GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BẢY 30/4/2005

NGÀY QUỐC NẠN 30 NĂM

 

1) LÊNH ĐÊNH HẢI NGOẠI: VƯỢT THOÁT HAY LÊN ĐƯỜNG

2) ĐTC Biển Đức XVI về Mẫu Chủ Nghĩa Trần Thế ở Hoa Kỳ qua ĐHY Joseph Ratzinger

3) ĐTC Biển Đức XVI về tình trạng xã hội tân tiến vô thần, nhất là vấn đề liên quan tới hiện tượng hôn nhân đồng tính với nhận định của ĐHY Joseph Ratzinger

 

 

LÊNH ĐÊNH HẢI NGOẠI: VƯỢT THOÁT HAY LÊN ĐƯỜNG

 

Để tưởng kính tri ân vị đại ân nhân của tôi, Lm Đaminh Maria Trần Đình Thủ, CMC

 

Đối với hầu hết tất cả mọi người Việt Nam bỏ nước ra đi vào năm 1975 nói chung và vào cuối Thánh Tư Đen nói riêng thì phải công nhận rằng việc họ xuất ngoại là một cuộc vượt thoát, có thể so sánh với cuộc đại vượt thoát (great escape) của dân Do Thái thời xưa ra khỏi cảnh làm tôi nước Ai Cập sau 430 năm (x. Ex 12:41).

 

Tôi đã từng chứng kiến thấy cảnh vượt thoát thập tử nhất sinh này của đồng bào tôi ngay trong nước vào cuối Tháng 3/1975, khi tôi, vào Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, 27/3, từ Nhà Đá (Dốc Truông) tỉnh Bình Định, Thị Xã Qui Nhơn, lái xe chạy qua Nha Trang, tới Lương Sơn Phan Rí, ngược lại Phan Rí Cửa lên thuyền (với cả xe hơi) xuôi giòng nước đến Bến Đá Vũng Tầu, và cuối cùng lái xe về tới Thủ Đức, nơi anh em chúng tôi khắp nơi đang qui tụ về theo lệnh cấp trên.

 

Trên suốt quãng đường đi, tôi đã chứng kiến thấy một cảnh tượng chưa từng thấy trong đời gần tam thập nhi lập của tôi bấy giờ, dù có so sánh với cuộc vượt thoát thứ nhất từ Bắc vô Nam năm 1954. Đó là cảnh đồng bào ruột thịt của tôi hoảng hốt xô nhau chạy, cắm đầu chạy, đến nỗi tự dẵm lên nhau mà chết, chứ chưa cần thấy anh chị em bộ đội cộng sản xuất hiện. Chưa bao giờ hai tiếng “cộng sản” có một mãnh lực khủng khiếp như thế. Chỉ cần nghe thấy “cộng sản sắp tới nơi rồi” là dân chúng cuống lên một cách cuồng loạn. Đèo Cù Mông ở Qui Nhơn chưa bao giờ kẹt xe như vốn xẩy ra trước và sau giờ làm việc ở các xa lộ 22, 405, 5, 91, 10, 210, 57 v.v. thuộc vùng Orange County và Los Angeles Nam California. Ở Phước Tỉnh tôi đã thấy cảnh anh chị em đồng bào của tôi, những người may mắn (như tôi) chạy được khỏi những vùng có nguy cơ bị cộng sản tiến chiếm, trở thành dân tị nạn, sống chen chúc nhau ở bất cứ chỗ nào có thể tạm trú lánh nạn, trong nhà, ngoài ngõ, thật là nheo nhóc, khổ sở!

 

Thế nhưng, nếu cuộc xuất hành (exodus) của dân Do Thái ra khỏi nước Ai Cập không phải chỉ là một cuộc vượt thoát mà còn là một cuộc lên đường, lên đường theo lệnh của Chúa truyền để về Đất Hứa (Ex 3:17), thì trong cuộc vượt thoát của Người Việt 1975, cũng âm thầm diễn ra cuộc lên đường bất ngờ của một tổ chức mà tôi là một phần tử và là một nhân chứng. Giờ đây, nhân dịp 30 năm kỷ niệm lưu vong lênh đênh hải ngoại, tôi xin tường thuật lại những gì mắt thấy tai nghe, chẳng những để góp phần ghi lại dấu vết lịch sử quê hương Việt Nam yêu dấu của một giai đoạn kinh hoàng đã qua, mà còn để nói lên niềm tin tưởng của mình vào Đấng Làm Chủ Lịch Sử loài người, Đấng Quan Phòng Thần Linh đã lợi dụng tất cả mọi sự, kể cả sự dữ do loài người (mù quáng) gây nên, để thực hiện ý định nhiệm mầu của Ngài.

 

Thật thế, nếu vì chủ ý tích cực để làm một việc gì thì việc làm này có tính cách là một sứ vụ (mission). Vẫn biết Người Việt 1975 nói chung và Công giáo nói riêng vượt thoát bỏ nước ra đi, trước hết là để thoát nạn cộng sản vô thần, và sau nữa là để tìm tự do. Tuy nhiên, bấy giờ không biết có ai đã nghĩ đến trường hợp nếu quả thực tìm được tự do rồi mình sẽ làm gì hay chăng. Thế mà, đối với một tổ chức bấy giờ, biến cố Tháng Tư Đen đã là cơ hội hết sức thuận để họ lên đường “Truyền Giáo”, theo như ý định và lệnh truyền của vị lãnh đạo kiêm sáng lập tổ chức này.

 

Ngay vào đầu tháng 4/1975, (chứ không phải cuối tháng tư đen này), sau khi anh em chúng tôi từ khắp nơi (xa nhất là Trường Trung Tiểu Học Đồng Công Nhà Đá Qui Nhơn, chỗ tôi hoạt động, Cư Xá Rạng Đông cho sinh viên Đại Học Thụ Nhân Đà Lạt, Trường Tiểu Học Đồng Công Lương Sơn Phan Rí, Đồn Điền Thiên Mẫu Di Linh Lâm Đồng) đông đủ đổ về khu trung tâm nhà mẹ rộng lớn với đủ mọi cơ sở ở Thủ Đức, chúng tôi đã được lệnh cấm phòng tại Đệ Tử Viện Đồng Công (bấy giờ đã giải tán các em). Hôm ấy là ngày đầu tuần lễ thứ hai của Tháng Tư. Bữa ăn trưa vừa xong, mọi người chợt thấy một loạt xe đò dài tiến vào đậu ở dọc con đường chính có hàng cây phượng vĩ của Đệ Tử Viện. Bấy giờ mọi người mới được chính thức nghe lệnh của bề trên ban ra là tất cả đều phải thu đồ lên xe ngay, (không được báo cho nhà quê hay được liên lạc gì với ngoại giới bấy giờ), để cả nhà dòng xuống Phước Tỉnh, rồi ngay tối hôm đó sẽ xuống thuyền (được thuê sẵn như những chiếc xe đò bấy giờ) ra Phú Quốc chờ dịp xuất ngoại.

 

Cho tới nay tôi vẫn không biết được làm thế nào Cha Đaminh Maria Trần Đình Thủ, vị sáng lập tổ chức được gọi là Dòng Đức Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc (CMC: Congregation of the Mother Co-redemptrix), ngay từ cuối tháng ba và đầu tháng tư 1975, đã biết được chắn chắn là sẽ mất nước. Tôi có một ông chú đóng vai đại tá trong ngành chiến tranh chính trị làm việc trực tiếp với Hiệp Hội Bốn Bên bấy giờ cũng chưa hề biết những gì sắp xẩy ra cho vận nước của mình. Với kinh nghiệm sống gần gũi với ngài và được ngài trực tiếp huấn thánh 9 trong 18 năm trường, tôi vẫn cảm thấy rằng ngài được ơn linh ứng trong việc này. Ngài chẳng những có tiếng là thánh thiện mà còn được cho là khôn ngoan vượt bực nữa. Đó là lý do, vào năm 1980, tại Forworth Texas, tôi được một người trước năm 1975 làm chủ hãng cưa lớn nhất ở Tam Hà Thủ Đức, khi thấy đoàn xe đò chở cả nhà dòng đi khỏi Thủ Đức, liền thu xếp đồ để tìm đường vượt thoát, vì ông tin rằng việc Cha Thủ và cả nhà Dòng Đồng Công tự động bỏ đi như thế chắc chắn thế nào cũng có quốc biến. Chính vì nhờ Cha Thủ mà cả nhà ông đã vượt thoát được nạn cộng sản như thế mà hằng năm ông vẫn tiếp tục đóng góp ủng hộ nhà dòng để gọi là trả ơn Cha Thủ.

