GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 4/2005

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho Kitô hữu sống các ngày Chúa Nhật của mình thực sự hơn như là những ngày của Chúa được giành đặc biệt cho Thiên Chúa và cho tha nhân”.

 

Ý Truyền Giáo: Xin cho hết mọi cộng đồng Kitô hữu có được một nhiệt tình nên thánh để thắp lên nhiều ơn gọi truyền giáo.  


 

__________________

 NGÀY 6 THỨ TƯ

 

Tổng Hội Hồng Y lần 3 về giai đoạn trống ngôi giáo hoàng

Ngày Thứ Ba 5/4/2005, tại văn phòng báo chí của tòa thánh, ĐTGM Piero Marini, trưởng ban ngi lễ phụng vụ giáo hoàng, và giám đốc văn phòng báo chí tòa thánh Joaquín Navarro-Valls, đã thực hiện một cuộc họp báo để phổ biến một số tin tức về cuộc họp hôm nay của các vị hồng y cũng như về giai đoạn trống ngôi giáo hoàng.

Vị giám đốc văn phòng báo chí tòa thánh cho biết “tổng hội lần ba được diễn tiến hôm nay với sự tham dự của 88 trong 91 vị hồng y có mặt tại Rôma”. Những vị tham dự xét đến những vấn đề “liên quan tới việc an táng ĐGH và mật nghị sắp tới, nhưng ngày giờ vẫn chưa được ấn định”.

Sau đó, trả lời cho những vấn nạn được các ký giả đặt ra, vị giám đốc này cho biết “tên của vị hồng y ‘còn giữ kín’ chưa được công khai hóa. Chúng ta cần phải chờ đợi xem điều này có được đề cập đến trong lời trăn trối chưa được đọc hay chăng”.

Vị giám đốc này xác nhận là Đức Gioan Phaolô II sẽ được chôn trong lòng đất như chính ngài muốn, và nơi chôn táng sẽ cùng một nơi Chân Phước Giáo Hoàng Gioan XXIII được chôn táng trước đây”.

Theo truyền thống, thân thể của Vị Giáo Hoàng này được đặt trong một quan tài ba lớp: một lớp bằng gỗ bách hương, lớp thứ hai bằng kẽm và lớp ngoài cùng bằng gỗ linh sam. Sẽ có một nghi thức nữa bao gồm việc phủ mặt của ngài bằng một chiếc khăn lụa, trước khi đóng lớp quan tài gỗ hương bá lại. Những mề đay bằng đồng và bằng bạc của giáo triều này cũng được để trong quan tài, cùng với một bản viết bằng giâá da tóm lược đời sống của vị giáo hoàng được để trong một cái ống dài. Vị giám đốc trả lời một câu hỏi khác liên quan đến việc “thi thể của Đức Gioan Phaolô II vẫn chưa được ướp”.

ĐTGM Marini đề nghị các ký giả đọc hai tập tài liệu được đề cập đến trong khoản số 27 của Tông Hiến “Universi Dominici Gregis” 1996 của ĐTC GPII để hiểu hơn về các nghi thức đặc biệt liên quan đến cái chết và việc chôn táng một vị giáo hoàng cùng mật nghị bầu tuyển vị mới, nhất là “Ordo Exseqiarum Romani Pontificis” và “Ordo Rituum Conclavis”. Vị TGM này đã cắt nghĩa kỹ càng về một số các nghi thức ấy, rồi nói có ba người đặc biệt giữ vai trò quan trọng trong thời gian “trống ngôi giáo hoàng”, đó là vị tổng quản, vị trưởng hồng y đoàn và vị trưởng ban nghi lễ giáo hoàng.

Vị TGM này còn cho biết có 3 nơi tập trung để thi hành các nghi thức đặc biệt giành cho vị giáo hoàng quá cố là “nhà” người quá cố, trong trường hợp này là Sảnh Đường Clementine, nơi thi thể của ngài đã được đặt ở đấy gần 1 ngày cho các phần tử của Tòa Thánh Rôma kính viếng, Đền Thờ Thánh Phêrô, nơi tín hữu được dịp kính viếng trong vòng 3 ngày, và nơi yên nghĩ cuối cùng của ĐTC trong khu hầm mộ của Đền Thờ Thánh Phêrô.

