GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 4/2005

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho Kitô hữu sống các ngày Chúa Nhật của mình thực sự hơn như là những ngày của Chúa được giành đặc biệt cho Thiên Chúa và cho tha nhân”.

 

Ý Truyền Giáo: Xin cho hết mọi cộng đồng Kitô hữu có được một nhiệt tình nên thánh để thắp lên nhiều ơn gọi truyền giáo.  


 

__________________

 NGÀY 17 THỨ HAI TUẦN IV PHỤC SINH

NGÀY 1 BẦU TÂN GIÁO HOÀNG 265

 

 

Vị Tân Giáo Hoàng 265 theo Sấm Truyền của Tiên Tri Nostradamus

 

Nếu căn cứ theo Sấm Truyền nổi tiếng (xuất bản từ năm 1559), mà người ta cho là của vị thánh tổng giám mục người Ái Nhĩ Lan và gọi ngài là tiên tri Malachy (1095-1148), thì sẽ có tất cả là 112 vị giáo hoàng, kể từ đời Đức Cêlestinô II (1143-1144). Thật ra, chỉ có Lời Chúa, Thánh Truyền và Quyền Giáo Huấn của Giáo Hội mới là những gì đáng tin và buộc phải chấp nhận mà thôi. Tuy nhiên, người ta cũng không khỏi ngạc nhiên khi thấy những lời sấm Malachy không phải hoàn toàn là sai trệch cho đến thời 33 ngày của Đức Gioan-Phaolô I  mà lời sấm ám chỉ như là hiện tượng "về nửa vầng trăng" (De Medietate Lunae). Sau đó, cũng theo lời sấm này, còn ba đời giáo hoàng nữa thôi, được ám chỉ bởi ba biểu hiệu chưa ứng nghiệm:  "Gloria Olivae", "De Labore Solis" và "Petrus Romanus".

 

"Gloria Olivae": nghĩa là "vinh quang của cây Ô-Liu". Phải chăng câu này ám chỉ về giáo triều tột đỉnh vinh quang của Đức Gioan-Phaolô II trước lịch sử thế giới trong một giai đoạn đầy những biến động và đổi thay từ sau Công Đồng Chung Vatican II. Điển hình là biến cố Đông Âu xẩy ra vào cuối năm 1989 và khối Cộng Sản Liên bang Sô Viết sụp đổ năm 1991, mà những hoạt động trong phạm vi thuần túy tôn giáo của ngài chẳng khác gì cành Ô-Liu hòa bình được chim câu tha về con tầu Noe cứu rỗi (x. KN 8:11). Nhờ đó, như Chúa Giêsu từ trên núi Ô-Liu xuống (x. Lc 19:37) vinh quang tiến vào thành Giêrusalem thế nào, vị lãnh đạo tối cao đương thời của Giáo Hội Công Giáo cũng được toàn thể thế giới ngưỡng mộ và ngênh đón như vậy.

 

"De Labore Solis": câu này có hai nghĩa, một là "về cuộc nhật thực", hai là "từ cuộc khổ ải của vầng dương". Nếu sau khi Chúa Giêsu vinh quang tiến vào thành Giêrusalem là giai đoạn Người bắt đầu đi vào cuộc tử nạn vượt qua của Người thế nào, vị lãnh đạo của Giáo Hội sau thời "vinh quang của cây Ô-Liu" cũng sẽ là vị lãnh đạo đối ngoại thì chịu "khổ ải" bởi quyền bính thế gian, và đối nội thì bị lấn át "nhật thực" bởi lực lượng chống đối của thành phần Phản Kitô. Biết đâu vị giáo hoàng áp cuối này sẽ mang danh hiệu Phêrô-Phaolô: Phêrô biểu hiệu cho quyền bính Giáo Hội (đối nội) bị "nhật thực" bởi con cái phản bội, như Chúa Giêsu đối với dân của Người và môn đệ của Người, và Phaolô biểu hiệu cho sứ mệnh Giáo Hội (đối ngoại) bị "khổ ải" bởi thế lực "new world order" do dân ngoại và âm mưu của nhóm Do Thái, như Chúa Giêsu và thánh Phaolô bị Do Thái nộp cho quân Rôma hành quyết.

 

"Petrus Romanus": có nghiã là "Phêrô người Rôma". Về vị lãnh đạo sau hết mang cùng danh với vị lãnh đạo đầu tiên này, theo Lời Sấm Truyền kết thúc thì:

 

"Trong cuộc bắt bớ cuối cùng của Hội Thánh Rôma sẽ là triều đại của Phêrô người Rôma, vị sẽ chăn nuôi đàn chiên mình giữa những tai biến' sau đó, thành đô có 7 ngọn đồi sẽ bị phá hủy và có Vị Thẩm Phán đáng sợ sẽ xét xử dân gian" (The Prophesies of Saint Malachy, Tan Books and Publishers, Inc, 1973, trang 96)

 

Đúng thế, theo Thánh Kinh, ngày tận thế có một liên quan trực tiếp đến số phận của Giáo Hội. Tiên tri Daniel đã được thị kiến cho biết: "khi quyền lực của kẻ phá hoại thuộc dân thánh bị kết liễu thì tất cả những điều này được chấm dứt" (Dan 12:7). Không phải hay sao, hình ảnh đền thánh Giêrusalem mà Chúa Giêsu nói "sẽ không còn hòn đá nào chồng trên hòn đá nào - tất cả sẽ bị tan nát" (Mt 24:2) tức là "Người thực sự đang nói về đền thờ thân thể của Người" (Gn 2:21)? Thật ra, "không ai có thể lấy mạng Ta (Chúa Kitô)" (Gn.10:18), nhưng thực tế lại cho thấy "Ta tự bỏ mạng sống mình. Ta có quyền thí mạng sống mình" (Gn.10:18). Cũng thế, "cho dù cửa miệng sự chết cũng không thắng nổi" (Mt.16:18) Giáo Hội, nhưng thực tế lại xẩy ra là "khi Con Người đến không biết có còn đức tin trên thế gian" (Lc.18:8). Đó mới là lý do chính đáng khiến "Người đã khóc" (Lc.19:41), khóc thương Giáo Hội bạn mình (x.Gn.15:15), như Người đã khóc Lazarô (x.Gn.11:35). Qua Bí Mật La Salette, từ năm 1846 Mẹ Maria đã tiết lộ cho con cái Giáo Hội biết:

 

"Vị Đại Diện Con Mẹ sẽ chịu nhiều đau khổ, vì Giáo Hội sẽ chịu đựng bắt bớ lớn lao một thời, thời tối tăm, và Giáo Hội sẽ chứng kiến một cuộc khủng hoảng rùng rợn" (Apparition of the Blessed Virgin on the Mountain of La Salette, Shepherdees of La Salette, 1879, trang 14)

 

"Rôma sẽ mất đức tin và sẽ trở nên ngai tòa của Phản Kitô" (LA trang 18) ... "Giáo Hội sẽ ở trong tình trạng bị khuất mờ, thế giới sẽ ở trong tình trạng hoảng sợ" (cùng nguồn vừa dẫn trang 19)

 

Theo Bí Mật La Salette, cho dù "Rôma sẽ mất đức tin" đi nữa, song Giáo Hội bất tử như Chúa Kitô phục sinh, vì tinh thần của Giáo Hội là một "Đức Ái không tàn" (1Cor 13:8). Nếu thánh Phêrô được tiêu biểu cho Đức Tin của Giáo Hội, mà Chúa Giêsu đã nói "sẽ phải chết cách nào" (Gn 21:19), thì thánh Gioan, "người môn đệ được Chúa Giêsu yêu" (Gn 21:20), biểu hiệu cho Đức Ái của Giáo Hội, Chúa Giêsu cũng đã úp mở "...Thày muốn cho nó ở lại cho đến khi Thày đến..." (Gn 20:22), tức cho tới khi Người trở lại trong vinh quang!