 

Tuy nhiên, những vị tiên tri Do Thái thường chịu khổ vì sứ vụ của mình thế nào, Cha Thủ cũng thế. Quả vậy, sự việc xẩy ra là khi đoàn xe đò của nhà dòng vừa xuống tới Phước Tỉnh, thì nghe thấy ông tỉnh trưởng Phước Tuy mới ra lệnh là thuyền nào ra khỏi bến sẽ bị bắn. Thế là cả nhà dòng đành phải chịu nằm ụ ở nhà nghỉ mát rộng lớn của Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm Phước Tỉnh. Mấy ngày sau, Cha Thủ tuyên bố là ngài và một số (150) anh em (lớn tuổi) sẽ ở lại quê hương, không đi đâu nữa, ngoài ra, thành phần các lớp khấn trẻ và thành phần đang học làm linh mục, cùng với thành phần thay ngài để lãnh đạo số anh em ra đi này, ngài truyền lệnh theo lời khấn tuân phục, phải lên đường: “Các em phải đi để giữ lấy dòng và để truyền giáo”. 

 

Thế nhưng, “đi” làm sao được khi mà cả lũ nằm ụ với nhau ở Phước Tỉnh hết ngày này sang ngày khác, không có một tia hy vọng nào. Trái lại, mắt thì thấy, vào tuần thứ ba của cuối tháng tư, có những chiếc tầu đậu tít mù khơi ở phía hình như là hải phận quốc tế, và tai thì nghe phát thanh là Hoa Kỳ chỉ đưa sang Mỹ 100 ngàn người làm cho họ mà thôi, bằng máy bay hay bằng chiến hạm của hạm đội thứ 7. Không khí tuyệt vọng mỗi ngày một bao phủ tâm can từng người và chung nhóm người chờ chực lên đường thi hành sứ vụ “truyền giáo” hết sức ý nghĩa và đầy lý tưởng cao cả này. Những thứ lương thực dự trữ cho mỗi người để có thể sống cả tuần lễ, nếu xẩy ra chuyện thất lạc nhau trong cuộc vượt thoát lên đường, đã sẵn sàng trong bị của từng người còn đó, nhưng lòng của hầu hết đã cảm thấy chán chường mệt mỏi hầu như không thiết gì nữa, hoàn toàn phó mặc cho vận số hên xui, dù chính tai họ có được nghe Cha Thủ tuyên bố mấy lần như đinh đóng cột là: “Các em cứ yên trí. Bao giờ cộng sản vào, các em cứ việc xuống thuyền ra khơi, thế nào cũng được tầu Mỹ vớt!”

 

Thật ra, ngài không chủ trương, đúng hơn không thích, sai anh em dòng của ngài sang Mỹ vì ngài quan tâm đến cái nguy hiểm của nền văn minh vật chất tân tiến đầy hưởng thụ và sống theo cá nhân chủ nghĩa làm Kitô hữu mất đức tin lúc nào không biết này, mà tự thâm tâm ngài chỉ muốn họ đi lánh nạn ở các nước lân bang Á Đông gần Việt Nam thôi, vùng đất, như Hiến Pháp dòng do chính tay ngài viết ấn định, vốn là mục tiêu truyền giáo của một hội dòng do ngài khai sinh từ đầu thập niên 1940 và được chính thức thành lập vào đầu năm 1953. Thế nhưng, trong tình huống khó sử bấy giờ, để trấn an thành phần môn sinh yếu tin của mình, ngài vẫn không ngần ngại tuyên bố những lời hết sức trái ngược với ước vọng của ngài, nhưng lại là những gì đã hoàn toàn ứng nghiệm như chân lý ấy.

 

Quả nhiên mọi sự đã xẩy ra đúng như thế. Sáng ngày Thứ Tư 30/4/1975, trên một trong những chiến hạm mang tên Greenville Victory, nhóm trung ương chúng tôi, sau khi đã từ Phước Tỉnh sang Bến Đá ngủ đêm hôm Chúa Nhật 27, đã bắt đầu ra khơi thực hiện cuộc hải trình lên đường nhắm hướng hải phận quốc tế, và cũng vào chiều hôm đó chúng tôi đã lên được những con tầu thật là khổng lồ chưa từng có, những con tầu chúng tôi đã từ bờ Phước Tỉnh nhìn thấy mập mờ nhỏ xíu ở chân trời như những viễn tượng xa xăm như không tưởng đối với thân phận không phải là nhân viên làm việc cho Mỹ quốc của mình. Thế là ứng nghiệm đúng như lời quả quyết của vị đã sai chúng tôi xuất hành lên đường “để giữ lấy dòng và để truyền giáo”.

 

Tuy nhiên, khi tới được niềm hy vọng có thể được vượt thoát để thi hành sứ vụ được sai đi của mình này, nhóm anh em chúng tôi được chia ra ở trên 7 con thuyền đánh cá khác nhau bắt đầu thất lạc nhau, nhóm đi thuyền nào thì lên những chiến hạm được con thuyền của mình chở tới. Có lẽ trong lịch sử hải hành, hải phận quốc tế chưa có một cảnh nhộn nhịp nào xẩy ra như vào dịp cuối tháng tư đen này. Bởi vì, chẳng ai bảo ai, các thuyền bè từ các nơi trong bờ thuộc vùng Phước Tỉnh và Bến Đá đều ùa ra theo hướng thấy những điểm báo có những chiếc chiến hạm này. Vừa ra khỏi bến được một lúc, nhìn vào bờ, Bến Đá đã bắt đầu bốc khóc đen ngòm. Cộng sản đã tấn công đến nơi. Để rồi, khi tới nơi, các thuyền liền nhào đến chiếc chiến hãm nào gần nhất, rồi hô hoán và vội vàng tìm cách để được vớt lên tầu.

 

Khi chiếc thuyền chở nhóm trung ương chúng tôi tới chiến hạm được thấy đầu tiên, bấy giờ vào khoảng hơn 7 giờ chiều, thì đã có cả mấy chục con thuyền khác, kể cả những chiếc xà lan, bám sát một bên mạn tầu, nơi đồng bào chạy loạn Việt Nam của tôi đang được vớt lên tầu bằng hai cánh, một là leo thang dọc theo mạn tầu, hai là ở trong cái rọ cẩu hàng hóa được thả xuống từng đợt để kéo lên tầu mỗi lần khoảng 20 chục mạng đứng chen chúc nhau. Bấy giờ, dù đang bị say sóng đến nỗi quả thực mửa ra mật xanh ngay trong lòng bàn tay và thật là đắng đót trong miệng, đến nỗi chỉ muốn chết hơn là sống, tôi cũng đã vội vàng vơ hành lý cá nhân của mình, nhẩy như chim, rất nhanh, từ thuyền này sang thuyền khác, từ xà lan này sang xà lan kia, hay từ xà lan sang thuyền hoặc từ thuyền sang xà lan, đậu sát nhau, để đến được chỗ mọi người đang tụ nhau để chờ cái rọ thả xuống mà nhào vô. Ít người dám leo thang bên sườn tầu, rất nguy hiểm và đã có người bị rơi xuống biển khi đang leo lên tầu theo kiểu này.

 

Cho tới khi lên được trên chiếc chiến hãm to lớn như một khu chung cư cả trăm phòng này và cao như một cao ốc 10 tầng ấy, câu đầu tiên tôi nghe thấy là tiếng hòa la: “Con ơi” ở phía mạn tầu bên kia, và cảnh đầu tiên tôi thấy là có hai người đàn bà đang cố hết sức ghì giữ một người đàn ông cởi trần. Tôi đã đến ngay hiện trường xem sao thì thấy một con thuyền đang lênh đênh trên biển cả mênh mông bên kia mạn tầu, và trên mui thuyền đang có một đứa bé, không biết nam hay nữ, nằm trơ trọi một mình cùng với con thuyền không người lái đang nổi trôi bất định đi vào màn đêm sắp buông xuống trên biển cả mênh mông vô tận. Thế rồi tôi cảm thấy con tầu di chuyển sau khi có tiếng súng nổ ở mạn tầu đang kéo người lên. Và chiếc tầu chầm chậm xa dần đám anh chị em đồng bào bất hạnh của tôi đang ở dưới chưa được vớt lên, (trong đó có cả những người anh em thuộc nhóm của tôi), vì tranh nhau đến lỡ nổ súng. Họ thảm thiết kêu gào vẫy gọi... từ từ, càng lúc họ càng trở thành những chấm phá giữa biển cả mênh mông trên những chiếc thuyền hay xà lan không người lái, lênh đênh với sóng nước, bập bềnh trôi vào đêm đen!

