GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ SÁU 22/4/2005

 

1) Tân Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Vị Giáo Hoàng của Hiệp Nhất Kitô Giáo

2)  ĐHY Nguyên Tổng Trưởng Thánh Bộ Tín Lý Joseph Ratzinger quan tâm đến tình hình văn hóa Âu Châu

3) Đức Gioan Phaolô II: Kiến Trúc Sư xây dựng hòa bình thế giới, đặc biệt ở Trung Đông nhất là ở Iraq

 

 

1) Tân Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Vị Giáo Hoàng của Hiệp Nhất Kitô Giáo

Thứ Sáu ngày 15/4/2005, căn cứ vào những gì Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II chưa làm xong theo sứ vụ và ý nguyện của ngài, qua Chương Trình Phát Thanh Tin Mừng Sự Sống (FM 106.3 Nam California, từ 9 tới 9 giờ 30 tối), tôi đã tiên đoán về vị tân giáo hoàng nguyên văn như sau: “Có thể nói, nếu giáo triều Gioan Phaolô II là giáo triều huy hoàng nhất lịch sử Giáo Hội Công giáo, chẳng khác nào như Chúa Kitô tiến vào thành thánh Giêrusalem, thì vị giáo hoàng sau ngài sẽ là vị giáo hoàng của Bữa Tiệc Ly (có thể đó là lý do Năm Thánh Thể chưa kết thúc, liên quan đến Hiệp Nhất Kitô giáo, theo lời nguyện kết thúc Bữa Tiệc Ly của Chúa Kitô), vị giáo hoàng của Vườn Nhiệt (với những nhức nhối nội bộ) và của Khổ Nạn (gây ra bởi cả dân Chúa lẫn thế giới)”. Những lời này cũng đã được phổ biến trên mạng điện toán toàn cầu thoidiemmaria.net ngày Thứ Tư 13/4/2005, dưới nhan đề: “ĐTC GPII: ‘Người kế vị của Tôi chưa làm hồng y’ và ước nguyện cuối cùng của ngài”, một bài viết cũng được dongcong.net phổ biến cùng ngày.

Quả thực, qua truyền thanh và truyền hình, của cả Mỹ lẫn Việt, vị tân giáo hoàng thứ 265 của chúng ta đúng là “vị giáo hoàng của vườn nhiệt, của khổ nạn”. Thật thế, sau khi chờ đợi từng giây từng phút để xem vị tân giáo hoàng của Giáo Hội Công Giáo Rôma, một thế lực tôn giáo hàng đầu trên thế giới, đóng vai trò như lương tâm của nhân loại, giới truyền thông, với 6 ngàn ký giả theo dõi từng động tĩnh của cuộc mật nghị hồng y bầu tân giáo hoàng, đa số đã hầu như thất vọng về thành quả cuộc bầu bán có vẻ kín mật và nhanh chóng trong vòng 24 tiếng đồng hồ này. Bởi vì, vị tân giáo hoàng không phải là vị giáo hoàng của họ, không phải là vị giáo hoàng như họ mong muốn. Qua truyền thanh và truyền hình, của cả Mỹ lẫn Việt, kể cả Công giáo, đa số đã vội vã phê bình chỉ trích vị tân giáo hoàng, cho dù ngài chưa làm gì theo sứ vụ mới giáo hoàng của mình. Chính con ma ấn tượng đã làm cho họ hoảng sợ.

Qua những gì họ nói: các vị hồng y không còn ai nữa hay sao mà lại di chọn một vị hồng y già 78 tuổi như ngài, ngài chỉ là một vị giáo hoàng chuyển tiếp vậy thôi v.v. Vị giáo hoàng già họ cũng chê mà trẻ thì họ lại sợ kéo dài lâu quá như Đức Gioan Phaolô II. Tức họ muốn biến Giáo Hội Công giáo thành một quốc gia dân chủ như các nước trên thế giới: người làm đầu cũng có nhiệm kỳ của nó và được dân chọn ra; ý dân là ý trời - muốn phá thai là được phá thai, muốn ly dị là được ly dị; vấn đề đàn bà làm linh mục hay linh mục lấy vợ cũng thế v.v. Những vấn đề tín lý cũng phải được bỏ phiếu: tức là tất cả mọi sự thiện và sự thật đều do con người quyết định, do con người bỏ phiếu, đa số thắng thiểu số, mạnh được yếu thua…

Tóm lại, họ coi việc Giáo Hội Công giáo chọn bầu, của các vị hồng y mật nghị bầu giáo hoàng như trò chơi, không phải là việc của Thần Linh, và họ cho việc làm đầu nơi Giáo Hội Công giáo là việc cai trị như trần gian, không phải là phục vụ, vì họ coi Giáo Hội Công giáo thuần túy chỉ là một cơ cấu thuần túy trần tục hơn là thần linh. Họ cho việc canh tân là đổi mới theo đòi hỏi tự nhiên, bất kể luân lý và đạo lý, bất kể Giáo Hội có còn giữ được nguyên căn tính của mình hay chăng. Họ cho việc đối thoại liên tôn là hòa đồng tôn giáo: đạo nào cũng là đạo; vậy thì tại sao họ không theo những đạo khác mà lại theo Công giáo, theo Kitô giáo. Nếu vậy thì họ sống kiểu đạo theo hơn là kiểu theo đạo. Kiểu “đạo theo” đây có nghĩa là đạo do họ tạo ra, đạo như họ muốn, đạo như món đồ được họ chọn lựa, cái gì hợp với họ thì họ giữ, không thì bỏ, ngược hẳn với kiểu “theo đạo” là kiểu theo những gì họ được đạo dạy bảo.

Đó là lý do, trong bài giảng cho Thánh Lễ khai mạc cuộc mật nghị hồng y bầu giáo hoàng 265 của Giáo Hội Công Giáo, với tư cách là Trưởng Hồng Y Đoàn, vị tân giáo hoàng Benedict bấy giờ đã nhận định rất chính xác và khuyên nhủ như sau:

“Chúng ta không được là trẻ con trong đức tin, trong tình trang non dại. Mà sống đức tin trẻ con nghĩa là gì? Thánh Phaolô trả lời rằng đó là ‘bị nghiêng ngả theo chiều gió chủ nghĩa’ Thật là một lời diễn tả rất ư là hợp thời!

“Biết bao nhiêu là chiều gió chủ nghĩa chúng ta đã từng biết đến trong mấy thập niên qua! Biết bao nhiêu là trào lưu ý hệ! Biết bao nhiêu là trường phái tư tưởng! Con tầu tư tưởng nhỏ bé của nhiều Kitô hữu thường bị xô lấn bởi những cơn sóng này, tung họ từ cực đoan này sang cực đoan kia: từ chủ nghĩa Marxít đến chủ nghĩa tự do (liberalism), thậm chí đến chủ nghĩa duy tự do (libertarianism); từ chủ nghĩa tập thể (collectivism) đến chủ nghĩa cá nhân cực đoan (radical individualism); từ chủ nghĩa vô thần đến chủ nghĩa tôn giáo mập mờ bí hiểm (vague religious mysticism); từ chủ nghĩa ngộ thức (agnosticism) đến chủ nghĩa hòa đồng (syncretism) v.v.

“Ngày nào cũng có những thứ giáo phái mới, khiến cho những lời của Thánh Phaolô nói trở thành sự thật về việc con người bị lừa đảo, về cái tinh quái làm cho con người bị lầm lạc (x Eph 4:14). Có một đức tin minh tường, theo Kinh Tin Kính của Giáo Hội, thường được gán cho là chủ nghĩa thủ cựu / bảo thủ (fundamentalism). Một khi chủ nghĩa tương đối (relativism), nói cách khác, một khi để cho mình ‘bị xô đẩy theo chiều gió chủ nghĩa’, thái độ duy nhất được cho là thích hợp với thời đại tân tiến, thì đó là lúc chủ nghĩa tương đối độc đoán được hình thành, một chủ nghĩa tương đối độc đoán cho rằng không có gì là tuyệt đối cả, và là một chủ nghĩa chỉ biết căn cứ vào cái tôi cùng với những ước muốn của cái tôi mà thôi.