 

Vào ngày 13-10-1884, ngay sau Thánh Lễ, Đức Thánh Cha Lêô XIII được thị kiến thấy rằng, trong vòng một thế kỷ, lực lượng sự dữ sẽ tấn công Giáo Hội dữ dội, đến nỗi, Giáo Hội chỉ được Thiên Chúa dùng tổng thần Micae cứu vào giây phút cuối cùng mà thôi. Sau đó, trong văn kiện "Motu Proprio" ban hành ngày 25-9-1888, Đức Thánh Cha đã đặt ra kinh cầu khẩn với tổng thần Micae cho Giáo Hội và truyền phải đọc sau các Thánh Lễ thường, tục này được áp dụng từ ngày đó cho tới khi Công Đồng Chung Vaticanô II canh tân phụng vụ. Phần kết thúc của kinh tổng thần Micae này như sau:

 

"Những kẻ thù xảo quyệt này của loài người đã làm cho Giáo Hội đầy những ung nhọt và rữa nát, một Giáo Hội là Hiền Thê vô tì tích của Con Chiên' bàn tay tục hoá của chúng đã chạm đến những kho tàng thánh hảo nhất của Giáo Hội. Bởi thế, Ôi Vị Hoàng Vương vô địch, xin hãy mau đến cứu giúp dân của Thiên Chúa chống lại những cuộc xâm nhập của các thần hư vong này và ban chiến thắng cho chúng tôi. Amen" (Rev Randall Paine, His Time Is Short, the Leaflet Missal Company, MN, 1989, trang 86)

 

Phải chăng thị kiến của Đức Lêô XIII về cuộc tấn công của thần dữ muốn tàn phá Giáo Hội và đoạn kinh cầu với tổng thần của Giáo Hội trên đây đã chứng thực  những gì Mẹ Maria đã nói đến ở La Salette từ năm 1846 và được ghi lại trong Bí Mật La Salette như sau:

 

"Vào năm 1864 (phụ chú: năm nay là năm Đức Piô IX ban hành thông điệp "Quanta Cura" và một Bản Liệt Kê 80 chủ trương sai lầm, luận bác một số thành phần phóng khoáng như Montalambert ở Pháp, và Dechamps ở Bỉ' cùng năm nay Karl Marx cũng bắt đầu thành lập Hiệp Hội Lao Nhân Quốc Tế ở Luân Đôn và Nữu Ước), Luxiphe cùng với một số lớn qủi ma sẽ được thả ra khỏi hỏa ngục' chúng sẽ dần dần làm mất Đức Tin ngay cả ở nơi thành phần tận hiến cho Thiên Chúa" (Apparition of the Blessed Virgin on the Mountain of La Salette, Shepherdees of La Salette, 1879, trang 12)

 

"Vào năm 1865 (phụ chú: đúng 100 năm trước khi Công Đồng Chung Vatican II ban bố sắc lệnh 'Perfectae Caritatis' về Việc  Canh Tân Thích Nghi Đời Sống Tu Trì vào ngày 28-10-1965), sẽ có một cuộc tục hoá các nơi thánh. Trong các viện tu, những bông hoa của Giáo Hội sẽ tàn lụi, và ma qủi sẽ làm vua cai trị mọi con tim" (cùng nguồn vừa dẫn trang 14-15)

 

"Giờ đây đã đến thời điểm' hố thẳm đang mở ra. Kìa Vua các Vua tăm tối, kìa con mãnh thú với bọn lâu la của hắn, xưng mình là Đấng Cứu Thế. Hắn sẽ nghênh ngang vươn mình trên không trung, lên đến tận Trời. Hắn sẽ bị hạ bởi hơi thở của Thánh tổng thần Micae (phụ chú: đúng như tiên tri Daniel trong đoạn 12 câu 1 đã tiên báo: 'Lúc bấy giờ Micae, hoàng vương cao cả, vị bảo hộ dân ngươi sẽ đứng lên', vị bảo hộ mà Giáo Hội từ thời Đức Lêô XIII năm 1888 đã nhận biết và kêu cầu 'đứng lên' như một 'vị hoàng vương vô địch mau đến cứu giúp dân của Thiên Chúa')" (cùng nguồn vừa dẫn trang 20)

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh

 

Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: “MỘT TIA SÁNG PHÁT HIỆN TỪ BALAN…”

 

 

Nếu chưa có một lễ an táng nào uy nghi trang trọng nhưng lại vui nhộn tưng bừng hân hoan như của vị giáo hoàng vừa nằm xuống vào ngày Thứ Bảy Đầu Tháng lễ vọng Chúa Tình Thương hôm 2/4/2005 vừa rồi, thì phải thú thực là chưa bao giờ người Công giáo nói riêng và Giáo Hội Công giáo nói chung cảm thấy vinh dự qua cái chết của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II như vậy. Với cái chết của Mẹ Têrêsa Calcutta, một nữ tu Kitô hữu Công giáo được cả thế giới ngưỡng mộ khi còn sống cũng như lúc qua đời và được một nước theo Ấn giáo thực hiện một cuộc quốc táng, Kitô giáo nói chung và Giáo Hội Công giáo nói riêng đã lấy làm vinh dự lắm rồi về con người được tặng biệt danh là “Biểu hiệu Đức Ái Kitô giáo”. Thế nhưng, với cái chết của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, qua Thánh Lễ an táng chưa từng có trong lịch sử, phải nói là vinh dự của Giáo Hội Công giáo đã lên đến tuyệt đỉnh.

 

Thế nhưng, muốn biết tại sao con người Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II được cả thế giới ngưỡng mộ và đã đi vào lịch sử loài người như thế, một con người ở vào trường hợp chẳng những thời thế tạo anh hùng (khi Balan bị khống chế bởi Đức Quốc xã và Cộng Sản) mà còn thánh nhân tạo lịch sử (vai trò giáo hoàng rao giảng Phúc Âm Sự Sống khắp nơi trên thế giới bằng giáo thuyết cũng như bằng các cuộc tông du theo đường hướng duc in altum), một con người không phải chỉ là một thứ hiện tượng hay thần tượng nhất thời, mà là một di sản đã được hầu như mọi người hết lòng trân quí và là một tên tuổi được lịch sử thế giới vinh danh như vĩ nhân, chúng ta cần phải trở về nguồn để biết được đâu là ý muốn của Đấng làm chủ lịch sử trong việc Ngài chọn con người đặc biệt này ở vào thời điểm đặc biệt ấy.

 

Thật vậy, ý nghĩa của tất cả mọi sự nói chung và của cuộc đời con người nói riêng là ở tại cùng đích hay mục đích của nó. Nghĩa là, nếu con người ý thức được và tận lực đạt đến cùng đích của mình là họ đã sống một cuộc đời hết sức ý nghĩa rồi vậy. Mà mục đích của đời sống con người, một mục đích làm nên cốt lõi và là ý nghĩa đời sống của con người, được chất chứa nơi hay phản ánh qua ơn gọi hay sứ vụ của họ. Tức là, con người được kêu gọi để đạt tới cùng đích của mình, và nếu không đạt được cùng đích của mình là con người không làm trọn sứ vụ của họ, trái lại, khi họ nỗ lực sống trọn ơn gọi hay sứ vụ của họ là họ đã sống đúng với ý nghĩa của cuộc đời họ.

 

Nơi Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng thế, muốn hiểu được tất cả ý nghĩa của những gì ngài đã làm cho Giáo Hội trong 26 năm rưỡi, chúng ta cần phải nắm được chính cái cốt lõi của giáo triều ngài, hay nói cách khác, chúng ta cần phải biết rõ ơn gọi của ngài, tức là ngài được Thiên Chúa chọn làm giáo hoàng vào thời điểm Giáo Hội ở vào hậu bán thế kỷ 20 (chỉ còn chưa đầy 1 phần 4 thế kỷ) sau Công Đồng Chung Vaticanô II và mới bước vào ngàn năm thứ ba Kitô giáo đây để làm gì? Theo tôi, ơn gọi của vị giáo hoàng thứ 264 này của Giáo Hội là “để dọn đường cho lần đến cuối cùng của Cha”, đúng như lời Chúa Giêsu đã nói với vị thánh đầu tiên của đệ tam thiên kỷ là Faustina, vị tông đồ của Lòng Thương Xót Chúa và là vị đã được đức giáo hoàng Balan phong thánh vào Chúa Nhật II Phục Sinh, 30/4/2000.