 

Ôi, đó không phải là những thảm cảnh đầu tiên tôi được chứng kiến thấy trong cuộc hành trình lên đường của mình, những thảm cảnh cho thấy cái giá quá cao bất đắc dĩ phải trả cho một cuộc vượt thoát, cho tự do. Cảnh thứ nhất còn quằn quại và thê thảm hơn thế nữa, không bao giờ tôi có thể quên được. Đó là vào sáng Chúa Nhật 27/4/1975, sau khi nghe cộng sản sắp tới, đoàn tầu đánh cá của dân cả trăm chiếc đậu ở Phước Tỉnh, (trong đó có những chiếc thuyền chở nhóm anh em chúng tôi), bắt đầu rủ nhau ra khơi, thì thấy xuất hiện những người anh em quân đội của mình, những người cũng muốn vượt thoát như mọi người, vì chẳng những hàng ngũ quân đội đã tan rã mà còn vì bị cộng sản đuổi đến nơi. Thế nhưng, không một thuyền nào đã dám cho anh em quân đội lên, có lẽ vì sợ không biết có phải là quân đội hay là cộng sản cải trang, cho dù có là anh em quân đội đi nữa, nếu cho lên thuyền có thể sẽ bị họ uy hiếp đi ngược hướng vượt thoát của mình hay chăng v.v.? Thế là đoàn thuyền chẳng khác gì như đàn vịt đã xô nhau tuốn ra khơi dưới lằn đạn bắn ào ào như mưa của những người còn lại trên bờ, những người đã từng chiến đấu vì dân vì nước đang điên lên nả súng, có lẽ lần cuối cùng, song vào đồng bào ruột thịt của mình!

 

Tuy nhiên, trên chiếc chiến hạm tôi ở, cũng có cả một số anh em quân đội, nhưng lại là những người đã yêu cầu được xuống tầu để trở lại vào bờ tìm về với gia đình, không muốn vượt thoát một mình nữa. Trong mấy ngày cuối tháng tư đen, những chiến hạm đã đón thêm nhiều người không phải là nhân viên của Hoa Kỳ như nhóm anh em chúng tôi. Họ rước cả những người đi từ những chiếc trực thăng đến, những chiếc trực thăng sau đó bị hất xuống biển. Đoàn dân vượt thoát tại hải phận quốc tế vào cuối tháng tư đen này, vào sáng Thứ Tư, 30/4, dưới trời mưa lấm tấm, trong khi chờ đợi đoàn tầu sửa soạn cùng nhau lên đường một lúc, đã não nuột nghe từ đài phát thanh Sài Gòn lời vị tổng thống cuối cùng của nền dân chủ cộng hòa Việt Nam là ông Dương Văn Minh tuyên bố trao quyền cho lực lượng giải phóng miền Nam đã hoàn toàn chiếm thủ đô Sài Gòn, và sau đó nghe giọng Trịnh Công Sơn hát những lời ca mà đối với Người Việt sắp xa quê hương ngàn năm yêu dấu bấy giờ là bài ca mất nước, song đối với thành phần “giải phóng miền nam” là bài ca “thống nhất” đất nước: “rừng núi giang tay nối lại biển xa, ta đi cầm tay lớn mãi để nối sơn hà...”

 

Thế rồi, vào một buổi sáng đầu Tháng Hoa 1975, đoàn chiến hạm bắt đầu vượt trùng dương hướng về phía quần đảo Phi Luật Tân. Đối với những Người Việt ở trên chuyến vượt thoát này bấy giờ, nếu ngày mất nước là ngày 30 tháng 4 thì ngày tha hương lênh đênh hải ngoại chính là ngày Thứ Sáu mùng 2 tháng 5 này. Đằng sau là chân trời quê hương mù mịt xa dần, để rồi biến mất trước một trời nước mênh mông bất tận. Những đứa bé còn bế ngữa bấy giờ nay đã tam thập nhi lập, nói chung, có đứa nói được tiếng Việt có đứa không. Những thiếu nhi bấy giờ nay đã ở vào tuổi dowmhill tứ tuần, chung chung biết nói, biết đọc và biết viết căn bản Tiếng Việt và còn một chút văn hóa Việt Nam. Những thanh niên nam nữ bấy giờ nay đã ở vào tuổi ngũ thập nhi tri thiên mệnh, thành phần đa số khá thông thạo Việt ngữ và khá dồi dào văn hóa chất Việt Nam. Nhóm tam thập nhi lập bấy giờ nay đã lục tuần, thành phần thông thạo Việt ngữ và đầy văn hóa Việt, có thể thay thế bậc anh chị của mình đã ở vào tuổi hưu trí hay đã mãn phần trên đất khách quê người, để nỗ lực phục vụ cộng đồng Người Việt Hải Ngoại ít là trong lãnh vực truyền đạt văn hóa.

 

Những con người Việt Nam bắt đầu cuộc hải trình lênh đênh hải ngoại bấy giờ làm sao có thể tưởng tượng được 30 năm sau Người Việt Hải Ngoại đã trở thành một cộng đồng như hiện nay ở khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, nếu mỗi một người Việt Nam viễn xứ, kể cả sau 1975 cho tới nay, viết lại tỉ mỉ cuộc bỏ nước ra đi của mình, với tất cả mọi chi tiết đầy đủ của nó, thì phải có cả một thư viện vĩ đại mới chứa hết được những tập sử liệu hết sức bi thương cho thấy những gì cực kỳ thảm khốc gây ra từ biến cố tháng tư đen 1975 này. Có lẽ cảnh thương tâm nhất, theo tôi, chính là cảnh hải tặc, cướp của, hãm hiếp, giết người trên biển cả, thế nhưng, cảnh đáng tiếc nhất và xót xa nhất phải nói là cảnh chính anh chị em đồng hương Việt Nam cùng vượt thoát với nhau, khi ở vào những lúc thiếu thốn cùng khổ chẳng những đã không biết đoàn kết lại với nhau để chiến đấu và chịu đựng, trái lại, còn theo bản năng sinh tồn tự nhiên cùng lòng tham vô đáy của con người, tỏ ra những thái độ gian manh và hành động nhỏ mọn, ở chỗ giành giật nhau từng miếng ăn, manh áo, đầy thủ đoạn và bạo lực, trong cuộc vượt thoát và tị nạn, trên tầu, ở đảo, nơi trại tị nạn v.v. Tương lai của cộng đồng Người Việt Hải Ngoại, có thể nói, đã xuất đầu lộ diện ngay từ khi bắt đầu cuộc vượt thoát định mệnh ấy.

 

Đoàn Người Việt bỏ nước ra đi bằng đường thủy tiên khởi vào đầu tháng 5/1975 trên những chiến hạm Hoa Kỳ đồ sộ ấy, nhưng lại là những chiến hạm chứa cả gần chục ngàn người trên mỗi chiếc, một con số phá kỷ lục đã làm cho những chiến hạm này không thể nào đáp ứng một cách thỏa đáng nhu cầu ăn uống cũng như phương tiện vệ sinh cho thành phần tị nạn được may mắn cứu vớt này. Chính vì thế, họ đã tự động đứng ra điều hành lấy nhau trong việc phân phối những gì quan thiết liên quan đến vấn đề ăn uống. Bấy giờ, những ai biết nói tiếng Anh là những người làm vua trong đám Người Việt vượt thoát và tị nạn này. Bởi họ được người Mỹ trọng dụng và ưu đãi, được hưởng đủ thứ đặc ân đặc lợi. Vấn đề cũng phải thôi, vì thợ đáng ăn lương của mình. Còn vấn đề thái độ và tư cách phục vụ của họ là chuyện khác. Thế rồi, đoàn chiến hạm đầy ắp Người Việt sống trong cảnh nheo nhóc ấy, mấy hôm sau, đã tạt vào Sulpice Bay ở Phi Luật Tân. Một số đã được lên máy bay, bay thẳng đến Guam trước. Một số được chuyển sang tấu khác để số người trên mỗi chiếc tầu dễ thở hơn. Nhóm anh em trung ương chúng tôi thuộc vào nhóm được chuyển sang chiếc tầu Trans Colorado. Ngày hôm sau, cuộc hải trình lại bắt đầu tiếp tục cho tới chiều ngày 9/5/1975 thì tới đảo Guam.