“Chúng ta có một chuẩn mức khác, đó là Con Thiên Chúa, một con người thật sự. Người là chuẩn mức của nhân bản chủ nghĩa đích thực. Một đức tin ‘trưởng thành’ là đức tin không chiều theo làn sóng thời trang cũng như những gì là tân hiện đại nhất; một đức tin trưởng thành và chín chắn là một đức tin được cắm rễ sâu xa trong mối thân tình với Chúa Kitô. Mối thân hữu này hướng chúng ta về tất cả những gì là thiện hảo và cống hiến cho chúng ta chuẩn mức để nhận thức được đâu là phải và đâu là trái, đâu là gian dối và đâu là chân thật.

“Chúng ta cần phải làm cho đức tin trưởng thành này chín mùi; chúng ta cần phải dẫn đàn chiên của Chúa Kitô đến đức tin này. Và chính đức tin này, chỉ duy có đức tin này mà thôi, mới là những gì kiến tạo hiệp nhất và được hiện thực nơi đức ái. Thánh Phaolô đã cống hiến cho chúng ta một câu nói tuyệt vời, ngược lại với tình trạng trôi nổi của những ai giống như trẻ con bị bập bềnh theo triều sóng, đó là hãy sống sự thật bằng đức ái như là một mẫu thức cốt yếu cho việc hiện hữu của Kitô giáo. Sự thật và đức ái đồng qui nơi Chúa Kitô”.

Qua những lời giảng được trích dẫn trên đây, chúng ta thấy vị tân giáo hoàng này là vị giáo hoàng của nội tâm, của một đức tin sâu xa vững mạnh. Những lời ngài nói khi còn là hồng y, trước khi được bầu làm giáo hoàng này như một dạo khúc cho điều ngài nói: “chính đức tin này, chỉ duy có đức tin này mà thôi, mới là những gì kiến tạo hiệp nhất”.

Thật vậy, trong sứ điệp đầu tiên của vị tân giáo hoàng ngỏ cùng hồng y đoàn vào cuối Thánh Lễ hôm sau, 20/4/2005, tại Nguyện Đường Sistine, một sứ điệp dài (gần 5 trang lớn) bao gồm đủ những gì ngài chủ trương và dự tính làm trong giáo triều của mình, như Công Đồng Chung Vaticanô II, Cử Hành Thánh Thể, Đại Kết Kitô Giáo, Cởi Mở với Thế Giới, Đối Thoại Liên Tôn và Giới Trẻ, nhưng phải công nhận là Thánh Thể và hiệp thông Đại Kết Kitô giáo là mối quan tâm hàng đầu của ngài, vì ngài nói đến rất dài và sử dụng những từ ngữ rất mạnh như sau:

Trước hết, về Thánh Thể, trước hết ngài liên kết với giáo triều của ngài và cuối cùng từ Thánh Thể ngài tiến sang vấn đề Hiệp Nhất Kitô Giáo. Ngài nói:

“Giáo triều của tôi, một cách hết sức ý nghĩa, được mở màn vào lúc Giáo Hội đang sống một năm đặc biệt giành cho Thánh Thể. Làm sao tôi lại không thấy được cái trùng hợp được quan phòng này một yếu tố cần phải đánh dấu thừa tác vụ tôi đã được kêu gọi thi hành đây? Thánh Thể, tâm điểm của đời sống Kitô hữu và là nguồn mạch của sứ vụ truyền bá phúc âm hóa của Giáo Hội, chắc chắn bao giờ cũng phải là tâm điểm và là nguồn mạch cho sứ vụ thừa kế Thánh Phêrô đã được trao phó cho tôi.

“Thánh Thể làm cho Chúa Kitô Phục Sinh liên lỉ hiện diện, một Chúa Kitô là Đấng tiếp tục hiến Mình cho chúng ta, kêu gọi chúng ta hãy tham dự vào bàn tiệc Mình Máu của Người. Từ mối hiệp thông trọn vẹn này với Người mới xuất phát ra hết mọi yếu tố khác của đời sống Giáo Hội, trước hết là mối hiệp thông giữa tín hữu, việc dấn thân loan truyền và làm chứng cho Phúc Âm, nhiệt tình bác ái đối với tất cả mọi người, nhất là với thành phần nghèo khổ và hèn mọn nhất.

“Bởi thế, trong năm nay, Lễ Trọng Kính Mình Thánh Chúa Kitô cần phải được cử hành một cách hết sức đặc biệt. Thánh Thể sẽ là trọng tâm của Ngày Giới Trẻ Thế Giới ở Cologne vào Tháng Tám, và của Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới thường lệ vào Tháng Mười, một thượng nghị sẽ bàn đến đề tài ‘Thánh Thể là Nguồn Mạch và là Tuyệt Đỉnh của Đời Sống và Sứ Vụ của Giáo Hội’. Tôi xin hết mọi người hãy gia tăng vào những tháng tới đây lòng yêu mến và việc sùng kính đối với Chúa Giêsu Thánh Thể và thể hiện một cách can đảm tỏ tường sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô, trước hết, qua những việc cử hành một cách long trọng và đúng đắn.

“Tôi đặc biệt xin các vị linh mục thực hiện điều ấy, những vị giờ đây tôi đang hết lòng quí mến nghĩ đến vào lúc này đây. Thừa tác vụ linh mục được phát sinh từ Nhà Tiệc Ly, cùng với Thánh Thể, như vị tiền nhiệm đáng kính Gioan Phaolô II của tôi đã nhiều lần nhấn mạnh đến. ‘Đời sống linh mục cần phải đặc biệt có một ‘dạng thức Thánh Thể’, ngài đã viết như thế trong Bức Thư cuối cùng của ngài cho Ngày Thứ Năm Tuần Thánh. Việc sốt sắng cử hành hằng ngày Thánh Lễ, tâm điểm của đời sống và sứ vụ của hết mọi vị linh mục, là những gì góp phần vào việc đạt được mục đích ấy.

Sau nữa, như trên đã nhận định, từ Thánh Thể vị tân Giáo Hoàng đã tiến ngay sang vấn đề Hiệp Nhất Kitô Giáo như sau:

“Được nuôi dưỡng và bảo trì bởi Thánh Thể, người Công giáo chắc chắn cảm thấy được thôi thúc hướng đến mối hiệp nhất như Chúa Kitô mong muốn ở Nhà Tiệc Ly. Vị Thừa Kế Thánh Phêrô biết rằng mình cần phải đặc biệt nhận lấy ước muốn tối hậu này của Vị Thày Thần Linh. Nhiệm vụ kiên cường anh em của mình thật sự đã được trao phó cho ngài.

“Bởi vậy, bằng tất cả ý thức và vào lúc mở đầu cho thừa tác vụ của mình ở Giáo Hội Rôma là nơi Thánh Phêrô đã tắm máu, vị Thừa Kế này lãnh nhận, như là quyết tâm chính yếu của mình, quyết tâm không ngừng hoạt động hướng đến việc tái thiết mối hiệp nhất trọn vẹn và hữu hình của tất cả mọi thành phần môn đệ của Chúa Kitô. Đó là tham vọng của ngài, đó là nhiệm vụ bó buộc của ngài. Ngài biết rằng, để làm điều này, những bày tỏ về cảm tình thiện cảm mà thôi chưa đủ. Cần phải có những cử chỉ cụ thể để thấm nhập các tâm hồn và đánh động lương tâm, phấn khích mọi người tiến đến chỗ hoán cải nội tâm là điều căn bản cho tất cả mọi thứ tiến bộ trên con đường đại kết.