 

Vâng, vào năm 1994, khi Giáo Hội bắt đầu giai đoạn xa (1994-1997, vì giai đoạn gần từ 1997-2000) dọn mừng Năm Thánh 2000, bấy giờ tôi đang chuyển dịch bộ sách (2 cuốn dầy 920 trang) “Tội Tràn Lan … Phúc Ngập Lụt!”, xuất bản năm 1995, nội dung bao gồm “Những lời thỏ thẻ của Chúa Giêsu với một số linh hồn ưu tuyển”, trong đó có Thánh nữ Faustina, tôi đã đọc thấy những lời Chúa Giêsu nói với chị như thế này:

 

·         “Khi tôi đang cầu nguyện thì tôi nghe thấy những lời của Chúa Giêsu như sau: ‘Cha đặc biệt yêu thương Balan, mà nếu Balan tuân theo ý muốn của Cha thì Cha sẽ nâng Balan lên trong quyền năng và thánh thiện. Từ Balan sẽ phát ra một tia sáng để sửa soạn thế giới cho lần đến cuối cùng của Cha - From her will come forth the spark that will prepare the world for My final coming”. (Nhật Ký về Lòng Chúa Thương Xót trong Hồn Tôi của chị Faustina, khoản số 1732)

 

Những lời này làm tôi vô cùng sửng sốt và nghĩ ngay đến Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Và tôi đã khai triển câu nói của Chúa Giêsu luôn ám ảnh tôi, mà tôi nghĩ rằng Người ám chỉ đến ĐTC GPII ấy, trong cuốn Hận Thù Quyết Thắng, xuất bản năm 1996, ở Chương 5, từ trang 53 đến 64. Thú thật, cho tới khi thấy bệnh tình của ngài càng ngày càng trầm trọng, tình trạng nguy kịch này lại xẩy ra sát kề ngày Lễ Chúa Tình Thương, tôi cảm thấy thôi đúng rồi, câu Chúa Giêsu nói ấy quả thực ám chỉ về ngài. Để rồi, khi hay tin ngài quả thực qua đi vào thời điểm Lễ Vọng Kính Chúa Tình Thương, và đã qua đi không lâu ngay sau Thánh Lễ (vọng) Kính Chúa Tình Thương được cử hành ở phòng của ngài, tôi lại càng cảm thấy lời Chúa Giêsu quả thực nói về vị giáo hoàng có nhiều điềm lạ này.

 

Chưa hết, sau đó, tôi càng xúc động hơn nữa và càng cảm thấy thấm thía lời Chúa Giêsu nói về ngài như “một tia sáng phát ra từ Balan để dọn đường cho lần đến cuối cùng của Cha” hơn bao giờ hết, khi biết rằng sứ điệp cuối cùng vị giáo hoàng vừa nằm xuống gửi cho riêng Giáo Hội và thế giới, một sứ điệp được đọc lên sau khi ngài đã vĩnh viễn ra đi, sau khi ngài đã hoàn tất sứ vụ chủ chăn nhân lành của mình cho đến hơi thở cuối cùng, đó là sứ điệp ngài đã viết sẵn cho Lễ Kính Chúa Tình Thương Chúa Nhật 3/4/2005 về Lòng Thương Xót Chúa.

 

Nếu quả thực sứ mệnh của “tia sáng (Karol Wojtyla - Gioan Phaolô II) phát hiện từ Balan” này là “để sửa soạn thế giới cho lần đến cuối cùng của Cha” đây, thì “tia sáng” này đã thực hiện sứ vụ ấy của mình như thế nào và đã hoàn tất sứ vụ này chưa mà qua đi rồi?

 

Chúng ta không biết được Chúa Giêsu có quả thực nói với chị Faustina câu nói có tính cách tiên tri “rùng rợn” (đối với nhiều người) ấy hay chăng, nhưng biết chắc một điều là nó có đó, như đã được chị viết ra, trong tập nhật ký của chị, và là một câu đã được chính vị giáo hoàng đồng hương của chị trích lại khi ngài về thăm Balan lần thứ tám, cũng là lần cuối cùng, vào thời đoạn 16-19/8/2002, ở bài giảng hôm Thứ Bảy 17/8/2002, trong Thánh Lễ cung hiến tân Đền Thờ Chúa Tình Thương, nơi cách đó không xa là khu hầm mỏ Solvay, địa điểm khi còn trẻ ngài đã làm việc trong thời kỳ Nazi chiếm đóng Balan, và đó là lý do khiến ngài đã hết sức xúc động bộc phát lên những lời cảm kích như sau: “Ai có thể nghĩ rằng có người đã từng bước đi ở nơi đây với những chiếc giầy bằng gỗ mà một ngày kia lại là người cung hiến ngôi đền thờ này nhỉ?” Trong bài giảng của mình, ngài đã đề cập tới lời Chúa Giêsu nói với chị Faustina về “một tia sáng phát ra từ Balan…”, ám chỉ về chính Lòng Thương Xót Chúa từ Balan tỏa khắp thế giới như sau:

 

·        “Thế nên, hôm nay đây, tại Đền Thánh này, Tôi xin long trọng ký thác thế giới cho Lòng Thương Xót Chúa. Tôi làm như vậy với một lòng thiết tha mong ước thấy sứ điệp của tình yêu nhân hậu Thiên Chúa, được loan báo nơi đây qua Thánh Faustina, cũng được tất cả mọi dân tộc trên thế giới biết đến và làm cho lòng họ tràn đầy niềm hy vọng. Chớ gì sứ điệp này, từ nơi đây, chiếu tỏa ra cho quê hương thân yêu của chúng ta cũng cho khắp thế giới. Chớ gì lời hứa quyết của Chúa Giêsu được nên trọn, ở chỗ, từ nơi đây phải chiếu giãi ra ‘tia sáng sửa soạn thế giới cho lần đến cuối cùng của Cha’ (x Nhật Ký, 1732). Tia sáng này cần phải thắp lên bởi ân sủng của Thiên Chúa. Ngọn lửa tình thương này cần phải được chuyền đi cho thế giới. Trong tình thương của Thiên Chúa thế giới mới tìm thấy hòa bình và nhân loại mới tìm thấy hạnh phúc!”

 

Phải chăng vị giáo hoàng, vì đọc được những lời này, thậm chí hoàn toàn tin tưởng những lời ấy, mà vào ngày 11/5/1997, tại Lebanon, ngài đã, vô tình hay cố ý, thốt lên những lời rõ ràng như sau:

 

·        “Tất cả chúng ta đang sống trong Mùa Vọng của những ngày lịch sử cuối cùng, và tất cả chúng ta đang nỗ lực sửa soạn đón Chúa Kitô đến để thiết dựng vương quốc của Thiên Chúa đã được Người loan báo - We are all living in the Advent of the last days of history, and all trying to prepare for the coming of Christ, to build the kingdom of God which he proclaimed” (L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 14/5/1997, trang 2).

 

Những lời này là âm vang từ những gì ngài đã mở đầu cho bức thông điệp khai triều của ngài, bức Thông Điệp Redemptor Hominis – Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần, được ban hành ngày 4/3/1979, Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Chay, với những lời lẽ như sau:

 

·        "Thật vậy, thời điểm này, một thời điểm mà theo ý định kín nhiệm của Thiên Chúa, Ngài đã trao cho tôi, sau vị tiền nhiệm Gioan-Phaolô I yếu mến của tôi, việc phục vụ hoàn vũ liên quan đến Toà của Thánh Phêrô ở Rôma, thì đã rất gần đến năm 2000 rồi… Chúng ta, một cách nào đó, cũng đang ở trong một Mùa Vọng mới, một mùa đợi trông…" (đoạn 1).

 

Vì nhận thức Giáo Hội đang sống trong một Mùa Vọng đợi trông Chúa Kitô là Đấng Cứu Chuộc Nhân  Trần như thế, ngài đã cảm thấy có trách nhiệm hướng lòng trí con người nói chung và Giáo Hội nói riêng về “Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần là trung tâm của vũ trụ và của lịch sử” (câu mở đầu cho bức thông điệp này), như ngài đã minh định trong khoản số 7 như sau:

 

·         "Điều chúng ta phải làm là gì đây, để mùa vọng mới này của Giáo Hội có dính dáng đến việc tiến đến hồi kết thúc của đệ nhị thiên niên này, có thể làm cho chúng ta gần hơn với Đấng mà Thánh Kinh gọi là ‘Cha Hằng Sống’ Pater futuri saeculi (Is 9:6)? Đây là một câu hỏi chính yếu mà vị Tân Giáo Hoàng này phải tự đặt ra, theo tinh thần đức tin trong việc tuân hành chấp nhận tiếng gọi để đáp lại lệnh truyền mà Chúa Kitô đã mấy lần ngỏ với thánh Phêrô: 'Hãy chăn các chiên của Thày' (Jn 21:15), tức: Hãy làm chủ chăn đàn chiên của Thày, cũng như: ‘Hãy làm cho các anh em của con vững mạnh khi con phục hồi' (Lk 22:32). Đối với câu hỏi này, quí huynh và anh chị em thân mến, cần phải có một giải đáp thực sự và xác đáng. Câu giải đáp của chúng ta phải là thế này: Tinh thần của chúng ta phải hướng về một chiều, một chiều duy nhất cho lý trí, ý muốn và tâm can của chúng ta, đó là hướng về Đức Kitô, Đấng Cứu Chuộc của chúng ta, hướng về Đức Kitô, Đấng Cứu Chuộc của nhân loại. Chúng ta muốn hướng về Người, vì không có ơn cứu rỗi nơi một ai khác ngoài Người, Con Thiên Chúa, bằng cách lập lại lời của thánh Phêrô: 'Lạy Chúa, chúng con còn biết theo ai? Chúa có những lời sự sống đời đời' (Jn 6:68; x.Acts 4:8-12)".