 

Khi còn cách bờ khoảng nửa tiếng hay hơn, có một phái đoàn từ trong bờ tiến ra và lên những chiếc tầu của chúng tôi, với một thông dịch viên, cho chúng tôi biết rằng chúng tôi đã đến đảo Guam, nhưng vì hết chỗ, chúng tôi chỉ ghé vào nghỉ ngơi rồi lên máy bay sang đảo Wake ngay tối hôm ấy. Chúng tôi cũng được người thông dịch viên cho biết thêm là trên đảo Guam có đầy đủ đồ ăn thức uống cho chúng tôi rồi, xin đừng lo. Thế mà, vì cả gần chục ngày đã bị khổ sở để sống còn chẳng những với đồ ăn thức uống, mà còn với cả những thứ đồ dùng cần thiết cho việc ăn uống, Người Việt tị nạn chúng tôi bấy giờ, không ai bảo ai, đều bụng buộc hay tay cầm lủng củng lẻng kẻng những thứ như cóng sữa bò được dùng vừa làm ly uống lẫn bát ăn ấy như một thứ đồ tùy thân quí báu của mình, không thể nào bỏ lại trên tầu. Với hành trang kèm theo những thứ lếch thếch như thế, chúng tôi, chân người này có dép người kia không, áo quần người nào người ấy thốc tha thốc thếch, đầu mặt bơ phờ cả chục ngày không tắm gội v.v., ngơ ngác tiến qua giữa hai hàng người Mỹ trắng trẻo to lớn, trong những bộ y phục mầu sắc mùa hè thoải mái, tươi cười chào đón chúng tôi. 

 

Cho tới khi tận mắt chúng tôi thấy được các giẫy bàn đã được bầy sẵn vô số đồ ăn thức uống, chúng tôi mới tin lời người thông dịch. Sau khi quẳng ngay tất cả những thứ tùy thân quí giá đã được bàn tay tháo vát Việt Nam cố gắng chế ra để vừa ăn lẫn uống ấy vào thùng rác, mọi người đã tỏ ra không khách khứa, bắt đầu chính thức thưởng thức những thứ thực phẩm của Mỹ quốc, những thứ dù không hay chưa hợp khẩu vị Việt Nam của mình cũng trở thành những gì mỹ vị ngon lành trong lúc đói bụng. Sau đó, những chiếc xe buýt cao lớn Mỹ quốc đã xuất hiện chở chúng tôi rảo qua một ít thành phố trước khi đến phi trường, lên những chiếc C-30 hay C-40, và ngồi lúc nhúc trên sàn máy bay, để sang Wake Island. Xuống máy bay vào lúc nửa đêm về sáng của đảo Wake. Chúng tôi đã được khám xét kỹ lưỡng xem có dao súng gì chăng, và được hướng dẫn tổng quát về đảo cũng như về sinh hoạt khi tạm trú ở đây, trong đó có việc lãnh vé đi ăn một ngày ba bữa cũng như việc lĩnh quần áo để mặc.

 

Lần này, sau kinh nghiệm về đồ ăn thức uống bên Guam Island, chúng tôi tỏ ra hết sức tin tưởng vào những gì đã nghe bấy giờ, nhất là về vấn đề quần áo. Bởi đó, riêng tôi, sau khi tắm rửa vào sáng hôm đó, đã vứt ngay đi các thứ quần áo bẩn thỉu của mình để sửa soạn mặc những thứ đồ mới của Mỹ quốc. Tiếc thay, những bộ quần áo mới của Mỹ quốc là những thứ y phục chỉ hợp với các loại thân thể extra large mà thôi, nếu tôi mặc vào thì chỉ cần một chiếc quần của họ cũng đủ kéo lên tới cổ của tôi, không cần mặc áo nữa. Đó là lý do nhóm anh em chúng tôi đã đổi thuốc lá lĩnh được cho những người có cơ hội chọn lựa và phân phát quần áo để lấy các bộ y phục tạm vừa với tầm cỡ của mình. Trong hai tháng rưỡi ở đây, từ 10/5 đến 25/7, tôi đã thấy chưa bao giờ Người Việt sống thoải mái như vậy. Cả ngày thảnh thơi, buổi sáng ra bãi biển ngắm cảnh rạng đông lên và tập thể thao, ban ngày xếp hàng vào ăn ba bữa no nê, trong ngày ra phi trường tìm đón người thân từ Đảo Guam sang, (trong khi đó có một số người, vào những ngày đầu, vì quá nhớ người thân, đã bay về Guam, xuống tầu Việt Nam Thương Tín về lại VN), hay đi dạo từ đầu đến cuối hải đảo toàn san hô có chừng mấy trăm căn nhà hai ba phòng ngủ bỏ không này mất khoảng 1 tiếng (phải đi bộ ngược chiều xe hơi), tối đến có một số kéo nhau ra bãi biển (phía khu nhà ăn trắng) để nghe danh ca Khánh Ly hát. Một ít lâu sau thành phần giữ đảo kể như bỏ hoang hầu hết là người Phi làm cho Mỹ ở đấy đã thấy những con diều bay phất phới trên nền trời hải đảo. Thậm chí có cả những bữa thịt chó lậu ở một số mật thất nào đó. Ngày ra phi trường lên máy bay, trong số đồ dùng của Người Việt tị nạn, người ta thấy đã có những chiếc áo khoác măng tô được biến chế từ những cái chăn nhà binh đã phát cho từng người khi nhập đảo.

 

Nhóm anh em chúng tôi đã lên chiếc Boeing khổng lồ 8 hàng ghế, có truyền hình trước mắt, tối tân chưa từng thấy. Sau khi ghé Honolulu đảo Hawaii (cách Wake Island 2.300 dặm hay 3.700 kilômét) hai tiếng đồng hồ, chúng tôi đã trải qua một khoảng cách tương đương từ Wake đến Honolulu nữa mới vào tới nội địa Hoa Kỳ. Thế mà, khi chiếc phản lực hạ cánh xuống một phi trường thuộc tiểu bang Arkansas, chúng tôi mới đi được có nửa tiếng đồng hồ, vì bấy giờ là 9 giờ 30 sáng địa phương, cùng ngày 25/7/1975, ngày chúng tôi rời Wake Island lúc 9 giờ sáng. Từ trên chiếc xe buýt ở phi trường về trại Fort Chaffee, khi mắt nhìn thấy những “tủ lạnh” ở đầy các góc đường thuộc khu trại tị nạn này, lòng tôi thầm phục nước Mỹ quả thực là một đệ nhất đại cường quốc, giầu đến nỗi đã viện trợ nhân đạo khắp thế giới. Lòng ngưỡng mộ cảnh giầu thịnh vượt bực của Mỹ quốc này đã được chứng thực bởi cảnh một số người tị nạn Việt Nam đến trước đang lấy chân đá những trái táo dưới chân, loại trái cây mà ở Việt Nam chỉ có nhà giầu hay bị bệnh mới được ăn. Chỉ lạ là các “tủ lạnh” đó hiếm thấy người ra mở, và khi ai mở ra thì đều thấy họ bịt mũi nhăn nhó bước vào.

 

Nhóm anh em trung ương chúng tôi chỉ ở trại tị nạn Fort Chaffee (một khu quân sự Mỹ trước đây) có 2 tuần lễ. Và vào đúng ngày Lễ Thánh Đaminh 8/8/1975, quan thầy của Cha Đaminh Maria Trần Đình Thủ, vị sáng lập dòng Đồng Công của chúng tôi, chúng tôi đã lên xe buýt về Carthage Missouri. Sở dĩ chúng tôi được xuất trại nhanh như thế là vì đã có người bảo lãnh cho tất cả 170 anh em chúng tôi rồi, ngay từ khi nhóm anh em trung ương chúng tôi còn đang ở Wake Island.

 

Thật vậy, việc cố tình tổ chức lên đường của 170 anh em chúng tôi do đấng sáng lập chủ trương và thực hiện đã xẩy ra như ý muốn đã là một sự lạ, nhưng khi tới Hoa Kỳ chúng tôi lại được chứng kiến một sự lạ thứ hai không kém phần ly kỳ và thần nhiệm. Sự lạ đó là việc tất cả mọi người anh em chúng tôi đều về ở chung với nhau được một nơi vừa vặn cho 170 người, lại là một chỗ hết sức khang trang không thể tưởng tượng.

