thái với chính bản thân mình cũng như với sứ vụ và ơn gọi làm giám mục của tôi; một con người một một số đích điểm mục vụ rất cụ thể trong đầu không bao giờ bị tôi xao lãng; một con người không biết sợ hãi, con người vững mạnh tin rằng Chúa Giêsu chăm sóc cuộc đời của tôi và ơn của Người đủ cho tôi.


Tôi không được sợ việc “thả lưới ở chỗ nước sâu” và kêu gọi dân chúng của mình sống thánh thiện, thực hành nhân đức anh hùng và nên trọn lành. Đức Thánh Cha nói với chúng tôi rằng đó là những gì ngài đã làm ở Krakow; đó là những gì ngài vẫn làm với tư cách là giám mục Rôma và giám mục của Giáo Hội hoàn vũ. Tôi cũng cần phải học cả điều ấy nữa.    


Sau nữa, kinh nghiệm làm giám mục của ngài dạy tôi rằng tôi phải sống rất gần gũi với các vị linh mục của tôi. Đức Giaon Phaolô II yêu thương các linh mục của ngài. Ngài đã yêu thương thành phần linh mục của ngài khi ngài còn là tổng giám mục ở Krakow, giờ đây ngài yêu thương thành phần linh mục với tư cách là vị thừa kế Thánh Phêrô.


Tôi cần phải làm sao để tiến đến với những vị linh mục của tôi hơn nữa, biết lắng nghe các vị, biết ở với các vị, biết cầu nguyện với các vị, biết phấn khích các vị, và, phải, biết thách thức các vị và sửa chữa cho các vị khi cần.


Một mẫu gương rất tuyệt vời về một vị giám mục mà tôi nghĩ Đức Gioan Phaolô II làm gương đó là một vị giám mục cần phải trở nên cho thành phần linh mục của mình những gì một vị mục tử phải là đối với dân của ngài.


Chúng tôi phải là một linh mục cho các linh mục – chúng tôi phải là một vị mục tử của các linh mục. Đó là bài học thứ hai tôi học được từ cả tác phẩm của ĐTC, từ tông huấn “Mục Tử chăn dắt đàn chiên” cũng như từ gương mẫu của ngài.


Điều thứ ba đó là tôi học được một lần nữa tầm quan trọng của Thánh Thể, một minh thức xứng hợp trong Năm Thánh Thể này.


Phần quan trọng nhất trong ngày sống của vị Giáo Hoàng này đó là việc ngài cử hành Thánh Thể. Hết mọi sự từ đó mà xuất phát, và suốt ngày ngài trở về ở với Chúa thực sự và đích thực hiện diện nơi Thánh Thể. Thánh Thể là tâm điểm của ngày sống, chứ không phải chỉ là một phần trong ngày, như có một câu ngạn ngữ nói.


Đối với tôi việc ở với các vị linh mục và dân chúng ở với Thánh Thể, và đối với bản thân mình việc ở trước sự hiện diện của Giêsu nơi Thánh Thể, là những gì nói lên tất cả mọi sự.


Sau hết, tôi nghĩ rằng những văn kiện này, cả những bài phản tỉnh về bản thân chính yếu của ngài lẫn bức tông huấn hậu thượng nghị giám mục thế giới, đều thực sự giúp cho tôi thực hiện một cuộc kiểm điểm lương tâm mình.


Tôi phải thú nhận rằng khi tôi thấy tất cả những gì ngài hoàn thành cũng như tất cả những nhiệm vụ được tông huấn “Mục Tử chăn dắt đàn chiên” đặt lên vai của các vị giám mục, tôi cảm thấy phần nào nao núng, rùng mình và thực sự lo âu. Khi tôi đọc bức tông huấn này, tôi nghĩ, “Chúa tôi ơi, tôi là ai mà có thể sống trọn tất cả những điều này đây?”


Thế nhưng, chúng tôi không bao giờ thôi cố gắng. Chúng tôi giữ điều này như là một đích điểm cao quí. Chúng tôi giữ nó trước mắt chúng tôi luôn luôn và xét mình xem chúng tôi thực sự là một vị mục tử tốt lành đối với dân Chúa hay chăng.