Đức TGM này cũng nhấn mạnh đến một trong những điều được ĐTC GPII đổi mới liên quan tới giai đoạn mật nghị, tức là giai đoạn các vị hồng y tuyển cử, hiện này là 117 vị, trú ngụ tại cư xá Nhà Thánh Matta Domus Sancta Marthae ở Vatican, tách biệt khỏi nơi các ngài sẽ bỏ phiếu ở Nguyện Đường Sistine. Các ngài sẽ cử hành phụng vụ tại nguyện đường nơi cư trú hay tại các nguyện đường khác ở Vatican. Như thế, Thánh Vatican, chứ không phải chỉ có Nguyện Đường Sistine, được coi là địa điểm của cuộc mật nghị tới đây.

Các vị hồng y tuyển cử phải ở trong Vatican trọn thời gian của cuộc mật nghị, không ai được giao tiếp với các ngài như các ngài di chuyển giữa khoảng cách Nguyện Đường Sistine với nơi cư trú của các ngài, và tất cả mọi hình thức truyền thông với thế giới bên ngoài đều bị cấm không được phép làm.

Vị TGM nói tiếp, như đã thực hiện trong quá khứ, cái lò trong Nguyện Đường Sistine sẽ được sử dụng để đốt những lá phiếu mỗi lần bầu phiếu. Công chúng sẽ biết được kết quả của việc bỏ phiếu qua khói thoát ra từ ống khói của Nguyện Đường Sistine: khói đen cho thấy việc chọn bầu chưa xong, khói trắng cho biết việc chọn bầu đã xong.

 


ĐTC GPII: Hằng trăm ngàn người đến kính viếng thi hài của ngài ở Đền Thờ Thánh Phêrô và hướng về từ khắp nơi trên thế giới

 

Ở Warsaw Balan, trên 200 ngàn người đã tập trung ở địa điểm viếng thăm quê hương lần thứ nhất năm 1979 của Đức Hồng Y Karol Wojtyla khi đã trở thành một vị tân giáo hoàng.

Bà thị trưởng của tỉnh Wadowice là quê của ngài đã lên đường đi Vatican, mang theo một bịch đất mà bà hy vọng sẽ được chôn táng với vị giáo hoàng này theo truyền thống Balan.

Ở Dublin, Ái Nhĩ Lan, hằng trăm người đã hợp với các vị lãnh đạo giáo hội và chính trị để dâng Lễ tưởng nhớ đến vị giáo hoàng đầu tiên đến thăm xứ sở của họ, một trong những xứ Công Giáo Rôma sùng đạo nhất ở Âu Châu.

 

Hơn 1 triệu người thương tiếc đã xếp hàng đi ngang qua thi thể của vị giáo hoàng trong 24 tiếng đầu tiên. Rôma đang sửa soạn một lực lượng an ninh khổng lồ để bảo vệ cho cả 200 nhà lãnh đạo khắp thế giới đang đổ về Vatican. Đoàn người xếp hàng ngang 35 người một theo nhau từ Quảng Trường Thánh Phêrô kéo dài cho tới vài khu đường ngoài Vatican. Hầu hết thành phần cả chục ngàn người chờ đợi trong hàng, có thể kéo dài cả 12 tiếng đồng hồ, là ở Ý quốc, nhưng Rôma đã bắt đầu tràn đầy những người ngoài Ý quốc tới nhập cuộc xếp hàng.

Thị trưởng Rôma là Luca Odevaine cho biết các viên chức đã biến địa điểm Roman Circus Maximus cổ kính thành một khu trại cho khách hành hương trú ngụ.

 

Khoảng 200 thành phần lãnh đạo trên thế giới sẽ đến tham dự Lễ An Táng của vị cố giáo hoàng vào lúc 10 giờ sáng Thứ Sáu. Các vị này thường tới vào ngày Thứ Tư. Các vị sẽ có một hàng riêng để kính viếng thi thể của vị giáo hoàng này.

Ông thị trưởng Rôma cho biết: “Chúng tôi hy vọng phái đoàn đại biểu sẽ đến rồi đi cùng một ngày, vì chúng tôi không thể điều hành được hộ tống người ta đi quanh phố xá và mọi sự khác”. Vị Bộ Trưởng Nội Vụ Ý đã nói rằng các loại xe bọc sắt sẽ được sử dụng cho các vị lãnh đạo và thêm 6 ngàn cảnh sát viên được sử dụng cho lễ an táng này.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã từ chối yêu cầu của phạm nhân Mehmet Ali Agca, người đã bắn ĐTC GPII làm cho ngài bị trọng thương vào năm 1981, xin được rời nhà tù để tham dự lễ an táng của vị giáo hoàng đã bị yếu đi kể từ khi thoát chết này, luật sư của anh ta đã nói với cơ quan Reuters như thế.

