GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 4/2005

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho Kitô hữu sống các ngày Chúa Nhật của mình thực sự hơn như là những ngày của Chúa được giành đặc biệt cho Thiên Chúa và cho tha nhân”.

 

Ý Truyền Giáo: Xin cho hết mọi cộng đồng Kitô hữu có được một nhiệt tình nên thánh để thắp lên nhiều ơn gọi truyền giáo.  


 

__________________

 NGÀY 3 CHÚA NHẬT II PHỤC SINH,

LỄ KÍNH LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA

        

“Phép lạ này… đã biến đổi định mệnh của nhân loại”

 

(Bài Giảng của ĐTC Gioan Phaolô II cho Chúa Nhật Lễ Chúa Tình Thương, CN II Phục Sinh, 2001)

 

Ngày 30/4/2000, ĐTC Gioan Phaolô II đã phong thánh cho nữ tu Faustina Kowalska, người Balan, vị tông đồ Tình Thương Chúa. Trong dịp này, Ngài cũng đã tỏ ý muốn chính thức lấy ngày Chúa Nhật Thứ Hai Phục Sinh làm Ngày Kính Chúa Tình Thương, như Chúa Giêsu đã yêu cầu chị nữ tu làm điều này. Và ý muốn của Ngài đã được Thánh Bộ Phụng Tự và Qui Luật Bí Tích chính thức thông bào cho Giáo Hội hoàn vũ qua thông báo ngày 5/5/2000. Sau đây là bài giảng của ĐTC đầu tiên cho Lễ Chúa Tình Thương này vào Ngày Chúa Nhật Thứ Hai Phục Sinh, 22/4/2001.

 

1.-        “Đừng sợ, Ta là nguyên thủy và là cùng tận, là Đấng đang sống; Ta đã chết, mà này Ta đang sống muôn đời” (Rev 1:17-18).

 

Chúng ta đã nghe những lời an ủi này trong Bài Đọc Thứ Hai được trích từ Sách Khải Huyền. Những lời ấy mời gọi chúng ta hãy nhìn lên Chúa Kitô để cảm nghiệm được sự hiện diện an toàn của Người. Đấng Phục Sinh lập lại lời “Đừng sợ!” với mỗi một người, dù thân phận họ ra sao, cho dù có bị thê thảm và rắc rối nhất. Ta đã chết trên Thập Giá, nhưng nay “Ta đang sống muôn đời”; “Ta là nguyên thủy và là cùng tận, là Đấng đang sống”.

 

“Nguyên Thủy” tức là nguồn gốc của hết mọi hữu thể và là hoa trái đầu mùa của việc tân tạo; “Cùng Tận” là thời điểm vĩnh viễn kết thúc lịch sử; “Đấng đang sống” là nguồn mạch vô tận của sự sống đã vĩnh viễn chiến thắng sự chết. Nơi Đấng Thiên Sai, tử giá và phục sinh, chúng ta nhận thấy những dấu vết của một Con Chiên bị hiến tế trên đồi Gôngôta, Đấng xin ơn thứ tha cho các kẻ hành hình Người và mở cửa trời cho các tội nhân thống hối; chúng ta thoáng nhìn thấy dung nhan của một Vị Vua bất tử, Đấng giờ đây nắm trong tay “chìa khóa của Sự Chết và Âm Phủ” (Rev 1:18).

 

2.-        “Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa tốt lành; vì tình Ngài xót thương muôn đời bền vững!” (Ps 117:1).

 

Chúng ta hãy cùng với Tác Giả Thánh Vịnh than lên câu chúng ta đã họa lại trong Bài Đáp Ca: Tình Ngài xót thương muôn đời bền vững! Để hoàn toàn hiểu được chân lý của những lời này, chúng ta hãy theo phụng vụ đến tận tâm điểm của biến cố cứu độ, một biến cố liên kết Cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Kitô với đời sống của chúng ta cũng như với lịch sử của thế giới. Phép lạ này của tình thương đã biến đổi tận gốc định mệnh của nhân loại. Đó là một phép lạ tỏ ra cho thấy trọn vẹn tình yêu của Chúa Cha, Đấng vì phần rỗi của chúng ta đã nhất định thực hiện việc hy tế Người Con Duy Nhất của mình.