 

Đúng thế, trong nỗi vui mừng vì được bước chân được tới Hoa Kỳ, anh em chúng tôi bắt đầu lại cảm thấy hết sức lo âu, nghĩ rằng dòng sẽ tan rã. Bởi vì, ai dám đứng ra để bảo lãnh cho cả 170 người. Nếu không, mỗi người đi một nơi hay mấy người đi một ngả thì làm sao sống đời sống tu trì, làm sao sinh hoạt theo tục lệ dòng, và như thế, thay vì “giữ lấy dòng và để truyền giáo” theo ý của đấng sáng lập thì lại tan dòng!?! Tới đây chúng tôi mới thấm thía cảm thấy được rằng việc lên đường này quả thực là một việc liều lĩnh, một mất một còn, chẳng khác gì như một cuộc phiêu lưu may ít rủi nhiều của thành phần thuyền nhân Việt Nam vượt thoát sau này. Tuy nhiên, sau khi mọi việc đã được ổn định đâu vào đó, chúng tôi mới thấy được đức tin mãnh liệt phát xuất từ vị sáng lập của mình như thế nào, một đức tin đã hoạt động như một bộ phận viễn khiến (remote control) điều hành mọi sự xa cả nửa vòng trái đất (cách nhau 12 múi giờ) một cách tốt đẹp theo Ơn Chúa Quan Phòng!

 

Ngày di cư tư bắc vô nam năm 1954 cũng thế, lịch sử của hội dòng này cũng xẩy ra hai điều rất kỳ lạ: điều lạ thứ nhất đó là hầu hết anh em dòng đã giải tán về quê tự nhiên không ai bảo ai lục tục về Liên Thủy là trụ sở chính của tu hội mới được thành lập 3 năm này thăm Dòng vào chiều ngày 3-8-1954; và điều lạ thứ hai đó là trước ngày 3-8-1954 chính quyền Việt Minh ở Bùi Chu không cấp giấy cho bất cứ ai đi đâu ra khỏi địa phương ấy, thế mà anh em Đồng Công vẫn dễ dàng xin giấy thông hành từ chiều hôm đó. Nhờ thế, một tuần lễ sau, hầu hết anh em dòng ở các nơi đã có mặt tại Hải Phòng, kể cả nhiều anh em ở xa Liên Thủy, không hề biết đến ý định di cư của bề trên. Và vào ngày 10-8-1954, anh em đã cùng nhau xuống tầu Ville de Haiphong của hãng Denis Frères xuôi về Nam để bắt đầu mở màn cho một trang sử 20 năm (1955-1975) phát triển tại Việt Nam, và 30 năm truyền giáo (1975-2005) tại hải ngoại.

 

Hành trình xuất ngoại “để truyền giáo” của anh em dòng Đồng Công, khi vào tới nội địa Hoa Kỳ, được bắt đầu bằng nỗi lo âu tan dòng. Nhóm người Việt Nam duy nhất có ý xuất ngoại và tổ chức xuất ngoại ngay từ đầu tháng tư đen này, vì lạc nhau khi lên các chiến hạm Hoa Kỳ ở ngoài hải phận quốc tế ngày Thứ Hai 28/4, nên vào tới Mỹ, họ đã được đưa đến tạm trú ở 3 trong 4 trại tị nạn khác nhau, đó là trại Pendleton Nam California, Indiantown Gap ở Pennsylvania, và Fort Chaffee ở Arkansas. Nhóm anh em đông nhất ở trại tị nạn Fort Chaffee, và đến làm hai đợt, đợt nhất từ Guam Island và đợt hai là đợt nhóm anh em trung ương từ Wake Island. Theo sự dò hỏi của nhóm anh em đợt nhất với các vị linh mục du học tại Mỹ lâu năm thì việc bảo trợ cho 200 người chung sống cùng một chỗ là điều “impossible”. Theo các ngài bàn thì nên phân tán mỏng trước, rồi sau đó, khi thuận lợi sẽ tụ họp về với nhau sau. Anh em Đồng Công nhất định không chủ trương như thế. Bằng chứng hiển nhiên là, khi còn ở Đảo Wake, nhóm anh em trung ương gần 50 người lớn mà cũng chỉ ở trong một căn nhà chỉ có sức chứa 2 gia đình mười mấy người lớn bé đã đủ chật chội. Mục đích là để đoàn kết và giữ lấy nhau trong thời gian giao động về xã hội và biến loạn về tâm linh ấy. Thế rồi cũng xong. Nơi các cha các thày ở đấy đã nghiễm nhiên trở thành một trung tâm Công giáo sầm uất nhất đảo. Giáo dân đã kéo tới dự lễ vào mỗi buổi sáng đầy cả ngoài sân. Việc mục vụ trên đường tị nạn này đã trở thành một dạo khúc mở màn cho sứ vụ lên đường “để truyền giáo” khi họ được hoàn toàn định cự trong nội địa Hoa Kỳ.

 

Thiên Chúa quả thực đã hài lòng về ước muốn sống cộng đồng với nhau này ca anh em chúng tôi, và Ngài, Đấng soi động cho vị sáng lập sai chúng tôi đi “để giữ lấy dòng và để tuyền giáo”, khi tới thời điểm của mình, đã kịp thời can thiệp để mọi sự được hoàn thành tốt đẹp đúng như Ngài muốn. Ngài đã sai một vị linh mục người Mỹ là Cha Thomas McAndrew, phó tuyên úy trại tị nạn Fort Chaffee, đến để làm môi giới với giáo phận Springield – Cape Gerardeau ở Missouri cho nhóm tu sĩ nam đông đảo hùng hậu như một lực lượng này. Ngày lịch sử đã điểm, hôm đó là ngày 28/5/1975, Hội Đồng Cố Vấn giáo phận này đã quyết định đứng ra bảo trợ cho tất cả 170 phần tử dòng Đồng Công. Một tuần sau đó, Đức Cha Bernard Law, vị đã trở thành Hồng Y TGP Boston Massachusetts sau này, đã đích thân đến trại để xem mắt, thăm hỏi, dâng lễ và tiến hành tủ tục bảo trợ. Cùng đi với ngài hôm đó có Cha Giám Tỉnh Dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm (OMI), vị mà qua trung gian của Đức Giám Mục Bernard Law, đã chấp thuận cho số anh em dòng Đồng Công tị nạn này thuê 1 Mỹ kim một năm toàn khu chủng viện dòng ngài ở Carthage Missouri là Our Lady of the Ozark, một chủng viện rất đã bỏ trống từ 5 năm trước.

 

Đợt anh em đầu tiên đến chốn Quan Phòng này là 48 người xuất trại Fort Chaffee ngày 30/6/1975 và đến nơi cùng ngày, và đợt cuối cùng là đợt anh em cũng tương đương nhân số thuộc nhóm trung ương từ Wake Island và xuất trại Fort Chaffee về trụ sở trung ương này đúng vào ngày lễ quan thày của Đấng Sáng Lập 8/8/1975. Cảm giác đầu tiên của tôi, từ trên xe buýt chở băng ngang qua mặt tiền của khu vực này, thoạt nhìn thấy ngôi nhà đá ba lầu đồ sộ sừng sững hiện lên giữa một khu cây cối cao mát hai bên và thảm cỏ xanh trước tiền đường có những bậc thang cấp trang trọng, tôi chợt nhớ đến hình ảnh Dinh Độc Lập ở cuối đường Thống Nhất Sài Gòn, gần Vương Cung Thánh Đường Sài Gòn. Đến khi được tiến vào trong lòng dinh thự ba lầu này tôi lại càng cảm thấy cái sang trọng của nó quá lòng mong ước của chúng tôi. Phải chăng dinh thự bằng đá vững chắc này là những gì biểu hiệu cho đức tin mãnh liệt của vị sai chúng tôi đi “để giữ lấy dòng và để truyền giáo”, và phải chăng ngôi nhà bằng đá kiên cố ấy còn là dấu chỉ thời đại nhắc nhở chúng tôi rằng đời sống tu trì được ổn định của chúng tôi là “để truyền giáo”?