 

Khoảng từ 15 đến 18 ngàn người mỗi tiếng đồ hồ ghé qua kính xác vị giáo hoàng quá cố. Thẩm quyền Ý nghĩ rằng họ nghĩ rằng có tới 2 triệu người tràn đầy Vatican và các đường xá chung quanh Rôma vào những ngày tới đây.

Những cuộc viếng xác sẽ được kết thúc vào đêm Thứ Năm để Vatican sửa soạn cho lễ an táng Thứ Sáu. Các viên chức phải công nhận rằng, vì con số quá đông trong hàng ngũ mà không phải hết mọi người đều được thấy xác của vị giáo hoàng này.

Thượng Viện Hoa Kỳ đã thông qua một quyết nghị tôn kính vị giáo hoàng này với số phiếu 98-0 vào chiều Thứ Ba 5/4/2005. Bản quyết nghị này đã gọi ngài là “một trong những nhà lãnh đạo tinh thần và bậc thày về luân lý cao cả nhất của thời đại tân tiến này”. Các thượng nghị sĩ nói rằng Đức Gioan Phaolô II đã nuôi dưỡng “mối hòa hợp giữa những người Công giáo và Kitô hữu Chính Thống với Tin Lành, vươn tình hữu nghị tới những người Do Thái, Hồi Giáo và các phần tử thuộc những niềm tin khác, cùng nhiệt tình cổ võ mối cảm thông liên tôn”.

 

(The U.S. Senate passed a resolution paying tribute to the pope by a 98-0 vote Tuesday afternoon. The resolution called him "one of the greatest spiritual leaders and moral teachers of the modern era." The senators said John Paul II fostered "harmony between Catholics and Eastern Orthodox and Protestant Christians, reached out in friendship to Jews, Muslims and members of other faiths, and warmly promoted interfaith understanding.")

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ CNN ngày 5/4/2005: Hundreds of thousands say goodbye
 

 

ĐTC GPII: Sứ điệp của ngài vẫn còn in sâu trong lòng người

Trong bài giảng của mình vào sáng Chúa Nhật II Phục Sinh kính Chúa Tình Thương, ĐHY Angelo Sodano, Quốc Vụ Khanh của Tòa Thánh đã bày tỏ cảm nhận của mình về vị giáo hoàng vừa quá cố với những điểm chính yếu tiêu biểu như sau:

Trước hết, vị hồng y chủ tế nói đến cái đau của việc mất đi “người cha và mục tử của chúng ta là Đức Gioan Phaolô II”, vị mà hơn 26 năm đã “luôn kêu gọi chúng ta nhìn lên Chúa Kitô là lý do duy nhất cho niềm hy vọng của chúng ta”.

“Vì hơn một phần tư thế kỷ, ngài đã mang Phúc Âm của niềm hy vọng Kitô giáo đến cho tất cả mọi nơi trên thế giới, dạy cho mọi người biết rằng sự chết chính là cửa ngỏ để về quê hương thiên đình của chúng ta. Định mệnh đời đời của chúng ta là ở đó, nơi Thiên Chúa là Cha chúng ta đang đợi chờ chúng ta.

“Đó là đức tin của chúng ta, đó là đức tin của Kitô hữu. Nỗi đớn đau của chúng ta liền được biến thành một thái độ hết sức bình thản. Tôi đã chứng kiến thấy một sự bình thản ấy, khi đứng nguyện cầu trước giường của ĐTC vào những giây phút cuối cùng của ngài, một sự bình thản của các vị thánh nhân, một sự bình thản xuất phát từ Thiên Chúa”.

“Khi chúng ta khóc thương về cái chết của vị Giáo Hoàng đã lìa bỏ chúng ta ấy, chúng ta hướng lòng mình về viễn ảnh định mệnh đời đời của chúng ta… Chúng ta biết rằng, mặc dù chúng ta là những tội nhân, chúng ta được nâng đỡ bởi tình thương của Thiên Chúa Cha là Đấng đợi chờ chúng ta. Đó là ý nghĩa của Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa hôm nay, một lễ được thiết lập bởi chính vị Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thân yêu vừa ra đi, như là một trong những di sản của giáo triều ngài, để đề cao khía cạnh an ủi nhất của mầu nhiệm Kitô giáo.