 

Nơi Đức Kitô ô nhục và khổ đau, những người tín hữu, cũng như những ai vô tín ngưỡng cũng có thể ca ngợi, một mối liên kết lạ lùng ngoài sức tượng tượng, ràng buộc Người với thân phận nhân loại chúng ta. Thập Giá, ngay cả sau Cuộc Phục Sinh của Con Thiên Chúa, “đã nói và không thôi nói về Thiên Chúa Cha, Đấng tuyệt đối trung thành với tình yêu muôn thuở của Ngài đối với con người… Tìn tưởng vào tình yêu này tức là tin tưởng vào tình thương” (Thông Điệp Dives in Mesericordia Giầu Lòng Xót Thương, đoạn 7).

 

Chúng ta hãy cám ơn Chúa về tình Ngài yêu thương, một mối tình mạnh hơn sự chết và tội lỗi. Tình yêu này được thể hiện và thực hiện như tình thương trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, và thúc đẩy mọi người đáp lại bằng cách “xót thương” Đấng Tử Giá. Không phải hay sao, chương trình sống của hết mọi người đã lãnh nhận Phép Rửa, cũng như của toàn thể Giáo Hội, đó là theo gương Chúa Giêsu yêu mến Thiên Chúa cũng như yêu thương nhau, cho dù là “kẻ thù” của mình?

 

3.-        Với những cảm thức này, chúng ta cử hành Chúa Nhật Thứ Hai Phục Sinh, một Chúa Nhật từ năm ngoái, năm Đại Hỷ, cũng đã được gọi là “Chúa Nhật Chúa Tình Thương”. Anh chị em thân mến, Tôi hết sức vui mừng có thể được cùng với tất cả anh chị em là những người hành hương và tín hữu đến từ các quốc gia để cùng nhau tưởng niệm một năm sau biến cố phong thánh cho Thánh Faustina Kowalska, vị chứng nhân và là sứ giả của tình yêu nhân hậu Chúa Giêsu. Việc tuyên phong lên bàn thờ cho một nữ tu khiêm hạ này, một nữ tử của đất nước Tôi, không phải là món quà tặng cho Balan mà là cho tất cả nhân loại. Thật vậy, sứ điệp chị truyền đạt là một giải đáp thích hợp và quyết liệt Thiên Chúa muốn cống hiến cho những vấn nạn và mong đợi của con người trong thời đại của chúng ta đây, một thời đại bị đánh dấu bằng những thảm trạng kinh hoàng. Chúa Giêsu ngày kia đã nói với Thánh Faustina rằng: “Nhân loại sẽ không bao giờ tìm thấy hòa bình, cho đến khi họ tin tưởng quay về với Lòng Thương Xót Chúa” (Diary, trang 132). Lòng Thương Xót Chúa! Đó là quà tặng Lễ Phục Sinh Giáo Hội đã nhận được từ Chúa Kitô phục sinh để cống hiến cho loài người vào lúc rạng động của một thiên kỷ.