“Những cuộc đối thoại về thần học là những gì cần phải có. Cũng không thể châm chước bỏ qua việc khảo sát kỹ lưỡng những nguyên do lịch sử đã gây ra những việc quyết định trong quá khứ. Thế nhưng, khẩn thiết hơn thế nữa là việc ‘thanh tẩy ký ức’, một việc đã thường được Đức Gioan Phaolô gợi lên, và là một việc duy nhất có thể sửa soạn cho các tâm hồn đón nhận tất cả sự thật của Chúa Kitô. Chính vì trước nhan Người là Vị Thẩm Phán tối cao của tất cả mọi sinh vật, mà mỗi một người trong chúng ta cần phải trả lẽ, với ý thức là một ngày kia chúng ta cần phải cắt nghĩa cho Người về những gì chúng ta đã làm và những gì chúng ta không làm cho thiện ích cao cả là mối hiệp nhất trọn vẹn và hữu hình nơi tất cả thành phần môn đệ của Người.

“Vị Thừa Kế Thánh Phêrô đây tự cảm thấy chính mình liên quan đến vấn đề này và sẵn sàng làm tất cả những gì trong khả năng của mình để cổ võ lợi ích chính yếu cho việc đại kết. Theo những vị tiền nhiệm của mình, ngài nhất định quyết tâm nâng đỡ bất cứ sáng kiến nào có vẻ thích hợp với việc đẩy mạnh việc giao tiếp và thỏa hiệp với những vị đại diện thuộc các Giáo Hội khác và các cộng đồng giáo hội khác. Thật thế, nhân cơ hội này đây, ngài xin gửi đến họ lời chào thân ái nhất của ngài trong Chúa Kitô, Vị Chúa duy nhất của tất cả mọi người”.

(còn tiếp: Tân Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Vị Giáo Hoàng của một Tân Âu Châu)


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
 

TOP

 

2) ĐHY Nguyên Tổng Trưởng Thánh Bộ Tín Lý Joseph Ratzinger quan tâm đến tình hình văn hóa Âu Châu

Trong bài diễn từ được bày tỏ vào một cuộc cử hành ở Rôma do vị chủ tịch của Thượng Viện Ý quốc là ông Marcello Pera thực hiện trong Tháng 5/2004, sau biến cố gia nhập của 10 quốc gia mới vào Khối Hiệp Nhất Âu Châu, ĐHY Joseph Ratzinger đã cảnh giác là cuộc khủng hoảng của gia đình đang tác hại đến căn tính của địa lục Âu Châu.

“Chính vào giờ phút thành công nhất này của mình, Âu Châu lại dường như trở nên rỗng ruột, bị liệt bại ở một nghĩa nào đó bởi một cuộc khủng hoảng nơi guồng máy tuần hoàn của nó”, một cuộc khủng hoảng gây nguy hại đến cho “căn tính của nó”.

“Cùng với tình trạng bị suy yếu nội tại nơi những năng lực thiêng liêng còn xẩy ra vấn đề là về phương diện luân thường đạo lý Âu Châu dường như cũng đang trải qua một cuộc phân ly.

“Có một cái thiếu hứng khởi lạ lùng về tương lai. Trẻ em, thành phần là tương lai của xã hội, lại bị coi là mối đe dọa cho hiện tại; chúng bị coi là lấy đi một cái gì đó nơi đời sống của chúng ta”.

Tình trạng này, theo ngài, đánh dấu “tình trạng xuống dốc của Đế Quốc Rôma”. Ngài nhắc lại là trước đây, cả hai miền Đông lẫn Tây, đã đồng ý với nhau, căn cứ vào tinh thần đức tin kinh thánh, về ý hướng của vấn đề hôn nhân là việc của con người nam nữ. Bởi thế, “Âu Châu không còn là Âu Châu nữa nếu tế bào căn bản xây dựng lâu đài xã hội này bị biến mất hay bị đổi thay những gì là nồng cốt.

“Bản Hiến Chương về Các Quyền Lợi Căn Bản (của Khối Hiệp Nhất Âu Châu) nói đến quyền hôn nhân, nhưng không đến một thứ bảo vệ đặc biệt nào về pháp lý cũng như về luân lý, thậm chí không xác định nó một cách xác đáng hơn nữa.

Tất cả chúng ta đều biết hôn nhân và gia đình đang bị đe dọa, một đàng vì đã làm mất đi hoàn toán tính cách bất khả phân ly của nó bằng những hình thức ly dị dễ dàng hơn bao giờ hết; đàng khác vì một thứ hành vi mới đang lan tràn mạnh mẽ đó là việc con người nam nữ sống với nhau không cần phải có một hình thức pháp lý hôn nhân nào cả”.

Về vấn đề hôn nhân đồng tính, vị hồng ý này cho biết: “Theo chiều hướng này thì chúng ta đang đi ra ngoài toàn bộ lịch sử về luân lý của con người.

“Đây không phải là vấn đề kỳ thị mà là vấn đề một con người nam nữ phải như thế nào. Chúng ta đang đương đầu với một thứ giải thể hình ảnh về con người là những gì sẽ gây ra những hậu quả vô cùng trầm trọng”.

Về vấn đề tôn giáo, ngài nhấn mạnh rằng “trong xã hội của chúng ta hiện nay, tạ ơn Chúa, nhưnõng ai bất kính đức tin của dân Do Thái, đến hình ảnh Thiên Chúa của dân này, đến các đại nhân vật của họ đều bị trừng phạt. Ai phạm đến Kinh Koran và những niềm tin sâu xa của Hồi Giáo cũng đều bị trừng phạt”.

Tuy nhiên, vị hồng y này nhận định thêm liên quan đến trường hợp của Kitô giáo: “Khi nó là một vấn đề về Chúa Kitô và về những gì linh thánh đối với Kitô hữu thì quyền tự do phát biểu ý kiến lại xuất hiện như là một cái gì thiện hảo tối hậu, mà nếu giới hạn quyền này lại thì nó giống như là một thứ đe dọa hay thậm chí một thứ hủy diệt việc dung chấp và tự do nói chung vậy.

“Thế nhưng, quyền tự do phát biểu ý kiến không thể được sử dụng để hủy diệt danh dự và phẩm vị của người khác; nó không có nghĩa là được quyền tự do dối trá hay hủy diệt quyền lợi làm người.

“Âu Châu cần phải nhìn nhận lại bản thân mình một cách thực sự tự giác và khiêm tốn, nếu nó thực sự muốn tồn tại”.
 

TOP

 

 

3) Đức Gioan Phaolô II: Kiến Trúc Sư xây dựng hòa bình thế giới, đặc biệt ở Trung Đông nhất là ở Iraq


Ngoài việc thực sự đóng góp (như được đề cập đến trên đây) vào vấn đề dập tắt đi cái ngòi chiến tranh có thể gây ra Thế Chiến Thứ Ba, (như tưởng đã xẩy ra vào đầu tháng 10 năm 1962, ngay trước khi khai mạc Công Đồng Chung Vaticanô II 11/10/1962, giữa Cộng Sản Nga và Hoa Kỳ tại Vịnh Cuba, nơi hỏa tiễn nguyên tử của Nga đang nhắm vào Mỹ), qua biến cố Cộng Sản Đông Âu sụp đổ và Nước Nga trở lại, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II còn tiếp tục dấn thân vận động cho hòa bình thế giới nữa.