“Chúa Nhật này, sẽ là những gì cảm kích khi đọc lại một trong những thông điệp tuyệt vời nhất của ngài, đó là thông điệp ‘Giầu Lòng Thương Xót’ – Dives in Misericordia’, được viết trong năm 1980, năm thứ ba của giáo triều ngài”. Trong bức thông điệp này, vị hồng y quốc vụ khanh tòa thánh cho biết, Đức Gioan Phaolô II “mời gọi chúng ta hãy nhìn lên Chúa Cha, Đấng ‘là tình thương và là Vị Thiên Chúa của mọi niềm ủi an, Đấng an ủi chúng ta trong tất cả mọi ưu phiền đớn đau của chúng ta’”, cũng như nhìn lên “Maria là Mẹ Tình Thương”.

Vị hồng y chủ tế nhấn mạnh đến nhiều lần vị Giáo Hoàng này đã lập đi lập lại qua nhiều năm “rằng những mối tương liên giữa con người cũng như giữa các dân tộc không thể chỉ được dựa vào công lý mà còn phải được hoàn hảo bằng tình yêu nhân hậu nữa, một thứ tình yêu là tiêu biểu của sứ điệp Kitô giáo. Đó là lý do Đức Gioan Phaolô II đã dẫn dắt Giáo Hội của ngàn năm thứ ba Kitô giáo trở thành một người Samaritanô Nhân Lành mới trên các nẻo đường thế giới, trên các con đường của một thế giới vẫn bị rúng động bởi những cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn. Như thế, vị Giáo Hoàng này đã trở thành một điểu khiển viên văn minh yêu thương, khi thấy nơi từ ngữ này là một trong những định nghĩa tuyệt vời nhất về ‘văn minh Kitô giáo’. Phải, văn minh Kitô giáo là văn minh yêu thương, hoàn toàn khác hắn với những thứ văn minh hận thù, những thứ văn minh trong thế kỷ 20 là hậu quả của rất nhiều ý hệ”.

Chớ gì vị Giáo Hoàng này, “từ trời cao, hãy luôn nhìn xuống trên chúng ta và giúp chúng ta ‘vượt qua ngưỡng cửa hy vọng’ là những gì ngài đã nói rất nhiều với chúng ta. Chớ gì sứ điệp của ngài luôn được ghi khắc trong tâm can của con người nam nữ hôm nay. Đức Gioan Phaolô II đã từng lập lại những lời của Chúa Kitô: ‘Con Người đến thế gian không phải để luận phát thế gian mà là để thế gian nhờ Người được cứu độ’”.

Vị hồng y chủ tế nhặc lại rằng Đức Gioan Phaolô II “truyền bá Phúc Âm hy vọng này trên thế giới, khi kêu gọi tất cả Giáo Hội hãy ôm ấp con người ngày nay, nâng họ lên bằng tình yêu cứu độ. Chúng ta hãy lãnh nhận công việc tiếp tục sứ điệp của vị đã để lại cho chúng ta và làm cho nó sinh hoa kết trái vì phần rỗi của thế giới”.

“Với người Cha không thể quên được của chúng tôi, chúng tôi xin nói bằng những lời phụng vụ là ‘Xin các thiên thần dẫn ngài vào Thiên Đàng! In Paradisum deducant te Angeli!’ Chớ gì một ca đoàn hân hoan đón mừng ngài và dẫn ngài đến Thành Thánh là Giêrusalem thiên đình, để ngài được muôn nđời nghĩ yên. Amen!”

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo VIS dịch từ tài liệu của mạng điện toán toàn cầu VIS của Tòa Thánh phổ biến qua điện thư ngày 3/4/2005


ĐTC GPII: 26 năm dẫn dắt Giáo Hội

Vào lúc 4 giờ 45 chiều ngày 14/10/1978, 10 ngày sau lễ an táng cho Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I, 110 vị hồng y tuyển cử cùng với 88 người được chọn để giúp các vị, đã vào phòng mật nghị, hoàn toàn được niêm ấn không được liên lạc gì với thế giới bên ngoài, để tuyển bầu vị thừa kế Đức Gioan Phaolô I.

