GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 4/2005

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho Kitô hữu sống các ngày Chúa Nhật của mình thực sự hơn như là những ngày của Chúa được giành đặc biệt cho Thiên Chúa và cho tha nhân”.

 

Ý Truyền Giáo: Xin cho hết mọi cộng đồng Kitô hữu có được một nhiệt tình nên thánh để thắp lên nhiều ơn gọi truyền giáo.  


 

__________________

 NGÀY 1 THỨ SÁU

TRONG TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH

        

ĐTC GPII: Bệnh tình ‘rất trầm trọng’

Sáng sớm Thứ Sáu 1/4/2005, vị giám đốc văn phòng báo chí tòa thánh Vatican đã cho biết bệnh tình của ĐTC GPII đã trở nên ‘trầm trọng’, một lời lẽ chưa bao giờ được vị giám đốc này sử dụng về bệnh tình của ĐGH này, vì quả thực ngài đã bị “đột giật và lịm tắt cơ mạch tim”, nhưng không phải bị động tim.

Vị giám đốc này cho biết ngài vẫn còn tỉnh táo và bìng thản, đang được điều trị ở Vatican, vì ngài muốn ở Vatican chứ không muốn vào bệnh viện nữa.

Thậm chí ngài còn đồng tế Thánh Lễ sáng sớm Thứ Sáu

Đêm Thứ Năm, vì sức khỏe của ngài suy yếu hơn, ngài đã lãnh nhận Bí Tích Xức Dầu, một bí tích ngài đã lãnh nhận một lần trước đây vào năm 1981 dịp ngài bị ám sát.

Trong khi ở TGP/LA tổ chức cầu nguyện cho ĐTC thì ở Wasgington DC, ĐHY Theodore McCarrick đã kêu gọi tín hữu Công giáo và ngoài Công giáo hãy cầu nguyện cho ĐGH: “Chớ gì ngài khỏe lại. Chúng ta hãy cầu nguyện để được như thế. Xin Thiên Chúa ban cho ngài sức mạnh để ngài một lần nữa có thể truyền đạt theo cách thức ngài đã thực hiện trong quá khứ bằng cả tâm hồn đầy khôn ngoan như thế. Thế nhưng, nếu điều ấy không phải là ý Chúa muốn, thì xin cho ngài khỏi đau đớn, vì ngài chắc chắn đang trải qua một giai đoạn đớn đau hiện nay”.



Terri Schiavo: “Đây là một chiến thắng của thứ văn hóa sự chết đối với sự sống. Đó không phải là một cái chết tự nhiên mà là một cái chết bị áp đặt”
 

Thế là, đúng như dự đoán của các bác sĩ chuyên môn, sau khoảng 2 tuần bị rút ống dinh dưỡng ra, nạn nhân có thể qua đời, nữ nạn nhân Terri Schiavo bị triệt sinh bức tử theo án lệnh của thẩm phán Greer (hình bên cạnh), quả thực đã qua đời vào lúc 9 giờ 5 phút sáng Thứ Năm 31/3/2005, sau 13 ngày, từ 1 giờ 45 chiều ngày Thứ Sáu 18/3, bị rút ống dinh dưỡng cho chết đói chết khát như yêu cầu của người chồng kiêm giám hộ pháp lý của cô.
 

Đại diện cho cha mẹ của mình, anh chị của nữ nạn nhân đã ngỏ lời cám ơn thành phần ủng hộ gia đình mình nói chung và nữ nạn nhân em mình nói riêng ở ngoài dưỡng viện nơi người em đáng thương này qua đời. Người chị là Suzanne Vitadamo đã nói như sau: “Xin Thiên Chúa ban ơn cho gia đình chúng tôi”. Ông anh Bobby Schindler cũng theo cùng một chiều hướng đức tin ấy: “Chúng tôi xin gửi lời thứ tha. Trải qua cuộc thử thách này, chúng tôi được nhắc nhở bởi những lời của Chúa Giêsu trên thập tự giá là ‘Xin tha cho họ vì họ lầm không biết việc họ làm’”.

Hai giờ sau khi qua đời, thi thể của Terri Schiavo đã được một chiếc xe van trắng, có cảnh sát theo hộ tống, đưa đến văn phòng của Pinellas-Pasco County Medical Examiner ở Largo để giảo nghiệm. Sau khi được giảo nghiệm, thi thể của cô sẽ được hỏa táng và chôn cất theo lời yêu cầu của chồng cô ở Pennsylvania là nơi họ lấy nhau từ năm 1984, dù cha mẹ của cô không muốn cô bị hỏa táng và muốn cô được chôn táng tại Florida.