 

Chắc chắn một điều là ĐTC GPII không hề biết được đích xác ngày giờ ngài qua đời, tức ngài sẽ chăn dắt Giáo Hội bao lâu, có thể là lâu hơn Đức Gioan Phaolô I, vị xuất hiện trong lịch sử Giáo Hội có 33 ngày ngắn ngủi, nhưng lâu tới bao giờ. Tuy nhiên, ngài vẫn cảm thấy có một cái gì đó thúc đẩy ngài hướng ngay về Đại Năm Thánh 2000, cách thời điểm ngài viết bức thông điệp đầu tiên của ngài bấy giờ 21 năm nữa.

 

Phải chăng thời gian 26 năm rưỡi chăn dắt Giáo Hội, một thời gian lâu dài đứng vào hàng thứ 3 trong lịch sử Giáo Hội của vị giáo hoàng 264 này, cũng là dấu chứng cho thấy vai trò dọn đường “sửa soạn thế giới cho lần đến cuối cùng của Cha” của ngài?

 

Trong thời gian 26 năm rưỡi này, ngài đã mở đầu bằng Thông Điệp Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần, một thông điệp được ban hành vào Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Chay 4/3/1979, và kết thúc bằng Sứ Điệp Chúa Tình Thương, một sứ điệp cho Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa 3/4/2005, một sứ điệp đã được đọc lên tại Quảng Trường Thánh Phêrô trước buổi Nguyện Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng sau Thánh Lễ Kính Chúa Tình Thương cầu hồn cho ngài. Có thể nói, ơn gọi của vị hồng y Balan Karol Wojtyla lên làm giáo hoàng Gioan Phaolô II đó là để thực hiện sứ vụ đưa con người về với lòng thương xót Chúa, “Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần”.

 

Nếu so sánh Đức Phaolô VI là vị giáo hoàng về Giáo Hội, với thông điệp mở màn cho giáo triều của ngài là “Giáo Hội của Người - Ecclesiam Suam”, ban hành ngày Lễ Chúa Biến Hình 6/8/1964, đúng 14 năm trước cùng ngày ngài qua đời, cũng như với vai trò thay Đức Gioan XXIII (qua đời ngày 3/6/1963) chủ tọa Công Đồng Chung Vaticanô II (11/10/1962-8/12/1965), thì Đức Gioan Phaolô II, căn cứ vào tất cả những những gì ngài nói và làm, là vị giáo hoàng cho nhân loại.

 

Thật vậy, Công Đồng Chung Vaticanô II là công đồng về Giáo Hội, về việc Giáo Hội làm sao nhận thức được bản thân mình để có thể chiếu tỏa ánh sáng Chúa Kitô trước thế giới (Lumen Gentium, 1). Đó là lý do Công Đồng đã ban bố hai (trong 4) hiến chế về Giáo Hội, Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium - Ánh Sáng Muôn Dân (ban hành ngày 21/11/1964), liên quan đến việc Giáo Hội ý thức mình là “ánh sáng muốn dân”, và Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội Gaudium et Spes – Vui Mừng và Hy Vọng (ban hành ngày 7/12/1965, áp ngày bế mạc Công Đồng), liên quan đến việc chiếu tỏa Chúa Kitô ra trước thế giới tân tiến. Như thế, có thể so sánh như sau: nếu Đức Phaolô VI là tiêu biểu cho Hiến Chế Lumen Gentium về bản chất của Giáo Hội, thì Đức Gioan Phaolô II là hiện thân của Hiến Chế Gaudium et Spes – Giáo Hội trong thế giới tân tiến.

 

Phải chăng vì Đức Gioan Phaolô II là vị Giáo Hoàng của thế giới tân tiến, của nhân loại mà trong giáo triều của ngài đã xẩy ra nhiều biến cố khiến ngài, cùng với Giáo Hội, với tư cách là tiếng lương tâm của nhân loại, đã phải nhắc nhở con người, đã phải “làm chính trị đạo lý”, đã thực hiện 104 cuộc tông du khắp thế giới, đã tăng số ngoại giao với các quốc gia từ 85 đến 174 và đã được cả 200 lãnh tụ quốc gia đến tham dự Lễ an táng của ngài, những gì chưa từng xẩy ra ở một vị giáo hoàng nào trước đó!

 

Đức Gioan Phaolô II thực sự là vị giáo hoàng của Vui Mừng và Hy Vọng, của Hiến Chế Gaudium et Spes, một hiến chế chính ngài đã góp phần vào việc soạn thảo, và đã trích dẫn hai câu ở khoản số 22 và 24 rất nhiều lần trong giáo triều của ngài, đó là các câu cho thấy cốt lõi của chẳng những chính bản hiến chế này của Công Đồng mà còn của cả khoa nhân loại học Kitô giáo (Christian anthropology) lẫn giáo thuyết xã hội của Giáo Hội Công giáo nữa. Đó là câu:

 

·        “Mầu nhiệm về con người chỉ thực sự được sáng tỏ trong mầu nhiệm Lời nhập thể… Chúa Kitô, Adong mới, trong khi mạc khải về Chúa Cha và về tình yêu của Ngài, đã cho con người biết rõ về chính con người họ và tỏ cho họ biết thiên chức rất cao cả của họ” (22).

 

·        “Con người là tạo vật duy nhất trên trần gian này được Thiên Chúa dựng nên vì chính bản thân họ chỉ có thể gặp lại chính mình khi thành thực trao ban mình đi” (24).

 

Trong Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật II Mùa Chay 7/3/2004, ĐTC GPII đã nhắc lại ý tưởng chính yếu hết sức hệ trọng này như sau:

 

·        “Tôi muốn ngỏ lời huấn dụ này cho toàn thế giới 25 năm trước đây, chính vào lúc mở màn cho Mùa Chay này, trong thông điệp ‘Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần’ (xem số 7). Nếu con người muốn hiểu về mình cách tường tận, bấy giờ Tôi viết, họ cần phải đến gần Chúa Kitô, họ phải đi sâu vào Người, họ phải ‘thích hợp’ với Người và phải đồng hóa với toàn thể thực tại của công cuộc Cứu Chuộc (xem số 10). Hôm nay đây sự thật này hợp thời biết bao!” (đoạn 3)

 

Đó là lý do, vào chiều ngày Thứ Năm 16/10/2003, đúng 25 năm sau được bầu làm giáo hoàng, ĐTC Gioan Phaolô II đã cử hành thánh lễ trọng thể ở Quảng Trường Thánh Phêrô với 50 ngàn người tham dự. Đồng tế có Hồng Y Đoàn, các vị TGM và GM, các vị coi sóc các giáo xứ ở Rôma, có cả hai vị chủ tịch hai hội đồng giám mục Ý (Carlo Azeglio Ciampi) và Balan (Aleksander Kwasniewski), và các phái đoàn đại biểu từ 17 quốc gia trên thế giới. Trong bài giảng của mình, ĐTC, sau khi đã nhắc lại cảm giác của ngài khi vừa được chọn làm giáo hoàng, ngài đã lập lại lời ngài kêu gọi chung loài người 25 năm trước:

 

·        “Đừng sợ tiếp đón Chúa Kitô và chấp nhận quyền bính của Người! Hôm nay đây, Tôi mạnh mẽ lập lại là: Hãy mở cửa, hãy mở rộng của cho Chúa Kitô! Hãy để cho Người hướng dẫn anh chị em! Hãy tin tưởng vào tình yêu của Người!”.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: Đừng Sợ, Hãy Mở Cửa Cho Chúa Kitô

 

 Thế nhưng, loài người ở vào thời của Thông Điệp Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần với thời của đầu thiên kỷ thứ ba chẳng những không khá hơn mà còn càng ngày càng tệ hơn nữa, càng nguy vong hơn nữa.