 

4.-        Phúc Âm vừa được công bố giúp chúng ta hiểu được trọn vẹn ý nghĩa và giá trị của quà tặng này. Thánh Ký Gioan làm cho chúng ta tham dự vào nỗi xúc động nơi các Tông Đồ khi các vị gặp Chúa Kitô sau khi Người Phục Sinh. Chúng ta chú ý đến cử chỉ của Vị Tôn Sư này, Đấng truyền đạt cho những người môn đệ đang bàng hoàng sợ hãi sứ vụ làm thừa tác viên của Lòng Thương Xót Chúa. Người tỏ cho các vị thấy đôi tay và cạnh sườn còn mang những dấu tích Khổ Nạn của Người mà nói cùng các vị: “Như Cha đã sai Thày thế nào Thày cũng sai các con như vậy” (Jn 20:21). Ngay sau đó, “Người đã thở hơi trên họ mà phán: ‘Các con hãy nhận lấy Thánh Linh. Các con tha tội cho ai thì tội họ được tha; các con cầm tội ai thì tội họ bị cầm lại’” (Jn 20:22-23). Chúa Giêsu đã ký thác cho các vị tặng ân “thứ tha tội lỗi”, một tặng ân phát xuất từ những thương tích nơi tay chân của Người, nhất là từ cạnh sườn bị đâm của Người. Từ đó, một triều sóng tình thương đã tuôn ra cho toàn thể nhân loại.

 

Chúng ta hãy sống lại giây phút ấy bằng cả một tinh thần hết sức thiết tha. Hôm nay đây Chúa Giêsu cũng tỏ cho chúng ta thấy những vết thương vinh hiển của Người cùng với trái tim của Người, một nguồn mạch vô tận của ánh sáng và chân lý, của yêu thương và tha thứ.

 

5.-        Trái Tim Chúa Kitô! “Thánh Tâm” của Người đã ban cho con người hết mọi sự: ơn cứu chuộc, ơn cứu độ, ơn thánh hóa. Thánh Faustina Kowalska đã thấy phát ra từ Trái Tim Người tuôn đổ một yêu dạt dào hai tia sáng chiếu soi thế giới. “Hai tia sáng”, theo những gì Chúa Giêsu đã nói với chị, “tiêu biểu cho máu và nước” (Diary trang 132). Máu gợi lại hy tế Gôngôta và mầu nhiệm Thánh Thể; nước, theo tính cách tiêu biểu phong phú của Thánh Ký Gioan, làm cho chúng ta nghĩ đến Phép Rửa và Tặng Ân Thánh Linh (x Jn 3:5; 4:14).

 

Qua mầu nhiệm của trái tim bị thương tích này, triều sóng phục hồi của tình yêu nhân hậu Thiên Chúa tiếp tục lan tràn trên những con người nam nữ của thời đại chúng ta. Chỉ có ở đây những ai mong ước hạnh phúc chân thật và bền bỉ mới tìm được bí quyết của nó.

 

6.-        “Lạy Chúa Giêsu, con tin nơi Chúa”. Lời cầu nguyện này, lời cầu nguyện được rất nhiều tâm hồn đạo đức yêu chuộng, rõ ràng nói lên cho chúng con thấy thái độ chúng con cần phải phó mình vào tay Chúa, Ôi Chúa, Đấng Cứu Thế duy nhất của chúng con.

 

Chúa thiết tha muốn được mến yêu và những ai thông cảm nhận được những nỗi lòng của trái tim Chúa sẽ biết cách xây dựng một thứ văn minh yêu thương. Một cử chỉ phó thác chân thành đã đủ thắng vượt những ngãng trở của bóng tối và sầu thương, của ngờ vực và thất vọng chán chường. Những tia sáng của lòng thương xót Chúa phục hồi niềm hy vọng một cách đặc biệt cho những ai cảm thấy bị đè nén bởi gánh nặng tội lỗi.

Hỡi Maria, Mẹ của Tình Thương, xin giúp chúng con luôn tin tưởng vào Con Mẹ, Đấng Cứu Chuộc của chúng con. Xin Thánh Faustina là Vị chúng tôi đặc biệt nhớ đến trong ngày hôm nay đây, cũng trợ giúp chúng tôi nữa. Nhìn ngắm dung nhan của Đấng Cứu Thế thần linh một cách yếu ớt, chúng tôi xin cùng với thánh nữ lập lại rằng “Lạy Chúa Giêsu, con tin nơi Chúa”. Khi nay và cho đến muôn đời. Amen.