Theo Bí Mật Fatima phần thứ hai, sau khi “Nước Nga trở lại”, thì “thế giới sẽ được hưởng một thời gian hòa bình”. Tuy nhiên, thời gian hòa bình này kéo dài bao lâu, không ai biết ngoài trời cao. Chỉ biết rằng, 10 năm sau, tức đến 11/9/2001, (từ ngày 25/12/1991), một trận chiến tranh có tầm mức quốc tế bắt đầu diễn ra, với cuộc khủng bố tấn công vào chính hai cơ quan đầu não về kinh tế (Trung Tâm Thương Mại Thế Giới) và quân sự (Ngũ Giác Đài) của một quốc gia đệ nhất cường quốc là Hoa Kỳ, một quốc gia cũng đã ra tay tấn công khủng bố ở A Phú Hãn vào chính ngày Lễ Mẹ Mân Côi 7/10/2001, rồi sau đó, vào chính ngày Lễ Thánh Giuse 19/3/2003, đã cùng với lực lượng liên minh (chính yếu là Hiệp Vương Quốc) qua mặt Liên Hiệp Quốc tấn công Iraq để diệt trừ nhà lãnh đạo độc tài Saddam Hussein mà họ nghĩ rằng ông này đang có những thứ vũ khí đại công phá trong tay, rất nguy hiểm đến nền hòa bình thế giới nói chung, Trung Đông và Hoa Kỳ nói riêng. Ngoài ra, sau biến cố 911, thế giới còn xẩy ra những cuộc khủng bố khác ở khắp nơi. Đặc biệt nhất là các vụ như ở Bali Nam Dương ngày 12/10/2002 (gây thiệt mạng trên 180 người và trên 200 người bị thất tung), ở Nga ngày 23/10/2002 (tổng số con tin bị chết là 118 người, nhóm khủng bố đã chết 50 người, 32 nam và 18 nữ), và ở Tây Ban Nha ngày 11/3/2004 (gây thiệt mạng cho 200 người và thương tích cho hơn 1400 người).

Trong khi đó, ở Thánh Địa, từ tháng 9 Năm Thánh 2000, cuộc xung đột giữa Do Thái và Palestine càng trở nên khủng khiếp hơn bao giờ hết, với những cuộc công hãm của Do Thái và những cuộc khủng bố tự vận tàn sát của Palestine. Đó là chưa kể đến sự kiện, ngay trước “thời gian hòa bình” 10 năm trên đây của thế giới, hay ngay sau Biến Cố Đông Âu cuối năm 1989, nhân loại lại chứng kiến thấy những mầm mống chiến tranh không còn ở trong tình trạng Chiến Tranh Lạnh nữa, mà là một thứ chiến tranh nẩy lửa từng vùng, như xẩy ra ở cuộc Chiến Tranh Vùng Vịnh, khi Iraq tấn công Kuwait vào ngày 2/8/1990, và ở cuộc Chiến Tranh Bosnia thuộc Âu Châu bùng nổ vào ngày 2/7/1991.

Trong cuộc gặp gỡ đầu năm theo thông lệ, vào ngày 10/1/2002, tức sau biến cố 911, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, qua lời đáp từ của mình với ngoại giao đoàn 172 quốc gia đến chúc tân xuân mình, đã bày tỏ nhận định và quan tâm của ngài về tình hình thế giới bấy giờ như sau:

“Chân trời thực sự đã trở nên mù mịt, nhiều kẻ thuộc lớp người đã trải qua cuộc đại biến động tìm về tự do cùng với những biến đổi của thập niên 1990, hôm nay đây, họ đã bàng hoàng thấy rằng mình lọt vào một gọng kìm lo âu sợ hãi trước một tương lai lại trở thành bất định.

“Thánh Địa, nơi Đấng Cứu Thế đã sinh vào trần gian, qua lầm lỗi của con người, vẫn còn là một mảnh đất máu lửa. Không ai có thể làm ngơ trước bất công mà dân Palestina là nạn nhân phải chịu hơn 50 năm qua. Không ai có thể phản đối quyền sống an ninh của dân Do Thái. Thế nhưng, không ai được quên đi những nạn nhân vô tội ở cả hai bên hằng ngày vẫn bị dập vùi dưới những trận bạo lực. Vũ khí và các cuộc tấn công sắt máu không bao giờ là cách đúng đắn về mặt chính trị để nói cho bên kia biết mặt cả.


“Cuộc chiến hợp pháp chống khủng bố, điển hình nhất trong những cuộc tấn công kinh khiếp là cuộc khủng bố vào ngày 11 tháng Chín vừa rồi, một lần nữa đã làm cho tiếng vũ khí lại vang lên. Cuộc tấn công và sát hại dã man ấy chẳng những gây nên vấn đề tự vệ hợp pháp mà còn cả đến vấn đề sử dụng phương sách hữu hiệu nhất để khử trừ khủng bố, đến vấn đề tìm hiểu những yếu tố nào ngấm ngầm gây ra những hành động ấy, cũng như đến những giải pháp cần phải thực hiện để mang lại tiến trình ‘chữa lành’ hầu chế ngự nỗi sợ hãi cũng như tránh khỏi tình trạng làm cho sự dữ chất chồng trên sự dữ, bạo lực trên bạo lực. Bởi thế, cần phải khuyến khích tân chính phủ ở Kabul nỗ lực đạt đến tình trạng an bình tốt đẹp cho toàn dân A Phú Hãn. Sau hết, Tôi phải đề cập đến những căng thẳng lại xẩy ra giữa Ấn Độ và Pakistan, để tha thiết yêu cầu các vị lãnh đạo hai đại quốc này hãy hết lòng giành ưu tiên cho việc đối thoại và thương thảo với nhau…

“Tôi đang nghĩ đến Phi Châu, cũng như đến tình hình nguy cấp về sức khỏe cùng với những đối chọi bằng vũ lực đang hủy diệt đi từng loạt dân lành của mình. Mới đây, trong cuộc tranh luận ở Công Nghị của Tổ Chức Liên Hiệp Quốc người ta thấy có 17 vụ xung khắc đang xẩy ra ở đại lục Phi Châu!...

“Làm sao tôi lại không đề cập đến Mỹ Châu Latinh là nơi tôi quí mến được? Nơi một số quốc gia thuộc đại lục này đang liên tục xẩy ra những chênh lệch về xã hội, việc buôn bán thuốc phiện, tình trạng bại hoại và bạo chiến là những gì có thể tác hại đến nền tảng của chủ nghĩa dân chủ và làm mất uy tín của đẳng cấp chính trị. Gần đây nhất là tình hình khó khăn xẩy ra ở Á Căn Đình đã làm xáo trộn cộng đồng, khiến cuộc sống dân chúng phải chịu đựng đau thương”.


Thế rồi, một năm sau đó, cũng với ngoại giao đoàn này, vào ngày 13/1/2003, vị giáo hoàng này tiếp tục nhận định về tình hình thế giới vẫn không hơn gì năm trước mà còn tệ hại và bí tắc hơn nữa như sau:

“Bản thân Tôi đã xúc động trước cảm giác sợ hãi thường ngự trị trong tâm can con người đương thời của chúng ta. Một cuộc khủng bố bất ngờ có thể xẩy ra bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu; vấn đề không giải quyết nổi ở Trung Đông, trong đó có Thánh Địa và Iraq; tình trạng hỗn loạn gây đổ vỡ ở Nam Mỹ Châu, nhất là ở Á Căn Đình, Colombia và Venezuela; những cuộc xung đột gây cho nhiều quốc gia Phi Châu không thể tập trung nổi vào việc phát triển; những thứ bệnh hoạn lây nhiễm và chết chóc; tình trạng đói khát trầm trọng, nhất là ở Phi Châu; thái độ vô trách nhiệm làm cạn kiệt các nguồn nhiên liệu của trái đất này, tất cả những điều này là các thứ dịch đe dọa sự sống còn của nhân loại, tình trạng an bình của con người cũng như tình trạng an ninh của các xã hội”.