 

Trước mắt của vị giáo hoàng mới đăng quang được gần 5 tháng (22/10/1978-4/3/1979), khi ngài ban hành bức thông điệp đầu tay của ngài, thế giới hiện lên như sau:

 

·         "Con người ngày nay hình như chưa bao giờ bị đe dọa bởi cái họ làm ra như vậy, nghĩa là từ thành quả của việc do bàn tay họ làm, và còn hơn thế nữa, của công việc do lý trí con người nghĩ ra cũng như của những khuynh hướng do ý con người muốn. Tất cả những gì do hoạt động đa diện này của con người sản xuất ra, thường bằng một đường lối không thể nào thấy trước được, rất là nhanh chóng, chẳng những nó gây nên 'sự tách biệt', ở chỗ nó thường lấy đi khỏi con người là tác nhân sản xuất ra chúng, mà hơn thế nữa, nó còn trở mặt phản lại chính con người, ít là một phần nào đó, qua những hậu quả gián tiếp nó tác dụng khi trả về cho họ. Nó được và có thể được nhắm thẳng vào con người. Điều này có thể tạo nên một màn thảm kịch chính yếu cho việc hiện hữu con người ngày nay trong một chiều kích rộng nhất và phổ quát của nó. Bởi thế, con người đang sống trong nỗi sợ hãi gia tăng. Họ sợ cái họ sản xuất ra - dĩ nhiên không phải là tất cả những cái ấy, hay hầu hết những thứ ấy, nhưng là một phần của nó, đích xác hơn là cái phần chứa đựng một thừa hưởng đặc biệt bởi tài năng và sự sáng tạo của họ - có thể phản lại chính họ tận gốc rễ; họ sợ rằng nó có thể trở thành phương tiện và dụng cụ cho một cuộc tự diệt không thể nào tưởng tượng nổi, so với tất cả những hủy hoại dữ dội và những hủy diệt bất ngờ trong lịch sử mà chúng ta biết đến thì chỉ là một bóng mờ. Điều này gợi lên một vấn đề là: Tại sao quyền năng được ban cho con người từ ban đầu để họ làm chủ trái đất (cf. Gen 1:28) lại quay ra chống lại họ, gây ra một tình trạng bất an không sao hiểu được, một nỗi sợ hãi ý thức hay vô thức, cũng như một mối nguy hiểm, mà trong những cách thức khác nhau, được truyền lan đến cả gia đình nhân loại ngày nay, và đang thể hiện dưới những phương diện khác nhau?...” (khoản số 15)

·          

·         "Bởi thế, nếu trong thời điểm của chúng ta, thời điểm đang tiến đến tận cùng đệ nhị thiên niên của kỷ nguyên Kitô giáo, tỏ ra mình là một thời điểm phát triển lớn lao, thì nó cũng được thấy như là một thời điểm của mối đe dọa đối với con người bằng nhiều hình thức... Tình trạng của con người trong thế giới tân tiến này thật sự xa rời khỏi những đòi hỏi khách quan của trật tự luân lý, khỏi những đòi hỏi của công lý, và còn hơn thế nữa, của tình yêu thương trong xã hội... Ý nghĩa chính yếu của 'vai trò chủ tể' và 'thống trị' của con người trên thế giới hữu hình mà Chính Tạo Hóa trao cho con người như công việc của họ, hệ tại việc đạo đức ưu tiên hơn kỹ thuật, con người chính yếu hơn sự vật, và tinh thần trọng hơn vật chất… Thật vậy, đã có thể thấy được một cơn nguy biến ở chỗ, trong khi việc con người làm chủ trên thế giới sự vật đang tạo nên những phát triển khổng lồ, thì họ liều mất đi những cái cốt yếu làm nên chủ quyền của mình, và bằng nhiều cách thức khác nhau, để cho nhân tính của mình lụy thuộc vào thế gian, rồi chính mình cũng trở nên một vật làm tôi phục vụ cho sự lạm dụng dưới nhiều hình thức - sự lạm dụng này thường không trực tiếp thấy được - qua toàn thể cơ cấu của cuộc sống chung, qua hệ thống sản xuất và qua áp lực từ phương tiện truyền thông xã hội. Con người không thể nào vùi dập bản thân mình hay vị trí của mình trong cái thế giới hữu hình là một thế giới thuộc về họ; họ không thể nào trở nên nô lệ cho sự vật, nô lệ cho những cơ cấu kinh tế, nô lệ cho việc sản xuất, nô lệ cho những sản phẩm riêng của mình" (khoản số 16)

·          

"Thế kỷ này, cho đến nay, vẫn là một thế kỷ của những hủy hoại lớn lao đối với con người, của những tàn phá vĩ đại, chẳng những về vật chất mà còn cả về luân lý, thực sự là thế, có lẽ trên hết là về mặt luân lý. Đồng ý là, về phương diện này, việc so sánh thời đại này hay thế kỷ này với thời đại khác hay thế kỷ khác không phải là một việc dễ dàng, vì điều này còn lệ thuộc vào những tiêu chuẩn lịch sử. Tuy nhiên, dù không mang ra so sánh chăng nữa, người ta cũng không thể nào không nhận thấy rằng thế kỷ này, cho tới nay, vẫn là một thế kỷ mà người ta đã gây ra cho nhau nhiều bất công và khổ đau. Diễn tiến này đã được dứt khoát chế ngự chưa?... Bất chấp những cơ sở ấy (điển hình là tổ chức Liên Hiệp Quốc), các quyền lợi con người vẫn đang bị vi phạm bằng nhiều hình thức, khi mà, trong thực hành, chúng ta thấy trước mắt có những trại tập trung, bạo lực, hành hạ, khủng bố, và kỳ thị dưới nhiều thể cách, thì sự kiện này phải là hậu quả của những chủ trương khác đang gặm nhấm và hầu như thường vô hiệu hóa những nền tảng nhân bản của những tổ chức và dự án hoạt động tân tiến này. Đối với hiện trạng như thế, cần phải có một trách nhiệm trong việc liên tục điều chỉnh những dự án hoạt động, dựa trên quan điểm về các quyền lợi khách quan và bất khả xâm phạm của con người. (khoản số 17).

 

Thế rồi, vào thời điểm vị giáo hoàng không phải người Ý sau 455 năm xuất hiện “từ một xứ sở xa xăm” này về thăm quê hương lần cuối cùng vào mùa hè năm 2002, loài người bấy giờ đã ở vào một tình trạng nguy vong đến độ ngài đã phải chính thức và long trọng hiến dâng thế giới, một thế giới khốn khổ thảm thương về mọi lãnh vực, cho Lòng Thương Xót Chúa tại ngôi Đền Thờ Chúa Tình Thương vào ngày Thứ Bảy 17/8/2002: 

 

“Anh Chị Em thân mến!

 

“1.        Hôm nay Tôi muốn lập lại những lời đơn sơ và chân thành này của Thánh Nữ Faustina để hợp với thánh nhân cũng như với tất cả anh chị em tôn thờ mầu nhiệm khôn thấu và khôn lường của tình thương Thiên Chúa. Như Thánh Faustina, chúng ta muốn loan báo rằng, ngoại trừ tình thương của Thiên Chúa, không còn một nguồn hy vọng nào khác cho loài người nữa. Chúng ta cần tin tưởng lập lại rằng: Lạy Chúa Giêsu, con tin tưởng nơi Chúa!