 

Thánh Mary Faustina Kowalska, Tông Đồ Lòng Thương Xót Chúa

(1905-1938)

Mary Faustina Kowalska

Nữ tu Mary Faustina, vị tông đồ của Lòng Thương Xót Thần Linh, ngày nay thuộc về nhóm của các vị thánh phổ thông nhất và nổi tiếng nhất trong Giáo Hội. Qua ngài, Chúa Giêsu đã thông truyền cho thế giới đại thông điệp về lòng thương xót của Thiên Chúa và mạc khải cho biết một kiểu mẫu trọn lành Kitô giáo dựa vào lòng tin tưởng nơi Thiên Chúa cũng như vào thái độ xót thương đối với tha nhân.

Chị vào đời ngày 25/8/1905 ở Gogowiec Balan trong một gia đình quê mùa nghèo nàn và đạo hạnh. Chị là người con thứ ba trong 10 người con. Chị được rửa tội và lấy tên Helena ở Nhà Thờ giáo xứ Đwinice Warckie. Ngay từ thời còn thơ nhi, chị đã nổi bật về lòng yêu chuộng nguyện cầu, làm việc, tuân phục và cảm thương người nghèo khổ. Chị rước lễ lần đầu vào năm 9 tuổi, sống giây phút một cách rất thấm thía khi nhận thức được sự hiện diện của Vị Khách Thần Linh trong linh hồn của chị. Chị đã đến trường 3 năm. Vào năm 16, chị đã rời nhà để đi làm việc với vai trò giữ nhà ở Aleksandrów, odi và Ostrówek, để kiếm thêm phương tiện hầu hỗ trợ bản thân và giúp đỡ cha mẹ của chị.

Vào năm 17 tuổi, chị đã cảm thấy những rung động đầu tiên của ơn gọi tu trì. Sau khi học xong, chị muốn gia nhập một tu viện nữ, song cha mẹ của chị không cho phép. Vào ngày 1/8/1925, trong một thị kiến thấy Chúa Kitô Khổ Nạn, được Người kêu gọi, chị đã vào tu trong Dòng Chị Em Đức Mẹ Tình Thương và lấy tên là Nữ Tu Mary Faustina. Chị đã ở trong dòng này 13 năm và sống ở một số nhà khác nhau. Chị đã sống ở Kraków, Pock và Vilnius, những nơi chị đã làm việc như một người nấu bếp, một người làm vườn và một người chuyên chở.

Theo bề ngoài, không có gì cho thấy chị có một đời sống nội tâm đầy thần bí. Chị nhiệt thành thi hành các công việc của chị và trung thành giữ luật lệ của đời sống tu trì. Chị sống trầm tĩnh, đồng thời lại rất thản nhiên, vui tươi, đầy lòng nhân ái và tình yêu vô tư đối với tha nhân. Mặc dù đời sống của chị có vẻ tầm thường, đơn điệu và u tối, chị đã âm thầm kết hợp hết sức mật thiết với Thiên Chúa.