 

Thật vậy, đời sống tu trì của nhóm anh em Đồng Công xuất ngoại này chẳng những được củng cố mà còn được phát triển nữa. Ở chỗ, trước hết, họ chính thức thuộc về giáo quyền, như văn thứ của Thánh Bộ Truyền Giáo ngày 16/9/1975 đã ủy cho Đức Cha Bernard Law thay Tòa Thánh trách nhiệm với họ. Sau đó, cũng nhờ sự hướng dẫn và can thiệp của vị giám mục bản quyền địa phương này, họ đã chính thức trở thành một Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ vào ngày 25/10/1980 theo văn thư của Thánh Bộ Truyền Giáo. Để rồi, vì là một chi dòng, họ đã mua đứt nơi họ đang ở từ năm 1975 để làm trụ sở trung ương. Dòng OMI đã không bán khu vực tuyệt vời này cho bất cứ một giáo phái Tin Lành nào trong cả chục giáo phái khác nhau ở thành phố Carthage này, dù họ muốn mua với giá (10 triệu vào năm 1980-1981) gấp 20 lần số tiền chi dòng Đồng Công tượng trưng phải trả.

 

Sau trọn một năm đầu tiên (1975-1976) ở trụ sở trung ương này để học tiếng Anh, dù Đức Giám Mục Barnard Law đã chi phí cho họ tất cả mọi sự với số tiền lên đến cả triệu Mỹ kim, ngài vẫn sẵn sàng giúp đỡ tiếp nếu họ cần đến ngài. Tuy nhiên, vì chủ trương tự lực mưu sinh theo tục lệ dòng, họ đã xin ngài hướng dẫn cho những cách có thể thực hiện việc tay làm hàm nhai. Ngài chẳng những chỉ cho họ một trong những cách thức theo đúng kiểu Mỹ đó là việc mail campaign (gửi thư đến các gia đình), một việc họ vẫn còn làm cho tới nay. Song song với hoạt động mail campaign này là việc họ tục bản nguyệt san Trái Tim Đức Mẹ vào cuối năm 1977, một nguyệt san có từ năm 1949 ở Bắc Việt và được tục bản ở Nam Việt từ năm 1954, có nhiều độc giả nhất trong giới báo chí Công giáo hải ngoại nói riêng và có lẽ kể cả làng báo chí của Người Việt hải ngoại nói chung, với con số độc giả hiện nay hơn 10 ngàn trên khắp thế giới. Nguyệt San Trái Tim Đức Mẹ là một trong những hoạt động mục vụ tông đồ của Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ. Ngoài ra, ngay từ sau năm đầu tiên được vị giám mục địa phương nuôi cho ăn học ESL tại gia, con số anh em linh mục dưới 10 vị từ Việt Nam sang bấy giờ của nhóm anh em Đồng Công tị nạn đã được gửi đi giúp giáo dân Việt Nam ở khắp nơi, trong số đó, phải kể đến hai giáo xứ đầu tiên của Người Việt Công giáo hải ngoại là giáo xứ Nữ Vương Việt Nam tại Port Arthur Texas (2/1977) và giáo xứ Khiết Tâm Mẹ ở Lincoln Nebraska (6/1977).

 

Cho đến nay, con số linh mục của Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ, từ mùa hè 1977 với 12 tân linh mục đầu tiên của Dòng Đồng Công Hoa Kỳ nói riêng và cộng đồng Công giáo Việt Nam hải ngoại nói chung, đã tăng thêm gần 70 vị nữa, một con số thế mà vẫn không đủ để vừa quản trị nội bộ vừa phục vụ việc tông đồ các nơi cho cả Việt lẫn Mỹ. Thế nhưng, có lẽ biến cố làm cho Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ trở thành nổi nang nhất phải kể đến Ngày Thánh Mẫu hằng năm vào tháng 8, một biến cố khởi đầu với con số 1500 người tham dự vào tháng 6/1978, cho đến nay đã lên đến cả 50 ngàn. Ngày Thánh Mẫu này còn tồn tại cho tới nay cũng là một điều không ngoài Thánh Ý Chúa. Động lực thúc đẩy nhóm anh em Đồng Công xuất ngoại với sứ vụ “để truyền giáo” này chính là biến cố chịu chức linh mục vào năm 1977 của 12 anh em đã học xong thần học ở Việt Nam, một biến cố đã qui tụ được cả 500 người từ khắp nơi trên Hoa Kỳ đổ về mừng lễ. Thế là năm sau, 1978, họ đã quyết định tổ chức Ngày Thánh Mẫu. Sau đó hai năm, vì lý do thiêng liêng hết sức chính đáng, họ đã quyết định “dẹp” không làm nữa. Tuy nhiên, vị giám mục địa phương có thẩm quyền trên họ (thay mặt Thánh Bộ Truyền Giáo của Tòa Thánh) kiêm đại ân nhân của họ bấy giờ là Đức Cha Bernard Law không cho phép họ thực hiện ý định này và khuyến khích họ tiếp tục làm.

 

Trước hiện trạng phát triển mạnh mẽ của Dòng Đồng Công, một dòng Việt Nam thuần túy đầu tiên do chính người Việt Nam thành lập từ đầu thập niên 1940 và được chính thức hình thành vào đầu thập niên 1950, đồng thời với hội dòng Thừa Sai Bác Ái (MC) của Chân  Phước Têrêsa Calcutta, nhìn lại sau 30 năm, những người trong cuộc không thể phủ nhận được việc Quan Phòng Thần Linh của Thiên Chúa. Nguyên một việc “giữ lấy dòng” mà thôi, nếu họ không vượt thoát lên đường vào năm 1975 theo lệnh của vị bề trên sáng lập, thì kể như Dòng Đồng Công bị tan biến vào năm 1987, sau Vụ Án Cha Thủ, vị linh mục được nhà nước công khai xử trước tòa những không hề lên tiếng một lời nào, và đã bị kết án tù chung thân, cùng với các anh em của mình lãnh những bản án nặng nhẹ khác nhau, cho tới nay có người vẫn chưa được thả. Tôi cho rằng vụ án Cha Thủ cùng anh em dòng của ngài bị chụp mũ phản động này gây ra bởi một vị linh mục Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ được bài sai đặc biệt nhúng tay vào vụ San Jose xẩy ra hết sức căng thẳng vào thời đoạn này.

 

Tuy nhiên, cũng chính nhờ nhóm anh em Dòng đã nhờ ngài tổ chức vượt thoát được từ năm 1975 này, ngoài việc phát triển về mọi mặt kể cả truyền giáo, đã chẳng những giữ được hội dòng ở hải ngoại mà còn cả ở trong nước nữa, bằng cuộc vận động với quốc tế cho ngài và đã gây được áp lực trên chính quyền nhà nước, nhờ đó vị sáng lập của họ đã được giảm án từ chung thân xuống 20 năm. Bằng không, nếu tiếp tục bị chung thân, liệu hội dòng của ngài có còn tồn tại nữa hay chăng? Trong thời gian bị tù 20 năm ấy, ngài đã được vị linh mục đại diện TGP Sài Gòn đến thăm và khuyên “cha xin chính phủ ân xá”. Cha Thủ đã từ tốn nhưng thẳng thắn và khẳng khái đáp lại rằng ngài không có tội xin không xin ân xá. Nếu nhà nước muốn tự động ân xá cho ngài, thì trước hết phải thả hết anh em của ngài ra vì cũng giống như ngài không ai trong anh em của ngài có tội, sau nữa phải hoàn trả hết những gì nhà nước đã tịch thu của nhà dòng, và sau hết phải cho ngài được hoạt động lại bình thường. Dĩ nhiên là trước thái độ chẳng những không có tội nhất định không xin ân xá, mà còn đặt điều kiện nếu muốn ân xá cho mình như thế, đời nào nhà nước lại chịu thả ngài về, bằng không hóa ra họ đã mặc nhiên công nhận là họ đã xử oan cho ngài, đã làm một điều sai trái. Thế mà, để lấy điểm với thế giới, để thả con tép bắt con tôm, họ đã không cho ngài “được” ở tù nữa. Để thực hiện điều này, họ không ngầm nói chuyện với ngài như trước nữa, trái lại, họ đột nhiên “bắt” ngài phải về, và anh em dòng của ngài đã hết sức ngỡ ngàng khi thấy ngài bất ngờ trở về với họ ngoài lòng mong ước.