 

Việc loan báo này, việc tuyên xưng lòng tin tưởng vào tình yêu toàn năng của Thiên Chúa là việc đặc biệt cần thiết ở thời đại chúng ta đây, khi mà nhân loại đang trải qua một tình trạng biến loạn trước những xuất hiện của sự dữ. Việc kêu cầu lòng thương xót Chúa cần phải được vang lên từ thẳm cung của các cõi lòng đầy những khổ đau, băn khoăn về tương lai và sống trong bất ổn, đồng thời lại trông mong một nguồn hy vọng vững chắc. Đó là lý do tại sao chúng ta đến đây hôm nay, đến Ngôi Đền Thờ Lagiewniki này, để một lần nữa thoáng thấy nơi Chúa Kitô dung nhan của Thiên Chúa Cha: ‘Người Cha của tình thương và là Thiên Chúa của tất cả mọi niềm ủi an’ (2Cor 1:3). Bằng con mắt linh hồn của mình, chúng ta mong nhìn vào đôi mắt của Chúa Giêsu nhân hậu, để thấy được sâu xa trong ánh mắt của Người những gì phản ảnh nội tâm của Người, cũng như thấy được ánh sáng ân sủng là những gì chúng ta đã thường xuyên lãnh nhận, và là những gì Thiên Chúa ban lại cho chúng ta mỗi ngày cũng như vào ngày cuối cùng của cuộc đời chúng ta.

 

“5.-      ‘Lạy Cha hằng hữu, vì tội lỗi của chúng con và của toàn thế giới, con xin dâng lên Cha Mình Máu, Linh Hồn và Thiên Tính của Con Cha yêu dấu là Chúa Giêsu Kitô; vì những sự khốn khó của Cuộc Người Khổ Nạn, xin Cha thương đến chúng con và toàn thế giới’ (Nhật Ký, 476). Thương đến chúng con và toàn thế giới… Thế giới ngày nay cần đến tình thương của Thiên Chúa biết bao! Nơi hết mọi lục địa, từ vực sâu khốn khổ của loài người, tiếng kêu cầu xót thương dường như đang vang dậy. Nơi nào thù hằn và đòi rửa hận thống trị, nơi nào chiến tranh mang lại đau thương và chết chóc cho thành phần vô tội, thì ở đó cần đến ân sủng tình thương để ổn định lòng trí con người và tạo lập hòa bình. Nơi nào thiếu hụt lòng trọng kính sự sống và phẩm vị con người thì ở đó cần đến tình yêu nhân hậu của Thiên Chúa, Đấng mà trong ánh sáng của Ngài, chúng ta thấy được giá trị khôn tả của hữu thể con người. Cần phải có tình thương để bảo đảm rằng hết mọi bất công trên thế giới này sẽ được kết thúc trong chân lý rạng ngời.

 

Thế nên, hôm nay đây, tại Đền Thánh này, Tôi xin long trọng ký thác thế giới cho Lòng Thương Xót Chúa. Tôi làm như vậy với một lòng thiết tha mong ước thấy sứ điệp của tình yêu nhân hậu Thiên Chúa, được loan báo nơi đây qua Thánh Faustina, cũng được tất cả mọi dân tộc trên thế giới biết đến và làm cho lòng họ tràn đầy niềm hy vọng. Chớ gì sứ điệp này, từ nơi đây, chiếu tỏa ra cho quê hương thân yêu của chúng ta cũng cho khắp thế giới. Chớ gì lời hứa quyết của Chúa Giêsu được nên trọn, ở chỗ, từ nơi đây phải chiếu giãi ra ‘tia sáng sửa soạn thế giới cho lần đến cuối cùng của Cha’ (x Nhật Ký, 1732)”.

 

Chưa hết, trong bài giảng phong chân phước cho 4 vị đồng hương của ngài vào Chúa Nhật 18/8/2002 trong chuyến thăm quê hương lần thứ 8 này, ngài còn thấy hiện trạng vô cùng đáng thương của con người tân tiến, một hiện trạng rất cần đến vai trò của Giáo Hội trong việc mang tình thương của Chúa đến cho nhân loại, cho một thế giới ở vào thời điểm thế kỷ 20 càng ngày càng đi đến chỗ tự diệt vong nên lại càng đúng lúc cần đến Lòng Thương Xót Chúa, như ngài đã bày tỏ:

 

“3.-      Từ khi bắt đầu hiện hữu, Giáo Hội, qua việc bày tỏ mầu nhiệm Thập Giá và Phục Sinh, đã rao giảng tình thương Chúa, một bảo chứng hy vọng và là nguồn mạch cứu độ con người. Tuy nhiên, hôm nay đây chúng ta dường như được kêu gọi đặc biệt để loan báo sứ điệp này trước thế giới. Chúng ta không thể lơ là với sứ vụ này, nếu chính Thiên Chúa đã kêu gọi chúng ta thực hiện sứ vụ này qua chứng từ của Thánh Nữ Faustina.

 

Thiên Chúa đã chọn thời đại của chúng ta cho mục đích này. Có lẽ vì thế kỷ 20, mặc dù có những thành đạt không thể chối cãi về nhiều lãnh vực, cũng đã bị ghi dấu một cách đặc biệt bởi mầu nhiệm lỗi lầm ‘mystery of iniquity’. Chúng ta đã tiến vào ngàn năm mới với di sản vừa thiện vừa ác này. Những chân trời mới trong việc phát triển đang mở ra trước nhân loại, kèm theo đó có cả những cái nguy hiểm chưa từng có. Con người thường sống như thể Thiên Chúa không hiện hữu, thậm chí đặt mình vào vị thế của Thiên Chúa nữa. Họ tự cho mình quyền hành của một Vị Tạo Hóa trong việc can thiệp vào mầu nhiệm sự sống con người. Họ muốn định đoạt sự sống con người bằng cách léo lái việc truyền giống cũng như muốn thiết định giới hạn sự chết. Khi loại trừ lề luật thần linh và những nguyên tắc luân lý, họ công khai tấn công cơ cấu gia đình. Bằng những cách thức khác nhau, họ cố gắng làm cho Thiên Chúa phải im hơi lặng tiếng nơi tâm can của con người; họ muốn làm cho Thiên Chúa ‘hoàn toàn khuất bóng’ nơi văn hóa và lương tâm các dân tộc. ‘Mầu nhiệm lầm lỗi’ tiếp tục đánh dấu cái thực tại của thế giới này.

 

“Cảm nghiệm được mầu nhiệm ấy, con người mới sống trong nơm nớp lo sợ về tương lai, lo sợ về tình trạng trống rỗng, lo sợ phải khổ đau, lo sợ bị hủy diệt. Có lẽ chính vì lý do này mà Chúa Kitô, qua việc sử dụng chứng từ của một Nữ Tu thấp hèn, đã đến với thời đại của chúng ta để tỏ cho chúng ta thấy một cách rõ ràng nguồn mạch sống khuây khỏa và hy vọng ở nơi tình thương đời đời của Thiên Chúa.

 

Sứ điệp tình yêu nhân hậu cần được vang vọng một cách mạnh mẽ một lần nữa. Thế giới cần đến thứ tình yêu này. Đã đến thời giờ cần phải mang sứ điệp của Chúa Kitô đến cho mọi người: cho các kẻ trị vì và thành phần bị áp bức, cho những ai có bản tính và phẩm vị bị tiêu ma trong mầu nhiệm lỗi lầm. Đã đến thời giờ sứ điệp Lòng Thương Xót Chúa có thể làm cho các tâm hồn tràn đầy hy vọng và trở nên tia sáng cho một nền văn minh mới, một nền văn minh yêu thương”.

 

Đó là lý do, vào Lễ Chúa Tình Thương được cử hành lần đầu tiên hôm Ngày Chúa Nhật Thứ Hai Phục Sinh, 22/4/2001, trong bài giảng của mình, ngài đã thúc giục loài người hãy tin tưởng vào tình yêu vô cùng nhân hậu của Thiên Chúa, một tình yêu duy nhất có thể cứu độ con người tội lỗi lại vô cùng bất lực:

 

“1.-        ‘Đừng sợ, Ta là nguyên thủy và là cùng tận, là Đấng đang sống; Ta đã chết, mà này Ta đang sống muôn đời’ (Rev 1:17-18).

 

“Chúng ta đã nghe những lời an ủi này trong Bài Đọc Thứ Hai được trích từ Sách Khải Huyền. Những lời ấy mời gọi chúng ta hãy nhìn lên Chúa Kitô để cảm nghiệm được sự hiện diện an toàn của Người. Đấng Phục Sinh lập lại lời ‘Đừng sợ!’ với mỗi một người, dù thân phận họ ra sao, cho dù có bị thê thảm và rắc rối nhất. Ta đã chết trên Thập Giá, nhưng nay ‘Ta đang sống muôn đời’; ‘Ta là nguyên thủy và là cùng tận, là Đấng đang sống’.