Chính mầu nhiệm Tình Thương Thiên Chúa, một mầu nhiệm chị đã chiêm ngắm nơi lời Chúa cũng như nơi các hoạt động hằng ngày của đời chị, đã đặt nền tảng cho linh đạo của chị. Tiến trình chiêm niệm này cũng như việc tìm hiểu mầu nhiệm tình thương của Thiên Chúa đã góp phần vào việc phát triển nơi Nữ Tư Mary Faustina thái độ tin tưởng vào Thiên Chúa như một trẻ thơ cùng với thái độ thương xót đối với tha nhân. Ôi Chúa Giêsu, mỗi một vị thánh của Chúa đều phản ảnh một trong những nhân đức của Chúa; con muốn phản ảnh trái tim cảm thương trắc ẩn của Chúa, một trái tim đầy tình xót thương; con muốn tôn vinh trái tim Chúa. Ôi Chúa Giêsu, xin tình thương của Chúa ghi khắc vào lòng con cũng như vào linh hồn của con như một thứ niêm ấn, và đó là huy hiệu của con đời này và đời sau” (Nhật Ký, 1242). Nữ tu Faustina là một nữ tử trung thành của Giáo Hội, một Giáo Hội chị đã mến yêu như một Người Mẹ và là một Nhiệm Thể của Chúa Kitô. Ý thức được vai trò của mình trong Giáo Hội, chị đã cộng tác với tình thương của Thiên Chúa trong công việc cứu độ các linh hồn hư đi. Để đáp ứng một lời yêu cầu đặc biệt cũng như để theo gương của Chúa Giêsu, chị đã biến cuộc sống của chị thành của lễ hy sinh cho chính mục đích này. Trong đời sống thiêng liêng của mình, chị còn nổi bật về lòng yêu mến Thánh Thể và hết sức tôn sùng Mẹ Tình Thương.

Những năm tháng chị sống trong tu viện chất chứa đầy những tặng ân phi thường, như các mạc khải, các thị kiến, được in dấu thánh kín đáo, được tham dự vào Cuộc Khổ Nạn của Chúa, được ơn một lúc ở hai nơi, được biết những gì thầm kín trong linh hồn con người, được ơn nói tiên tri, hay ơn đính hôn và thành hôn thần bí hiếm hoi. Mối liên hệ sống động với Thiên Chúa, với Thánh Mẫu, với các Thiên Thần, vơiùi Các Thánh, với các linh hồn trong Luyện Ngục, tức với tất cả thế giới siêu nhiên, trở nên thực hữu như thế giới chị thấy được bằng con mắt giác quan của chị. Mặc dù được trang bị bằng những ân huệ phi thường như thế, Nữ Tu Mary Faustina cũng thừa biết rằng chúng thực sự không làm nên sự thánh thiện. Trong Nhật Ký của mình, chị đã viết: “Không phải là các thứ ân huệ, các thứ mạc khải, các thứ ngất ngây, các thứ tặng ân đổ xuống trên một linh hồn là những gì làm cho linh hồn này nên trọn lành, mà là sự hiệp nhất thân mật của linh hồn với Thiên Chúa. Những tặng ân này được gọi là những thứ trang sức của linh hồn, nhưng không làm nên yếu tính của linh hồn hay sự trọn lành của linh hồn. Sự thánh thiện và trọn lành của con là ở chỗ kết hiệp mật thiết ý muốn của con với ý muốn của Thiên Chúa” (1107).

Chúa Giêsu đã chọn Nữ Tu Mary Faustina làm Tông Đồ và làm “Thư Ký” của Tình Thương Người, để chị có thể nói cho thế giới biết về đại sứ điệp của Người. Người nói với chị rằng: “Trong Cựu Ước, Cha đã sai các tiên tri tuyên phán những lời sấm xét cho dân của Cha. Ngày nay Cha cũng đang sai con mang tình thương của Cha đến cho con người trên khắp thế gian này. Cha không muốn trừng phạt nhân loại đớn đau, song Cha muốn chữa lành nó, ghì lấy nó vào Trái Tim Nhân Hậu của Cha” (Nhật Ký 1588).

Mary Faustina Kowalska

Sứ mạng của Nữ Tu Mary Faustina gồm có 3 công việc phải làm:

• Nhắc nhở thế giới những gì liên quan đến sự thật của đức tin chúng ta được mạc khải trong Thánh Kinh về tình yêu nhân hậu của Thiên Chúa đối với hết mọi người.