 

Năm tới, vào ngày 29/11, ngài mừng thượng thọ bách niên giai lão (1906-2006). Ngài lớn hơn chị nữ tu Lucia, vị thụ khải Fatima cuối cùng mới qua đời ngày 13/2/2005, 4 tháng. Hiện nay, theo các người thân cận của ngài, ngài vẫn còn tỉnh táo về trí óc, mắt vẫn bình thường không lòa, chỉ có tai hơi yếu nghe và chân hơi yếu đứng. Tức là ngài vẫn còn sung sức, còn tiếp tục sống. Đó là lý do, từ gần một năm nay, tôi đã tự nhiên nẩy lên ý định là sẽ cùng với cả gia đình về Việt Nam một chuyến, để chẳng những thăm lại quê hương sau 31 năm xa cách mà còn để dâng lời tri ân cảm tạ ngài về việc nhờ ngài cá nhân tôi mới sang được tới mảnh đất cơ hội (opportunity land) này, mới có được một gia đình hạnh phúc như ngày hôm nay, mới hăng say sống thánh chứng nhân ngay trong một xã hội văn minh sặc mùi văn hóa sự chết này. Hiện nay tôi quả thực không còn chính thức thuộc về nhóm anh em Đồng Công xuất ngoại 1975 “để giữ lấy dòng và để truyền giáo” nữa, từ hạ tuần tháng 8/1982.

 

Thế nhưng, nhờ tinh thần của ngài đã truyền đạt cho tôi khi tôi được hân hạnh làm môn sinh của ngài mà nay tôi đang cảm thấy mình như là một tay “Đồng Công phản gián”. Thật thế, theo tinh thần Công Đồng Vaticanô II, tôi đã thực sự đi sâu vào lòng đời hơn là khi tôi còn mặc áo dòng, đã sống ở những môi trường thuần thế tục. Thân phận đi sâu vào lòng đời này của tôi từ khi bước chân ra khỏi nhà Chúa ấy là thân phận của một chút men được vùi trong bột (x Mt 13:33). Lợi dụng hoàn cảnh mang thân phận men trong bột này, từ năm 1988, tôi đã bắt đầu dấn thân hoạt động tông đồ giáo dân, nhất là những hoạt động liên quan đến các phương tiện truyền thông, như sách vở, báo chí, phát thanh, điện toán toàn cầu v.v. Tôi vẫn cảm thấy rằng tôi đang thực hiện không phải chỉ một mà là cả hai mục đích của vị linh hướng duy nhất hết sức khả kính của tôi đã sai tôi lên đường 30 năm trước đây. Bởi vì, nếu tôi không có tinh thần dòng hay không còn tinh thần dòng của ngài thì tôi đã không thể nào dấn thân sống thánh chứng nhân hoạt động tông đồ cho tới hôm nay. Bất cứ lúc nào nhận được lời khen tặng của ai, về tất cả những gì tôi làm được, nhất là về các thứ sách vở đầy giẫy của tôi, tôi đều vẫn nói một câu duy nhất: “Tất cả đều do Chúa ban: đầu tư thì đã có bà xã hết lòng nâng đỡ, còn mọi vốn liếng có được đều từ Dòng Đồng Công, từ Cha Đaminh Maria Trần Đình Thủ”!

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

TOP

 

 

ĐTC Biển Đức XVI về Mẫu Chủ Nghĩa Trần Thế ở Hoa Kỳ qua ĐHY Joseph Ratzinger

   


ĐHY Joseph Ratzinger, Tổng Trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin của Tòa Thánh, trong loạt bài phỏng vấn với Đài Phát Thanh Vatican, về nhiều vấn đề, nhất là vấn đề tình hình Âu Châu liên quan đến ý hệ duy trần thế ở đây, ngài đã hướng về mẫu chủ nghĩa trần thế ở Hoa Kỳ. Sau đây là một số tư tưởng tiêu biểu chính yếu của ngài.


“Các nền văn hóa trên thế giới mạnh mẽ đối đầu lại với việc trần thế hóa cực đoan là những gì vẫn vững mạnh ở Tây Phương. Những nền văn hóa trên thế giới này xác tín rằng một thế giới không có Thiên Chúa là một thế giới không có tương lai.


“Tình trạng đa văn hóa rất nhiều của chúng ta kêu gọi chúng ta hãy sống bản thân mình…. Chúng ta vẫn không biết Âu Châu sẽ đi về đâu, thế nhưng Bản Hiến Pháp của Khối Hiệp Nhất Âu Châu có thể là bước đầu tiên hướng về một cuộc ý thức tìm kiếm mới cái hồn sống của nó.


Được hỏi phải chăng việc mới đây loại bỏ ông Rocco Buttiglione làm ủy viên Khối Hiệp Nhất Âu Châu là những gì cho thấy việc chống đối có tính cách hận thù đối với việc đóng góp của Kitô hữu vào vấn đề xây dựng Khối này hay chăng, vị hồng ý này cho biết:


“Trước hết nó là một dấu hiệu cho thấy đường lối mà tính cách trung lập của lãnh vực quốc gia liên quan đến nhãn quan về thế giới, sắp sửa được biến đổi thành một thứ ý hệ về tín điều. Chủ nghĩa trần thế không còn bảo đảm cho nhiều niềm xác tín nữa, nhưng lấy mình như là một ý hệ áp đặt những gì cần phải suy tư và nói năng; chẳng hạn nó không còn bảo đảm cho sự hiện diện công khai của Kitô Giáo nữa.


“Tôi tin rằng nó là một hiện tượng khiến chúng ta phải suy nghĩ. Những gì dường như bảo đảm cho một thứ tự do chung đang bị biến thành một ý hệ là những gì cũng đang tiến đến chỗ giáo điều nguy hại đến quyền tự do tôn giáo”.


Liên quan tới vấn đề tranh đấu để các căn gốc Kitô giáo được công khai nhìn nhận nơi bản Hiến Pháp của Khối Âu Châu, vị hồng y này cho biết: “Chắc chắn vấn đề quan trọng trước hết đó là việc hiện diện của lương tâm chúng ta về pháp lý và luân lý được rõ ràng bảo đảm nơi những lãnh vực có tính cách quan trọng hơn, những vấn đề đã từng được đạt tới một phần nào đó.


“Tôi nghĩ rằng người ta đã thực hiện những nỗ lực để làm cho di sản Kitô giáo trở thành những yếu tố đặc biệt nơi bản Hiến Pháp Âu Châu cũng như nơi hình thức pháp lý của nó, ở các mức độ thành đạt khác nhau, tùy từng trường hợp.


“Thế nhưng tôi cũng không coi nó là vô dụng hay hoàn toàn sai lầm trong việc nói lên căn tính của Âu Châu nơi Lời Nói Đầu, cũng như trong việc chỉ cần nói nó là gì, nó từ đâu tới, và làm thế nào nó trở thành các qui chuẩn phán đoán.


“Tôi cũng xin nói là lập luận cho rằng đường lối này gây ra một cuộc đụng chạm với các tôn giáo khác là thứ lập luận sai lầm. Trái lại, các tôn giáo cảm thấy mình bị tấn công bởi chủ nghĩa duy trần thế của chúng ta.


Trong việc so sánh những thái độ của Hoa Kỳ và Âu Châu đối với những tôn giáo đa dạng, vị hồng y này cho biết: “Tôi nghĩ rằng, căn cứ vào nhiều quan điểm thì mẫu Hoa Kỳ là một mẫu trần thế khá hơn. Âu Châu vẫn bị sa lầy trong một thứ chủ nghĩa duy trần thế caesaropapism.


“Những người không muốn thuộc về một thứ giáo hội quốc gia đã đến Hiệp Chủng Quốc và có chủ ý kiến tạo nên một quốc gia không áp đặt giáo hội và là một quốc gia không phải chỉ được coi như trung lập về tôn giáo mà còn là một nơi cho các tôn giáo có thể nhúc nhích cũng như hoan hưởng quyền tự do về cơ cấu tổ chức chứ không bị đẩy vào lãnh vực tư riêng.


“Người ta có thể hiển nhiên học nơi Liên Hiệp Quốc cái tiến trình giúp cho quốc gia giành chỗ cho tôn giáo là những gì không bị áp đặt, mà là những gì nhờ quốc gia sống động, hiện hữu và có một quyền lực sáng tạo công khai”.


Đề cập tới sử gia Arnold Toynbee, vị hồng ý này cho biết: “Ông ta đã đúng khi nói rằng vận mệnh của một xã hội bao giờ cũng lệ thuộc vào những nhóm thiểu số sáng tạo. Những người Kitô hữu cần phải coi mình là một nhóm thiểu số sáng tạo loại này và đóng góp những gì họ có thể để Âu Châu nhờ đó tái nhận thức được cái gia sản được thừa hưởng cao quí nhất của mình mà trở thành hữu dụng cho toàn thể nhân loại”.