 

 “’Nguyên Thủy’ tức là nguồn gốc của hết mọi hữu thể và là hoa trái đầu mùa của việc tân tạo; ‘Cùng Tận’ là thời điểm vĩnh viễn kết thúc lịch sử; ‘Đấng đang sống’ là nguồn mạch vô tận của sự sống đã vĩnh viễn chiến thắng sự chết. Nơi Đấng Thiên Sai, tử giá và phục sinh, chúng ta nhận thấy những dấu vết của một Con Chiên bị hiến tế trên đồi Gôngôta, Đấng xin ơn thứ tha cho các kẻ hành hình Người và mở cửa trời cho các tội nhân thống hối; chúng ta thoáng nhìn thấy dung nhan của một Vị Vua bất tử, Đấng giờ đây nắm trong tay ‘chìa khóa của Sự Chết và Âm Phủ’ (Rev 1:18).

 

“2.-        ‘Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa tốt lành; vì tình Ngài xót thương muôn đời bền vững!’ (Ps 117:1).

 

“Chúng ta hãy cùng với Tác Giả Thánh Vịnh than lên câu chúng ta đã họa lại trong Bài Đáp Ca: Tình Ngài xót thương muôn đời bền vững! Để hoàn toàn hiểu được chân lý của những lời này, chúng ta hãy theo phụng vụ đến tận tâm điểm của biến cố cứu độ, một biến cố liên kết Cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Kitô với đời sống của chúng ta cũng như với lịch sử của thế giới. Phép lạ này của tình thương đã biến đổi tận gốc định mệnh của nhân loại. Đó là một phép lạ tỏ ra cho thấy trọn vẹn tình yêu của Chúa Cha, Đấng vì phần rỗi của chúng ta đã nhất định thực hiện việc hy tế Người Con Duy Nhất của mình.

 

“Nơi Đức Kitô ô nhục và khổ đau, những người tín hữu, cũng như những ai vô tín ngưỡng cũng có thể ca ngợi, một mối liên kết lạ lùng ngoài sức tượng tượng, ràng buộc Người với thân phận nhân loại chúng ta. Thập Giá, ngay cả sau Cuộc Phục Sinh của Con Thiên Chúa, ‘đã nói và không thôi nói về Thiên Chúa Cha, Đấng tuyệt đối trung thành với tình yêu muôn thuở của Ngài đối với con người… Tin tưởng vào tình yêu này tức là tin tưởng vào tình thương’ (Thông Điệp Dives in Mesericordia Giầu Lòng Xót Thương, đoạn 7).

 

“Chúng ta hãy cám ơn Chúa về tình Ngài yêu thương, một mối tình mạnh hơn sự chết và tội lỗi. Tình yêu này được thể hiện và thực hiện như tình thương trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, và thúc đẩy mọi người đáp lại bằng cách ‘xót thương’ Đấng Tử Giá. Không phải hay sao, chương trình sống của hết mọi người đã lãnh nhận Phép Rửa, cũng như của toàn thể Giáo Hội, đó là theo gương Chúa Giêsu yêu mến Thiên Chúa cũng như yêu thương nhau, cho dù là ‘kẻ thù’ của mình?

 

“3.-        Với những cảm thức này, chúng ta cử hành Chúa Nhật Thứ Hai Phục Sinh, một Chúa Nhật từ năm ngoái, năm Đại Hỷ, cũng đã được gọi là ‘Chúa Nhật Chúa Tình Thương’. Anh chị em thân mến, Tôi hết sức vui mừng có thể được cùng với tất cả anh chị em là những người hành hương và tín hữu đến từ các quốc gia để cùng nhau tưởng niệm một năm sau biến cố phong thánh cho Thánh Faustina Kowalska, vị chứng nhân và là sứ giả của tình yêu nhân hậu Chúa Giêsu. Việc tuyên phong lên bàn thờ cho một nữ tu khiêm hạ này, một nữ tử của đất nước Tôi, không phải là món quà tặng cho Balan mà là cho tất cả nhân loại. Thật vậy, sứ điệp chị truyền đạt là một giải đáp thích hợp và quyết liệt Thiên Chúa muốn cống hiến cho những vấn nạn và mong đợi của con người trong thời đại của chúng ta đây, một thời đại bị đánh dấu bằng những thảm trạng kinh hoàng. Chúa Giêsu ngày kia đã nói với Thánh Faustina rằng: ‘Nhân loại sẽ không bao giờ tìm thấy hòa bình, cho đến khi họ tin tưởng quay về với Lòng Thương Xót Chúa’ (Diary, trang 132). Lòng Thương Xót Chúa! Đó là quà tặng Phục Sinh Giáo Hội đã nhận được từ Chúa Kitô phục sinh để cống hiến cho loài người vào lúc rạng động của một thiên kỷ.

 

“4.-        Phúc Âm vừa được công bố giúp chúng ta hiểu được trọn vẹn ý nghĩa và giá trị của quà tặng này. Thánh Ký Gioan làm cho chúng ta tham dự vào nỗi xúc động nơi các Tông Đồ khi các vị gặp Chúa Kitô sau khi Người Phục Sinh. Chúng ta chú ý đến cử chỉ của Vị Tôn Sư này, Đấng truyền đạt cho những người môn đệ đang bàng hoàng sợ hãi sứ vụ làm thừa tác viên của Lòng Thương Xót Chúa. Người tỏ cho các vị thấy đôi tay và cạnh sườn còn mang những dấu tích Khổ Nạn của Người mà nói cùng các vị: ‘Như Cha đã sai Thày thế nào Thày cũng sai các con như vậy’ (Jn 20:21). Ngay sau đó, ‘Người đã thở hơi trên họ mà phán: Các con hãy nhận lấy Thánh Linh. Các con tha tội cho ai thì tội họ được tha; các con cầm tội ai thì tội họ bị cầm lại’ (Jn 20:22-23). Chúa Giêsu đã ký thác cho các vị tặng ân ‘thứ tha tội lỗi’, một tặng ân phát xuất từ những thương tích nơi tay chân của Người, nhất là từ cạnh sườn bị đâm của Người. Từ đó, một triều sóng tình thương đã tuôn ra cho toàn thể nhân loại.

 

“Chúng ta hãy sống lại giây phút ấy bằng cả một tinh thần hết sức thiết tha. Hôm nay đây Chúa Giêsu cũng tỏ cho chúng ta thấy những vết thương vinh hiển của Người cùng với trái tim của Người, một nguồn mạch vô tận của ánh sáng và chân lý, của yêu thương và tha thứ.

 

“5.-        Trái Tim Chúa Kitô! ‘Thánh Tâm’ của Người đã ban cho con người hết mọi sự: ơn cứu chuộc, ơn cứu độ, ơn thánh hóa. Thánh Faustina Kowalska đã thấy phát ra từ Trái Tim Người tuôn đổ một yêu dạt dào hai tia sáng chiếu soi thế giới. ‘Hai tia sáng’, theo những gì Chúa Giêsu đã nói với chị, ‘tiêu biểu cho máu và nước’ (Diary trang 132). Máu gợi lại hy tế Gôngôta và mầu nhiệm Thánh Thể; nước, theo tính cách tiêu biểu phong phú của Thánh Ký Gioan, làm cho chúng ta nghĩ đến Phép Rửa và Tặng Ân Thánh Linh (x Jn 3:5; 4:14).

 

“Qua mầu nhiệm của trái tim bị thương tích này, triều sóng phục hồi của tình yêu nhân hậu Thiên Chúa tiếp tục lan tràn trên những con người nam nữ của thời đại chúng ta. Chỉ có ở đây những ai mong ước hạnh phúc chân thật và bền bỉ mới tìm được bí quyết của nó.

 

“6.-        ‘Lạy Chúa Giêsu, con tin nơi Chúa’. Lời cầu nguyện này, lời cầu nguyện được rất nhiều tâm hồn đạo đức yêu chuộng, rõ ràng nói lên cho chúng con thấy thái độ chúng con cần phải phó mình vào tay Chúa, Ôi Chúa, Đấng Cứu Thế duy nhất của chúng con.

 

“Chúa thiết tha muốn được mến yêu và những ai thông cảm nhận được những nỗi lòng của trái tim Chúa sẽ biết cách xây dựng một thứ văn minh yêu thương. Một cử chỉ phó thác chân thành đã đủ thắng vượt những ngãng trở của bóng tối và sầu thương, của ngờ vực và thất vọng chán chường. Những tia sáng của lòng thương xót Chúa phục hồi niềm hy vọng một cách đặc biệt cho những ai cảm thấy bị đè nén bởi gánh nặng tội lỗi.