Chúng tôi không bao giờ có thể thực hiện được tất cả điều ấy. Chúng tôi không bao giờ có thể hoàn toàn theo nổi gương của Chúa Giêsu. Thậm chí chúng tôi sẽ không thể nào theo gương của Vị Đại Diện Chúa Kitô là Đức Gioan Phaolô II, một cách trọn vẹn. Thế nhưng, chúng tôi không bao giờ được thôi cố gắng.


Chúng tôi liên lỉ cải đổi và canh tân cách thức chúng tôi làm thừa kế các vị tông đồ. Vị Giáo Hoàng này cống hiến cho chúng tôi rất nhiều; đó là điều tốt, vì ngài đang muốn những gì tốt nhất nơi chúng tôi. Ở đây không có vấn đề lưỡng lự, không có vấn đề lỏng lẻo. Ngài đang nêu cao lý tưởng ấy và ngài đang kêu gọi chúng tôi sống lý tưởng ấy.


Việc kiển điểm lương tâm này là điều tất cả chúng tôi cần làm. Như Đức Thánh Cha của chúng ta thường nói: “Tình yêu mến Chúa Giêsu và Giáo Hội của Người phải là đam mê của đời sống anh em”.
 

 Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ Zenit ngày 6-7/12/2004

 

 

Tổng Nghị Hồng Y lần thứ 12 cũng là lần cuối trước Mật Nghị Bầu Giáo Hoàng: những vấn đề cuối
 

Kết Tổng Nghị Hồng Y lần cuối cùng trước Mật Nghị Hồng Y bầu tân giáo hoàng, vị giám đốc văn phòng báo chí tòa thánh là Joaquín Navarro Valls đã phổ biến tin tức về cuộc tổng nghị thứ 12 trong thời gian trống ngôi giáo hoàng đúng 15 ngày hay nửa tháng này như sau:

“Hôm nay, Thứ Bảy, 16/4, Tổng Nghị Hồng Y lần thứ 12 đã diễn tiến với sự tham dự của 143 vị hồng y.

“Sau nguyện kinh ‘Adsumus’, ĐHY Edward Cassidy mới tới đã tuyên thệ.

“ĐHY tổng quản Eduardo Martinez Somalo đã nhân danh mọi người chúc mừng sinh nhật của ĐHY Joseph Ratzinger, trưởng Hồng Y Đoàn.

“Thông báo về việc đến Trú Viện ‘Domus Sanctae Marthae’ vào chiều Chúa Nhật ngày 17, về Thánh Lễ ‘cầu cho việc tuyển bầu Giáo Hoàng’ hôm Thứ Hai 18/4 lúc 10 giờ sáng, cũng như về việc vào mật nghị cùng ngày lúc 4 giờ 30 chiều.

“Vị trưởng hồng y đoàn đọc các điệp thư của một số vị hồng y không thể tới Rôma. Các vị cám ơn mọi người về những lời gắn bó và thương mến đã gửi đến các vị qua trưởng hồng y đoàn thay mặt cho mọi người trong nhóm.

“Vị hồng y tổng quản đã tiến hành việc hủy hoại chiếc Nhẫn của Vị Đánh Cá (của vị cố Giáo Hoàng) và con dấu riêng của ngài theo Tông Hiến Vị Chủ Chăn Tất Cả Đoàn Chiên Chúa ‘Universi Dominici gregis’ khoản 13g.

“Sau phần nhận định thêm về một số điểm trong cùng bức tông hiến này, các vị hồng y đã tiếp tục trao đổi ý nghĩ về các vấn đề của Giáo Hội và thế giới.

“Phiên họp cuối cùng được kết thúc bằng Kinh Lạy Nữ Vương”.
 

Về Nghi Thức và Thủ Tục của Mật Nghị Bầu Tân Giáo Hoàng 

Sáng Thứ Bảy 16/4, vị giám đốc văn phòng báo chí tòa thánh đã phổ biến sau đây những gì liên quan đến cuộc tuyển bầu vị tân giáo hoàng của Giáo Hội Công Giáo Rôma vào Thứ Hai 18/4, ngay sau khi kết thúc Tuần Cửu Nhật cầu cho cố giáo hoàng Gioan Phaolô II.