 

 

TOP

 

 

ĐTC Biển Đức XVI về tình trạng xã hội tân tiến vô thần, nhất là vấn đề liên quan tới hiện tượng hôn nhân đồng tính với nhận định của ĐHY Joseph Ratzinger

Hôm Thứ Sáu 19/11/2004, tờ nhật báo Ý “La Reppublica” đã phổ biến bài phỏng vấn của họ với ĐHY Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin Joseph Ratzinger, vị đã phát biểu cảm nhận của mình rằng bất cứ một xã hội nào không coi trọng Thiên Chúa đều sẽ dần dần tiến đến chỗ tự diệt.

Theo ngài, “đang có một thứ ý hệ trần tục càng ngày càng gia tăng đến độ lo ngại. Ở Thụy Điển, một vị mục sư Tin Lành đã giảng về vấn đề đồng tính luyến ái, căn cứ vào những trích dẫn Thánh Kinh, đã bị ngồi khám một tháng. Chủ nghĩa trần thế không còn là một yếu tố trung dung nữa, một yếu tố bao gồm những quyền tự do cho tất cả mọi người. Nó đang bị biến thành một ý hệ được áp đặt bởi chính trị và là một ý hệ không chấp nhận quan điểm Công Giáo hay Kitô Giáo là quan điểm đang có nguy cơ trở thành những gì thuần túy tư riêng do đó là quan diểm bị bóp méo. Bởi thế mới xẩy ra một cuộc đối chọi và chúng ta cần phải bênh vực quyền tự do tôn giáo chống lại cái áp đặt của một thứ ý hệ cho mình như là tiếng nói duy nhất của lý lẽ, trong khi nó chỉ là biểu hiện của một thứ duy lý chủ nghĩa ‘nào đó’ mà thôi”.

Sau đây là trích dẫn những đoạn phỏng vấn từ tờ nhật báo này với đức hồng y tổng trưởng:

Vấn:     Đối với Đức Hồng Y thì chủ nghĩa trần thế là gì?

Đáp:     Một chủ nghĩa trần thế chính đáng là một chủ nghĩa có quyền tự do tôn giáo. Quốc Gia không được áp đặt tôn giáo mà là tỏ ra tôn trọng những tôn giáo có trách nhiệm đối với xã hội dân sự, và vì thế làm cho những tôn giáo này trở thành những yếu tố xây dựng xã hội.

Vấn:     Thiên Chúa ở đâu trong xã hội tân tiến này?

Đáp:     Ngài đã bị đẩy ra bên lề đường. Trong sinh hoạt chính trị thì hầu như là những gì khiếm nhã khi nói về Thiên Chúa, như thể đó là một cuộc tấn công vào quyền tự do của những ai không tin tưởng gì. Thế giới chính trị đi theo những qui chuẩn và đường lối của nó, loại trừ Thiên Chúa như là một cái gì đó không thuộc về thế giới này. Cũng thế, nơi thế giới thương mại, kinh tế và đời sống riêng tư. Thiên Chúa vẫn bị hất ra ngoài chơi. Đối với tôi… cho dù lãnh vực chính trị và kinh tế đi nữa cũng cần phải có trách nhiệm về luân lý, một trách nhiệm phát xuất từ tâm can con người là trách nhiệm tựu kỳ trung có liên hệ tới việc hiện diện hay không hiện diện của Thiên Chúa. Một xã hội hoàn toàn vắng bóng Thiên Chúa sẽ đi đến chỗ tự diệt. Chúng ta thấy điều này nơi những đại chế độ chuyên chế ở thế kỷ vừa qua.   


Vấn:     Một vấn đề quan trọng là vấn đề về luân thường đạo lý về tình dục. Thông điệp ‘Sự Sống Con Người – Humanae Vitae’ đã gây ra một khoảng cách giữa Huấn Quyền của Giáo Hội và việc thực hành cụ thể của tín hữu. Phải chăng đã tới lúc để sửa chữa lại cái khoảng cách này?

Đáp:     Đối với tôi, chúng ta cần phải tiếp tục phản tỉnh. Trong những năm đầu làm giáo hoàng của mình, Đức Gioan Phaolô II đã cống hiến một đường lối mới về khoa nhân loại học lấy con người làm chính cho vấn đề này, bằng cách khai triển một nhãn quan rất khác biệt nơi mối liên hệ giữa ‘cái tôi’ và ‘cái anh/em‘ của nam nhân và nữ giới. Đó thật sự là một liều thuốc làm bừng lên một cuộc cách mạng về khoa nhân loại học có những chiều kích cao cả. Nó vẫn không phải là, như được chủ trương ngay từ đầu, giải pháp duy nhất cho những trường hợp khó khăn, song nó đã làm thay đổi nhãn quan về tính dục, về con người cũng như về chính thân thể con người. Tính dục đã từng bị tách biệt khỏi vấn đề sinh sản, và bởi thế quan niệm về sự sống con người đã bị thay đổi tận gốc rễ. Tác động tính dục đã mất đi mục đích và cứu cánh của mình là những gì trước đó hiển nhiên và chuyên biệt, làm cho tất cả mọi hình thức về tính dục hóa ra tương đương như nhau. Từ cuộc cách mạng này, trước hết, đã xuất phát ra một thứ bình đẳng hóa giữa tình dục đồng tính và tình dục dị tính. Đó là lý do tại sao tôi cho rằng Đức Phaolô VI đã nói lên tới một vấn đề thật là quan trọng vậy.

Vấn:     Tình dục đồng tính là một đề tài liên quan tới yêu đương giữa hai con người chứ không chỉ tới tình dục. Giáo Hội làm sao để có thể hiểu được hiện tượng này?

Đáp:     Xin cho tôi nói hai điều. Trước hết, chúng ta cần phải hết sức tôn trọng những con người đang chịu đựng và đang tìm cách để sửa đổi lối sống của họ. Ngoài ra, việc kiến tạo nên một hình thức về pháp lý cho một thứ hôn nhân đồng phái tính là những gì thực sự không giúp gì cho những con người này hết.

Vấn:     Thế là ngài đã có ý nghĩ tiêu cực về việc chọn lựa ở Tây Ban Nha phải không?

Đáp:     Đúng thế, ví cái chọn lựa này là những gì hủy hoại đời sống gia đình và xã hội. Luật pháp tạo nên luân lý hay một hình thức luân lý nào đó, vì dân chúng thường nghĩ rằng những gì luật pháp xác nhận đều là những gì được phép làm theo luân lý. Và nếu chúng ta cho rằng việc hiệp nhất này không nhiều thì ít tương đương với đời sống hôn nhân là chúng ta có một thứ xã hội không còn nhìn nhận bản chất chuyên biệt của gia đình hay nhìn nhận tính chất nồng cốt của nó nữa, tức là không nhìn nhận bản chất của người nam và người nữ là những gì cần thiết, không phải chỉ theo ý nghĩa sinh lý mà thôi, cho tình trạng liên tục cho nhân loại,. Bởi thế mà điều quyết định của người Tây Ban Nha không mang lại ích lợi thực sự cho những con người ấy, vì như vậy chúng ta đang hủy hoại đi những yếu tố nền tảng thuộc lãnh vực luật pháp.

Vấn:     Đôi khi Giáo Hội, khi lên tiếng bất đồng ý với mọi thứ đã bị thất bại. Không nên hay sao, ít là, luật pháp có thể công nhận và bảo vệ một hiệp ước liên kết giữa hai người đồng phái tính?

Đáp:     Thế nhưng, để cơ cấu hóa một thứ hiệp ước loại này, cho dù thành phần lập pháp có tỏ ý muốn hay không muốn, cũng vẫn hiện lên trước công luận là một thứ loại hôn nhân khác là thứ hôn nhân không thể nào tránh được mang tính cách có giá trị tương đối. Chúng ta đừng quên rằng, với những chọn lựa này, những chọn lựa mà ngày nay Âu Châu đang hướng chiều, chúng ta có thể nói, về tình trạng suy đồi, là chúng ta đang tách mình khỏi tất cả mọi thứ văn hóa cao cả của nhân loại là những văn hóa bao giờ cũng nhìn nhận chính ý nghĩa của tính dục, ở chỗ, nhìn nhận rằng con người nam nữ được dựng nên để cùng nhau bảo đảm tương lai của nhân loại. Không phải chỉ là một thứ bảo đảm về thể lý mà còn là một thứ bảo đảm về luân lý nữa.



(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tài liệu được VIS của Tòa Thánh phổ biến ngày 19/11/2004)

 


TOP

 


 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