Vào lúc 6 giờ 18 phút chiều, ngày 16/10, khói trắng đã xuất hiện từ ống khói của Nguyện Đường Sistine báo hiệu rằng các vị hồng y tuyển cử đã chọn được một tân Giáo Hoàng Rôma. 27 phút sau, ĐHY Felici đã xuất hiện ở hàng lang chính bên ngoài Đền Thờ Thánh Phêrô để loan báo việc tuyển chọn Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II lên Ngai Tòa Phêrô bằng những lời như sau: "Annuntio vobis gaudium magnum Habemus Papam Carolum Wojtyla, qui sibi nomen imposuit Ioannem Paulum II."

Vào lúc 7 giờ 15 tối, vị tân giáo hoàng, trong bộ phẩm phục trắng truyền thống của giáo hoàng, đã xuất hiện ở cùng một hành lang và nói bằng tiếng Ý những lời hiện nay đã trở thành quen thuộc với hằng chục triệu người trên thế giới: “Chúc tụng Chúa Giêsu Kitô!”

“Anh chị em thân mến, tất cả chúng ta vẫn còn hết sức buồn đau về cái chết của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I rất thân thương. Và giờ đây chư vị hồng y rất khả kính đã kêu gọi được một vị tân giám mục Rôma. Các vị đã kêu gọi người từ một xứ sở xa xăm,… xa, nhưng lại bao giờ cũng gần gũi trong mối hiệp thông đức tin và truyền thống Kitô giáo. Tôi cảm thấy lo sợ khi lãnh nhận việc bổ nhiệm này, thế nhưng tôi chấp nhận trong tinh thần tuân phục Chúa của chúng ta cũng như bằng lòng tin tưởng trọn vẹn vào Đức Mẹ Rất Thánh Mẹ của Người.

“Tôi không biết tôi có thể bày tỏ rõ ràng bằng Ý ngữ của anh chị em, của chúng ta hay chăng. Thế nhưng, nếu tôi có nói sai cách nào, xin anh chị em sửa lại cho tôi. Vậy tôi xin tự giới thiệu mình với tất cả anh chị em, để tuyên xưng đức tin chung của chúng ta, niềm hy vọng của chúng ta, lòng tin tưởng của chúng ta vào Người Mẹ của Chúa Kitô cũng là Mẹ của Giáo Hội, đồng thời để bắt đầu lại con đường của lịch sử cũng như của Giáo Hội này với ơn trợ giúp của Thiên Chúa và sự hỗ trợ của con người”.

Đức Gioan Phaolô II, Hồng Y Karol Wojtyla, tổng giám mục Krakow, được tuyển bầu làm vị Giáo Hoàng thứ 264 vào đợt bỏ phiếu thứ hai trong ngày thứ hai của mật nghị thứ hai năm 1978, chỉ cách 5 tháng sau ngày sinh nhật thứ 58 của ngài. Sáu ngày sau, tức vào ngày 22/10/1978, ngài đã bắt đầu thừa tác vụ mục vụ của mình.

Tính từ ngày 22/10/1978 thì ngày ngài băng hà 2/4/2005 là ngày thứ 9.664 của giáo triều ngài.

Giáo triều của ngài là giáo triều dài thứ ba trong lịch sử giáo hoàng. Giáo triều dài nhất là giáo triều của Thánh Phêrô (số ngày không rõ), sau đó là Giáo Hoàng Piô IX (1846-1878: 31 năm, 7 tháng, 17 ngày).

Trong 26 năm rưỡi làm giáo hoàng, Đức Gioan Phaolô II đã tổ chức 9 mật nghị để phong tước cho 232 vị hồng y, trong đó có một vị ‘còn giữ kín’. Ngài đã phong tước hồng y cho tất cả (trừ 3 vị) trong 117 vị hồng y tuyển cử sẽ vào mật nghị lần này.

Từ khi bắt đầu giáo triều của mình, Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm trên 3 ngàn rưởi trong số gần 4 ngàn 200 vị giám mục trên thế giới. Ngài đã gặp từng người trong các vị một số lần qua nhiều năm, nhất là khi các vị hoàn tất trách nhiệm viếng thăm tòa thánh ngũ niên của các vị “ad limina Apostolorum”.

Ngài đã viết 14 thông điệp, 14 tông huấn, 11 tông hiến, 42 tông thư và 22 tự sắc chưa kể đến hằng trăm sứ điệp và thư tín khác nữa. Để sửa soạn cho Năm Thánh 2000, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết Tông Thư “Tiến Đến Ngàn Năm Thứ Ba – Tertio Millennio Adveniente”, đề ngày 10/11/1994, và đã ban hành 4 ngày sau đó. Ngài cũng thiết lập một Tiểu Ban đặc trách Đại Năm Thánh 2000.