“Thứ Hai tới, 18/4, 115 vị hồng ý thuộc 52 quốc gia đại diện cho 5 châu lục sẽ bắt đầu mật nghị đầu tiên cho thiên kỷ thứ ba của mình để tuyển bầu người kế vị Thánh Phêrô thứ 264, tức là vị Giáo Hoàng thứ 265 trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo.

“Các vị hồng y sẽ đến Trú Viện ‘Domus Sanctae Marthae’ chiều ngày mai, Chúa Nhật 17. Tất cả các vị sẽ gặp nhau ở bữa ăn tối.

“Như đã được đề cập đến trước đây, Thánh Lễ ‘cầu cho việc tuyển bầu Giáo Hoàng’ sẽ được cử hành ở Đền Thờ Vatican vào lúc 10 giờ sáng Thứ Hai.

“Vào lúc 4 giờ 30 chiều Thứ Hai, các vị hồng y tuyển bầu diễn hành từ Sảnh Đường Chư Phúc đến Nguyện Đường Sistine. Nghi thức này sẽ được thâu truyền hình tại chỗ.

“Vào trong Nguyện Đường Sistine rồi, tất cả mọi vị hồng y tuyển bầu sẽ tuyên thệ. Vị trưởng đoàn hồng y sẽ đọc mẫu tuyên thệ, sau đó mỗi vị hồng y, nói lên tên của mình và đặt tay trên sách Phúc Âm, tuyên bố những lời: ‘Tôi xin hứa quyết, bảo đảm và thề nguyền’.

“Trong những ngày ấy sẽ thường nói đến vấn đề buộc phải giữ mật về vấn đề tuyển bầu Giáo Hoàng. Tuy nhiên, tôi xin lập lại rằng đây chỉ là một phần của lời tuyên thệ mà thôi. Trước hết, có lời tuyên thệ về việc tuân giữ các qui định của Tông Hiến Vị Chủ Chăn Tất Cả Đoàn Chiên Chúa ‘Universi Dominici gregis’; rồi còn có cả lời tuyên thệ khác nữa, tôi xin trích, đó là ‘bất cứ ai trong chúng tôi, theo quan phòng thần linh, được tuyển chọn làm Giáo Hoàng sẽ dấn thân trung thành thi hành vai trò là người kế vị Thánh Phêrô làm Mục Tử của Giáo Hội Hoàn Vũ’.

“Sau khi đã tuyên thệ xong, vị trưởng ban lễ nghi giáo hoàng sẽ tuyên bố ‘extra omnes’, thì tất cả những ai không tham dự mật nghị này sẽ rời Nguyện Đường Sistine. Chỉ có vị trưởng ban lễ nghi giáo hoàng và ĐHY Tomas Spidlik còn ở lại tham dự việc suy niệm, sau đó, hai vị cũng phải ra khỏi Nguyện Đường Sistine nữa.

“Trong cuộc mật nghị này, các vị hồng y sẽ theo lịch trình sau đây:

“Vào lúc 7 giờ 30 sáng, cử hành hay đồng tế Thánh Lễ ở Trú Viện Domus Sanctae Marthae. Vào lúc 9 giờ sáng các vị sẽ ở tại Nguyện Đường Sistine. Ở đây, các vị sẽ nguyện Kinh Phụng Vụ Ban Mai, và liền sau đó, việc bỏ phiếu sẽ diễn tiến theo nghi thức được qui định (hai lần vào buổi sáng và hai lần vào buổi chiều). Vào buổi chiều, việc bỏ phiếu sẽ được bắt đầu vào lúc 4 giờ. Sau lần bỏ phiếu lần hai là Nguyện Giờ Kinh Phụng Vụ Tối.