Để xây dựng hòa bình, trước hết, ngài đã lên tiếng kêu gọi thế giới và chư quốc hãy sống đoàn kết yêu thương nhau như một đại gia đình nhân loại qua các Sứ Điệp cho Ngày Hòa Bình Thế Giới hằng năm, một ngày đã được Đức Phaolô VI thiết lập từ năm 1968. Một trong sứ điệp khó huấn dụ nhất và khó thực hiện nhất đó là sứ điệp trực tiếp liên quan đến lòng xót thương và tha thứ của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cho Ngày Hòa Bình Thế Giới 1/1/2002, với tựa đề: “Hòa Bình Không Thể Thiếu Công Lý, Công Lý Không Thể Thiếu Thứ Tha”, một đề tài áp dụng cho cả thành phần bị khủng bố tấn công lẫn thành phần tấn công khủng bố.

“Chính vì hòa bình phát xuất từ công lý cũng như từ thứ tha mà hôm nay đây nó đã bị cuộc khủng bố thế giới tấn công. Trong những năm vừa rồi, nhất là từ khi kết thúc tình trạng Chiến Tranh Lạnh, công cuộc khủng bố đã phát triển thành một hệ thống tổ chức tinh vi về cấu kết chính trị, kinh tế và kỹ thuật, một kết cấu vượt ra ngoài lãnh địa quốc gia, tới chỗ bao trùm toàn thể thế giới. Khi những tổ chức khủng bố sử dụng những tay sai của mình như khí cụ để khai chiến chống lại người vô phương chống đỡ và ngay lành là họ rõ ràng chứng tỏ cho thấy họ đang nung nấu một ý muốn sát hại. Khủng bố phát xuất từ hận thù và gây ra tình trạng cô lập, ngờ vực và khép kín… Khủng bố xẩy ra là do lòng khinh thường sự sống con người. Bởi thế, nó không chỉ gây ra những tội ác bất khả dung, mà tự mình nó còn là một tội ác phạm đến nhân loại nữa, bởi nó dùng đến những đường lối khủng bố về chính trị và quân sự” (khoản số 4).

“Thế nên, cần phải có quyền tự vệ đối với hành động khủng bố, một quyền bao giờ cũng phải thi hành bằng cách tôn trọng những giới hạn về luân lý và pháp lý, trong việc chọn lựa giữa cùng đích và phương tiện. Lỗi lầm cần phải nhận diện một cách xác đáng, vì tính chất vấp phạm tội ác bao giờ cũng thuộc về cá nhân, không thể qui cho cả một dân nước, cả một nhóm chủng tộc hay tôn giáo có phần tử là những người khủng bố. Việc quốc tế hợp tác vào việc chống lại những hoạt động khủng bố cũng đòi phải là một việc làm chính trị đầy can đảm và quyết tâm, một việc dấn thân về ngoại giao và kinh tế, để làm giảm bớt những tình trạng đè nén và hất hủi là những gì sinh ra mưu cơ tác hành của thành phần khủng bố. Ngoài ra, cũng cần phải nhấn mạnh là tình trạng bất công hiện nay trên thế giới không bao giờ được lấy đó là cớ cho những hành động khủng bố cả” (khoản số 5).

“Tha thứ… dầu sao… cũng là một sứ điệp nghịch thường. Thật vậy, thứ tha bao giờ cũng bao gồm một hình thức thua thiệt ngắn hạn để cho một lợi lộc dài hạn thật sự. Bạo lực thì hoàn toàn ngược lại; chọn làm một việc bề ngoài có lợi ngắn hạn lại bao hàm cả một mất mát thực sự và vĩnh viễn. Thứ tha là việc xem ra có vẻ hèn yếu, song nó lại đòi phải có một sức mạnh về tinh thần cao cả cũng như phải có một tấm lòng can đảm về luân lý, cả hai điều này cần phải có trong việc thực hiện thứ tha cũng như trong việc chấp nhận được tha thứ. Vai trò thừa tác của Tôi trong việc phục vụ Phúc Âm đã thúc buộc Tôi, đồng thời cũng cho tôi sức mạnh, để Tôi lập lại việc cần phải thứ tha này. Hôm nay đây, một lần nữa, Tôi xin nhắc lại điều này, hy vọng làm khơi dậy việc nghiêm chỉnh và chín chắn suy nghĩ về vấn đề ấy, để nhờ đó thực hiện một việc quật khởi xa tầm tay đối với tinh thần con người, nơi con tim của từng người cũng như trong mối liên hệ giữa các dân tộc trên thế giới với nhau” (khoản số 10).

“Các nhà lãnh đạo tôn giáo có một trọng trách đối với tất cả những nỗ lực này. Các tín hữu Kitô giáo, cũng như các tôn giáo lớn trên thế giới, cần phải cùng nhau hoạt động để loại trừ những căn gốc về xã hội cũng như về văn hóa gây ra hành động khủng bố. Các vị có thể làm điều này bằng việc giảng dạy sự cao cả và phẩm vị của con người, cũng như bằng việc truyền bá cảm quan rõ nét hơn nữa về tính cách hiệp nhất nên một của gia đình nhân loại. Tôi đặc biệt mong rằng những vị lãnh đạo Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo giờ đây phải dẫn đầu trong việc công khai lên án hành động khủng bố, cũng như phải chối bỏ những người khủng bố bất cứ hình thức hợp pháp nào về tôn giáo hay luân lý” (Khoản số 12).

“Chính vì lý do này, việc cầu nguyện cho hoà bình không phải là một việc hậu xét trong việc hoạt động cho hòa bình. Nó phát xuất từ chính yếu tính của việc xây dựng hòa bình trong trật tự, công bằng và tự do. Cầu nguyện cho hòa bình là việc con người mở lòng mình ra cho quyền năng canh tân tất cả mọi sự của Thiên Chúa chiếm đoạt… Cầu nguyện cho hòa bình là cầu nguyện cho công lý… Đó là việc cầu nguyện cho tự do, nhất là cho tự do tôn giáo là một thứ nhân quyền căn bản và là một thứ dân quyền của hết mọi người. Cầu nguyện cho hòa bình là tìm cầu ơn tha thứ của Thiên Chúa. Vì tất cả những lý do đó, Tôi đã mời những vị đại diện các tôn giáo trên thế giới đến Assisi là phố thị của Thánh Phanxicô vào ngày 24/1/2002 để cầu nguyện cho hòa bình thế giới vậy” (khoản số 14).

Thật vậy, việc cụ thể và rõ ràng nhất thế giới có thể thấy được vị giáo hoàng “đến từ một xứ sở xa xăm” là quốc gia Balan thời cộng sản này của Giáo Hội Công giáo đó là việc ngài triệu tập các vị lãnh đạo tôn giáo trên thế giới về Assisi, quê hương của Thánh Phanxicô sáng lập dòng Anh Em Hèn Mọn, vị thánh tác giả của Kinh Hòa Bình, để cùng nhau cầu nguyện cho hòa bình thế giới. Assisi là một trong hai nơi đặc biệt đầu tiên được ngài đã đến kính viếng sau khi vừa đăng quang giáo hoàng (ngày 22/10/1978) đó là Đền Đức Trinh Nữ Maria ở Mentorella Rôma ngày 29/10/1978 và Assisi ngày 5/11/1978.