 

“Hỡi Maria, Mẹ của Tình Thương, xin giúp chúng con luôn tin tưởng vào Con Mẹ, Đấng Cứu Chuộc của chúng con. Xin Thánh Faustina là Vị chúng tôi đặc biệt nhớ đến trong ngày hôm nay đây, cũng trợ giúp chúng tôi nữa. Nhìn ngắm dung nhan của Đấng Cứu Thế thần linh một cách yếu ớt, chúng tôi xin cùng với thánh nữ lập lại rằng ‘Lạy Chúa Giêsu, con tin nơi Chúa’. Khi nay và cho đến muôn đời. Amen”.

 

Theo chiều hướng ấy, chiều hướng kêu gọi chung nhân loại và riêng con cái mình hãy tin tưởng vào Lòng Thương Xót Chúa, Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần, Đấng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết, Đấng duy nhất có thể cứu độ con người bằng quyền lực phục sinh của Người, trong Huấn Từ Truyền Tin về Chúa Nhật Kính Lòng Thương Xót Chúa 18/4/2004, vị giáo hoàng này tiếp tục nhắc nhở và kêu gọi:

 

1.             Từ trên thập tự giá cao vào Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta lòng tha thứ như lời trăn trối của Người: “Lạy Cha, xin tha cho họ; vì họ không biết những gì họ làm” (Lk 23:34). Bị hành hạ và nhạo báng, Người xin thương xót những kẻ sát hại Người. Cánh tay Người rộng mở và trái tim bị đâm thâu của Người trở thành một bí tích phổ quát cho tấm lòng hiền phụ của Thiên Chúa, Đấng ban cho hết mọi người ơn tha thứ và sự hòa giải.

 

Vào ngày phục sinh, khi Người hiện ra với các môn đệ, Chúa đã chào các vị bằng những lời lẽ này: “Bình an cho các con”, rồi tỏ cho các vị thấy đôi tay của Người và cạnh sườn của Người còn nguyên dấu vết khổ nạn. Tám ngày sau, như chúng ta đọc trong bài Phúc Âm hôm nay, Người đã trở lại gặp các vị ở Nhà Tiệc Ly và lại nói với các vị: “Bình an cho các con” (x Jn 20:19-26).

 

2.             Hòa bình là tặng ân đích thật của Chúa Kitô tử giá và phục sinh, hoa trái vinh thắng của tình Người yêu thương trên tội lỗi và sự chết. Bằng việc hiến dâng bản thân mình, tế vật vô tội đền bù trên bàn thờ thập giá, Người tuôn tràn trên nhân loại triều sóng ân phúc của Lòng Thương Xót Thần Linh.

Bởi thế, Chúa Giêsu là hòa bình của chúng ta, khi Người trở thành biểu lộ tuyệt hảo của Tình Thương Xót Chúa. Người làm cho tình yêu nhân hậu của Thiên Chúa thấm nhập vào lòng dạ con người, một vực thẳm vẫn từng bị sự dữ cám dỗ.

 

3.             Hôm nay, Chúa Nhật “in Albis”, chúng ta cử hành Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa. Chúa cũng ban cho chúng ta tất cả sự bình an được bắt nguồn từ lòng thứ tha và từ việc thứ tha tội lỗi. Nó là một tặng ân đặc biệt, một tặng ân Người muốn liên kết với bí tích thống hối và hòa giải.

Nhân loại cần biết bao việc cảm nghiệm được tác hiệu của tình thương Thiên Chúa trong những thời buổi được đánh dấu bằng tình trạng bất an tăng phát cùng với những cuộc xung khắc bạo động!

Chớ gì Mẹ Maria, Mẹ Chúa Kitô bình an của chúng ta, Đấng trên đồi Canvê đã lãnh nhận lời trăn trối yêu thương của Người, giúp chúng ta trở thành những chứng nhân và là những vị tông đồ của lòng thương xót vô biên hải hà của Người.

 

Và để kết thúc một giáo triều có sứ mệnh mang con người về cho Lòng Thương Xót Chúa của mình, ngài đã gửi một tối di chúc thư cho nhân loại, một di chúc thư được đọc vào chính Ngày Chúa Nhật II Phục Sinh, ngày chính ngài đã thiết lập theo lời yêu cầu của Chúa Giêsu qua chị Thánh Faustina để Kính Lòng Thương Xót Chúa, ngày ngài mới qua đi vào đêm vọng hôm trước. Sứ điệp của tối hậu di chúc thư này như sau:

 

“Anh Chị Em thân mến!

 

“1.           Lời Alleluia Phục Sinh vui lên cũng âm vang vào ngày hôm nay nữa. Bài Phúc Âm của Thánh Gioan hôm nay nói lên rằng Đấng Phục Sinh, vào đêm hôm đó, đã hiện ra với các vị Tông Đồ và ‘đã tỏ cho các vị thấy đôi tay và cạnh sườn của Người’ (Jn 20:20), tức là cho thấy những dấu hiệu của Cuộc Khổ Nạn đau thương còn hằn vết bất khả xóa mờ trên thân xác của Người cả sau khi Người Phục Sinh. Những thương tích hiển vinh này, những thương tích mà 8 ngày sau đó Người đã cho người tông đồ Tôma nghi ngờ chạm tới, đã cho thấy tình thương của Thiên Chúa ‘vì Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con duy nhất của mình’ (Jn 3:16).

 

“Mầu nhiệm yêu thương này là tâm điểm của phụng vụ hôm nay, Chúa Nhật ‘in Albis’, được giành để tôn thờ Lòng Thương Xót Chúa.

 

“2.           Chúa Kitô phục sinh đã hiến ban cho nhân loại, một nhân loại có những lúc dường như bị lạc mất và bị thống trị bởi quyền lực sự dữ, cái tôi và sợ hãi, tặng ân tình ngài yêu thương, một tình yêu tha thứ, hòa giải và phục hồi tinh thần hy vọng. Đó là một tình yêu hoán cải tâm can và ban phát an bình. Thế giới này cần phải hiểu biết và chấp nhận Kòng Thương Xót Chúa biết bao!

 

“Lạy Chúa, Đấng đã tỏ tình yêu thương của Chúa Cha qua Cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa ra, chúng con tin tưởng vào Chúa và tin tưởng lập lại cùng Chúa hôm nay rằng: Lạy Chúa Giêsu, con tin tưởng nơi Chúa, xin thương xót chúng con và toàn thế giới.

 

“3.           Phụng vụ trọng thể của Lễ Truyền Tin là lễ sẽ được cử hành ngày mai, đưa chúng ta đến việc chiêm ngưỡng mầu nhiệm vĩ đại của tình yêu nhân hậu xuất phát từ thánh tâm Chúa Giêsu này bằng ánh mắt của Mẹ Maria. Nhờ Mẹ giúp đỡ, chúng ta có thể hiểu được ý nghĩa đích thực của niềm vui phục sinh là niềm vui được căn cứ vào niềm tin tưởng rằng Đấng được Đức Trinh Nữ cưu mang trong lòng, Đấng đã khổ nạn và tử giá vì chúng ta, đã thực sự phục sinh. Alleluia Hãy Vui Lên!”

 

Theo di chúc hay ước nguyện cuối cùng này của mình, ĐTC GPII, vị giáo hoàng của “Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần – Redemptor Hominis”, thực sự muốn để lại cho cả Giáo Hội lẫn toàn thể nhân loại, “một nhân loại có những lúc dường như bị lạc mất và bị thống trị bởi quyền lực sự dữ, cái tôi và sợ hãi”, đó là “thế giới này cần phải hiểu biết và chấp nhận Lòng Thương Xót Chúa biết bao!” Thế nhưng, để được như vậy, để nhân loại có thể “chấp nhận Lòng Thương Xót Chúa”, Giáo Hội nói chung và vị tân giáo hoàng nói riêng, phải trở thành Tông Đồ của Lòng Thương Xót Chúa, nhờ “việc chiêm ngưỡng mầu nhiệm vĩ đại của tình yêu nhân hậu xuất phát từ thánh tâm Chúa Giêsu này bằng ánh mắt của Mẹ Maria”. 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

GIÁO HỘI HIỆN THẾ