Ngài đã viết 5 cuốn sách: Vượt Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng (1994), Tặng Ân và Mầu Nhiệm (1996), thi tập Roman Triptych (2003), Hãy Chỗi Dạy, Nào Chúng Ta Đi (2004), và Hồi Niệm và Căn Tính (2005).

Vị Giáo Hoàng 84 tuổi này đã chủ sự 15 thượng hội giám mục: 6 thường lệ (1980 về Gia Đình, 1983 về Thống Hối và Hòa Giải, 1987 về Giáo Dân, 1990 về linh mục, 1994 về tu sĩ, 2001 về Giám Mục), 1 ngoại lệ (1985 Công Đồng Chung Vaticanô II 20 năm sau) và 8 đặc biệt (1980 cho Netherlands, 1991 cho Âu Châu lần nhất, 1994 cho Phi Châu, 1995 cho Lebanon, 1997 cho Mỹ Châu, 1998 [2] cho Á Châu và Đại Dương Châu, 1999 cho Âu Châu lần hai).

Qua năm tháng, Đức Thánh Cha đã thực hiện 104 cuộc tông du mục vụ ngoài Ý quốc, cuộc cuối cùng là Lộ Đức vào Tháng 8/2004. Ngài đã thực hiện 143 cuộc viếng thăm trong Ý quốc và gần 700 trong thành và giáo phận Rôma, bao gồm những cuộc viếng thăm 301 trong 325 giáo xứ thuộc giáo phận ngài làm giám mục, không kể đến những dòng tu, đại học, chủng viện, nhà thương, dưỡng viện, nhà tù và trường học.

Với 247 chuyến viếng thăm mục vụ trong và ngoài Ý quốc, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đi 1.167.295 cây số hay 700.380 dặm, trên 28 lần chu vi trái đất hay 3 lần khoảng cách giữa trái đất và mặt trăng.

Trong khi đó, ở tại Rôma, vị Giáo Hoàng này đã tiếp trung bình một triệu người hằng năm, bao gồm giữa 400 đến 500 ngàn người tham dự các buổi triều kiến chung hằng tuần ngoài những ai đến hành sự các cử hành phụng vụ đặc biệt như Lễ Giáng Sinh và Phục Sinh, phong chân phước và hiển thánh. Ngài cũng tiếp khoảng từ 150 đến 180 ngàn người mỗi năm ở các cuộc triều kiến giành riêng cho các nhóm đặc biệt, các thủ lãnh các quốc gia và chính quyền.

Khi bắt đầu giáo triều Đức Gioan Phaolô II, Tòa Thánh Vatican đã có liên hệ ngoại giao với 85 quốc gia. Hiện nay Tòa Thánh liên hệ ngoại giao với 174 nước, cũng như với Khối Hiệp Nhất Âu Châu và Sovereign Military Order of Malta. Tòa Thánh có liên hệ một cách đặc biệt với Liên Bang Nga và Tổ Chức Giải Phóng Palestine (PLO: Palestine Liberation Organization).

Theo Văn Phòng Cử Hành Phụng Vụ Giáo Hoàng, trên 26 năm qua, vị Giáo Hoàng này đã thực hiện 143 cuộc phong chân phước cho 1.339 vị và 52 cuộc phong hiển thánh cho 483 vị.

Ngài đã thành lập Viện Gioan Phaolô II đặc trách Sahel vào Tháng Hai năm 1984, và Tổ Chức “Populorum Progressio” đặc trách Các Dân Bản Xứ ở Mỹ Châu Latinh vào Tháng Hai năm 1992. Ngài cũng thành lập Các Giáo Hoàng Học Viện đặc trách Sự Sống và Các Khoa Xã Hội Học. Ngoài ra, ngài thiết lập Ngày Thế Giới Bệnh Nhân (được cử hành hằng năm vào ngày 11/2) từ năm 1993, và Ngày Giới Trẻ Thế Giới từ năm 1985. Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 20 vào Tháng 8 này tại Cologne, Đức quốc. Chính Đức Giáo Hoàng chọn các đề tài và diễn giải nội dung của các đề tài ấy trong sứ điệp hằng năm gửi Giới Trẻ thế giới.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ tài liệu của mạng điện toán toàn cầu VIS của Tòa Thánh phổ biến qua điện thư ngày Thứ Hai 2/4/2005.
 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