Tổ chức Ngày Liên Tôn Cầu Cho Hòa Bình Thế Giới ở Assisi ngày 24/1/2002, như đã được ngài loan báo từ ngày 18/11/2001, một biến cố ở cùng một địa điểm với cùng một mục đích như thế, là biến cố vốn được ngài khởi xướng lần đầu tiên vào ngày 27/10/1986, và đã tái diễn vào ngày 9-10/1/1993 để cầu hòa bình cho riêng Âu Châu. Chưa hết, cũng về vấn đề hòa bình và vì hòa bình chỉ phát xuất từ Thiên Chúa, ngài còn kêu gọi tín hữu Công giáo cử hành Ngày Chay Tịnh cầu cho hòa bình 14/12/2001, sau biến cố 911 ở Hoa Kỳ, Ngày Cầu Nguyện Cho Hòa Bình ở Thánh Địa 7/4/2002, Chúa Nhật Chúa Tình Thương, khi Bêlem bị lực lương Do Thái phong tỏa bởi thành phần khủng bố Palestine đang ở trong Đền Thờ Bêlem, và Ngày Chay Tịnh, Thứ Tư Lễ Tro 5/3/2003 cầu cho hòa bình thế giới, nhất là ở Trung Đông, chưa kể ngày 21/1/1994 Thứ Sáu cho hòa bình ở Bosnia.

Ngày Liên Tôn Cầu Cho Hòa Bình Thế Giới ở Assisi ngày 24/1/2002 thật sự là một biến cố đại thể chưa từng. Qua lời chào mừng của ĐTC GPII ở Assisi hôm ấy, chúng ta thấy Ngài liệt kê quan khách đến tham dự ngày lịch sử này. Danh sách của tham dự viên, một danh sách gồm hơn 221 vị: 33 Giáo Hội Chính Thống Đông Phương, 18 vị Giáo Hội Cải Cách Tây Phương, 11 vị Do Thái Giáo, 31 vị Hồi Giáo, 28 vị Phật Giáo, 6 vị Nhật Giáo, 1 vị Khổng Giáo, 1 vị Giainismo, 10 vị Sikhismo, 5 vị Ấn Giáo, 1 vị Zoroastrianesimo, 3 vị Cổ Giáo Phi Châu, 66 vị Công Giáo và 7 vị Chính Quyền Dân Sự. Và thành quả của Ngày Liên Tôn Cầu Cho Hòa Bình Thế Giới ở Assisi này là một Bản Liên Tôn Tuyên Ngôn Hòa Bình như sau:

Đức Thượng Phụ Bartholomew I, Giáo Chủ Contantinopoli:

Mở: “Qui tụ lại tại Assisi đây, chúng tôi cùng nhau suy nghĩ về hòa bình, một tặng ân của Thiên Chúa và là một công ích của toàn thể nhân loại. Cho dù có thuộc về những truyền thống tôn giáo khác nhau đi nữa, chúng tôi cũng xác nhận rằng hòa bình đòi chúng tôi phải biết yêu thương tha nhân của nhau, hợp với Khuôn Vàng Thước Ngọc là hãy làm những gì anh em muốn người khác làm cho mình. Với niềm xác tín này, chúng tôi sẽ không ngừng hoạt động lãnh nhận trọng trách xây dựng hòa bình. Bởi thế:

Mục Sư Konrad Raiser, Tổng Thư Ký của Hội Đồng Các Giáo Hội Thế Giới, đại diện Giáo Hội Cải Cách Tây Phương:

1. “Chúng tôi quyết tâm lên tiếng công bố niềm xác tín mạnh mẽ của chúng ta là bạo lực và khủng bố không hợp với Tinh Thần đích thực của tôn giáo, và khi chúng tôi lên án mọi phương sách gây bạo lực và chiến tranh vì danh Thiên Chúa hay tôn giáo, chúng tôi cũng quyết tâm thực hiện mọi sự có thể để nhổ tận gốc những căn rễ gây ra khủng bố.

Vị đại diện đạo Sikh, Bhai Sahioài Mohinder Singh

2. “Chúng tôi quyết tâm giáo dục cho dân chúng biết tôn trọng và quí mến lẫn nhau, để góp phần vào việc mang lại một cuộc sống chung an bình và huynh đệ giữa những con người thuộc về các nhóm chủng tộc, văn hóa và tôn giáo khác nhau.
TGM Chính Thống Pitirim ở Moscow

3. “Chúng tôi quyết tâm bồi dưỡng một thứ văn hóa đối thoại, để làm tăng thêm việc hiểu biết và tin tưởng nhau hơn giữa cá nhân với nhau cũng như nơi các dân tộc, vì những việc này là những điều kiện tiên quyết cho hoà bình chân thực.

TGM Chính Thống Jovan ở Serbia

4. “Chúng tôi quyết tâm bảo vệ quyền mọi người được sống một đời sống xứng đáng với bản chất văn hóa riêng của họ cũng như được tự ý lập gia đình riêng của mình

Vị đại diện Hồi Giáo, Sheikh Abdel Salam Abushukhadaem

5. “Chúng tôi quyết tâm thực hiện việc đối thoại thẳng thắn và nhẫn nại, không coi những khác biệt của chúng tôi như là chướng ngại bất khả thắng vượt, trái lại, chúng tôi nhìn nhận rằng việc tiếp cận khác biệt của nhau có thể trở thành cơ hội để hiểu biết nhau hơn.

ĐGM Chính Thống Vasilios ở Cypriot

6. “Chúng tôi quyết tâm tha thứ cho nhau những lỗi lầm và tổn thương nơi quá khứ cũng như hiện tại, và nâng đỡ nhau trong nỗ lực chung để chế ngự vị kỷ và tự đắc, hận thù và bạo lực, cũng như để học lấy kinh nghiệm đã qua là hòa bình mà thiếu công lý không phải là hòa bình đích thực.

Vị đại diện Khổng Giáo người Đại Hàn, Chang-Gyou Choi

7. “Chúng tôi quyết tâm đứng về phía thành phần nghèo khổ và vô dụng, lên tiếng bênh vực những ai không có tiếng nói và khôn ngoan hoạt động để thay đổi những tình trạng này, với niềm xác tín là không ai có thể một mình hạnh phúc được.

Vị đại diện Hồi Giáo, Hojjatoleslam Ghomi

8. “Chúng tôi quyết tâm lấn át tiếng kêu gào của những ai không chịu từ bỏ bạo lực và sự dữ, và chúng tôi muốn vận dụng mọi nỗ lực để cống hiến cho con người nam nữ của thời đại chúng ta một niềm hy vọng thực sự về công lý và hòa bình

Vị đại diện Phật Giáo người Nhật, Thượng Tọa Nichiko Niwano

9. “Chúng tôi quyết tâm khuyến khích tất cả mọi nỗ lực trong việc phát triển mối thân hữu giữa các dân tộc, vì chúng tôi xác tín rằng nếu các dân tộc không biết đoàn kết và thông cảm với nhau thì tình trạng tiến bộ về kỹ thuật chỉ làm cho thế giới càng có nguy cơ bị hủy hoại và diệt vong mà thôi.

Vị đại diện Do Thái Giáo, Tôn Sư Rabbi Samuel-René Sirat

10. “Chúng tôi quyết tâm thôi thúc các vị lãnh đạo quốc gia phải vận dụng mọi nỗ lực để kiến tạo và củng cố một thế giới hợp đoàn và bình an trong công lý, ở bình diện quốc gia cũng như quốc tế.
Tiến Sĩ Mesach Krisetya thuộc Hội Nghị Quốc Tế Mennonite

Kết “Chúng tôi, những con người thuộc các truyền thống đạo giáo khác nhau, sẽ không ngừng công bố là hòa bình và công lý bất khả tách biệt, và hòa bình trong công lý là con đường duy nhất cho loài người tiến về một tương lai hy vọng. Trong một thế giới, nhờ hệ thống bao rộng của các phương tiện truyền thông xã hội, đang mở rộng các biên giới, đang thu lại cách quãng, và đang liên hệ với nhau hơn bao giờ hết này, chúng tôi xác tín rằng, tình trạng an sinh, tự do và hòa bình không bao giờ được bảo đảm bởi võ lực mà là bằng lòng tin tưởng nhau. Xin Thiên Chúa chúc lành cho những quyết tâm này của chúng ta và ban công lý cùng hòa bình cho thế giới.