Được tin nữ nạn nhân Terri Schiavo bị triệt sinh bức tử qua đời Tổng Thống Bush đã gửi lời phân ưu đến cùng những người thân yêu của cô như sau: “Tôi cảm phục tấm gương phúc đức và nhân phẩm họ đã tỏ hiện ra nơi lúc khốn khó này. Hôm nay hằng triệu người Hoa Kỳ cảm thấy buốn trước cái chết của Terri Schiavo… Tôi xin tất cả những ai tôn kính Terri Schiavo hãy tiếp tục hoạt động để xây dựng một thứ văn hóa sự sống là thứ văn hóa biết đón nhận, coi trọng và bảo vệ tất cả mọi người Hoa Kỳ”.

Thống Đốc Jeb Bush cũng lên tiếng bằng một công văn với những lời lẽ như sau: “Nhiều người trên khắp đất nước chúng ta và trên thế giới hết sức xúc động trước cách thức qua đời của Terri. Tôi cũng cảm thấy rất ư là xót xa nữa. Tuy nhiên, tôi vẫn tin rằng cái chết của Terri là cửa ngỏ mở ra cho chúng ta nhờ đó có thể thấy được nhiều vấn đề chưa được giải quyết nơi các gia đình của mình cũng như nơi xã hội của mình. Vì thế, chúng ta có thể tri ân cảm tạ tất cả những gì chúng ta học được từ sự sống của Terri Schiavo”.

Ở tòa Quốc Hội Florida thủ đô Tallahassee, các vị lập pháp đã giành một phút thinh lặng khi nghe tin Terri Schiavo qua đời.

Một phần tử thuộc Quốc Hội Hoa Kỳ là ông Delay thuộc đảng Cộng Hòa ở Texas đã nói với các phóng viên báo chí tại Houston về nhận định của mình liên quan đến luật pháp Hoa Kỳ nói chung và các vị thẩm phán ở cả tiểu bang lẫn liên bang Hoa Kỳ nói riêng như sau:

“Cái chết này đã xẩy ra là vì hệ thống pháp lý của chúng ta không bảo vệ thành phần cần phải được bảo vệ nhất, và thứ hệ thống này cần phải được đổi thay. Đây là lúc cho những con người chịu trách nhiệm về việc này phải trả lời cho hành động của mình, nhưng không phải là hôm nay. Hôm nay chúng ta thương tiếc, chúng ta nguyện cầu, và chúng ta hy vọng Thiên Chúa sẽ không để xẩy ra cho người khác nữa”.
Ông nói tiếp là các vị lập pháp “sẽ cứu xét về một thứ pháp luật ngông cuồng đã xỏ mũi Quốc Hội và Tổng Thống… Tôi không bao giờ nghĩ được rằng tôi lại thấy có ngày vị thẩm phán Hoa Kỳ đã ngưng việc nuôi dưỡng một người Hoa Kỳ còn sống để cho chết đi 14 ngày như vậy”.

Phần Giáo Hội Công giáo, sau khi nghe tin này, vị giám đốc văn phòng báo chí tòa thánh Vatican đã đại diện lên tiếng như sau:

“Hoàn cảnh về cái chết của bà Terri Schiavo thực sự đã làm nhức nhối cho nhiều lương tâm. Cái chết của bà xẩy ra tức tưởi một cách độc đoán, vì vấn đề dinh dưỡng cho một con người không bao giờ lại được coi là một thứ tiệu liệu thái quá cả.

“Chắc chắn là không có một thứ luật trừ nào được phép thực hiện đối với nguyên tắc về tính cách linh thánh của sự sống cả, từ khi nó được thụ thai cho tới khi nó qua đi một cách tự nhiên. Đây không phải là nguyên tắc đạo lý Kitô giáo mà thôi, còn là nguyên tắc của văn minh nhân loại nữa. Từ kinh nghiệm thê thảm này, người ta hy vọng thấy được một nhận thức hơn nữa về phẩm giá con người nơi quần chúng nhờ đó mạng sống con người được bảo vệ hơn nữa, cho dù theo quan điểm pháp lý”.
 