“Sau hai lần bỏ phiếu sáng và hai lần bỏ phiếu chiều riêng biệt, các lá phiếu và bất cứ ghi chú nào của các vị hồng y đều được đốt đi ở một cái lò đặt trong Nguyện Đường Sistine. Những dấu khói có thể xuất hiện vào khoảng 12 giờ trưa và 7 giờ tối để báo hiệu cho biết (trừ phi vị tân Giáo Hoàng được tuyển chọn hoặc vào lần bỏ phiếu đầu tiên ban sáng hay lần bỏ phiếu đầu tiên ban chiều thì dấu khói sẽ được thông báo sớm hơn giờ ấn định). Dầu sao thì vấn đề được ấn định là, cùng với khói trắng bốc lên, chuông Đền Thờ Thánh Phêrô cũng sẽ vang lên báo hiệu việc tuyển chọn đã hoàn tất.

“Tất cả quí vị đều biết rõ những qui định của Tông Hiến Vị Chủ Chăn Tất Cả Đoàn Chiên Chúa ‘Universi Dominici gregis’ liên quan tới diễn tiến của việc bỏ phiếu. Đầu tiên số phiếu hiệu thành được qui định để vị Giáo Hoàng được tuyển chọn là 2/3. Sau 3 ngày bỏ phiếu không xong, sẽ có một ngày hoàn toàn giành cho việc suy tư và cầu nguyện, không bỏ phiếu gì. Sau đó, cuộc bỏ phiếu lại tái diễn với 7 lần bỏ phiếu nữa, rồi ngừng lại để suy nghĩ, đoạn tới 7 lần bỏ phiếu khác, rồi lại suy nghĩ và bỏ phiếu thêm 7 lần nữa. Sau đó, đa số tuyệt đối sẽ quyết định phải tiến hành ra sao, tức là, hoặc bỏ phiếu theo tuyệt đối đa số hay bỏ phiếu chọn hai ứng viên. Điều này chỉ xẩy ra sau khi các vị hồng y đã bỏ phiếu đến lần thứ 33 hay 34 mà không có kết quả gì.

“Liên quan tới lần bỏ phiếu đầu tiên vào Thứ Hai, các vị hồng y sẽ quyết định các vị có bỏ phiếu hay chăng sau khi các vị vào mật nghị buổi chiều Thứ Hai hôm đó, 18/4.

“Địa điểm cho cuộc mật nghị này là Trú Viện Domus Sanctae Marthae và Nguyện Đường Sistine.

“Các vị hồng y có thể đi bộ theo lối dọc con đường ở đằng sau Đền Thờ Vatican, hay nếu muốn các vị có thể đi xe buýt. Bình thường thì lối đi này không có dân chúng. Lối vào vườn San Damaso sẽ bị niêm phong không cho ai ra vào.

“Khách hành hương thăm viếng trong những ngày này sẽ không được tới tháp Đền Thờ Thánh Phêrô hay các Khu Vườn Vatican.

“Tuy nhiên, khách hành hương vẫn có thể đến viếng mộ của Đức Gioan Phaolô II vào những giờ Hầm Mộ Vatican mở cửa.

"Các cuộc Tổng Nghị Hồng Y đã được kết thúc hôm nay. Ở vào cuối những cuộc họp này, tôi xin tường trình thêm hai điều sau đây. Bầu khí của các cuộc tổng nghị này diễn ra rất thân tình. Điều này có thể cho thấy tất cả mọi vị hồng y đều cảm thấy trách nhiệm lớn lao vào lúc này. Sự kiện này đã giúp cho các vị có thể có được những đồng lòng thật sự về những đề tài tổng quát khi bàn luận với nhau.

“Tôi cũng xin xác nhận là không có một tên tuổi nào đã được đề cập tới trong các lần gặp gỡ này”.

Biệt chú: hình cuối cùng trên đây là bộ phận nhỏ bằng cái hộp quẹt được những tay thám tử sử dụng để theo dõi đối phương. Người ta đang nghĩ rằng cuộc mật nghị hồng y bầu tân giáo hoàng có thể bị đám truyền thông theo dõi bằng bộ phận thám thính này. Ngoài ra, cuộc mật nghị này cũng có thể bị theo dõi bởi hệ thông vệ tinh nữa, như hình chụp ở đây cho thấy. Theo tin tức cho biết hiện nay đã có khoảng 6000 thành phần phóng viên ký giả chực sẵn cho cuộc mật nghị hồng y bầu giáo hoàng này.

(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, dịch theo điện thư của VIS ngày 16/4/2005)


 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