ĐTC Gioan Phaolô II, đại diện cho Giáo Hội Công Giáo Rôma:

“Không bao giờ còn bạo lực nữa! Không bao giờ còn chiến tranh nữa! Không bao giờ còn khủng bố nữa! Chớ gì hết mọi tôn giáo hãy nhân danh Thiên Chúa để mang lại công lý và hòa bình, thứ tha và sự sống cùng yêu thương đến cho thế giới này!”

Thế rồi, từ đó, dường như càng đẩy mạnh nỗ lực xây dựng và vận động hòa bình thì hòa bình càng trở thành cao quí và khó với, hầu như bất khả đạt. Bởi vì, người ta chưa thi hành được hay không muốn thi hành hoặc không dám thi hành sứ điệp (đúng hơn thách thức) của ngài gửi cho Ngày Hòa Bình Thế Giới 2002 “Hòa Bình Không Thể Thiếu Công Lý, Công Lý Không Thể Thiếu Thứ Tha”. Đó là lý do chiến tranh Iraq đã không thể nào không xẩy ra, xẩy ra một cách phải gọi là “trắng trợn” (qua mặt cả Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc), theo kiểu “luật lệ của sức mạnh” (law of force) thay vì “sức mạnh của luật lệ” (force of law).

Trong vụ này, thế giới đã chứng kiến thấy Tòa Thánh nói chung và cá nhân Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nói riêng đã tận dụng những gì có thể để ngăn ngừa cuộc chiến bất chính này. Chính ngài đã trực tiếp nhúng tay vào can thiệp trước khi xẩy ra cuộc chiến, bằng cách sai hai vị sứ giả, một là ĐHY Roger Etchegaray, chủ tịch hưu trí Hội Đồng Công Lý và Hòa Bình của Tòa Thánh, tới với Tổng Thống Saddam Hussein ngày 10/2/2003, và một là ĐHY Pio Laghi, nguyên Khâm Sứ Tòa Thánh ở Hoa Kỳ, đến với Tổng Thống George Bush ngày 1/3/2003.

Trước khi xẩy ra cuộc chiến, ngoài việc gửi hai vị sứ giả đến gặp 2 vị lãnh tụ của đôi bên, vào Chúa Nhật 23/2/2003 trước Thứ Tư Lễ Tro 10 ngày, trong Huấn Dụ Truyền Tin, ngài đã nhận định và kêu gọi riêng con cái mình và chung thế giới như sau:

"Nhiều tháng nay cộng đồng thế giới đã sống trong một tình trạng hết sức lo âu trước cơn nguy hiểm xẩy ra một cuộc chiến tranh có thể làm rối loạn toàn vùng Trung Đông và càng làm tăng thêm căng thẳng mà bất hạnh thay đã xẩy ra ngay từ đầu kỷ nguyên này. Nhiệm vụ của tín hữu, bất kể theo tôn giáo nào, là tuyên bố cho thấy rằng chúng ta sẽ không bao giờ hạnh phúc được nếu chúng ta cứ kình chống nhau, tương lai của nhân loại sẽ không bao giờ được bảo đảm bằng nạn khủng bố và lý lẽ chiến tranh. Đặc biệt là Kitô hữu chúng ta được kêu gọi để làm những người bảo hộ hòa bình ở những nơi chúng ta sống và hoạt dộng. Chúng ta cần phải tỉnh táo để lương tâm không lùi bước trước khuynh hướng vị ngã, sai lầm và bạo lực. Bởi thế, Tôi mời gọi tất cả mọi người Công Giáo hãy tha thiết hiến ngày 5/3 tới đây, Ngày Thứ Tư Lễ Tro, để cầu nguyện và chay tịnh cho hòa bình, nhất là ở vùng Trung Đông. Trước hết, chúng ta hãy nài xin Thiên Chúa ban ơn hoán cải cho các tâm hồn và có một cái nhìn rộng lượng ở những quyết định chính đáng để giải quyết bằng những phương tiện xứng hợp và ôn hòa các thứ tranh đối làm cản bước hành trình của nhân loại trong thời đại của chúng ta".

Ngoài ra, ngài còn tiếp những vị muốn đến yết kiến ngài tại chính Quốc Đô Vatican về vấn đề Iraq, thứ tự như sau: trước hết là Phó Thủ Tướng Iraq Tariq Aziz, vào Thứ Sáu, 14/2/2003, trước ngày khắp nơi trên thế giới xuống đường biểu tình phản chiến Hoa Kỳ và trước ngày vị phó thủ tướng Công giáo này đi Assisi để cầu nguyện hòa bình cho đất nước ông; sau đó là Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan vào lúc chiều tối Thứ Ba 18/2/2003; tiếp theo là Thủ Tướng Hiệp Vương Quốc Tony Blair, đệ nhất đồng minh của Tổng Thống Bush, hôm Thứ Bảy 22/2/2003; sau hết là Thủ Tướng Ý Silvio Berlusconi, vị đồng ý và hỗ trợ chiều hướng tấn công của Hoa Kỳ, hôm Thứ Ba 4/3/2003; trong thời gian này còn có cả Thủ Tướng José Maira Aznar của Tây Ban Nha, đệ nhị đồng minh của Tổng Thống Bush..

Trong thời hạn tối hậu thư 48 tiếng của Tổng Thống Bush trước khi Hoa Kỳ chính thức tấn công Iraq, Giám đốc văn phòng báo chí của Tòa Thánh là tiến sĩ Joaquin Navarro-Valls đã phát biểu với phóng viên báo chí sáng Thứ Ba 18/3/2003, những lời phát biểu mang tính cách cảnh giác cuối cùng như sau: “Ai bảo là tất cả mọi đường lối ôn hòa chúng ta có được theo luật lệ quốc tế đã được tận dụng thì phải trả lẽ nghiêm thẳng trước Thiên Chúa, trước lương tâm của mình cũng như trước lịch sử”.

Thế nhưng, cuộc chiến (về phía kẻ tấn công) nhân danh hòa bình để giải giới, nhưng (về phía kẻ bị tấn công) có tính cách xâm chiếm này vẫn xẩy ra hết sức đáng tiếc và thảm khốc, thậm chí kéo dài cho tới sau khi vị giáo hoàng này nằm xuống mà vẫn chưa biết đi về đâu, (hay lại trở thành một Việt Nam thứ hai). Phản ứng trước hết về cuộc chiến bùng nổ này từ Tòa Thánh vào hôm Thứ Năm 20/3/2003, qua vị Tiến Sĩ Giám Đốc Joaquin Navarro-Valls, Giám Đốc Văn Phòng Báo Chí Tòa Thánh, qua những lời tuyên bố sau đây:

“Tòa Thánh hết sức đau khổ được tin về diễn tiến mới xẩy ra nhất ở Iraq. Trước hết, Tòa Thành tiếc rằng chính quyền Iraq đã không chấp nhận những quyết định của Liên Hiệp Quốc và lời kêu gọi của chính Đức Giáo Hoàng, khi cả hai đã yêu cầu xứ sở này giải giới. Sau nữa, thật là đáng tiếc vì đường lối thương thảo theo luật lệ quốc tế để mang lại giải pháp ôn hòa cho thảm kịch Iraq đã bị cắt ngang”.