Những lời nhận định và phát biểu của vị giám đốc văn phòng báo chí tòa thánh này đã xẩy ra sau khi vị hồng y chủ tịch Hội Đồng Công Lý và Hòa Bình của Tòa Thánh là Renato Martino mạnh mẽ phê phán như sau: “Đây là một chiến thắng của thứ văn hóa sự chết đối với sự sống. Đó không phải là một cái chết tự nhiên mà là một cái chết bị áp đặt”. Vị hồng y này cho biết nếu ĐTC GPII không bị bệnh và nói được ngài cũng nói y như vậy thôi.

Ở TGP/LA, ĐHY Mahony đã nói rằng cái chết của Terri Schiavo là cái chết bất xứng: “Tôi cảm thấy rằng phẩm giá và ơn huệ về một cái chết tự nhiên đã bị vi phạm qua tiến trình không cùng này, và những gì phải là giây phút trầm lắng an bình nguyện cầu cho một người thân yêu của mình một cách nào đó đã trở thành một thứ diễn đàn cho nhiều nhóm thực hiện các chương trình hành động khác nhau… Truyền thống Công giáo về luân lý của chúng ta luôn kêu gọi chúng ta hãy cống hiến thiện ích của mối ngờ vực cho sự sống chứ không phải sự chết. Đồng thời những điều hướng dẫn về đạo lý y khoa Công giáo cũng có đó để giúp chúng ta khi chúng ta đương đầu với những vấn đề rất quan trọng ấy”.
 

Mạng lưới điện toán toàn cầu Thời Điểm Maria cũng xin Chúa Kitô Phục Sinh, Đấng “được toàn quyền trên trời dưới đất” (x Mt 28:18), “đã chiến thắng thế gian” (Jn 16:33), làm cho nạn nhân bị triệt sinh bức tử Terri Schiavo trở thành hy tế sự sống cho một xã hội văn minh vật chất duy thực dụng đã làm cho nhiều người chỉ biết có quyền làm người hơn là tình làm người, chỉ chuộng văn hóa sự chết hơn là văn minh yêu thương, một thứ văn minh yêu thươngtheo Phúc Âm Sự Sống của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Amen.


Luật Lệ Hồi giáo và Khả Năng Dân Chủ của Luật Lệ này (tiếp)

 

Trước hiện tượng bầu cử dân chủ ở Palestine cũng như ở Iraq trong tháng Hai 2005, cả những biến chuyển theo chiều hướng dân chủ ở A Phú Hãn, Iran và Lêbanon, mạng lưới điện toán toàn cầu Zenit đã thực hiện một cuộc phỏng vấn với ông David Forte, tham vấn viên của Hội Đồng Tòa Thánh về Gia Đình và cũng là cố vấn cho Tổng Thống Bush về các Hồi giáo vụ, liên quan đến khả năng nơi luật lệ Hồi giáo, một thế giới tôn giáo thiên về chế độ độc tài chuyên chế. Ông Forte là giáo sư luật ở Cleveland-Marshall of Law thuộc Cleveland State University và là tác giả cuốn “Những Nghiên Cứu về Luật Lệ Hồi giáo: Việc Áp Dụng Tân Cổ”, do Austin và Winfield xuất bản.

 

 

Vấn:     Có một số học giả lập luận rằng chế độ dân chủ đòi phải có một môi trường văn hóa đặc biệt để sống còn và phát triển tỏ ra tôn trọng tự do và qui tắc của luật lệ. Lề luật Hồi giáo có giúp nuôi dưỡng cái nền tảng cần thiết này hay chăng?

Đáp:     Lề luật Hồi giáo là thứ luật rất tiến triển đối với kỷ nguyên của mình ở lãnh vực luật hợp tác, luật sản vật, lãnh vực thừa hưởng, và lãnh vực phương thức ở một mức độ nào đó, thế nhưng, dầu sao trừ phi nó được cải tổ, bằng không những cấu trúc cổ của lề luật Hồi giáo sẽ là một trở ngại cho tình trạng thật sự khẩn cấp của chế độ dân chủ.

Vấn:     Một số tư tưởng gia về luật tự nhiên đã đưa ra vấn đề tự do là một ước muốn được tất cả mọi người đồng ý bất kể thuộc văn hóa nào. Làm sao ông có thể trả lời cho chủ trương này đối với riêng các xã hội Hồi giáo?