• Van nài tình thương Thiên Chúa cho toàn thế giới nhất là cho các tội nhân, bằng việc thực hành những thể thức mới tôn sùng Lòng Thương Xót Chúa được Chúa Giêsu chỉ vẽ, như việc tôn kính tấm ảnh Lòng Thương Xót Chúa với hàng chữ: Lạy Chúa Giêsu, con tin tưởng nơi Chúa, Lễ Chúa Tình Thương được cử hành vào Chúa Nhật Thứ Nhất sau Phục Sinh, lần chuỗi Chúa Tình Thương và cầu nguyện vào Giờ Tình Thương (3 giờ chiều). Chúa Giêsu đã hứa nhiều điều kèm theo những thể thức tôn sùng trên đây, miễn là người ta ký thác cuộc đời của mình cho Thiên Chúa và chủ động thực hành tình yêu thương tha nhân.

• Công việc thứ ba nơi sứ mệnh của Nữ Tu Mary Faustina là ở chỗ khởi xướng phong trào tông đồ cho Chúa Tình Thương, bằng việc thực hiện việc loan báo và khẩn nài tình thương của Chúa cho thế giới cũng như bằng việc nỗ lực nên trọn lành Kitô giáo, theo những qui lệ được chị Nữ Tu này phác họa. Những qui lệ này đòi tín hữu phải tỏ ra thái độ tin tưởng vào Thiên Chúa như trẻ nhỏ, một thái độ được thể hiện nơi việc làm trọn ý muốn của Ngài, cũng như nơi thái độ xót thương đối với tha nhân của mình. Ngày nay, phong trào này đã có cả hằng triệu triệu người trên khắp thế giới; nó bao gồm cả các viện tu, các tổ chức giáo dân, các hiệp hội, các cộng đồng khác nhau làm tông đồ cho Chúa Tình Thương…

Sứ vụ của Nữ Tu Mary Faustina đã được ghi lại trong cuốn Nhật Ký của chị là việc chị đã tuân giữ theo lơiụi yêu cầu đặc biệt của Chúa Giêsu cũng như của các cha giải tội của chị. Nơi cuốn nhật ký này, chị đã trung thành ghi lại tất cả những gì Chúa Giêsu mong muốn và diễn tả những lần hội ngộ giữa linh hồn chị và Chúa Giêsu. Người đã nói với chị rằng: “Hỡi Bí Thư của mầu nhiệm hết sức sâu xa của Cha, con hãy biết rằng công việc của con là viết xuống hết mọi điều Cha tỏ cho con về tình thương của Cha, cho lợi ích của những ai nhờ đọc được những điều ấy sẽ được an ủi trong tâm hồn họ và được lòng can đảm tiến đến với Cha” (Nhật Ký 1693). Tác phẩm của Nữ Tu Mary Faustina đã chiếu sáng một cách phi thường về mầu nhiệm của Chúa Tình Thương. Nó mang lại hân hoan chẳng những cho thành phần chất phác thất học, mà còn cho cả các học giả coi nó như là một nguồn mạch thêm thắt cho công việc nghiên cứu thần học luận lý. Cuốn Nhật Ký này đã được chuyển dịch sang nhiều thứ ngôn ngữ khác nhau, trong đó có tiếng Anh, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Pháp, Bồ Đào Nha, Ả Rập, Nga, Hung Gia Lợi, Tiệp Khắc và Slovak.

Nữ Tu Mary Faustina, bị dày vò bởi chứng lao phổi cũng như bởi vô số khổ đau chị đã chấp nhận như một của lễ hy sinh tự nguyện cầu cho các tội nhân, đã qua đời tại Krakow lúc mới ở vào tuổi 33, hôm 5/10/1938, nổi tiếng về đời sống nội tâm sâu xa và kết hợp nhiệm mầu với Thiên Chúa. Tiến Trình điều tra phong thánh cho chị được bắt đầu vào thời đoạn 1965-1967 ở Krakow, và Tiến Trình Phong Chân Phước cho chị được bắt đầu ở Rôma năm 1968 và chấm dứt vào năm 1992. Vào ngày 18/4/1993, ĐTC GPII đã phong thánh cho chị.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, trích dịch từ tài liệu VIS
 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