Phần vị giáo hoàng, trong Sứ Điệp gửi Ngày Thế Giới Hòa Bình ngày 1/1/2005, một sứ điệp cuối cùng của ngài, với đề tài mang tính cách khuyến dụ hết sức thực tế và khẩn trương là: “Đừng để sự dữ chế ngự nhưng hãy chế ngự sự dữ bằng sự lành”.

“Nếu chúng ta nhìn vào hiện tình thế giới, chúng ta không thể nào không nhận thấy được tình trạng lan tràn đáng lo ngại nơi những thứ bộc phát khác nhau của sự dữ về lãnh vực xã hội và chính trị: từ những lệch lạc về xã hội đến tình trạng vô chính phủ và chiến tranh, từ tình trạng bất công tới những hành động bạo lực và sát hại. Để xoay chiều đường hướng giữa những đòi hỏi xung khắc giữa thiện và ác, gia đình nhân loại cần phải khẩn trương bảo trì và tôn trọng gia sản chung những giá trị về luân lý được chính Thiên Chúa ban cho Đó là lý do Thánh Phaolô khuyến khích tất cả những ai quyết tâm chế ngự sự dữ bằng sự lành là hãy cao thượng và vô tư trong việc nuôi dưỡng lòng quảng đại và bình an (x Rm 12:17-21).

“Mười năm trước đây, khi ngỏ lời cùng Tổng Hội Đồng Liên Hiệp Quốc về nhu cầu cần phải cùng nhau dấn thân để phục vụ hòa bình, tôi đã đề cập tới một ‘thứ văn phạm’ của lề luật luân lý phổ quát (Cf. Address to the General Assembly of the United Nations for its Fiftieth Anniversary [5 October 1995], 3: Insegnamenti XVIII/2 [1995], 732), một thứ lề luật Giáo Hội, qua những lời công bố về lãnh vực này, kêu gọi áp dụng. Bằng những giá trị và nguyên tắc chung mang tính cách tác động, lề luật này liên kết nhân loại lại với nhau, bất chấp những thứ văn hóa khác biệt của họ, và là những gì tự nó không đổi thay: ‘nó tồn tại theo các luồng tư tưởng và tập tục, cũng như hỗ trợ việc tiến bộ của những tư tưởng và tập tục ấy… Cho dù nó có bị loại trừ ở nơi chính các nguyên tắc của mình, nó vẫn không thể bị hủy hoại hay bị loại trừ khỏi tâm can con người. Nó luôn bừng lên nơi đời sống của cá nhân con người cũng như của xã hội’ (Catechism of the Catholic Church, No. 1958)”. (Khoản số 3)

“Thứ văn phạm chung về lề luật luân lý này đòi phải thực hiện việc dấn thân và trách nhiệm hơn nữa trong vấn đề làm sao để bảo đảm sự sống của cá nhân con người cũng như của các dân tộc được tôn trọng và tiến triển. Như thế, những sự dữ có tính chất về xã hội và chính trị đang hành hạ thế giới này, nhất là những sự dữ xuất phát từ các cuộc bùng nổ về bạo lực, là những gì cần phải mạnh mẽ lên án. Tôi nghĩ ngay đến châu lục thân yêu Phi Châu, nơi mà các cuộc xung đột đã gây thiệt hại cho hằng triệu triệu nạn nhân vẫn đang tiếp tục xẩy ra. Hay tình trạng nguy hiểm ở Palestine, Quê Hương của Chúa Giêsu, nơi mà vấn đề hiểu biết nhau, vì bị xâu xé bởi một cuộc xung đột hằng ngày gây ra từ những hành động bạo lực và trả đũa, vẫn chưa thể nào hàn gắn lại trong công lý và sự thật. Và hiện tượng bạo động khủng bố đang xuất hiện để đẩy cả thế giới đến một tương lai sợ hãi và ưu phiền thì sao? Sau hết, làm sao chúng ta lại không thể lấy làm hết sức tiếc xót chứ, trước màn bi kịch đang diễn tiến ở Iraq, một màn bi kịch từng gây ra những tình trạng thê thảm làm xao động và bất ổn đối với tất cả mọi người?

“Để đạt được sự thiện hòa bình, cần phải nhìn nhận một cách rõ ràng và ý thức rằng bạo lực là một sự dữ bất khả chấp và không bao giờ nó có thể giải quyết được vấn đề. ‘Bạo lực là một thứ dối trá điêu ngoa, vì nó phản lại sự thật đức tin của chúng ta, sự thật nhân loại của chúng ta. Bạo lực hủy hoại những gì nó cho rằng nó bênh vực, như phẩm giá, sự sống, tự do của con người’ (John Paul II, Homily at Drogheda, Ireland [29 September 1979], 9: AAS 71 [1979], 1081). Những gì cần thiết ở đây đó là hết sức nỗ lực để hướng dẫn lương tâm con người cũng như để giáo dục thế hệ trẻ về sự thiện hảo, bằng việc tán thành chủ nghĩa nhân bản nguyên vẹn và huynh đệ được Giáo Hội loan báo và phát động. Đó là nền tảng cho một thứ trật tự về xã hội, kinh tế và chính trị biết tôn trọng phẩm giá, tự do và những quyền lợi nồng cốt của mỗi một con người”. (Khoản số 4)

“Ngày Hòa Bình Thế Giới năm nay được cử hành trong cái ám ảnh thê thảm của biến cố 11/9 vừa qua. Ngày hôm ấy đã xẩy ra một tội ác khủng khiếp, đó là, trong một vài giờ khắc ngắn ngủi đã có cả mấy ngàn người vô tội thuộc nhiều chủng tộc khác nhau bị thảm sát. Từ đó, dân chúng trên khắp thế giới đã cảm thấy mình có thể bị tổn thương một cách sâu xa cũng như cảm thấy một mối phập phồng lo sợ mới trong tương lai. Đối với tâm trạng này, Giáo Hội chứng tỏ cho thấy niềm hy vọng của mình với một xác tín là sự dữ, mầu nhiệm bất chính ‘mysterium iniquitatis’, không phải là phán quyết tối hậu nơi sinh hoạt trần thế. Đó là niềm hy vọng nâng đỡ Giáo Hội bước vào năm 2002, ở chỗ, với ơn Chúa, cái thế giới mà, một lần nữa, quyền lực sự dữ như đang làm chủ tình thế, thực sự sẽ được biến thành một thế giới được chủ trì bởi những khát vọng cao cả nhất của con tim nhân loại, một thế giới được sống trong hòa bình đích thực” (khoản số 1).

Trong một bối cảnh thật là thê thảm và hết sức chán nản như thế, mà ngài còn nói lên được những lời đầy khích lệ và tích cực tin tưởng cuối cùng vừa rồi thì quả thật đó là những gì chứng tỏ ngài đúng là vị giáo hoàng của Vui Mừng và Hy Vọng “Gaudium et Spes”, vị giáo hoàng của “Giáo Hội trong thế giới tân tiến” vậy. Ngài đã vô cùng tài tình phối hợp hiện tình vô cùng đáng thương của nhân loại bấy giờ với Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần “Redemptor Hominis” ở Đường Thánh Giá ngài dọn cho Thứ Sáu Tuần Thánh năm 2003 như sau:

• “Mặt đất đã trở thành một nghĩa trang, với rất nhiều con người, rất nhiều nấm mộ. Cả một hành tinh lớn đầy những mồ mả (…); trong số tất cả những ngôi mộ ở khắp các lục địa trên trái đất của chúng ta, có một ngôi mộ trong đó Con Thiên Chúa, con người Giêsu Kitô, đã chiến thắng tử thần bằng sự chết”.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

 

TOP

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