Đáp:     Điều ấy có thể đúng. Đại đa số những người Hồi giáo ngày nay sống ở các quốc gia tự do hay phần nào tự do. Kinh nghiệm của việc tuyển cử ở Iraq dường như cho thấy quan trọng ra sao trong việc con người cần phải lãnh trách nhiệm về định mệnh của mình.

Vấn:     Lề luật Hồi giáo hiểu như thế nào về quan niệm chủ quyền? Đặc biệt là ở các chế độ dân chủ thì dân chúng là chủ tể. Làm thế nào để Hồi giáo có thể vượt qua được tình trạng căng thẳng gay go này khi tôn giáo này tuyên bố rằng Allah là chủ tể trên tất cả mọi sự? Ý niệm về một thứ dân chúng hay quốc gia chủ tể có phạm đến những cảm thức của người Hồi giáo hay chăng?

Đáp:     Không, đối với thành phần Hồi giáo về khía cạnh lịch sử. Thế nhưng, thành phần Hồi giáo thủ cựu muốn lề luật Hồi giáo phải làm chủ quốc gia.

Cái nguy hiểm thực sự là do những ai cấp tiến liên kết một thứ Hồi giáo chính trị hóa với tư tưởng tân thời về quốc gia làm chủ để tạo nên một loại Hồi giáo chuyên chế nghịch lại với truyền thống Hồi giáo – thậm chí ở các quốc gia chuyên chế – cũng như với linh đạo Hồi giáo.

Vấn:     Chế độ dân chủ có đòi hỏi chủ nghĩa trần thế hay chăng? Nếu không, thì làm sao quyền lợi của các thành phần thiểu số cũng như của các nhóm tôn giáo thiểu số được bảo vệ ở các chế độ dân chủ Hồi giáo?

Đáp:     Dân chủ đòi một tình trạng trần thế căn bản, cho dù nó có chính thức nghiêng về một tôn giáo nào đi nữa. Tuy nhiên, dân chủ không đòi hỏi chủ nghĩa duy trần thế, một chủ nghĩa tự nó là một hình thức của ý hệ. Dân chủ có thể dễ gay cánh ở một tình trạng duy trần thế, ngược lại với tình trạng trần thế.

Trước hết, dân chủ cần được thấy hợp hòa với những giá trị tôn giáo nồng cốt. Kitô giáo Thệ phản đã liên minh với Cuộc Cách Mạng Hoa Kỳ; Nhật giáo, qua vị hoàng đế, đã liên minh với nền dân chủ Nhật Bản; và Kitô giáo Công giáo là quyền lực bên trong hậu trường của nền dân chủ Tây Âu sau Thế Chiến Thứ II. Đó là lý do tại sao Hoa Kỳ rất cần đến – nhờ đó đã từng chiếm được sự ủng hộ – của al-Sistani, vị lãnh đạo tinh thần của phái Hồi giáo Shiites ở Iraq.

Vấn:     Phải chăng nền dân chủ là một hình thức của chính phủ cần phải được các quốc gia Hồi giáo theo đuổi, hay là một hình thức cộng hòa của chính quyền? Có sự khác nhau thực sự nào hay chăng?

Đáp:     Trong khi chúng ta đang nói về “dân chủ”, thì một hình thức “cộng hòa” nào đó của chính quyền là một thứ thay thế tốt đẹp hơn, vì nó cho phép thực hiện vấn đề đại diện theo miền và nhóm, nhờ đó là một hàng rào cản hơn nữa cho các hình thức độc tài chuyên chế của thành phần cấp tiến.

Vấn:     Có thể nào vấn đề dân chủ được du nhập vào các xã hội Hồi giáo hay chăng, hay là nó cần phải phát triển từ bên trong?

Đáp:     Dân chủ chỉ có thể được cống hiến mà thôi. Việc “áp đặt” dân chủ là những gì phản trái theo từ ngữ.

Vấn: Kinh nghiệm của các quốc gia không phải Hồi giáo Trung Đông, như Mã Lai và Nam Dương cho chúng ta biết gì về mối liên hệ giữa lề luật Hồi giáo và nền dân chủ?

Đáp: Nó nói với chúng ta rằng một Hồi giáo không liên kết với các cơ cấu của lề luật thánh mà lại hợp với chiều hướng linh đạo Hồi giáo – nhất là Sufism – thì trở thành một môi trường dễ dàng cho việc phát triển của nền dân chủ.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu được mạng điện tốn tồn cầu Zenit phổ biến ngày 9/3/2005

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